Hôm nay,  

Dáng Kiều

22/10/201000:00:00(Xem: 1020673)

Dáng Kiều

Tác giả: Phan
Bài số 3022-28322-vb5102110

Tác giả là một nhà báo từng trong nhóm chủ biên tuần báo Trẻ tại Dallas, Texas. Ông đã góp nhiều bài viết giá trị và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Dáng Kiều là câu chuyện về một nhà hàng Việt Nam những năm đầu tại Mỹ.

***
1. 
Mấy người làm bếp bước vô tiệm phở, cửa kính phản chiếu những đôi mắt đỏ ngầu, còn lưu luyến cái giường ấm áp cuối đông. Dù sao, họ đều thấy dáng kiều dựa cột xa xa. Thiếu nữ không nhìn đám người uể oải, nhưng mắt cô cũng không ngừng quan sát họ. Thật hiếm khi thấy được một người nhan sắc có bản lĩnh.
Người giữ chìa khoá mở cửa xong, nhanh bước vào trong một mình để bấm alarm, mấy người còn lại thật khác nhau: Ông già chửi trời, “lạnh chi lạnh rứa.” Hai cậu học trò, đi làm thêm cuối tuần để có tiền tiêu cho những khoản mới lớn. Họ khúc khích cười giọng rứa của ông già. Giọng cười bể tiếng của họ ùng ục như cháo sôi. Cậu sinh viên đẹp trai, há hốc kêu trời chuyện khác, “đẹp quá anh em ơi!” Tí cận sụt sùi cảm cúm, “Ra đường thấy cánh hoa rơi/ đưa tay hứng lấy cũ người mới ta.” Ông già vừa nhiếc móc vừa bước chân vô cửa, “Học hành ba chữ lem nhem/ thấy gái thì thèm như chửa thèm chua”…
Cả nhóm họ cười theo bước chân tiến vô nhà bếp. Ai làm việc nấy để chuẩn bị mở cửa nhà hàng. Ông già đi bắc nồi cơm ước mơ trong niềm vui bất tận. Từ lúc biết ăn cơm tới hồi vượt biển, ông chỉ ước được nấu một nồi cơm to như cái thúng, thử ăn no một bữa xem sao! Không ngờ, qua Mỹ có bao xa mà thành sự thật. Để bây chừ ăn no mới biết, đường về quê xa lắc lê thê… Ông đâu biết, từ hồi được ăn no, ông biết tới nhạc nữa. Nhất là từ hôm biết lái xe và mua được cái xe… cũ người mới ta, ông mãn nguyện. Lau chùi bất cứ lúc nào rảnh việc nhà hàng. Ngày nghỉ, lái ra khu chợ Việt  Nam, ghé tiệm bán băng nhạc, để chào hỏi mọi người. Trước lạ sau quen, có gặp gỡ mới biết, có người còn khổ hơn mình.
Ông già bắc xong nồi cơm, đi tìm hòn đá mài, miệng không ngớt chửi đứa nào xài đá của tau, đá đặc biệt, chỉ để mài lưỡi dao máy cắt, không mài dao thái. Nói với chúng mày như nước đổ lá khoai, nước đổ đầu vịt, gió qua nhà trống… Thì ra ông biết tới tục ngữ ca dao luôn nữa! Không uổng xăng ra trung tâm văn hoá hải ngoại là tiệm bán băng đĩa, dù chỉ để chào hỏi mọi người, - có người còn khổ hơn mình nữa.
Tìm được hòn đá, ông già đi mài lưỡi máy cắt để cắt đủ thứ thịt. Ông đã qua thời thấy miếng thịt ngon, bỏ miệng. Bây giờ trông ông phong nhã, bình thản cúi nhặt miếng thịt rơi, ném vô thùng rác. Nhờ ông vớt mớ xương heo, mấy con gà trong nồi nước lèo. Ông thôi kêu trời, “thế này mà các anh bảo tôi bỏ vô thùng rác, tôi không làm được đâu. Đi ăn cỗ cưới ngoài quê tôi, còn chưa có nhiều thịt đến thế này…” Nhưng ông đưa mớ xí quách đó về nhà, chất đầy tủ lạnh. Rồi lại phải đem bỏ vào thùng rác công cộng ở apartment. Ông đầu hàng số phận, trời bắt đói ăn dĩ khổ, bắt đổ bỏ thức ăn càng khổ. “Giá người ta đừng có cái miệng để đói không kêu, no không oán…” Ông biết triết lý luôn nữa cha ơi! Đến khổ cho lão già lành như ngụm nước mưa.
Hai người bạn nhỏ rửa rau thơm, rau xà lách, cắt chanh, cắt cà chua, dưa leo… không ngớt chuyện trò chơi điện tử, mười bảy tuổi đã thức khuya dậy sớm, vất vả kiếm tiền mua game… Người mở cửa đi nổi lửa tứ tung để nấu cái mới, hâm cái cũ. Dừng lại chỗ của mình để làm vệ sinh cho cái lò nướng. Tí cận đi ngâm bánh phở, bánh hủ tíu, cắt bao ny-lon trắng xoá một vùng. Chàng sinh viên tự cho phép ngủ ngồi trên nhà trước, “đêm qua em thức gần tới sáng, bài vở nhiều quá! Bà con lo giùm nha…” Chẳng ai trả lời, đồng nghĩa với chăm lo cho tiền đồ dân tộc. Ai làm việc nấy trong gian bếp lạnh căm, đến mấy con gián bu miệng cống cũng co ro theo Trịnh Nam Sơn qua đêm không ai tắt cassette, “người ơi dĩ vãng đã xa…”
Ước gì người ta không có dĩ vãng, Tí cắt phập vô tay một kéo, chửi thề mở hàng. Vừa lúc mấy anh chàng Mễ gõ cửa sau đùng đùng, đạo quân rửa chén, dọn bàn… tràn vô gian nhà bếp làm rối tung ngôn ngữ. Nhà trên, các cô, các chị bưng nước, lấy order cũng lục đục kéo đến. Họ pha vội mấy phin cà phê cho cánh đàn ông dưới bếp. Chuyện chồng con họ, chuyện chợ búa, chuyện học hành của mấy cô bé, trộn chung với chuyện shopping, phim Hồng Kông hay hơn phim Đài Loan, và không bao giờ thiếu chuyện bên nhà. Người Việt ở xa mỏi chân ở gần mỏi miệng vì đất nước lê thê, nhưng ở Mỹ vừa mỏi miệng vừa mỏi chân, không biết bao nhiêu tiền điện thoại với vé máy bay, đều là tiền làm công cực khổ của di dân. Nhưng giấc mơ Mỹ vẫn không cưỡng lại được bước chân người vượt biển, vượt biên. Người người tiếp nối nhau đi vào cuộc mông lung…
Tí ngưng tay kéo, dán băng keo cho ngón tay đứt đúng vết tuần trước trong gian bếp ngổn ngang, vừa lạnh lẽo dạt trôi, vừa ấm lòng cô lý với ly cà phê sớm do chị, do em, tự tay làm cho anh, cho chú. Những người không bao giờ quen biết nhau nếu còn ở quê nhà dài ngoằn như cây đòn gánh. Lịch sử xô họ ra biển lớn cầu may một cuộc đổi đời nhưng đời có đổi hay không cũng còn mờ mịt trong khói nhà bếp. Tí, cầu cho mọi người an ổn, một ngày lành. Tí âm lịch. Không cần ai nghe, không mong ai biết, những lời cầu nguyện không đem lại được gì cho ai ngoài chính người cầu nguyện một cõi lòng an ổn.
Anh đầu bếp xe hư muôn năm, kẹt đường vạn tuế cũng vừa đến. Đi thắp nhang ông Địa như một việc làm cần thiết sự thành khẩn và không người thay thế, chỉ có anh cầu khẩn thì nhà hàng mới buôn may bán đắt, tối nay anh chị em ra về mới rủng rỉnh tiền tip.
Mọi người xong việc, nhà hàng đã sẵn sàng phục vụ khách đầu trâu, đêm qua đi mặt ngựa nên sáng ra đói sớm. Người đầu bếp thắp nhang xong, giành quyền giật dây cho cái đèn “Open” thức giấc. Công việc tiếp theo của anh là bưng ly cà phê sữa nóng ra bàn với tờ báo. Câu đầu ngày của anh bao giờ cũng giống nhau, “Tụi bay bớt nói, không ai nói tụi bay câm. Để tao đọc báo chút coi!”
Mấy người bạn trẻ mà biết yên lặng thì họ đã không có khuyết điểm ăn nhiều vì hao tốn năng lượng, nên họ luôn nghe lời bếp trưởng bằng cách đi ăn sáng trước khi ông chủ vô. Nhất là từ hôm ông chủ khen, “Chị Mừng, ăn được quá ha!” Ông chủ nói chị Mừng mà mắt nhìn đám nhỏ, ăn như hùm đổ đó làm như chó bỏng lửa. Từ đó, tụi nhỏ ăn sớm cho dễ nuốt, chị Mừng ém tô hủ tíu như cái mả thằng cùi, mỗi lần thọc đũa đảo tô hủ tíu, phải liếc ông chủ, rồi vội vã đi lấy khăn lau bàn. Mắt ông chủ những lúc không ưng, trắng như ngân nhũ.
Chị là người Tàu duy nhất trong đám làm công, bà con xa với ông chủ, kẻ thù không đội trời chung với bà chủ người Việt vì bà làm gì thì trước sau ông cũng biết. Nhưng đuổi chị thì không ai tiếp khách Tàu không biết tiếng Anh và tiếng Việt. Chị là một người Tàu tội nghiệp. Ai là ăng ten của ông chủ đều có thể, trừ chị. Một người chân thật bằng tấm lòng thừa thãi. Tí tin mình hiểu được chị Mừng nên ưa nấu phần ăn sáng cho chị, nấu cho chị tô mì để Tí gánh hết trách nhiệm nấu nhiều, để bỏ vài con tôm vì quen tay, lỡ, lờ chuyện ông chủ không cho người làm ăn tôm. Những người còn laiï, ai ăn gì, tự nấu lấy mà ăn. Tí phục vụ đồng hương vì tiền lương, không phục vụ đồng nghiệp vì độ lượng. Phải để cho những người không biết gì, vô bếp quậy riết thì họ mới lên lương được. Tí đi uống cà phê, đọc báo, không để tai tới những lời phách chó sau lưng, “nhờ nấu tô mì đặc biệt cũng không, đứng bếp thôi đã làm phách chó. Chừng lên chief cook, chắc mắc bệnh câm.”
Nhóm đầu sỏ của nhà hàng đủng đỉnh cà phê, đọc báo, bàn thế sự, rôài mới ăn sáng vì khách sớm không đông, đàn em lo nổi. Tới giờ nhà thờ tan lễ, người không thuộc thánh kinh, phải ở lại coi nhà thờ một mình trên cây thập tự. Chiên ngoan bay ra tiệm phở đông ơi là đông, nhất là trời lạnh. Đám cao thủ tiệm phở bấy giờ mới ra tay: “dĩa tái dọn lên bàn, con bò còn chưa biết!” Là chiêu bài huênh hoang của nhóm nhà bếp tạp nham này. Chỉ riêng đầu bếp, mang tiếng thợ chánh nhưng thường tránh ra, tránh chỗ cho thợ phụ làm. Anh khác mọi người trong nhà bếp không phải ở tay nghề mà đơn giản chỉ là em vợ của ông chủ tiệm. Ai đọc báo hơi lâu, anh sẽ hỏi: Báo có gì hay không" Hay. Hay, thì đem về nhà đọc đi. Hôm nay, mày đi làm hay đi chơi, đi đọc báo…" Những lúc ấy anh rất thấy ghét, nên thể nào cũng có hồi âm trọ trẹ từ cõi xa vọng về, “Chó lại sủa ăn mày”.
 Ngày nào cũng có nhiêu đó chuyện để vui, để qua đi ngày dài trong căn bếp nhiều khi nghe tiếng ngáy dưới gầm bàn còn lớn hơn tiếng máy hút khói, tiếng thút thít của ai đó thương thân trách phận, tiếng hờn oán gia đình bên kia biển vừa từ một đứa con viễn xứ, tiếng trút hơi thở cuối cùng của mẹ chung, chết không nhắm mắt vì mong con… lý do để khóc dễ nhất vào cuối thế kỷ XX, là làm người Việt Nam.

2.
Anh bếp trưởng ngồi đọc báo như thường lệ, hôm nay trịnh trọng hơn với bộ đồ vía. Anh gọi các chị, các cô nhà trên, đến đứng xung quanh bàn đàn ông con trai đang ăn sáng, uống cà phê. Mấy người bạn Mễ, ngồi bàn khác nữa, không cần nghe anh nói vì họ không biết tiếng Việt mà anh cũng không biết tiếng Mễ. Anh long trọng thông báo với mọi người: “Hôm nay, anh rể tôi nhận một người vô làm nhà trên. Hy vọng anh em nhà bếp không chém nhau bừa bãi. Các chị, các cô nhà trên cũng đừng ganh tỵ mà rối việc. Tôi không muốn nhận người đẹp vô nhà hàng làm đâu, vì chỉ gây thêm phiền phức. Cô hồn các đảng ăn xong không đi, cứ ngồi đồng cho tốn nước trà, kẹt bàn, còn sinh chuyện đánh lộn. Tôi hy vọng mọi người tử tế!”
Người đầu bếp ngũ sắc vì thầy tướng số bảo anh ăn mặc phải đủ năm màu thì không bị đàn bà ám. Thầy không nói thêm: đàn ông màu mè quá sẽ ế vợ, và đàn bà lắm lời thì thầy bói cũng vô phương, “Bộ tụi tui xấu lắm sao mà phải ghen tỵ với người đẹp của anh em anh, chỉ sợ anh rể thích ăn vụng, em vợ lại thích ăn đồ cúng.” Lại có người nói, “Không biết người đẹp cỡ nào mà chưa vô làm đã có bảo kê, làm như xã hội đen.” Tiếng người khác nữa, vừa đi xuống nhà sau vừa nói, “Chị Mừng, còn không gả cho người ta, có tài gì ăn được đồ cúng, mà mấy người lo…”
Thiệt là sáng sớm, đầu bếp đã chọc vô ổ kiến lửa. Điềm gở đến từ một người chưa vô làm đã gây sóng gió sở tại. Chỉ tội người đầu bếp thấp bé, không tiểu nhân, thù vặt. Kém tài và mê tín thì ai chả có. Những lời khinh mạt của người anh rể Tàu, không phải người em vợ Việt Nam nào cũng chịu nổi. Ước gì mọi người hiểu anh như anh hiểu mọi người, người ta đi mang theo quê hương làm gì cho mệt nhớ, mà bỏ lại lòng vị tha sau lũy tre làng. Đời tha phương cầu thực, mình vì mọi người, mọi người coi mình như mọi, nhất là anh rể. Không biết anh đầu bếp có hiểu đạo lý này. Tí cũng ít chuyện trò riêng với anh, sợ mang tiếng vây cánh. Tí nhìn anh, anh nhìn Tí, Tí nhìn mọi người. Mọi người đợi Tí nói gì đi chứ, Tí im lặng đi làm. Mọi người im lặng đi vinh danh đồng đô la bất hạnh.
 Điềm gở tới như gió, bà chủ đến sớm, gương mặt đợi hoài không thấy mùa xuân. Hôm nay mùa xuân chưa về càng miên viễn theo tình địch. Bà bước vô nhà hàng như ma quỷ tìm nhau, “Con qủy đó đâu, tao hỏi mày, con qủy đó đâu"” Ai cũng thấy, chỉ thiếu người dám nói! Anh đầu bếp tái xanh tái mét, ấp úng, lảng đi. Bà vẫn chưa thấy con quỷ đang lồng lộn cơn ghen. “Các người câm hết rồi sao" Mọi ngày, rành chuyện thiên hạ lắm mà!...” Mọi người gỗ đá. Không gian hờ hững mùi gừng nướng. Gian bếp như cái oven cố nóng hơn lên để đốt cháy loài vô tri. Con quỷ cô đơn trong mắt đồng loại, oà khóc. Lời nguyền Trưng Vương thấm đẫm vách tường, vang vọng thiên thu: Lấy chồng Tàu, không có kết quả tốt đâu. Sự yên lặng khí nén, nổ ra mùi sầu riêng đông lạnh, bà chủ hất mấy hộp sầu riêng trên bàn xuống đất, chưa hết tức. Buông lời nguyền địa đàng, “không biết tui lấy chồng Tàu chi cho khổ sở!” Bà ngất xỉu. Vở kịch hạ màn, nếu như có một bàn tay nâng đỡ lúc kết thúc, một lời an ủi… Khán giả sẽ tiếc tiền vé vì kết thúc có hậu là xưa rồi. Kịch tính không tháo gỡ mới hiện thực. - Cánh đàn bà sợ sui, không muốn chia sẻ chuyện gái gú của những ông chồng. Cánh đàn ông chột dạ, khinh khỉnh như xem xiếc cho đã nư. Rồi thôi. Lần đầu tiên bà chủ bỏ việc thu tiền, ra về sau khi xỉu giả bộ để biết lòng người. Bóng bà liêu xiêu trong gió đông tàn, mất hút ngoài parking theo cánh chim di cuối mùa giông bão…
Khách đã lai rai vô ăn sáng, một ngày mới âm u hơn thời tiết bên ngoài, mọi người không lo phục vụ đồng hương theo tiên chỉ: “Vui lòng khách mới vừa lòng khách quen”. Từ nhà trên xuống nhà dưới cứ chăm bẩm vô bộ đồ vía của bếp trưởng mà chọc ghẹo. Nhưng rõ ràng trong mắt anh, những đau khổ của bà chị nặng lời với anh từ trên ghe vượt biển, chỉ là quả báo nhãn tiền. Mặc mẹ bà ấy, dù anh và bà có tên người đẻ trong khai sanh giống nhau. Anh đang thắp lên hy vọng mơ hồ trong đôi mắt người đàn ông mong đợi, huýt sáo theo điệu nhạc lang thang từ nhà trên vang vang xuống nhà dưới. Đám làm công thở phào nhẹ nhõm với một ngày vắng bà chủ khó ở. Đôi nhện tán tận thả mình yêu nhau trong tiếng nhạc không lời, “tình vui trong phút giây thôi, ý sầu vương suốt đời…” sợi tơ đứt bặc. Chắc chắn con nhện đực hát trong khoảng không, “anh chết trong mắt em, một lần cuối, một lần cuối cùng. Rồi thôi…” Con nhện cái bò đi, không quay lại.
   Đầu bếp trịnh trọng đi tới đi lui như chú rể chờ giờ khởi kiệu rước dâu, thời gian chó chết gõ nhịp theo đế giày tây không át nổi tiếng xì xầm phát ra từ tủ đá, lò nướng, bàn cơm bên góc xa… “tình hình cu ba căng thẳng dữ rồi nha anh em!” Mấy người Mễ cần mẫn ngồi lột tôm, không cười. Nước mắt Việt Nam tứa ra khi anh đầu bếp chụp ếch trên nền nhà bếp luôn trơn. Nỗi đau lòng làm cho nước mắt người bị té chảy vào trong. Vừa lúc ông chủ đến. Đi với một người làm náo động chim cu. Dàn chim nhà trên quả là ghen tức, bày cu nhà bếp bấn xúc xích. Đến chú nhóc Mễ lậu, rửa chén, còn phải dừng tay. Đứng ngẩn tò te như Huy Cận, “Một hôm ngọn gió tình yêu lạ/ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ…” Tí cận đọc Huy Cận để thăm dò, rồi thất vọng.
   Ông chủ nói, “Nè anh em, hôm nay nhà hàng của tui nhận vô một người cháu của tui, cô này tên là Kiều. Giáng Kiều đó, đẹp hôn" Còn trẻ vậy, mà đi nhiều chỗ lắm rồi đó. Cô Kiều sẽ làm phụ giúp với mấy cái đàn bà ở nhà trên. Nhưng tui cũng nói giới thiệu với nhà dưới cho anh em biết tên…”
Ông chủ có vẻ tự hào với người mới, mắt ông sáng xanh màu quỷ mà người ta ưa gọi là quỷ râu xanh, ông nắm tay cô Kiều, “Coi chừng té nha, nhà bếp trơn lắm đó! Muốn ăn cái gì, nói tụi nó nấu cho ăn, ha. Đừng đi xuống đây…”; “…coi chừng bóp vú!” Quỷ con ưa nói leo, có gì đâu, mà mặt ông chủ sa sầm.
Tí cận ngưng tay trụng bánh phở khi ông chủ với cô Kiều đến chào. Kiều đó à, Giáng Kiều cũng đúng mà dáng kiều cũng đúng. Tí đứng tim, bá thở. Mùi nước hoa phụ nữ thì Tí có giang hồ lịch duyệt đủ xài, mùi da thịt đàn bà mới là thứ Tí nấu không ra. “Mặt hoa da phấn thêm mắt đa tình…” không phải là cụm từ tưởng tượng của Xuân Tiên cho cô Thắm về làng. Tí tò te, tự trách mình không bắt tay, “xin lỗi, tay tôi đang dầu mỡ”. Sao lại không bắt tay một cái để biết tay dân chài, đôi mắt lẳng ném vào mặt Tí cái nhìn đĩ không chịu được, nụ cười thoã tới chân răng, nói lên mẻ lưới thị bủa vô nhà hàng này không nhỏ. Con cá mập cắn câu, trước sau cũng đi chầu hà bá. Bầy lòng tong táy máy tay chân cũng hao tài tốn của không ít đâu. Tí biết thì đã sao, cứ mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây khói nhà bếp. “Chửa gặp nhau mà đã biệt ly/ hồn anh theo dõi bóng em đi/ hồn anh sẽ nhập trong luồng gió/ lưu luyến bên em chẳng nói gì…” Tí sủa vào tai ông già rứa, rồi mặc ông đắm đuối, mơ hồ, “già cũng biết ăn cơm… forget me not!” Ông già rứa lúc này chơi tiếng Anh đáo để, don't forget me.
Tí thả hồn vô nồi nước trụng, trụng nát bét một vợt bánh phở trong nồi nước sôi. Thằng nhóc bưng phở đợi hoài không thấy tô bánh không ăn thêm, “Anh Tí, người ta order bánh phở chứ không order bánh bột.” Ông chủ nghe nên quay lại, “Tí ơi, thấy nhỏ vậy, mà có chồng rồi đó, ha!” Ông già rứa ngưng tay lạng thịt, “có chồng thì mặc có chồng/ Tí cương Tí bế Tí bồng tí thôi… ha!”
   Cuộc hội ngộ báo điềm sóng gió kết thúc trong tiếng cười lẻ loi, bí hiểm của người mở cửa, hai tay thoăn thoắt nướng thịt trên cái lò nướng mênh mông. Xa xa, chàng sinh viên hồn siêu phách lạc, rối bời lo toan. Sáng nay tính cò kè bà chủ mượn tiền mua sách, ai dè. Người trí thức đứng bó hành lá như bó mạ để đưa lên máy cắt. “Không chừng, chó cắn chó không sủa là thằng này.” Ông già rứa quả là lịch duyệt.
 Một ngày, rồi một tuần, ông chủ muốn Kiều ngồi tính tiền, bắt điện thoại, nhưng chẳng việc nào xong. Tính tiền, ngoài bà chủ, bà chẳng ưng ai. Lòng người vô tình, tiền ham túi rỗng, bà chủ đâu rảnh tâm cúng dường. Bắt điện thoại phải thuộc menu, khách hàng order tô tái lớn, phải ghi liền xuống hoá đơn là P1, phải biết giá tiền, cộng thuế là bao nhiêu" Gặp khách Mỹ, phải giải thích cho họ biết trong gỏi cuốn có những gì, nước chấm làm bằng gì, cách ăn ra làm sao"... Nếu thấy còn nghi ngại thì phải thuyết phục họ thử cho biết. Bán được một lần là có lời một lần. Hậu hoạ tính sau. Kiều không đủ tiếng Anh để thất đức.
   Lại không đủ siêng để phụ giúp chị em nhà trên, khách kêu như réo đò qua sông. Cứ tới giờ đông, Kiều ưa bị gọi tránh qua, tránh ra… cho tui làm. Người tài kẻ sắc phải khác phái mới hạp nhau. Kiều không biết làm gì hơn là sớ rớ cười duyên với mấy mặt khát tình, bọn đứt dây thần kinh thẹn, ngồi như những đống phế thải trong góc nhà hàng. Bất tài cũng phải có tiền, chứ ba người uống chung ly cà phê đá, còn ra thể thống gì!
   Kiều không biết làm gì hơn đứng đón những chiếc xe dọn bàn của mấy anh chàng Mễ, để lấy lon tiền tip, rồi đếm. Công việc nhà trên của chị em như không mắc mớ tới Kiều. Quan hệ phụ nữ với nhau không thuận hạp là đầu mối của nói sau lưng. Tin tiền tip bị giảm đáng ngờ được rỉ tai trong nhà hàng. Ai cũng thấy hợp lý là so với lượng khách, nhưng cả đàn bà lẫn đàn ông đều giống nhau ở điểm muốn người khác nói ra. Con đường nhà dưới lên nhà trên phát sinh những câu chuyện hai người, ngưng ngang khi có người thứ ba đi qua. Không khí thiệt là khó ở. Tí ký tên vô tờ hai chục, đưa cho bạn đến ăn phở, nhờ bạn bỏ tip tờ hai chục này. Dặn cô bé part-time hiền nhất để không ai ngờ: Bạn anh ngồi bàn đó đó, sẽ bỏ tip tờ hai chục, có chữ ký của anh. Em thoi dõi xem tờ hai chục đó đi đâu"
   Cô bé dạ dạ, rồi sợ xanh mặt như bị sai đi bán xì ke, căng mắt nai đến làm đổ cà phê vô khách. Xin lỗi hết lời, dọn dẹp trối chết, xong. Tờ hai chục bặt vô âm tín. Cô bé ngồi khóc một mình ngoài cửa sau. Thiếu gì đường vào đời, sao số phận lại khắt khe với những thiên thần, đi giữa bầy thú dữ, không sứt mẻ tay chân cũng trầy trụa tâm hồn. Vài hôm sau, cô báo tin cho anh Tí. “Em thấy bếp trưởng bỏ tiền vô rổ tiền tip hai lần rồi, hôm kia và hôm qua. Hôm qua là bốn chục đồng lận đó, hôm kia em không coi được! Anh Tí có thấy mấy hôm nay tiền tip của mình bình thường lại!” Có thể bình thường lại được không trong nhóm người chia tam xẻ tứ từ hôm có em về. Kiều. Ai tên Kiều cũng đẹp và hình như hạnh lộ gian nan. Cô học trò nhỏ đã đi trên hai chân của mình, đi về phía đời sống. Ngoài những giấc mơ thần tiên, còn có dối gian. 
   Việc giờ rảnh, chị em nhà trên lo bỏ đũa, sắp muỗng, vô giấy lau miệng, châm ớt, châm tương, xì dầu, nước mắm… Cánh đàn ông dưới bếp lo cắt gọt, ướp tẩm… nạp lại những thứ cần dùng nơi mình phụ trách để chuẩn bị tăng chiều. Kiều dửng dưng đọc báo, hay nói chuyện với khách đa tình. Một tuần thôi, lượng khách ngồi đồng đã đông hẳn lên. Mà những người ngồi quán trong giờ làm việc thì chắc chắn là họ không có việc làm, hay không thích đi làm. Đằng nào họ cũng không có cái Kiều cần. Làm sao Kiều hiểu cho cái họ cần. Vòng đời nhiêu khê.
   Dưới bếp, anh đầu bếp hỏi Tí, mượn tiền đổ xăng.  Tí có, “nhưng để ngoài xe, tui ra lấy cho anh.” Tối đó, bếp trưởng chia tiền tip cho anh chị em, quả thật có hai tờ hai chục có chữ ký của Tí. Hèn gì, mấy hôm nay tiềp tip bình thường lại. Cô bé mắt nai vui như được học bổng. Cầu cho tương lai đừng quá khắt khe với mầm non như những người khốn khổ đêm về, ngủ vùi ngủ giập sau một ngày vất vả. Mọi nghi hoặc trong nhà hàng tiêu tan, người đầu bếp ít nói hơn trước.
3.
Bà chủ tự dưng tử tế ra, thực đơn nhà hàng không có món nào cá nên trong kho lạnh không có cá. Bà chủ đi chợ mua cá về ăn, vì không thấy thợ thầy ăn thịt. Tí được giao nhiệm vụ nấu cá sao cho ngon, được bà chủ không lừ mắt với Tí nữa, Tí mừng muốn chết. Mừng nhất là bà cho Tí về sớm hơn giờ đóng cửa vì Tí ưa đi làm sớm hơn mọi người, có khả năng lợi dụng cho những công việc sớm. Trước đây không công thì bây giờ công đạo bắt đầu khởi sắc với cánh nhà bếp chứ không riêng gì Tí. Chị em nhà trên cũng được hỏi han gia cảnh, chồng con… mấy đứa nhỏ được nghe lời khuyên vàng ngọc của bà chủ, “ráng học nghe, khó khăn gì, cứ cho cô biết!” Bà chủ dạo này nhơn đức lắm!


Ông chủ bận việc ngoài hơn xưa, ý định mở thêm nhà hàng của ông chưa nghe nói tới, bỗng thành chuyện nay mai. Ông chủ lúc này phải đi sớm để gặp người này, về trễ bởi phải gặp… cũng người đó. Bà chủ già xọp đi như xác con ve, ngồi nhìn ông chủ trút giận lên người mở cửa, thằng đứng lò nướng. Tối nào nó cũng chở Kiều về, sáng đón đi làm, bà chủ trả tiền xăng. Nó nhất nhất nghe lời bà chủ, không khoan nhượng ai hết. Nhưng ông mướn nó vô được thì ông đuổi nó phải được. Nhân đức có căn chứ thất đức có sẵn, thằng nhỏ lọt bẫy nhẹ hều. Cu cậu sụp đổ hết mưu toan, bỗng dưng rơi vào bế tắc.  Đến ông già rứa được giao nhiệm vụ đưa rước Kiều, ông bán cái cho Tí thuận đường hơn. Tí hết hồn ông địa. Nhớ hôm kia, Kiều xuống bếp tự nấu ăn, quậy cái bếp của Tí tèm lem tuốc luốc. Cây xăm thịt của Tí là vật độc quyền sử dụng vì chẳng ai xài ngoài Tí, cũng mất tiêu. Tí hỏi, “Em làm gì ở đây, cây xăm của anh đâu rồi"” Kiều cười nhã cợt, “cây xăm của anh thì ở trong quần anh, sao hỏi em"” Cả nhà bếp cười, lì lợm như Tí cũng đỏ mặt.
Tối đưa Kiều về, Kiều mời lên phòng chơi. Tí từ chối. Sáng hôm sau đón Kiều đi làm, Tí bị trách sớm quá! Tới tối Tí về sớm, không biết bà chủ tính sao với Kiều" Bà cho Kiều về sớm. Từ nay, đi về theo giờ của Tí. Lại mời lên phòng chơi. Hôi hám như con quỷ phở, có gì vui. Tí để lòng ở lại, đem con quỷ phở về tắm rửa, mai tính.
Tí đến đón Kiều vào sáng hôm sau. Kiều quấn khăn tắm ra mở cửa, “Anh Tí vô phòng đợi em thay đồ chút nha. Ơû ngoài trời lạnh.”
Ma lực của giọng nói, mãnh lực của điệu bộ, mấy sợi tóc ướt quấn chân người… hay, Tí bị thôi miên. Bước vô căn apartment thơm phức nước hoa, bày biện đơn giản, làm lộ rõ cái kính mát đắt tiền của ông chủ trên bàn bếp,  cái nón của thằng sinh viên, vứt vội trên đầu tủ lạnh… Không thấy dấu tích thằng nướng thịt. Chắc tối nay gọi nó đi uống vài chai bia, không chừng Tí gọi thì nó đã say mèm. Nghe nói lúc này cu cậu nhậu trừ cơm.
Tiếng máy sấy tóc chạy u u trong bathroom không khóa cửa. Ngoài phòng khách có thể nhìn vô tấm kiếng lớn bên trong. Tí quay lưng nhìn ra cửa sổ. Tiếng máy sấy tóc ngưng. Tiếng chân, tiếng Kiều thỏ thẻ sau lưng. Tí, “Ừ, cũng được.” Tí uống ly cà phê không mùi vì hương ủ trong đôi tay trần lan toả mạnh hơn, cái khăn tắm hững hờ ngọt hơn đường cát. 
  Anh đầu bếp cứ nhấp nhỏm đưa Kiều về, nhưng chẳng đêm nào được toại nguyện từ hôm Tí bỏ job taxi. Lúc nào cũng khối kẻ tình nguyện không công, những vị khách khi không rảnh rỗi và luôn tiện đường. Đã xảy ra lớn tiếng và hăm doạ nhau ngoài parking. Trong nhà hàng, mặt bà chủ đưa đám hoài không mở cửa mả. Ông chủ cũng lầm lì hơn xưa, uống rượu trong nhà hàng là việc chưa từng có trước đó, chỉ từ hôm bị vợ bắt quả tang. Tí với ông già rứa lo thăm hỏi chỗ làm khác cho mình là vừa. Hai người bị hoàn cảnh ép thành đồng minh. Ông già ngơi lo cơm gạo, khi nghe có chỗ làm mới rồi. Lại hỏi Tí xa gần, thật là nhan sắc, làm cho người ta u mê.
   Anh chàng sinh viên lầm lì vốn dĩ, không dính chuyện thị phi, chuyên tâm học hành… được anh chị em thương mến và che chở. Bỗng dưng dạo này gầy rộc trơ xương. Nghe nói đi làm thêm ban đêm ở cây xăng từ nửa khuya tới sáng. Còn làm nhà hàng thì thời giờ đâu để ngủ, nói gì tới học. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Một người thành công không trở lại giúp đỡ những người góp công trước đó, thì cũng cho họ được toại nguyện với quá khứ đã giúp đỡ một người đi tới thành công. Có lẽ mọi người phải thất vọng với con người được đặt nhiều niềm tin này. Và điều ấy đến, khi tên ma cô dí súng vào đầu chàng sinh viên, ngoài parking tối đen, “tao cấm mày, từ nay không được lui tới với con Kiều.”
Chuyện tới tai bà chủ, bà cười khẩy. Ngồi đợi suốt sáng hôm sau. Chàng sinh viên không vô làm, khiến mọi người lo lắng. Bà dửng dưng. Kiều cũng không vô làm, bà sợ, sợ ông nhà nổi điên. Bà vẽ chuyện đi công việc để tránh mặt, tránh chuyện bất lợi theo linh tính. Nhưng ông chủ cũng không vô. Hồi kết màn một của vở kịch đã gút không chừa lối mở. Người đầu bếp đi xuống đi lên, người làm nhà trên nhà dưới ngơ ngác như rắn không đầu. Cái nhà hàng ồn ào bỗng thưa thớt khách. 
Anh đầu bếp họp anh em còn lại, tuyên bố lý do đóng cửa nhà hàng vì anh rể đi tù - tội đánh vợ trọng thương. Anh không quên kể công sức một tháng qua, anh đã hết sức vì anh chị em, nhưng nay đành xin lỗi. Chuyện thằng sinh viên với con Kiều trốn đi đâu, đã xếp lại hồ sơ. Nay anh khơi lại, ai biết xin gọi anh…
 Tí với ông già rứa đi làm tiệm khác, ông già đổi tính cằn nhằn thì ai trách tuổi tác làm chi. Ông cứ cằn nhằn thằng Tí không giúp ông qua đồi trinh nữ một lần, chết cũng cam tâm. Ông nói hoài, Tí quạu, bất hoà. Nhưng cái tình người đi làm mướn, như chó với mèo, nhưng đi làm chỗ khác lại kéo nhau đi cho có đồng minh. Ông già không chịu lý luận của Tí là con người hèn bẩm sinh. Vài người đột biến gien thành anh hùng, tử đạo…, đa số không thành vĩ nhân mà thành quái nhân đầy trời, - như ông với tôi. Ông chửi cho đã miệng, rồi năn nỉ Tí xin việc cho chị Mừng. Tội nghiệp chị ấy, thất nghiệp ở nhà không xong đâu. Nghe nói chị ấy khổ lắm.
Ông hứa, không nhắc tới Kiều nữa. Vài hôm sau, thấy chị Mừng đi làm chung với Tí, ông trẻ ra nhờ vui. Hơn tháng, chàng sinh viên đột ngột quay về, tìm anh em. Nó gầy rộc như người sốt rét, đôi vai gầy và đôi mắt sâu. Ông già nhìn nó, ứa nước mắt. Chị Mừng mà không cười, ôm thằng nhỏ khóc ngất, “mày vô nhà hàng đi, sao đứng đây. Vô đi, chị mua hủ tíu cho ăn. Mày đói lắm phải không" Trời ơi, đẹp làm chi mà báo hại hết người này tới người khác…”
Thằng nhỏ chịu vô nhà hàng, ăn xong tô hủ tíu. Cứ ngồi như củi mục. Nó quá nhiều tâm sự nên không biết bắt đầu từ đâu. Ông già thở dài như ngày tháng chất lên đời mình, chưa thấy chuyện gì đau lòng hơn. Tí cận hả dạ những tô hủ tíu nấu cho Mừng ở nhà hàng cũ, nay chị trả lại cho thằng nhỏ một tô cả vốn lẫn lời. Bốn người dưng sao mà thương mến lạ. Tình làm thuê có lúc cũng ra người.
Thằng nhỏ không phải kể lể nhiều. Ông già cũng không hỏi kỹ như tính ông muốn biết tường tận mọi việc. Chị Mừng ít khi nói chuyện ngoài công việc. Chị có lối sống nói lên nhiều cam chịu qua ngày. Chắc thương nó lắm, chị mới nói, “Chị nói cho em nghe, chị với ông chủ nhà hàng cũ là chị em cùng cha khác mẹ đó. Nó giống ba chị, thấy đàn bà đẹp là chết bỏ không bỏ qua. Nhưng đối xử với người thân thì tệ lắm. Ông chủ đối xử với chị thì em biết rồi, ba chị đối xử với má chị còn tệ hơn. Chị buồn quá, nên không lập gia đình…”
Tí chen vô, “Ê, đừng có lợi dụng hoàn cảnh rồi lên giá, coi chừng ở giá. Ai hỏi cưới bà hồi nào, tui không tin là bà có cơ hội… Đặc biệt là chịu bỏ qua!”
“Mày không nói, không ai nói mày câm.”
“Chà, từ hồi nấu cháo cho ông già, coi bộ giỏi tiếng Việt ra đón ghen. Nói tiếp chuyện nhà hàng cũ, nghe đi.”
“Thì đó, chị em cùng cha khác mẹ mà đối xử với tui thì mấy người biết rồi. Con vợ nó, cũng đâu có hiền. Hồi trẻ đẹp, nhào vô phá đám gia đình người ta tan nát. Tới phiên mình còn tệ hơn, nó oánh cho tàn tật cũng còn hên, oánh chết thì mình cũng thiệt. Nó ở tù thì mình được gì đâu.”
“Biết rồi bà xẩm. Nói cái gì khác đi.”
   “Thì thằng này, quên hết chuyện mày ăn ở với con Kiều đi. Về, coi đi học lại mau mau lên. Trễ cũng học. Không học là đi làm mướn hoài hay sao…”
   “Học xong cũng đi làm công thôi.”
   “Tí ơi, mày không nói, không ai nói mày câm.”
   “Con mẹ Tàu này, hôm nay hỗn nha…”
   “Để tui nói chuyện. - Nghe chị đi, về đi học lại, quên hết đi. Nhiều quá thì chị không giúp được. Nhưng trong khả năng, chị giúp em.”
 Tí cận, ông già cũng đồng ý. Thằng nhỏ cáo biệt, hứa làm theo lời mấy người nó tin tưởng. Nó mang đi những điều muốn nói trong đôi mắt vời vợi.
Chị Mừng thở dài, nhìn theo… “Tui nói không tiện. Có dịp, hai ông nói cho nó biết, con Kiều làm thợ hớt tóc ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Mới mười lăm, mười sáu đã ăn ở với dân anh chị. Gặp thằng Việt kiều ở Úc về, mê nó đẹp nên đem nó sang Úc. Bạn bè thằng đó bên Mỹ qua chơi, nó bỏ chồng, theo bạn chồng qua Cali ngon hơn. Mấy tháng, bỏ thằng Cali, theo thằng Texas giàu hơn. Tới đây, tiệc tùng, bỏ thằng này cái rột. Theo ông chủ nhà hàng, nhiều tiền hơn. Thằng em tui mướn apartment cho nó ở. Cung phụng đủ điều, tới tán gia bại sản. Về bán nhà má tui, cho má tui ra apartment ở, nói là lấy vốn làm ăn, mở thêm nhà hàng. Đem tiền đi mua nhà cho nó. Mới sinh ra chuyện tùm lum, tới đóng cửa nhà hàng. Nó thì mê thằng sinh viên đẹp trai, nhưng nó đâu bỏ qua những người có tiền. Nhưng không có tiền thì làm sao sống, nó bỏ thằng nhỏ xác xơ, tội nghiệp. Tui biết, thằng này còn mê nó lắm. Mấy ông nói cho nó biết, tiếc gì mà bỏ hết tương lai của mình.”
“Vậy, còn thằng đầu bếp thì sao" Bà xẩm mà biết nhiều chuyện thâm cung bí sử quá ha!”
“Cũng tội nghiệp, nó mê con Kiều tới quên ăn mất ngủ. Tui nói luôn cho mấy ông biết, con Kiều không có ăn cắp tiền tip của ai hết. Bà chủ cũng không ăn cắp, nhưng lấy cớ đổi tiền trong rổ tiếp tip để thối cho khách, rồi lấy đi vài chục, không phải ăn cắp đâu. Chỉ là cách mượn tay đám mình đuổi nó, không mang tiếng với ai. Con người nham hiểm đâu có kết quả tốt. Thằng đầu bếp biết chị mình thủ đoạn, nhưng nó thương con Kiều quá nên cứ móc tiền túi bỏ vô…”
“Chị còn chuyện gì, nói luôn đi. Tui tưởng chị là bà xẩm thứ thiệt. Ai dè, cũng bà Tám dễ nể, còn bao nhiêu bí mật, bật mí một lần rồi giũ sổ. Tui gả ông già cho chị đó.”
“Mắc dịch mày nghe Tí.”

4.
Thời nhà hàng qua đi, từ khi nhà hàng Việt Nam mọc lên như nấm, những bảng hiệu đậm đà phong thổ quê hương, đọc cái tên tiệm đã thấy một trời thương nhớ… Vỹ Dạ, Hội An, Văn Lâu, Bến Ngự … Hải Vân, Lăng Cô vô Bình Thủy, Cái Răng… Ninh Kiều, Rạch giá xuống Đồng tháp, Kiên Giang, Đất Mũi, Cà Mau… tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa. Thời của những người làm bảng hiệu mở thêm chi nhánh tứ tung, thời của những câu khoái khẩu với tầm nhìn không qua ngọn cỏ, “Cộng đồng ta phát triển không ngừng, thương hiệu của người Việt liên tục mọc lên khắp nơi. Chứng tỏ cộng đồng đã vững mạnh về kinh tế… Công việc bảo tồn văn hoá không thể chậm trễ hơn nữa, phải làm sao" Ông hỏi ai trong hội trườngchỉ toàn ghế trống! Ghế không biết hỏi ông, còn không chịu về chỗ ngồi. Đứng ôm cái micro cứng ngắc như cao ngựa gió.
Quanh quẩn có mấy thương hiệu thay tên đổi họ, tái khai trương năm lần bảy lượt cũng y chang. Xí bỏ qua bàn những làm ăn lôi thôi cũ. Muốn thay đổi phải tận gốc, thay chủ nhà hàng biết làm ăn kiểu Mỹ mới xong. Giới thợ thầy, làm công đổi đồng phục như sân khấu về khuya, không thay đổi được. Chỉ tội những người bạn làm chung tưởng là hết kiếp tha phương, không ngờ dòng sống đổi thay. Có nhiều người bỗng được nhắc tên, đã không còn trên dương thế. Nhiều thương hiệu bắt gặp trên tờ báo cũ, đã nhiều năm ngoài ragare, kẹt tủ, gầm giường. Bỗng nhớ những người liên hệ, những vui buồn ngày cũ…
Đã nhiều năm giã từ, Tí gặp lại ông già lon ton xách cần câu xuống suối. Tí cũng đi câu đỡ ghiền ngày nghỉ. Mừng quá, mời ông đi uống cà phê, ăn sáng. Nhưng ông không thể vì đêm qua mưa lớn. Sáng nay, ông kiếm tiền mua gạo. Tí biết nói gì hơn là phụ ông câu cơm.
Những người đi câu chơi, giải khuây, không ra con suối hoang hôm nay với mưa lạnh và sình lầy. Tí đi câu vì khùng. Gió mưa tơi tả, người ta thèm chăn ấm nệm êm. Và ngược lại, thú hành xác, nhiều khi làm cho người ta tỉnh ngộ, trân quý hiện tại sẽ mở ra tương lai, ít nhất là một lối thoát cho sự nhàm chán phú quý. Nhưng tội người đi câu cơm, từng tuổi này còn đi kiếm gạo. Hai người câu đầy thùng 5 gallon cá bass, thùng thứ hai, thứ ba… ông còn chưa chịu về. Trời lất phất mưa sa, Tí tức mình, xách cái chài của ông xuống suối, quăng chài lả tay, không ăn thua. Tí bẻ mấy nhánh chà, dùng chài thay lưới, cắm luôn xuống dòng nước chảy. Cá ứ lại từng đàn, dùng vợt mà vợt. Đổ đầy thùng xe truck, ông già mới chịu nghỉ tay. Cũng chưa chịu về.
Hai người ngồi trú mưa bay, gió lạnh trong phòng lái cái xe truck của ông già tanh rình mùi cá, uống ly trà cám biết ngon. Nhớ nhà hàng, bình trà cám kẹo sánh như mật ong, nhễu vài giọt vô bình trà, mở vòi nước sôi là thành bình trà nóng cho khách hàng. Rẻ như trà free, trà cám mà cũng có lúc ngon tuyệt như bây giờ. Nghe cao nhân nói mãi, cũng có lúc không bằng lời lẽ tự đáy lòng, tự con tim ông già khổ nạn, lưu linh…
 “Hôm nay, trời mưa cá cho chúng sinh giải nạn. Cảm ơn mày nha Tí. Không có mày, tao không làm xuể đâu. Xe cá này, tau có thể trả nợ.”
   “Bây giờ, ông sống bằng nghề câu hả"”
   “Già rồi, đi xin việc làm, đâu có ai mướn…”
   “Vậy ông đến nhà tôi đi, tôi cho ông mớ đồ nghề câu đập. Lên Lake Texoma mà câu cá lớn, có lý hơn câu ba con cá bằng bàn tay, này. Tôi nói cho ông biết, tôi đã từng thấy 4 người Việt Nam, họ lái xe van lớn. Đậu bên rừng Oklahoma. Rồi kéo coolers thả bộ qua đập để câu bên bờ Texas. Họ lén cho người khác những con cá nhỏ, để chỉ bắt cá lớn vì luật cho mỗi người không quá 5 con. Khi 4 người đã được 20 con, họ lại kéo coolers qua Oklahoma, ra fillet, bỏ coolers ướp đá, trong xe van. Sau đó trở lại bờ Texas câu tiếp. Cuối ngày, họ đi giao cá fillet cho nhà hàng seafood. Tiền không.”
“Tao có đi rồi, đi mới biết không quăng nổi cây cần câu 12 feet nữa. Đành loanh quanh cần trúc với cá con…”
“Thì sức già phi mã lực, nhưng ông có bệnh hoạn gì không"”
“Trái gió trở trời chút đỉnh. Không thành vấn đề.”
“Lúc này còn ngâm rượu… ông uống bà khen"”
“Tao nói chơi với tụi bay dạo nọ. Rượu thuốc tao ngâm ngày trước là trị đau lưng. Chắc tại làm cực quá mà thiếu ăn lúc trẻ, nên xương cốt giãn sớm…”
“Từ hồi mê gái, xúc hết ra luôn!”
“Ma nào…”
“Ma chà bông, không xong rồi hả" Lần đó ông bệnh… nhũng nhẽo, bà xẩm làm thịt chà bông cho ông ăn cháo. Ngồi dảnh phao câu mà xé thịt dưới bếp một mình. Tụi tui cười quá trời…”
   “Thằng mắc dịch mày, toàn nhớ chuyện gì đâu! Nhưng công nhận cô Mừng làm chà bông ngon thiệt.”
   “Rồi ông có chà mông, đáp lễ người ta.”
   “Trời đánh mày. Nói bậy không hè!”
   “Tui ưa nói tầm bậy tầm bạ, mà trúng tùm lum tùm la. Lúc này, mở miệng ra là cô Mừng, cô Mừng… không gọi là bà xẩm, con mẹ Tàu, nữa đó!”
   “Hừm…”
   “Đừng có đỏ mặt. Người ta biết mình quê…!”
“Đù cha mi. Hè! Hết chuyện nói rứa!”
“Thì nói gì nói đi. Không muốn người ta biết, trừ phi đừng có làm. Hè với hụi...”
“Tau còn tức một chuyện. Ai biết được người đẹp như con Kiều, mà manh tâm báo hại bao người. Tau cũng đâu có thoát bị nó mượn tiền, rồi đòi ai" Bắc thang lên hỏi ông trời… Cô Mừng coi vậy mà tốt thiệt, làm chà bông cho ăn. Còn đi mua thuốc cho uống, không lấy tiền lại. Tau vác dao đi xẻ con Kiều ra, coi gan bao lớn mà dám gạt tau. Cô Mừng  cũng gạt tau. Đưa tiền, nói con Kiều gởi trả. Mày coi.”
“Hồi tui nghỉ nhà hàng, ông với Mừng muội của ông tha hồ đú đởn. Lắm kỷ niệm ha!'
“Mày đi biệt. Tau tưởng tiêu rồi! Nhiều lần cô Mừng chở tau đi bác sĩ, về nấu cháo cho ăn. Trả tiền apartment, tiền điện cho tau mấy tháng. Hồi khoẻ, tau đi làm lại. Trả lại tiền mà cô ấy cũng đâu có lấy.”
   “Rồi hầm đuôi heo với xáu báu cho ông ăn, phải không"”
“Ừ. Sao mày biết"”
“Tui biết người Tàu hơn ông tưởng. Thương ai là hầm cái đuôi đằng sau cho ăn để bổ cái đuôi đằng trước…”
“Đù cha mi. Tau không có!”
“Thề đi. Nói chơi với ông già thôi mà. Sao hai người không ở chung cho đỡ tốn tiền mướn phòng. Ơû riêng chi, còn tốn xăng chạy qua chạy lại…”
   “Nói như mày, tau không biết mày nói thiệt hay mày nói chơi!”
   “Nói chơi là thiệt nói thiệt là chơi. Ông không thấy cái gì tưởng thiệt thì như chơi, tưởng chơi như thiệt… Tưởng ông chọc ghẹo con Kiều là chơi, là chọc bọn tui bầy mưu lập kế bề hội đồng. Ai dè, ông đưa tiền cho nó mượn là thiệt. Ai nghe nó mượn tiền chẳng chừa ai, là để lo cho thằng sinh viên. Tưởng nói chơi! Là thiệt, nó thương thằng nhỏ thiệt lòng.”
   “Sao mày biết"”
   “Ông nhớ, hôm thằng nhỏ trở về nhà hàng, tìm anh chị em. Nhà hàng đâu còn. Nó hỏi thăm mới gặp tui, ông, bà xẩm ở nhà hàng khác. Bà xẩm khóc quá xá, còn hứa lo cho thằng nhỏ ăn học. Tui với ông cũng hùa theo làm việc nghĩa vì thấy thằng nhỏ rách quá. Nhưng ăn xong tô hủ tíu. Nó cám ơn rồi đi, không quay lại thêm lần nào nữa.”
“Nhớ, tau nhớ.”
“Sau này, tui có gặp thằng sinh viên, cũng tình cờ như gặp ông hôm nay. Lúc gặp nó thì nó ngon lành lắm! Vợ đẹp con ngoan. Nó chào hỏi tui qua loa, nhưng nhét business card vô tay tui. Tui đi nhậu với nó hôm sau, nó tìm con Kiều để trả ơn. Ông không ngờ, phải không"”
Có chuyện đó"”
“Giỡn như chơi mà, con Kiều thấy nó đi làm từ 12 giờ đêm tới 6 giờ sáng ở 7-Eleven. Sau đó đi học hay đi làm nhà hàng tùy bữa. Con Kiều ra tay, cứu thằng nhỏ. Ai cũng, tui cũng nghĩ như ai. Nhiều chuyện đời khó đoán.”
“Sao hai đứa nó phải trốn đi, sao thằng nhỏ phải trở về xơ xác…”
“Tụi nó không hẹn trốn. Ngẫu nhiên thôi. Thằng nhỏ, cũng không phải trốn bọn ma cô, đòi thanh toán nó vụ con Kiều. Nó trốn con ghệ đeo nó còn hơn đỉa. Cái tội thân mình không lo, ưa bao đồng, giúp người mới sang… con kia vu oan cho nó cái bầu. Nó bỏ trốn, cuối cùng lại theo con Mỹ bán bar mới thúi hẻo, về kiếm bọn mình để tá túc. Nghe ông chửi con Kiều không còn manh giáp, nó buồn lòng bỏ đi. Tính nó kín miệng nào giờ.”
“Thiệt là tau xớn xác. Nghe mày nói nó thành công. Không thôi tau hối hận lắm!”
“Vậy ông còn giận con Kiều không"”
“Thôi. bỏ đi.”
“Con Kiều cũng trốn ma cô, do bà chủ tính sổ. Cho ma cô tới nhà thanh toán. Nó tuột máng xối xuống parking. Ghê hôn" Nó canh thằng nhỏ ngoài nhà hàng, đâu ai biết! Dúi hết tiền trong tay cho thằng nhỏ, rồi chia tay. Thằng nhỏ không nói láo, thì ông biết rồi! Nó tìm con Kiều hoài là để trả ơn. Nhưng tui không giúp nó vì… tui cũng bận rộn, và cũng thấy nó yên bề gia thất. Nghĩ tới con Kiều, không thể làm bạn người đã có gia đình. Trời sanh ra nó có ma lực kỳ quặc. Ông nghĩ lại coi, ông đâu phải người ham hố, lại có tuổi rồi nữa. Vậy mà đưa cho nó nửa tháng lương, lúc nghèo mạt rệp, là ý gì chứ" Có nhiều ân oán, đành để lòng. Không phải có cơ hội là trả được đâu! Oâng đồng ý không"”
“Thiệt là sáng mắt. Tau cứ để bụng, con Kiều mượn tau hết nửa tháng lương. Tiền không trả mà tình cũng không cho. Tau đau bụng mười mấy năm trời.”
“Thì trời đền cho cái lò gạch cũ, bảo đảm còn gin..”
“Đù cha mi…”
“Ông chửi tui, không sợ trời đang mưa sao" Tui ít nói sai lắm!”
“Về.”
“Về thì về. nhưng hôm nào, ông nói chuyện với bà xẩm xem những tin tức thâm cung bí sử hồi xưa về con Kiều bà ấy nghe từ đâu" Tui cũng, nhiều khi chợt nhớ. Không hiểu con người đó ra sao…”
“Thôi. Bỏ đi.”
“Còn quê chuyện vác dao đi xẻ thịt con Kiều phải không" Nó vạch vú ra thì úp mặt…”
“Đù cha mi. Về.”
Mưa không thể nào dứt với từng đám mây đen kịt vây hãm bầu trời. “Về thôi ông già.” Tí lái theo ông để phụ chuyển cá lên lầu apartment, đổ đầy bồn tắm cho ông ướp nước đá. Bán lai rai cho dân nghèo trong apartment. Mai còn nhiêu, xẻ muối. Bán cá khô. Không đi Mỹ không bao giờ tin cá rộng bồn tắm. Tí khoái cái gì kỳ lạ nên mê tít ông già đang làm phép cho những con cá ngáp ngáp thành tiền đô.
Tí vừa mệt, vừa đói, vừa lạnh nữa. Được ông già nướng cho mấy con cá khô, xách chai rượu uống dở ra sưởi lòng quá vãng. Những chuyện cũ từ từ khui ra, những bí mật bật mí từ từ theo men rượu.  Ông vừa làm cá, ướp cá, vừa nhậu. Con người không bao giờ nghỉ tay trừ phi Chúa gọi, Phật kêu. Số ông cực. Ông chọn những con cá ngon, bự nhất, tươi nhất… ướp xả ớt, thơm lừng. Tí tưởng được ăn, mừng thầm. Ai dè, người ta mê gái tới xuống lỗ, ông đem cất vô tủ lạnh để mai đem cho cô Mừng. Tình khói lửa nhà bếp, ông già nấu cho Tí tô canh chua ăn với bún. Rau thơm, bạc hà, có cả đậu bắp đều trồng ngoài hè. Ông mang theo quê hương cả tiếng sáo tre, lúc này răng rụng, thổi vài hơi lại nghe phèo phèo nước miếng, nghe ông ngâm đỡ hơn, “đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá/ đò từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình/ lờ đờ bóng ngả trăng chênh/ tiếng hò xa vọng nhắn tình nước non. Nước sông Hiền Lương không phân đường ranh giới/ ngọn gió cửa Tùng chung thổi cả Bắc-Nam…”
Bất ngờ lý thú làm Tí quắc cần câu, ngủ luôn nhà ông già. Sáng ra tiệm phở như hai người khách. Hai người khách lạ trong tiệm phở quen, ngồi ăn kỷ niệm. Nắng nỏ ngoài hiên, ông già nhắm chừng cô Mừng đã về, “đem cá muối xả ớt tới, cô mừng lắm.” Không biết cô mừng bao nhiêu, Tí vui trước trong mắt ông già mừng. Ơû tuổi ông, người ta nghĩ tới một nơi để về. Ông còn vui với một nơi để đến. Há chẳng vui sao.
 Tí lái đến nơi ông già chỉ điểm, là tiệm bán vớ vẩn những phụ tùng cũ của máy móc hư hao… mấy người Mễ phụ việc ngớ ngẩn. Thương vụ không có gì nhiều tiền lẫn cả sự sầm uất người ra kẻ vào. Bà chủ ngồi lóc cóc cái máy tính, cuộn giấy cứ dài ra như sớ táo quân… Gương mặt yêu kiều còn sót lại vài nét thanh tú của sống mũi, nếp nhăn khoé mắt làm mờ đi nét liêu trai. Bờ vai thôi khêu gợi, gò ngực thôi đợi chờ… Kiều đó, Giáng Kiều đó, đẹp hôn" Ông chủ nhà hàng không biết đã ra tù! Anh đầu bếp có vợ chưa" Tí loang quanh như kiếm tìm vài thứ. Loanh quanh với những người gặp lại hay không cũng không vui buồn. Loanh quanh với một thời tưởng đá vàng phai…
 Tí ra về, lòng trống không, bỗng nhớ da diết cái nhà bếp của nhà hàng năm nọ. Dòng đời trôi như mây. Nhớ ly cà phê không mùi, hai cánh tay trần lan toả hương mê, cái khăn tắm hững hờ ngọt hơn đường cát. “người ơi, dĩ vãng đã xa…”
Phan

Ý kiến bạn đọc
07/03/201718:20:09
Khách
Thấy P.T.Hải giới thiệu có hơn TRIỆU người đọc nên vào đọc thử .
Chuyện ẹ thiệt đó , lan man bất tận như 1 con mèo đi lạc không tìm được lối về .
07/03/201716:38:55
Khách
Bai viet vo duyen, do et..
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến