Hôm nay,  

Một Góc Trời Riêng

08/09/201000:00:00(Xem: 177219)

Một Góc Trời Riêng

Tác giả: Hải Âu
Bài số 2986-28286-vb4090810

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 75, còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990. Hiện ngụ tại Myrtle Beach, SC. Bài viết về nước Mỹ  đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ chồng. Bài thứ hai, Một Mảnh Đời Tị Nạn, kể về những ngày đầu mới tới nuớc Mỹ. Bài thứ ba: “Tôi Là Đốc Tờ Nail”. Sau đây là bài viết thứ tư, nhân sinh nhật thứ 50, ôn lại kỷ niệm thời báo Tuổi Hoa, hơn 35 năm trước.

***

Ngày sinh nhật năm mươi tuổi tôi lặng lẽ ra biển ngồi khóc một mình. Tôi tự hỏi có gì để phải khóc" Không có gì  hết. Mọi chuyện êm ả bình thường cả. Hoạ chăng, chỉ là chút cô đơn trong tâm tưởng, trước cái tuổi già không mời mà đến.
Món quà sinh nhật của con gái tặng tôi là cái laptop xinh xắn với hàng chữ: "Con gái tặng Mẹ -  "Một Góc Trời Riêng" làm tôi cảm động và hạnh phúc. Cảm động vì con gái ý nhị,  biết tôi thích bài hát "Riêng Một Góc Trời"  của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nên đã lấy tên bài hát này đặt tên cho món quà sinh nhật với nhiều ý nghĩa. Hạnh phúc vì thấy con gái nay đã biết tiếng Việt khá rành. Lại còn biết đảo ngược chữ cho câu văn xuôi vần, điệu hợp với ý nghĩa của hoàn cảnh, sự việc. Tôi mỉm cười  nhớ lại những câu nói của con gái khi còn bé:
- Mẹ ơi! Con muốn "giặt" cái đầu.
- Nhạc Việt Nam nghe "đẹp" qúa! Con thích bài "Quỳnh Hương".
Nhưng cái laptop- món quà sinh nhật này có ý nghĩa nhất vì lâu nay con bé biết tôi phải "ăn nhờ ở đậu" bên máy của ông xã, vì tôi chưa biết sử dụng máy computer. Nó bảo mẹ phải "private",  không thể dùng chung địa chỉ email với bố như vậy được!
Lúc đầu, ông xã tưởng tôi chẳng quen ai cả vì bao năm nay tôi sống "ẩn dật", không có bạn bè nhiều. Sau hơn một năm trời, ổng bắt đầu tá hỏa vì không biết bằng đường dây nào mà tôi lục tìm trong internet bao nhiêu là bạn- bạn từ thời Tiểu học, Trung học, Đại học... chu choa sao mà đông dữ ! Sợ tôi "quậy" nát cái máy computer  nên ông xã tôi bắt đầu nghĩ cách cho tôi "move out" với cái cớ tôi sắp được về hưu non, sẽ đàn đúm bạn bè  trên mạng ồn ào. Vì thế thấy con gái tặng tôi cái laptop ổng mừng lắm vì từ đây được "yên nhà, yên cửa", được tự do thao túng trên internet.
Nói cho ngay, lâu nay tuy "ăn nhờ ở đậu" bên máy của ông xã nhưng tôi chỉ biết một mục duy nhất là E-mail. Đã thế nhiều khi đang nấu cơm nghe ổng gọi:
- Em ơi! Có cô Hải gởi thư cho em nè!
- Có chuyện gì hông anh"
- Chẳng có gì cả! Cổ chỉ hỏi sao gởi cho em ba ,bốn cái "meo" mà không thấy trả lời"
Tôi đang bận tay sốt ruột bảo:
- Anh trả lời cổ hộ em đi. Nói mai mốt rảnh em viết thư sau.
Cuối  tuần nhỏ bạn điện thoại "cảnh cáo" tôi: 
-Đọc thư trả lời tao biết ngay của "ông Bắc Kỳ". Mi mà  không trả lời thư tao, mai mốt ổng tâm sự với tao dài dài là mi...chết!
Hải là con bạn tốt, nó còn ra lệnh  cho tôi:
- Mi phải lấy địa chỉ email riêng đi!
Tôi thật thà:
- Tao chưa biết mở máy computer, cái gì cũng nhờ ổng thì làm sao mà riêng với tư.
Đến nước này, cô bạn chỉ còn  biết kêu trời:
- Cả nước Mỹ người ta đều lên mặt trăng rồi! Mi còn đứng đó mà mơ tưởng chị Hằng với chú cuội. Mi nên nhớ, chị Hằng của mi "died" rồi.
Tôi biết nó chê tôi "Hai lúa"! Giờ này mà chẳng biết gì về tiến bộ, văn minh của thời đại cả. Tự ái lắm chứ! Thật tình tôi cũng muốn học hỏi nhiều thứ lắm nhưng việc sở, việc nhà khiến bận bù đầu. Cuộc sống ở Mỹ đôi khi tôi cảm thấy đã biến con người thành máy móc, ít tình cảm, ích kỷ cá nhân. Có lần đi đám ma một người bạn, anh bạn đứng cạnh nói khẽ:
- Lúc sống chẳng thấy ai đến thăm. Khi chết thì đủ bá quan văn võ.
Khiến  tôi cảm thấy ngậm ngùi...


Nơi tôi định cư không có người Việt Nam nhiều. Không chợ búa, nhà hàng, sách báo VN. Tôi hầu như chẳng biết gì về sinh hoạt văn học, nghệ thuật của người Việt hải ngoại. Từ lâu tôi cũng quên đi cái thú đọc sách của mình. Khi đến với internet - cả một thế giới rộng mở cửa trước mắt tôi. Mỗi ngày tôi học hỏi bao điều mới lạ, khám phá ra bao sự lý thú, diệu kỳ. Thú vui đọc sách trở lại dẫn dắt tôi đến với Việt Báo online và sự tò mò, muốn tìm kiếm điều gì đó thôi thúc tôi bước chân vào trang giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ".
Gần mười năm rồi biết bao tác giả đã tham gia vào mục này. Đọc vài bài tôi cảm nhận một điều gì đó rất gần gũi với mình. Tôi lần dò tìm tên tác giả. Ánh mắt tôi chợt dừng lại ở dòng chữ Cam li Nguyễn thị Mỹ Thanh. Cái tên quen thuộc này vẫn nằm trong ký ức tôi dù đã ba mươi lăm năm trôi qua. Cả một khu vườn quá khứ, ngát hương kỷ niệm trở về trong tôi...
Ngày ấy... Chị là cô "cò" mới vào làm việc ở tòa soạn báo Tuổi Hoa. Tôi là cô bé mắt nai  trong sáng đến chơi. Anh Hoàng Đăng Cấp giới thiệu và chúng tôi đã làm quen với nhau “bằng mắt” trong căn phòng Tuổi Hoa đông người, vang tiếng nói cười.
Ngày ấy... là những ngày thiên đường tuổi mộng. Là những năm tháng ấu thơ êm đềm, tâm hồn còn trinh nguyên như tờ giấy trắng. Mỗi sáng ngoan ngoãn cắp sách đến trường, không hề vướng bận một chút ưu tư. Là những năm tháng đẹp tuyệt vời như  một bài thơ xanh mướt tình thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
Ngày ấy... Chị là đóa hoa huơng sắc vẹn toàn  trong khu vườn văn nghệ Tuổi Hoa, còn tôi chỉ là một con búp bê trong cánh « Đồng Cỏ Non », ôm ấp giấc mơ “văn sĩ” của mình. Sự đồng cảm giữa chúng tôi là những buổi trưa Chủ Nhật nắng gắt, đạp xe đạp tới cô nhi viện An Lạc dạy học cho các em cô nhi, hay những buổi trưa đến nhà chị nghe “Búp be” hát. Những bài hát ngây thơ thật dễ thương, hiền hòa như tâm hồn tuổi thơ của chúng tôi thuở ấy.
Ngày ấy... các bạn đồng trang lứa với tôi là những tâm hồn thơ mộng, đã dệt nên những vần thơ, những giai điệu quê hương ngọt ngào, những tình cảm trong sáng của tuổi học trò. Là những người tuổi trẻ “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng đầy nhiệt tâm, biết san sẻ hạnh phúc lẫn khổ đau với những mảnh đời bất hạnh.
Nhờ có Internet thế giới như thu nhỏ lại và chúng tôi tìm gặp lại nhau dễ dàng. Qua chị Mỹ Thanh tôi cũng tìm lại được các bạn Tuổi Hoa ngày xưa như Thương Nga, Nguyệt Mai, Mai Phương... dù bây giờ mỗi đứa một phương trời, một hoàn cảnh khác nhau.
Những mái tóc điểm sương ngậm ngùi ngồi lại bên nhau. Chúng tôi rủ nhau vào internet tìm đọc lại những trang báo Tuổi Hoa ngày nào, tìm đọc lại những “Ngày xưa thân ái” trên quê hương yêu dấu.  Cho dù cả khu vườn hoa thơ ngây của chúng tôi không còn một cánh hoa nào cả nhưng trong tôi vẫn là một điều gì đó vô cùng êm ái, dịu dàng. Một điều gì đó vô cùng diễm tuyệt, thiêng liêng!
Tất cả chỉ còn là nỗi tiếc nuối khôn nguôi!
Các bạn Tuổi Hoa khuyến khích tôi “cầm bút trở lại”, viết bài dự thi Viết Về Nước Mỹ, tôi cười:
- Ngày xưa có viết lách gì đâu mà “cầm bút trở lại!”
Chị Mỹ Thanh đùa để khuyến khích tôi thêm:
- Chị với Nguyệt Mai là “thần kẽm.” Hải -Âu “dậy thì“ trễ, không chừng đi thi lại đậu “Hoa Hậu” đó!
“Giấc mộng con” vẫn còn ôm ấp gần bốn chục năm nay, tôi đâu dám mơ tưởng “Giấc mộng lớn!” Nhưng rồi tôi cũng viết, cũng dự thi. Viết để tìm lại chính mình, tìm lại tuổi thơ đã mất, tìm lại không khí của Tuổi Hoa ngày xưa khi mở internet lên, click vào Mail box chợt thấy Nguyệt Mai “reo” lên :
- Ê ! Bài của Hải Âu được đăng rồi đó!
Vẫn là những tiếng cười đùa  vô tư, trong như pha lê ngày nào.
Như lẽ tự nhiên khi buồn ta khóc, khi cô đơn thích tâm sự. Dẫu biết rằng mỗi người là một tần số khác nhau, sự đồng cảm không dễ dàng. Tôi chỉ mong nơi đây “Một Góc Trời Riêng” mãi mãi là nơi trú ẩn thân thương, an bình cho một cánh chim hải âu nơi chốn xa xăm này.
Tuổi Hoa thơ ngây của một thời mơ mộng đã qua đi, chúng ta đang bước vào Tuổi Vàng- “over the hill”- lứa tuổi đang ở bên kia triền dốc của cuộc đời. Bạn nhé! Hãy cùng nhau nắm tay đi chung trên một chuyến xe tốc hành.
Chuyến xe tốc hành nhưng êm ả - Đang đưa chúng ta trở về “Mái Nhà Xưa”. 

 Hải-Âu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,337,466
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo