Hôm nay,  

Lời Nguyện Cầu Đêm Noel

27/12/201000:00:00(Xem: 207849)

Lời Nguyện Cầu Đêm Noel

Tác giả:Anthony Hung Cao
Bài số 3075-28375-vb2122810

Anthony Hung Cao, giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2010, là một nha sĩ đang hành nghề tại Costa Mesa. Ngoài việc viết văn, ông còn là nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Sau đây là bài viết mùa Noel năm nay của ông.

***

Thấm thoát mà một năm đã trôi qua. Một năm với rất nhiều biến động, đổi thay trong xã hội xung quanh và ngay cả đến cuộc sống của cá nhân tôi.  Cũng thời gian này năm ngoái, vào một buổi sáng thứ Bảy trên đường lái xe đến nơi làm việc, tôi mơ màng ngắm nhìn cảnh trời đang len lén khoác lên người chiếc áo ảm đạm của mùa đông với những hàng cây bên đường đang trút những chiếc lá vàng cuối cùng. Một vài khách bộ hành đang co ro bước vội trong chiếc áo khoác không đủ ấm.  Không gian bắt đầu tràn ngập khung cảnh nô nức chuẩn bị đón mùa Giáng sinh với những cửa hiệu hai bên đường đã bắt đầu trang hoàng và bày bán nhiều đồ dùng cho mùa Giáng sinh. 
Hai mươi mấy năm trôi qua trên xứ Mỹ, mỗi mùa Giáng sinh về, tôi ít được nghe chữ "Noel", mà thay vào đó là " Christmas ".  Có lẽ chữ "Noel" tôi được nghe nhiều hơn trong thời gian còn ở Việt Nam. Đã bao nhiêu năm trôi qua, vậy mà hình ảnh của mùa Noel ở Việt Nam vẫn chưa phai nhoà trong tâm trí tôi dù đã trải qua bao đổi thay trong cuộc đời.  Cũng như buổi sáng hôm đó khi đang lái xe, những hình ảnh khổ đau của quê hương bỗng dưng chợt hiện về khiến trí óc tôi chợt nãy sinh ra bài thơ với lời khấn nguyện Chúa ban cho những người dân lành nơi đất Việt bớt đi những cảnh khổ đau dù tôi là người "ngoại đạo".   
Hình ảnh những người Mẹ già một nắng hai sương tần tảo nuôi con, từ những câu chuyện về những người Mẹ phải ngâm mình dưới dòng nước dơ bẩn để vớt đồ ve chai đem bán, đến những người Mẹ phải đu theo những chuyến xe lửa để bán hàng và bị trượt chân chết, và còn bao nhiêu người Mẹ nơi quê nhà vẫn tựa cửa trông chờ hình bóng của những người con yêu xa quê.  Rồi hình ảnh những em bé phải bỏ học vất vưởng nơi vĩa hè bán vé số để mưu sinh.  Và sau hết là bao nhiêu câu chuyện về những cô gái trẻ phải lấy chồng xa xứ vì hoàn cảnh bi thương ở quê nhà mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày trên báo chí.  Những khuôn mặt và những cảnh đời đó cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi để rồi những câu thơ cứ tiếp nối tuôn trào...

Thương nơi quê cũ Mẹ già
Sương rơi hoà nước mắt nhoà nhớ con
Thương bé thơ ấu gầy mòn
Bán tờ vé số có còn tương lai
Thương em chẳng có ngày mai
Lấy chồng xa xứ lệ hoài mãi tuôn
Đêm Noel, nghe tiếng chuông
Hay lòng viễn xứ đang buông lời cầu"

Không biết Chúa có đoái hoài cho lời nguyện cầu của kẻ ngoại đạo như tôi hay không, nhưng tôi vẫn cứ dâng lên lời ước nguyện của mình.  Sau khi sáng tác xong bài thơ, tối hôm đó về đến nhà, cơm nước xong là tôi bắt đầu ngồi bên cây đàn piano để bắt đầu phổ nhạc bài thơ khi những tình cảm trong lòng vẫn còn đang dâng tràn.  Sau khi gửi bản nhạc cho studio làm hoà âm và ca sĩ thâu, tôi mong đợi từng ngày với hy vọng bản nhạc sẽ xong trước ngày Noel để tôi có dịp nghe và giới thiệu đến bạn bè trên diễn đàn. 
Tưởng cũng nên kể thêm một chút là khoảng hai năm nay, ngoài mái ấm gia đình nho nhỏ hạnh phúc mà tôi đang có, tôi còn thêm hai gia đình mới.  Một gia đình của những người bạn yêu thích viết lách và vẫn thường gửi bài vở đến chương trình "Viết Về Nước Mỹ " của Việt Báo mà chúng tôi gọi là gia đình Việt Bút. Một gia đình khác, tuy tôi mới gia nhập sau này, nhưng cũng là nơi tôi có dịp sinh hoạt chia sẻ về những sáng tác âm nhạc là Diễn đàn Tình Nghệ Sĩ.  Nơi đây cũng là nơi quy tụ rất nhiều anh chị em sinh hoạt trong các bộ môn thi ca hội hoạ.  Ngoài ra, cũng có nhiều những nhạc sĩ tên tuổi cũng tham gia nhưng các vị này sinh hoạt rất âm thầm và thường thì ít khi lên tiếng. 
Sở dĩ tôi có cơ duyên gia nhập vào diễn đàn này vì trong buổi phỏng vấn ra mắt CD đầu tay "Phượng Đỏ Mùa Đông", tôi có dịp gặp người MC duyên dáng và cũng là người dẫn chương trình trên Hồn Việt TV là chị Thụy Trinh. Sau đó, chị đã giới thiệu tôi với anh Việt Hải, một trong những người sáng lập ra diễn đàn này.

Khi chỉ còn hai ngày nữa là đến Noel, tôi thật vui mừng khi nhận được bài hát từ studio gửi đến. Vậy là lời ước nguyện đầu tiên "mong cho bản nhạc được hoàn thành trước ngày lễ Giáng sinh" đã trở thành hiện thực.  Tôi còn nhớ mãi đêm hôm đó, khi nghe những tiếng nhạc ngân nga quyện trong từng hồi chuông đỗ trong bản nhạc, tiếng hát của người ca sĩ làm tôi có cảm giác như anh đang thay tôi nói lên những lời ước nguyện chất chứa trong lòng tôi qua những nốt nhạc phổ từ những vần thơ này . 
Chúa ơi ban phép nhiệm màu
Cho người dân Việt hết sầu khổ đau...
Tôi cũng ước mong sao cho những người bạn trên các diễn đàn cùng chia sẻ với những lời nguyện cầu của tôi qua bản nhạc.  Đêm Noel  mang theo những cơn gió lạnh mùa đông nhưng lòng tôi được sưởi ấm bởi những lời khen ngợi và đồng cảm của nhiều người trên diễn đàn.  Có một người trên diễn đàn mà tôi chưa bao giờ gặp mặt, anh đang sống ở Canada, hỏi tôi có phải là người theo đạo Công giáo không vì anh cho biết bài hát có âm hưởng của nhạc Thánh ca và vợ anh còn tưởng lầm là một bài hát của Linh mục Nguyễn Sang, người thường hay sáng tác nhạc và hát trong nhà thờ của anh chị.
Buổi sáng sau đêm Giáng sinh, tôi như đứa trẻ vui mừng khi nhận được quà từ ông già Noel khi tôi mở máy computer và thật bất ngờ khi nhận được thư của Nhạc sĩ Anh Bằng gửi tới với lời nhận xét về bài hát. 
Đây là lần đầu tiên kể từ lúc tôi sinh hoạt trên Diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, tôi được thấy email của Nhạc sĩ Anh Bằng viết lời nhận xét của ông.  Từ lúc bé khi còn ở Việt Nam, khi biết nghêu ngao hát và bắt đầu học đàn, đã không biết bao nhiêu lần tôi đã lẩm nhẩm hát và đàn những bản tình ca bất hủ của ông như "Chuyện Tình Lan và Điệp" hay "Trúc Đào". 
Lớn hơn chút nữa, ở tuổi mộng mơ cắp sách đến trường là "Hoa Học Trò", và cho đến khi đến định cư ở nước Mỹ trong những năm đầu, bản nhạc"Chuyện Tình Hoa Trắng" với tiếng hát của nữ ca sĩ Như Quỳnh cũng đã làm bao nhiêu người yêu thích. Sự nghiệp âm nhạc lâu dài và đồ sộ của Nhạc sĩ Anh Bằng đã đưa tên tuổi ông thành một trong những cỗ thụ của làng âm nhạc Việt Nam.
Với một người mới bước vào lĩnh vực sáng tác nhạc không bao lâu như tôi, quả thật tôi không bao giờ dám ước mơ có ngày nào được ông "để mắt" tới.  Vậy mà ông đã gửi thư với lời nhận xét cho tôi.


Câu chuyện đã không dừng lại ở đó với bài hát "Lời Nguyện Cầu Đêm Noel" .  Khoảng gần một tháng sau đó, sau buổi họp mặt tiệc Tất niên của một số văn thi sĩ trong Văn Đàn Đồng Tâm, tôi nhận được một email khác của nhạc sĩ Anh Bằng gửi đến:
"11 tháng 1, 2010
Cao Minh Hưng quý mến,
 Hôm qua ở Đà Lạt Bistro gặp nhau mà chú cháu mình (CCM) ít có thì giờ nói chuyện. Chú Anh Bằng (CAB) đang có ý định thành lập Hội CA NHẠC SĨ VIỆT NAM HẢI NGOẠI, Cao Minh Hưng nghĩ thế nào"
 CAB già quá rồi, sống nay chết mai, vì thế rất muốn thành lập HCNSVNHN hoạt động trước khi nhắm mắt. Việc đầu tiên chú nghĩ tới là tìm người có khả năng gánh vác. Người đầu tiên chú hy vọng và tin tưởng là Cao Minh Hưng, mặc dù CCM chỉ mới quen nhau chưa lâu lắm. CAB và vài Nhạc sĩ khác như Giáo sư Lê Văn Khoa, Nhạc sĩ Ngọc Chánh sẽ làm Cố Vấn...."
Cảm giác đầu tiên của tôi là hết sức cảm động khi đọc những dòng tâm sự của Nhạc sĩ Anh Bằng. Chú đã cống hiến cả một đời cho âm nhạc từ trong nước ra đến hải ngoại, và đến bây giờ tuy tuổi đã xế bóng, chú vẫn còn tấm lòng đầy nhiệt huyết lo nghĩ đến tương lai của nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại.  Tuy nhiên, tôi phải vội vàng gửi thư đến Nhạc sĩ Anh Bằng và xin phép được từ chối. 
Trong thư phúc đáp cho chú, tôi cám ơn chú đã đặt niềm tin tưởng nơi tôi, tuy nhiên tôi e rằng mình không có đủ thời gian và khả năng để hoàn thành ước nguyện mà chú đã từng ấp ủ bấy lâu nay.  Tôi xin chú chọn một người khác để cùng chú thực hiện hoài bão xây dựng tổ chức này.  Tuy nhiên, tôi hứa với chú tôi sẽ đứng sau hậu trường để làm những công việc gì mà mình có thể làm được để giúp chú và những người khác một tay.
Tôi đinh ninh Nhạc sĩ Anh Bằng sẽ thay đổi ý định sau khi đọc xong lá thư "trần tình" của tôi, nhưng tôi lại nhận được lá thư khác của chú gửi đến hôm 12-01-10, trong đó chú viết “Chú Anh Bằng vẫn hy vọng Cao Minh Hưng nghĩ lại... để cùng CAB nhóm lên ngọn lửa hồng, sưởi ấm lại tình nghĩa Văn nghệ hải ngoại của chúng ta...."
Chú còn viết nhiều nữa, nhiều đoạn làm mắt tôi như muốn nhoà đi vì thật sự cảm động trước tấm lòng của người Nhạc sĩ  lão thành đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn luôn trăn trở thiết tha với việc bảo tồn và phát triển nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại. 
Sau ba mươi lăm năm sống trên đất Mỹ, chúng ta đã được nghe nhiều về những sự thành công trên thương trường của người Việt cũng như những thành tích xuất sắc nơi học đường của các em ở thế hệ thứ hai.  Nhưng song song với những điều đáng tự hào đó, một điều mà dù muốn dù không, chúng ta đang đối diện với sự mai một của tiếng Việt  trên đất Mỹ.  Những trẻ em sau này rất ít các cháu còn có thể viết và nói thông thạo tiếng Việt nữa. Trong âm nhạc, thế hệ trẻ không còn hứng thú sáng tác và hát nhạc Việt vì không có nơi đào tạo và môi trường phát triển.  Với xu hướng đó, trong vòng mười lăm đến hai mươi năm nữa, khi những thế hệ trước không còn viết và sáng tác nữa, nền văn học và âm nhạc Việt ở hải ngoại chắc chắn không còn chỗ đứng trong lòng các thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại sau này.  Suy nghĩ kỹ, tôi càng thấu hiểu và cảm thông với những lo lắng và quan tâm của Nhạc sĩ Anh Bằng cũng như nhiều vị văn nghệ sĩ của thế hệ trước.  Tôi biết nếu một khi đứng ra gánh vác những trách nhiệm như việc thành lập một tổ chức nhằm đoàn kết các anh chị em nghệ sĩ để tạo một môi trường cùng nhau giúp đỡ, học hỏi, và phát triển sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.  Tuy nhiên, tôi cảm thấy sẽ thật có lỗi nếu không dám mạnh dạn đứng ra cùng những người có tấm lòng đầy nhiệt huyết như Nhạc sĩ Anh Bằng và nhà văn Việt Hải để lập nên một tổ chức cho mọi người có nơi sinh hoạt văn thi hội hoạ. 
Sau vài tuần lễ bàn thảo, một tổ chức có tên gọi "Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ" được chính thức ra đời trong một ngày nắng xuân thật đẹp của tháng Ba năm 2010 với sự tham dự của ba vị nhạc sĩ kỳ cựu của nền âm nhạc Việt Nam và cũng là Cố vấn cho Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ là Nhạc sĩ Anh Bằng, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, và Nhạc sĩ Lam Phương cùng với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ.  Từ đó đến nay, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã không ngừng phát triển với số thành viên lên đến hơn vài trăm người với các chi nhánh ở một số tiểu bang của nước Mỹ, đến Úc châu và qua đến cả Âu châu. Những thành viên của Câu Lạc Bộ đã và đang cùng nhau từng bước biến những ước mơ của người Nhạc sĩ có tấm lòng sâu nặng với nền âm nhạc của Việt Nam trở thành sự thật.
Noel năm nay lại về, với những bài nhạc Giáng sinh đang vang lên khắp mọi nơi.  Trong tiết trời se lạnh, cảnh vật đang khoác lên người chiếc áo ảm đạm của mùa đông.  Trên con đường quen thuộc đến chỗ làm, tôi tình cờ nghe lại bản nhạc "Lời Nguyện Cầu Đêm Noel" trên làn sóng phát thanh với những lời nguyện cầu hoà trong tiếng chuông Noel đổ từng hồi:
Mẹ ơi thương quá hãy lau
Khô đi dòng lệ ngày sau con về
Bé thơ trở lại đường quê
Chân vui đến lớp trên đê cánh diều
Cho em vui bữa cơm chiều
Bên chồng con trẻ đượm nhiều tình quê...
Lời nguyện ước của tôi trong bản nhạc không biết đến ngày nào mới thành hiện thực, nhưng tôi có một niềm vui vì nhờ bản nhạc này đã cho tôi có cơ duyên quen biết Nhạc sĩ Anh Bằng và sau đó được ông khuyến khích để mạnh dạn dấn bước giúp thực hiện phần nào những điều mong ước của người Nhạc sĩ mà tôi rất kính mến.
Bao nhiêu năm đã trôi qua trên xứ người, những người bạn trong lứa tuổi của tôi có lẽ phần lớn đã tạm ổn định với cuộc sống. Tôi thiết nghĩ đây là lúc chúng ta nên làm một điều gì đó để góp phần giữ gìn nền văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt. Những người yêu thích viết văn nên tiếp tục viết để chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm sống thực của mình trong quá trình hội nhập vào cuộc sống mới với những chương trình có ý nghĩa như "Viết Về Nước Mỹ".  Những người yêu thích âm nhạc nên tham gia vào những tổ chức như Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (qua trang mạng caulacbotinhnghesi.net) để cùng nhau học hỏi, chia sẻ và góp phần phát triển nền âm nhạc Việt nam ở hải ngoại.
Quê hương thứ hai đã cưu mang và cho chúng ta nhiều cơ hội để có cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ và nhất là cho chúng ta được tận hưởng một nền dân chủ thật sự. Tuy nhiên,trong những đêm mùa Noel  lạnh giá như thế này, chúng ta đừng quên bao mảnh đời còn đang chịu nhiều khổ đau ở quê nhà.  Đâu đó, tiếng chuông Noel đang vang lên từng hồi như quyện cùng với lời hát cất lên lời nguyện cầu:
Chuông  Noel đổ vọng về
Cầu cho nước Việt tương lai thanh bình....         

 Anthony  Hưng Cao
Mùa Giáng sinh 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,206,182
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến