Hôm nay,  

Trái Đắng Khổ Qua

06/10/201000:00:00(Xem: 244469)

Trái Đắng Khổ Qua

 


Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3008-28308-vb4110510

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA.,  đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài mới nhất của Bảo Trân.

*

1. Chốn Cũ

Trước khi ra về, Mina (người đồng nghiệp Phi dễ thương đã tận tình chỉ bảo tôi từ những ngày đầu khi tôi đổi qua làm “Social Worker Trainee” bên chương trình “In home Supportive Services”) còn xách ví tới bên cạnh bàn tôi dặn dò:
     -  Nhớ nghe Lily, không thôi thì bà Sylvia sẽ cạo đầu tôi đó.

Tôi nhìn Mina cười:
     -  Yên tâm đi.  Have a nice vacation.
 
Tôi nhìn theo người bạn đồng nghiệp vừa tất tả bước ra cửa mà thấy tội nghiệp cho cái số tất bật của Mina.  Thật tình, 10 giờ tối nay lên máy bay rồi mà Mina vẫn còn phải đi làm cho tới trưa, cô nàng sợ là không thanh toán kịp mấy cái hồ sơ này trước khi đi vacation thì khi về sẽ nhìn thấy một núi công việc.  Ban nãy, trước giờ về khoảng hơn tiếng đồng hồ, Mina đã hấp tấp tới bàn tôi thì thầm:
     -  Lily ơi, chiều nay tôi bắt đầu nghỉ vacation rồi, mà tôi còn sót một cái hồ sơ tháng này chưa có đi review.  Ba tuần lễ nữa tôi về là sẽ thành delinquent mất.  Bà có thể làm cái “home call” này rồi update nó giùm tôi không"  Đáng lẽ, tôi đã đến nhà người khách hàng này hai tuần trước, nhưng bà ta nhắn lại, bảo là phải đưa ông chồng đi bác sĩ, bà ta nói sẽ gọi lại tôi để lấy một cái hẹn khác.  Tôi bỏ hồ sơ vào một góc rồi quên bẵng nó đi.
 
Tôi gật đầu: 
     -  Đương nhiên là tôi có thể làm giùm bà rồi.  Đưa hồ sơ cho tôi.  Tôi sẽ gọi cho họ cái hẹn.  Thứ ba tuần tới tôi cũng phải làm mấy cái “home call”, thêm một cái nữa nhằm nhò gì.  Mina nhoẻn cười nói - “You are wonderful” -, rồi đưa ngay hồ sơ đang cầm trên tay cho tôi, xong quay quả trở về chỗ của mình xếp dọn.    
 
Tôi mở hồ sơ Mina đưa, tìm số phone gọi đến nhà khách hàng của Mina.  Chuông reo, không có người bắt máy.  Tôi để lại lời nhắn vào máy, báo cho người khách hàng này biết là tôi sẽ đến thăm viếng họ để làm “yearly review” vào thứ ba tuần tới, trong khoảng từ 3 tới 4 giờ chiều.
 
Gọi phone xong, tôi để cái hồ sơ này vào cùng chỗ với xấp hồ sơ tôi phải đi review tuần tới ở một chỗ riêng biệt trên bàn rồi lại cắm cúi tiếp tục tính toán hồ sơ của một ông già người Đại Hàn tôi vừa đi viếng thăm hai hôm trước.  Tôi chưa biết là có nên cho thêm ông già này nửa giờ mỗi tuần như ông yêu cầu để người chăm sóc cho ông có thể ở lại giúp thêm vài công việc lặt vặt trong nhà hay không.  Thật là khổ, ông cứ làm như chúng tôi là người có đầy quyền năng sinh sát, muốn cho khách hàng bao nhiêu giờ cũng được.  Ông đâu có hiểu là chính phủ đã có bảng chiết tính giờ giấc cho những dịch vụ đó rõ ràng.  Bớt giờ đi thì không sao chứ cho thêm giờ là phải có lý do chính đáng thì mới được sếp chấp thuận.  Và ông đâu có biết là chúng tôi đang đau đầu với những lời đe dọa của Thống Đốc Arnold Schwarzenegger.  Ông Thống Đốc này đang dự tính là sẽ cắt bỏ bớt những chương trình trợ cấp xã hội trong vòng hai năm tới để có tiền bù vào những khoản thiếu hụt của ngân sách tiểu bang.  Hơn hai tháng nay social workers chúng tôi đã nhận được lịnh từ trung ương đưa xuống là phải duyệt xét kỹ càng lại những hồ sơ xin trợ cấp dịch vụ “In-Home Supportive Services” vừa đến ngày review, để cắt bớt những giờ xem ra “không cần thiết” hầu có thể tiết kiệm ngân quỹ theo đúng như lời kêu gọi “thắt lưng, buộc bụng” của ngài Thống Đốc.
 
Ngồi tính qua tính lại để thêm bớt giờ hoài cũng chán, tôi bỏ dở hồ sơ đang làm, chống tay lên cằm nhìn ra mấy đám cây xanh nằm rải rác trong khuôn viên bãi đậu xe qua khung cửa sổ kính trước mặt.  Nhìn đám cây này tôi lại nhớ đến những đám cây trong khu vườn hoa của cái công viên ở gần sở cũ, nơi tôi và những đồng nghiệp GAIN* của tôi đã hăng hái rủ nhau đi bộ tập thể thao hai mươi phút nghỉ giải lao mỗi sáng. Ở sở này, không có chương trình “sống vui, sống khỏe” như ở sở GAIN cũ của tôi, vì nhân viên ở nơi này có những giờ giấc làm việc khác nhau, ngày mà người này có mặt ở sở, thì người khác lại làm việc ở nhà (tele-commute) hay lại đi  thăm viếng khách hàng, nên khó có thể họp lại đông đủ để cùng nhau “tập luyện”.  Chỉ có một số ít nhân viên mới, chưa qua hết sáu tháng tập sự (probation) như tôi, chưa được ở nhà làm việc, thì ngày nào cũng phải có mặt ở sở. Mà cái đám nhân viên mới như tôi (ngoại trừ những lúc đi thăm khách hàng) vẫn phải bù đầu bù cổ để cố “nuốt” trôi những cái điều luật mới và đang tập làm quen với cái bảng chiết tính giờ giấc nên cũng đâu có rảnh mà rủ nhau đi bách bộ.  
 
Mấy tháng nay, tôi đang làm “Social Worker Trainee”, thực tập làm chuyên viên xã hội, trong chương trình In-Home Supportive Services.  In-Home Supportive Services (mà chúng tôi gọi tắt là In-Home) hay “dịch vụ trợ giúp tại gia” là một chương trình của Bộ Xã Hội, nhằm giúp đỡ những người già trên 65 tuổi, đau yếu, hay những người tàn tật, không thể tự lo cho mình, nhưng có thể sống tại nhà riêng của họ nếu có người giúp đỡ.  Chương trình In-Home sẽ tùy theo nhu cầu cần thiết của những người này mà giúp cho một số tiền trợ cấp để họ có thể thuê người đến chăm sóc, phục vụ cho họ trong những công việc như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, nấu ăn, chở đi bác sĩ, chích thuốc, thậm chí đến cả những dịch vụ cá nhân như tắm rửa, thay quần áo, chải đầu, đút cơm ăn...  Số giờ làm việc của những “người chăm sóc tại gia” này sẽ được chấp thuận tùy theo mức độ cần thiết của người cần giúp đỡ, theo một mức độ đo lường sự cần thiết đã được xếp hạng rõ ràng từ 1 đến 5.  Nếu những người cần trợ cấp “dịch vụ trợ giúp tại gia” này không có khả năng tự lo cho mình (mức độ cao nhất, số 5) thì chương trình In-Home sẽ cho “người chăm sóc tại gia” nhiều giờ làm việc để phục vụ tận tình hơn.  Tuy nhiên người nào còn có thể “thỉnh thoảng” tự lo được cho mình hay chỉ cần sự trợ giúp nhỏ nhoi của “người chăm sóc tại gia” (mức độ số 1 hoặc 2) thì số giờ được chấp thuận sẽ ít hơn.  Mỗi công việc làm cũng đã được giới hạn trong một số giờ nhất định, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa được 6 tiếng đồng hồ mỗi tháng, giặt giũ hay đi chợ được 4 tiếng đồng hồ mỗi tháng v.v...
 
Tôi từ GAIN đi qua chương trình In-Home này cũng có lý do.  Số là đầu năm ngoái, vì tình hình kinh tế suy thoái, Ban Giám Sát Quận Thiên Thần muốn cân bằng ngân sách, nên đã cắt bớt vài chương trình trợ cấp đặc biệt của bên GAIN. Thế là nhân viên của chương trình GAIN bị thặng dư, phải bị chuyển đổi sang những chương trình khác.  Nhân lúc chương trình In-Home Supportive Services đang cần thêm nhiều nhân viên vì số hồ sơ xin trợ cấp “dịch vụ chăm sóc tại gia” đã tiếp tục gia tăng nhanh chóng, nên Ban Giám Sát Quận đã cho GAIN workers một đặc ân là có thể xin thuyên chuyển sang làm ở chương trình này mà không cần phải qua một cuộc phỏng vấn nào cả.  Tôi thì tuy không nằm trong cái diện “worker bị chuyển đổi” nhưng thấy cái chương trình In-Home này có vẻ hay hay, và hấp dẫn hơn nữa là sau hai năm tập sự làm “Trainee” thì tôi sẽ được vào ngạch Social Worker thực thụ, và tiền lương sẽ được tăng thêm 500 đồng mỗi tháng, nên tôi đã làm đơn xin thuyên chuyển. Thế nên bây giờ tôi mới có mặt ở văn phòng In-Home Supportive Services này.  
 
Công việc mới của tôi bây giờ cũng khác hẳn công việc ngày xưa.  Ngày xưa, tôi làm ở GAIN, có nhiệm vụ tìm việc làm cho những người hưởng trợ cấp xã hội nên ngày nào văn phòng tôi cũng ồn ào với khách hàng đông đảo.  Còn bây giờ thì social worker chỉ cần gặp khách hàng mỗi năm một lần, vào những ngày “yearly review”, và chỉ gặp ở nhà khách hàng, để duyệt xét xem họ thực sự cần bao nhiêu giờ mỗi ngày để nhờ người chăm sóc, rồi trở về sở làm để kết toán số giờ dịch vụ cần phải cho.  Khách hàng của In-Home không bao giờ phải cất công đến văn phòng để gặp worker, cần gì thì chỉ gọi điện thoại hoặc là gởi thư đến.  Bởi thế nên văn phòng của tôi hoàn toàn yên tĩnh, vì lâu lâu mới có một người khách tìm vào để khiếu nại, còn lại thì chỉ có những social worker ngồi chăm chú với những cái hồ sơ để toan toan, tính tính.  Thỉnh thoảng thì chúng tôi cũng đi vòng vòng cho giãn gân giãn cốt và cũng để tán dóc với nhau, nhưng chỉ dám thì thầm.  Im lặng quá đỗi cũng đâm buồn, nên đôi khi tôi cũng thấy nhớ cái không khí ồn ào của văn phòng GAIN cũ của tôi.

&&&

Tôi đậu xe vào nơi dành riêng cho khách (guest parking) của khu vực mobile home rồi đi từ từ tìm số nhà.  Trong mấy cái “home call” thì tôi ghét nhất phải đi đến khu vực townhouse, condominum hay mobile home, vì tìm chỗ đậu xe ở mấy khu vực này đã khó, mà lò mò đi tìm số nhà lại khổ công hơn.  Hễ cứ đến những khu vực này là tôi cứ như đi vào trong “bát quái trận đồ”, nên có khi cả một buổi chiều mà tôi chỉ làm được có 3 cái “home call”.  Bởi thế, hôm nay tôi đã cẩn thận đi thăm viếng mấy khách hàng ở nhà riêng và chung cư trước, rồi mới làm cái “home call” ở mobile home này sau cùng, để lỡ có lạc đường thì tôi cũng còn dư giả thì giờ mà tìm kiếm. 
 
Đi vòng vòng, quẹo phải, quẹo trái một hồi rồi cuối cùng tôi cũng tìm ra nơi mình muốn đến.  Con số nhà Sp#142 nằm trên hộp thơ đằng trước cái mobile home có màu xanh xám, cũ kỹ.  Cái mobile home này dường như không hề được tu bổ trong những ngày tháng gần đây.  Tôi bước lên ba bậc cầu thang nối tiếp với cái sàn gỗ vuông vức cao ngang mặt sàn của cái mobile home.  Cái sàn gỗ được bao quanh bởi một vòng lan can thấp. Chắc chủ nhà đã làm thêm cái sàn gỗ này để lấy chỗ ngồi chơi, hóng gió buổi chiều.  Đến trước cửa nhà tôi đưa tay bấm chuông.  Những tiếng tít tít khô khan vang lên nhưng đợi hơn 3 phút tôi vẫn không thấy động tĩnh gì từ phía trong nhà.  Tôi lấy phone cầm tay gọi, tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo liên hồi mà cũng chẳng có ai bắt máy chứng tỏ là không có người ở nhà!  Sao lại thế nhỉ"  Tôi đã nhắn vào trong máy rõ ràng là tôi sẽ đến thăm khách hàng chiều hôm nay cơ mà"!
 
Tôi đi xuống sân nhà, đi vòng qua phía đằng sau mobile home, xem có người nào ở ngoài sân không.  Tôi đi qua cái sân nhỏ xíu khô cằn nằm cuối mảnh đất, sang phía bên hông trái của cái mobile home phía bên chỗ đậu xe.  Cũng không có một bóng người!  Tôi đi vòng trở lại phía trước, lên lại cái sàn gỗ, đến nơi đặt một cái bàn tròn nhỏ có bốn cái ghế nhựa màu trắng và ngồi xuống cái ghế nhựa đặt gần cửa. Tôi tính ở đây chờ thêm khoảng mười phút nữa, nếu người khách hàng vẫn chưa về thì tôi sẽ để lại tấm danh thiếp và vài hàng chữ nhắn họ gọi tôi xin một cái hẹn khác.
 
Vừa ngồi chờ khách hàng tôi vừa đưa mắt ngắm khung cảnh chung quanh.  Khu vực mobile home này là “Family Park” (khu mobile home dành cho gia đình có con nhỏ) mà thật yên tĩnh, tôi không thấy có bóng dáng đứa trẻ nào chạy chơi loanh quanh.  Cũng như những mobile home park khác, những căn nhà ở đây đều có một khoảnh đất nho nhỏ ở phía trước và phía sau cho chủ nhà có chỗ trồng trọt vài ba cái cây con cho tươi mát. Nhưng khác với những khu mobile home của người Việt ở dưới vùng Bolsa, trong lòng thủ đô tị nạn, trồng toàn là rau cỏ, cây trái quê hương, thì khu mobile home này chỉ có những bụi hoa đủ màu sắc, và những đám cây xanh. 

Cái căn mobile home của tôi đến viếng thăm cũng có sân trước, vườn sau, nhưng có lẽ không được chăm sóc nên có vẻ khô cằn, chẳng có được một chút hoa lá màu mè cho vui mắt.  Chủ nhà đã trải sỏi trắng đầy phía khoảnh sân đằng trước cho đỡ bụi bậm, còn khoảnh đất sau nhà thì trơ đất, khô rang.  Cái gốc chanh duy nhất nằm trong góc vườn chắc đã bị bỏ quên lâu ngày nên cũng không có nổi mấy trái chanh tươi.  Chung quanh gốc cây chanh là những đám bông dại nằm ẹp sát đất như muốn rụi tàn.  Duy chỉ có một cái chậu con con nằm gần phía mái hiên che, là khả dĩ còn biểu lộ một sức sống mạnh mẽ.  Cái chậu con này có những giây leo lá xanh mướt, lấm tấm điểm một vài nụ hoa vàng, quấn vòng loạn xạ trên cái khung sắt hình trôn ốc mà nhà vườn vẫn thường dùng để giữ mấy cây cà chua.  Nhìn kỹ thì tôi nhận ra được cái hình dáng mỏng manh của những chiếc lá khổ qua. 
 
Càng ngắm cái chậu khổ qua với cách trồng ngộ nghĩnh của chủ nhà, tôi càng cảm thấy cái mobile home và góc sân nhỏ này có một nét gì quen thuộc.  Tôi cúi xuống nhìn lại hồ sơ, lẩm bẩm đọc tên hai người khách hàng chiều nay cần phải gặp: John Smith (người nhận trợ giúp chăm sóc tại gia) và Na Smith (người chăm sóc tại gia cho John Smith).  Hình như... tôi đã nghe đến hai cái tên này ở đâu rồi!  Bỗng dưng, tôi chợt nhớ... có phải, cái góc vườn nhỏ này là nơi tôi đã âm thầm ngồi khóc một năm xưa"

&&&

Tháng 9 năm 1975, 35 năm trước.

Sau khi ở Louisiana với gia đình người bảo lãnh hết một mùa hè, chúng tôi trở lại California.  Bố đã gửi cho chú Lân và chú Đức (hai người “đồng hương Mỹ Tho” mà bố gặp ở trại tị nạn Pendleton) $500 để đặt cọc mướn cho gia đình tôi một căn nhà 2 phòng ở gần khu chung cư hai chú đang cư ngụ.  Đúng ra thì chỉ có chú Đức là người Mỹ Tho, còn bố là người Hà Nội, và chú Lân thì sinh trưởng ở Bình Dương, nhưng bố và chú Lân đều làm việc tại Mỹ Tho nhiều năm.  Hồi còn ở trong trại tị nạn, bố má và mấy chú ngồi nói chuyện với nhau một lúc mới biết ra là người quen cả.  Chú Lân có gặp bố một lần ở Trung Tâm Chiêu Hồi Đồng Tâm, khi bố cùng phái đoàn tỉnh xuống thanh tra để xem phải giúp đỡ những gì cho trung tâm này sau cơn hỏa hoạn.  Còn chú Đức thì là sĩ quan của Sư Đoàn 7, chưa gặp bố bao giờ, nhưng vợ của chú Đức dạy học tại trường Việt Tú, và cũng là cô giáo của Út Ti năm con bé xuống học mẫu giáo ở Mỹ Tho.  Tuy không phải là “cố tri” nhưng cùng mang thân phận tha hương, nên bố và mấy chú đã kết tình đồng hương nhanh chóng. 
 
Trước khi rời Louisiana bố cũng đã báo tin lên cơ quan thiện nguyện Lutheran để cho họ biết là gia đình tôi sẽ rời nhà người bảo lãnh về định cư ở California, chỉ vì muốn gần gũi với bà con, người thân quen chứ không phải vì có “vấn đề” gì với người bảo lãnh cả. 
 
Chúng tôi bước xuống trạm xe đò Greyhound ở trung tâm thành phố Los Angeles ngơ ngơ, ngáo ngáo. Chú Lân, chú Đức đã hẹn ra đón sớm mà chờ cả giờ cũng chẳng thấy tăm hơi.  Bố bảo mấy má con chúng tôi đứng đợi ở một góc sân ga để bố đi tìm điện thoại công cộng gọi về chỗ mấy chú ở hỏi thăm.  Một chốc sau bố trở lại cho biết là mấy người ở chung nhà nói mấy chú đã đi ra khỏi nhà từ sáng sớm.
 
Chúng tôi đứng chờ thêm chừng khoảng gần nửa tiếng sau mới thấy mấy chú hối hả chạy tới, miệng rối rít xin lỗi bố má.  Vừa thở chú Đức vừa giải thích, sở dĩ giờ này mấy chú mới đến là vì mấy chú đón hụt hết một chuyến xe bus chuyển tiếp, rồi chừng lên đến được bến xe đò Greyhound thì lại chạy nhầm qua cửa khác.  Nhưng không sao vì cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhau.  Nghỉ ngơi được dăm ba phút thì mấy chú lại hối gia đình tôi xách giỏ quần áo nhanh chân theo mấy chú đi qua bến xe bus bên kia đường để kịp đón chuyến xe đi về nơi trú ngụ.   
 
Chúng tôi ngỡ ngàng khi được xe bus thả xuống ở trạm ngừng ngay trước cửa khu mobile home trên đường Imperial.  Bố ngăn chú Lân và chú Đức lại khi hai chú dợm bước vào khu vực gia cư này, bố hỏi:
     -  Mình đi đâu đây"  Không phải về nhà đã mướn sao"
 
Chú Lân gãi đầu gãi tai ấp úng:
     -  Cái nhà tụi em mướn cho anh chị còn hai bữa nữa mới sơn sửa xong, anh chị và các cháu ở tạm nhà này vài hôm...
 
    -  Nhà này là nhà ai vậy" 
 
Chú Đức trả lời:
     -  Nhà của chị Na, một người đồng hương của anh Lân, qua Mỹ trước mình 2 năm.  Hai ông bà này đã giúp chúng em mướn căn nhà 3 phòng cho gia đình anh chị.
 
Bố hỏi hai chú quen biết với gia đình này ra sao thì hai chú nói hồi giữa tháng 6 hai vợ chồng chị Na theo mấy người bạn vào thăm dân tị nạn ở trại Pendleton, có gặp chú Lân, chú Đức.  Sau khi hai chú được ra định cư ở thành phố Artesia, hai chú có liên lạc với chị và vẫn thường đi xe bus đến nhà chị chơi.  Nghe tin hai chú đi tìm nhà mướn cho gia đình tôi nên ông chồng chị Na đã giới thiệu cho chú mướn căn nhà của người ông quen ở thành phố Paramount.  Căn nhà này đang được sửa chữa lại và sẽ hoàn tất đầu tuần tới.  Nhưng gia đình tôi lại đến Cali sớm hơn hai ngày nên chị Na nói cứ về nhà chị ở tạm.
 
Bố chưa kịp nói gì thêm thì nghe tiếng có người gọi anh Lân, anh Đức ơi ới từ phía khu nhà.  Chúng tôi quay lại thấy một người đàn bà Việt Nam và một người Mỹ trắng đang rảo cẳng bước tới.  Vừa đến trước mặt chúng tôi là người đàn bà đã nhanh nhẩu hỏi:
     -  Có phải gia đình chú Lý mới ở Louisiana qua đây hông" 
 
Chú Đức gật đầu nói phải rồi quay lại giới thiệu gia đình tôi với hai người.  Chú Lân nói:
     -  Đây là chị Na, và ông chồng tên John.  Ông John là người đã mướn giùm anh chị căn nhà bên vùng Paramount đó. 
 
Chú Đức quay lại chị Na nói nhỏ:
     -  Anh Lý đang ngại vì chưa biết chị với ông John.  Thôi để tụi này đưa gia đình ảnh về chung cư của tụi này ở tạm.  Chừng nhà xong thì nhờ chị với ông John đưa qua bên bển.
 
Chị Na xua tay:
     -  Ăn thì nhiều, chứ ở bao nhiêu.  Nếu gia đình chú không ngại nằm sàn thì cứ ở với tụi tui vài bữa.  Bên chung cư của anh Đức cũng đông lắm rồi, giờ thêm 7 người nữa thì làm sao mà thở.
 
Rồi chị quay sang chồng hỏi:
     -  Honey, they stay our house ok, wait for rent house"
 
Ông chồng chị Na gật đầu nói: 
     -  Of course.  The house is almost done.  Bob said, he just has to install the kitchen sink and the garbage disposal, and then you guys can move in. 
 
Không biết nói gì hơn, gia đình tôi đành phải theo chị vào nhà. 
 
Nhà chị Na là một cái mobile home nhỏ hẹp, chắc chừng khoảng hơn 500 square feet, chỉ có một phòng ngủ ở phía trong cùng.  Kế phòng ngủ là một phòng tắm nhỏ, rồi đến một khu bếp ở giữa nhà chỉ đủ chỗ kê vừa một cái bàn ăn nhỏ sát cửa sổ có hai cái ghế ngồi.  Phía ngoài cùng cái mobile home là căn phòng khách cũng nhỏ, có một chiếc sofa dài và một cái bàn gỗ thấp.  Buổi tối, hai vợ chồng chị Na và thằng Johnny, thằng con nhỏ vừa lên một tuổi của chị, ngủ trong phòng ngủ của họ.  Bố ngủ trên sofa, cái ghế mà chị Na nói có thể kéo ra thành một cái giường.  Nhưng đường đất chỉ có bao nhiêu đó, nếu kéo ra thành giường rồi thì sẽ chiếm hết cả phòng khách, nên bố phải nằm co người trên cái sofa, còn má và mấy chị em tôi trải drap giường nằm ngủ trên sàn nhà.  Lúc ăn cơm thì mạnh ai người đó lấy một tô, một đĩa, ngồi rải rác ở ghế sofa, ở bộ bàn nhựa trắng trong góc sân hay là ngồi trên bậc thềm cầu thang mà ăn.  Mấy chị em tôi đang được ở trong nhà rộng rãi thoải mái, tung tăng vườn trước vườn sau, bây giờ phải tùm húm trong căn nhà tôn nóng nực này nên không khỏi buồn phiền.  Bố cũng rất bực mình với mấy chú nhưng chuyện đã lỡ rồi nên phải nén lòng chờ đợi.
 
Nhưng hai ngày sau chúng tôi vẫn chưa có cơ hội dọn về nhà mướn, vì không dưng cái hệ thống dẫn nước trong nhà đó bị bể, nên ông chủ nhà phải thuê người đến để làm lại hệ thống mới, dẫn nước xuống qua lối mái nhà.  Thế là gia đình tôi phải ở lại nhà chị Na thêm một tuần lễ nữa. 
 
Chị Na hơn tôi mười tuổi và thua bố má mười hai tuổi.  Ở một cái tuổi lưng chừng như vậy nhưng chị Na không gọi bố là anh như chị gọi chú Lân, chú Đức.  Khi nghe mấy chú “càm ràm” là sao không gọi “chú Lý ” bằng “anh” như chị gọi mấy chú thì chị Na đập tay lên vai chú Đức cười ha hả:
     -  Tướng chú Lý “ngầu” quá, tui kiu (kêu) ổng là anh để ổng “đục” phù mỏ tui hả"
 
Thật tình mà nói, tôi không thấy thoải mái khi nghe chị Na nói chuyện, nên ít khi tôi muốn trò chuyện với chị.  Thứ nhất, tôi vốn dĩ vẫn ít ăn ít nói, thứ hai, tôi không thích cái lối nói chuyện luông tuồng của chị.  Tôi vẫn lẳng lặng đi ra chỗ khác khi thấy chị cười đùa, trửng giỡn với mấy chú.  Thêm vào đó, tôi rất “khó chịu” khi ngày nào tôi cũng nghe chị rên ư ử mấy câu hát:
 
 Đường vào tình yêu! có nhiều trái đắng mang tên Khổ Qua
 Trái đắng xanh xao nhưng tình yêu ngọt ngào
 Em ngỡ rằng mình thương đau.

Hay là:

 Xin người yêu chớ sầu để buồn Khổ Qua... **

Tuy là chị hát nghe cũng được, và cái giọng miền Nam của chị cũng không đến nỗi quê mùa, nhưng ngày nào cũng bắt tôi nghe đi nghe lại hoài chỉ có từng đó câu hát thì bảo làm sao tôi không “khó chịu”.  Có lẽ bố cũng nhìn thấy tôi đang “cau có” nên đã gọi tôi ra một góc sân mà nhắc cho tôi nhớ là - mình đang ở nhờ nhà người ta. -

Chị Na trồng một cây chanh xanh và một chậu khổ qua sau vườn.  Chị nói trồng chanh để lấy lá non ăn với thịt gà luộc chấm muối tiêu và có nước chanh gội đầu cho thơm tóc.  Còn cái chậu khổ qua này có được cũng nhờ chị bỏ hột vô khăn mùi xoa đem theo.  Cái chậu khổ qua nhỏ chỉ cho chị được vài ba trái.  Má hỏi:
     -  Sao không trồng thành giàn cho nó lớn mạnh, nhiều trái hơn.  Có bao nhiêu đây khổ qua thì làm sao đủ mà ăn"
 
Chị Na cười:
     -  Con trồng để nhìn cho đỡ nhớ nhà thôi, chứ đâu có cần ăn.  Vậy mà đôi khi cũng ra trái quá chừng ăn hổng hết.  Con hái vô xắt mỏng đem xào với trứng rồi kẹp bánh mì miếng ăn, ăn riết cũng ngán nên con đâu có muốn trồng thành giàn.
 
Má nói:
     -  Ăn vậy ngán là phải, còn thiếu gì món nấu với khổ qua, khổ qua nhồi thịt băm hấp, khổ qua nấu canh tôm, khổ qua kho sườn, khổ qua xào thịt bò…
 
Chị Na trả lời:
     -  Tiền đâu mà mua thịt ăn hoài thím.  Thằng John lãnh tiền bịnh mà.  Còn con với thằng Johnny thì xin trợ cấp xã hội, có phút tem (Food stamps), bông sữa.  Phút tem thì tháng nào xào hết tháng nấy, tụi con chỉ được ăn thịt, ăn gà vào mỗi tuần đầu tháng thôi thím ơi.   Mấy bữa nay có gia đình thím tụi con mới được ăn thả giàn dzậy đó.

Hèn chi, mấy hôm nay theo bố đi chợ, ông John cứ bỏ đầy đồ ăn xuống xe rồi để bố trả tiền.  Có hôm, bố mua một hộp kem cho mọi người ăn tráng miệng vậy mà khi về đến nhà ông đã nhanh nhẹn lấy ra một tô to ăn trước.  Bố nhìn thấy nhưng vẫn im lặng, vì mình đang ở nhờ nhà ông ta.  Cũng may là bố có được một số tiền để dành kha khá từ lần cuối đổi tiền lương trong trại và sau ba tháng trời đi làm ở Louisiana.

Ban ngày, trong lúc ông John đi theo phụ người anh ruột chăm sóc mấy cái hồ bơi, bố, chú Lân và chú Đức đi bộ ra sở thất nghiệp cách đó một con đường để tìm việc làm, thì tôi đem cuốn sách Anh Ngữ Thực Hành của lớp học Anh Ngữ Nguyễn Thế Thông tôi đã học hồi xưa ra ôn lại.  Tôi hay kéo cái ghế nhựa từ trên sàn gỗ phía ngoài cửa mobile home đem ra ngồi gần cây chanh và chậu khổ qua sau vườn vì ít ra nơi này cũng còn mát mẻ hơn là ở trong nhà.  Đôi khi học không được, tôi bỏ cuốn sách xuống ngồi tẩn mẩn ngắt mấy cái lá khổ qua già, héo, mà nhớ đến cái giàn khổ qua, giàn thiên lý, mấy cái chậu mai vàng trong cái khoảnh sân nho nhỏ của tôi ở quê nhà để rồi lại rơi nước mắt. 
 
Chị Na đã bắt gặp tôi một lần tôi đang ngồi khóc âm thầm bên cạnh chậu khổ qua, và chị cũng kéo ghế ngồi bên cạnh tôi.  Nước mắt chảy thành giòng, chị kể cho tôi nghe chuyện tình của chị với người đã đưa cho chị những hột khổ qua.  Đó là lần duy nhất, tôi thoải mái chuyện trò cùng chị.
 
Chúng tôi ở trong cái mobile home ngột ngạt đó khoảng mười ngày rồi dọn qua nhà mướn.  Căn nhà ở Paramount này đúng ra chỉ có hai phòng, nhưng ông chủ nhà đã ngăn cái garage dài sọc của căn nhà để làm thêm một phòng nhỏ, để vừa một cái giường đôi.  Bố má ở phòng này.  Năm chị em tôi chia nhau hai cái phòng ngủ ở phía trước.  Đang ở trong căn mobile home chật hẹp, được dọn về căn nhà rộng gấp hai, ba lần, có phòng ngủ riêng biệt, có vườn trước, vườn sau nên chúng tôi vui như chim xổ lồng. 
 
Chị Na và ông John, cứ cách ngày dẫn thằng Johnny qua nhà tôi… ăn cơm.  Nhưng được chừng đâu vài ba tuần thì tôi không thấy họ đến nữa và từ đó chúng tôi mất liên lạc với chị luôn...

&&&

Tôi đứng dậy, vừa định gắn tờ giấy nhắn tin cho người khách hàng gọi lại cho tôi lên cửa rồi đi về thì có tiếng xe thắng gấp ở bên phía sân đậu xe.  Rồi một người đàn bà Á Đông đứng tuổi vội vã bước lên những bậc cầu thang, nhìn lên phía tôi, miệng rối rít xin lỗi: 
     -  Sorry, sorry, madam.  We are home now.
 
Theo sau bà là một người đàn ông mặt mũi bơ phờ, con mắt phải thì lờ đờ như thiếu ngủ, còn con mắt trái thì đã bị kéo màng trắng, chậm rãi bước những bước như không muốn vững.  Bà Na chợt khựng lại khi đến trước mặt tôi.  Bà ta mở rộng cánh cửa ra cho tôi bước vào rồi quay sang dìu ông chồng vào nhà.  Bà vừa định đưa chồng đến cái ghế sofa trong phòng khách  nhưng người chồng lắc đầu, ra dấu cho biết là ông ta muốn đi vào trong phòng ngủ.  Bà Na đưa ông chồng vào phòng ngủ rồi đi ra.  Tôi đưa cái danh thiếp của tôi cho bà nói:
     -  Tôi là Lily Nguyễn, đến làm “review” thay cho bà Mina Dila, social worker của ông bà. 
 
Vừa đưa tay cầm lấy cái danh thiếp của tôi bà Na vừa hỏi:
     -  You speak Vietnamese"
 
Tôi gật đầu.  Bà Na vui mừng đổi qua nói tiếng Việt ngay: 
     -  Thiệt đỡ khổ cho tui, chứ tui cứ “lúc lắc” tiếng Mỹ với người Mỹ hoài mệt quá.
 
Tôi hỏi:
     -  Tại sao bà không yêu cầu chuyển sang social worker người Việt" 
 
Bà ta lắc đầu:
     -  Tui muốn lắm, nhưng thằng chồng tui nó không chịu. 
 
Tôi tròn mắt nhìn bà.  Bà Na nói:
     -  Bà không hiểu đâu.  Nhưng mà thôi, bà cứ làm việc của bà đi.  Chồng tui không ngồi nổi cho bà phỏng vấn đâu.  Nằm lọc máu mấy tiếng đồng hồ nó muốn ngất ngư rồi.  Tui xin lỗi đã bắt bà chờ, tui được “mét xịt” (message) của bà là bà sẽ tới chiều nay, nhưng thằng chồng tui đã có hẹn đi lọc máu từ trước.  Đi buổi sáng, tui nghĩ là về kịp, nên không kêu cho bà hay, nhưng không biết mắc chứng gì mà máy móc nó trục trặc, nên tới hai giờ rưỡi mới xong.  Báo hại tui chạy xe thục mạng, sợ bà về mất. 
 
Tôi lấy hồ sơ ra bắt đầu những câu hỏi thường lệ để xem tình trạng ông John Smith có tiến triển khả quan chút nào không, có thể tự lo cho mình được phần nào không, hay vẫn còn phải cần những dịch vụ chăm sóc như năm trước"  Bà Na Smith thở dài:
     -  Nếu mà tốt hơn thì tui cũng đỡ khổ.  Đằng này càng ngày nó càng tệ hơn, như bà thấy đó, con mắt bên trái của nó đui rồi, nó quờ quạng quá, có bữa tui phải “lết” nó vô nhà cầu.  Cũng may là nó ốm bớt nên tui mới na nó nổi, chứ nó mà mập như ngày xưa thì tui thua. 
 
Khoanh vòng những con số cần thiết của bảng chiết tính review xong tôi gấp hồ sơ lại.  Tôi nói cho bà Na biết là tôi chỉ giúp bà Mina Dila làm công việc review thôi.  Hồ sơ của bà vẫn do bà Dila giữ.  Tôi cũng báo cho bà Na biết là vì thiếu hụt công quỹ nên Bộ Xã Hội đang dự tính cắt bớt một số giờ của những “dịch vụ tại gia”, nên kỳ review năm nay chúng tôi phải tính toán rất kỹ càng.  Chúng tôi sẽ gởi giấy báo cho bà sau khi thủ tục review hoàn tất.  Vừa đưa tôi ra cửa bà Na vừa năn nỉ:
     -  Bà đừng cắt giờ của tui nghe, tui chưa có tiền già.  Tui nhờ có số tiền này mà đỡ khổ hơn chút đó.  Tiền bịnh của thằng John đâu có thấm tháp vô đâu, nội cái tiền xăng chở nó đi bác sĩ và đi lọc máu cũng hết một phần lớn rồi.
 
Tôi nói với bà Na là tôi sẽ cố gắng giúp bà rồi đi nhanh ra khỏi cái mobile home đó như trốn chạy.  Có phải tôi không muốn có một chút vương vấn gì với một nơi chốn mà tôi đã chôn vùi trong quá khứ của tôi không"


2. Người Xưa

Bà social worker đã ra về lâu rồi, mà tui còn ngẩn ngơ như người say rượu.  Tui không ngờ là quả đất tròn dữ vậy, ba mươi mấy năm rồi mà còn có dịp gặp lại nhau.  Chắc bà ta không nghĩ rằng tui vẫn còn nhớ bà, nhớ cái hình ảnh cô nhỏ với nụ cười khinh khỉnh nửa miệng, với lối nói chuyện ngắn gọn, lễ phép nhưng vừa đủ, một thái độ xa cách của một vị tiểu thơ. Tui không trách cô, vì quả thực cô là một tiểu thơ trong vòng rào cung cấm, cô chưa từng đụng chạm với đời, và nhất là với những người con gái dạn dầy, ít học như tui. 
 
Tui vẫn nhớ cô, vì trong những ngày sau này ở tại cái mobile home nhỏ bé của tui, cô đã dần dần thay đổi cách đối xử với tui, cô đã có thể nói với tui những câu nói “dài” hơn.  Cô đã có kiên nhẫn ngồi nghe tui kể chuyện, chuyện của nhánh khổ qua trên đất nước người.
 
Ngày đi theo thằng John ra đón gia đình cô về ở tạm trong cái mobile home của tui, tui đã không nghĩ là sẽ đụng chạm với một người con gái kiêu kỳ tới vậy.  Nhà cô có bẩy người, ngoài ba đứa nhỏ nhứt còn trong tuổi ham chơi không kể, còn lại mỗi người một tánh khí khác nhau.  Ông cha thì mặt mũi nghiêm nghị, nhìn mặt ông đố ai biết ổng nghĩ gì.  Bà vợ thì khác với ổng, hay nói hay cười, và cũng hay mau nước mắt.  Con nhỏ em thứ hai phổi bò, chuyện gì cũng kể ra hết.  Nhờ con nhỏ này mà tui biết đủ thứ chuyện của gia đình nó, biết gần hết tông chi họ hàng nhà nó.  Nó kể lể chuyện ông bà nội nó đi theo người chú thứ tư vô tới phi trường rồi bị pháo kích nên phải trở về nhà, hiện còn ở lại Việt Nam.  Ở bên này nó có gia đình người chú ruột duy nhất đi tu nghiệp bên Mỹ trước 75, đang làm editor cho một tờ báo ở St Paul, Minessota, có gia đình người cậu họ đang ở San Francisco, còn thêm mấy gia đình bà con bên bà nội nó đang ở Long Beach.  Duy chỉ có cô là khác biệt nhất trong tất cả mấy chị em.  Cô ít nói, ít cười, cả ngày chỉ ôm quyển sách và cây viết.  Cô thích ra ngồi ngoài vườn, bên cạnh cái chậu khổ qua của tui.  Và một ngày, tui đã thấy cô vừa lặt mấy cái lá khổ qua khô, vừa khóc.  Lần đó là lần duy nhất, tui với cô ngồi tâm tình về những nhánh lá khổ qua. 
 
Cô kể cho tui nghe về giàn khổ qua của cô ở căn nhà cũ, về giàn hoa thiên lý thơm ngát  hương, và những chậu mai vàng đầy bông của những ngày đầu năm mới.  Tui cũng kể cho cô nghe chuyện chậu khổ qua trên xứ người của tui, một kỷ niệm tràn đầy nước mắt.
 
Tui là con gái nghèo, quê ở xứ Bình Dương.  Hồi nhỏ tui cũng được đi học đàng hoàng, nhưng khi tui học giữa chừng năm lớp chín thì tui bị mồ côi cha.  Ba tui đi làm rừng trên Lâm Đồng, rồi một bữa hổng biết sao đó mà cây đổ xuống trúng người ổng.  Người ta đem về cho má tui một cái thân xác bầy nhầy và một số tiền bồi thường đủ để cho má tui mở một cái sạp hàng chạp phô trong chợ nuôi con.  Sau ngày đó, tui nghỉ học, theo phụ má tui bán hàng. 
 
Khi lớn thêm chút nữa, tui có bồ, ảnh tên Tình, làm lính địa phương quân.  Tui với ảnh thương nhau ghê lắm nhưng ngặt cái ảnh cũng nghèo rớt mùng tơi như tui.  Đã vậy mà ảnh còn một cái đuôi dài là má ảnh với mấy đứa em ở đâu dưới miệt Phú Giáo.  Thương thì thương nhưng tui cũng ngán ngẫm, mình đã nghèo rồi, lại gặp thêm chồng nghèo thì sống nổi với ai.
 
Rồi tới thời Mỹ qua, tui theo mấy người quen đi làm ở mấy cái quán nhậu, bán đồ ăn cho lính mình, lính Mỹ, được nhiều tiền hơn là theo má đi bán ở chợ.  Có ông trung sĩ thông dịch viên đồng hóa tên Hiền Lương ở trên tỉnh xuống ăn, gặp tui ổng dụ, biểu tui ngủ với ổng một bữa rồi ổng sẽ giới thiệu cho một thằng Mỹ sạch nước cản, nó cưới đem về Mỹ cho đời đỡ khổ.  Tui nói ổng tên là Hiền Lương mà sao ổng không có “hiền lương” chút nào hết vậy.  Ổng trả lời, tên của ổng là tên của cây cầu chia đôi đất nước, chứ có phải là “hiền, lương” đâu. Hèn chi! Ông trung sĩ ma lanh này tưởng đâu tui còn thơ ngây lắm, ổng đâu có biết tui với anh Tình cũng đã rủ nhau ra bụi chuối sau hè mấy lần rồi.   
Muốn thoát khỏi cái nghèo, tui nhắm mắt đi phòng ngủ với ổng.  Chừng hơn tuần sau ổng dẫn thằng John tới.  Nói thiệt tình thì hồi đó thằng John cũng đẹp trai lắm, không như bây giờ.  Hôm đám cưới nó cũng mang đủ bộ áo dài khăn đóng, cũng cúi rạp người trước bàn thờ ba tui.  Nó cũng cho tui được một số tiền để cho má tui sửa lại căn nhà.  Thằng John ở trong trại, còn tui vẫn ở nhà với má.  Lâu lâu, anh Tình đi ngang, nhìn tui rơm rớm nước mắt mà hổng dám vô.
 
Hồi hai đứa còn bồ, gặp nhau anh Tình ưa hát cái bài hát Khổ Qua cho tui nghe.  Tui cười khúc khích nói tui đâu có gọi anh bằng chú mà nói khổ qua... Anh Tình cũng cười rồi hát:

  Đường vào tình yêu! có nhiều trái đắng mang tên Khổ Qua
  Em biết khi yêu, tim mình cho thật nhiều
  Nhưng chẳng nhận được bao nhiêu.

Chèn ơi, tui cho ảnh hết đời con gái của tui mà ảnh còn nói… chẳng nhận được bao nhiêu!!
 
Tui lấy thằng John được chừng đâu hơn năm thì nó hết hạn lính trở về Mỹ.  Nói nghe nó cũng có tình, có nghĩa, nó muốn đem tui theo.  Anh Tình nghe tui đi Mỹ thì buồn lắm, vì hồi tui còn ở bển, dẩu gì ảnh cũng còn nhìn thấy tui, nếu tui đi Mỹ rồi thì biết chừng nào mới có dịp gặp lại nhau.
 
Ngày cuối cùng tui ở Việt Nam, anh Tình làm gan vô nhà má tui chào từ giã.  Bữa đó đông bà con, chòm xóm tới tiễn tui đi quá nên thằng John không để ý.  Chừng ra cửa, anh Tình đưa cho tui mấy cái hột khổ qua bọc trong cái khăn mù xoa nhỏ của ảnh, vừa nói vừa khóc:
      -  Qua bển, trồng mấy cái cây này để nhớ tới anh nghen.
 
Theo thằng John qua đây rồi tui mới biết đời, mang tiếng lấy Mỹ mà khổ thấy mồ.  Thằng John đâu có học nhiều, từ nào giờ chỉ đi lính trơn, về tới Mỹ nó kiếm đâu được việc làm trong cái tiệm tên All Americans, tiệm có bán đủ thứ từ đồ xây cất, sửa nhà, cây cối, phân bón.  Nó lãnh  lương tối thiểu nên cũng chỉ đủ ăn.  Cũng may là má nó cho ở không trong cái mobile home cũ của bả, vì bả dọn qua cái mobile home mới mua ở bên vùng Bellflower, thằng John chỉ phải trả tiền thuê đất mà thôi. 
 
Thằng John đi làm, ngồi nhà ở không cũng buồn, tui xới cái khoảnh đất đằng sau cái mobile home cho nó tơi rồi đi vòng vòng lối xóm xin mấy cái đám bông xanh xanh đỏ đỏ về trồng cho vui.  Hồi thằng John còn làm trong tiệm All Americans, nó cũng đem về cho tui một cái cây chanh nhỏ gần chết nói tụi làm bên vườn cây tính bỏ vô thùng rác, nên nó đem về.  Tui trồng cây chanh ở một góc nhà, chừng có trái hái vô làm nước chanh uống.  Tui lấy mấy cái hột khổ qua mà anh Tình đã đưa đem ra trồng trong cái chậu nhỏ, gieo mười mấy hột mà lên được có hai ba cây. Tui nhờ thằng John mua cho tui một cái lồng sắt giữ cây cà chua cắm vô chậu cho khổ qua có chỗ leo lên.  Vậy mà năm đầu tiên tui cũng có được hai trái nhỏ.  Tui cưng hết biết, hổng dám ăn.  Tới chừng trái chín đỏ banh ra rớt hột xuống, tui lượm hột đem cất để còn có hột trồng mùa sau.  Cứ mỗi lần nhìn những trái khổ qua đong đưa từ khung sắt là tui lại muốn khóc.  Chậu khổ qua của tui cũng như tui, cứ vậy mà sống theo thời gian, có lúc mạnh mẽ, có khi héo úa.
 
Khi tui có bầu thằng Johnny thì thằng John thất nghiệp, lãnh thất nghiệp được một thời gian thì hết tiền, nên thằng Danny, anh thằng John, bày cho nó đi xin tiền bịnh, còn tui với thằng Johnny thì được thằng Danny dẫn đi xin trợ cấp xã hội.
 
Tháng 4 năm 1975, Việt Nam rơi vào tay người miền Bắc, một số dân tị nạn được đưa qua Cali vô trại tạm trú Pendleton.  Thằng Danny nghe tin tức ở đâu nói hễ cứ bảo lãnh một người tị nạn ra khỏi trại là người bảo lãnh được 500 đô.  Rồi sau đó thì người tị nạn còn xin được tiền trợ cấp cho tới khi tìm được việc làm. Thằng Danny bàn với thằng John đi vô trại tị nạn xem xét tình hình, nếu bảo lãnh được chừng 10 người ra ngoài là anh em nó hốt bạc.  Tụi nó tính mướn một căn nhà cho từng đó người ở chung, rồi kiếm mấy cái công chuyện làm lãnh tiền mặt cho mấy người làm để lấy huê hồng.  Tụi nó chắc mẳm là mấy người tị nạn vừa được lãnh trợ cấp của chính phủ, vừa có được thêm tiền đi làm thì chắc ai cũng chịu.
 
Nhưng chuyện bảo lãnh người tị nạn của anh em thằng John không thành, vì thằng Danny không hội đủ điều kiện để làm người bảo lãnh.  Cái “công ty” chăm sóc hồ bơi của nó không chứng minh được là có khả năng để giúp những người bảo lãnh làm lại cuộc đời trên mảnh đất mới.  Và cái tin tức người bảo lãnh nhận 500 đô cho mỗi đầu người chỉ là tin thất thiệt, làm con vợ thằng Danny nản lòng không muốn cho thằng Danny bảo lãnh ai nữa hết.  Nhưng có một điều phiền là thằng Danny đã đưa tiền đặt cọc mướn nhà cho ông Bob, vì tưởng là công việc bảo lãnh sẽ xong xuôi. 
 
Thời may, gặp lại anh Đức với anh Lân, cũng đang đi kiếm nhà mướn giùm cho người quen  ở Louisiana dọn về.  Thằng John mới nói thằng Danny cấn cái số tiền đặt cọc đó qua cho gia đình chú Lý. 
 
Rồi gia đình cô dọn về thành phố Paramount.  Tui và thằng John có đến căn nhà của gia đình cô thường xuyên trong mấy tuần đầu, nhưng một bữa kia tui thấy chú Lý với thằng John cãi cọ chuyện gì ghê lắm ở ngoài sân, rồi chú Lý mặt xám đen, vô nhà nói với tui:  
     -  Tôi cám ơn cô và ông John đã giúp chúng tôi trong những ngày đầu sang Cali, nhưng từ sau này, tôi không muốn thấy ông ta ở đây nữa.
 
Thằng John chở tui với thằng Johnny về nhà.  Trên đường về, nó tức giận nói cho tui biết là chú Lý “no good”, nó giới thiệu làm việc với thằng Danny, không cám ơn nó thì thôi mà lại còn cãi lộn với nó nữa.  Tự hậu, nó không muốn tui liên lạc với gia đình chú Lý, anh Lân, anh Đức, và luôn cả những người Việt Nam.
 
Sáng bữa sau chờ thằng John đi làm với anh nó rồi tui gọi cho thím Lý, hỏi đầu đuôi câu chuyện.  Thím Lý thở dài nói:
     -  Thằng John nói thằng anh nó sắp có một mối thầu dọn dẹp vườn tược, chùi rửa hồ bơi cho mấy cái chung cư.  Nó muốn chú Lý và mấy anh em đi làm cho nó.  Nó sẽ cho chú Lý cai quản, thông dịch cho mấy ông thợ Việt Nam, ngoài tiền lương của chú nó sẽ cho chú thêm tiền bonus, nhưng cái khổ là nó phải cắt bớt lương của thợ để trả thêm cho chú.  Chú Lý không chịu la cho nó một chập, còn bảo sẽ nói cho các chú kia biết để tránh liên lạc với nó nữa.
 
Trời đất, tui biết mà, thằng Danny đâu có tử tế gì, tại thằng John khờ quá nên mới bị thằng anh điều khiển như quay dế đó thôi.  Nhưng mà kỳ này thằng John xui rồi, nó không biết gì về chú Lý nên mới rủ rê làm ăn kiểu đó.  Anh Đức có nói cho tui hay là hồi ở Mỹ Tho chú Lý cũng có “oai” lắm chứ hổng phải chơi.  Không những có bằng có cấp mà chú còn nói rành rẽ bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Việt, thì biểu làm sao chú Lý chịu làm cai cu ly cho anh em nó.
 
Từ hồi bị chú Lý xì nẹc thằng John hận không thèm chơi với người Việt nữa.  Tui có lén nó nói chuyện với thím Lý, anh Đức, anh Lân mấy lần nhưng thấy họ có vẻ lơ là nên tui cũng nín lặng luôn. 
 
Hết được ăn tiền bịnh, thằng John chuyển qua ăn trợ cấp xã hội với tui và thằng Johnny.  Nói nào ngay, ở cái xứ này có con nhỏ thiệt là có lợi, được hưởng đủ thứ trợ cấp, càng nhiều con càng lãnh nhiều tiền, làm tui muốn đẻ thêm một đứa nữa cho vui nhà vui cửa mà “nặn” hoài hổng ra.  Mỗi tháng, tụi tui được trợ cấp khoảng 500 đồng tiền mặt, cộng thêm tiền phút tem, thẻ y tế đi bác sĩ, thằng Johnny còn được lãnh thêm bông sữa.  Thêm nữa, cái đơn xin housing của tụi tui vừa được chấp thuận, mỗi tháng chính phủ trả cho má thằng John một số tiền cũng khá, nên bả dấu housing cho luôn tụi tui tiền thuê đất.  Ngày ngày, tui ở nhà dẫn thằng Johnny đi học ở cái trường tiểu học gần nhà, mà khỏi mất công làm đồ ăn cho thằng nhỏ bởi nhà trường cho ăn miễn phí sáng trưa, còn thằng John vẫn tiếp tục theo phụ anh nó đi chùi hồ lấy tiền mặt.
 
Rồi thằng Johnny lớn lên, đi học trung học xa hơn, được xe trường đưa rước tận nhà, tui khỏe re ở nhà coi ti vi, làm vườn.  Lúc này, tui đã bắt liên lạc lại được với gia đình tui ở Bình Dương, nên tui lại có thêm chuyện để làm, viết thư thăm nhà và chờ thư nhà gởi tới.  Qua thư của thằng em tui, tui biết được má tui chết hai năm sau khi giải phóng vì thiếu ăn, đau ốm mà không có tiền thang thuốc.  Mấy đứa em gái tui cũng đi lấy chồng tứ tán, chỉ còn có thằng em trai tui ở lại giữ cái nhà hương hỏa.  Hơn ba chục tuổi đầu mà cũng không có tiền cưới được một con vợ.   Anh Tình về Phú Giáo năm 1976 rồi ở dưới đó luôn, từ đó tới nay ảnh không có liên lạc với mấy đứa em tui.
 
Ngồi nhà riết cũng buồn, nhân thấy mấy cái tiệm nail mở ra quá chừng chừng, tui nói với thằng John để tui đi học làm nail lấy tiền mặt.  Tui cũng muốn kiếm chút tiền riêng để gửi về cho gia đình tui.  Tiếng Anh của tui hồi này cũng đỡ đỡ nhờ tui có đi học thêm mấy lớp ESL ở trường Adult gần nhà, nên tui cũng ráng lấy được cái bằng.  Đi học thì hổng sao nhưng hổng hiểu sao tui đi làm được chừng ít lâu thì tui bị dị ứng với thuốc nên mặt mũi sưng chù vù, còn thở không ra hơi, bà chủ thấy vậy sợ mang vạ nên không cho tui làm nữa.  Tui cũng hổng cần vì ở không tui cũng có tiền xài.  
 
Rồi thằng Johnny ra trường trung học, tui với thằng John hết được lãnh trợ cấp.  Tui với nó bị chuyển qua cái chương trình mượn tiền của chính phủ, nhưng người lãnh trợ cấp qua chương trình này phải đi làm.  Mỗi tháng, tui và thằng John phải đi tới sở xã hội làm 20 tiếng đồng hồ, mấy ngày khác thì thằng John đi làm cho thằng Danny lấy tiền mặt nên nó cứ phây phây. 
 
Còn thằng Johnny, mấy tuần lễ sau khi ra trường đã dắt một con Mễ bụng mum múp về nhà giới thiệu là bạn gái của nó, rồi còn nói là tụi nó sắp có con nữa. Hai đứa gặp nhau trong cái đêm Prom năm ngoái, cặp nhau từ đó.  Con nhỏ ở với mẹ trong căn chung cư gần nhà tui.  Sau khi xe bus thả xuống trước cửa nhà rồi là hai đứa dẫn nhau về nhà con nhỏ... học bài chung cho tới khi mẹ con nhỏ đi làm về.  Hèn gì mà cả năm trời nay thằng Johnny vẫn nói với tui là nó phải… đi học bài với nhóm.
 
Chuyện đã lỡ rồi, tui có muốn khóc cũng không được.  Nhưng may sao là hai đứa cũng qua được hết bậc trung học.  Thằng Johnny dọn về ở chung với con Ana sau khi có con, vì nhà tui đâu có chỗ cho tụi nó ở, bao nhiêu năm trời nay thằng Johnny vẫn ngủ trên cái giường sofa ở phòng khách.  Dẫu gì thì chung cư của má con Ana cũng rộng hơn cái mobile home của tui, tụi nó còn có được cái phòng riêng.  Khi thằng Bobby tới đâu chừng 10 tháng tuổi, thằng Johnny nghe nói làm ăn ở Las Vegas khá hơn nên nó dẫn con Ana qua bển học chia bài, pha rượu.  Hai đứa nó gởi thằng Bobby ở nhà cho tui nuôi, mỗi tháng tụi nó gửi cho tui hơn trăm bạc.  Làm đâu được chừng vài năm mà cũng không khá nổi nên hai đứa nó lại quay về.  Lần này, con Ana lại vác thêm một cái bầu vượt mặt, gần sanh.
 
Hai đứa rủ nhau đi xin trợ cấp.  Nhưng chương trình Welfare sau này đã thay đổi, tụi nó đâu có được ở nhà lãnh tiền như cái hồi tui ăn trợ cấp. Chính phủ bắt tụi nó phải đi tìm việc làm, hay học nghề để kiếm tiền nuôi thân, được cái là Bộ Xã Hội cho tiền giữ trẻ, tiền xe cộ, tiền sách vở để đi học.  Hai đứa nó cũng khôn, hè nhau đi học hết.  Thằng Johnny xin học sửa xe, còn con Ana xin học làm trợ tá.  Tụi nó giao tui giữ thằng Bobby vì tui có thể dẫn nó đi chơi vòng vòng, đi vườn trẻ, sẵn mẹ con Ana đang bị thất nghiệp nên tụi nó giao con Melissa cho bà ngoại tụi nhỏ giữ cho hai bà nội ngoại đều có một chút tiền còm.
 
Bây giờ thì thằng Johnny và con Ana đã có công ăn việc làm ổn định.  Hai đứa nó cũng tự mướn được một căn condo ba phòng, rồi đưa má con Ana về ở chung để coi hai đứa con tụi nó.  Tui thì đã hết còn hơi sức để chạy theo tụi nhỏ, vì tui còn phải chăm sóc cho thằng chồng của tui.  Hồi sau này thằng John bịnh thiệt chứ không phải khai giả bịnh để lãnh tiền như hồi nẳm.  Nó bị cao máu, tiểu đường, cao huyết áp... bịnh lung tung.
 
Đôi khi, nhìn thằng John nằm thở khò khè trong căn phòng ọp ẹp mà tui đâm ra tức... chính phủ.  Phải chi, hồi đó, lúc thằng John trở về Mỹ, chính phủ giúp đỡ cho mấy người cựu quân nhân học được một cái ngành nghề gì nuôi thân thì có phải đỡ khổ cho tụi tui không.  Mà tui cũng tức luôn... cái chánh sách dễ dãi của Welfare hồi thằng Johnny còn nhỏ.  Phải chi, họ bắt buộc vợ chồng tui đi học, đi kiếm việc làm như vợ chồng thằng Johnny sau này thì chắc bây giờ tui cũng mướn được một cái nhà khá hơn cái mobile home cũ kỹ này để ở rồi, và đâu phải  sống cái lối sống nghèo nàn từ mấy chục năm nay.
 
Nhưng nói cho cùng thì tui cũng tức... chính tui.  Phải chi hồi đó tui đừng ưng thằng John để mong đi qua Mỹ, mong có một cuộc sống sang giàu thì có lẽ giờ này tui đã thoải mái nằm đong đưa trên chiếc võng sau hè mà nghe anh Tình hát bài trái đắng Khổ Qua...

Bảo Trân  
9/2010

 

* GAIN:  chương trình giúp tìm việc làm cho những người hưởng trợ cấp xã hội
**Khổ Qua (Hoàng Trang)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,087,865
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến