Hôm nay,  

Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ

14/08/201000:00:00(Xem: 133675)

Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ

Tác giả: Bà Trùng Quang
vvnm 2002, vB708142010
Vị tác giả niên trưởng Viết Về Nước Mỹ mừng 10 năm Giải Thưởng Việt Báo
Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm 2002 đã trân trọng vinh danh Bà Trùng Quang, 91 tuổi, tác giả bài “Tôi Đi Tìm, Tự Do Dân Chủ.” 
Bà Trùng Quang, ngay từ những năm 40’, đã là một nhân vật phụ nữ tiền phong trong các hoạt động văn hoá giáo dục xã hội.  Tại Hà Nội trước 1954 và Saigon trước 1975, nhiều tác giả danh tiếng đã tham dự các sinh hoạt văn học do bà khởi xướng. Nhiều nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng đã là học trò của bà hoặc được bà dẫn dắt lên sân khấu lần đầu.
Vượt biển tới Âu Châu và định cư tại Hoa Kỳ từ 1979, vào tuổi 70’-80’ bà vẫn trở lại đại học và sang tuổi 90’, vẫn tiếp tục sáng tác.  Bài  “Tôi Đi Tìm Tự Do, Dân Chủ” được viết khi bà đã 91 tuổi, gửi cho Việt Báo ký ẩn danh là Lê Tâm, để “hưởng ứng việc cổ võ bà con ta cùng viết lại trang sử của chính cộng đồng mình.”
Khi nhận giải vinh danh tác giả năm 2002, bà nói “Viết về nước Mỹ” là viết cho tương lai, giúp các thế hệ sau biết gốc rễ của họ. Mong mọi người cùng đọc, cùng viết.
Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1912, chỉ mấy tháng nữa là đã  đúng 100 tuổi ta, Bà Trùng Quang hiện vẫn tiếp tục viết  và đóng góp bài vở nghiên cứu hoặc sáng tác. Bà là vị tác giả niên trưởng của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, đồng thời cũng là  tác giả cao tuổi nhất của làng văn làng báo Việt Nam còn tiếp tục cầm bút.
Mới đây, từ San Jose khi    tiếp một số tác giả Viết Về Nước Mỹ ghé thăm,  bà đã gửi lời chúc mừng mười năm Giải Thưởng Việt Báo, và nói bà mong các bạn trẻ sẽ tham gia viết Về Nước Mỹ ngày càng đông hơn.  Xin mời đọc lại bài viết về nước Mỹ 9 năm trước của bà, “Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ”.
*

Năm 1979, sau khi “hoàn thành xuất sắc” các đợt đổi tiền, đánh tư sản mại bản, tịch thu tài sản tài phiệt người Hoa... nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra đòn vơ vét mới: loan báo cho phép những người mang quốc tịch Trung Hoa “hồi hương”.
Thực chất của “chiến dịch Hoa Kiều Hồi Hương” có nghĩa là tịch thu toàn bộ tài sản rồi trục xuất bằng cách cho lên tầu ra khỏi hải phận, sau đó thì sống chết mặc bay. Chỉ khác một điều, kẻ muốn được trục xuất sau khi ký giấy kê khai, cống nạp hết tài sản còn phải hối lộ để được làm giấy tờ, nạp mãi lộ để được cho lên tầu tống xuất. Nghe nói đây là một chiến dịch toàn quốc, do chính Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng nội vụ CSVN thời ấy là Phạm Hùng trực tiếp điều hành.
Với chiến dịch được khoa trương là “chính sách nhân đạo” này, các “cơ quan chức năng” trên cả nước mặc sức hái ra tiền bằng dịch vụ bán... quốc tịch Tầu, đăng ký và tổ chức hồi hương.
Người Việt muốn mang quốc tịch Trung Hoa phải trả từ 12 đến 15 lạng vàng một nhân xuất thì được cấp thẻ căn cước mang tên Tàu để đăng ký hồi hương. Một gia đình hồi hương, trước hết là phải nạp nhà cửa, đất đai. Số vàng kể trên, nhà nước chính thức thu một phần, còn lại để cho các quan công an địa phương một phần và chủ tàu lo toan mọi việc và đối đãi với công an địa phương.

*Mua giấy Hoa Kiều, ra đi
Sau bốn năm sống dưới thứ quyền hành chuyên chế mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, gia đình tôi như bao người khác, hiểu rõ chỉ còn cách ra đi. Đành là mất tất cả sản nghiệp để đổi lấy tự do. Chạy vạy bán đồ đạc lo đủ số vàng cho “tổ chức” để lấy đủ giấy tờ mang quốc tịch Tàu!
Vào một buổi sáng sớm đầu tháng Năm âm lịch, gia đình tôi gồm 5 người, em dâu, em gái, tôi và hai cháu nhỏ 6 và 5 tuổi (em trai và em rể đã di tản từ năm 1975, hiện ở Mỹ) rời bỏ căn nhà riêng và cũng là tư xưởng (tôi làm tiểu công nghệ, nhà ở đồng thời là cơ sở khá rộng) ra đi lúc vừa tan giờ giới nghiêm.
Tôi đi xe gắn máy, hai em và hai cháu có bạn thân chở giúp bằng xe Vespa. Hành trang chỉ có 3 chiếc tay nải đựng vài bộ áo quần và ít thuốc cần thiết cho trẻ con. Khóa trái cửa, rồ máy xe, tôi nhìn lại căn nhà do chính tôi xây dựng, rồi cúi đầu lên xe ra khỏi xóm.
Dù đi với diện "hồi hương", giấy tờ đầy đủ nhưng vẫn phải bí mật tuyệt đối. Khi đến bến xe đò, một người Tàu hướng dẫn nhóm tôi lên một xe vận tải sắt làm nhà, trong xe có 12 hành khách toàn là dân gốc Việt và 2 tài xế. Xe chạy đi Cà Mau.
Khi đến quận Cà Mau trình giấy, công an nói phải đợi có chuyến tàu mới đi được. Họ chỉ chúng tôi sang Hộ Phòng thuê một gian nhà tạm trú ít bữa. Cả gia đình tôi sang sông thuê một gian nhà nhỏ chờ đợi. Tại đây, chuyện công an tổ chức “hồi hương cho người Hoa” là chuyện công khai, có cả trăm gia đình hầu hết là người Việt ăn dầm nằm dề chờ đợi, ngày ngày phải chầu chực chờ lệnh công an.
Ba tuần trôi qua. Một tối công an đến báo ngày hôm sau được khởi hành. Sáng hôm sau, dưới trời mưa tầm tã, nhóm người Việt mang quốc tịch Tàu lên trên 3 chiếc xe đò đi Gành Hào để xuống tàu "hồi hương"!
Gành Hào lúc này đã biến thành cả một “cửa khẩu hồi hương”. Nơi nơi đông chen hầu hết là khách đi diện hồi hương từ mọi tỉnh đổ đến chờ ngày khởi hành.
Tới phiên chuyến chúng tôi ra đi, buổi chiều trời vẫn mưa u ám gió lạnh. Cả đoàn xếp hàng dài trên bờ sông để xuống thuyền. Chiếc tàu  lớn 6 mã lực mang 200 người mở máy từ từ ra biển lúc xẩm tối. Hai bên bờ, đèn đã sáng trong làng xóm. Hai đứa trẻ ngây thơ nằm yên trong lòng mẹ. Em dâu và em gái tôi rưng rưng buồn bã. Còn tôi ngồi trong khoang tối nhìn ra ngoài cây, vườn, với ánh đèn thôn quê dần dần xa, lòng tan nát.
Ra tới biển, trời mưa nặng hạt, gió thổi mạnh, sóng lớn. Nhiều hành khách say sóng nằm ngổn ngang trên sàn thuyền. Bên cạnh thuyền có tàu biên phòng của công an theo sát. Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ “bảo vệ” thuyền nhân từ bến đến hải phận quốc tế, nhưng thấy gió bão quá lớn nên đã bỏ về vào lúc nửa đêm. Trước lúc bỏ về, có lệnh cho mọi người trên tầu gom góp tiền bạc tư trang còn lại để “ta ơn các bộ đội biên phòng”.
Sau 2 đêm 1 ngày chống chọi với bão gió, thuyền lại phải quay về Gành Hào. Hai trăm con người trở về bến cũ với hình dạng tơi tả, thảm thương. Sau khi nhà chức trách kiểm điểm, mọi người tìm những gian nhà bỏ trống tạm trú. Không ai còn 1 xu nhỏ vì tối trước trên tàu đã thu góp tất cả mang tặng bộ đội. Các nạn nhân lũ lượt vào chợ bán rẻ những chiếc nhẫn kỷ niệm, chiếc lắc khắc tên người thân, sợi dây truyền đeo ảnh Phật… để lấy tiền độ nhật. Một đôi người vì cũng quẫn quá nên buồn rầu bỏ cuộc quay về.
Một tuần sau, chúng tôi lại xuống thuyền ra đi. Cũng gió bão ngất trời rồi trong 3 ngày liên tiếp, khi thuyền qua biển Thái Lan bị cướp 4 lần. Cướp biển, mặt vẽ xanh đỏ, có súng tiểu liên, bóc lột tàn tệ mọi người. Một số thiếu nữ bị hãm hiếp dã man.
Trong thuyền tiếng khóc uất ức vang dội như át cả tiếng sóng đang gầm thét dã man. Tất cả mọi người đều đau xót căm hờn, tâm thần như bại liệt trong hoàn cảnh phũ phàng. Thực phẩm hết, nước uống hạn chế, trẻ em đói khát nằm dài, những người mẹ rỏ từng giọt nước trên môi khô héo của con…
Đêm ngày thứ năm, thủy thủ trên thuyền reo lên: “Các cô, bác, ông bà yên lòng, chúng tôi đã trông thấy ánh đèn của giàn khoan dầu rồi. Độ 2 giờ nữa sẽ tới nơi thôi” Nửa chết, nửa sống, mọi người trông về phía xa xa thấy có mờ mờ ánh sáng, đó là giàn khoan dầu ngoại quốc tại Mã Lai.
Hai cựu quân nhân VNCH gốc hải quân biết đôi chút ngoại ngữ đeo phao nhào xuống biển tìm cách liên lạc với giàn khoan dầu. Các anh trở về bằng ca nô của giàn khoan mang theo nhiều bình nước và mấy túi bánh mì và cho biết là thuyền phải rời xa giàn khoan độ nửa hải lý, sáng mai sẽ có tàu lớn đến tiếp cứu. Thế là chúng tôi có nước cầm hơi, các bà mẹ bẻ bánh mì nhúng nước lạnh bón cho các con nhỏ.
Sáng hôm sau nắng đẹp, trời xanh biếc, mặt biển vàng tươi ánh mặt trời nhưng sóng gió vẫn lớn. Độ 9 giờ, trên tàu xôn xao vui mừng vì nhìn thấy một chấm trắng từ phía xa tiến lại. Các bạn trẻ hét to: "Chuẩn bị, tàu cứu ta đã đến kia rồi". Khối trắng tiến gần, trên thuyền đã nhìn rõ lá cờ 3 sắc phấp phới "A, tàu Pháp!", họ hét vang vui vẻ. Hai thuyền nhân giỏi tiếng Pháp đeo phao vù xuống biển đến tàu liên lạc. Lát sau máy phóng thanh trên tàu gọi cho thuyền tiến đến cạnh tàu.
Trên tàu Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng) thả dây xuống buộc thuyền chúng tôi vào mạn tàu rồi cứ một lớp sóng đưa thuyền lên cao sát mạn tàu là một số thuyền nhân được nhân viên trên tàu kéo đỡ lên khoang. Khoảng sau 2 tiếng, công việc tiếp cứu đã xong. Gần 200 người tỵ nạn đã được an bình trong chiếc thủy đỉnh rộng lớn. Tất cả mọi người tắm bằng nước biển trên tàu rồi cứ mặc nguyên quần áo ướt ngồi phơi nắng gió cho khô.
Bữa ăn trưa hôm đó, người lớn được một khúc bánh mì kèm mứt ngọt. Trẻ em thêm vài bánh quy. Tối có thêm cháo, bánh mì dòn và phó mát. Đêm đến, trên boong tàu chúng tôi nằm ngồi ngổn ngang. Vừa tảng sáng máy phóng thanh rầm rã kêu gọi mọi người lên sàn tàu nghe thông điệp của Tổng Thống Pháp.
Máy phóng thanh vang vang tuyên bố là đêm qua, Tổng Thống Pháp quốc đánh điện cho các tàu Pháp vớt 1.500 người trên biển đông, và hỏi các thuyền nhân có ưng đi Pháp không. Tiếng  hoan hô vang dậïy, ai ai cũng đồng ý, thế là tàu trực chỉ hải cảng Singapore.
Chiều tối ngày hôm sau, tới Singpore, tàu phải đậu xa biển mấy trăm thước. Nhân viên sứ quán Pháp xuống tàu làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi lần lượt được phỏng vấn: tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ tại Việt Nam… Lời khai được ghi rõ trong cuốn sổ lớn rồi mỗi người được cấp một tờ giấy nhỏ ngang dọc 15 phân tây. Đó là giấy nhập cảnh Pháp quốc của chúng tôi. Thuyền của nhóm tôi đã được cứu vớt đầu tiên nên được đặc biệt ưu đãi, miễn trả vé máy bay đi Pháp.
Các viên chức thức suốt đêm làm giấy tờ. Khi công việc vừa xong thì đã 7 giờ sáng. Tàu được cập bến ngay lúc đó. Một số người ở lại Singapore để chờ đón thân nhân.
Những người đi Pháp rời khỏi tàu lúc 9 giờ. Lên bến đi qua một lối riêng, cảnh sát xét giấy rồi ra thẳng nơi phi cơ Pháp đã đậu sẵn. Phi hành đoàn và hai bác sĩ, 2 nữ y tá đón chúng tôi ở cầu thang máy bay.

* Thời gian tại Pháp
Trong phi cơ sáng trưng, sạch sẽ, thơm phức. Bọn thuyền nhân chúng tôi thì lem luốc, hôi hám, dơ bẩn, tiến vào ngồi trên nệm ghế màu xanh lợt. Nơi đuôi máy bay là phòng khám bệnh, giường nằm, bàn ghế trắng tinh, bác sĩ, y tá sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân. Bữa ăn dọn lên. Mỗi người một khay có sữa, thịt gà quay, rau trộn, bánh ngọt, phó mát và kẹo. Thằng cháu nhỏ cầm bánh vừa ăn vừa cười tươi vui làm tôi thấy lòng bồi hồi chua xót.
Phi cơ hạ cánh tại phi trường Charles de Gaulle. Nhân viên Hồng Thập Tự chờ đón tất cả lên xe bus về trạm tiếp cư Crétail. Mỗi gia đình được một phòng.


Tối hôm đó, mọi ngườiù được tắm nước nóng. Có người đến Paris chỉ mang trên người một chiếc quần đùi. Áo quần giặt xong căng phơi trên máy sưởi, mình quấn khăn tắm vào giường nệm ấm. Sáng hôm sau mới được đưa đi lựa quần áo cũ. 
Ở Crétail một tuần, nhóm tôi được lệnh đi chuyển về Toulouse để chờ giấy phép đi Mỹ. Một buổi tối, chiếc xe bus màu vàng chở 20 người gồm tài xế, 2 người Lào, tới chở đi. Quá nửa đêm, xe đến địa điểm cư trú. Đó là một khách sạn cũ hai tầng lầu có nhiều phòng. Mỗi gia đình một phòng có đủ giường nệm, chăn gối, bàn ghế. Tầng dưới, phía bên cạnh là tửu lầu, mà cũng là phòng ăn của nhóm tị nạn.
Phòng ăn rộng chia làm hai nơi. Bên kia khách của nhà hàng, bên này là chỗ ăn của nhóm thuyền nhân. Mỗi bàn bốn người, thức ăn đầy đủ các loại thịt, cá, tôm… đặc biệt là Chủ Nhật, mục sư George Irwin đến đón đi lễ nhà thờ Tin Lành. Ông là người Mỹ, bà vợ dân Canada, đã truyền giáo tại Nha Trang bảy năm nên nói tiếng Việt rất lịch sự.
Ở khách sạn tạm cư được hai tháng, chính phủ trợ cấp 8 tháng tiền nhà, tiền ăn để dọn ra phố tự túc thuê nhà, kiếm việc làm. Em dâu tôi biết tiếng Pháp nên kiếm được việc ở tiệm ăn. Em gái ở nhà trông hai cháu nhỏ. Còn tôi vì quá suy nhược lại bị đau tê thấp nặng nên được đi dưỡng bệnh tại bệnh viện Luchon.
Luchon (Baguere de Luchon) nằm trong rặng núi Pyrénées, cách Toulouse độ 100 cây số. Đó là một vùng  có thời tiết ấm áp, phong cảnh đẹp nhất miền Nam nước Pháp. Bệnh viện trang trí lịch sự, cách chăm lo bệnh nhân rất chu đáo dưới quyền điều khiển của bác sĩ danh tiếng.
Tại bệnh viện, buổi sáng, sau giờ điểm tâm, bệnh nhân tê thấp xuống hồ tắm nước nóng để y tá nắn gân cốt từng người. Buổi chiều, trước giờ ăn xoa bóp tại phòng ấm, và mỗi hai tuần ngâm bùn nóng. Bùn chứa trong thùng gỗ rộng. Bệnh nhân bỏ áo quần thường, mặc đồ riêng bằng nylon trùm từ đầu tới gót chân, ngâm trong bùn ấm 40 phút rồi bỏ bộ đồ nylon, tắm nước nóng, mặc lại áo quần, nghỉ độ nửa giờ mới được về phòng.
Tại Luchon có một ông bác sĩ gốc Việt Nam, Docteur Georges Navaro, nhưng không biết nói tiếng Việt. Bà vợ người Pháp rất dễ thương. Tôi là bệnh nhân Việt Nam duy nhất nên bác sĩ Navaro săn sóc rất tận tâm. Ông còn lái xe đưa tôi đi ngoạn cảnh các công viên, sang bờ biển Tây Ban Nha (cách Luchon 13 cây số) tới xem các người tập bay khinh khí cầu. Dù tôi không thông thạo tiếng Pháp bao nhiêu nhưng tôi thấy rất thân thiện, quý hóa.
Tổ chức trong bệnh viện chu đáo, lịch sự. Bữa ăn thừa dinh dưỡng. Bệnh viện được coi  là nơi để dưỡng sức, nghỉ ngơi khi quá suy nhược tinh thần. Vậy nên người địa phương chỉ được phép ở tối đa là 6 tuần lễ, nhưng riêng tôi đã ở dưỡng viện Luchon gần 3 tháng. Khi được giấy nhập cảnh Mỹ tôi mới rời viện.
Được tin nhóm tôi đi Mỹ, Ông Bà mục sư Tin Lành khuyên nhủ tôi nên ở lại Pháp làm việc cho Hội Thánh và giúp bả mở trường nữ công gia chánh để truyền bá văn hóa Việt Nam cho phụ nữ tại vùng Toulouse. Nhưng làm sao tôi bỏ 2 thiếu phụ đang trên bước đường xa lạ tìm chồng, và hai cháu nhỏ thơ ngây đi tìm cha, và nhất là sau hơn 5 năm chẳng biết em trai, em rể hiện nay tình tiết ra sao nữa"
Lên Paris trước một tuần sau khi phỏng vấn, khám sức khỏe, ký giấy vay tiền hội từ thiện Công Giáo mua vé máy bay đi Mỹ, gia đình tôi đi vãn cảnh tại thủ đô Ánh Sáng: Điện Tuileries, Panthéon, nhà thờ Notre Dame de Paris, tháp Eiffel, sông Seine, Khải Hoàn Môn (Arc de Tromphe)…
Vào trung tuần tháng 3, 1980, lúc mờ sáng, gia đình tôi đón xe lửa qua Bỉ (Belgium) rồi lên phi cơ đi Mỹ. Từ biệt nước Pháp vào lúc đèn phố còn chiếu sáng, xe lửa lướt nhanh qua dẫy phố mái nhà cao thấp, tôi mênh mang nhớ lại 9 tháng trước đây được tầu “Ile de Lumière” vớt cứu, được Pháp quốc chu cấp tài chánh, lo xếp đặt nơi ăn, chốn ở, chữa bệnh một cách ân cần trọng đãi, coi nhóm thuyền nhân tị nạn chúng tôi như thân hữu từ xa đến du lịch. Những sự đãi ngộ quý hóa đó đã làm chúng tôi phấn khởi tinh thần và tin tưởng kính trọng thể chế Tự Do Dân Chủ. Trong thâm tâm tôi thầm ghi ân Pháp Quốc.
Phi cơ đều hòa lướt cánh, lòng tôi rối ren nửa vui sắp đến nơi chủ định, mà buồn vì mỗi phút một cách xa quê hương. Nước và mây đã đưa tôi từ Á Châu qua Âu Châu, rồi nay đến Mỹ Châu, sau 10 tháng đầy âu lo, mong đợi.
*Nước Mỹ
Tháng Ba năm 1980, máy bay hạ cánh tại phi trường National Virginia vào lúc mờ tối. Em trai và em rể đã chờ đón tại đó. Sáu năm xa cách, gia đình gặp nhau biết bao là mừng mừng tủi tủi, rồi cùng lên xe về thành phố Virginia.
Bữa ăn đầu tiên tại Mỹ là thịt gà Kentucky gần nhà. Gian nhà đầu tiên tôi đến ở đường số 7, Virginia, gồm hai phòng ngủ và phòng khách, bếp. Căn chung cư cũ kỹ đó, hai em tôi vừa thuê với giá rẻ để đón gia đình. Yên lành tôi ngủ trong chiếc giường kéo ở divan ra. Đó là chiếc giường đầu tiên tại Mỹ.
Sáng hôm sau cả nhà đến quận hạt trình giấy lĩnh thẻ cư trú, thẻ y tế. Tất cả mọi người đều được phụ cấp hàng tháng. Công việc xét kiểm giấy tờ nhanh chóng. Ông tiếp viên luôn nở nụ cười thân thiện và vui vẻ nói "You are welcome".
Ngoài đường nắng đẹp, lá cây xanh tươi láng bóng. Em trai cho xe chạy một vòng rồi đưa đến chợ Mỹ. Chợ lớn rộng đầy đủ các loại thực phẩm; khách mua xếp hàng thứ tự. Cô gái Mỹ tính tiền, bấm máy thoăn thoắt, nét mặt tươi vui. Lúc nhận xong tiền, cô luôn nói "Thanh you".
Về thực phẩm, lúc đó dân địa phương không ăn da gà nên bữa cơm đầu tiên nấu tại nhà có món đặc biệt là da gà xào gừng, hành tây. Vì da gà không tốn tiền mua (free) nên dân nghèo ăn đỡ, biến chế thành món ăn rất ngon.
Mấy tháng qua đi, gia đình tôi thuần thuộc sống theo cảnh lao động Mỹ. Sáu giờ sáng, nhóm đàn ông sách hộp đồ ăn ra xe đến trường (các em đang học điện tử tại đại học), sau buổi học, cả hai đi thẳng đến một nhà hàng làm bồi bàn, 8 giờ mới về. Nhóm đàn bà đi học Anh ngữ, trẻ con đến trường mẫu giáo. Riêng tôi bệnh tê thấp và thiếu máu chưa lành nên ở nhà, mỗi tuần hai lần có xe đón đến bệnh viện chữa trị, khám bệnh, chạy điện, tiêm thuốc…
Nửa năm qua đi, tôi đã đỡ nhiều nên được một nhà nhập cảng hạt ngọc - ngọc trai, ngọc thạch - mướn xâu hạt trả công một chuỗi 3 đô. Công việc không nhiều, mỗi tháng chỉ được hơn 100 dollars nhưng tôi rất mừng vì đó là những món tiền đầu tiên tôi kiếm ra ở Mỹ.
Những ngày lễ nghỉ, các em tôi mang cả gia đình đi ngoạn cảnh thủ đô Washington DC. Tôi đã được viếng tòa Bạch Ốc (White House), Quốc Hội (Capitol), Bảo Tàng Viện (National Gallery of Art), hồ Jefferson, xem hoa anh đào nở bên dòng sông Potomac. Ngắm anh đào gió bay cánh hoa rụng như mưa, tôi chợt nhớ đến năm xưa du lịch Nhật Bản ngồi dưới gốc anh đào đại thụ ở công viên Sinjuky và ngắm dẫy anh đào ở đường lên Niko, nhưng bây giờ nhìn hoa với tâm thần thưởng ngoạn khác ngày xưa!
Xa nữa, tôi theo các hội đoàn đi du lịch New York xem Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, vòng thuyền quanh tượng Nữ Thần Tự Do tại sông Manhattan và xa hơn, sang Canada nhìn khói nước mịt mù ở thác Niagara, du ngoạn công viên Victoria, thăm nhà thờ Saint Joseph's tại Montreal, 1000 Islands…
Hơn một năm sau, em trai, em rể tốt nghiệp kỹ sư điện tử, xin được việc làm tại miền tây. Em trai sở làm ở Bắc Cali, em rể ở Nam Cali. Tôi theo em trai về San José thuê một gian chung cư có ba phòng nhỏ, giá rẻ.
 Sáng sáng, em tôi đi làm, cháu trai vào tiểu học. Tôi và em dâu thi vào Evergreen Valley College. Em học lớp trên, tôi học lớp cuối. Em có học bổng (Scholarship), còn tôi thì không, chỉ lấy có 4 units. Tôi rất ngỡ ngàng vì mỗi khóa học đều có thanh tra đến phát giấy cho học trò phê bình hạnh kiểm của cô, thầy giáo. Trong khi thanh tra đến, thầy giáo phải ra ngoài để học trò tự nhiên viết lời phê bình lên giấy. Có một câu hỏi tôi nhớ rõ: “Đối với học trò thầy cô có hòa nhã, lễ độ không"” đó là cách thực thi dân quyền, dân ý của nước dân chủ tự do. Tất cả các trường đều vậy. Ngoài việc học, mỗi chiều thứ sáu và ngày thứ Bảy, tôi phụ giúp tiệm bánh ngọt, công mỗi giờ 3 dollars.
Từ khi đến Hoa Kỳ đến nay thấm thoát đã trên hai mươi năm. Em trai, em rể đã nhiều phen chìm, nổi với nghề nghiệp, đã 4,5 lần thay đổi sở làm và cũng vài lần thất nghiệp nằm nhà đợi “Job” hàng 5,7 tháng. Em dâu cố gắng học suốt 4 năm để lấy bằng kế toán (acounting). Em gái sau khi khá anh ngữ, học nghề phụ tá bác sĩ về răng. Suốt bao năm cần cù làm lụng, học hỏi không ngừng nên hiện giờ hai người đàn ông đã là nhân viên kỳ cựu trong ngành điện tử, và em gái, em dâu tôi đã tìm được việc làm theo khả năng chuyên môn vững chắc. Hai cháu nhỏ lúc rời nước có 6 tuổi, nay đang theo ngành y khoa.
Còn riêng tôi sau hai năm làm lao công bán bánh ngọt, cửa hàng đổi chủ, tôi đi may thuê tại tiệm may áo dài Việt Nam. Ngoài việc may, em tôi nhận “chip” điện tử về cho làm thêm vào buổi tối. Cả gia đình làm lụng cần cù nên nay các em đã có căn nhà khang trang. Phần tôi đã đến tuổi lão được lĩnh phụ cấp (SSI). Bệnh tê thấp, thiếu máu vẫn dai dẳng, lại thêm bệnh đau dạ dày (stomach Ulcer), bác sĩ khuyên nên an tĩnh tinh thần, duy trì tuổi lão…vậy nên sự du ngoạn là một vấn đề trong chương trình cuộc sống còn lại của tôi.
Vì thế nên sau mười mấy năm lao động cả về thể chất lẫn tinh thần nơi đất lạ, tôi đã đi thăm các thắng cảnh tại miền Tây để bảo vệ sức khỏe, và nhất là mong được hiểu biết thêm cảnh trí, nền văn hóa, cách sinh hoạt đại chúng từng địa phương với bao công trình kiến tạo đặc sắc của nước Mỹ - một hiệp chủng quốc tân tiến, trù phú, hùng cường, có nhiều sắc dân cư ngụ khắp trong 50 tiểu bang rộng lớn.
Tôi đã từng tới công Viên Yosemite, Redwood Basin, Heart Castle, cầu Golden Gate, San Mateo, Gand Canyon, Mystery Spot (Santa Cruz), Mystery (San José), Lake Tahoe, Universal Studio, Disneyland… và cả các nơi giải trí bằng cờ bạc, đỏ đen như Las Vegas, Reno…
Năm thi quốc tịch tại San Jose, khảo thí viên, một ông Mỹ trắng, hỏi tôi trên 20 câu phần chính về lịch sử từ khi lập quốc, rồi hành pháp, tư pháp, thượng viện, hạ viện, dân biểu, nghị sĩ, và hỏi tôi có bị tù không… Câu cuối cùng, ông ta hỏi: "Tại sao bà muốn làm công dân Mỹ""
Tôi đáp: "Bởi vì nước Mỹ là nước có Tự Do, Dân Chủ". Ông khảo thí đưa bút và giấy bảo tôi viết. Ông đọc: "I love America". Khi tôi viết xong, ông ta nhìn tôi mỉm cười: “Rất tối, bà đã đỗ” (Very good. You have passed).
Sau khi ký các giấy tờ thường lệ và viết tên vào văn bằng công dân Mỹ, tôi chào ông và nói: “Tôi nhớ ơn Mỹ quốc, xin cảm ơn ông!” I am grateful to America. Thank you!

TRÙNG QUANG

(Bài viết được Việt Báo phổ biến trong năm 2001 với bút hiệu Lê Tâm)

Bà Trùng Quang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến