Hôm nay,  

Chợ Trời Dandenong

16/08/201000:00:00(Xem: 344266)

Chợ Trời Dandenong

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 2964-28264-vb2081610

Tác giả Nguyễn Trung Tây là  người nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Sự kiện này vừa được công bố bởi Ban Tuyển Chọn 9 người trong buổi họp mặt trao giải thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ  chiều Chủ Nhật 15 tháng 8 năm 2010. Xin coi hình ảnh và đầy đủ tin mới về tác giả nơi trang nhất hôm nay.
   Sau đây, để ghi dấu ngày họp mặt giải thưởng Việt Báo năm thứ 10, tác giả Nguyễn Trung Tây mời bạn đọc bài viết mới của ông dành cho giải thưởng năm thứ...mười một: Một bài đặc biệt về món “mắm” truyền thống của người Việt.

*
 
Núi Dandenong (Đen-đơ-nông) dáng mập tròn lùn tủn nhưng vững vàng kiên cố nằm về phía đông của phố Melbourne. Sáng mùa hè, nhưng trời lạnh cóng như mùa đông. Khách du lịch mặc quần đùi áo thun ngơ ngác đứng nhìn trời mây xám, lạ lùng với thời tiết khi nóng nực khi rét cóng, khi nắng gắt khi mưa rào của Melbourne.
Cư dân Melbourne thì không lạ chi với khí hậu bất thường của thị trấn. Trời đang đổ lửa nổ tung đom đóm, bỗng dưng mây đen từ phía Nam Cực lồm cồm từng cụm xám dầy lô nhô kéo tới, vừa bay vừa sinh sôi nẩy nở bự to như cục nấm nguyên tử. Tới thị trấn, mây nấm dừng lại cầm từng gầu nước đổ mưa xối xả xuống phố phường, rồi thật nhanh biến mất. Thế là trời quang. Không một gợn mây. Nắng lại tấp nập trên những con đường loang loáng nước mưa. Nhiều khi trời mưa Melbourne, nhưng cách đó không xa, trời Dandenong đang nắng. Từ bao lâu rồi, giang hồ có người vẫn lẩm bẩm chửi thề, "Úc khùng!", bởi khi thấy nắng lên, thiên hạ quẳng dù vào thùng rác, để lại áo khoác trong xe, thảnh thơi rong chơi trên hè phố. Nhưng mây xám lại kéo tới, rồi lại mưa, rồi lại nắng, và rồi lại mưa. Quần hùng trở tay không kịp với khí hậu Melbourne.
Sáng, chợ trời họp ngay tại chân núi Dandenong tấp nập người ra người vô. Người Úc gốc Tây sánh vai với người Úc gốc Việt, người bản xứ với người ngoại kiều, đàn bà với đàn ông, người người đi ra đi vô xăm xoi những món hàng dán nhãn hiệu CK, Versace, Giordano, nhưng lại bán clearance rẻ rề, bởi được nhập lậu từ những chuyến tàu xuất phát từ Hoa Lục, Hồng Kông, và Macao.
Khu bán rau, người ta thấy một bà tây mặc váy đầm dáng mập mạp phúc hậu tay cầm mớ rau muống, tay kia giơ ra hai ngón nói với người phụ nữ Việt bán rau có những ngón tay thon nhọn như búp măng,
 - Two dollars"
Người bán rau lắc lắc đầu,
- Vâng, em xin bà chị năm đồng.
Người đàn bà tây không chịu,
- No! No! Three dollars. Three dollars only!
Người bán rau quay sang nói với bà bạn hàng bán rau thơm, rồi gật đầu,
- Gớm! Có mớ rau nho nhỏ bằng cái mắt muỗi mà trả giá tới lui. OK! OK!
Người phụ nữ tây hớn hở nhặt lên bó rau muống cọng mềm màu xanh mướt bỏ đi, không quên buông lời cám ơn.
Khu bán thịt, mùi thịt bốc lên quyện với mùi tanh của khu bán cá ngay bên cạnh. Du khách lần đầu ghé vào đất Úc thường hăm hở tìm kiếm mua cho bằng được miếng thịt Kangaroo đỏ tươi. Có du khách còn thắc mắc,
- Thịt Kangaroo mùi vị ra sao nhỉ"
Người bán thịt ngần ngừ,
- Có bao giờ ông ăn thịt chó chưa"
Thấy du khách ngập ngừng, người bán thịt so sánh,
- Thịt chó vị đậm hơn thịt bò, không nồng như thịt cừu, không béo như thịt heo.
Nhìn hàng người bắt đầu nối đuôi phía sau tìm mua đặc sản đại thử đất Úc, nhìn mặt du khách tây phương tiếp tục ngớ ngẩn ngẩn ngơ, người bán thịt chép miệng kết luận bài giảng về thịt kangaroo,
- Thì cứ tới Việt Nam, bước ra sân bay, hàng thịt chó bán đầy.
Nhưng bốc mùi nhất vẫn là khu bán mắm. Người tây tới đây, nhiều người bịt mũi chân rảo bước nhanh nhanh bởi những rổ mắm, mắm ruốc Bà Giáo Thảo nhé, mắm nêm Châu Đốc nè, mắm tôm Nam Định bên kia, mắm tép Hồng Ngự bên này, đủ cả. Mắm Việt Nam gốc Việt Nam chen vai với mắm Việt dán nhãn hiệu San Francisco, nhãn hiệu Băng Cốc, nhãn hiệu Đài Loan. Mặt hàng nào cũng bốc cao mùi mắm nồng nặc. Bà hàng bán mắm tôm quay sang cô hàng mắm ruốc, tay chỉ người đàn ông đeo kính trắng gọng vàng bán mắm ngồi gần ngay đấy,
- Không biết thằng cha từ đâu tới" Nhìn mặt mũi sáng sủa như thế kia mà lại đi bán mắm!
Cô hàng mắm ruốc lắc lắc đầu,
- Thằng cha" Đừng có nói. Người ta nhà giáo đấy. Dạy trên trường Tây lận. Chẳng hiểu tại sao lại như người ăn phải bùa. Đang làm nhà giáo, công việc ngon lành, thế mà bỏ ngang làm đơn xin nghỉ. Tưởng để làm chi" Hóa ra đi bán mắm. Cái này chắc là tại đọc sách nhiều quá đâm ra dở hơi!
Người đàn bà trợn mắt,
- Ông giáo" Giời ạ, hèn chi đeo kính gọng vàng. Dạy học lâu chưa nhỉ"
- Cũng lâu rồi. Dạy trung học trên phố, trường của mấy ông cha Dòng Tên. Vô học trong đó, tháng tháng tiền học đóng bạc vạn. Chỉ nhà khá giả có khối của, con cái mới đặt chân được tới cổng trường.
Người đàn bà nhìn cô bạn đồng nghiệp,
- Gớm! Sao có người lại rành chuyện ông giáo bán mắm đến thế! Cô nhìn còn son sẻ, dáng người thon thả, xinh xắn như hoa hậu áo dài Melbourne. Hay là cho tôi ăn cái đầu heo nhé. Chịu thì tôi ra gặp ông ta, nói thêm cho vài nhời.
Cô hàng bán mắm giãy như đỉa phải vôi,
- Thôi, em lậy chi! Người ta có gia đình rồi, cô vợ trong hình nom xinh lắm. Nhưng chết rồi.Thì đấy, ông giáo cứ hay buông miệng nói, "Đến là khổ! Nhà tôi đi bán mắm lâu rồi!".
Người đàn bà nhìn cô đồng nghiệp, nhíu cặp chân mày,
- Lạ nhỉ" Sao cô lại rành chuyện ông giáo bán mắm đến thế" Cứ làm như chuyện nhà mình...
Cô bán mắm cúi nhìn mặt đất, mặt đỏ hồng hồng,
-  Chị cứ nói vớ vẩn! Đến tai người ta, họ cười em. Thì cũng tại thằng con trai của em, nó học chung lớp với cô con gái của ông giáo, từ thời lớp Sáu lận...
Ông hàng mắm khéo lắm, khách đi ngang qua, ông vui tươi mời hàng,
- Mại dzô! Mại dzô! Mua một tặng một. Buy one, get one free. Mại dzô! Mại dzô! Vừa bán vừa tặng! Vừa tặng vừa cho! Everything is on sale! Mại dzô!
Khách đi ngang qua, nhiều người nhìn ông hàng bán mắm. Thấy người bán vui vẻ, nhiều người dừng một nhịp chân ghé vào gian hàng mắm. Ông hàng mắm mới vô nghề, nhưng cũng rất chuyên nghiệp. Gian hàng của ông bày đủ loại mắm, mắm bày trong lọ, mắm chưng trong keo, mắm ruốc Bà Giáo Thảo chen với mắm Bò Hóc dán tem Nam Vang, mắm Thái nghạo nghễ đứng cạnh mắm Thượng, đủ cả. Có người cắc cớ hỏi,
- Ông giáo có mắm tàu hủ thúi của Đài Loan không"
Ông hàng mắm nhanh nhẹn
- Vâng, có chứ.
- Còn cheese thúi của Wisconsin"
  Đúng ra thì không. Nhưng có người giới thiệu cho nên tiệm cũng bày ra cho đủ mặt hàng.
- Không giỡn đấy chứ ông.
- Em nào dám, buôn bán mà. Phải đủ mặt hàng, mẫu mã phải nổi bật, phải có vệ sinh sạch sẽ. Như vậy mới quyến rũ được khách hàng chứ. Đúng không bà chị"
- Gớm! Ông hàng mắm đến là khéo ăn khéo nói. Đã có vợ chửa" Nếu chưa, để tôi giới thiệu cho.
Đúng như lời quảng cáo của người bán mắm, mọi thứ mắm trong quầy đều được bầy trong những keo thủy tinh trong suốt, nắp đậy cẩn thận. Những chú ruồi nhằng to như đầu đũa tô đen kịt bầu trời mùa hè Melbourne có muốn lao vào nếm mắm của ông giáo cũng đành hậm hực đứng nhìn, nước miếng chảy bám quanh vòi.
Ba giờ chiều, người bán mắm dọn hàng, lái xe tới trường mình dạy học hồi xưa đón con gái. Ngồi trên xe, cô con gái mười sáu tuổi, gọi bố bằng thầy, nhanh mồm mở miệng,
- Thầy ơi! Hôm nay thầy bán được nhiều mắm hay không"
- Hôm nay khá lắm con. Thầy bán bay hết mấy hũ mắm ruốc. Có cái bà tây đi du lịch Việt Nam mới về. Về lại Melbourne được mấy ngày, bà ấy nói phải ra chợ trời Dandenong tìm mua mắm ngay. Thầy giới thiệu cho bà ấy mắm ruốc Bà Giáo Thảo. Bà ấy nếm thử, thích quá, khuôn hết lên xe hơi mấy hũ mắm lớn. Thế là hôm nay phát tài.
Con bé tự nhiên đổi đề hướng câu chuyện,
-Thầy ơi! Sao thầy bỏ dậy học mà đi bán mắm"
Người bán mắm chép miệng,
- Thì, thầy đã nói với con bao nhiêu lần rồi. Nghề nào thì nghề, miễn mình có tiền thì thôi. Con là tây con mà còn đi hỏi thầy chuyện này.
Người bán mắm thăm dò,
- Có phải tại mấy thằng bạn trong trường, tụi nó lại chọc con, "bố mày đi bán mắm", có đúng không"
Con bé dấm dẳng,
- Hồi xưa thì có, bây giờ thì không!
- Hay là tại con trai cô hàng mắm nói đụng chạm tới con"
Thấy con bé im lìm, người bán mắm chép miệng kể chuyện,
- Thì cũng tại hồi xưa nhà ông nội mấy đời rồi chuyên bán mắm tôm. Ông sơ bán mắm, ông cố cũng bán mắm. Cả làng bán mắm. Cho nên ở vùng đó mới có tiếng đồn, "Mắm tôm Ba Làng, trê vàng Đầm Dơi". Làng ở gần Hà Nội. Người trên kinh thành Thăng Long có dịp đi ngang qua nín thở bịt mũi hoặc né, chọn con lộ khác. Tới phiên người trong làng đi lên kinh đô, người kinh thành chỉ chỏ xì xào, "Lại dân Ba Làng. Cả đời chỉ mắm. Quần áo tóc tai mùi mắm bốc cao thối lằm lặm!". Bởi tiếng đồn thổi của kinh đô và của tổng, người Ba Làng ít khi dám vượt qua lũy tre. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ đình làng với vại mắm. Cũng như bao nhiêu người khác trong làng, nhà mình mấy đời rồi không ai cắp sách đến trường, nhưng chỉ đầu tắt mặt tối quần quật với những hũ mắm tôm. Đến đời ông cố, ông sơ có cho đi học ở trên kinh thành. Nhưng học được mấy ngày, ông cố lạ nhà lạ phố, đổ bệnh. Nhà sai người lên đón mang về lại làng. Đến đời ông nội, ông cố lại cho đi học. Lần này không lên Hà Nội nữa, nhưng ở làng bên. Ông nội học được khoảng một năm, không đau ốm chi, nhưng người cứ xanh mướt. Ông cố quyết định thôi, không bắt ông nội sang làng bên học chữ thánh hiền nữa. Vô Nam, ông nội lại tiếp tục nghề mắm. Năm đó, thầy học xong lớp Mười Hai, ông nội gọi tới thều thào như ngọn đèn trước gió,
- Thôi, thì cứ như cầm chắc đời thầy là đời bỏ đi.
- Bẩm thầy, con không hiểu! Tại sao thầy lại nói đời thầy là đời bỏ đi"
- Thì anh cứ xem đó. Ba Làng của mình có ai ngẩng mặt nhìn được thiên hạ bao giờ" Học vị không có. Bằng cấp cũng không. Chữ nghĩa ù ù cạc cạc. Cứ như người mù dở. Ra đường gặp thiên hạ, họ hỏi người ở đâu tới, dân làng cúi mặt cổ họng tự nhiên vướng đờm. Thiên hạ họ khinh, coi người làng mình có ra chi!


- Nhưng làng mình có tiền. U con vẫn cứ nói, "Ba Làng ngoài Bắc đẹp nhất tổng. Bán mắm thì bán, nhưng nhà nào cũng lợp mái ngói Bát Tràng, lát sân cũng bằng gạch Bát Tràng. Con đường chính trong thôn để vận chuyển mắm lát toàn bằng gạch vồ Vĩnh Phúc".
- Chuyện! Nhưng vẫn không bằng ăn mày được dăm ba chữ thánh hiền. Hồi xưa thầy cũng đi học được một năm. Nhưng bây giờ thì cũng chẳng còn nhớ chi, bởi đầu óc cứ quanh ra lại hũ mắm tôm, quanh vào lại vại mắm tôm. Thầy ra đường, thiên hạ bĩu môi khinh bỉ, "Đồ bán mắm!". Tới chỗ nào, người ta cũng chỉ xếp thầy ngồi bệt trên nền đất với người ăn kẻ ở, chứ có bao giờ được ngồi trên mặt chiếu cói bao giờ. Hồi đó thầy có nhờ ông nội mang trầu cau sang làng bên hỏi cưới cô gái bán hàng xén bên đó. Cô ta gạt trả mâm cau, bĩu môi, "Chuyện phường chèo!". Thầy thấy anh học hành giỏi giang, năm nào cũng đứng nhất lớp. U cũng có nói với thầy là anh yêu nghề bán mắm, đang toan tính bỏ, không thi đại học, nhưng quay lại nghề cũ của cha ông. Thôi! Trước khi nhắm mắt, thầy năn nỉ với anh cho linh hồn của thầy được mát mẻ ở nơi suối vàng. Đời này người ta gọi thầy, "Đồ bán mắm! Chuyện phường chèo!". Nhưng dưới cõi tuyền đài, thầy hãnh diện được người ta gọi, "Ông thân sinh của ông giáo".
Con bé e dè, chữ nghĩa chọn lựa,
- Hồi đó, thầy có hứa gì với ông nội hay không"
- Thầy biết là mình không giữ trọn được lời hứa. Nhưng thầy tin ở cõi tuyền đài, ông nội không giận nếu biết thầy bỏ nghề giáo lao vào nghề bán mắm.
- Sao thầy biết ông nội không giận"
- Cõi người sống trên trần gian và cõi người sống ở tuyền đài là hai cõi khác nhau, hai cảnh đời khác nhau, cho nên cách suy nghĩ cũng khác nhau chứ. Những lời trối trăn của ông nội trước khi đi sang cõi bên kia là suy nghĩ trần gian. Người âm phủ họ đâu có nghĩ như vậy.
Bên bàn cơm chiều, cô gái rượu của người bán mắm góp chuyện,
- Hôm nay trong lớp thầy con nói nếu trái đất tiếp tục ấm dần, băng tuyết ở Bắc Cực và Nam Cực chảy tan, khi đó nước biển dâng cao. Melbourne của mình sẽ chìm sâu dưới nước.
Người bán mắm như chết đuối vớ được phao,
- Đó, con thấy chưa! Cứ thế này, thiên hạ sẽ rủ nhau xuống biển tất tật. Thiên hạ lại khối người mở đại lý bán mắm.
- Tại sao người ta lại cứ hay nói đi bán mắm vậy hả thầy"
  Con còn nhớ chuyện Tấm Cám hồi xưa u hay kể cho con nghe không" Cám nhảy vào chảo nước sôi để được lột da đẹp như Tấm. Nhưng viện thẫm mỹ luộc kỹ quá, Cám chết nhăn răng ra. Tấm vớt Cám lên, cất vào trong lọ làm mắm. Dì ghẻ mở hũ mắm ăn, khen ngon. Con chim hoàng oanh trên cành cây cười nói, "Ngon gì mà ngon! Mẹ ăn thịt con, Có còn cái xương, Cho xin một miếng".
- Con vẫn không hiểu.
Người bán mắm triết lý,
- Khi người ta thôi không thở nữa, thân xác đổi màu chuyển dạng hóa ra mắm, ngửi như mắm vậy. Nhưng có người trở nên mắm thơm, vang danh thiên hạ. Cũng lại có những hũ mắm thối, xú uế vạn niên.
Người bán mắm tâm sự,
- Mấy chục năm nay thầy sống cho ông nội. Bây giờ còn mấy chục năm nữa trước khi đi bán mắm, thôi, thầy chọn sống cho thầy và cho con.
Con bé đứng dậy, dọn dẹp chén bát, âm giọng tây con,
- Con hy vọng bởi vì thầy đổi nghề bán mắm, cho nên thầy cười nhiều hơn, yêu đời hơn. Và nếu đúng là như vậy, con mừng cho thầy, mặc dù con vẫn không hiểu tại sao thầy lại bỏ đi bán mắm...
Đứng rửa chén ở trong nhà bếp, liếc nhìn bố hút bụi bàn cơm, con nhỏ nhớ lại giờ Thể Thao, trên sân Tennis trong trường, thằng bạn học lớp Mười Một cũng có mẹ bán mắm ở chợ trời Dandenong nói với nó,
- Đi ra chợ trời, khu bán mắm, you thấy liền.
- Thấy cái gì"
- Thì cứ đi đi rồi sẽ biết.
Có một buổi chiều thứ Bẩy, con nhỏ bỏ chơi Tennis, nhờ thằng bạn chở tới chợ trời Dandenong. Đúng như lời tên con trai nói, cả hai đứa thấy bố và mẹ đang ngồi ăn bún mắm với nhau.
Cô hàng bán mắm ruốc thủ thỉ,
- Người ta cứ hỏi em tại sao anh bỏ dạy học"
Người bán mắm không nói chi nhưng lấy tay đẩy đẩy lên sóng mũi cặp kính gọng vàng. Quay sang hướng khác, người bán mắm lấy tay che miệng, tiếng ho sù sụ như người ho lao. Cô hàng mắm ruốc ái ngại, chép miệng,
- Anh ho quá vậy. Chắc tại mùi mắm bốc lên bám đen cả hai lá phổi" Đến là khổ! Cả ngày cứ quần quật vất vả. Hết hũ mắm này lại tới vại mắm kia. Khổ cho anh! Đang làm ông giáo...
Người bán mắm lắc lắc đầu,
- Nghề giáo ngửi bụi phấn. Nghề mắm ngửi mùi mắm. Nghề nào cũng ngửi. Nhưng chắc ngửi mùi mắm sướng hơn ngửi bụi phấn.
Cô bán mắm cười tủm tỉm nhưng đôi mắt sắc như dao bổ cau lườm,
- Anh! Ăn nói đến là táo tợn!
Người bán mắm làm mặt tỉnh, vẻ ngây thơ,
- Ơ, hay nhỉ! Đừng có quên tâm Phật nhìn đâu cũng thấy Phật, bán mắm ngửi đâu cũng thấy mắm.
- Anh lợi khẩu lắm. Em nói không lại anh đâu.
- Em nhìn bà hàng bán rau có những ngón tay đẹp như búp măng kìa. Cái này chắc tại cứ quanh quẩn trong bốn bức tường cho nên buồn nẫu ruột nẫu gan. Bây giờ sáng sáng đội giỏ rau lên đầu mang ra chợ bán, lượm bạc lẻ, đếm bạc giấy.
- Anh đừng có tưởng, dân Hà Nội đấy, tiền đô la Mỹ chất đầy trong tủ quần áo. Cho nên một thời ăn trắng mặc trơn, trong nhà người ăn kẻ ở đông như nhà vua. Có một lần đi khám tổng quát, không hiểu tại sao bác sĩ gọi vào văn phòng thông báo bản tin ung thư vú. Anh liếc nhìn kỹ thì thấy, bên tay trái xẹp hơn bên tay phải là vì thế. Sau một tuần vật vã với bản án vừa được chánh án tuyên đọc, bà ta xuống tóc quy y ăn chay trường. Thoạt tiên là bán mắm, bởi bà ấy nói đời người mặc cho sang giàu nghèo hèn, chung cuộc rồi cũng chỉ là mắm thối mà thôi. Sau quay sang nghề bán rau, bởi bà ta nói ăn thịt nhiều hung dữ như cọp beo, lại còn dễ đổ bệnh, ăn rau ăn cỏ như Kangaroo, tính tình hiền hậu, lại còn sống lâu. Không ngờ! Giờ lại tới phiên anh nối gót. Hèn chi người ta cứ nói, "Úc khùng!".
Cô bán mắm chỉ vào anh hàng thịt,
- Em, em thì thích anh hàng thịt Kangaroo hơn.
- Em nói như vậy mà không sợ anh buồn hay sao"
- Anh đừng lo, em thích tính tình vui vẻ của anh hàng thịt chứ không thích người. Mồm miệng lanh lẹ, tính tình vui vẻ là bây giờ thôi, hồi xưa thì không dễ mà cậy miệng. Anh hàng thịt một thời buôn bạch phiến giữa Úc với vùng Tam Giác Vàng. Hên là không bị bắt tại phi trường Singapore mà tại Tân Sơn Nhất. Bản án tử hình đã đọc. Nhưng thủ tướng Úc can thiệp. Nể mặt người Úc, Việt Nam giao trả người. Mãn hạn tù, anh chàng gõ cửa chủng viện Công Giáo Corpus Christi College nói thời gian ở trong tù được ơn hoán cải, giờ xin đi tu. Được mấy năm, ông thầy tu gãi tai nói buông dao xuống thì được, nhưng bỏ không ăn mặn thì thiệt tình khó quá! Cho nên xin thôi, dọn vào chợ trời Dandenong buôn thịt Kangaroo.
- Anh thích Kangaroo Úc Châu, ăn cỏ, hiền lành, gặp người đứng nhìn, chứ không như chim Ó Bắc Mỹ, ánh mắt cú vọ, cắn xé con mồi.
- Anh đừng quên đến mùa, con đực đánh nhau dữ dội chỉ để dành con cái. Khi đó Kangaroo không còn hiền lành, cũng không ăn cỏ nữa...
- Không ăn cỏ nữa, Kangaroo ăn cái gì"
Cô hàng mắm đấm thùm thụp vào vai ông giáo,
- Anh! Ăn nói thấy khiếp!
Cô hàng mắm ruốc tiếp tục,
- Hồi mới thấy anh, em cứ thắc mắc không hiểu tại sao tự dưng tự lành anh lại thôi không đi dậy học nữa, nhưng bỏ ra chợ trời buôn bán hàng vặt. Mà chọn mặt hàng gì không chọn, lại lựa bán mắm. Em nghĩ chắc tại anh đọc sách nhiều quá, đâm ra khật khùng, dở tính dở nết. Về sau mới biết...
- Em biết cái gì"
- Biết là ông giáo vậy chứ cũng đa tình lắm. Mà anh gặp em khi nào vậy"
- Anh thấy em chiều chiều ba giờ đến đón con trai của em.
Cô hàng mắm cười tủm tỉm,
- Có thế thôi mà về đổ bệnh...
Người ta nói trái tim đàn bà là một đại dương sâu thẳm. Ông giáo bán mắm nghĩ đâu phải chỉ có đàn bà, đàn ông cũng vậy thôi, bởi ông không kể cho cô hàng mắm nghe chuyện hồi xưa lúc mới mười bẩy tuổi ông về nhà đòi bố mẹ mang trầu cau đi hỏi cô nữ sinh học chung trường cho mình. Nhưng thầy u không chịu, lại còn mắng cậu học sinh trung học mấy mắng, "Chuyện nỡm! Nhà mình bán mắm. Nhà người ta cũng bán mắm. Hôm đám cưới, nhà trai mang hũ mắm sang xin con gái của người ta về nhà chồng à. Hay là anh muốn đám cưới chạy tang"". Thương thầy đang nằm ốm trên giường bệnh, ông giáo cắn răng xếp chữ tình sau chữ hiếu. Nhưng mỗi lần nghe Thái Thanh o tròn miệng hát, "Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm", ông giáo lại chơm chớm nước mắt khóc thương cho mình. Ngậm ngải tìm trầm đã hai mươi năm, trời cao không phụ lòng người tình chung thủy run rủi khiến cho ông giáo cuối cùng gặp lại người xưa ở cổng trường trung học Dòng Tên, dáng người vẫn thon thả, cặp mắt vẫn sắc như dao bổ cau. Nhìn đến là xinh!
Người bán mắm nhìn bầu trời Nam Bán Cầu xanh ngắt thắc mắc,
- Có bao giờ em sợ mình chỉ yêu nhau một thời và chán nhau cả một đời hay không"
- Tại sao anh lại hỏi như vậy"
Em nhìn thấy trời Melbourne đó. Khi nắng khi mưa. Khi nóng khi lạnh. Ông bà mình cứ hay nói, "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".
- Chắc anh lại sợ đất nào người đó chứ gì" Anh học nhiều quá, cứ hay nghĩ ngợi vớ vẩn.
Bầu trời xanh ngăn ngắt của tiểu bang Victoria lại mưa, mưa rơi trên phố Melbourne thổi sạch bụi đất đỏ của Úc bám dơ trên những hàng cây gum. Mưa trời mở tung những cánh dù sặc sỡ của du khách và của cư dân trên phố trên đường. Nhưng cách đó gần ba mươi cây số, nắng trời rọi sáng chân núi Dandenong, nắng bốc mùi mắm khu hàng mắm, nắng tô đỏ hồng đôi má cô hàng, nắng chiếu lung linh những sợi tóc lấm chấm điểm bạc trên đầu ông giáo. Du khách ghé vào chợ trời Dandenong mua hàng lậu, mua rau, mua thịt Kangaroo, và mua mắm lại cằn nhằn, "Úc khùng!", rồi cởi áo khoác ra, xếp gọn lại những cánh dù.
Nguyễn Trung Tây

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả là một nhà báo Việt ngữ tại Atlanta. Ông viết tin, bình luận… với bút danh Phương Điền Nguyên. Một trong những mục ông phụ trách là “Thư Atlanta về Sài Gòn” với bút hiệu Bình Thiên.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 2 bài đã phổ biến:
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài viết mới của Song Lam.
Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả đã có sách anh ngữ "The Clan Divided," do một nhà xuất bản Mỹ tại New York ấn hành. Ông cũng là tác giả sách "Tiếng Việt Đáng Yêu." Trần Đức Hân sinh năm 1942 tại miền Bắc, di cư vào Nam.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến