Hôm nay,  

Father’s Day: Nước Mắt Người Cha

21/06/201000:00:00(Xem: 274539)

Father’s Day: Nước Mắt Người Cha

Tác giả: Khôi An
Bài số 2925-28225-vb2062110

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" tự sự của một thuyền nhân, kể về chuyến tầu vượt biển bị hải tặc săn đuổi suốt đêm, vào lúc cùng quẫn chạy hết  nổi thì  thấy lá cờ Mỹ và được cứu sống. Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Sau đây là bài mới nhất của cô cho mùa Father’s Day.

***

Can people die of a broken heart" /  Người ta có thể chết vì trái tim tan vỡ không"
Bạn có bao giờ nghĩ về câu hỏi đó hay chăng"
Tôi từng thấy nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi qua đời chỉ cách nhau vài tuần, vài tháng, và không ít trường hợp các cụ cùng ra đi trong vòng một vài ngày. Gần đây, ở Bắc California có một ngôi sao đua xe đạp qua đời trong một tai nan xe cộ trên đường luyện tập cho cuộc thi sắp tới. Không lâu sau mẹ anh ta cũng từ trần. Những người thân nói rằng bà ta đã cố sống, cố nghe theo lời khuyên của mọi người để  làm hòa' với cuộc đời, nhưng cuối cùng bà không gượng nổi vì trái tim đã vỡ tan.
Tôi tin là người ta có thể chết khi trái tim đau khổ không còn muốn sống. Nhưng, dù sao, đó thường là những thân thể đã sẵn yếu đuối, mong manh.
Còn những trái tim tan nát trong một thân thể mạnh khoẻ thì phải làm sao"
Ngày mới lớn, khi làm quen với những bài thơ, bản nhạc nói về tình yêu tôi đã nghĩ tình yêu chân thành của lứa đôi là điều đẹp nhất.
Khi đã trưởng thành, tôi vẫn tin rằng tình yêu lứa đôi chân thành là điều rất đẹp, nhưng tôi hiểu thêm một điều mới: ở trên đời, có một thứ còn hoàn mỹ hơn tình yêu đôi lứa. Tôi đã ngộ ra rằng không có tình nào đẹp, mãnh liệt, tinh tuyền, và bền bỉ hơn tình yêu của cha mẹ dành cho con. Đó là tình yêu lớn nhất mà Thượng Đế cấy vào trong tim mỗi người, là linh hồn cho sự sinh tồn của nhân loại.
Âm thầm, không làm người ta say đắm, tình yêu của cha mẹ tự nhiên như không khí người ta thở. Tự nhiên nên người cha không sợ hãi khi đưa lưng đỡ đạn cho con, nên người mẹ không hối tiếc khi buông tay nhường con mảnh ván giữa cơn biển cuồng nộ trong một chuyến vượt biển không may mắn. Từ khi làm mẹ, tôi hiểu tại sao cái chết của đứa con trong tuổi thanh xuân là điều mà   theo thành ngữ của Mỹ - người ta không nỡ dùng để nguyền rủa người mình thù ghét nhất (something you wouldn’t even wish on your worst enemy). Vì thế, tôi đã cảm động sâu xa khi đọc một bài viết trên tờ báo San Jose Mercury News.
Bài viết bắt đầu:  The way Kevin Graves sees it, he's walking in his son’s footsteps  (Đối với Kevin Graves, ông đang đi bằng bước chân của con trai)
Joseph Graves, con trai duy nhất của ông Kevin Graves, tử trận tại Iraq khi vưà 21 tuổi. Trong bốn năm từ ngày nhận cái tin khủng khiếp nhất đời đó, Kevin đã tham gia rất nhiều hoạt động để hỗ trợ quân đội. Ông chia xẻ cảm nghĩ trong các buổi nói chuyện với các gia đình quân nhân, tham dự các lễ tưởng niệm chiến sĩ, thăm viếng gia đình của những đồng đội với Joey -cách ông gọi con trai. Ông dẫn đầu cuộc vận động tặng bảng số xe với ngôi sao vinh danh các gia đình thương binh, tử sĩ (Gold Star Family License Plate) đã được thống đốc California phê chuẩn năm 2008. Ở tuổi 53, quá già để vào lính, ông cương quyết tập luyện để gia nhập đội quân trừ bị của California với vai trò phụ tá cố vấn tinh thần và niềm tin (assistant chaplain). Ông đem tài liệu về tâm linh tới những người lính, ông chuyện trò, chia xẻ với họ, và sắp xếp cho họ gặp chuyên gia khi cần thiết.
“Tôi cảm thấy Joey không có cơ hội để làm xong nhiệm vụ trong quân đội, vì thế tôi tiếp tục đem thanh gươm danh dự và trách nhiệm tới đích giùm cho con tôi.”
Trên bề mặt, Kevin mạnh mẽ hiếm có với những buổi luyện tập cực khổ cho lực lượng trừ bị, với vô số chuyến bay ngang dọc nước Mỹ, và những đóng góp trong hàng chục hội đoàn. Nhưng, sâu hơn, những họat động liên tục đó chỉ là cách Kevin băng bó cho trái tim vẫn còn đang chảy máu. Tôi nghĩ sự làm việc không ngừng nghỉ của Kevin giống như một người đang quẫy đạp điên cuồng để khỏi chìm lỉm, và tôi nghĩ tôi cảm được phần nào cái đau đớn tới mức vỡ nát trái tim của ông. 
Kevin đi qua thời trung niên trong cảnh  gà trống nuôi con, nhưng ông không thấy có gì vui hơn là làm cha của Joey.   “Suốt chín năm chúng tôi làm mọi chuyện với nhau. Nếu có đi dự tiệc tùng, Joey là khách mời của tôi.” Việc Joey đăng lính vào năm 17 tuổi có lẽ không phải là điều mà Kevin mong muốn bởi vì đó là lúc thế giới cuả Joey vụt mở rộng, vượt ra khỏi đôi cánh che chở của con gà trống Kevin. Không biết ông có thử thuyết phục Joey đổi ý hay không, nhưng sau khi Joey chính thức gia nhập quân đội thì quân đội cũng trở thành một phần quan trọng trong đời của ông. Ông tiếp tục nâng đỡ, khuyến khích con với tình yêu vô điều kiện. Cho tới khi ông nhận hung tin ...
Bốn năm đã qua từ ngày Specialist Joseph Graves tử nạn. Trồi lên từ hố thẳm kinh hoàng cuả ác mộng thành sự thật, người cha đau khổ có vẻ như đã hồi phục, bởi vì ông hăng hái họat động và sức chịu đựng thể xác của ông đã tăng lên. Nhưng, những gì người ta thấy được thân thể rắn chắc hơn, chứng chỉ hoàn thành khoá huấn luyện gian khổ để được vào đội quân trừ bị - chẳng có nghĩa gì bởi từng đêm ông vẫn khóc, bởi ông vẫn thường xuyên nói là nhiệm vụ trần gian của ông đã xong, và ông vẫn mơ được rời bỏ thế gian này đi gặp lại con.
Những hình ảnh chắp nối mà bài viết cho thấy về cuộc đời Kevin đủ làm tôi rơi nước mắt. Người đàn ông ấy sống đơn độc trong căn nhà đầy kỷ niệm, mỗi ngày thức giấc và nhớ ra rằng mình không còn ai để mong chờ, để hy vọng, để thương yêu. Vậy mà ông không nguyền rủa quân đội Mỹ hay oán hận rằng nước Mỹ đã đem con ông vào chỗ chết. Ngược lại, ông gia nhập quân đội để được sống những gì Joey đã trải qua. Ông đã nâng đỡ tinh thần của những người lính bằng sự cảm thông sâu xa, và kinh nghiệm đau khổ đã giúp ông hiểu được tâm tư của họ bằng xúc cảm, suy nghĩ của người trong cuộc.  
“Từ khi Joey qua đời, quân đội và cuộc sống cuả tôi hoàn toàn quấn lấy nhau”. Kevin đã gặp gỡ và duy trì mối liên lạc mật thiết với nhiều bạn đồng đội của Joey, đã trở thành cha nuôi cuả một quân nhân mà ông gặp trong lần tiễn đưa Joey tới nơi an nghỉ cuối cùng. Ông làm đủ thứ để tìm hiểu nhiều hơn về phần đời cuả Joey mà ông chưa được tham gia.  “Trước đây, tôi chỉ biết về con trai Joey, nhưng tôi chưa hề biết về người lính chiến Joey.” Những câu nói bình thường của ông làm người ta cảm động biết bao!


Trong lòng người cha, đứa con chỉ không còn xuất hiện bằng xương bằng thịt chứ không bao giờ trở thành quá khứ, cho nên mỗi chi tiết biết thêm về cuộc đời của Joey vẫn như để bồi đắp thêm cho sự cảm thông giữa hai cha con. Biết bao lần trong đời tôi đã cảm thấy chút giận dữ, khó chịu, chán nản khi nghĩ là mình bị thiệt thòi, khi nghĩ là cuộc sống không công bằng với mình. Cho nên, tôi quá cảm phục sự can đảm cùng tấm lòng nhân hậu và rộng lượng cuả Kevin. Nói theo tâm linh thì có lẽ hương hồn Joey đã giúp cha; nói theo đời thường thì lòng yêu thương con mãnh liệt đã giúp Kevin thêm sức mạnh để gặp gỡ, đón nhận và giúp đỡ những người trẻ tuổi giống như Joey, những người đã một thời chiến đấu sát vai bên Joey, đã một thời cùng cười đùa và ước mơ với Joey, và bây giờ vẫn còn đang được sống, vẫn đang hướng về tương lai rộng mở, vẫn đang vui và hạnh phúc.
Kevin Graves nhắc tôi nhớ tới những trường hợp biến đau thương, giận dữ thành hành động có ích cho tha nhân, một truyền thống đẹp tuyệt vời, xảy ra thường xuyên trên nước Mỹ hơn những nơi khác trên thế giới.
Ở Mỹ, nhiều hội đoàn có tầm vóc toàn quốc đã được thành lập, nhiều hình luật quốc gia đã được đề bạt bởi những bà mẹ, những người cha mất con. Chẳng hạn như hội thiện nguyện có uy tín rất lớn, có chi nhánh khắp Hoa Kỳ để chống say rượu lái xe và giúp đỡ nạn nhân cuả những tai nạn do người lái say rượu có tên là MADD: Mothers Against Drunk Driving.
Từ nước mắt của một bà mẹ khóc nức nở trong phòng riêng của con gái 13 tuổi bị một ngươì say rượu lái xe cán chết, rồi đến một nhóm những bà mẹ đau khổ chẳng có trụ sở hay tiền bạc, họ đã cùng nhau biến nỗi mất mát lớn nhất trong đời thành sức mạnh để chất vấn những chính trị gia có thừa khả năng và quyền lực nhưng đã lơ là trước tội ác của những người say rượu coi thường mạng sống người khác. Và từ đó, hội MADD ra đời. Gần 30 năm qua, hội đã vận động cho nhiều luật mới, đã giúp đỡ rất nhiều nạn nhân, đã làm thay đổi hẳn cái nhìn của người dân Mỹ đối với tội say rượu lái xe.
Còn bao nhiêu trường hợp khác như hội bảo vệ và tìm kiếm trẻ em mất tích được mang tên bé Polly Klass, bị bắt cóc khi đang ngủ và bị giết chết khi mới 13 tuổi. Với sự vận động của Polly Klass Foundation, 50 tiểu bang của nước Mỹ đã thông qua đạo luật dùng hệ thống báo động Amber Alert (Amber cũng là tên một bé gái bị bắt cóc và giết chết). Ngày nay, khi nước Mỹ bật lên những bảng thông tin chớp tắt dọc xa lộ, cùng với radio, TiVi, internet phát tín hiệu  AMBER ALERT, ngươì ta biết ngay là có một nỗ lực tìm kiếm trẻ em đang diễn ra.
Theo chi tiết cung cấp từ Amber Alert, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một người trong đội ngũ hàng trăm triệu người đang tìm em bé mất tích. Cho tới nay, gần 500 trẻ em đã được cứu nhờ hệ thống báo động này. Và đạo luật quốc gia này được khởi đầu từ cha mẹ của bé Polly, từ câu nói đứt ruột “Con gái tôi đang ở ngoài kia, không mang dép.”
Tôi nghe nhiều người nói rằng sống với một trái tim vỡ nát thì đau khổ hơn cái chết, và tôi tin rằng họ không nói quá lời. Lời nói đó rất bi quan nhưng chắc chắn là thân thể mạnh khoẻ, sáng suốt để nghe rõ niềm đau gặm nhấm mỗi ngày thì thật là khủng khiếp. Văn hoá và truyền thống cuả Hoa Kỳ không chủ trương ca ngợi, thi vị hoá những quyết định xa lánh cuộc đời hay những đau khổ khép kín. Tôi tin rằng đó là một điều rất đúng bởi vì chỉ khi nào người ta có một mục đích để sống thì người ta mới có thể cứu chính mình ra khỏi hố thẳm đau buồn.
Đời sống sau khi mất mát sẽ không bao giờ trở lại như cũ, người ta sẽ không bao giờ hết tiếc thương, nhưng ít ra trái tim tan nát cũng được cầm máu để ngươì ta đi nốt cuộc hành trình trên trần thế một cách nhẹ nhàng, và có thể còn có được niềm vui khi hoà mình với nhóm người cùng chí hướng, khi biết mình có ích cho xã hội. Những hoạt động của những người cha, người mẹ đau khổ quả là những tấm gương vô cùng dũng cảm đối với tôi.
Vì thế, sau khi đọc chuyện cuả Kevin tôi đã làm một việc chưa bao giờ làm: viết thư cho một ngươì không quen biết.

Ông Graves kính mến
Tôi tên là Khôi An, sống ở Bắc California. Tôi được biết về ông và Specialist Joseph Graves qua bài viết trên tờ San Jose Mercury News.
Sự mất mát cuả ông và phong cách ông biến đau khổ thành sức mạnh làm tôi vô cùng cảm động, vì thế tôi muốn gởi vài lời thăm ông.
Tôi có hai đứa con và tôi nghĩ là tôi cũng yêu thương chúng hơn chính bản thân tôi, giống như ông thương yêu Joey vậy (tôi hy vọng là ông không phiền khi tôi gọi Specialist Graves bằng cách giống như ông thường gọi).
Tôi sinh trưởng trong thời chiến tranh Việt Nam, và nỗi đau khổ không thể diễn tả bằng lời khi người ta đột ngột mất đi đứa con là điều mà tôi từng chứng kiến nhiều lần. Tuy vậy, tôi chỉ cảm thông được niềm đau đó một cách rõ ràng hơn sau khi tôi làm mẹ.
Tôi muốn chia xẻ rằng tôi hiểu phần nào những cảm xúc của ông. Tôi mong rằng những họat động trong quân đội trừ bị sẽ làm dịu bớt nỗi đau và giúp ông thêm tin tưỏng rằng ông đang sống một cuộc đời giống như Joey mong muốn cho ông.
Tôi biết ơn vô cùng những chiến sĩ đã nằm xuống cho sự bình yên và những cơ hội gia đình tôi đã và đang được hưởng. Tôi cảm thấy hân hạnh khi được là công dân của một đất nước có những người dân như ông.
Kính chúc ông mạnh khoẻ và mong rằng tâm hồn ông luôn được bình an.

Tôi nhờ toà báo chuyển lá thư tới Kevin. Chẳng biết ông có đọc được thư cuả tôi hay chăng, nhưng tôi đã làm theo một truyền thống đẹp khác của người dân Mỹ là với tay ra góp một phần nhỏ nhoi trong khả năng của mình để xoa dịu những nỗi đau khổ chung quanh. Từ nay mỗi khi thấy Amber Alert, tôi sẽ cố gắng quan sát quanh mình hơn nữa; và trong mỗi lần cầu nguyện tôi sẽ nhớ thêm về những người cha mẹ kém may mắn. Tôi mong sớm có một ngày vết thương trong tim Kevin kín miệng hơn để ông tìm được bình an trong lòng, để nước mắt của người cha không còn rơi lã chã hằng đêm nữa.
Kevin nói “Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra ở trên thiên đàng. Nhưng nếu Joey đang theo dõi tôi, tôi tin chắc là nó sẽ hãnh diện với mọi điều tôi đang làm.”
Vâng, thưa ông Kevin, con trai ông đang rất hãnh diện và vui lòng, tôi chắc chắn như thế.
Khôi An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến