Hôm nay,  

Ngày Xuân Êm Đềm

31/05/201000:00:00(Xem: 383185)

Ngày Xuân Êm Đềm

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2906-28206-vb2053110

Phạm Hoàng Chương là tác giả  nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, với các bài viết góp cho giải thưởng năm thứ 9, trong số này có bài "Xóm Hoang" kể chuyện một cô gốc Việt đạt giấc mơ Mỹ trước tuổi 30, sống giữa một khu xóm hợp chủng đầy khó khăn thời kinh tế suy thoái. Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Mùa Xuân ở Nam Cali đẹp quá. Tháng tư còn năm ba ngày se lạnh, mây xám đầy trời, nhưng qua tháng năm thì ngày nào cũng gió mát thoang thoảng trong nắng tươi. Nắng tươi non như làn tơ vàng nhẹ ấm áp ôm ấp khắp nơi, cây cối, núi non, mái nhà, con đường, cụm hoa, và da thịt người đi bộ buổi sáng ..
Buổi sáng thức dậy tôi hay nằm nán trên giường coi news trên Tivi đến 8 giờ, dậy đánh răng rửa mặt rồi nhanh nhẹn ra khỏi nhà vươn vai làm mấy động tác khí công, ngẩng lên cúi xuống hít thở không khí trong lành nhiều lần thật sâu, rảo bước quanh xóm vài ba "tour". Bước chân cứng cáp, ngực nở bụng săn, thân mình nhanh nhẹn, nghe chim hót ríu rít trên các chòm cây xanh, nghe đường gân sớ thịt trong cơ thể tay chân vận động, chào mừng một ngày mới sau đêm dài ngon giấc, nghe từng luồng máu rạt rào, nghe trong đầu vang vang ý niệm mình đang có hạnh phúc, mình đang có hạnh phúc, ý thức mình đang ung dung nhàn hạ đi trong nắng ấm chẳng cầu cạnh gì, bất nhẫn khi thấy bao nhiêu người ngoài kia lêu bêu thất nghiệp, bệnh hoạn, ngồi xe lăn, thiếu nợ, lo không đủ trả tiền thuê nhà tháng tới, lo tiền già tiền bệnh cắt giảm, buồn con cháu mất job, bỏ học, cờ bạc, lêu lổng...
Tiền hưu tôi thong thả, cọng thêm tiền hưu tư, cái nhà cũng trả gần xong, có hai chiếc xe, có medicare, bảo hiểm nhân thọ, ăn uống thanh đạm, con cái đều nhà cửa riêng, lợi tức, cơ ngơi vững vàng, nên đời sống lúc này đúng là thong dong an nhàn... tưởng như đây là giai đoạn sung sướng nhất của một đời người. Ngày xưa ở VN, hay mới qua Mỹ, lo toan nhiều, nhưng lúc đó còn trẻ và sức khỏe để làm việc. Bây giờ tuổi già, sức khỏe sút, mà còn lo nữa thì chắc chết sớm. "Vô lo" tức " tiểu thần tiên". Vô lo là sung sướng, không phải nhiều tiền mới sướng, đó là quan niệm của tôi về cuộc đời.
 Năm ngoái, vừa  bước qua đại hạn 66-75 có Thái tuế ở cung Thân, nào Liêm trinh,Tử phủ Vũ tướng hội Song Lộc, được ngay cái giải thưởng lớn Viê1át Về Nước Mỹ, bạn bè, anh em, con cháu, dâu rễ bu lại tụ họp chúc mừng. Năm nay, bạn bè lại rủ đi Âu châu du lịch, đi Hawaii tắm biển. Nhớ năm xưa, thày Thiên Cơ đoan chắc, "hạn này anh an nhàn đủng đỉnh, tiền bạc rủng rẻng, có thể đi Ấn độ hành hương nữa...". Thầy Hoàng Linh già 75 tuổi cũng oang oang, "đại hạn này, tôi nói thật ông, không phải lo gì hết, cứ ở không là có tiền đi chơi thôi". Tuấn "tử vi" ở VN năm ngoái cũng  khen, "Anh tuổi già mà được ở Mỹ, sức khỏe dồi dào, tâm trí thảnh thơi, nhà cửa tiền bạc sung túc, con cái lại khá giả, đó là cái phước rất lớn, không phải ai cũng có...". H.C. Quý, viết cho VVNM của Việt báo, hôm cùng nhóm anh chị em Việt bút tới nhà tôi dự sinh nhật 66 tuổi, cũng hỏi," Đại hạn này anh có Thái tuế ở cung tuổi, bốc ghê lắm . Anh thấy chưa, năm ngoái mới vô năm đầu đại hạn là đã trúng giải chung kết 10 ngàn đồng rồi, năm nay vô tiểu hạn có Thanh long ở cung Thìn, còn tiếp tục bốc nữa. Anh có tính làm chính trị gì không" Có ra ứng cử dân biểu, nghị viên gì không" Công danh anh còn lên nữa mà. Liêm trinh miếu địa mà gặp Tử phủ Vũ tướng hội Song lộc...là làm lớn đó anh, không phải ngồi trong căn nhà đẹp như vầy mà ngắm hoa uống trà, an thường thủ phận đâu".
Tôi cười dẫy nẫy: "Thôi, thôi, Quý ơi...Càng cao danh vọng càng dày gian nan...Số tôi, trong "Quỉ cốc toán mệnh" nói rõ, muốn yên thân thì phải vui với "hang cọp suối rồng"..tức là lui về ở ẩn, túi thơ bầu rượu, tiêu dao đây đó, hưởng thú thiên nhiên, mới tránh khỏi sự phiền toái ở đời. Tuổi già nên giữ cho tâm thanh nhẹ để chuẩn bị về cõi Phật, bon chen làm gì nữa."
Miệng nói vậy, nhưng tôi cũng biết khi cờ tới tay, đang ngủ nó cũng lôi mình đứng dậy "phất". Như ông Trần trọng Kim ngày xưa, đang là nhà giáo nghèo ở Cambodge hay Singapore gì đó, mà khi tới thời, vua Bảo Đại kêu về phong làm Thủ tướng, thành lập chánh phủ, tên tuổi để đời kia kìa. Hay như chuyện ông Lã Vọng bên Tàu, bảy mươi tuổi còn được Vua mời ra làm quan... Chưa biết sắp tới, tôi có làm vương làm tướng gì không, nhưng công nhận thấy gia đình con cháu mấy năm nay có những biến chuyển tốt đẹp, làm mình cảm thấy vui. Nhớ chuyện các con, các cháu, mình tự cười với mình.
Trước hết có đứa con gái nhân hậu, thương người, khá giả, hạnh phúc là một cái vui của bậc làm cha mẹ. Nó may mắn lấy chồng học cao, phúc hậu, tháo vát, biết lo cho vợ con, hiếu thảo với cha mẹ hai bên. Gia đình sui gia tuy Công giáo, ở tận bên miền Đông, nhưng nhân đức, quí dâu, cưng cháu. Bản tánh bé Giao hiếu thảo, thương người từ nhỏ, ông bà nội ngoại cô dì cậu chú, thày bạn đều thương.
Hồi tôi chưa đi vượt biên, mới 4 tuổi, thấy ăn mày ngoài cửa, nó đã lon ton mở tủ tiền tự động lấy tiền ra cho, không ai dạy hết. Ở Mỹ sau này, mỗi lần về nước tới Tân sơn nhất, cả chục đứa bạn cũ vừa trai vừa gái đã kéo nhau ra đón như đón bà hoàng. Những năm còn học college, nó vẫn tiện tặn dấu không cho tôi biết, nhín tiền gửi về giúp cho một đứa bạn học nghèo, cha mẹ phải đi kinh tế mới, tiếp tục vô Saigon ở trọ học hết đại học, sau kiếm được việc làm tốt ở Saigon. Bây giờ thằng này lấy vợ giàu, mua nhà lớn ở Saigon, đem hết mấy đứa em ở kinh tế mới vô nuôi ăn học lên cao, hai vợ chồng mang ơn, mỗi lần nó về, đưa đón đi chơi khắp các nơi, đãi đằng ăn uống liên tục. Lấy chồng ở xa, năm nào cũng nhớ gửi cho ba mẹ tiền mừng sinh nhật, mừng Father s Day, Mother s Day...Xmas, New year...gọi phone thăm cha mẹ hàng ngày, lai rai gọi thăm bà nội, các chú các cô bên VN, Thụy sĩ....Mỗi lần nó về VN, bà con cô chú, anh em họ nội ngoại ai cũng có phần nó cho, không sót người nào.  THỉnh thoảng bắt chước tôi, cũng gửi tiền về Saigon cho cô Tim nuôi trẻ mồ côi, cho cô nhi viện chùa Đức sơn ở Huế... Ăn ở với thiên hạ như bát nước đầy, hậu vận làm sao mà khổ được.
Chỉ phải tội vợ chồng hiếm con, được mỗi đứa con trai, anh chị sui nhờ tôi đặt tên giùm. Tôi gọi nó làTrung Đạo, bên nhà nội ai cũng khen hay. Con một, nên thằng bé thông minh dĩnh ngộ, chưa đầy 2 tuổi tiếng Việt đã nói rất sõi. Chấm cho nó lá Tử vi, thấy cung Mệnh có Khoa Quyền Lộc, Tướng ấn, Lộc tồn, Thiên quí... rõ ràng sinh ra trong gia đình nhân đức, khá giả, lớn lên để hưởng công danh phú quí. Mới 2 tuổi, đã bắt chước ông bà nội, chắp tay trước tượng Chúa, đức Mẹ Maria, nói: Lạy Chúa, Mẹ." Đầu óc nhận xét tinh tế, dẫn tới nhà ai lạ, quan sát kỹ lưỡng quanh quất mới dám vào. Qua nhà ba má nó chơi, ngồi phải ghế của ông nội nó thường ngồi, chạy tới đẩy ra không cho ngồi, nói "không được ngồi ghế của ông nội". Ông bà nội ngồi trúng ghế của ba má nó, cũng chạy tới đẩy ra, nói, "ghế của ba, của mẹ". Ngoài 2 tuổi, ba nó ở cây xăng về, lon ton biết chạy ra hỏi, "Ba đi làm về có mệt không"". Cha Long, thân với gia đình nội, hay có người nào quen ông bà nội tới, biết chạy ra đon đả,"Cha Long hôm nay có khỏe không" Ông Phú có khỏe không"" làm họ mất hồn, mách lại anh sui tôi, "Trời , cháu nội ông sao mà khôn thế!  Mới 2 tuổi đã biết hỏi thăm xã giao y hệt người lớn!" Ông nội cười hãnh diện, dạy nó tên của ông bà cha mẹ  đôi ba lần, nó nhớ thuộc lòng, bẵng đi vài  tuần, có khách tới chơi, muốn thử trí nhớ nó, hỏi lại, "Ba con tên gi" Ông ngoại tên gì" Bà nội tên gì"" nó trả lời đúng vanh vách không sai. Có lần, anh sui tôi khoe:
-Anh biết không, tôi dẫn nó đi nhà thờ, nó đọc kinh thuộc làu làu. Tôi hay cúng cho nhà thờ tiền làm việc nghĩa, nó để ý thấy nhưng không nói gì. Một lần đi shopping với ông Vinh, thấy đồ chơi lạ, ông Vinh bảo nó, "nói Ông nội mua cái này cho cháu đi, Ông nội nhiều tiền lắm", anh biết nó trả lời sao không, nó nói đốp chát, "Ông nội không có tiền, Ông nội cho nhà thờ hết tiền rồi", làm ông Vinh hết hồn, khen thằng này quá sức khôn. Một lần khác, vợ chồng tôi dẫn nó đi mua sắm, nó chỉ cái đồ chơi nào đó trong tiệm, bảo tôi,"Ông nội mua cho con cái này đi, nữa ông bà nội già, con nuôi ông bà nội..." làm tôi chưng hửng, không biết ai dạy mà nó nói được như vậy.
Có một Noel nọ, Trung Đạo chưa tới 3 tuổi, mẹ nó dẫn qua Cali thăm vợ chồng tôi. Thấy bàn thờ Phật có tượng Quan Âm, nó bắt chước mẹ, chắp tay cúi đầu lạy. Rồi nhìn tôi lầm bầm nói, "Ông bà nội không có thích Bồ tát, Phật đâu." Tôi giựt mình, hỏi :
-Sao con biết" Ai bảo con vậy"
Rồi quay qua hỏi con gái:
-Giao, ai dạy nó mà nó nói vậy" Con dạy hả"
-Đâu có, nó thấy bên đó không có thờ Phật, chỉ đi nhà thờ, cầu nguyện toàn "Chúa... Mẹ", nó để ý, nó biết hai bên thờ khác nhau...
Tôi ngẫm nghĩ mà lắc đầu khâm phục, con nít mới 3 tuổi đã có óc nhận xét, đoán được ý tứ người lớn như vậy thì quả là hi hữu, nên nhân khi bà nội nó bên đó gọi qua thăm, liền nhắc chuyện đó. Lập tức, bà kể ngay:
-Trời, anh biết không, cái thằng nó khôn dễ sợ, em chưa thấy đứa nào mới 3 tuổi mà khôn vậy. Anh biết, hôm đó nó đang chắp tay lâm râm khấn A di đà Phật, thấy em đi tới, lật đật nói trớ ra, "Lạy Chúa Mẹ..Lạy Chúa Mẹ.." sợ em không vui,...làm em cũng phải bật cười lắc đầu...
Tôi nghe mà ớn lạnh, lúc đó có ông bạn học cũ tên Joseph Vĩnh Su, từ Úc qua Mỹ chơi, thấy thằng bé hay hay, bèn nghĩ cách trêu nó thử coi đức tin nó tới đâu, bảo nó đọc kinh cho ông ngoại nghe. Nó không chịu, Vĩnh Su bèn đọc một tràng kinh bên Đạo rồi xuống giọng kéo dài ... "Đó là lời Chúa..." theo cách tín đồ bên đó hay làm sau mỗi lần đọc kinh. Tức thì nó nheo mắt, cúi đầu, cười chúm chím buông thỏng 2 tiếng: "I know" ...làm tôi sửng sốt hết ý. Gớm chưa, biết dùng cả tiếng Anh để trả lời nữa. 
Mẹ nó năm ngoái dẫn về VN thăm bà cố ngoại đã già 83 tuổi (mẹ tôi), lúc trở qua Mỹ, nó nhớ mồn một, vanh vách kể lại nào bà cố cho ăn những gì, nói gì, dẫn đi đâu chơi, làm gì...Đầu năm nay, ba mẹ nó lại dẫn về thăm bà cố, mẹ tôi gọi qua kể chuyện:
-Cái thằng này mới hơn 3 tuổi mà đầu óc nó như của đứa 15 tuổi. Hỏi đâu nó trả lời bốc bốc không cần suy nghĩ. Ba nó đi nhà thờ xem lễ, không dẫn nó theo, nó giận lẫy, hỏi gì cũng không thèm nói. Bà Tám (em gái tôi, thứ tám) giải thích cho nó,"Con may mắn còn có cha để mà săn sóc con, chơi với con, còn bà Tám mồ côi cha sớm, không có ai bên cạnh...", nó chỉ ngay con mèo lẩn quẩn bên cạnh em tôi, trả lời liền, "  Bà Tám có con mèo làm bạn đó".
Qua Mỹ lại, một hôm mẹ nó gọi nói chuyện vợ tôi, nó chen vô nói, " Bà ngoại có khỏe không" Con nhớ bà ngoại lắm...Bữa nào mẹ dẫn con qua Cali chơi thăm bà ngoại nữa. " Ngưng một lúc, lại nói, "Sao Bà ngoại không qua ở với con nữa"  Bà ngoại sợ bỏ ông ngoại ở lại một mình ông ngoại buồn hả"" làm bà xã tôi thất kinh, "con nít gì mà khôn như người lớn".
Quay sang con bé cháu nội gái thì khác xa một trời một vực. Con bé thông minh, nghe ai nói hiểu hết, nhưng lại quá ít oi miệng lưỡi. Hai tuổi mà chỉ  mới bập bẹ mấy tiếng  "ông nội", "bà nội", "cô yao"....  
Bé Taylor rất xinh, tóc đen, da trắng, môi đỏ chu chu, nét mặt dáng dấp thanh tú y như mẹ. Ngặt cái ba nó hay nói tiếng Anh với nó, mẹ nó lại líu lo tiếng Tầu ở nhà (bên ngoại là người Triều Châu), mà nhà ông bà ngoại lại gần nhà, mẹ hay đem qua gửi  khi đi làm, nên hiểu tiếng Tàu, tiếng Anh rành hơn tiếng Việt. Lúc đầu khi ông bà nội tới thăm, đòi bế, sợ lắm, giẩy nẩy quay đi rươm rướm nước mắt khóc thút thít.  Sau ba nó chở tới nhà tôi chơi thường xuyên để quen mặt ông bà nội, thấy ông bà nội thương yêu, ôm ấp, hôn hít, vỗ về, cho ăn món ngon vật lạ, ru ngủ, bắt đầu quen, biết là người thân, mới chịu dơ tay cho bồng, chìa má cho hôn, thậm chí chịu ngủ lại đêm với ông bà nội cho ba nó đi chơi nhà bạn ở xa luôn hai ngày đêm. Mỗi lần nghe cell phone vợ tôi reng reng là thỏ thẻ nói, "Cô YAo...cô YAo" vì để ý thấy chỉ có cô Giao hay  léo nhéo gọi sang nói chuyện bà nội mỗi ngày. Mỗi lần có dịp con cháu tụ họp, tôi hay chụp hình nó đứng ngồi với Trung Đạo, choàng vai Trung đạo, con bé biết là cousins, bà con ruột thịt, nhoẻn miệng cười, ngả đầu áp sát vào ngực thằng em họ cao hơn một cái đầu. Mỗi lần muốn hôn nó, phải nói tiếng Tàu "chim chim" như mẹ nó nói, hay chìa má tới gần miệng nó . Nhìn điệụ bộ ông bà nội, nghe tiếng Việt, nó hiểu loáng thoáng, nhưng không nói được tiếng Việt. Tôi hay mắng yêu con bé trước mặt Nhân:
-Con này như con câm. Mẹ thì tiếng Tàu, cha thì tiếng Anh, ông bà nội lại nói tiếng Việt, làm nó "confused", chả hiểu cái gì hết...thành ra gặp ông bà nội cứ  nín thinh cho khỏe...thét rồi sẽ thành thói quen, gặp bà con VN cứ câm miệng hến. Bên Mỹ mà ít nói như vầy là dễ bị thiệt thòi lắm đó ...
-Đâu có, ở nhà nó nói như sáo, ríu rít cười giỡn với con. Tại chỗ lạ, nó vậy đó...
Có một lần, nó lon ton tinh nghịch mang từng trái quit đỏ từ bàn này sang bàn kia sắp ngay ngắn. Ba nó hỏi:


- "Eh, what are you doing"".
Nó cứ tiếp tục làm, trả lời tỉnh bơ, "Nothing", y như con Mỹ, làm tôi mất hồn.  Hết thằng Trung Đạo " I KNOW" đến con bé này "NOTHING". Hai ba tuổi mà trả lời tiếng Anh bốc bốc. Đừng coi thường con nít ở xứ này, My God!...
 Mỗi lần Taylor làm gì sai trái, ba nó chỉ cần nghiêm mặt trừng mắt,"BAD GIRl" là nó xanh mặt, khoanh hai tay, đứng yên một chỗ, lấm lét cúi đầu rồi lại nhìn cha. Ông bà nội hay ai tới vỗ về, ẵm đi, nhứt định không chịu, chờ chính ba nó cho phép mới dám buông tay xuống, bước đi chỗ khác. Thật là tội nghiệp, ngoan ngoãn, ai mà không thương cho được... Chấm lá số nó, cũng có Nhật Nguyệt Cơ lương, Quyền Lộc, Khôi xương, Tướng ấn tại Mệnh, lại thêm bộ Tứ đức, rõ ràng bản chất hiền lương, phúc hậu, hưởng của ông bà cha mẹ để lại. Không có gì phải lo cho tương lai hai đứa cháu.

*
Con trai tôi mới là cái lo phiền đằng đẵng nhiều năm nay. Tuổi Quí sửu, tên Thiện Nhân, mà tánh tình không "nhân" chút nào. Ích kỷ, nóng nảy, vô trách nhiệm, ham xe mới, cờ bạc, xài hoang, hướng ngoại...Dạy nó tánh khiêm nhường, siêng năng, vị tha, hy sinh, bố thí, nhường nhịn, nó nói,"Bên Mỹ, bạn con ai cũng khoe khoang, tham lam, ích kỷ ... hết ba à". Lá số nó cung Mệnh ở Sửu bị Triệt, Cự môn,Thiên đồng hãm địa, tướng tá hùng dũng đẹp trai, tai to mắt sáng, nhưng tánh tình ham chơi, bất nhất, khi này khi khác, không có chí hướng nhứt định. Có Hóa quyền, Kình dương ở Mệnh nên tự ái cao, hay nổi nóng, bốc đồng. Cung QUAN  tốt, nên lương bổng, chức vụ cứ thăng tiến vù vù. Cung NÔ có Tử vi, Đào hồng, con gái theo nườm nượp. Song Hao  đóng cung TÀI ở Mão Dậu nên hao tài vì xài hoang, lâu lâu đi Lás Vegas thua hết tiền. Nhưng đây là cách "hết tiền lại có", như nước chảy từ sông ra biển, bốc thành mây mưa rồi lại về nguồn, nên tiền hết lại có, nó sinh ra coi rẽ đồng tiền kiếm dễ..Hồi đó, thấy con có lá số không xấu, mà sao tánh tình "vô hậu" như vậy, tôi rất buồn, nghĩ ông bà xưa mình nói, "Cha mẹ sinh con,Trời sinh tính" thật đúng, rồi tự an ủi  dòng họ ông bà cha mẹ mình ăn ở nhân dức thì đời nó cũng không đến nỗi nào, nhưng phải có cha bên cạnh kềm cặp thì mới nên người, bỏ lại VN thì nguy. Thế là đem nó đi vượt biên, bỏ dứa con gái hiền lành lại cho mẹ nó. Qua Mỹ, trình độ tử vi sau này khá hơn, mới biết Mệnh bị Triệt thường là số mồ côi, lìa quê bỏ xứ, tuổi thơ lận đận vất vã. Sách  lại giải số này phải lập nghiệp xứ người mới làm nên. Âu cũng là số mệnh ở Trên đã an bài sẵn, mình chỉ là con cờ thi hành lệnh trên, phải lo cho nó ra đi, nuôi nó ăn học nên người...
Năm tôi  dạy ở San Jose, tình cờ gặp lại Thành (con cụ Thiên Lương, chuyên gia tử vi ở VN), Thành coi lá số, tấm tắc khen Thiện Nhân phúc hậu vì có Thiên Lương miếu địa ở Thân đóng cung Phúc. Thân đóng cung Phúc ở Mão, có Nhật Lương miếu địa, hội với ÂM dương Xương khúc thì khoa bảng, công danh tốt, vợ đẹp nhà giàu, chung thân no ấm. Thày Thiên Cơ cũng khen nó có 3 đại hạn liền rất tốt, nói lúc trẻ nó lừng khừng vì ảnh hưởng của Triệt, nhưng Thân có Lương+Y +thiên hình thì rồi cũng sẽ trở thành lương y, bác sĩ,hay nha sĩ. Ông cứ gật gù, lập đi lập lại câu " 30 năm đại phú đại quí, từ 24 đến 54 tuổi " làm mình nhớ đời, nhưng cũng có lúc bán tín bán nghi. Ông này hay nói thái quá, lại quên mất nó phải trải qua cái đại hạn xấu 14-23 tuổi (Tham lang, Hóa kỵ bị Không Kiếp hãm địa chiếu) mới bước tới giai đoạn "30 năm đại phú dại quí" được . Cho nên về sau, Thiện Nhân không học nổi lên y khoa. chỉ thành RN với cái bằng BA về Nursing và Health science, vì đại hạn Tham lang hãm địa này đã phá nát giai đoạn thiếu niên "lập thân" học Highschool và college của nó.
Qua hạn "Nguyệt Lãng thiên môn" 24-33 tuổi thì quả nhiên, cuộc đời nó vù vù thăng tiến như diều. Được nhận vô RN program, có con bạn gái học giỏi học chung lớp yêu nó, thường xuyên khuyến khích chỉ vẽ bài vở. Ra trường, làm ngay counselor cho một nhà thương, lương 60 ngàn. Mấy năm sau, 65 ngàn, chê lương ít, nhảy qua làm manager cho Target được 75 ngàn. Lấy vợ đẹp con nhà triệu phú, được cha mẹ hai bên giúp mua nhà ngói mới, được Target "training"  leadership skills 3 năm, xong, lại nhẩy qua SONY của Nhật, interview 4 lần đều pass, lương lên 93 ngàn, làm ca khuya, coi cả trăm  thợ dưới quyền. Qua đại hạn cung Tử tức 34-43 có Liêm Phủ, Vũ, Tướng được Tả hữu phù tá, sanh một đứa con kháu khỉnh, bụ bẫm, hiền lành. Suốt 10 năm tiền bạc phè phỡn, nó ích kỷ ăn xài, mua sắm áo quần, xe mới thay đổi liền liền, đi chơi Lás Vegas, trượt tuyết Big Bear...không có dư, không hề nghĩ đến việc đền đáp công ơn cha mẹ khổ cực vì mình ngày xưa .Vợ chồng lục đục gây gỗ nhiều lần cũng vì tánh tiêu xài hoang phí của nó, tiền nhà đôi lúc trễ, đôi khi thiếu hụt, phải nhờ cha vợ cứu giúp thoát nạn mấy phen. Tôi thường răn đe, "Con làm quá, vợ con mà đòi ly dị là mất hết... mất nhà, mất vợ, mất con, không ai nấu ăn cho, mà còn phải lo cấp dưỡng child support hàng tháng nữa, có biết không"". Nó ậm ừ không nói, rồi kế tới cuộc kinh tế khủng hoảng 2008, vợ bị laid off, ở nhà giữ con thay vi đưa đi giao cho babysitter như trước. Được mấy tháng, một hôm tôi tới chơi, thấy con vợ có vẻ rầu rầu, lấm lét, nghi không biết có chuyện gì xảy ra. Một lúc khuất mặt chồng, nó mới thủ thỉ tố cáo:
-He lost his job. (Ảnh mất job rồi)
Tôi sửng sốt:
-What" Really" How long ago" (Thiệt à" Hồi nào vậy")
- Two months. And he went gambling again...(Hai tháng rồi, buồn buồn  lại đi đánh bạc nữa..)
Tôi bàng hoàng. Lại tánh nào tật đó, hay dấu giếm, nói láo. Cả hai đứa đều mất việc, đang ăn tiền thất nghiệp mà dấu kín không cho tôi hay, bây giờ còn đi cờ bạc để gỡ gạc. Thất nghiệp thời buổi này là chuyện thường, có gì mà xấu hổ dấu giếm. Tôi tức giận lắm. Gọi phone hỏi, nó chối, sau gặng mãi mới thú nhận:
-Con không muốn bà con cha mẹ bạn bè thương hại con, nên con dấu. SONY bị  lỗ nặng, vì hàng ế ẩm, nên nó cắt  bớt phí tổn, lương tụi con cao quá, nên  "lay off" con trước, rồi tới ông manager Mễ thâm niên 10 năm kia cuối năm nay, rồi sẽ cho ông Mỹ trắng già thâm niên 20 năm về hưu non luôn.
-Đã nói "renew" cái bằng RN lại đi làm cho nhà thương cho chắc ăn, không chịu nghe, cứ ham làm cho công ty lớn, lương cao, bây giờ nó "lay off", xấc bấc xang bang, nay mai mất nhà, văng ra đường ở.
Tôi giận nó luôn từ ngày đó, không thèm nói tới tên, không thèm lái xe lên thăm cháu nội. Nó cũng biết tôi giận, chỉ dám gọi thăm mẹ lí nhí vài câu rồi cúp. Lâu lâu tới nhà tôi có việc cần, thì thầm với mẹ, len lén tránh mặt tôi, không dám ở lâu. Tôi cũng chẳng thèm xuống nhà gặp cháu nội để bồng ẵm, làm con bé tò tò leo lên thang lầu, ngơ ngác kiếm ông nội. Tôi cứ nằm yên trên lầu, coi như mình không có con trai cho xong, khỏi nghĩ ngợi mắc công, thêm phiền não. Hết niệm Phật tới mở CD Kinh Kim Cang nghe suốt ngày cho thanh thản tâm trí...Mọi sự đều giả tạm, hư dối, không có thực. Thân này không thực, Tâm suy nghĩ phân biệt, đối đãi này cũng không thực, chỉ có Chân tâm như như bất động mới là thực. Vô Ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả...MÌnh không có thật, con cái cũng không có thật, việc gì phải lo. Biết vậy mà vẫn buồn, buồn lắm. Mình còn là phàm phu, chưa thành A la hán hay Bồ tát, con cái như vậy, sao mà không buồn cho được.
Ai ngờ, một sáng đẹp trời, nó gọi vợ tôi, vui vẻ báo tin đã được job mới 65 ngàn, hãng bảo hiểm y tế Blue Cross mướn, làm gần Pomona. Nó tâm sự với mẹ:
-Nhờ thất nghiệp 7 tháng qua, tiền bạc eo sèo thiếu thốn, bây giờ con mới biết quí đồng tiền. Giờ, con nghĩ khác trước kia . Thà làm ít tiền mà tiết kiệm dè sẻn vẫn có dư hơn là làm lương cao mà tiêu pha bừa bãi. Thà lương ít mà nhàn hạ, được làm ban ngày, ăn ngủ điều độ, chơi với vợ con, hơn là làm khuya mà lương cao.
Rồi nó lân la làm lành với tôi. Tôi cũng không nỡ giữ nét mặt lạnh lùng lâu. Biển khổ mênh mông, biết quay đầu lại là Niết bàn. Biết nó hối lỗi, mới bồng bế hôn hít con bé cháu nội ngây ngô trở lại, nhận lời đi ăn tiệm nó đãi cha mẹ, nhưng cũng giữ thái độ im lặng, coi nó có thay đổi thật không, hay chỉ được một thời gian rồi lại chứng nào tật ấy. Được hai tháng thì vợ nó cũng được một hãng may công nghệ mới  interview, tuyển vô làm production manager, vì có nhiều kinh nghiệm và nói trôi chảy cả 2 tiếng Hoa và  Mỹ, họ trả 55 ngàn, bèn gửi con cho babysitter đi làm lại. Tôi thấy vậy cũng mừng cho 2 vợ chồng quá sức "lucky". Thời buồi kinh tế khủng hoảng mà lương bổng như vậy là còn hơn "trúng số", cố gắng mà giữ job.
Cung Quan lộc Thiện Nhân có Tràng Sinh, Đế Vượng, Khoa, Quyền, Mã khốc khách, hèn chi mà  nghề nghiệp bền vững, không gián đoạn lâu. Cung Thê, vợ nó, có THái Âm sáng ở Hợi đi với Xương khúc, Khôi Việt, Khoa Mã, làm designer, bỏ job này chụp job khác dễ dàng, lại hay được cử đi Tàu, Đài loan, và Đại hàn liên lạc ngoại giao với các hãng xưởng bên đó.
Một hôm, Thiện Nhân và tôi vô chợ ở El Monte mua thức ăn, nó muốn mua cà chua, bốc lên coi giá, thấy gần 2$ 1 pound, rụt rè bỏ trái cà xuống . Tôi ngạc nhiên, đây là lần đầu thấy nó biết so đo giá cả, trái hẵn bản tính thích gì là mua ngay, bất chấp giá cả như trước đây, bèn nói: "Ba còn cả đống cà ở nhà, để ba chia cho một nửa, khỏi mua."
Một lần khác, hai vợ chồng em nó ở VN về Mỹ lại, ghé phi trường LAX  trước khi chờ đổi chuyến bay về miền Đông, nó lái xe chở cha mẹ đi đón, đưa vô nhà hàng lớn đãi cả nhà ăn cá nướng bánh tráng gỏi cuốn phủ phê, rồi ghé một tiệm bán trái cây ở khu chợ ABC, để mua  cái gì tặng hai em. Cầm giỏ chôm chôm nhỏ xíu lên hỏi, chủ thấy tướng nó sang trọng, tưởng bở, nói, "chỉ có 35$, em mua mấy giỏ"" làm nó giựt mình, lật đật bỏ xuống, làm tôi hài lòng quay đi dấu nụ cười tủm tỉm.  Cũng biết như vậy là đắt nữa à, thật là tánh tình biến đổi quá nhanh. Hồi nào đến giờ chưa hề biết thất nghiệp là gì, tiêu xài phung phí, mua đồ không thèm trả giá, vậy mà chỉ nhờ thất nghiệp nằm nhà có mấy tháng mà biết quí đồng tiền, đúng là học ở trường đời lại hay hơn ở trong sách vở, có va chạm thực tế phũ phàng mới học được cái khôn.
Tháng trước, một hôm lái xe có tôi ngồi bên, nó tự dưng lắng giọng trầm trầm nói, "Bây giờ con không đánh bài nữa đâu. Con và vợ con mở một CD saving account tháng tháng bỏ tiền vô cất, 5 năm mới được rút, mở thêm một "account học hành" cho Taylor sau này lên college...Con bắt đầu lớn tuổi rồi, nên để ý chỗ nào chính phủ tuyển , thi vô làm công chức nhà nước cho chắc ăn, lương tuy thấp hơn hãng tư, nhưng về già có tiền hưu bảo đảm, như ba vậy...
  Hôm sinh nhật tôi, nghe có đông anh em bạn văn sĩ của ba tới dự, nó cũng tự động mua cái bánh ngọt trái cây đắt tiền, hai khay bánh bèo ngon, chở vợ con tới mừng, lại móc ra một phong bì trong có mấy trăm bạc làm quà cho ba, ở chơi với cha mẹ mấy tiếng đồng hồ. Làm tôi cũng cảm động, không ngờ con mình bây giờ có hiếu đến thế. Chưa hết, qua hôm sau nghe tin em Bích tôi bên Texas vừa mới vô ý vượt đèn đỏ, tung 2 chiếc xe khác một lúc, bị phỏng tay, tức ngực, đang nằm chờ vô nhà thương rọi điện, tôi lật đật gọi qua thăm, Bích nói xe bị hư nát, bảo hiểm không sửa, mà đền cho 11 ngàn còn nợ của dealer bán xe, và 2 ngàn để mua xe khác đi làm. Thấy hoàn cảnh đơn chiếc của em lúc hoạn nạn thui thủi một mình, có mỗi đứa con trai thì học tuốt bên Yale, nói hoài không chịu về ở với mẹ sớm hôm gần gũi săn sóc, tôi lấy làm xót xa. Chưa kịp giúp em thì Thiện Nhân nghe tin, gọi hỏi tôi địa chỉ cô Bích để nó gửi cô ngay một ngàn đô phụ giúp "down   xe mới khác đi làm, làm tôi cũng sửng sốt, không ngờ nó cũng có lòng nhân, biết xót tình ruột thịt, cô cháu, chả bù ngày xưa sống ích kỷ, chỉ biết có mình, bạn bè, trai gái, người dưng, áo quần, xe láng... Nó nói, "tội nghiệp cô Bích nhứt nhà, ăn chay trường, đi chùa phóng sanh bô thí, có chồng con mà không được nhờ, thui thủi đi làm một mình bên đó, lúc bệnh hoạn ốm đau không có ai săn sóc... Con giúp cô Bích, Ba đừng nói ai biết nghen..". Tôi nghe mà nghẹn ở cuống họng, nhớ tới lời Thành ngày nào khen thằng này có sao Thiên lương, ngoài 30 sẽ trở nên nhân từ, thông cảm nỗi đau người khác, mà thấm thía, muốn ứa nước mắt.
Thì ra, "Nhân chi sơ, tánh bản thiện", con người tuy có lúc ích kỷ, tham lam, nông nổi, đến một lúc nào đó, nhân duyên chin mùi, sẽ tự biến đổi, từ từ trở về bản chất Thiện sẵn có của mình, bên Lương gọi là "Phật tánh". Tôi không cần con cháu giàu có, chỉ muốn chúng có được tấm lòng trắc ẩn, hay cứu giúp người sa cơ, thất thế là đủ. Đó là hạnh Từ bi, có Từ bi thì phước đức bao la không ngằn mé, muốn gì cũng có, làm gì cũng được.
Chính vì thế mà sáng nay, thong thả, ung dung tản bộ quanh xóm trong nắng vàng ấm áp mùa Xuân Cali mấy vòng,  gió mát riu riu, chim hót ríu rít, lòng tôi rạt rào hạnh phúc. Cuộc sống êm đềm, tâm trí thênh thang rỗng lặng, bạn bè, người thân, các em gọi phone lúc nào cũng có sẵn, và đám con cháu hiếu thảo, nhân đức, thông minh, chín chắn quây quần chung quanh...
Mùa Xuân ở Cali, nắng vàng trong trẻo, gió thoảng man mác, hoa nở rực rỡ, cây cối xanh tươi, sao mà êm đềm thanh tĩnh như ở trong giấc mộng... 
Phạm Hoàng Chương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,997,962
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến