Hôm nay,  

Kịch Bản Đời Người

22/04/201000:00:00(Xem: 267877)

Kịch Bản Đời Người

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2871-28121-vb5042210

Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Bài viết mới nhất của Nguyễn Thi kể về một buổi nhạc kịch kèm hội thảo về những vấn đề thường thức của đời sống tị nạn.

***
Lời khen tiếng chê về xứ Cờ Hoa bà Tư đã nghe rất nhiều, ngay cả từ khi hai vợ chồng bà còn ở Việt Nam trước ngày mất nước.  Nào là xứ của bơ với sữa, ra khỏi nhà là một bước lên xe hơi, cha mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi con đến 18 tuổi sau đó chúng bỏ nhà ra đời tự lập, khi về già họ sẽ vào nhà dưỡng lão mà không oán trách con cái, v. v.  Ngày đó bà và ông Tư là một gia đình trung lưu nghe vậy thì biết vậy mà không có ý kiến.  Giờ đây sau mấy chục năm sống tại Hoa Kỳ ông bà mới thấm nhuần câu "nhập gia tùy tục".
Thời thế đẩy đưa gia đình bà Tư gồm hai vợ chồng và hai đứa con trai qua được nơi đây một quốc gia được mệnh danh "vùng đất của cơ hội".  Những năm đầu tiên bà Tư tiếng Anh không rành mấy nên cam phận làm nghề may vá tại các cửa tiệm giặt ủi, chuyên lên lai quần, đơm lại cái nút áo hoặc sửa lại lưng quần nhỏ rộng theo ý khách hàng.  Vài năm sau tiếng Anh của bà có phần tiến bộ nên bà xin được vào chân phụ nấu bếp kiêm cả rửa nồi niêu cho một trường trung học gần nhà. 
Việc làm của chồng bà tương đối khá hơn vì ông Tư quan niệm một khi ông được hít thở không khí tự do, ông sẽ không quản ngại làm bất cứ việc gì miễn sao nó mang tới cho gia đình ông những đồng tiền lương thiện. Sau một năm vừa làm công việc lắp ráp radio cho xe hơi ngày thường, vừa làm lao công dọn dẹp nhà thờ Tin lành cuối tuần, ông Tư còn chăm chú vật lộn với những cuốn sách kỹ thuật về điện nước trong những thời giờ còn lại.  Ông hy vọng sau khi thi đậu lấy bằng Boiler ông sẽ xin được việc làm vững chắc trong khu học chính với nhiều quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe cũng như tiền hưu trí đáng kể. 
Đúng như lời người bảo trợ Mỹ tiên đoán "có chí thì nên", mảnh bằng Boiler, mà ngay cả những cán sự cũng như kỹ sư người bản xứ đều khó khăn lắm mới lấy được, được ông Tư nắm trong tay ngay trong kỳ thi đầu tiên.
Kể từ đó cuộc sống của ông bà Tư đỡ chật vật hơn.  Hai người con của ông bà sau khi tốt nghiệp đại học đã nhận việc làm ở tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ.  Thời gian như thoi đưa, ông bà Tư về hưu đã được 5 năm.  Những năm đầu tiên cả hai ông bà đều cảm thấy thoải mái với thời khóa biểu "tự do", muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, họ không còn bị gò bó bởi công việc làm.
Thú tiêu khiển của ông Tư mỗi ngày là nghe đài phát thanh BBC và đài VOA, sau đó chạy bộ vài vòng chung quanh công viên gần nhà trước khi trở về ăn điểm tâm và đọc sách báo hoặc chăm sóc cho khu vườn rau sau nhà.  Riêng bà Tư thì sau khi đi bộ mỗi sáng với chồng thì về nhà bà lo chuẩn bị cơm nưóc cho nguyên ngày, rồi giặt giũ, may vá, dọn dẹp nhà cửa.  Loay hoay thế mà thời gian trôi qua lúc nào không hay. 
Bà Sáu sống với vợ chồng đứa con gái út, cách bà Tư vài căn nhà, mỗi lần rủ bà Tư đi chơi thường nghe bà Tư than việc nhà bề bộn không đi đâu được.  Bà Sáu bảo nhà bà có con nít thì mới cần dọn dẹp chứ bà Tư chỉ hai người lớn thì có chi mà bề bộn.  Hơn nữa khi còn sức khỏe mà không đi đây đó cho biết đến lúc bệnh tật phải nằm một chỗ thì có tiếc cũng bằng thừa. 
Do đó, đầu năm nay bà Tư bắt chước người Mỹ làm nguyên một danh sách "resolution" những quyết tâm bà muốn thay đổi.  Danh sách của bà bao gồm:
1. Đi thư viện đọc sách ít nhất một tuần một lần.
2. Đến thư viện học cách sử dụng máy điện toán để liên lạc với con bằng email (chứ chờ chúng gọi điện thoại thì quá lâu).
3. Học cách nấu những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà không có chất béo trên đài tivi mỗi ngày.
4. Tham dự những sinh hoạt của trung tâm cao niên như những buổi hội thảo về dinh dưỡng, cách ngăn ngừa bệnh tật, các ngày lễ hội, lớp dạy Anh văn đàm thoại, hoặc thăm viếng thắng cảnh của những thành phố lân cận.
5. Viết hồi ký gia đình nội ngoại cũng như thâu phim (với cái máy quay video nhỏ bằng bàn tay mà đứa con út vừa tặng bà hồi cuối năm) những mẫu chuyện ngắn của gia đình, bạn bè về chuyến đi tìm tự do của họ sau 1975 để mai này con cháu còn nhớ đến nguồn gốc Việt Nam.
Bà Tư dự trù viết thêm vài quyết tâm nữa cho đủ chẵn số 10 nhưng ông Tư ngăn lại và khuyên bà cứ làm những gì đã viết, kẻo ôm đồm nhiều quá lại sinh bệnh.  Vì thế, sau Tết con Cọp ba tuần khi bà Sáu rủ bà Tư đi xem chương trình hội thảo "Làng Ta" là bà Tư đồng ý ngay. Ông Tư cũng được mời đi nhưng ông đã hẹn tới thăm mấy ông bạn lính cùng ngày nên ông đành từ chối.
Lân, con rể bà Sáu, ghé qua chở cả hai bà đến trung tâm Mayfair lúc 1 giờ trưa và hẹn sẽ trở lại đón lúc 3:30 pm.  Trong lúc chờ đến giờ mở cửa, bà Sáu rủ bà Tư đi bộ một vòng ở công viên kế bên.  Bà Tư thắc mắc sao bà Sáu tiếng Anh chỉ bập bẹ mà lại biết nhiều sinh hoạt của cộng đồng như vậy. Bà Sáu cười tươi, vuốt lại mấy sợi tóc bạc cứ bay lởn vởn trước mặt:
-  Ấy thế mới tài chứ!  Không dấu gì chị, tôi suốt ngày ở nhà trông đứa cháu ngoại cho hai vợ chồng con gái đi làm.  Nó mới có hai tuổi thôi nên đâu đã biết nói gì.  Thành ra hai bà cháu mỗi ngày cứ mở đài radio Việt Nam hết 1120 AM, 1430 AM, rồi đến 1500 AM của thành phố San Jose.  Tùy hứng, lúc thì nghe tin tức, lúc thì nghe nhạc, riết rồi mấy cái quảng cáo có nhạc đệm tôi nghe cũng thuộc luôn.  Nhờ vậy tôi mới biết sinh hoạt của cộng đồng để dẫn cháu đi chơi.
- Tôi cũng muốn mở đài ra nghe nhưng ông Tư sợ tôi vận radio làm mất dấu đài BBC và VOA của ông ấy. Mỗi lần đụng vào radio là lại nghe ông ấy cằn nhằn nên tôi chả muốn rờ tới nó nữa.
- Ôi chao ơi, cái radio chỉ có mấy chục bạc. Chị đi mua một cái về tha hồ mà nghe.  Thú thật với chị tiếng Anh của tôi cứ như vịt nghe sấm.  Thế mà lúc hai vợ chồng con gái tôi nói chuyện với nhau về chính trị, kinh tế, giáo dục, tôi vẫn theo kịp những gì chúng nói khiến chúng phục tôi sát đất.  Chúng không ngờ tôi ở nhà cả ngày mà vẫn tinh thông việc ngoài xã hội.
- À, mà này chị Sáu!  Buổi hội thảo hôm nay nói về “Làng Ta” nghĩa là làm sao hả chị"
- Tôi nghĩ chị sẽ thích chương trình này lắm.  Cách đây vài tuần tôi với cô Nga có đi xem một lần rồi tại trung tâm Shirakawa.  Tiếc là hôm đó trời hơi mưa nên không có đông người đi xem.  Chương trình dù miễn phí nhưng hay lắm. Đại khái là họ đưa ra những mẫu chuyện trong đời sống như gia đình, học đường và hàng xóm do một số diễn viên của nhóm kịch Sân Khấu Việt Cali thủ diễn. Sau đó là buổi hội thảo với các khách đi xem để học hỏi, chia xẻ và rút kinh nghiệm cho cuộc sống của mỗi gia đình.  Hôm đó tôi và cô Nga bận việc nhà chỉ xem phần diễn kịch xong là về ngay.  Hôm nay đáng lẽ cô Nga cũng đi chung với mình, nhưng nghe nói cô ấy phải đi làm thế cho một người bạn có con bị bệnh.
- Nè chị ơi, còn có vài phút là tới giờ rồi.  Thôi tôi với chị trở lại trung tâm đi kẻo trễ giờ.
Bà Tư và bà Sáu vội vã rảo bước về hướng trung tâm Mayfair.  Tới nơi sau khi ghi danh thì cửa vào hội trường cũng vừa được mở ra.  Ba dãy ghế đã được xếp sẵn cả hai phía trái và phải.  Trong chốc lát bà Tư thấy khoảng gần 70 người lớn lẫn trẻ em đã ngồi đầy các dãy ghế hai bên.  Sân khấu bao gồm cái bục nhỏ khoảng 8 ft chiều ngang và 16 ft chiều dài đủ để kê một cái bàn nhỏ và hai cái ghế; ngoài ra còn có một khoảng trống tương đối rộng trước hàng ghế của khán giả.  Góc trái của sân khấu là một phòng nhỏ được dùng làm hậu trường cho diễn viên.  Bên góc phải là bàn điều chỉnh âm thanh do hai thanh niên trạc ngoài 30 tuổi điều khiển.
Mở đầu chương trình là bà Liên, một cán sự xã hội, ngỏ lời chào mừng mọi người đã đến với chương trình hội thảo Làng Ta. Bà nói sơ qua về mục đích của buổi hội thảo và hy vọng mọi người chú ý đến những lời đối thoại của các diễn viên trong 6 đoản kịch song ngữ ngắn với những đề tài xoay quanh về gia đình, học đường, và láng giềng.  Kế đó bà Liên giới thiệu cô Trang là nhân viên của cơ quan AARS, cơ quan tổ chức buổi hội thảo.   Cô Trang cho mọi người biết về những dịch vụ giúp đỡ cộng đồng của cơ quan AARS và mời mọi người ở lại sau phần diễn kịch của nhóm Sân Khấu Việt Cali để cùng bàn thảo về những vấn đề được nêu lên trong vở kịch.


Tiếng cô Trang vừa dứt lời thì hội trường đã vang lên một giọng hò miền Nam:
“Hò ..... ơ .....
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”
Khán giả đang say sưa với tiếng hò của bà Thanh, thì trong vai bà mẹ, bà bày tỏ nỗi khổ đau và bất chấp hiểm nguy bỏ nước ra đi để cho đứa con có một tương lai tươi sáng hơn.  Bà đã không quản ngại đi làm ngày đêm để có tiền nuôi con ăn học. Nhưng bà nhận ra rằng hình như giữa bà và con càng ngày càng có một khoảng cách khá xa. Bà không biết làm sao để níu kéo đứa con lại gần với bà. 
Bản nhạc Lòng Mẹ trổi lên trong khi bên trái sân khấu, bé gái tên Vy, khoảng 10 tuổi, lập lại câu hò bằng tiếng Anh và tỏ vẻ trách mẹ mình sao không bao giờ có thời gian để hai mẹ con tâm sự như lúc em còn nhỏ.  Em mong mẹ là một người bạn để em có thể chia xẻ buồn vui trong cuộc sống.
Một khúc nhạc dạo khác trổi lên, bà Thanh và bé Vy lui dần vào phía sau sân khấu để một bé gái khác tên Hương cất tiếng hát bài “Mẹ Là Thánh Mẫu Đời Con”:

Chưa một lần con nói câu thương Mẹ.
Chưa bao giờ con ôm Mẹ thật lâu.
Nhưng trong ánh mắt thiết tha nhìn Mẹ,
Đã tỏ lòng con yêu Mẹ biết bao!

Giọng ca bé Hương lúc xuống thấp, lúc lên thật cao làm bà Tư và khán giả cảm thấy mủi lòng như chính mình là người con trong bài hát đang trải bày tâm sự với người mẹ thân yêu của mình.  Sau buổi hội thảo, bà Tư được biết tác giả bài hát là cô Sonia Thanh Thủy cũng có mặt lúc đó, và có lẽ cô là người xúc động nhất vì cô đã sáng tác bài này để riêng tặng mẹ cô cách đây hai năm.
Tiếng nhạc chưa chấm dứt thì tiếng ông Hoàng oang oang từ phía dưới khán giả, vừa đi lên hướng sân khấu vừa trả lời điện thoại cầm tay.  Ông than phiền thời buổi kinh tế khó khăn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, vậy mà mẹ của ông ở Việt Nam lại lâm bệnh nặng phải vào nhà thương làm sao ông xoay sở tiền thuốc men.  Bà Thanh, vợ ông, vừa bước chân vào nhà đã trách sao ông không trả lời điện thoại làm bà phải đi bộ về nhà vì xe hư dọc đường.  Hai vợ chồng có nỗi bực mình riêng, rồi lời qua tiếng lại ầm lên cả nhà khiến hàng xóm gọi "911".  Trong chốc lát hai người cảnh sát, Duy và Dennis, đến gõ cửa.  Qua cuộc nói chuyện với vị cảnh sát, cả hai ông bà học được bài học là phải cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, chỉ nên trả lời nhỏ nhẹ và làm đúng những gì cảnh sát yêu cầu, không được đi phía sau lưng cảnh sát hoặc làm những cử chỉ gì đột ngột vì người cảnh sát đồng nghiệp có thể nghĩ rằng mình đang muốn tấn công cảnh sát thì họ có quyền dùng ba-toong hay súng để khống chế mình lại.
Dòng nhạc "Beat It" của Michael Jackson vang lên làm hội trường có vẻ sinh động hẳn.  Bé Vy và bé Hương mặc quần áo như trẻ bụi đời đang gườm và khích nhau trong khoảng trống trước sân khấu.  Vị cảnh sát chạy tới ngăn hai em không được đánh nhau và nói về chương trình DARE (Drugs Alcohol Resistance Education), một chương trình cho học sinh tiểu học biết những điều nguy hại của thuốc lá, xì ke, ma túy, bia rượu... và khuyên các em nên tránh vì chúng nó chính là thủ phạm làm cho các em bị nghiện và dễ rơi vào tình trạng gia nhập băng đảng làm hỏng cả tương lai sau này. 
Hai phụ huynh là hàng xóm của nhau, một người Việt Nam và một người Mễ, tình cờ gặp nhau trong buổi hướng dẫn về chương trình DARE.  Cả hai đều vui mừng vì nhà trường có chương trình giúp đỡ con em họ tránh những cám dỗ và cạm bẫy khi các em đang trong ngưỡng cửa của tuổi dậy thì.
Trong lúc bé Hương đang tập bản nhạc dân ca "Qua Cầu Gió Bay" thì bé Vy đứng một bên cởi áo khoác ngoài ra xoay vòng vòng theo điệu nhạc.  Đến đoạn "tình, tình gió bay" thì Vy ném chiếc áo về phía Hương như đang thẩy xuống cầu.  Vy thắc mắc tại sao người Việt bày tỏ tình yêu bằng cách tặng áo thay vì tặng hoa.  Hương trả lời đơn giản đó là cách biểu lộ tình cảm của người Việt.  Vy đề nghị nên làm theo kiểu Mỹ "thương thì nói thẳng, còn không thì nên chia tay".  Dì Hà bước vào nhà bảo cả hai còn nhỏ tuổi sao lại bàn chuyện yêu đương, nên lo đi tắm rửa để chuẩn bị bữa cơm chiều.  Duy đi làm về nghe Hà kể về hai đứa nhỏ, anh nói phải xem xét những gì chúng làm thường xuyên vì tuy chúng ở nhà nhưng vẫn có thể gặp gỡ bạn bè qua trang mạng internet.  Những lời cấm đoán của cha mẹ bên Việt Nam không thể áp dụng được bên này.  Cha mẹ phải tạo cơ hội để các em có dịp bày tỏ cảm nghĩ của các em.  Ngay từ lớp 5 trở lên, nhà trường đã bắt đầu hướng dẫn các em về giới tính và sinh lý.  Nếu phụ huynh không đồng ý ký tên cho họ dạy thì mình phải tự dạy cho con mình, nếu không các em có thể tự học hỏi nơi bạn bè hoặc bị người xấu dụ dỗ thì rất tai hại.
Duy về nhà chỉ thấy bé Hương đã mặc sẵn áo dài có thêu bông kim tuyến còn Vy thì không thấy đâu.  Hương nói Vy đang ở nhà người bạn Mễ kế bên.  Vài phút sau Vy về nhà trong chiếc áo thung xanh đậm với cái quần đùi mầu cam rộng thùng thình và nói đã sẵn sàng để đi ăn tiệc cưới.  Duy lớn tiếng với Vy thì Vy cãi rằng Vy chỉ là con ghẻ còn Hương là con ruột nên lúc nào Hương cũng hoàn hảo cả.  Quá bực mình Duy bỏ vào bên trong.  Hương và Vy ngồi tâm sự gia đình có quá đông người, nội ngoại, chú dì, cha mẹ ở cùng chung một mái nhà, mỗi người dạy một kiểu, nên nghe ai bây giờ.  Cả hai đứng dậy, vừa đi về hướng khán giả vừa hát theo điệu nhạc bài "I’ll Be There":
You and I must make a pact
We must bring salvation back
Where there is love, I'll be there
 I'll reach out my hand to you,
I'll have faith in all you do
Just call my name and I'll be there.

Dì Hà đem bộ đồ nghề làm móng tay để trên bàn rồi đi lại bàn thờ ông thần tài dưới đất nơi có để sẵn một đĩa đựng mấy trái quýt và một vài bịch chip mà dì nghĩ thần tài Mễ sẽ thích ăn.  Dì vái mấy vái cầu xin cửa tiệm làm móng tay tại gia luôn có nhiều khách hàng.  Cô Silvia, người Mễ hàng xóm ghé qua nhờ dì sơn lại móng tay.  Trong lúc làm việc dì Hà và cô Silvia trao đổi câu chuyện gia đình thì mới thấy cả hai văn hóa có nhiều điểm giống nhau chẳng hạn như người phụ nữ dù có đi làm ở ngoài khi về đến nhà vẫn phải chu toàn việc nội trợ, phải lo việc ăn học của con cái tới nơi tới chốn, trong khi đó các ông chồng ít khi phụ giúp việc nhà mà lại còn kiểu "chồng chúa vợ tôi".  Do đó vì thương gia đình người phụ nữ đành phải chấp nhận hy sinh và cố gắng thu xếp thời gian để chăm sóc gia đình.
Ba mươi phút trôi qua, với 6 đoản kịch ngắn khoảng 5 phút cho mỗi câu chuyện. Khán giả trong hội trường đã nhìn thấy đời người tỵ nạn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.  Gần như ai cũng thông cảm và nhận ra chính mình trong vai của các diễn viên. 
Khi cô Mai Vân, đạo diễn và nhà viết kịch bản của nhóm Sân Khấu Việt Cali, giới thiệu các diễn viên đến khán giả thì mọi người không ngờ rằng những diễn viên trên đều là những thiện nguyện viên tài tử nhưng tài diễn xuất của họ không thua gì những kịch sĩ nhà nghề.
Bà Tư, bà Sáu và khán giả ở lại bàn luận đề tài "Làng Ta" cho đến phút chót mà vẫn tiếc nuối không đủ thời gian để trao đổi ý kiến.  Ban tổ chức mời mọi người trở lại tuần sau cùng thời gian và địa điểm. 
Tuần sau bà Tư thuyết phục ông Tư đi dự buổi hội thảo chung với bà vì cháu bà Sáu đang mọc răng và nó nhất định không chịu ai chăm sóc ngoại trừ ngoại nó, nên bà Sáu đành phải ở nhà.  Kỳ này vở kịch “Làng Ta” có phần thay đổi vì bà Thanh bận việc không tham dự được.  Do đó, vai bà mẹ và người vợ do hai diễn viên khác thay thế.  Tuy vậy, khán giả vẫn khóc thương cho nỗi đau của bà mẹ và có những tràng cười thoải mái với cảnh chồng già vợ trẻ và cái lầm "thiên đàng Mỹ quốc".  
Cũng như buổi hội thảo lần trước, đa số khán giả đều ở lại sau phần diễn kịch và cho biết vở kịch rất sống động.  Nhờ xem đoản kịch với tính cách khách quan nên họ thông cảm được nỗi khổ của người khác mà trước đây họ chỉ nghĩ đến riêng cá nhân họ thôi.  Ngoài ra, khi chia xẻ kinh nghiệm với nhau khán giả nghiệm được rằng mọi sự hiểu lầm trong gia đình, học đường, hay xã hội đều được hóa giải nếu mọi người chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau.  Khi ra về ông Tư bảo bà Tư chừng nào có những chương trình tương tự thì nhớ cho ông biết để ông cùng tham dự và học hỏi thêm.
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,272,895
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến