Hôm nay,  

Chuyện Hậu Trường: Kỷ Niệm 10 Năm

04/11/201000:00:00(Xem: 354047)

Chuyện Hậu Trường: Kỷ Niệm 10 Năm

Tác giả: Khôi An
Bài số 3034-28334-vb5110410
 
Tác giả đã 2 lần liên tiếp nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Tác Phẩm Trong Năm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu"”  Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Bài mới của cô là chuyện hậu trường giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ 10.

***

Thấm thoát mà tháng Mười đã về với màu đỏ lá phong và màu cam bí rợ. Miền Bắc California năm nay có những ngày Thu nắng đẹp làm tôi nhớ đến hai câu thơ "Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung, Có ai đàn lẻ để tơ chùng..."  (*) Lòng tôi cũng thấy chút bâng khuâng, nhưng đó là niềm nhớ về một mùa Hè nhiều kỷ niệm vui. Những hình ảnh đẹp tươi, những cảm xúc bồi hồi vẫn làm tôi mỉm cười khi nhớ lại...
Ngay từ tháng Năm năm 2010 nhóm tác giả sinh hoạt trong nhóm Việt Bút đã bàn nhau cách tham gia giải  Viết Về Nước Mỹ và buổi lễ phát giải năm 2010. Buổi lễ năm nay đặc biêt lắm vì cũng là dịp kỷ niệm Viết Về Nước Mỹ tròn mười tuổi. Những ý kiến, lời bàn từ bờ Tây sang bờ Đông, từ tiểu bang Minnesota miền Bắc tới vùng Texas phía Nam bay qua bay lại phơi phới trên mạng. Ai cũng hào hứng, ai cũng muốn góp tay giúp cho Viết Về Nước Mỹ ngày càng lớn mạnh và buổi họp mặt năm thứ mười thật là "xôm tụ". Cuối cùng, cả nhóm quyết định tập trung vào ba lãnh vực: dịch bài viết sang tiếng Anh để in thành sách Writing On America, ủng hộ và góp phần quảng bá sách, đồng thời góp lời chúc mừng, phổ biến tin tức về buổi họp mặt phát giải thưởng, kỷ niệm mười năm và ra mắt sách.
Quyết định vậy nhưng tôi vừa tham gia buổi trình diễn 35 Năm Nhìn Lại 1975-2010 do trung tâm IRCC tổ chức ở San Jose thật thành công nên tinh thần văn nghệ vẫn còn sôi nổi. Tôi òn ỉ với chị Iris và nhóm tác giả đã và đang sống tại Bắc California "Hay là mình hỏi xem các tác giả có thể đóng góp thêm một vài màn cho vui"" Sau vài lần bàn thảo, chúng tôi đồng ý rằng tuy ở xa nhau nhưng một bài hát và vài một tiết mục nho nhỏ thì chắc là làm được. Thế là mọi người bắt đầu lên kế hoạch ...
Ai đã từng gặp gỡ nhóm tác giả Viết Về Nước Mỹ trong những năm qua đều biết Phương Dung và Thụy Nhã. Hai tác giả trẻ đẹp này không những nhiệt tình, mà còn giỏi giang, tháo vát. Chúng tôi đề nghị màn đố vui về kiến thức Viết Về Nước Mỹ và nhiều tiết mục hấp dẫn khác. Phương Dung mời thêm Cao Minh Hưng, một tác giả trẻ từng hiện diện trong rất nhiều sinh họat văn nghệ ở Nam California, và Khánh Vân, đương kim chủ tịchViệt Bút   tên nhóm sinh hoạt của các tác giả Viết Về Nước Mỹ. Buổi họp đầu tiên cuả  Ban Tham Mưu Năm Người' gồm có Phương Dung, Thụy Nhã, Khôi An, Minh Hưng, và Khánh Vân. Phương Dung điều khiển buổi họp rất khoa học: những chi tiết cần bàn bạc được gởi cho mọi người tham khảo trước, và Phương Dung còn sử dụng WebEx, một phương tiện mới để họp qua mạng Internet. Đúng giờ hẹn, mọi người lên WebEx theo lời chỉ dẫn từ email của Phương Dung. Tôi không bị trục trặc gì nên nối vào khá nhanh, thấy trên màn hình Phương Dung ngồi  oai vệ  trước bàn giấy đang chỉ cách cho Minh Hưng vào họp. Nhìn sang màn hình nhỏ bên cạnh, cô bé Thuỵ Nhã đang cầm điện thoại ngồi ... bó gối trên giường vì lúc đó đã là 10 giờ ở Florida. Loay hoay một lúc thì Minh Hưng và Khánh Vân cũng nối được vào và năm ngươì bắt đầu đi vào chi tiết để bầu chọn trong số tiết mục do mọi người đóng góp từ trước.  Bộ Tham Mưu' làm việc rất hữu hiệu nhưng vì ý kiến nào cũng hấp dẫn, nên khi họp xong là gần 12 giờ đêm Florida. Tôi và Minh Hưng bên bờ Tây thì bụng đói cồn cào, ba cô bên bờ Đông thì mắt chắc díu lại vì buồn ngủ nhưng lời chào tạm biệt vẫn đượm vui vì chúng tôi đã hoàn thành một bước quan trọng. Vài ngày sau Phương Dung cho biết Việt Báo đã đồng ý với các tiết mục chúng tôi chọn lựa: hò lơ, một đoạn phim ngắn với tài tử là các tác giả và độc giả ở khắp nơi do Thụy Nhã đảm nhiệm, trò chơi đố vui về các kiến thức Viết Về Nước Mỹ do cả năm người cùng làm, mục các em thiếu nhi thi đọc tiếng Việt, và đồng ca Viết Về Nước Mỹ Hành Khúc do Minh Hưng sáng tác.  Kế hoạch đã có,  Bộ Tham Mưu  với  Tham Mưu Trưởng  Phương Dung nhanh chóng phân công lo phần thực hiện.
Giờ nhìn lại tôi còn cảm được cái bận rộn, xôn xao, nhưng hứng khởi của một mùa hè đầy ấn tượng. Việc làm trong hãng của tôi lúc đó cũng đang đi vào giai đoạn cuối của một công trình dài tới mấy năm. Cuối tháng 5, khi nhận thư của Hoà Bình, giám đốc Việt Báo, yêu cầu các tác giả tham gia dịch các tác phẩm Viết Về Nước Mỹ để đóng góp cho quyển Writing On America, tôi tự nhủ sẽ thu xếp thời giờ nhưng vẫn còn phân vân vì lo khả năng của mình không chiều theo ý muốn. Đầu tháng 6, tôi gởi bài mới để đăng trên Viết Về Nước Mỹ thì chú Từ nhắc "Khôi An nhớ tham gia dịch một hoặc hai bài". Tôi trả lời kèm theo hình mặt cười lỏn lẻn "Vâng, Khôi An có nhận thư của Hoà Bình gởi cho nhóm Việt Bút nhưng chưa dám trả lời ngay vì sợ làm không kịp. Nay chú đã nhắc thì Khôi An hứa sẽ dịch bài Tình Nghĩa Nghĩa Tình và bài Nước Mắt Người Cha. Khôi An đặc biệt chọn bài này để cám ơn các gia đình quân nhân tử sĩ của cuộc chiến tranh ở Iraq".
Giữa  tháng 6 chị Iris đi du lịch vừa về là mở ngay cửa nhà tiếp đón nhóm tác giả Bắc California gồm cô Thịnh Hương, cô Mão, Donna Nguyễn, Khôi An, chủ nhà, cùng nhóm độc giả để quay phim theo lời yêu cầu cuả Thụy Nhã. Do sự quen biết lớn của chị Iris cùng với một may mắn tình cờ,  sàn quay  của nhóm Bắc Cali thật là  hoành tráng  với máy quay chuyên nghiệp, đèn pha, và có cả dù chắn ánh sáng.  Trước khi đóng phim, các  tài tử' còn được thưởng thức những món ăn ngon lành nên ai nấy đều tươi rói. Tuy vậy, lúc diễn xuất thì mọi người mới thấy bối rối trước gần hai chục cặp mắt của hai đạo diễn chính và nhóm  tài tử ' kiêm đạo diễn phụ. Cười ngặt nghẽo vì mắc cở, nói líu lưỡi vì bối rối ... nhưng cuối cùng ai cũng nói xong những lời chúc mừng và ủng hộ Việt Báo với thật nhiều chân tình. Lại thêm một nhiệm vụ được hoàn thành tốt đẹp!
Thật may mắn, việc làm của tôi cũng trôi chảy đặc biệt cho nên ngày Lễ Độc Lập 4 tháng 7 tôi được nghỉ thêm một ngày. Ngồi ở nhà một mình vì cả nhà đã đi chơi xa, tôi dịch bài, thỉnh thoảng nhìn qua cửa sổ ngắm nắng tháng Bảy rực rỡ trên hoa lá xinh tươi, tai lắng nghe Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ do Minh Hưng gởi cho mọi người tập hát. Bận rộn nhưng lòng tôi nhẹ nhàng vui với những hoạt động có ý nghĩa. Tôi cảm thấy trân trọng biết mấy thiên nhiên xinh đẹp, thanh bình mà tôi đang được hưởng trên quê hương thứ hai này!
Ngày 17 tháng 7 tôi đi làm về trễ, ăn uống, dọn dẹp xong thì đã hơn 10 giờ đêm. Lên Yahoo mở hộp thư thấy nhóm Việt Bút đang bàn về danh sách các tác giả vào chung kết và đùa nhau cá độ ai sẽ được giải cao nhất năm nay, tôi cũng hồi hộp muốn biết những tác phẩm nào đã vinh dự vượt qua vòng tuyển chọn rất kỹ lưỡng của ban giám khảo. Chạy lên Việt Báo xem, bất ngờ thấy tên mình cũng có trong "bảng vàng", tim tôi xém hụt mất một nhịp! Tôi gọi người bạn thân nhất qua mạng "Khôi An được vào chung kết năm nay!" Bạn tôi trả lời với hình một nụ cười "Biết rồi! Vừa thấy trên Việt Báo." Lòng tôi ấm áp vui. Tác phẩm của tôi được chọn và bạn tôi đã theo dõi trên Việt Báo, lắm lúc còn rành mọi chuyện hơn cả chính tôi!
Cuối tháng 7, Phương Dung gởi thư nhắc nhở "Mọi người làm xong phần việc được giao phó thì gởi lại cho Phương Dung tổng kết". Tôi trả lời cũng kèm theo cái mặt cười, nhưng lần này là nụ cười ... cầu tài "Khôi An đang chạy vắt giò lên cổ đây Phương Dung ơi. Sẽ cố gắng làm xong và gởi cho Phương Dung trong vòng vài ngày tới."
Tháng Tám đến bằng những "bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót". Ở Bắc California tháng Tám thường ít mưa nên tôi không được thấy "e nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu" (**) nhưng vẫn là tháng tôi thích nhất trong năm. Mặt trời tháng Tám không còn gay gắt như hồi tháng Bảy, chỉ ấm áp vưà đủ để người ta vẫn nao nức với các chuyến đi chơi. Ngày tháng Tám vẫn dài đủ để khi tôi bước chân ra khỏi sở trời vẫn còn sáng, hứa hẹn một buổi tối êm ả, tận hưởng cảm giác thanh thản khi đêm về với những cơn gió nhẹ và tiếng kêu của muôn ngàn côn trùng vọng qua những khuôn cửa sổ mở rộng. Tháng Tám năm nay đi qua với khí hậu muà Thu trong muà Hạ. Sáng sớm mây thấp, trời hơi lạnh, đến trưa thì ấm dịu dàng, tối về hơi se lạnh. Nếu tạm quên đi những băn khoăn về thay đổi khí hậu toàn cầu làm cho miền Đông Hoa Kỳ nóng cháy và miền Bắc bão tuyết, thì tháng Tám ở California năm nay quả thật tuyệt vời. Việt Báo đã chính thức thông báo kỷ niệm buổi lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười sẽ được tổ chức ngày 15 tháng 8 năm 2010.
Ngày 5 tháng 8 Phương Dung gởi bảng tổng kết cuối cùng về phần giúp vui của Việt Bút cho mọi ngươì kiểm lại trước khi chuyển cho Việt Báo. Bảng có đầy đủ chi tiết, phân công từng người, hệt như cách chia việc trong các hãng kỹ thuật. Tôi thấy vui vì có cô bạn hợp ý, áp dụng những điều học hỏi được từ việc làm vào những hoạt động xã hội, giúp cho mọi việc chạy răm rắp.
 Năm nay mọi người trong gia đình nhỏ cuả tôi đều bận rộn, muà hè sắp hết mà chưa có một dịp cả nhà đi chơi với nhau. Vì thế, chúng tôi quyết định kết hợp du lịch Nam California cùng chuyến đi dự lễ phát giải và kỷ niệm mười năm Viết Về Nước Mỹ. Năm nay, ngoài người bạn đời, tôi còn mời thêm Kim, cô bạn thân ở Nam California và Bích, cô bạn ở bên Đức sang chơi. Bích là độc giả trung thành của Việt Báo. Thật là ấm lòng khi biết ở một thành phố nhỏ tận trời Âu có người thưởng thức các bài Viết Về Nước Mỹ mỗi ngày, vì thế chắc chắn Bích là  khách mời danh dự  cuả tôi! Lúc đầu thì tính vậy, nhưng không ngờ rất nhiều bạn tôi muốn tham dự buổi phát giải của Việt Báo, buổi họp mặt của một hoạt động văn hóa mà họ nhận xét là  đặc biệt có uy tín và được nhiều ngươì biết tới hàng đầu ở Hoa Kỳ' và nhân tiện ... xem tôi lãnh thưởng! Năm giờ chiều ngày thứ Sáu trước buổi lễ, bạn tôi còn gọi "Khôi An ơi, ráng kiếm thêm hai chỗ được không" Mà ráng xin cho bọn mình ngồi chung nha" Tôi ngập ngừng "Ngại quá! Việt Báo đã sắp chỗ ngồi cho từng người khách, bây giờ mà thay đổi thì phiền lắm!" Bàn tính qua lại mãi, tôi đành bấm máy tới Việt Báo xin gặp Lệ "Lệ ơi, Khôi An xin lỗi ...nhưng ... Lệ ráng tìm cho Khôi An thêm hai chỗ cùng bàn được không"" Đầu giây bên kia Lệ cười giòn "Chị Khôi An ơi, giờ này mà còn đổi thì chết em!"  Nói thì nói vậy nhưng Lệ vẫn hết sức dễ thương, đem danh sách ra suy đi tính lại và rồi cũng sắp xếp đuợc hai chỗ cho tôi.
Chiều thứ Sáu, 13 tháng 8, nhóm Việt Bút hẹn nhau ở hội trường ở Việt Báo để tập hát Viết Về Nước Mỹ Hành Khúc do Minh Hưng sáng tác. Bạn bè, gia đình có nhiều mục quá nên tôi tất tả  chạy show . Khi tôi chạy vào tới hội trường thì thấy mọi người đang hát trên sân khấu theo tiếng đàn keyboard. Phương Dung rực rỡ trong chiếc áo hồng khoe đôi vai rám nắng Florida, Thụy Nhã trong quần short ngắn lãng tử  và rất ...Thụy Nhã, Như Ý với đôi mắt gợi nhớ câu thơ  u uẩn chiều luân lạc , gia đình xinh đẹp của Minh Hưng, chú Ma nghiêm trang nhưng ánh mắt hiền, anh Huyên Chương Quý hay cười mủm mỉm, chị Bảo Trân dịu dàng, anh Trần Quốc Sỹ điềm đạm ... và còn nhiều người đứng sau mấy em thiếu nhi mà tôi chưa thấy rõ. Đứng ở dưới đang theo dõi là Hoà Bình, vẫn thanh thóat và trang nhã như lần đầu tôi gặp năm 2009. Hoà Bình mỉm cười chào và đưa tôi một bản in bài hát, thế là tôi lên sân khấu nhập bọn. Bài hát này tôi đã tập mấy lần ở nhà, nhưng khi đứng sát vai với mọi người trên sân khấu, bài hát như mang một linh hồn mới. Tiếng đàn nhịp nhàng nâng giọng hát, ai cũng hát hết lòng theo tay đánh nhịp cuả tác giả. Minh Hưng vưà xong việc là chạy tới đây ngay, vì thế trông anh hơi có vẻ mệt nhưng vẫn hiện rõ nét đam mê; anh đánh nhịp với một vẻ say sưa, như đang thả hồn theo từng lời hát. Mà mỗi người trong Việt Bút đều như vậy, chúng tôi đứng bên nhau, tròn miệng hát với lòng quý mến nhau và tất cả nhiệt tình dành cho một sinh hoạt văn học đầy ý nghĩa đã đem chúng tôi lại với nhau và với gia đình Việt Báo. 


Lúc nghỉ giải lao, tôi chạy lại ngồi gần chú Ma (cái tên thân mật, dễ thương mà các tác giả trẻ trong nhóm Việt Bút gọi tác giả Bồ Tùng Ma). Tôi ríu rít phân trần với chú tại sao hồi đầu tiên viết email cho nhóm, Khôi An đã dám gọi chú bằng anh. "Tại vì chú Ma nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thường không có tuổi; tại vì có nhiều tác giả xấp xỉ tuổi nhau nên  cô, chú, anh, chị  hơi khó quyết định; tại vì chú Ma coi còn trẻ trung; tại vì ... đủ thứ. Dù sao thì   chú Ma  hay  anh Ma  thì cũng chỉ là cách gọi, không có gì khác trong sự quý mến cuả Khôi An dành cho tác giả Bồ Tùng Ma, phải không, thưa chú" " Quay qua bên cạnh là anh Huyên Chương Quý, dù chỉ lần thứ hai gặp mặt, nhưng cũng cảm thấy thân tình. Chỉ có vài phút nghỉ nhưng hai anh em cũng có dịp trao đổi với nhau vài ý nghĩ về những hoài bão cùng chia xẻ cho Việt Nam.
Toà soạn Việt Báo hôm đó tấp nập người. Gần 8 giờ tối mà các nhân viên còn khá đông, người ngồi trước máy computer, người giúp gói phần thưởng. Nhóm Viêt Bút cũng lăng xăng công việc: góc này là ông xã của chị Bảo Trân và bé Cindy con gái của Minh Hưng chăm chú dán cờ Việt Nam lên tấm bìa của bài hành khúc, góc kia mấy người đang giúp xếp những quyển sách Viết Về Nước Mỹ còn nguyên mùi mực in lên thành từng chồng... Không khí vui và thân tình làm tôi nhớ tới những ngày còn bé khi hàng xóm và họ hàng ở Việt Nam tụ lại chuẩn bị cho đám cưới hay ngày giỗ lớn.
Rời Việt Báo, tôi cùng Kim chạy sang nhà tác giả Nguyễn Viết Tân mà chúng tôi thường gọi là chú Tân. Món bún bò chính gốc Huế do vợ chú Tân nấu đã nổi tiếng từ những lần họp mặt trước của Việt Bút. Ngoài bún bò còn có gỏi ốc mà Phương Dung đã cất công mang về từ Floria. Đúng là ở Nam California thức ăn Việt Nam quá sẵn, tôi đến từ Bắc California không mấy xa xôi mà còn xuýt xoa trước một bàn la liệt các thức ăn từ mấy món ăn chính tới đồ tráng miệng gồm đủ loại trái cây từ nho, mận, đào... tới mít, vải, nhãn...
Ăn uống, dọn dẹp xong, tôi bước ra phòng khách thấy anh Trần Quốc Sỹ đang  ôm đàn hát giữa đời . Tôi ghé lại, cầm bản nhạc Viết Về Nước Mỹ lên "Anh Sỹ ơi, nhờ anh đánh lại cho Khôi An nghe khúc  ...được thắp lên trang sách truyền ánh đuốc niềm tin  nha. Hồi nãy trên sân khấu Khôi An nghe chưa rõ nhạc điệu của khúc này." Anh Sỹ gật đầu rồi dạo từng note nhạc, tôi hát theo nho nhỏ. Minh Hưng cũng ghé lại góp tiếng. Mọi người như được tiếng nhạc gọi mời, trong chốc lát đã tụ lại đông đủ. Chúng tôi đo cao thấp, dàn xếp chỗ đứng trên sân khấu, vừa tập dượt vưà cười rũ rượi với những lời phụ đề khôi hài của chú Tân. Đứng bên nhau, chúng tôi tập đi tập lại theo tiếng đàn của anh Sỹ và tay đánh nhịp của Minh Hưng. Không khí ấm cúng và thân tình, có lẽ mọi người cũng giống như tôi, đều cảm thấy lòng rộn ràng theo điệu nhạc hùng hồn và lời hát thiết tha "Hãy viết cho mai sau biết thế hệ ban đầu đã trải bao gian khó, xây dựng lại tương lai..."
Thứ Bảy 14 tháng 8, ngày hầu hết những tác giả từ xa đến Nam California, mọi người càng thêm rộn ràng náo nức. Nếu đi một mình, chắc tôi đã ghé Việt Báo giúp gói phần thưởng cho các mục đố vui, gặp lại những người quen năm trước, và tập điều khiển chương trình với Phương Dung và Minh Hưng. Nhưng vì chuyến đi kết hợp với ngày nghỉ của cả gia đình nên từ sáng sớm tôi đã theo mọi người đáp tàu sang thăm Catalina Island. Một ngày thật vui với biển, nắng, và gió, nhưng tôi vẫn tiếc nuối cơ hội họp mặt thân mật với gia đình Việt Báo và các tác giả ở xa về.
Mười giờ đêm điện thoại reo, đầu bên kia là Kim "Khôi An à, mai nhớ đi tiệm chải đầu nha. Ra tiệm Ritz ở góc Brookhurst đó." Dù đang trên điện thoại, tôi cũng lắc đầu "Thôi! Làm chi mà dữ vậy Kim. Năm ngoái Khôi An vưà xuống máy bay là chạy lên tòa soạn lãnh thưởng liền. Có sao đâu" "  "Nhỏ khờ ơi, năm ngoái khác, năm nay khác. Năm nay Khôi An còn làm MC nữa mà!" Nói qua lại một lúc, tôi bằng lòng. Chẳng gì cô bạn tôi cũng là chuyên viên về thẩm mỹ, với lại từ bé tới lớn tôi cũng chưa bao giờ cãi thắng được Kim.

Chủ Nhật 15 tháng 8 tôi có kế hoạch rõ ràng: 1:30pm ra tiệm chải tóc, 2:30pm về nhà sửa soạn, và 4pm sẽ đến Royal Palace. Vậy là tôi có một tiếng trước khi khai mạc để gặp gỡ, hàn huyên và chụp hình với mọi người. Nhưng lúc 12 giờ trưa Kim lại hớt hải gọi "Khôi An, ghé chỗ Kim làm ngay! Có người bạn làm tóc đang ở đây, lại đây Kim  chỉ đạo' để làm cho thật đẹp." Tôi vốn không rành các kiểu tóc nên nghe Kim nói thì lại đồng ý ngay.
Đúng 1:30pm tôi tới nơi Kim đang làm việc, Kim dẫn sang phòng bên cạnh, giới thiệu anh T, chuyên viên thẩm mỹ. Anh ta đang bận làm móng tay cho khách nên tôi phải đứng xớ rớ chờ một lúc lâu. Cuối cùng anh ta cũng mời tôi ngồi xuống ghế. Với một cái lược to và một máy sấy tóc trông rất tối tân, anh bắt đầu chải tóc cho tôi. Tôi thoáng thắc mắc nhưng vẫn cố im lặng, một lúc sau không nhịn đuợc nữa tôi mới rón rén hỏi "Anh T, anh không bỏ mousse hay gel làm sao mà tóc giữ kiểu được, hả anh"" Anh T hơi ngập ngừng"...Tôi không đem theo. Không sao đâu, lát nữa làm xong rồi xịt keo cũng được mà." Tôi bắt đầu hơi lo nhưng vẫn ngồi im, tự thuyết phục là anh ta chắc chắn biết nhiều hơn tôi! Chỉ được vài phút, anh T nhận điện thoại rồi nói với tôi "Tôi phải chạy, chút xíu trở lại liền!" Anh ta biến mất sau khung cửa để tôi ngồi ngẩn ngơ! Không sao, mới có 2:15pm, tôi tự trấn tĩnh. Nhân cơ hội tôi chạy sang Walgreen bên kia đưòng mua mấy chai keo, chai mousse về để sẵn. Một lát sau anh T về tới, Kim ghé vô  chỉ đạo  cho anh làm kiểu tóc mới nhất: phía trước buông hững hờ ngang trán, phía sau thả những lọn quăn lãng mạn. Nhưng Kim càng nói thì anh T càng bối rối. Một lúc sau, Kim đành chụp lấy cây uốn tóc (curling iron) rồi bắt đầu  minh họa' trên mái tóc tơi tả của tôi. Tôi nói như ... sắp khóc "Kim à, muốn thí nghiệm thì để bữa khác đi. Tới giờ này xấu đẹp gì cũng phải chịu, Kim để ảnh làm cho xong đi. Trễ rồi!" Loay hoay một hồi với mái tóc của tôi, có lẽ thấy càng làm càng ... tệ, cuối cùng anh T ngừng tay lúc 4pm. Nhìn gương tôi thấy tôi với "tóc lộng tơi bời gió bốn phương", lòng tôi buồn lắm nhưng không dám nói gì. Lỗi tại Kim và tôi yêu cầu chứ anh T đâu có tình nguyện, vả lại anh ta cũng đã cố gắng lắm rồi! Cũng may, trong lúc tôi đang trầm ngâm trước gương thì một chị bạn của Kim vô tình ghé qua, sửa lại mái tóc dùm tôi. Đến 4:30pm khi hấp tấp chạy ra khỏi nơi làm việc của Kim tôi biết dự tính gặp gỡ mọi ngươì đã tan thành mây khói, nhưng bù lại mái tóc của tôi đã được cứu chữa và coi không tới nỗi tệ.
Tôi vào đến Royal Restaurant vừa lúc buổi lễ bắt đầu khai mạc. Sau lễ chào cờ và mặc niệm, tôi nhìn quanh và bắt gặp nhiều khuôn mặt quen thuộc như chị Iris, cô Bảo Xuân, Khánh Vân, thầy Phạm Hoàng Chương, chú Nguyễn Hữu Thời. Cũng có những khuôn mặt trông quen lắm vì đã thấy nhiều lần qua hình nhưng chưa gặp lần nào như chị Lê Tường Vi, chị Ngọc Anh, anh Cát Biển. Buổi lễ đông quá, tôi không tiện đi vòng vòng chào hỏi nên đành ngồi yên, trong lòng cứ tiếc mãi cơ hội gặp gỡ các tác giả mà tôi đã từng đọc và ái mộ. Nhưng bù lại, bạn bè tôi ngồi đầy một bàn làm lòng tôi ấm áp. Các bạn săn sóc tôi, người thì kéo lại lọn tóc, người thì chụp hình kỷ niệm làm tôi thấy mình quá hạnh phúc. Buổi lễ diễn ra với những lời chúc mừng đầy ý nghĩa từ nhiều quan khách, với những màn giúp vui của các ca sĩ nổi tiếng. Tôi thích nhất bài Đôi Mắt Người Sơn Tây do thi, nhạc sĩ Trần Dạ Từ phổ thơ Quang Dũng và ca sĩ Anh Dũng trình bày. Tôi lắng nghe từng âm điệu và mỉm cười thích thú với phong cách chân-nghệ-sĩ của tác giả bài hát. Bài thơ này đã được cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, nhưng nghệ thuật thì không hạn chế, không câu nệ - tôi tin là chú Từ nghĩ thế.  Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười', lời thơ thiết tha quen thuộc đã đến với người thưởng thức bằng những âm điệu mới và trác tuyệt làm tôi say mê.
Cho đến hôm nay thì mọi độc giả cuả Viết Về Nước Mỹ đã xem các bài tường thuật, đã biết các tác giả trúng giải năm 2010, đã thấy nhiều hình ảnh và biết sự thành công của buổi lễ. Ở đây, tôi chỉ chia xẻ thêm vài cảm xúc cuả người trong cuộc, và những nét nho nhỏ nhưng cảm động.
Chẳng hạn như khi nhận lời làm người điều khiển mục đố vui trong buổi lễ, tôi đã trao đổi email với Phương Dung nhiều lần nên nhớ rõ phần của mình. Vậy mà trong buổi tiệc, Phương Dung vẫn chạy lại, đưa mấy tờ giấy đầy những lời dặn dò viết bằng tay, nhắc tôi phần này đã đổi lại, phần kia cần cắt bớt... Phương Dung hôm đó lộng lẫy trong áo dài hồng nhưng ngồi không yên, mãi cho tới khi phần đố vui và bài hò của Việt Bút xong xuôi tốt đẹp thì mới thấy Phương Dung hoàn toàn thoải mái.
Bài hò của Viêt Bút cũng là một kỷ niệm dễ thương. Điệu hò lơ quen thuộc, nhịp nhàng, câu hò dí dỏm làm nức lòng những  ca sĩ không chuyên nghiệp  của Việt Bút. Được dìu dắt bởi giọng hát vững vàng của hai tay hò chính là anh Thy và chú Tân, chúng tôi hò hết mình, đứng trên sân khấu mà cười toét miệng và còn nháy mắt nhìn nhau khi hò tới câu "Nghe lời đồn đại chẳng sai, Việt Báọ, Việt Bút trai tài (mà) gái xinh". Thật là quá sức tự tin và xuất sắc trong thành tích  mèo khen mèo .
Phần các em thi đọc văn Việt do Thuỵ Nhã giới thiệu cũng được lưu lại bằng nhiều hình ảnh, và tấm đặc biệt nhất là hình ba vị giám khảo Lê Tuờng Vi, Trương Ngọc Bảo Xuân và Bồ Tùng Ma đang tươi cười giơ ba bảng điểm 10 cho thí sinh. Tấm hình thật vui, và ý nghĩa của nó còn đặc biệt hơn nữa đối với những người quen biết với tác giả Bồ Tùng Ma. Trước giờ, ai cũng biết chú Ma hiền nhưng nét mặt lúc nào cũng  nghiêm và buồn  khi chụp hình.  Bắt được  nụ cười của chú Ma trong ống kính là đề tài vui cho mọi người bàn tán, làm tôi liên tuởng tới cái hào hứng của những lần còn nhỏ đứng quay số ở hàng kẹo kéo, trúng độc đắc, và đám bạn hò reo hể hả.
Viết Về Nước Mỹ Hành Khúc là tiết mục cuối cùng, và cũng là tiết mục lưu lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Minh Hưng đánh nhịp với niềm đam mê của những lần tập dượt cộng thêm nét rạng rỡ, sung sướng của người cha nhìn đứa con trong giây phút thành công. Cũng như bài hò, chúng tôi hát với niềm phấn khởi hồn nhiên, gợi nhớ những tin yêu cuả ngày mới lớn hát bên lửa trại. Bài hát chấm dứt mà người trình diễn cũng như khán giả  như còn nuối tiếc. Vì thế, khi nghe có người khích lệ "One more time! Hát lại đi!" là các ca sĩ đồng ý ngay. Bài hát được lặp lại lần thứ hai và mọi người vẫn thích thú y như lần thứ nhất. Chưa bao giờ tôi dự một buổi trình diễn nào mà người nghe hưởng ứng nồng nhiệt và người hát say mê, hăng hái như vậy!
Bây giờ tôi không còn tiếc đã đến trễ nưã vì đêm hôm đó tôi đã có một ý tưởng lạ. Tôi có cảm tưởng như chính vì tôi không được hàn huyên với mọi người nên tôi mẫn cảm hơn trong buổi tiệc. Những khoảnh khắc chào hỏi, chụp hình với các cô chú trong Việt Báo và các tác giả sau buổi tiệc tuy ngắn ngủi nhưng tôi nhớ từng chi tiết, từng nét cười, lời nói.
Hôm đó ra về trong không khí mát lạnh của đêm cuối hè tuyệt đẹp, lòng tôi nhẹ nhàng vui. Tôi thầm cám ơn các tác giả giống như tôi, những người tha thiết với tiếng Việt, đã tìm đến Việt Báo để gặp gỡ nhau, để chung sức gìn giữ và phát triển văn chương Việt trên quê hương mới. Cám ơn những cánh chim đầu đàn của giải Viết Về Nước Mỹ đã cho tôi - một người chưa từng mơ làm văn sĩ - một diễn đàn để chia xẻ suy nghĩ và một buổi gặp gỡ nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm rất đẹp vì mọi người đã làm việc bên nhau với lòng tin yêu, thân thiết như không khí gia đình.

Bây giờ đã cuối tháng Mười.
Công việc bận rộn đã làm tôi mất hơn hai tháng mới ghi lại hết những mẩu chuyện "hậu trường sân khấu" và những cảm xúc từ buổi lễ. Thu sắp qua mà tôi còn say sưa kể chuyện đã xảy ra hồi cuối Hạ, nhưng tôi thấy không có gì là muộn màng. Bởi vì niềm vui vẫn còn ở trong tôi, và tôi tin là nhiều năm sau sẽ vẫn có người mỉm cười khi đọc và hồi tưởng lại buổi lễ Kỷ Niệm Mười Năm Giải Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Những chuyện không cũ khi đọc năm 2014, 2015 thì chắc là không cũ trong tháng 10 năm 2010, có phải"

Khôi An
 (*)  Thơ Huy Cận
(**) Thơ Hoàng Anh Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,866,405
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.