Hôm nay,  

Vượt Biển Và Nuôi Con Ăn Học Tại Mỹ

09/11/201000:00:00(Xem: 172004)

Vượt Biển Và Nuôi Con Ăn Học Tại Mỹ

Từ “Vượt Sóng Trùng Dương Tìm Tự Do” tới chuyện “An Sinh Xã Hội và Học Đường Mỹ Quốc”

Tác giả: Paul Tran - Trần Văn Hội
Bài số 3037-28337-vb3110910

Tác giả 74 tuổi, hiện là cư dân vùng Bắc California, tự sơ lược tiểu sử: Trước 30 tháng Tư 1975, công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. "Tình nguyện làm lao động vinh quang 2 ngày cuối tuần, 60 giờ mỗi tháng đúng luật welfaire. Còn thiếu bao nhiêu sở welfaire nuôi cả nhà cho tới khi cháu út học hết trung học mới thôi."
Sau đây là bài viết mới của ông, từ chuyện tổ chức vượt biển đến việc nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ.

***

Kính thưa quý vị, sau khi bài số 1 "Tâm Thư Gửi Về Cố Quốc" được đăng lên Việt Báo Daily News, tôi đã nhận được nhiều lời vàng ngọc của một số bạn bè khắp nơi phone tới, vì thế, nên tôi mới viết thêm bài số 2 "Vượt Sóng Trùng Dương Tìm Tự Do". Và sau đó ráng viết tiếp bài số 3 "An Sinh Xã Hội và Học Đường Mỹ Quốc" cho đầy đủ một cuộc "tái đổi đời" của gia đình Paul Tran, tức Trần Văn Hội - có cái số "tiền hung hậu kiết" đã may mắn sống ở Mỹ vừa tròn 32 năm.
Sau đây là hai bài viết.

I. Vượt Sóng Trùng Dương

Thế là ngày trong kế hoạch vượt biển dự trù đã đến. Toán thủy thủ số 1 trên thuyền lớn (thuyền mẹ) chỉ có 4 tên đàn ông, trong đó có Paul Trần, tức Trần Văn Hội xuất phát từ tân cảng Hàng Xanh, xa lộ Biên Hòa lúc xế trưa ngày Chủ Nhật, cuối tháng 10 năm 77. Chiếc thuyền ấy màu xanh đậm, dài 12m50, ngang 2m50 lướt sóng băng ngang pho tượng đức Thánh Trần, tổ phụ của Hải quân VNCH đang uy nghi tuốt gươm thiêng chỉ thẳng biển Đông trên công viên ghế đá bến Bạch Đằng giang, sông hùng dũng Sài Gòn.
Tôi, Paul Tran, năm ấy đúng 42 tuổi xuân chưa già cùng 3 thủy thủ dỏm, biết lái tàu, biết xử dụng la bàn định hướng cho thuyền ra khơi đang đứng trên con thuyền định mệnh này, mang số giả là "SG 009". Áp 2 bên hông mui đều đóng 2 cái bảng đỏ dài 1m kẽ chữ vàng cũng giả là "Sở Thủy Lợi", cắm thêm cây cờ máu trên đầu mui thuyền phía trước gió bay phần phật để che mắt công an biên phòng.
Đặc biệt chỉ có tôi, Paul Tran, đóng vai như một thuyền trưởng chính hiệu giống hệt cán bộ VC từ Bắc vô Nam, đầu đội nón cối, mặc áo cháo lòng, quần chó táp vải thô xanh bạc màu, chân mang đôi bata cũ đứng hiên ngang ngay mũi thuyền tằng hắng mấy tiếng thật lớn, rồi hô to: Hỡi 3 thủy thủ dỏm rất thương thương. Hãy cùng tôi nghiêng mình vái Ngài 3 lạy, Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta tới bến Vinh Quang. Thế là cả 4 anh em chúng tôi đều nghiêm chỉnh vái đức Thánh Trần 3 lạy. Rồi Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi từ từ mất hút sau đuôi con thuyền.
Toán thứ 2, gồm 2 thủy thủ đàn ông, 7 phụ nữ và 11 trẻ con đi trên chiếc ghe nhỏ (thuyền con) xuất phát từ bến sau chợ Phú Xuân Nhà Bè bên Khánh Hội. Lúc 9 giờ sáng từ từ lướt thẳng đến một cái cồn cát có nhiều bụi rậm khoảng giữa Sài Gòn - Vũng Tàu, rồi núp ở đó chờ màn đêm buông xuống, thuyền mẹ sẽ tấp vào đón. Hai bên thuyền mẹ, ghe con đều có cây đèn pin, khi đối diện gần nhau trong đêm tối, cả hai đều phải bấm đèn chớp chớp 2 lần, 4 lượt mật hiệu để nhận nhau, nếu chắc chắn ngay boong thì nhanh như cắt 2 thuyền sẽ sáp lại kề nhau, bốc hết "chiến sĩ lưu vong" sang thuyền mẹ, điểm danh đầy đủ không thiếu một ai, rồi quay mũi thuyền về hướng Vũng Tàu tiến thẳng biển Đông.
Khi trời vừa hừng sáng, thuyền mẹ đã vượt khỏi hải phận Việt Nam, lập tức thuyền trưởng dỏm Paul Tran được vinh thăng ngay chức "Anh Nuôi" đặc trách nấu cơm, đun nước, pha cà phê, quậy sữa bò cho toàn thể chiến sĩ lưu vong ăn uống cầm hơi chờ ngày cập bến vinh quang. Lá cờ máu, 2 tấm bảng kẻ Sở Thủy Lợi, kèm theo cái nón cối được quăng ngay xuống biển một cách rất là vui vẻ, khỏe re. Nhiều tràng pháo tay rốp rốp nổ vang, tiếng cười sảng khoái bay lên không gian mờ mờ cao vút. Con thuyền tà tà vượt sóng xa dần quê cha đất tổ thương yêu, hẹn ngày tái ngộ khi  cả nhà Việt Nam đã tự do no ấm.
Kế hoạch nhỏ trong mấy lá gan lì vừa kể, đem thi hành chỉ một ngày là thành công mỹ mãn, có vẻ quá dễ dàng. Nhưng duyệt xét lại kể từ ngày khởi sự vạn đầu nan, thì thật là trần ai. Nếu thiếu mấy bộ óc thông minh chụm lại góp ý, chắc đã thất bại ê chề, mang đại họa, tiền mất, mạng cũng chả còn.
Những điều cực kỳ khó khăn phải vượt qua là:
1. Bí mật kết bạn đồng hành kiên gan, kín đáo, có vàng góp vốn đủ để đóng 2 cái thuyền.
2. Âm thầm sang kho 5 bến Chương Dương thuê thợ đóng thuyền qua mặt công an.
3. Dò dẫm tìm đường đi nước bước từ sông Sài Gòn ra tận Vũng Tàu để biết chốt nào nguy, điểm nào hiền hòa dễ núp, nắm chắc an ninh, định ngày xuất quân chớp nhoáng, mất ngót 1 năm.
4. Phải lo toan đầy đủ dầu mỡ chạy thuyền, đồ ăn, gạo nước, chăn mền, quần áo để nuôi sống toàn dân trên thuyền mẹ ít nhất một tháng khi lênh đênh trên biển cả, 2 cái đèn pin, 1 la bàn định hướng.
Bốn điều kiện  nêu trên đã hoàn tất tuyệt vời, tránh được trăm phần trăm tan gia bại sản. Thật là phúc đức tại mẫu, ở hiền gặp lành. Xin tạ ơn Thượng Đế đã ban cho đám anh em đồng hành của chúng tôi có mấy bộ óc thông minh sáng sủa, đã góp đủ vàng lập thế xuất quân, còn có mưu cao, diệu kế để đem toàn thể gia đình vợ con chúng tôi thoát ách độc tài đảng trị, không bị mạt rệp tương lai, chỉ một lần xuất quân đầu tiên là đã đại thắng.
Sau 9 ngày lênh đênh trên biển cả không hề gặp sóng to, gió lớn, hung đồ, hải tặc. Con thuyền định mệnh mang số dỏm "SG 009" đã an toàn cập bến Songklha Thái Lan. Tất cả thuyền nhân được phép tạm trú trong trại tị nạn.
Sau 2 tháng, gia đình tôi được phái bộ di trú Mỹ đến phỏng cấn và được chấp thuận cho định cư tại Hoa Kỳ. Rồi đúng sáng ngày mồng 9 tháng 1 năm 1978, chiếc Boeing 747 hạ cánh xuống phi trường San Francisco đã chở theo gia đình Paul Tran, tức Trần Văn Hội đến Mỹ để thật sự đổi đời.

II. An Sinh Xã Hội và Học Đường Mỹ Quốc

Xin được vào đề ngay: Sáu tháng đầu vào Mỹ, cả nhà tôi đều cứ như là mắc bệnh ngọng ngịu, lãng tai, chân cứng tay mềm, đi xa không được, chỉ mạnh dần lên khi người chủ chốt gia đình là tôi thi đậu cái bằng lái xe, và mua lại được cái xe Pinto cũ kỹ thay chân, chở cả gia đình vi vu chợ búa, hang cùng ngõ hẻm, freeway vun vút 5 đường song song, thì từ từ cuộc đời mới tiến.
1. An sinh xã hội: Ở nước ta, kể cả hai bên Quốc, Cộng chả ai biết an sinh xã hội là gì, vì không có. Nhưng ở Mỹ phải biết đến Sở Welfare và Luật Welfare, nếu không, vào Mỹ định cư với hai bàn tay trắng gồm 6 mạng như gia đình chúng tôi, chắc chỉ ngáp dài 2 buổi là đi đoong luôn. Theo kinh nghiệm đã nuôi con, nay đang lãnh tiền hưu, cộng với tiền già (SSA + SSI) tôi xin diễn tả chút chút về Welfare để vị nào chưa rõ, đọc chơi cho biết nước đại cường.
Welfare là một cơ quan xã hội được chính phủ lập ra để giúp đỡ những gia đình hợp pháp có từ 1 đến đông con nghèo khó. Welfare cấp tiền mặt, foodstapms để mua thực phẩm, medical để đi khám bệnh, nằm nhà thương, mua thuốc uống. Welfare chỉ giúp đỡ các gia đình khó khăn một thời gian cho khỏe là thôi. Cơ quan này chỉ giúp vĩnh viễn những người tàn tật, mất khả năng làm việc và những người già từ 65 tuổi trở lên. Nhưng diện bảo lãnh ODP thì không được những trợ cấp này.
Dân mới nhập cư hợp pháp vào Mỹ dĩ nhiên còn nghèo chưa biết gì hết,  sẽ được Sở Welfare tận tình giúp đỡ theo luật định. Trẻ con đi học, cha mẹ chưa già cũng phải đi học. Trẻ con vào lớp mẫu giáo, tiểu học, hoặc trung học. Cha mẹ vào học lớp ESL (Anh văn vỡ lòng sơ cấp), rồi học nghề chuyên môn ngắn hạn. Học xong phải đi bắt job, nếu không là rắc rối to với sở Welfare. Nhưng luật không bắt ép gia đình đông con. Chủ gia đình mà bắt cái job đi làm 60 giờ 1 tháng là "bà Eo" nhất định nuôi cả nhà cho tới khi nào con út 18 tuổi tốt nghiệp trung học mới thôi, không hề làm khó. Đó là theo tôi biết từ ngày vào Mỹ (Jan 9, 1978) cho tới 1996 cháu Francis út học hết high school. Nhưng nay nền kinh tế Mỹ đang bay ngang ngọn cỏ, thì không hiểu luật Welfare đã thay đổi gì chưa.


Vạn sự khởi đầu nan, đi nước Lào ăn mắm ngóe, tị nạn bên Mỹ thì theo luật Welfare, cả nhà đi học, ăn hamburger, Taco Bell, uống Coca Cola thả giàn. Chúng tôi hoàn toàn thượng tôn pháp luật. Nhìn đàn con 4 đứa còn non dại, tôi biết phải làm gì để take care con thành người hữu dụng. Các con vào trường mẫu giáo, các lớp 1, 2, tôi và bà xã cũng ghi tên vào lớp ESL, cầy từ level 1 cho tới level 4 ở San Lorenzo Adult School.
Hết lớp Anh văn, mò vào khóa Electronic Assembly. Tiếp nối đường banh, xin nhập luôn khóa Electronic Technician. Cứ vừa học vừa đón rước đàn con sớm chiều. Hễ con cần bố ở đâu là có mặt bố và cái pinto ở đó. Còn mẹ đeo lon nội tướng hoàn toàn làm chủ nồi cơm thơm phức là OK rồi. Sau một thời gian đầu dài mấy năm, hai vợ chồng lãnh bằng cấp đầy mình. Nhưng cái số không làm quan, sao quả tạ cứ chiếu vào cả tay lẫn chân.
Nhân danh đàn con yêu dấu, tôi xếp hết bằng cấp vào ngăn kéo tủ sách trong phòng ngủ, đi bắt cái job Photoman làm weekend 60 giờ 1 tháng của hãng rửa hình Fuji Trucolor Photo, Hayward City gần nhà cho tới ngày về hưu non 62 vì 2 cháu lớn đã thành tài trước, bố khỏi lo, các con tiếp tục bỏ tiền đong gạo thay bố, cả nhà quanh năm cứ vui như tết An Nam.
Hồi cháu gái Linda và Francis còn học lớp mẫu giáo và lớp 1, 2, 3, tôi cũng thường tới lớp các cháu take care và giúp luôn cả con nít Mỹ còn nhỏ, nên nhà trường còn tặng cho cái giấy khen "Parent Volunteer", Mỹ họ gọi là "Certificate of Award Parent Volunteer" về treo tường rất oách! Nhờ mò mẫm vào trường giúp con cái, nên tôi tìm hiểu thêm cho rõ ràng Học Đường Mỹ Quốc. Xin tả rõ dưới đây:
2. Học Đường Mỹ Quốc: Trường học Mỹ từ lớp 1 đến lớp 12 trung học, học sinh nghèo không phải đóng tiền học và tiền ăn trưa. Học sinh nhà giàu thì phải đóng tiền ăn. Muốn biết con cái mình học giỏi hay kém, cứ tam cá nguyệt, 3 tháng, trường học sẽ gởi về nhà cái report, ghi rõ môn học số điểm bằng chữ A, B, C..., tên thầy dạy, lời phê bình. Ý nghĩa của những chữ A: Excellent (ưu hạng), B: Above average (trên trung bình), C:  Average (trung bình), D: Below Average (dưới trung bình), F: Failing (rớt dài). Nếu thầy phê: Outstanding là con mình ngoại hạng, lãnh toàn A có cả A+ nữa đấy.
Nếu tốt nghiệp high school mà muốn vào đại học danh tiếng thì phải có những điểm như sau: GPA (điểm học nhà trường) toàn A là 4 [chấm], SAT (điểm thi Anh văn và Toán liên bang) tối đa là 1,600, nhưng cứ lấy được từ 1,200 trở lên, và điểm Thể Thao, Xã Hội, Cộng Đồng rất tốt nữa, thì những trường danh tiếng như Harvard, Stanford, MIT, UCLA, Berkeley ... sẽ dễ dàng nhận vào hơn. Sĩ quan West-Point, Navy, Airforce thường gửi thư chúc mừng và sẵn sàng welcome. Nếu gửi đơn xin, rất dễ dàng được OK.
Về học bổng, có rất nhiều học bổng lớn nhỏ khác nhau tùy theo cơ quan, hãng xưởng, trường học cung cấp. Phải là học sinh giỏi đã có quốc tịch Mỹ mới được dự tranh, tức là thi tài, đến nơi phỏng vấn xuất sắc mới hy vọng thắng. Học sinh nhà giàu không được xin học bổng, cha mẹ phải lo hết khi con vào đại học.
Ngoài ra, tất cả sinh viên, nếu hội đủ điều kiện, đều có thể xin financial aid/ grant, hoặc mượn student loan và đi học ở các trường đại học cộng đồng (community college). Về lãnh vực học hành và bắt job, nước Mỹ rất công bằng, không phân biệt, kỳ thị giàu nghèo, quyền cao chức trong hay lao động đổ mồ hôi. Cứ giỏi là vào đại học lớn và cứ xuất sắc là bắt được job thơm theo nghề. Vì thế nước Mỹ có rất nhiều danh tài xuất chúng làm lợi cho quốc gia hơn các nước khác trên thế giới rất nhiều.
Đúng như thế, để chứng minh cụ thể, bốn anh em nhà họ Trần: Michael, Peter, Linda, Francis bố mẹ nghèo rớt mồng tơi, da vàng mũi tẹt, lao động chưa vinh quang, nhưng tốt nghiệp High School đều từ top ten, hạng 3, Á Khoa hạng 2, cho đến Thủ Khoa hạng nhất được vào học UC Berkeley với học bổng toàn phần và rất nhiều bằng khen.
Luật học đường Mỹ, hễ tốt nghiệp Á Khoa, Thủ Khoa trung học là được đọc diễn văn. Anh em họ Trần có 3 bài diễn văn, rất tiếc anh cả Michael Tran đứng hạng 3 khi tốt nghiệp, nếu chỉ hạng nhì thôi là họ Trần đã gom đủ 4 bài diễn văn rồi.
Các cụ ta thường nói: giàu con út, khó con út. Tấm hình in cả nhà trong bài số 1 "Tâm Thư Gửi Về Cố Quốc" cháu út Francis Tran đang được mẹ bồng trên tay, thêá mà thoáng một cái, tháng 6 năm 1996, cháu đã dõng dạc đọc một bài diễn văn khi tốt nghiệp Á Khoa (Salutatorian) tại San Lorenzo High School, 269 nam nữ bạn đồng khóa và ngót 3 ngàn phụ huynh hợp chủng đã nhiều lần vỗ tay tán thưởng. Chấm dứt bài diễn văn toàn thể 269 bạn đứng phắt dậy, tung mũ lên trời, hô to hoan hô Francis. Thầy hiệu trưởng cũng nói cảm ơn.
Kết thân với cuốn tự điển Anh-Việt của Nguyễn Văn Khôn ngày xửa ngày xưa, tôi xin phỏng dịch theo trình độ Anh ngữ "ESL" bài diễn văn của Á Khoa Francis Tran để cống hiến quý vị đọc chơi và cùng suy ngẫm so sánh hai tuổi trẻ đồng lứa ở Mỹ và ở Việt Nam có khác nhau chăng.
 Sau đây là mấy đoạn chính trích từ Diễn văn của Á Khoa Francis Tran, đọc trong Lễ Tốt Nghiệp San Lorenzo High School, tại: Rạp Hát Paramount Oakland, chiều ngày 13 tháng 6 năm 1996.

Remember: You Are Francis Tran
Hãy Nhớ Rằng: Bạn là Francis Tran
- Kính thưa quý vị thành Viên trong Ban Giám Đốc
- Kính thưa thầy Hiệu Trưởng Glenn
- Quý vị Giáo Sư - Quý vị Phụ huynh
- Và các bạn học thân mến
Hôm nay sau 13 năm dài cặm cụi miệt mài đèn sách, tôi đã tốt nghiệp.  Nhiều bằng hữu đã yêu cầu tôi nên nói vài lời và tôi đã đứng đây để tâm sự với các bạn một nỗi niềm sâu đạâm trong lòng tôi. Mười ba năm dùi mài kinh sử, và suốt mười ba năm đó, tôi đã học được một điều quan trọng là đời sống quá phức tạp!
Một ngày nào, vào một buổi sáng, quý bạn ôm hôn cha mẹ rồi nói lời tạm biệt để đi tìm một chân trời mới. Tôi hồi tưởng lại lớp Mẫu giáo như ngày hôm qua. Tôi nhớ lại thời gian ngắn ngủi, những ngón tay măng vấy vết sơn màu, và vui chơi những trò chơi con nít, có lúc té nhào vào chiếc đu rồi òa lên khóc, rồi hôn những cô bạn nhí dễ thương. Nhưng mười ba năm đã qua rồi! Giờ đây tuổi thơ đã bay vèo mất hút và tôi đã trở thành người lớn. Tôi chưa cảm thấy tôi đã lớn. Thật vậy, tôi vẫn cảm thấy tôi còn đi học ở tuổi măng non. Tôi chưa hình dung ra thế nào là người lớn. Tôi thường nghĩ rằng khi bạn trở thành người lớn, bạn sẽ phải ràng buộc vào chuyện lấy vợ, sinh con. Điều này tôi chưa hề nghĩ tới. Tôi muốn ngày mai thức dậy đi học y như tôi đã đi học mười ba năm qua. Tôi muốn đi tới dãy phòng đầu có thầy Levy dạy tôi lớp Lý, Hóa. Tôi muốn gặp thầy Rhodes nói chơi vài câu khôi hài, rồi cười thật to "Ha ha! Chúc thầy may mắn, thầy Rhodes ơi." Tôi muốn những cô bạn thân thương chạy lại nói với tôi rằng: Này Francis tếu, chú mày đáng bị phạt ngập gông dài dài!
Tôi muốn thầy Hathweel và bà giáo Guevera nói với tôi rằng: Tôi không thể hành văn được nếu tôi cứ rườm rà, diệu vợi. Rồi hai vị còn phán thêm: Tôi là một học sinh... vĩ đại nhất mà họ chưa từng thấy. Nhưng tất cả đã không còn nữa bởi vì trung học đã mãn rồi.
Ngày mai đây, khi tôi thức giấc, tôi sẽ trở thành một học sinh tốt nghiệp trung học. Vài tháng sau, tôi sẽ trở thành một sinh viên mới của năm đầu đại học, và sau bốn năm tốt nghiệp, chuyện gì sẽ chờ đợi tôi ở thế giới bên ngoài, tôi không có ý kiến. Nhưng tôi hiểu rõ, có thể tôi sẽ trở thành người giàu nhất thế giới hoặc là một tên tồi bại quay về thăm thầy Glenn và chiếc xe Honda Accord của ông (lời người dịch: Thầy hiệu trưởng Glenn đi làm bằng xe Honda Accord, và học sinh thường hay chọc ghẹo thầy).
Tôi hiểu mọi sự rằng: không còn vui thú những trò chơi con nít nữa. Tôi cảm thấy nỗi buồn dâng cao, và ý thức rằng: một phần quan trọng của đời tôi đã chấm dứt! Tôi sẽ ghi nhớ ngày chót của một đoạn đời, và thành thật tâm sự với các bạn tại San Lorenzo. Tôi không tin rằng hôm nay lại là ngày cuối cùng của chúng ta đứng nhìn nhau. Và khoảng hai mươi năm sau, khi tôi ngồi nhấm nháp chút sâm banh trong tòa lâu đài của tôi, tôi sẽ nói: "Tôi đã học tại San Lorenzo. Tôi là Francis Tran. Và tôi là người chiến thắng!"
Paul Trần - Trần Văn Hội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến