Hôm nay,  

Tác Giả Và Bài “viết Về Nước Mỹ Số 1”

30/07/201000:00:00(Xem: 100950)

Tác Giả và Bài “Viết Về Nước Mỹ Số 1”

Người viết: Nguyễn Dương Kim
Bài số 2955-28255-vb6073010

Hình từ trái: Cụ Mai và đạo diễn Oliver Stone tại phim trường Hollywood, khi cụ đóng phim “Heaven and Earth”, Jan.02-1993. Tiếp theo là ảnh mừng  cụ  89 uổi, chụp cùng các con năm 2000, năm cụ viết bài viết về nước Mỹ số 1. Kế đó là cụ Nguyễn Gia Mai nhận giải thưởng năm 2000 do nghị viên Trần Thái Văn trao tặng.

Trưa 30 tháng Tư năm 2000, đúng 25 năm ngày người Việt miền Nam tự do phải bỏ nước ra đi, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ được quyết định thành lập tại trụ sở của một tờ báo nghèo ở Little Saigon, với mục đích giản dị: tạo cơ hội để mọi người Việt có thể chia sẻ với nhau những kinh nghiệm đặc biệt trong quá trình hội nhập vào dòng sống nước Mỹ, bằng cách viết lại chuyện của chính mình, gia đình mình. Ngày 7 tháng Năm, 2000, Việt Báo chính thức công bố lời mời cùng viết về nước Mỹ. 
Chỉ hai ngày sau -9 tháng Năm- cụ Nguyễn Gia Mai,  từ nhà ở Garden Grove, đi bộ mang tới toà báo bài viết về nước Mỹ đầu tiên còn nóng hổi: “Năm Nay Tôi 89 Tuổi.” Bài do cụ viết tay, nét chữ rõ ràng, kể chuyện rành mạch, từ chuyện tháng Tư 1975 tới chuyện cụ tình cờ đóng phim “Heaven and Earth” của Oliver Stone. Đây là bài mở đầu cho Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Nối bước hai vị lão trượng họ Nguyễn, sự hưởng ứng của người viết, người đọc đã mang lại cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ sức lớn mạnh vượt mức chờ đợi. Mười năm giải thưởng,  liên tục mỗi ngày đều có bài viết mới được phổ biến. Sách “Viết Về Nước Mỹ” đã in được 10 tuyển tập, mỗi cuốn 640 trang. Thêm cuốn bìa cứng “Cay Đắng Ngọt Bùi”. Tổng cộng đã 7,400 trang sách.
Kỷ niệm mười năm Viết Về Nước Mỹ (2000-2010) là lúc nên đọc lại bài viết về nước Mỹ số 1 và trân trọng tưởng nhớ tác giả: Ba năm sau khi nhận giải cho bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, Cụ Nguyễn Gia Mai đã tạ thế, hưởng thọ 92 tuổi.
Sau đây là bài viết về tiểu sử của Cụ, do ông Nguyễn Dương Kim, 71 tuổi, con trai trưởng của Cụ Mai, hiện đang sống ở Little Saigon viết tặng cho bạn đọc Viết Về Nước Mỹ. Việt Báo trân trọng cám ơn ông Nguyễn Dương Kim cùng gia đình.
Tiếp theo phần tiểu sử, sẽ là bài viết số 1 của cụ Nguyễn Gia Mai.

* **
Tiểu Sử cụ Nguyễn Gia Mai

Ông Nguyễn Gia Mai sanh năm 1912. Người quê quán tại làng Thượng Phúc, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Bắc Việt.
Ông đã mãn phần ngày 2 tháng 2 năm 2003, hưởng thọ 92 tuổi. Ở tuổi này, thì chúng ta có thể dùng tiếng Cụ Mai, để xưng hô với ông.
Cụ Mai, sống trong một gia đình nho học. Con của Cụ Phán Nguyễn Gia Trấn. Gia đình có 5 anh em trai, và một cô em gái út là Nguyễn Thị Chỉnh.
Cụ theo học trường Bưởi tại Hà Nội, và đỗ bằng Thành Chung. Sau đi làm sở Hỏa Xa Đông Dương, chức vụ sau cùng là Trưởng phòng Hàng Hải ở ga Đà Nẵng.
Sau khi tốt nghiệp Trung Học, Cụ Mai lập gia đình, và hoạt động kinh doanh tại Hà Nội. Cụ là chủ Nhà Thuyền Hồ Tây, ở ngay đầu đường Cổ Ngư, cuối đường là Chùa Trấn Quốc. Con đường Cổ Ngư là một con đường tình ái, rất thơ mộng của thành phố Hà Nội. Hai bên có 2 cái hồ, là Hồ Tây, và Hồ Trúc Bạch. Hai bên hồ có những hàng cây Liễu rũ, rất là thơ mộng và lãng mạn.
Nhắc đến Nhà Thuyền Hồ Tây, thì tôi (Nguyễn Dương Kim, con trai trưởng của Cụ Mai) lại nhớ lại rất nhiều kỷ niệm, vì tôi ở đó vào khoảng 6, 7 tuổi, giai đoạn mà Tàu sang chiếm Đông Dương, 1945.
Thời đó, vì chịu ảnh hưởng của trào lưu văn hóa rất lãng mạn như Hồn Bướm Mơ Tiên, Trống Mái của Khái Hưng,  Hận Nghìn Đời của Lê Văn Trương ... nên các cô thiếu nữ ngây thơ, vừa bước vào tuổi biết yêu, mà bị thất tình, vì yêu mà bị gia đình cấm cản, hay đến nhà thuyền, thuê thuyền chèo ra giữa hồ để tự vận. Cụ Mai phải thuê một anh trai trẻ, bơi lội rất giỏi, để đi cứu các cô này. Cứ thấy cô nào, mặt mũi buồn rầu mà một mình vào thuê thuyền là phải theo dõi ngay. Thấy cô nào nhẩy ùm thì tận lực vớt lên. Sau khi vớt được, các cô rét run, vào bếp ngồi sưởi ...
Nhắc đến Nhà Thuyền Hồ Tây của Cụ Nguyễn Gia Mai, thì tôi lại nhớ lại được nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu. Tôi cũng xin viết lại, để gợi nhớ lại cái thời dĩ vãng xa xưa của cha tôi.
Cuối tuần, Cụ Mai thường cùng các bạn hữu dùng thuyền Bác, là thuyền lớn, bơi ra giữa hồ, vặn kèn hát đĩa nghe nhạc và uống rượu ngắm trăng. Còn con đường Cổ Ngư thì thật là tuyệt vời. Tôi cũng xin được phép viết lại bài thơ bằng văn suôi của thi sĩ Đinh Hùng mà tôi đã học thuộc lòng, vì thấy là quá hay; đoạn văn thơ này tôi cũng thường hay đọc cho cha tôi nghe khi ông còn sống.
"Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này, để nghe từng chiếc lá vàng rơi bên bờ cỏ, những cây Liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa.
Nắng ở đây, vẫn là nắng ngày xưa, và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước.
Tôi đem lòng về, trên con đường xa vắng này để nhớ lại mùa Thu thương nhớ cũ, và để mặt nước hồ xanh có bước chân ai, bước nhẹ ngoài song. Hay đó chỉ là gió thoảng mong manh ..."
(Thơ Đinh Hùng)
Sau giai đoạn Cụ Mai hoạt động kinh doanh ở Nhà Thuyền Hồ Tây, thì có lẽ vì thời buổi giặc giã, gia đình phải tản cư về các vùng quê. Vào khoảng 1948 hay 1949 lại hồi cư về Hà Nội, từ đó cha tôi mới vào làm việc cho Sở Hỏa Xa Đông Dương. Đổi xuống là Cheffare ở Hải Phòng. Thời đó, Cụ mua một chiếc xe môtô (thời đó gọi là xe bình bịch) tên là môtô bê can,chở tôi ra Đồ Sơn tắm biển. Khi về, không biết lý do gì xe bị chết máy. Cụ dặn tôi là "Con đừng nói cho ai biết là xe bị chết máy dọc đường, vì sợ người ta cười..."
1952: Cụ xin nghỉ làm việc tại Hỏa Xa, vào Sài Gòn kinh doanh nghề vận tải hàng hóa.
1955: Trở ra Hà Nội kinh doanh bằng nghề vận tải đường sông, tầu chạy Hòn Gai Cẩm Phả. Tưởng rằng có thể sống với Cộng Sản được, ai ngờ ít tháng sau, Tàu bị nhà nước mượn khéo - Hà Nội đã tiếp thu, và 6 tháng nữa đến Hải Phòng. Cụ Mai quyết định đưa gia đình xuống Hải Phòng và di cư vào Nam theo chương trình di cư của chính phủ.
1956: Trở lại nghề công chức Hỏa Xa. Chức vụ sau cùng là Trưởng phòng Hàng Hải tại ga Đà Nẵng. Sau Cụ về hưu, và sang Mỹ theo diện ODP.
Cụ Mai đã có một đời sống rất thoải mái ở Mỹ. Cụ được đóng phim Heaven and Earth của Oliver Stone, nói về chiến tranh Việt Nam. Vai cụ đóng là "Ông Thầy Bói". Cụ rất thích thú khi kể lại kỉ niệm này cho các con cháu nghe.
Tuổi già, 92 tuổi, mà không bịnh hoạn gì cả. Cuối đời cụ hay uống rượu, ăn rất ít, đi chơi đâu cũng mang theo mấy loong bia để nhâm nhi suốt ngày. Có một lần bị đau lưng phải vào bịnh viện Fountain Valley nằm, cụ cũng lén mang mấy loong bia theo nhưng cô y tá giữ lại và nói: "Con cất đi cho cụ, khi nào cụ xuất viện, con sẽ đưa lại cho cụ uống nhé ..."


Cha thân yêu của chúng tôi đã ra đi vĩnh viễn vào một buổi sáng đẹp trời, buổi sáng khi ngủ dậy, ăn sáng, uống rượu, coi TV tin tức, lên giường ngủ rồi đi... một cách rất nhẹ nhàng.
NGUYỄN DƯƠNG KIM
Viết xong lúc 5 giờ sáng
ngày 28 tháng 7 năm 2010

* Đọc lại bài số 1: Năm Nay Tôi 89 Tuổi

Người viết: Nguyễn Gia Mai
Bai Du Thi So 1/GTVB

Cụ Nguyễn Gia Mai. Sinh năm 1912 tại Hà Nội. Học trường Bưởi, đậu bằng Thành Chung. Sau đi làm Sở Hỏa Xa Đông Dương được 33 năm. Về hưu trí năm 1970. Chức vụ sau cùng: Trưởng Phòng Hàng Hải Đà Nẵng, VN. Tới Mỹ năm 1988 theo diện ODP. Hiện ở Garden Grove, California. Bài tham dự "Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ" do cụ Mai viết tay, nét chữ rõ ràng, nhưng không có tựa đề. Ban sơ tuyển giải thưởng Việt Báo trân trọng chúc thọ mừng cụ, bằng cách chọn câu viết trong bài làm tựa đề "Năm nay tôi đã 89 tuổi..." Quà tặng cho bài tham dự giải thưởng đầu tiên được chọn đăng gồm 100 đô la tiền mặt và một số sách báo sẽ được gửi tới cụ Mai.

*

Ngày 29 tháng Tư năm 1975, tại Saigon, ai cũng hoảng hốt lo chạy khỏi Việt Nam vì Cộng Sản sắp chiếm Saigon tức toàn thể miền Nam Việt Nam.
Tôi ở đường Hai Bà Trưng, thấy ngoài đường dân chúng chạy ngược chạy xuôi tấp nập, phần đông họ đi về ngả đường có Tòa Đại Sứ Mỹ. Tôi và 3 con tôi - đều đã ngoài 20 tuổi - cũng vội khăn gói kéo nhau lên tòa Đại Sứ Mỹ để kiếm đường xuất ngoại. Tới cửa Tòa Đại Sứ thì đông nghẹt người ta, người thì tìm cách len vào trong bức tường bị lính Mỹ dùng báng súng trường đẩy cho khỏi vào được bên trong. Một số máy bay trực thăng chở người Mỹ và vợ con người Việt Nam ra Hạm Đội 7 nằm ngoài khơi gần đó. Trong lúc đó tôi có người con rể làm Đại Úy Nha Sĩ đóng ở Nhà Bè, có sẵn một tầu hải quân ở đó. Anh ta đưa vợ con và bố mẹ xuống tầu rồi lái xe về đường Trương Minh Giảng đón bà chị và 4 đứa con cỡ 5, 6 tuổi xuống Nhà Bè, lên tầu chạy ra biển và thẳng đến đảo Guam. Anh ấy không đón chúng tôi.
Sau này, tôi phải chờ đến năm 1988 mới được bảo lãnh đi Mỹ theo diện ODP. Anh ấy kể chuyện rằng sang đến Mỹ anh ấy phải học Anh ngữ, vì chỉ biết Pháp ngữ. Trong thời gian đó, phải đi làm cửu vạn (khuân vác) cho các siêu thị Mỹ để kiếm sống. Ban tối mua một cuốn tự điển Anh Việt để học Anh ngữ. Sau gần 5 năm mới thi đậu Bác sĩ Nha Khoa. Rồi đi làm cho chính phủ Mỹ. Một thời gian sau mới mở phòng mạch chữa cho dân chúng. Bây giờ thì đã có một ngôi nhà khang trang 5 phòng trên thửa đất gần một mẫu. Các con anh ta đã tốt nghiệp hoặc đang học Đại Học Mỹ.
Riêng phần tôi vì đã học Pháp ngữ ở VN khi còn nhỏ và lớn lên cũng học thêm Anh ngữ nên sang Mỹ tôi đã tiếp xúc với người Mỹ được dễ dàng. Khi mới sang Mỹ được hai tháng, tôi đã đi thi lấy bằng lái xe hơi.
Sau 3 năm, tôi được lãnh tiền SSI và tôi đã thi đậu quốc tịch Hoa Kỳ. Năm nay tôi đã 89 tuổi và thỉnh thoảng cũng đi Casino chơi bài giải trí.Tôi mua vé xe bus có 50 cents một ngày và có thể đi suốt ngày. Ở California có 73 tuyến đường đi khắp các tỉnh. Tôi đã đi gần hết các tuyến đường đó.
Tôi nhận xét người Mỹ rất tốt. Đi ngoài đường, không quen biết họ cũng chào "Hi" hay "Good morning!" v.v... Hồi mới sang Mỹ, con gái lớn tôi nhường cho tôi một công việc. Đó là việc phiên dịch tiếng Anh ra tiếng Việt Nam của một nhà trường Mỹ. Cứ 1 tờ giấy 1 trang thì họ trả 10 đô la. Họ cần phiên dịch để phát cho mấy bà Việt Nam có con theo học trường họ.
Cũng có những lần đi thông dịch cho một bà giáo Mỹ muốn nói chuyện với mấy bà Việt Nam. Cứ một giờ thông dịch cũng được trả 10 đô la. Hồi mới sang chưa có tiền SSI, đi thông dịch mỗi tháng cũng có vài trăm đô.Năm 1993, tình cờ tôi được đóng phim Mỹ.
Ở San Jose, tôi thấy đăng quảng cáo trên báo Việt Nam cần người VN đóng phim, đủ mọi lứa tuổi. Tôi cũng đến địa điểm tuyển chọn ở một trường đại học. Khi vào xem thì thấy đông người đến, ngồi kín cả một lớp học, có đến vài trăm người Việt Nam. Thấy đông quá, tôi ngồi ở ghế đá ngoài cửa trường.
Độ nửa giờ sau, có một cô Việt Nam làm việc cho hãng phim chạy đến hỏi tôi có muốn đóng phim không. Tôi gật đầu. Thế là cô ấy đưa tôi vào trong lớp hàng ghế đầu. Rồi có một cô Mỹ đến nhìn mặt tôi, rồi cô ấy lấy một tờ giấy in sẵn, viết lên hai chữ "Great Face" rồi bảo cô kia dẫn tôi vào phòng bên cạnh và học quay thử ngay. Trong khi quay thử thì có một cô Mỹ đứng cạnh đó hỏi tôi tên tuổi. Vì hồi 1993, tôi đã 81 tuổi, mà họ cần người già đóng phim. Họ quay độ 10 phút rồi hẹn tôi hôm sau lại quay nữa. Tất cả ba hôm quay thử.
Sau đó, vì tôi đã về Arizona với các con tôi, ông đạo diễn Oliver Stone gửi gấp vé máy bay sang mời tôi sang quay thử nữa. Tôi lại sang quay thử tiếp 3 ngày nữa.
Thế rồi, ít lâu sau tôi được mời sang Santa Monica đóng phim. Tôi đã đóng vai ông thầy bói và được trả lương 700 đô la một ngày, đóng 3 ngày được 2,100 đô la. Tôi từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ đóng phim. Trước khi đóng phim họ phát cho tôi một tờ giấy để học thuộc lòng và một băng cassette do bà phụ tá đạo diễn đọc để tôi bắt chước. Thời gian đóng phim 3 ngày, tôi được ở khách sạn do hãng trả tiền và có xe đưa rước. Tôi có chụp ảnh chung với ông đạo diễn Oliver Stone.
Khi chiếu thử ra mắt tôi được hai vé mời đi xem. Phim tôi đóng có tên là "Heaven and Earth". Sau này, thỉnh thoảng tôi lại nhận được vài trăm đô la do hãng phim bán băng video gửi biếu. Tổng số tiền đó cũng lên đến hơn 1,000 đô la. Cuốn băng video hiện vẫn còn bán ở hãng Blocbuster Video giá 22 đô la trên khắp nước Mỹ.
Tôi sang Hoa Kỳ từ tháng 9 năm 1988, cho tới nay, trên 10 năm, tôi chưa hề bị bệnh tật lần nào. Mỗi năm đi khám bác sĩ một lần. Bác sĩ bảo không có bệnh gì cả. Tim phổi rất tốt, không có áp huyết gì cả. Ăn ngủ điều hòa. Đầu óc còn minh mẫn. Năm nay tôi 89 tuổi rồi. Mỗi ngày đi bộ 30 phút không thấy mệt.
Hiện nay tôi sống rất hạnh phúc với các con tôi, ăn ở không mất tiền, chi tiêu vặt đã có tiền SSI. Các con tôi cho tiền tôi cũng không nhận. Hàng ngày, buổi sáng tôi đọc 2 tờ báo mua tháng - báo Việt Báo và Người Việt - cũng biết rõ tình hình thế giới.
Năm 1994, tôi đi du lịch Âu châu một mình. Ở Paris tôi hay ra bờ sông Seine buổi chiều ngắm cảnh. Buổi tối ở đại lộ "Champs Elyse" có một số người đẩy xe, trong để hỏa lò than và bắp nướng đi bán dạo, cảnh sát đuổi bắt thì họ chạy trốn, trông thật vui mắt chẳng khác gì ở Hà Nội và Saigon.
Ở những nơi đông người hay công viên (tại Paris), có những bảng hiệu "Coi Chừng Móc Túi" (Pick Pocket). Thì ra cũng không thua gì chợ Đồng Xuân Hà Nội.

Viết xong ngày 9 tháng 5 - 2000.
NGUYỄN GIA MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến