Hôm nay,  

Cưới Vợ Du Học Sinh

05/04/201000:00:00(Xem: 283733)

Cưới Vợ Du Học Sinh

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2855-28105-vb8040410

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ rất được quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết. Năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ."  Sau đây là bài viết mới trong loạt bài về đề tài “du học sinh Việt Nam tại Mỹ”.  Dĩ nhiên, chỉ là bài góp sức, không dự giải khi chính ông đã là giám khảo.

***

Minh và tôi cùng học một lớp ở bậc tiểu học dù hắn lớn hơn tôi đến 5 tuổi.  Tuy cách biệt tuổi tác, chúng tôi vẫn xưng hô "mầy, tao" với nhau.  Mãi cho đến bây giờ cũng vậy. Sau khi học hết trung học, nhanh lắm cũng 6 năm chúng tôi mới gặp nhau một lần.  Minh qua Mỹ năm 1975, còn tôi qua Mỹ theo diện HO đầu năm 1990.  Khi Minh từ Oakland xuống thăm tôi, tôi cứ tưởng hắn là ... ba của hắn.  Tôi không nói lên ý nghĩ này, vì không muốn làm hắn buồn, mà cũng vì sợ hắn chê tôi thiếu văn minh, không biết phép lịch sự của người Mỹ. Vậy mà hắn lại "phang" một câu sau khi nhìn chăm chú tôi từ đầu đến chân:
-Sao mầy già quá vậy" Tao cứ tưởng mầy là ...bác...
Thì ra hắn cũng tưởng tôi là...ba của tôi. Hắn nói có vẻ thành thật một cách tự hạo. Hình như hắn chẳng biết hắn già chút nào cả. Tôi quan sát Minh. Từ đầu đến chân, từ cách ăn mặc cho đến dáng bộ hắn đều cố ý làm hắn trẻ hơn nửa số tuổi đang có. Từ bao lâu nay, tuổi trẻ và phụ nữ vẫn là lẽ sống của Minh, nên hắn không mấy quan tâm đến những thứ khác rất cần thiết cho cuộc sống. Vậy mà không hiểu sao khi qua đến Mỹ hắn lại kiếm ra được nhiều tiền. Hôm ấy hắn đến thăm tôi với cái đầu tóc hớt ngắn; với cái mũ đội ngược, cái diềm mũ chìa ra phía sau; với cái áo ba lỗ và quần sọt.
Tôi nói:
-Tụi mình cứ hình dung nhau về cái thời 20, 30 tuổi, nên bây giờ thấy ai cũng già.
Minh biết tôi nói hắn già.  Hắn có vẻ ngạc nhiên tự hỏi sao tôi lại ...dám nói hắn-một người qua Mỹ trước tôi 15 năm- già.  Tôi mới vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ, nên có lẽ Minh xem tôi như đang còn ở Việt Nam, mà ở Việt Nam thời ấy, Việt Kiều không bao giờ...già.
Hắn có vẻ cụt hứng.  Tôi thấy hơi tội nghiệp cho hắn.  Tôi nói:
-Mầy không mập như tao tưởng. Ngay cả ở Việt Nam, người ta cũng đã bắt đầu sợ mập.
-Phải. Chính vì mập mà bà ấy ra đi hơi sớm.
Khi còn ở Việt Nam tôi có nghe nói vợ Minh mất.  Hôm nay tôi mới nghe việc này từ miệng hắn thốt ra.  Hắn nói tiếp, một cách không lấy gì buồn bã:
-Bà ấy chết cách đây đúng hai năm.  Hồi mới qua Mỹ hở một chút là bà ấy đòi ly dị.  Nhưng rồi khỏi cần li dị bà ấy cũng đi.
-Tao nghe nói hồi đó có một số bà "làm tàng" lắm, mà mấy thằng Mỹ cũng mất dạy...
-Lỗi tại đàn bà mầy ơi.  Không có thằng đàn ông nào thấy đàn bà đẹp mà không ham. Đàn bà OK thì nó mới cua được chứ.  Khi "tấn công" một người đàn bà, thấy mình có thể thành công trên 50% thì đàn ông mới dám cua.
Tôi nói qua chuyện khác:
-Chị ấy mất lâu rồi, có "đi thêm bước  nào chưa"
-Tao đang chọn lựa. Mầy có đám nào khá giới thiệu cho tao đi.
Tôi biết Minh chỉ nói cho có chuyện, nên chỉ im lặng. Hắn là người tương đối thành công trên đất Mỹ. Chuyện hắn kiếm thêm một người vợ nữa, không phải chuyện khó, nhất là năm nào hắn cũng về Việt Nam một lần, mà hồi ấy cái mác Việt Kiều còn oai lắm. Hắn từng về Sài Gòn, ở tại một khách sạn lớn nhất, cái khách sạn mà trước năm 1975 khi đi ngang qua hắn không dám nhìn, sợ...cảnh sát bắt. Nghe nói có một diễn viên điện ảnh hạng trung nào đó đã bị hắn bỏ rơi.
Minh thuê xe hơi, chở gia đình tôi đi ăn, đi chơi, rồi đến ngân hàng rút tiền, nói là cho con tôi.  Thằng con trợn mắt ngạc nhiên thấy bác Minh cho một cái thẻ vào trong cái khe, rồi một xấp bạc lòi ra. 
Cuộc hội ngộ thật vui. Minh ở lại nhà tôi hai ngày rồi về Oakland.
Mấy tháng sau Minh lại xuống thăm tôi.  Lần này hắn đi cùng với một người đàn bà nhỏ hơn hắn chừng 10 tuổi.  Minh giới thiệu Lan -tên người đàn bà- là vợ chưa cưới của hắn. Lúc bấy giờ chúng tôi đã thuê được một căn nhà 2 phòng ngủ. Hai vợ chồng chúng tôi và đứa con trai dồn vào một phòng ngủ, dành phòng kia cho Minh và Lan. Cả ba chúng tôi, kể cả đứa con trai 6 tuổi, vốn rất lười dọn dẹp, cùng nhau làm vệ sinh căn phòng, kê hai cái giường lại gần nhau, thay áo nệm, áo gối mới. Cả gia đình chúng tôi chuẩn bị cho một buổi tối sum họp bạn bè, ôn lại chuyện cũ, ăn uống. Nhưng chừng 10 phút sau thằng con tôi nói nhỏ với tôi:
-Bác Lan nói phòng ngủ gì mà hôi quá.
Một lát sau Minh và Lan đi ra nói:
-Xin lỗi, tụi tao phải đi đến nhà ông bác, kẻo ổng trách.
Tôi biết là họ đi mướn khách sạn.  Sáng hôm sau Minh và Lan tới mời gia đình tôi đi ăn Dim Sum ở phố Tàu. Không khí trong bữa ăn lạnh nhạt, hầu như chỉ nói chuyện cho phải phép. Sau đó Minh và Lan từ giã chúng tôi đi Disney Land. Thằng con nói:
-Con thích đi Disney Land, ba ơi.
-Lần sau ba đưa đi-Tôi nói.
Mãi cho đến 5 năm sau Minh mới xuống thăm tôi. Lần này hắn lái xe hơi xuống.  Thấy hắn chỉ đi có một mình, tôi hỏi:
-Lan không đi hả"
-Nó đi luôn rồi.
-Sao"
-Đừng nhắc tới con quỷ đó nữa.
Hắn nói không nhắc đến nhưng rồi sau đó vẫn kể:
-Tao chỉ nói tóm gọn thôi. Lan ly dị chồng vì chồng Lan "không có khả năng làm tròn bổn phận người chồng".  Khi cặp với Lan, tao không những "làm tròn bổn phận người tình" mà còn tuyệt dịu nữa.  Chính Lan cũng thú nhận như vậy.  Thế mà lâu lâu Lan lại nói "Không phải em thích cái-đàn-ông của anh đâu.  Nếu em thích cái-đàn-ông, em tìm thằng khác trẻ hơn nhiều" Tao nói "Em tìm thằng trẻ hơn, liệu nó có tình với em không"" Lan nói: "Bộ anh có tình với em sao"". Tụi tao suốt ngày cải nhau, chủ yếu là về chuyện trên.  Cuối cùng không cãi nữa, nghĩa là de nhau.
-Theo tao, không phải chỉ có cái-đàn-ông của mình là đủ cho đàn bà đâu. Mầy là người có phương tiện vật chất tương đối đầy đủ, không lẽ mầy chỉ cho Lan "cái của nợ" thôi sao"
-Tao hiểu mầy nói gì rồi.  Tao cho Lan rất nhiều thứ, nhưng cô ta vòi vĩnh quá. Vòi vĩnh như thế tao cảm thấy bị tổn thương. Tao có cảm tưởng tao già nua rồi, không phải cô ta đến với tao vì tình. 
-Bây giờ mầy đang độc thân hả"
-Tao đang tìm một người đàn bà thực sự yêu tao. Mầy nghĩ với cái tuổi 56, tao có thể tìm được một người như vậy không"
-Đương nhiên là được.  Nhưng chuyện này ông Trời sẽ định. Ông ta sẽ cột ai đó với mầy. Đừng bảo tao giới thiệu.
Tôi nói không giới thiệu nhưng vẫn nghĩ đến vài người có thể thích hợp với Minh.  Hồi đó tôi bắt đầu làm dịch vụ du học, chủ yếu là du học sinh từ Việt Nam. Những đợt du học sinh Việt Nam đầu tiên có nhiều cô đến 35 tuổi, mà qua Mỹ cũng chỉ để học tiếng Anh.  Về sau này với số tuổi như vậy, các cô phải xin học cao học, may ra mới được đi. Người ta nói: "Vạn sự khởi đầu nan" (Mọi việc khởi đầu đều khó). Câu này không áp dụng cho du học sinh Viẹt Nam được. Lúc đầu đi du học Mỹ rất dễ, 10 người rủi lắm mới rớt phỏng vấn 1, 2 người. Sau đó thì khó dần. Bây giờ 10 người may ra mới đậu 1, 2 người.
Nga và Hồng là hai trong số những du học sinh lớn tuổi.
-Nghe nói bây giờ mầy đang làm chủ mấy tiệm giặc ủi, tiệm bán nước lọc. Mầy đâu có đi làm sở như trước nữa-Tôi nói.
-Bây giờ tao giao hết nhà cửa, cơ sở kinh doanh cho  đứa con đứng tên. Mỗi tháng nó cung cấp cho tao một số tiền ăn xài.  Tao có thể ở lại đây chơi với mầy cả tuần.
-Có một số du học sinh đang cần làm các thứ giấy tờ.  Mầy giúp tao chở họ đi làm giấy tờ được không"
-Được.
Hồi ấy du học sinh Việt Nam được dễ dàng cho làm thẻ An sinh Xã hội (ASXH). Chừng 7, 8 năm trở lại đây du học sinh nào được trường học cho làm việc phụ trong trường, mới được phép làm thẻ này. Còn thẻ căn cước (ID card) và bằng lái xe thì hình như được khuyến khích làm, có lẽ để chính phủ dễ kiểm soát.  Muốn được thi lái xe, nếu không có thẻ ASXH, chỉ việc đến một văn phòng An sinh Xã hội nào đó xin giấy chứng nhận không có thẻ ASXH. Thẻ ASXH của du học sinh có ghi chú "không được phép làm việc" nên ngoài việc làm ở trường học như đã nói, các em không làm việc chính thức được. Tuy nhiên du học sinh có thể dùng thẻ này để học móng tay, tóc..., những môn học mà các em rất thích, còn hơn cả Business Administration, Computer Science... ở các trường cao đẵng và đại học.
Minh rất hăng hái trong việc chở du học sinh đi làm giấy tờ. Có lần Minh khoe tôi:
-Tao xin được cho vài đứa "được phép làm việc".  Mầy phục tao chưa"
-Mầy xin ở đâu" Nói giỡn hay nói ... chơi vậy"
-Thằng Sơn vừa nhận được thẻ ASXH. Trên thẻ không ghi gì cả, giống y như của tao và mầy vậy.
Tôi cười phá lên:
-Mầy chỉ lo "bán nước", không biết gì cả. Họ quên ghi hay không cần ghi. Tất cả information đã được lưu trong hồ sơ.
Rất thường khi, sau khi làm giấy tờ xong, Minh chở các em đi chơi, đi ăn. Dĩ nhiên Minh bỏ tiền túi ra trả vì phần nhiều du học sinh khá nghèo, lại thấy thứ gì ở Mỹ cũng đắt hơn ở Việt Nam. Có lần Minh chở 5 em, 3 nam và 2 nữ, đi ăn "All you can eat" tại một tiệm ăn của người Mông Cổ ở San Gabriel.  Các em nghe nói "ăn bao nhiêu" cũng được nên "ăn cho bỏ ghét, cho đáng đồng tiền của chú Minh",  lấy hết dĩa thức ăn này đến dĩa thức ăn khác, bỏ thừa mứa đầy bàn, có khi còn đem trả lui. Một nhân viên bán hàng, hình như quản lý  (manager), nói với một nhân viên khác "Đồ mọi rợ!". Minh nghe được, chửi lại.  Hai bên suýt đánh nhau.
Hai tuần sau đó chỉ còn hai du học sinh nữ lớn tuổi nhất xin ở tạm nhà tôi vì không đủ tiền thuê nhà. Đó là Hồng và Nga.  Cả hai cô đều dễ nhìn, nhưng với số tuổi này họ khó kiếm một người chồng cho ra hồn ở Việt Nam.  Nga lớn hơn Hồng 2 tuổi, không đẹp bằng Hồng.  Nga hơi đẫy đà, nhưng được cái nước da mịn màng, vẻ mặt hiền từ. Tôi thấy hầu như lúc nào Nga cũng làm việc  hoặc làm bài. Những lúc như vậy đầu Nga cúi xuống, có vẻ chăm chỉ và chịu đựng. Khi tiếp chuyện với ai, Nga từ từ ngước nhìn lên với ánh mắt hơi buồn bã rồi vui tươi dần, nó làm cho người tiếp chuyện với cô cảm thấy dễ chịu. Hồng thì lúc nào cũng liến thoắng, vui vẻ, chải chuốt. Vợ tôi rất thích hai cô này vì họ hay giúp đở bà ấy trong việc bếp núc. 
 Minh hay chở Hồng và Nga xuống Orange County nhảy đầm, dù chỉ có Hồng biết nhảy đầm.  Những lúc như vậy hắn đều rủ vợ chồng tôi đi theo. Vợ tôi không thích nhảy đầm, không muốn đi, nên tôi cũng không...dám đi.  Một hôm Minh nói với tôi:
-Hai con nhỏ đó, mầy thấy con nào được hơn"
Tôi cười nói:
-Tụi nó có thích mầy không đã chứ!
-Tao không chắc hai con nhỏ thích tao hay không, nhưng chắc  chắn tụi nó thích ở lại Mỹ.
-Còn về phần mầy, mầy thấy "cảm" ai nhất"
-Tao thấy "cảm" cả hai. Nga không đẹp bằng Hồng nhưng hiền.  Hồng thì đẹp hơn nhưng hơi lanh. Phải chi luật pháp Mỹ cho lấy hai vợ và nếu hai cô chịu, tao làm hôn thú với cả hai.
Tôi cười nói:
-Ngày mai thức dậy, gặp cô nào trước thì chọn cô đó. Người chọn không bằng Trời chọn.
-Tao biết mầy nói đùa, nhưng tao sẽ làm như vậy cho khoẻ. Suốt buổi chiều hôm nay tao cứ phân vân không biết chọn ai.
Trưa hôm sau tôi từ trường học về, đã thấy Minh đứng ngay ở cỗng:
-Xong rồi. Tao quyết định ngỏ lời với Hồng.
Tôi hỏi một cách thật vô lý:
-Sao lại vậy"
-Tao thức dậy, vào phòng tắm, thấy Nga từ trong đó đi ra. Thú thật tao thấy tiếc tiếc...Hồng. Tao có cảm tưởng như số mệnh hay ông Trời hay gì gì đó, đã cố ý "cột" tao với Nga, không muốn cho tao chọn lựa nữa. Tao cảm thấy hơi mất cảm tình với Nga. Tao hỏi hơi xẵng giọng:
-Hồng đâu"
Nga nhìn tao ngạc nhiên:
-Nó đi ra phố Tàu rồi.
Thấy tao sắp đi vào phòng tắm, Nga nói:
-Khoan! Để cháu dọn lại cái phòng tắm đã.

Tao đi lên phòng tắm tầng hai. Tao đinh ninh không có ai trong đó vì cả nhà mầy đi vắng. Tao vặn chốt cửa. Bên trong không khoá. Tao hốt hoảng nghe tiếng kêu "ái", liền sau đó thấy Hồng trần truồng, đang lấy khăn tắm che người lại. Dù có che, tao cũng đã thấy được tấm than lồ lộ của Hồng. Tao chưa từng thấy ai đẹp như vậy. Nếu Hồng không phải là vợ tương lai của tao, tao sẽ kể tất cả mọi chi tiết...


-Thôi, khỏi cần. Rồi sao nữa"
-Tao xin lỗi Hồng.  Tao nói: "Vậy mà Nga nói Hồng đi phố Tàu". Hồng nói: "Không sao. Cháu nói với Nga như vậy nhưng chưa đi"
-Không, tao muốn hỏi rồi mầy định làm gì.
-À, thì sẽ ngỏ lời, rồi cưới.
-Có chắc Hồng chịu không"
-Chắc! Thừa kinh nghiệm với phụ nữ mà mầy!
Chiều tối hôm đó. Minh và Hồng biến đâu mất.
Vợ tôi hỏi:
-Ủa" Hai người kia đâu rồi"
-Chắc Hồng nhờ Minh chở đi đâu đó- Tôi nói.
Tôi nhìn Nga đang sửa soạn, lục tìm cái gì đó trong va-li.  Tôi thấy Nga không lộ ra một cảm xúc nào trong ánh mắt, nhưng tôi vẫn cảm thấy ái ngại cho cô ấy.  Tôi thấy Nga xứng đáng để Minh chọn hơn Hồng. Tôi biết rõ Nga hơn Hồng.  Nga người Việt gốc Hoa, từng theo gia đình định cư ở Cam-Bốt rồi trở về Việt Nam.  Nga nói được cả 5 thứ tiếng: Việt, Quảng Đông, Khmer, Anh. Tôi đã xin cho Nga học Dental Laboatrry tại Newton International College. Dù không học cao hơn nữa, Nga cũng có thể phụ giúp nha sĩ trong việc liên lạc với các bệnh nhân bằng các thứ tiếng trên với số lương cao, sau khi cô ta được làm việc chính thức. Hồi đó và có thể ngay cả bây giờ, các phòng mạch nha khoa, y khoa, nhãn khoa...rất cần nhân viên biết nhiều thứ tiếng.

Minh và Hồng đi chơi cho mãi đến 2 giờ sáng mới về. Hôm sau, Chủ Nhật,  9 giờ sáng Minh mới thức dậy.  Trong lúc uống cà-phê, Minh nói nhỏ:
-Tao rủ nó đi khách sạn, nó nhất định không chịu.
-Mầy định cưới vợ hay là...chơi gái vậy" Mầy vẫn còn tánh "chụp giật" như hồi xưa. Chắc mầy còn nhớ con gì đó, hình như Xuân, chửi mầy như tát nước.
-Thật ra tao cũng không muốn làm mất giấc ngủ của vợ chồng mầy...
-Thôi đi mầy ơi. Chẳng lẽ vì vậy mà mầy đem con người ta vào khách sạn tụt quần.  Mầy ngỏ lời với nó chưa"
-Chẳng lẽ chưa ngỏ lời mà tao rủ nó đi khách sạn. Xong rồi. Nó nói tuần sau sẽ trả lời dứt khoát sau khi hỏi ý kiến gia đình bên Việt Nam.
-Bày vẽ.
-Ừ, bày vẽ thật. Tao cũng biết nó chỉ nói cho có chuyện. Xem như xong rồi. Thủ tục kết hôn ra sao"
-Trước hết Mầy và Hồng đem giấy tờ đến County làm hôn thú.  Cứ đem tất cả các giấy tờ, chủ yếu là hộ chiếu của Hồng và thẻ căn cước hay bằng lái xe của mầy. County sẽ cấp cho hai người Marriage License và Marriage Certificate.
-Như vậy là Hồng được ở lại Mỹ"
-Không! Sau khi làm hôn thú xong, nếu Hồng trở về Việt Nam, cô ta vẫn là vợ mầy mà.  Muốn cho Hồng ở lại Mỹ, mầy phải nộp mẫu I-485 và I-130 để xin bảo lãnh Hồng.  Chuyện này tao sẽ nói rõ hơn sau.
Hồi ấy việc người có quốc tịch Mỹ kết hôn với du học sinh khá dễ dàng, nên mọi việc đều trôi chảy nhanh chóng.  Minh và Hồng đã chính thức trở thành vợ chồng. Hồng đã có thẻ xanh, rồi nhập tịch.  Hai người vẫn thường liên lạc với tôi qua điện thoại nhưng cho mãi đến 7 năm sau họ mới xuống thăm chúng tôi.
-Hi! Chú. Hi! Thiếm.
-Sao lại "chú, thiếm". Bây giờ là bạn bè với nhau mà...chị Hồng-Vợ tôi cười nói.
Sau 7 năm Hồng trông trắng trẻo và trẻ thêm, đẹp thêm.  Minh thì ốm hơn, già hơn trước khá nhiều. Đặc biệt đầu tóc Minh hớt theo kiểu mới, chung quanh trắng, trên chừa một chỏm đen, trông chẳng hợp với số tuổi 63 của hắn chút nào cả. Hắn nói:
-Ghé thăm vợ chồng mày một ngày rồi tụi tao đi Việt Nam.
Chiều tối hôm đó vợ tôi rủ Hồng đi mua sắm, ba đứa con tôi  đi đâu đó, chỉ còn Minh và tôi ở nhà. Tôi hỏi Minh:
-Sao" Hạnh phúc chứ"
-Khá.
-Sao lại khá. Tuyệt chứ"
-Về chuyện ấy thì tuyệt.
-Bao lâu một lần"
-Vài ngày.
-Dữ vậy! Mầy có dùng thuốc chứ"
-Thỉnh thoảng thôi.
-Còn chuyện gì không tuyệt"
-Tao rất bực cái tánh hay lẫy, hay hờn của Hồng.
-Có yêu mới có giận hờn. "Giận thì giận, mà thương thì thương"
-Nhưng ai lại hở một cái là lẫy. Tao nói hơi lớn tiếng Hồng cũng lẫy; cùng nhau đi dạo phố, tao bước hơi nhanh Hồng cũng lẫy.  Tao có cảm tưởng như "con mụ" luôn luôn bất mãn.
-Bây giờ cũng còn lẫy sao"
-Gần như hết. Có lẽ càng ngày càng lớn tuổi, Hồng...
-Biết đâu "nói lớn tiếng", "bước hơi nhanh"...chỉ là những cái cớ. Có lẽ có một nguyên nhân chính mà mầy chưa biết được.
-Tao chỉ thử trí thông minh, óc xét đoán của mầy thôi. Đúng như mầy nói, từ khi tao có ý định làm nhà bên Việt Nam thì Hồng hết lẫy. Tao có gởi cho đứa con một số tiền khá lớn. Tao vừa lấy tiền lại,
nhờ phía bên gia đình Hồng mua mấy miếng đất ở Long Bình. Tao định xây nhà cho tụi ngoại quốc thuê.
-Ai đứng tên"
-Dĩ nhiên cha mẹ Hồng đứng tên. Việt Kiều chưa đứng tên được.
-Chỗ bạn bè thân, tao hỏi thật.  Mầy không sợ sao"
-Tao biết mầy muốn nối gì. Sống với nhau 7 năm không đủ tin sao"
-Nhưng trong 7 năm Hồng chỉ "ăn trợ cấp" của mầy, bây giờ thì khác. Có khi nào mầy "khôn 7 năm dại 1 giờ không".
Nghe tôi nói Minh có vẻ "khựng" lại, nhưng rồi hắn lại ngâm liều mấy câu thơ của cụ Phan Khôi:
-"Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẩu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẩu có làm gì cũng chẳng làm sao."
Tôi nói để hắn an lòng:
-Nói vậy chớ không sao đâu.
Một hôm nghe nói tôi sắp về Việt Nam, Minh gọi điện thoại cho tôi từ Sàigòn:
-Về Việt Nam nhớ lên Long Bình với tao, ở nhà tao. Ông bà già Hồng hiếu khách lắm, chịu chơi lắm. Tao có nói với cả nhà về mầy. Ai cũng mong gặp mầy.  Rồi tụi mình sẽ xuống Sài Gòn chơi. Tụi mình sẽ làm lại tất cả những gì từng làm mấy chục năm trước đây: Lang thang từ đường Bùi Thị Xuân, xuống Lê Văn Duyệt, quẹo qua Hồng Thập Tự theo sau mấy con nhỏ...
Nghe minh nói tôi rất nôn nao. Vậy là tôi sẽ được sống lại những ngày tươi trẻ cũ bên cạnh người bạn nối khố.  Sau một đêm ở khách sạn tại Sài Gòn, tôi gọi taxi lên Long Bình, đến nhà Minh. Xe dừng trước một ngôi biệt thự đồ sộ. Vợ chồng Minh ra đón tôi tận cỗng. Hồng nhanh tay kéo cái va-li của tôi  vào nhà. Tôi nhìn cái phòng khách. Phòng khách thật rộng rãi nhưng vẫn còn trưng bày các vật dụng nghèo nàn của nơi ở cũ như bàn ghế, tủ, tranh ảnh...
Hồng nói:
-Mời anh ở lại nhà tôi nghe.
Tôi làm như không nghe, cuối xuống sửa lại cái khoá va-li vừa bị long ra. Tôi lẩm bẩm chỉ mình tôi nghe: "Đã mời tôi lên đây ở, còn mời gì nữa."
-Anh ngồi chơi một chút để con nhỏ clean lại cái phòng.
Hai ông bà khoảng tuổi Minh và một thanh niên từ nhà trong đi ra chào tôi.  Cả ba đứng dàn hàng ngang nhìn tôi.  Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng như ba nguời này đang thủ sẵn mỗi người một cây gậy để tấn công tôi.
Hồng giới thiệu:
-Ba, me và em trai Hồng 
Cha Hồng với ánh mắt dè chừng, nói chậm chạp:
-Chắc ông đây là...là...bạn của Minh"
-Dạ.
Sau buổi ăn sang khá trễ, Minh ngỏ ý cùng tôi đi dạo phố. Mẹ Hồng nói:
-Ở đây phức tạp lắm.  Để em nó đưa đi...
-Dạ thôi, ở nhà nói chuyện cũng được-Tôi ngắt lời
Nói vậy nhưng chờ lúc cả nhà ngủ trưa, tôi lẳng lặng một mình đi ra phố. Tôi gọi xe Honda ôm đi  thăm khắp vùng phụ cận rồi trở về.
Thấy tôi bước vào nhà, Minh hỏi:
-Mầy đi đâu vậy"
-Thăm dân cho biết sự tình
Trong bữa ăn chiều Hồng và gia đình cứ hỏi tôi đại khái như đi chơi có vui không, thấy Long Bình bây giờ ra sao...Tuyệt nhiên không ai đề cập đến việc "ở đây phức tạp lắm".  Sáng hôm sau thức dậy, tâm trí sáng suốt, tôi nhận ra một điều rất rõ ràng: Gia đình này muốn "cách ly" tôi với Minh, sợ tôi "xúi" Minh vì tôi là người có khả năng "xúi" Minh hơn bất cứ ai.  Có lẽ Minh có nói với Hồng về chuyện "khôn 7 năm dại một giờ". Dĩ nhiên Minh không nói như tôi đã nói, mà rào trước đón sau để dò bụng Hồng, để được nghe Hồng nói dối...cho an lòng: "Không hiểu sao anh lại có ý nghĩ  tệ hại về em như vậy. Em thề..."
 Khi tôi từ biệt mọi người trở về Sài Gòn, Minh không hề nhắc nhở gì đến việc "làm lại tất cả những gì từng làm mấy chục năm trước đây".
Tôi trở về Mỹ được một tuần thì Nga đến thăm tôi, cả chồng cô ấy nữa. Nga không hề  thay đổi, từ hình dung cho đến tánh tình.  Tôi vui sướng biết Nga đã tốt nghiệp nha sĩ. Tôi cảm thấy hơi tiếc cho Nga khi thấy người chồng. Đó là một người đàn ông lớn tuổi hơn Minh rất nhiều.  Nghe nói anh ta chẳng đem đến cho Nga cái gì ngoài cái thẻ xanh.  Họ chung sống với nhau đã 7 năm.
Đã khá lâu rồi tôi không được tin tức của Minh. Tôi không gọi điện thoại cho Minh. Tôi không cảm thấy hứng thú. Nhưng rồi một hôm tôi nghe tin Minh và Hồng đang ở Việt Nam qua lời một người bạn.  Vì đã lâu không về Việt Nam, tôi rủ vợ tôi nên về thăm Việt Nam một chuyến, đồng thời thăm Minh luôn.
Ở Sài Gòn vài đêm chúng tôi lên Long Bình. Nhà Minh ở trước kia đã cho ngoại kiều thuê. Rất may mắn, có người cho tôi biết nơi ở mới của Minh, không xa đó bao nhiêu.  Đó là một ngôi nhà khá lớn, khá đẹp, có vườn rộng. Tôi bấm chuông cỗng. Một con chó ở đâu đó chạy ra sủa inh tai nhức óc. Từ trong nhà một người đàn ông bước nhanh ra cỗng. Nhìn kỹ tôi mới nhận ra đó là cha của Hồng. Ông ta nay trông trắng trẻo phốp pháp hơn trước rất nhiều.
-Chào chú. Vợ chồng tôi là bạn của Minh, Hồng.
Trái với lần trước, ông tới bên tôi, đưa cả hai tay ra bắt tay tôi một cách rất vồn vã:
-Quý hoá chưa! Sao lâu quá không đến chơi. Phải ở lại đây. Nhất định phải ở lại.
-Dạ để lần sau. Minh, Hồng đâu rồi chú"
-Ở trong nhà.
Chúng tôi bước vào nhà. Hồng và mẹ cô từ phía sau đi ra, thấy vợ chồng chúng tôi, ai cũng tay bắt mặt mừng. Tôi ngồi nhìn cái phòng khách rộng rãi với những bàn ghế, tủ chạm trổ công phu; với những bức tranh sơn dầu treo trên tường bên cạnh mấy tấm giấy khen như "Tổ Quốc Ghi Công", "Có Công Chống Mỹ Cứu Nước". 
-Minh đâu rồi, Hồng"-Tôi hỏi.
-Anh Minh đang ngủ.  Nhưng cứ vô đi.
Hồng đưa chúng tôi vào một căn phòng cạnh đó. Lúc đầu tôi không thấy Minh đâu cả.  Nhưng rồi từ trong đống mền gối trên chiếc giường rộng một cái đầu  nhô lên. Tôi nhìn kỹ mới nhận ra đó là đầu của Minh.  Cái đầu nhỏ, tóc hớt ngắn, da mặt tái xanh.  Minh ngồi hẳn dậy, hất đám mền gối ra một bên.
-Mầy thiệt là...Sao không chịu liên lạc gì hết vậy"
Minh nói có vẻ trách móc. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần gặp tôi hắn đều trách tôi một câu tương tự. Minh cho hai chân xuống đất, vịn cái thành giường đứng lên, bước mấy bước chậm chạp, run run, đến ngồi trên chiếc ghế đối diện tôi.
-Không hiểu sao mấy hôm nay cái chân hơi ê ê.
Tôi đoán hắn nói dối. Hắn làm như đôi chân yếu của hắn là "hiện tượng", là tạm thời; chứ không phải yếu vì đã gần hết "nhớt".
Bà mẹ vợ của Minh, nay trông trẻ hơn hắn rất nhiều, thò đầu vào trong phòng:
-Minh! Mời mấy bạn ra phòng khách uống nước, đi con!
-Dạ.
Hắn trả lời, rồi nhanh nhẩu một cách khó khăn, đến đỡ cái bình trà nơi tay bà mẹ vợ.
-Mẹ để con-Hắn nhỏ nhẹ nói.
Tôi nhìn Minh, tự hỏi không biết trong những lúc âu yếm vợ, "em bé" Minh này đã nhỏ nhẹ như thế nào với vợ. Không lẽ hắn gọi vợ hắn là "chị" và xưng "em".
Chiều tối chúng tôi từ giã gia đình Minh trở về Sài Gòn.
-Ai cũng vui vẻ, niềm nở.  Sao anh lại...
Nghe vợ tôi nói, tôi ngắt lời:
-Trước đây không như vậy đâu" Có lẽ bây giờ họ thắng lợi rồi, không sợ mình xúi nữa. Nghe nói có bao nhiêu vốn liếng dành dụm Minh giao cho gia đình này hết rồi.
-Anh nói lạ thật! Không giao cho vợ thì giao cho ai"
-Nhưng phải chọn vợ mà giao. Tại sao trước đây Minh không chọn Nga. Quả thậtTrời đã hành hắn.
-Nhưng anh thấy không, trên môi anh Minh luôn luôn nở một nụ cười.  Trông anh ấy rất hạnh phúc. Thế nào mặc lòng, miễn Minh cảm thấy hạnh phúc là được.
-Anh vẫn cảm thấy một cái gì đó không ổn trong gia đình này.
Điều tôi cảm thấy quả không sai. Mấy tháng sau Minh gọi điện thoại cho tôi:
-Mầy khoẻ không"
-Khoẻ như voi.  Chắc có chuyện gì mầy mới gọi tao phải không"
-Đúng vậy. Tao nói tóm gọn cho khỏi mất thì giờ của mầy. Cái tiệm giặc ủi ở Mỹ mà tao giao cho thằng con cần thêm một ít vốn. Tao nói với gia đình Hồng bán bớt một cái nhà để lấy tiền. Ông bà già và thằng em trai phản đối. Riêng Hồng, không những phản đối, mà còn bảo tao bán phức cái tiệm giặc ủi đi để mua thêm đất ở Việt Nam. Tao không chịu. Hồng lẫy suốt mấy ngày nay. Cả tuần nay người ta làm cái gì đó trong rừng, muỗi bay về đầy nhà, tối ngủ phải treo mùng, vậy mà Hồng ngồi suốt đêm ngoài mùng, lại còn doạ sẽ tuyệt thực nữa.
Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
22/11/201802:56:44
Khách
tui có ý kiến nề ...... hêhêhê , ông Minh nên bán luôn cái tiệm giặt ủi xong kéo hết thẽ credit card , có chục cái kéo hết ráo luôn ,mượn thêm tiền nhà băng nữa , mượn bạn bè mỗi người khoãng chục xấp .... sao cho đủ 1 triệu đô Mỹ cầm về VN cho con vợ cũa ông ta là cã nhà nó cho ông sống chung , nếu không cả nhà con mụ dzợ nó đá đít ra khỏi nhà với 2 bàn tay trắng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,669,319
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến