Hôm nay,  

Xây Dựng Lại Quê Hương

21/04/201000:00:00(Xem: 214769)

Xây Dựng Lại Quê Hương

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2870-28120-vb3042010

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA.,  đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới nhất của Bảo Trân được ghi: Viết theo lời kể chuyện của Đôn Nghiêm sau chuyến đi New Orleans, tháng 3, 2010.
Hình từ trên, theo chiều kim đồng hồ:1. Nhóm sinh viên trường luật USC  trong chương trình "Legal Aid Alternative Breaks." 2. Một trong những việc giúp xây dựng quê hương của Đôn: Nhổ đinh; Và 3. Thăm gặp Momo, bà cố bảo trợ người Mỹ 90 tuổi (trái) và bà Jackie (phải).

 

 

***

Vừa ngồi chờ lên máy bay tôi vừa nghĩ tới má.  Hôm nay, Má đã phải dậy từ 3 giờ rưỡi sáng để pha cafe, nướng bagel bắt thằng con ăn, vì  biết là hành khách hạng "economy" như tôi chỉ được ăn điểm tâm miễn phí có mỗi  món... cereal. Tại phi trường, Má ôm tôi dặn dò, “Nhớ cẩn thận nha, đừng đi gần bờ sông nha, nhớ đội nón an toàn, coi chừng kèo cột rớt xuống đầu nha, còn cưa kéo, kìm búa nữa, coi chừng đừng để cắt trúng tay, đập trúng chân nha...”  Toàn những câu đã thuộc nằm lòng. Tôi cứ phải dạ - nhớ rồi, biết rồi - để bố má yên lòng ra về. Dù sao, lần này má "giỏi" thiệt, không để rớt một giọt nước mắt nào.
Từ ngày lên trung học tới giờ tôi... lang thang quá cỡ.  Hết conference này tới project kia, và hay đi làm những việc mà má bảo là việc... "vác ngà voi".  Tôi nói với má, tôi thừa hưởng cái tính "vác ngà voi" từ ông ngoại và bố, thành ra má đâu có thể phàn nàn tôi được. Nhưng khác với ông ngoại và bố chỉ lo những việc hội đoàn, chùa chiền, thiện nguyện ở gần nhà, tôi thích được đi xa, và càng đi đến nhiều nơi khác nhau càng tốt.
Thấy tôi chưa xong chuyến đi này đã lo tới chuyến đi kia nên má nhờ thầy lấy số tử vi cho tôi để coi cái số tôi ra sao.  Có lá số rồi, má lại thở dài, thở ngắn mà than là... thân nó cư "thiên di", hèn chi.  Để chắc ăn hơn má còn nhờ bà ngoại tôi coi sách tướng số "Bốn Ông Vua", chiếu theo giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh để xem cuộc đời tôi sau này sẽ ra sao.  Bà ngoại tôi xem xong rồi lắc đầu bảo là tôi sinh nhằm bàn chân ông vua mùa Hạ, nên suốt đời tôi sẽ... "lang bạt kỳ hồ".  Nếu quả  thế thì... đúng số rồi. 
Đã biết số thằng con phải đi lang thang nhưng má vẫn lo lung tung mỗi lần nhìn tôi sửa soạn vali.  Mà mà phải lo nhiều thì tôi sẽ... nhức đầu, nên tôi chỉ muốn báo trước với má về những chuyến đi vào những giờ phút... cần phải báo.  Chẳng hạn như chuyến đi 6 tháng sang Phi Luật Tân làm thiện nguyện giúp người tị nạn Việt  đi định cư ở Gia Nã Đại, tôi chỉ báo trước ngày lên máy bay đúng... một tuần.   Nhưng chuyến đi New Orleans lần này thì phải báo trước đến những ba tháng vì... má phải sửa soạn để trả tiền vé máy bay và phát tiền ăn trọn một tuần lễ.

1. Công việc xây dựng thiện nguyện
Lần này, tôi đi sang New Orleans để cùng với nhóm sinh viên làm việc thiện nguyện của trường  trong một chương trình được mang tên là "Legal Aid Alternative Breaks".  Chương trình  này được một nhóm sinh viên trường Luật USC (University of Southern California Law School) đề xướng và thực hiện dưới sự bảo trợ của nhà trường từ mùa Xuân năm 2006, sau khi cơn hồng thủy Katrina tàn phá vùng đất New Orleans.  Năm nay là năm thứ 4 sinh viên trường tôi tổ chức chuyến đi sang vùng này, để tiếp tục công việc cố vấn luật pháp và tu bổ lại nhà cửa cho những nạn nhân thế cô của cộng đồng. Đã có 60 sinh viên của trường "được chọn" vào chương trình "Legal Aid Alternative Breaks" kỳ nghỉ lễ mùa Xuân năm 2010 này.  Nhà trường chỉ lo cho chúng tôi tiền mướn khách sạn và tiền mướn xe di chuyển đi làm.  Những phần tốn phí còn lại thì đã có... bố mẹ chúng tôi lo. 
Cùng đi với tôi chuyến này có Vanessa, Maya, Tim, Alberto, Shannon, Chloe, Deepark, Daniel, Ramon, Scott, Andrew, Jessica, Alex, Ian, những người bạn học cùng khóa với tôi. 
Chuyến bay 6 giờ 30 sáng rời phi trường Ontario đưa tôi sang Houston.  Ở đây, tôi có khoảng hai tiếng đồng hồ chờ đợi chuyến bay chuyển tiếp.  Trong chặng ngừng ở Houston tôi gặp Jessica và hai người bạn mới, Nick và Amanda, đã bay tới từ phi trường LAX.  Vì đã chọn chỗ ngồi trước từ hôm đặt vé nên Jessica và tôi đã có một tiếng đồng hồ ngồi cạnh nhau, trò chuyện trên chuyến bay sang New Orleans.
Mấy ngày trước khi tôi đi, má đã lên Yahoo xem dự báo về thời tiết.  Má lo âu khi nhìn thấy Yahoo Weather tiên đoán sẽ có mưa rào, gió lớn ở New Orleans.  Má chuẩn bị cho tôi một cái poncho để phòng khi tôi phải làm việc dưới mưa, nhưng tôi lại "bỏ quên" ở nhà.  Khi tôi tới New Orleans thì trời trong, nắng ấm, chả có một giọt mưa nào.  Tôi điện thoại về cho má, báo tin đã tới nơi bình an.  Tôi chọc má là hãy email cho Yahoo than phiền việc... họ đã tiên đoán sai về thời tiết để má phải... mất ăn mất ngủ.
Một người bạn cùng trường đến từ sáng sớm đã lái chiếc xe van của trường mướn đến đón chúng tôi ở phi trường New Orleans về khách sạn.  Cái khách sạn 3 sao Embassy Suites này cũng rất khang trang, nằm gần dòng sông Mississippi, cách xa phi trường khoảng chừng 12 dặm.  Năm đứa chúng tôi (Ramon, Deepark, Daniel, Tim và tôi) chia nhau một căn phòng rộng rãi, có hai cái giường queen size và 1 cái sofa kéo ra cũng thành một cái giường queen size.  
Chủ Nhật, chưa phải làm việc nên tôi và nhóm bạn đến từ hôm trước kéo nhau đi ngắm cảnh thành phố New Orleans vừa được trùng tu, chụp hình những kiến trúc cổ nằm chen lẫn với những tòa nhà được dựng xây theo kiểu mới.  Và buổi tối hôm đó, chúng tôi đã có một bữa cơm tối thật ngon miệng trên du thuyền đi dọc theo dòng Mississippi ngắm hoàng hôn thơ mộng xuống dần trên sông nước.  
Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, chúng tôi bắt đầu bằng một bữa điểm tâm thịnh soạn ở khách sạn với  bánh mì Tây nướng giòn, cereals, trái cây tươi, sausages, bacon, riêng trứng chiên và omelet thì có đủ mọi kiểu, nấu theo ý muốn của khách hàng.  Đặc biệt còn có thêm món grits, một đặc sản của vùng New Orleans, làm bằng bột bắp trắng xay nhuyễn, nấu như cháo đặc, nhưng tôi thử một lần rồi không dám ăn nữa. 
Sau bữa sáng, 60 đứa chúng tôi chen chúc trong 4 cái xe van đi tới chỗ làm.  Một nhóm nhỏ, phần nhiều là các cô sinh viên mảnh mai, đã lựa chọn công việc bổ túc đơn từ ở văn phòng.  Phần còn lại, sẽ được đưa tới những vùng nhà cửa đã bị tàn phá để bắt đầu vào công việc trùng tu, lao động chân tay. Tôi và một nhóm bạn được đưa tới những căn nhà trên con đường Andry thuộc vùng "Lower Ninth Ward", một vùng dân cư nghèo, đất thấp, nằm bên cạnh kinh đào Industrial, nơi bị bão Katrina tàn phá nặng nề nhất. 
Ở vùng đất này, vẫn còn hàng trăm căn nhà bị đóng gỗ bít bùng, vườn tược bỏ hoang.  Chủ nhân của những căn nhà này đã không được hãng bảo hiểm bồi thường thiệt hại vì lý do "không có bảo hiểm ngừa lụt lội" và cũng "chưa" nhận được trợ cấp từ chính phủ để có thể tu bổ lại căn nhà của mình nên đành phải bỏ nhà trống đi ở nhờ nhà của thân nhân hay bè bạn.  Nhưng sau này khi biết có những nhóm sinh viên như chúng tôi, từ các trường học ở khắp các tiểu bang khác nhau đến để tiếp tay họ trùng tu lại nơi ăn, chốn ở nên họ đã dần dần trở về xây dựng lại cuộc đời.
Thứ Hai, tôi và nhóm của mình bắt đầu ở căn nhà đầu tiên với công việc cạo sạch sàn nhà bằng linoleum để một nhóm khác có thể đến đóng lại cái sàn nhà bằng gỗ.  Tưởng công việc chà, cạo này là dễ, nhưng không ngờ chúng tôi hì hục mãi cả ngày mới xong. Quét dọn những mảnh vụn linoleum xong xuôi, bỏ gọn ghẽ đầy những bịch rác thì cũng gần đến giờ về, chúng tôi ngồi bệt xuống bậc tam cấp nghỉ mệt để chờ xe đến đón.
Thứ Ba, nhóm của tôi được chỉ định đi đào những rễ cây, gốc cây chết ở khu vườn một căn nhà khác. Trời đất, ở nhà tôi chỉ được làm "thợ phụ", "thợ vịn" mỗi khi bố cần tôi giúp vài công việc vặt ngoài vườn, bây giờ tôi được làm "thợ chính", "thợ chuyên" mới khổ.  Miếng vườn bị bỏ bê lâu ngày nên đất trở nên khô cằn, cứng ngắc, đào xuống nhát nào là đau tay nhát đó.  Đào cái đống rễ, gốc cây này lên được rồi chúng tôi còn phải thu gọn bỏ vào trong những cái bịch rác đen để những người có nhiệm vụ đổ rác đến thâu lượm đem đi đổ. Vì không quen với chuyện cuốc cày, đào xới, nên sau buổi lao động này về khách sạn tắm rửa xong là tôi chỉ muốn nằm thẳng cẳng ra để ngủ, nhưng mấy đứa bạn tôi đã dựng tôi dậy để đi ăn cơm tối và nghe nhạc với chúng nó.  
Thứ Tư, nhóm tôi được đưa đi nhổ đinh. Chúng tôi có nhiệm vụ tháo mấy mảnh ván vụn và nhổ hết những cái đinh còn sót trên sườn nhà, kèo nhà, cột nhà cho trơn tru, để sẵn sàng cho một nhóm người khác đến đóng lại những tấm bông xốp cách nhiệt và những miếng dry wall. 
Thứ Năm, nhóm chúng tôi phụ trách công việc đi sơn nhà.  Tôi thích cái công việc này hơn cả, vì ít ra tôi cũng được nhìn thấy một hình ảnh mới đẹp hơn sau khi hoàn tất.  Năm đứa chúng tôi chiếm kỷ lục sơn nhà... vừa nhanh vừa đẹp vì chúng tôi đã hoàn tất những bờ tường phía trong và phía ngoài của căn nhà trong vòng có 1 ngày.
Thứ Sáu, chúng tôi trở lại căn nhà mới sơn ngày hôm trước để sơn nốt mấy cái cửa, hành lang trước nhà, hàng rào sắt, và cổng ra vào, cùng lau chùi những vết sơn lem luốc cho sạch sẽ và thu dọn lại "đồ nghề".  Sau khi hoàn tất công việc, chúng tôi đã đứng chụp hình với người chủ nhà ngay trước căn nhà của bà ta.  Nhìn vẻ mặt hân hoan và nụ cười hể hả của chủ nhà chúng tôi cũng thấy vui lây. 
Thời gian làm việc là từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, sau đó thì chúng tôi hoàn toàn được tự do.  Sau một ngày làm việc mệt nhọc, chúng tôi trở về khách sạn tắm rửa sạch sẽ rồi rủ nhau đi dạo phố. 
Từ khách sạn chúng tôi có thể đi bộ ra French Quarter, Harrah s Casino, bờ sông Mississippi, New Orleans Morial Convention Center, National D-Day Museum, Riverwalk shopping center, rạp cine IMAX, và Saint Charles Streetcar.  Buổi tối sau khi ăn cơm xong chúng tôi vẫn đi bách bộ về khách sạn. New Orleans buổi tối cũng rất thơ mộng, êm đềm, không đến nỗi "đáng sợ" như má đã lo ngại. Người dân ở New Orleans cũng hiền hòa, thân thiện lắm, tới nhà hàng nào chúng tôi cũng được tiếp đãi ân cần, nhất là sau khi họ biết chúng tôi là những sinh viên đến từ California để giúp nạn nhân bão Katrina xây dựng lại nhà cửa.
Mỗi buổi tối, chúng tôi chọn một nhà hàng khác nhau để thử món ngon lạ "Cajun" của miền đất phương Nam.  Thức ăn cay không thể tả, ăn vài ngày thì được, nhưng ăn hoài thì chắc là sẽ bị đau cổ.  Tôi được thưởng thức món Gumbo với bao nhiêu loại hải sản tươi ngọt, ngon tuyệt vời.  Nhưng cái món Jambalaya ở cái nhà hàng tôi đến ăn hôm thứ Tư thì quá dở, nước sauce gì mà cứ đặc y như là ketchup, không được ngon bằng món Jambalaya má nấu ở nhà.  Chiều thứ Sáu, sau ngày làm việc cuối cùng ở "Lower Ninth Ward" chúng tôi tự thưởng cho mình một buổi tiệc liên hoan náo nhiệt ở một nhà hàng khá sang trọng trong thành phố. 
Trước khi đi New Orleans một tuần, tôi và mấy người bạn cùng lớp đã họp lại với nhau để soạn thảo chương trình giải trí.  Nhưng chúng tôi chỉ có thể đi chơi với nhau ba ngày đầu tuần thôi, vì buổi tối thứ Sáu là tiệc liên hoan chia tay của cả đoàn, và tối thứ Năm tôi đã có hẹn đi ăn cơm với Momo.  Hai buổi giải trí với nhạc Bluegrass và Rebirth Concert thì không có gì đáng nói.  Nhưng cái đêm giải trí ấn tượng nhất của ba tối ăn chơi ở New Orleans là cái tour đi coi thế giới ma cà rồng. 
Buổi tối thứ Hai, ăn cơm xong, mấy đứa tôi rủ nhau đi St.Louis Cathedral để đi xem Vampire Tour.  Cái tour dài khoảng 1 tiếng rưỡi thôi, nhưng đủ để tạo cho khán giả một cảm giác quái lạ, ớn lạnh, vì được hướng dẫn bước vào cái khung cảnh tối đen đầy huyền bí của một thế giới ma quỷ của loài sinh vật chuyên môn đi hút máu người.  Chúng tôi cũng được dẫn đi viếng thăm những nơi chốn có liên hệ đến loài sinh vật này như quán rượu của Vampire, hầm mộ, và được nghe dẫn giải về lịch sử và truyền thuyết (gồm cả những chuyện giả tưởng và được tin là có thật) về loài ma cà rồng nổi tiếng của New Orleans.

2. Thăm Mono, Bà Cố
Người Mỹ Bảo Trợ
Má dặn, “Ngay khi đến New Orleans,  phải điện thoại thăm Momo ngay.”


Momo là “bà cố   bảo trợ của gia đình ông bà ngoại tôi.  Mấy đứa bạn tôi ngạc nhiên khi nghe nói tôi có "great grand-mother" người Mỹ.  Tôi phải giải thích cho chúng nó nghe đây là bà nội nuôi của má tôi, bà là người bảo lãnh gia đình ông ngoại tôi ngày ông ngoại tôi và gia đình rời bỏ quê hương đi sang Mỹ tị nạn.
Chiều thứ Bẩy, tôi gọi điện thoại cho Momo, hẹn gặp bà đêm thứ Năm tuần tới. 
 Momo đã già lắm rồi, không thể ở một mình nên vẫn ở nhà bà Jackie, con gái út của bà, ở thành phố Folsom, cách New Orleans một cái hồ Pontchartrain.  Tôi mời Momo và gia đình bà Jackie đi ăn tối với tôi.  Tôi nói tôi có thể lái xe sang thăm Momo ở nhà bà Jackie nhưng Momo nói thôi, để bà đến gặp tôi ở nhà hàng, vì nơi bà ở đìu hiu lắm, và những nhà hàng nổi tiếng đều ở bên vùng New Orleans.   
Tôi hỏi bà Jackie là tôi có thể đến chụp hình với Momo ở căn nhà cũ hay không, để tôi có được tấm hình kỷ niệm của bà và tôi trước căn nhà mà ông bà ngoại, má tôi, cậu, và các dì đã tạm trú trong những ngày đầu tiên ở Mỹ.  Nhưng bà Jackie cho biết là bà không thể đưa Momo về nhà cũ, vì khi về lại nhà thì Momo không muốn rời xa căn nhà yêu dấu đó. Lần trước, bà Jackie và ông chồng đã phải đánh lừa Momo để đưa bà về ở với họ.  Bà Jackie cho tôi địa chỉ, và chỉ đường cho tôi đi tới để chụp hình căn nhà hiện thời về cho má tôi coi. 
Tôi rủ ba người bạn thân là Shannon, Deepark và Daniel cùng đi với tôi để thăm bà cố của tôi. Tôi mượn cái xe van của nhóm, cùng 3 người bạn đi đến nhà Momo trước khi đến gặp bà ở nhà hàng.  Nhờ đem theo GPS, nên tôi tìm đến địa chỉ của Momo dễ dàng.  Nhà của Momo cách khách sạn tôi đang trú ngụ khoảng chừng 10 miles.  Tôi bảo Deepark chụp cho tôi mấy tấm hình đứng trước cửa nhà Momo rồi tôi mở cửa rào đi vào vườn sau.  Tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy cảnh tiêu điều, xơ xác của khu vườn thiếu tay người chăm sóc. Cái khu vườn này đã không còn giống như hình ảnh cái vườn xinh xắn có bãi cỏ xanh mướt, với căn nhà kính trồng đầy hoa lan của Momo như má tôi vẫn thường tả trong những bài văn má tôi gửi đăng báo, khi nói về những tháng ngày đầu tiên trên nước Mỹ, trong căn nhà của người bảo lãnh ở New Orleans.
Khi tôi đến nhà hàng Deanie’s (một nhà hàng nổi tiếng về hải sản ở New Orleans) thì Momo và bà Jackie cũng vừa mới tới.  Momo nhận ra tôi ngay, vì tôi là người Á Châu duy nhất trong mấy người trẻ đứng trước mặt bà, và vì trước ngày tôi đi New Orleans, má tôi đã gửi cho bà hai tấm hình mới nhất của tôi và bố má chụp trong ngày Tết Canh Dần để bà có thể nhận ra tôi, để bà khỏi lo tôi là... kẻ giả mạo.  Momo ôm chầm lấy tôi mừng rỡ, bà luôn miệng xít xoa là tôi cao và to con quá.  Thật tình, nhìn bà trong hình đám cưới bố má, tôi đã tưởng là bà cao lớn lắm, nhưng khi gặp bà rồi tôi mới thấy là bà... thấp hơn tôi nhiều.  
Tháng 4 năm nay là Momo sẽ tròn 90 tuổi. Bà ốm đi nhiều so với tấm hình bà chụp với cậu tôi 5 năm trước, khi cậu và gia đình ghé thăm Momo trên đường đi Florida chơi, nhưng bà vẫn còn minh mẫn, tiếng nói rộn ràng chứ không thều thào như mấy bà già gần đất xa trời.  Bà nói cho mấy đứa bạn tôi nghe tại sao bà trở thành bà nội nuôi của má tôi.  Bà nhắc đến chuyện của Popo và ông ngoại tôi từ những năm 1960 - 1965, khi Popo sang Việt Nam làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và là thượng cấp trực tiếp của ông ngoại tôi hồi ông ngoại làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu.  Bà nói bà nhớ những món ăn má tôi đã làm trong những ngày gia đình ông ngoại tạm trú ở nhà bà, như cơm chiên thập cẩm, mì xào hải sản, đùi gà ướp hành tỏi nướng... Nhưng bà bảo bà thích nhất là món cơm chiên thập cẩm của má vì nó ngon miệng và rất công phu.  Má đã xào riêng rẽ các thứ: cơm - hột đậu hòa lan, hột bắp, cà rốt thái hột lựu đông lạnh - hành lá xanh, tôm tươi thái nhỏ - hành củ trắng, thịt gà thái nhỏ - thịt cua luộc xé nhỏ - rồi trộn lại chung với nhau.  Sau cùng má trải lên mặt cơm những sợi trứng tráng cắt mỏng, nhìn thật là hấp dẫn.  Momo ghiền món cơm chiên này quá nên trước khi ông ngoại đem gia đình về Cali bà đã yêu cầu má chiên cho bà một nồi to, rồi bà bỏ vào từng cái hộp nhựa, cất trong tủ đông lạnh để ăn dần. 
Bà Jackie, con gái Momo, cũng rất dễ thương, cười toe toét cả buổi.  Bà xin lỗi là ông chồng của bà phải làm ca tối, nên không có dịp gặp tôi đêm nay. Theo thứ tự cấp bậc thì tôi phải gọi Jackie là bà cô, great aunt, vì bà ngang hàng với ông ngoại tôi, nhưng bà Jackie nói, cứ gọi bà là Jackie cho nó thân mật.  Bà Jackie bảo tôi:
-  Hồi xưa ông ngoại của Don dữ lắm, ổng cứ làm như ổng là anh lớn của tôi không bằng.  Tôi còn nhớ hồi hè năm 1962, tôi và chị kế tôi, Janice, qua Việt Nam thăm Popo.  Hai đứa tôi rủ nhau trốn nhà đi chơi, khi về bị Popo bắt gặp.  Popo chỉ nhờ ông ngoại Don giải thích cho chúng tôi nghe về những sự nguy hiểm của một đất nước có chiến tranh thôi, vậy mà ổng đã bắt hai đứa tôi ngồi cả giờ đồng hồ để nghe ổng giảng moral.  Nhưng mà hai đứa tôi không giận ổng đâu, chị em tôi thương ổng lắm.  Popo cũng vậy, Popo thương ông ngoại Don nhất trong những người thuộc cấp của Popo.  Đó là lý do chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc chặt chẽ với ông ngoại Don từ ngày Popo về nước. 
Trong khi chờ đợi nhà hàng đem thức ăn ra, tôi và mấy đứa bạn tôi chụp hình với Momo và bà Jackie.  Tôi đưa Momo mấy món quà tặng của chúng tôi.  Bà ngọai đã gửi tặng bà một cái áo khoác ngoài kiểu Trung Hoa màu xanh hoàng gia.  Má gửi cho bà một hộp kẹo See s Candies vì Momo thích ngọt.  Tôi tặng cho bà Jackie một cái mug có in tên trường USC.  Tôi cũng tặng Momo một cái mug nhưng đẹp hơn vì có in tên trường Luật của tôi, USC Gould School of Law, có cả huy hiệu in nổi ngay dưới tên trường.  Momo cầm cái mug lên ngắm nghía rồi bảo:
-  Bà rất hãnh diện vì con.
Momo nói cho bà gửi lời cám ơn bà ngoại và má, nhắn với bà ngoại là bà thích cái áo màu xanh hoàng gia này lắm, còn kẹo See s Candies thì đúng là má biết ý bà, lâu rồi bà không được ăn See s Candies, vì loại kẹo này không có bán ở New Orleans.
Ăn xong, ngồi thêm được một chút là Momo phải về.  Momo nói bà không thể ngồi lại lâu với chúng tôi vì đường về nhà bà xa quá, những hơn 1 tiếng đồng hồ lái xe, hơn nữa bà Jackie phải đi làm sớm sáng hôm sau.  Tôi đưa Momo vào xe, trước khi xe chạy bà còn nắm tay tôi dặn dò:
-  Nhắn bố má sang thăm Momo nhá, Momo già rồi, chẳng còn biết được bao ngày nữa đâu.  

3. Chuyện làng Việt Nam Versailles lên TV 25-5-2010
Tôi trở về California  tối thứ Bẩy. Về đến nhà, trong lúc chờ đợi má làm phở tôi load hình từ camera vào desktop của má, để cho bố má coi hình tôi chụp với Momo, bà Jackie, và những hình ảnh công trình... xây dựng của tôi.  Ăn xong tô phở, tôi đi tắm rồi chui vào chăn nằm ngủ lăn quay tới hơn 10 giờ sáng hôm sau mới thức.
Khi tôi thức dậy thì bố đã đi làm.  Hai má con tôi đem cafe với miến gà ra sau vườn vừa ăn, vừa nói chuyện.  Tôi kể lại công việc 1 tuần lễ đi làm thiện nguyện rồi nhắc lại lời nhắn của Momo, nói má nên về thăm lại bà một lần vì bà đã già quá rồi.  Má nói:
-  Ừ, chắc má cũng phải thu xếp thì giờ đi thăm bà một chuyến.
Tôi nói với má là tội nghiệp mấy người nạn nhân Katrina nghèo ở vùng Lower Ninth Ward lắm, cho tới giờ này thì một số lớn cư dân vẫn chưa có thể về lại nhà để ở.  Cái vùng Lower Ninth Ward này là một vùng đất đã không được chính phủ ngó ngàng tới.  Thậm chí, chính phủ còn định san bằng vùng đất Lower Ninth Ward này để biến nó thành một khu du lịch, nhưng những người dân nghèo này đã tranh đấu ghê lắm mới có thể giữ lại được vùng đất của họ.  Vì nghèo, thất học, thế cô, nên họ đã không "hội đủ điều kiện" để xin được trợ cấp tu bổ lại nhà cửa.  Thế nên, họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng, cả vật chất lẫn tinh thần, cộng thêm trợ giúp về vấn đề luật pháp.  Nhiều đoàn thể, sinh viên của các trường đại học toàn quốc đã và đang tiếp tục những chương trình trợ giúp cho dân nghèo của New Orleans.  Trường của tôi sẽ tiếp tục chương trình "Legal Aid Alternative Breaks" để giúp những nạn nhân bão lụt này tu bổ lại nơi ăn, chốn ở.
Má thắc mắc:
-  Thế sao những người khác đã nhận được trợ cấp để tu bổ lại nhà cửa của họ"  Như Momo đó, nhà của bà đã được sửa sang xong từ mấy năm nay. Rồi còn insurance nữa, mấy cái hãng bảo hiểm nhà cửa ở đâu mà không bồi thường thiệt hại cho người ta sửa nhà"
Tôi lắc đầu:
-  Má không biết đâu, có nhiều vấn đề lắm, thí dụ như "danh chánh ngôn thuận" là một. Có những người ở Lower Ninth Ward này từ lâu rồi túm tụm với nhau trong căn nhà thừa hưởng từ ông bà cha mẹ họ, đâu có nghĩ đến việc đổi chủ quyền trên giấy tờ, và một phần vì cũng không có tiền đóng thuế để sang tên, nên họ cứ ở như vậy.  Thế nên tuy mang tiếng là nạn nhân của lũ lụt thật nhưng họ không thể chứng minh họ là chủ căn nhà cần được trợ giúp.  Và vì nghèo, nên họ đã không mua bảo hiểm ngừa lụt lội, vì đâu ai nghĩ là sẽ có một cơn lụt kinh hoàng đến vậy. Cũng như Cali mình, xứ động đất nhưng đâu phải nhà nào cũng có earthquake insurance đâu má.  Còn trợ giúp của chính phủ thì phải ưu tiên cho những căn nhà nằm trong khu thị tứ, còn những vùng nghèo nàn và xa xôi như thế này thì từ từ... tính sau.
Má bùi ngùi:
-  Ở nơi nào thì người dân nghèo, thiểu số, cũng chịu thiệt thòi thôi con.  - Má nhìn tôi - Con có nghe nói tới ngôi làng Việt Nam tên Versailles ở New Orleans không"  
Tôi lắc đầu:
-  Con không để ý, nên không hỏi.  Nếu biết thì con đã cố tìm một chút thì giờ để đi tới, xem có giống thành phố "Tiểu Saigon" của Cali không.
Má nói:
-  Má cũng không biết làng Versailles ở đâu. Tháng 6 năm 1975, lúc má còn ở New Orleans, chính phủ đã hứa cho người tị nạn một miếng đất trống để lập thành làng Việt Nam, nhưng cho đến khi ông ngoại đưa gia đình về lại Cali thì ngôi làng Việt Nam đó vẫn chưa thành hình.  Sau này, má có nghe nói cộng đồng người Việt ở New Orleans cũng rất lớn mạnh, nhưng má nghĩ đó cũng là một việc bình thường như sự lớn mạnh của những cộng đồng người Việt ở các tiểu bang khác. Hôm qua, một người bạn trên diễn đàn internet của má cho biết là có một cuốn phim về ngôi làng Việt Nam tên Versailles sẽ được trình chiếu vào ngày 25 tháng 5 này trên đài PBS ở vùng Orange County.  Đây là một cuốn phim tài liệu nói về sự quyết tâm vươn lên để hồi sinh của cộng đồng người Việt ở New Orleans sau cơn bão lụt Katrina. Họ đã phải tự phấn đấu thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của chính phủ.  Theo tài liệu trên mạng thì cộng đồng người Việt bé nhỏ ở làng Versailles này cũng ở trong tình trạng bị bỏ rơi trong dự án tái thiết New Orleans như Lower Ninth Ward.  Tệ hơn nữa là chính quyền địa phương đã không cần để ý đến môi trường sinh sống của dân cư làng Versailles, nên đã dự định cho mở bãi đổ rác Chef Menteur ở gần đó, và bãi rác này có thể làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước chảy qua làng.  Nhưng người Việt ở đây đã quyết định sát cánh bên nhau tranh đấu  chống lại quyết định vô tâm của chính quyền địa phương, và họ đã thắng. Bãi đổ rác đã bị đóng cửa vĩnh viễn, làng Versailles đã được hồi sinh.  Con biết không, ở hoàn cảnh nào cũng thế, chỉ có sự cố gắng và nỗ lực của chính mình mới có thể giúp mình vượt qua gian khó mà thôi.
Má đã đem chén đũa vào nhà.  Ngồi lại một mình ở sau vườn với ly cafe đã nguội lạnh, tôi nhìn lên bầu trời nắng ấm của California mà không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những người dân nghèo ở con đường Andry của "Lower Ninth Ward", những người có nhà vừa được nhóm chúng tôi tu bổ lại.  Cứ theo lời má kể thì sự quyết tâm và lòng quả cảm xây dựng lại cộng đồng của cư dân làng Versailles đã thành một tấm gương tốt, làm cho người bản xứ thán phục.  Tôi hy vọng những cư dân của Lower Ninth Ward cũng sẽ như cộng đồng người Việt làng Versailles, hăng hái cùng nhau trở về cố quận để xây dựng lại tương lai. Hy vọng rồi "Lower Ninth Ward" sẽ có một khuôn mặt mới, đẹp đẽ, tươi tắn như ngôi làng Versailles của cộng đồng người Việt ở New Orleans.
Tôi quyết định tiếp tục  ghi danh cho chương trình thiện nguyện của "Legal Aid Alternative Breaks" mùa Xuân năm tới và sẽ kêu gọi thêm nhiều bạn bè cùng ghi danh nữa, để cùng góp một bàn tay vào xây dựng lại quê hương.
Bảo Trân

Ý kiến bạn đọc
20/12/202109:13:39
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">generic cialis</a> cialis coupon
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến