Hôm nay,  

Chuyện Chúng Mình

28/05/201000:00:00(Xem: 129640)

Chuyện Chúng Mình

Tác giả: Ấu Chi
Bài số 2904-28204-vb6052810

Tác giả từ sơ lược về mình: "Tôi là một trong những thuyền nhân may mắn, định cư ở Mỹ từ năm cuối của thập niên bảy mươi. Ra trường cử nhân điện tử - hiện đang làm việc cho một công ty ở quận Cam. Viết văn là một niềm vui mới tìm thấy." Ba bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Ấu Chi là "Phở", "Cõi Mây Của Ngoại", "Xuân Muộn." Bài mới, từø một chuyện tình thành chuyện nhà... 

***

Đèn còn mờ mờ sáng ở phòng ngoài, có tiếng gõ máy lách tách, anh gọi khẻ:
- Em ơi, hơn mười một giờ rồi, viết lách gì khuya vậy.
- Em kể chuyện mình anh ơi, đang hứng nửa chừng, anh ngủ trước đi nha.
- Chuyện phải có dang dở chia ly, phải đầm đìa nước mắt, mới sôi nổi. Chuyện mình kể ai thèm đọc em.
Vẫn tiếng gõ máy lách tách...Tìm cách bàn ra mà không được vợ hưởng ứng, anh đành buồn hiu vớ cái gối ôm kế bên, than thầm:
- Hứng gì bất tử nửa đêm nửa hôm. Còn cái hứng của tui bậu tính sao đây.
Ấm ức lắm nhưng anh phải ngậm bổ hòn làm thinh, vì đã lỡ dại giới thiệu Việt Báo đến với nàng. Trước đây, nàng rất thờ ơ với sách báo Việt Nam. Bận bịu chí chóe với việc làm con cái, họa hoằn lắm được đôi phút rảnh rổi, nàng mới lên mạng giải khuây với những tạp chí Mỹ thời trang. Anh thì mê mục Phố Rùm của Việt Báo, ngày ngày vào ra tải lên tải xuống. Có khó khăn gì về điện toán, bất kỳ phần cứng phần mềm, câu hỏi nào cũng được giải đáp ổn thỏa. Nghe anh hí hửng ca tụng, nàng cũng tò mò vào xem thử, rồi lang thang qua mục Viết Về Nước Mỹ. Và mê mẩn. Thế là đôi ta cùng lên mạng. Anh Phố Rùm, nàng đọc truyện. Đầm ấm. Cho đến một ngày bổng dưng nàng nổi hứng viết văn. Mới sinh cảnh phòng không lẻ bóng như đêm nay. Trăm sự tại mình, biết than thở với ai đây, anh tự nhủ. Hy vọng đây chỉ là một giai đoạn ngắn, như những đam mê đột xuất bất kỳ, muôn màu muôn vẻ trước đây của nàng.
Anh nhớ có dạo nàng mê đan len, tuần nào cũng na về đầy nhà đủ loại len màu, thoăn thoắt tay đan suốt mấy tháng liền. Đan là một cách để thư giản tinh thần rất hửu hiệu anh ạ. Ừ, cũng tốt thôi.  Mỗi người trong nhà thêm được một chiếc áo ấm mùa hè năm đó. Đan chán, nàng chuyển hướng sang làm bánh, khệ nệ khiêng về nào bột nào đường, và một cái máy làm bánh mì to tổ chảng. Mỗi tuần một kiểu bánh khác nhau, cha con tha hồ sáng bánh chiều bánh, ròng rả suốt hai tháng trời. Cơn mê tình ái với mấy công thức bánh mì bỗng đột ngột chấm dứt sau khi nàng khám phá ra mình lên năm kí lô. Nàng tuyên bố đi bộ là phương pháp giảm cân hiệu quả nhất. Và cứ thế nàng đi, gót giầy rảo mòn các lối thương xá lớn nhỏ trong vùng. Và cứ thế bills về, dồn dập tới tấp. Anh tối tăm mặt mũi ký trả mệt muốn đứt hơi.
Bây giờ lại là cơn sốt văn chương. Sau bao hôm trắng đêm chong đèn, nàng sản xuất được mấy truyện ngắn. Hớn hở khoe chồng khoe con lúc bài đầu tiên được đăng. Thằng con trai, được chỉ bài mẹ viết, reo lên:
- Con thích phở tái.
Cậu út này thuộc lòng được hai món tủ là phở tái và chè Thái. Lâu lâu cậu quên bài, vô nhà hàng gọi lộn thành phở Thái và chè tái, làm anh bồi ngẩn ngơ gải tai, lạ, chắc món mới chưa lên thực đơn. Hai cô con gái hì hục đánh vần, hí hoáy tra tự điển, mãi hai tiếng đồng hồ sau mới đọc xong bài viết của mẹ. So với cái hứng đi bộ, thú vui mới của nàng suy ngẩm lại hợp lý hơn nhiều. Vừa sách động được tinh thần yêu tiếng Việt của tụi nhỏ, vừa đở hao tốn ngân quỷ gia đình!
Cả hai xuất thân từ miền Trung khô cằn nắng cháy. Anh đầu miền Trung, nàng cuối miền Trung. Lúc anh tất tả  luyện thi vào trung học, nàng mới vừa giáp thôi nôi. Việc học anh bị gián đoạn sau năm 75, trong thời gian thương hồ kiếm sống, anh đã nhiều dịp đáp xe đò xuyên qua vùng biển mặn của nàng. Lúc gần tới là phải bôi dầu gió xanh gấp gấp. Vì mùi nước mắm bất hủ. Có ngờ đâu cái vùng cá khô muối mặn lại để dành sẳn cho anh một cô nhỏ trắng da dài tóc thơm tho. Mùa biển động cuối năm miền duyên hải, lại là mùa vượt biên đông đảo, tàu nàng ghe anh ra đi cách nhau trước sau một tháng. Không hẹn mà cùng cặp bến Hương Cảng. Dấn thân vào cuộc sống mới với hai bàn tay trắng, không một chử Tàu lận lưng, vậy mà cũng bay nhảy hãng này hãng khác,  kiếm tiền bỏ túi trong thời gian tạm dừng ở đất Khách. Lúc đó trại tị nạn Sham Shui Po chưa phải là trại cấm, không khổ ải như những lớp vượt biên sau này. Âu cũng là một điều may. Cái may khác trong cuộc đời anh là ngày đi Mỹ. Tên anh được sắp trong danh sách đi cùng ngày với nàng. Cái duyên với nước Mỹ và duyên nợ ba sinh của anh khởi nguồn từ đó.
Gặp nhau tại phi trường Kai Tak, ngày đó nàng còn tóc thề, mấy nhánh loe hoe, gầy gò thẳng băng, với cặp kính cận dày cui. Trông lạnh lùng còn hơn băng giá mùa Đông.  Lại hiên ngang tự xưng mình cầm tinh con cọp. Vậy mà anh vẫn can đảm lủi vào chấp nhận thương đau. Anh trị cọp giỏi, hay cọp giỏi trị anh, đó là chuyện tế nhị xin miễn bàn. Chuyến bay định mệnh với hai chiếc vé có số ghế gần nhau. Duyên số đưa đẩy, hay tình cờ ngẩu nhiên.  Đêm hè tháng bảy, phi trường LAX là trạm dừng chân đầu tiên ở nội địa nước Mỹ. Anh phải ngủ qua đêm ở một khách sạn gần đó, chờ máy bay chuyển tiếp về chổ định cư. Sáng hôm sau, lúc anh đến cơ quan di trú lấy vé máy bay, thật lý thú, nàng cũng đang ngồi chờ lấy vé. Tình cờ ngẫu nhiên, hay cơ duyên run rủi. Anh bay về quê hương của John Steinbeck, nàng trực chỉ thung lũng hoa vàng. Tháng bảy ở đây không có mưa ngâu, mà sao nghe sụt sùi trong dạ.
Cũng may, nơi nàng ở cách chổ anh không xa mấy, chỉ tròm trèm khoảng 60 dặm, anh trì trú đi theo sau đó không lâu. Lần này không phải vô tình nữa, mà hửu ý ràng ràng. Nhưng buồn thay, lúc đó nàng phải xuôi Nam đáo quận Cam. Tình đến thật tình cờ, rồi tình có như không. Lúc đó, Compaq và Dell còn đang trong thời kỳ phôi thai, sinh viên còn dùi mài với BASIC, FORTRAN, COBOL, và máy điện toán IBM còn xử dụng MS-DOS. So sánh với hiện đại thời nay, này e-mail, Facebook, web cam, online chat, thật quá gian nan để nâng niu cái mối tình viễn liên lúc đó. Thưở ấy, anh chỉ biết trông cậy vào điện thoại và thư rùa bưu điện. Văn chương chữ nghĩa anh, khổ nổi, thuộc hàng cao thủ võ lâm kiểu Quách Tĩnh. Ngô nghê, trung thực. Viết thẳng viết ngay không hay rào đón. Mỗi lá thư là một cam go thử thách. Vừa học vừa viết, nhớ đâu viết đó. Từ đầu tuần tới cuối tuần mới sáng tác được một lá. Anh ngượng ngập hồi tưởng lá thư tình đầu tiên chỉ vỏn vẹn có đôi dòng. Không biết sao lại lung lay được trái tim đa cảm của nàng. Mãi đến lúc anh chuyển trường về học đại với nàng thì hương tình mới bắt đầu nở rộ. Lời xưa ông bà dạy, có lẽ phải sửa lại rằng, mưu sự tại thiên thành sự tại nhân, để thích nghi cảnh tình hai đứa.
Anh nhớ lại thời mới qua, lúc tổng thống Carter còn đương nhiệm, đúng là ngáo ộp, đâu biết hiện tình kinh tế nước Mỹ lúc đó đang điêu đứng, với nạn phá giá trầm trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Chỉ biết chính sách giúp đỡ dân nghèo thật hậu hỉ, gồm cả chương trình trợ cấp giáo dục. Sinh viên nghèo như anh, càng nghèo, càng hiếu học. Anh nào cũng đánh đúng 12 tín chỉ mỗi học kỳ để ôm trọn học bỗng.  Lúc chọn nghành học, không sao tiên lường được cái bạc bẻo của nghề điện tử, nên chi buồn vui nghề nghiệp, cả hai đều nếm đủ mùi mặn đắng chua cay. Trong thời gian đi săn việc, có khi cạn tiền túi phải chia nhau gặm chung một ổ bánh mì. Vui nhất là lúc cùng được nhận vào làm chung một hảng điện tử ở La Mirada, việc toàn thời gian đầu tiên, $5.50 một giờ có cả bảo hiểm y tế nhân thọ.  Lúc đó thấy thật ngon ơ, so với những việc tạp nhạp bán thời gian trong trường, với mức lương giờ tối thiểu $3.35.


Vừa làm vừa học, vừa ráo riết giữ điểm trung bình cao, địa điểm hẹn hò cuối tuần của hai người thường là thư viện trường!  Nhớ những kỳ thi cuối khóa phải học gạo trắng đêm, cà phê uống như nước lã, lạ kỳ càng uống càng buồn ngủ. Phải nốc thuốc No-Doz vào để tỉnh táo, nhưng sao hai mắt vẫn diu díu như không.
Quả cái khó nó bó cái khôn, ông bà mình vẫn thường nói.  Cũng nhờ có kinh nghiệm làm trước đó, lúc ra trường cả hai kiếm việc dễ dàng. Khổ nổi lại đầu quân nhằm ngay hãng quốc phòng. Sau ngày bức tường Bá Linh xụp đổ, các đề án quốc phòng rơi rụng như lá mùa thu, hãng xưởng thi nhau đóng cửa, sa thải nhân viên như rạ. Anh và nàng thay phiên nhau lãnh đạn trước sau chỉ một vài tháng. Thôi cũng đành, đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Lại cùng nhau, anh trước nàng sau, đi xếp hàng khai thất nghiệp. Và lại cùng nhau săn việc. Rồi cái hên bất ngờ gõ cửa, cả hai cùng nhận được việc mới, trước sau chỉ một vài tháng. Và lại săn việc. Rồi lại có việc. Cái vòng lẫn quẩn xoay tròn trong suốt bảy năm đầu của cuộc sống chung.
Theo việc làm, nhà cửa chuyển dời cũng đôi ba bận. Có xá chi, lúc còn sinh viên, địa chỉ anh thay đổi cả hơn mười lần. Cái quan niệm sống đâu chết đó coi bộ không thực tiển ở đất Mỹ lưu động này. Không biết nàng nghiên cứu sách địa lý của lão thầy nào, cứ trách rằng ở nhằm chổ không hợp hướng. Căn nhà đầu nàng đổ thừa tại hướng Tây. Xui. Đổi đi vùng khác, nàng chọn căn nhà hướng Đông. Lại không ổn. Nàng đổ thừa cho cây cột đèn án ngữ cửa chính. Đổi đến vùng sau này, nàng lựa nhà vừa tránh cột đèn, vừa chọn đúng hướng Nam. Sao vẫn không an.
Bầy trẻ ba đứa thay phiên nhau chào đời trong khoảng thời gian di động liên miên của ba mẹ. Giấy khai sanh mỗi đứa mỗi địa danh khác nhau. Sau lễ thôi nôi của thằng út, lại thêm một lần dời nhà nữa. Năm đó thị trường địa ốc đang bốc, muốn mua nhà phải rút thăm bóc số, nàng bốùc trúng phóc căn nhà hướng Tây. Lại cấp tốc tra cứu sách vở, rồi cầm cái la bàn lò dò lẩm dẩm, nàng tuyên bố hướng cửa nhà không phải chính Tây, sách bảo hợp tuối anh. Chỉ phải cái sân sau không được vuông vắn, anh phải chong cây đèn sáng choang ở đó cho em. Rồi cũng theo lời sách dạy, nàng án thêm con rùa nằm ngay ở cái góc bất lợi. Mà khá, mãi đến hôm nay vẫn chưa phải dời nhà thêm lần nào nữa. Không biết nhờ cây đèn hay nhờ con rùa.
Theo truyền thống Mỹ, mỗi năm hôn nhân được đánh dấu bằng một món quà kỷ niệm khác nhau, năm đầu giấy hoặc đồng hồ, năm thứ hai vải vóc hoặc đồ sứ, v.v. Nàng tính gọn ơ, anh ơi trăm thứ nhớ làm gì cho mệt óc, cứ hột xoàn cho tiện việc, mình đơn giản hóa cuộc đời đi anh nhé. Anh làm thinh cười trừ, dĩ hòa vi quý, không thôi nàng lại ngâm nga rằng Quảng Ngãi hay co Quảng Nam hay cải ... Cũng vì tô mì Quảng mà anh bị mang tiếng. Mà không cải không được. Nhớ lại những năm tháng đầu mới quen, nàng  trổ tài nội trợ với món mì Quảng. Cọng mì vàng, cùng rau húng giá trắng, lấm tấm nhúm đậu phọng rang trên lát giò heo bóng nhẩy, lỏng bỏng trong cái tô sóng sánh đầy ắp nước lèo đỏ chót. Anh xính vính ngở ngàng, đôi đủa sượng trân, món chi lạ hỉ. Trông hấp dẩn. Nhưng sao không giống chút nào cái món quen thuộc quê anh. Nhất định không phải mì Quảng. Anh cải. Sau mới vở lẽ rằng đó là mì Quảng kiểu Phan Thiết.
Thời cu ki độc thân, muốn ăn phải lăn vào bếp, anh chẳng ngượng ngùng gì chuyện bếp núc. Những buổi đình đám với bạn bè, bếp anh vẫn nổi tiếng với Trứng Bảy Món đặc thù. Trứng luộc, trứng chiên, trứng xào, trứng xúp, trứng ốp la, trứng chả, và tinh hoa của buổi tiệc, đương nhiên là trứng lộn ấp mề. Duy món mì Quảng khoái khẩu, anh tuy thừa trình độ thưởng thức và phê bình, nhưng bảo nấu thì anh chịu thua. Chỉ biết kể lại theo ký ức, những lần bếp nhà mẹ nấu, hoặc đôi khi gặp gánh giữa đường. Dựa theo lời kể, nàng uyển chuyển cách nấu cho hài hòa đôi miền. Nước dùng chừng mực vừa đủ để óng ánh cọng mì vàng, rau ghém được tăng cường thêm với bắp chuối thái hoa, chả cần giò heo béo ngậy, chỉ tôm ram đỏ với thịt heo  lát om vàng cũng đủ xôm tụ. Ngoài đậu phọng rang đâm nhỏ, tô mì Quảng còn được trang điểm thêm với bánh tráng mè đen bóp vụn. Quá đã, đúng món tủ rồi. Đó, nói qua nói lại cũng không qua nói thiệt. Không cải tới cải lui làm sao cải thiện được tô mì.
Tính đến nay hai đứa lấy nhau đã tròn hăm hai năm chẳn. Ngày mới gặp nhau,  nàng lúc đó bé như cái kẹo, thơ ngây như con cừu, dù mang tiếng cầm tinh con cọp. Thời gian trôi nhanh, giờ đây dẫu tóc có bạc mầu, mỗi lúc tay trong tay, anh vẫn nghe lòng êm đềm với ký ức nổi trôi về khung trời hoa mộng ngày xưa. Những buổi chiều học xong, anh lái xe đạp chở nàng vòng vòng quanh trường, gió mát trời trong, tóc nàng bay bay thoang thoảng mùi hoa nhài thơm dịu.
Bánh xe quay vòng...trời trong gió mát...hai mi mắt anh líu ríu, nghe nặng trĩu....
*

Có tiếng súng bắn ầm ầm từ máy truyền hình, đã gần mười hai giờ khuya, chắc anh lại ngủ quên không tắt máy. Tướng tá thư sinh trói gà không chặt, mà truyện thì cứ Kim Dung luyện hết pho này qua pho khác, phim thì cứ cao bồi bắn súng đoành đoành. Nàng  khẻ bước vào phòng, nhẹ kéo tấm chăn đắp cho chồng. Lúc nào ngủ một mình, anh cũng nằm thẳng lưng, hai bàn tay chắp lên bụng. Chỉ khi có vợ kế  bên, anh mới chuyển hướng nằm nghiêng. Thời gian qua nhanh như chong chóng, đã hai mươi hai năm rồi, cả hai song đôi như bóng với hình. Bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời, ngoãnh mặt lại đều có anh bên cạnh. Bấy nhiêu đổi thay trong cuộc sống, quay đầu lại bên cạnh vẫn là anh. 
Ba mươi năm mặn nồng với đất nước Hoa Kỳ, hai mươi hai năm tình nghĩa với anh. Trong cuộc chung sống với nước Mỹ và anh, nàng cảm thấy mình thật may mắn. Dẫu nước Mỹ không là thiên đường, và cuộc đời thường xuôi ngược với những điều vô lường khó đoán, nhưng một điều chắc chắn, nước Mỹ không phụ bạc những ai trì chí kiên tâm. Phải hoạch định rõ ràng cái đích muốn tới. Có sức khỏe, vững tinh thần. Chịu làm chịu khó. Sẽ đạt được mục tiêu. Hôn nhân thì không đơn thuần với những dấu ái của tuần đầu trăng mật. Có mặn có ngọt mới có quân bình trong cuộc sống. Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng. Lời ai đó nói, ngẩm ra  thật chí lý, nàng vẫn dùng làm phương châm cho chính mình. Anh và nàng vẫn chưa trật đường rày, chuyến xe lửa hai người vẫn cùng chung một điểm đến, nay lại cồng kềnh thêm ba cái rờ mọt đáng yêu. Hai cô chiêu và một cậu ấm. Hành lý vỏn vẹn chỉ bao nhiêu đó thôi cho một chuyến viễn du dài hạn. Đã được hơn hai mươi hai năm rồi. Vẫn còn nhiều nữa những sân ga đang chờ, đánh dấu bằng móc ngoặt thời gian sắp tới.  Ba mươi ba, bốn mươi bốn, năm mươi lăm, hay sáu mươi sáu năm nữa...ai biết đâu chừng. Chỉ biết sống trọn vẹn, thật ý nghĩa, cho ngày hôm nay. Và cùng nhìn về một hướng.
Anh nói cũng đúng, chuyện chúng mình thiếu vắng những tình tiết éo le của một câu chuyện hấp dẫn. Đây chỉ là một chuyện đời thường của ngàn ngàn những cuộc đời chung quanh.
Khẽ khàng nằm xuống bên anh, nàng nghe một vòng tay ôm ấm áp. Đêm tràn lan ánh trăng, thoang thoảng mùi hoa nhài thơm dịu...
Hạnh phúc.
Giản đơn chỉ vậy thôi.
Ấu Chi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến