Hôm nay,  

Còn Dạy

01/04/201000:00:00(Xem: 125908)

Còn Dạy

Tác giả: Bùi Thanh Liêm
Bài số 2852-28102-vb4040110

Bùi Thanh Liêm là bút hiệu của Tiến sĩ Bruce Long Vu, một khoa học gia gốc Việt trong ngành khoa học không gian Hoa Kỳ. Trong năm 2002, ông đã được vinh danh về công trình góp phần vào các dự án hệ thống phòng thủ phi đạn quốc gia, giải pháp di chuyển an toàn cho phi thuyền Con Thoi, kỹ thuật vi học (natotechnology) giúp sản xuất các tế bào điện toán dùng cho phẫu thuật cực vi của Lục Quân Hoa Kỳ.
Với bút hiệu Bùi Thanh Liêm, ông đã viết nhiều truyện ngắn trên tạp chí Văn do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Ông cũng là tác giả bài viết "Mùa Hè Năm Ấy", tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000 và đã được trao tặng giải danh dự.
Ông tên thật là Vũ Thành Long, sinh năm 1962 tại Vũng Tàu,  tốt nghiệp tiến sĩ tại Mississippi State University, Starkville, với luận án "The Use of Non-Uniform Rational B-Splines (NURBS) in Overset Grid Generation", tạm dịch "Ứng dụng chốt trục Bezier hữu tỷ bất đồng trong thuật chia lưới đảo lộn".
Từ 2002 tới nay,ông là khoa học gia hệ thống phóng (launch systems), NASA Kennedy, Florida, trách nhiệm nghiên cứu về phương pháp giảm chấn động và cường độ âm thanh khi phóng phi thuyền; thí nghiệm và dự đoán hiện tượng cát trượt do ảnh hưởng lực đẩy của hỏa tiễn; tính toán ảnh hưởng áp suất gió quanh nhà chứa phi thuyền và trên bệ phóng; lập trình tính toán sự phát triển âm thanh ở tần số thấp.  Bài viết mới của ông nhìn lại  công việc giảng dạy tại đại học,

***

Tuần rồi, trong lúc đang rảo bộ đến bãi đậu xe của trường đại học Florida Tech ở Melbourne thì có một sinh viên chạy theo, gọi tên tôi và chìa tay ra bắt. Cậu sinh viên này nom nét mặt hơi quen, chắc chắn phải là một học trò cũ của tôi. Cậu tự giới thiệu tên và cho biết là đã từng học lớp Thermodynamics (Nhiệt Động Lực) của tôi năm 2006. Cậu nói:
- Tôi chỉ muốn cho giáo sư biết tôi học hỏi được rất nhiều từ lớp học đó. Hiện tại tôi đang giữ số điểm trung bình rất tốt và hè này sẽ tốt nghiệp hạng danh dự. Tôi chỉ muốn nói cho ông biết là nhờ ông mà tôi mới có được ngày hôm nay.
Câu nói làm tôi cảm động vô cùng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được câu khích lệ như thế. Tôi cũng nghe những câu phê bình tích cực từ các học trò của mình; các em kể lại cho đồng nghiệp của tôi ở Florida Tech là tôi là một giáo sư khó chịu, cho bài thi khó nuốt, nhưng các em vẫn thích cách giảng dạy của tôi. Mỗi cuối niên khóa, đọc lại các lời phê bình nhận định của học trò của mình, tôi biết rất rõ mình làm được gì và cần phải cải tiến những gì. Ở bất cứ lớp học nào, đến cuối niên khóa là các sinh viên được cơ hội chấm điểm và phê bình giáo sư của mình.  Không phải lúc nào tôi cũng nhận được điểm cao. Đôi khi tôi nhận được những số điểm thật thấp và những lời phê bình hằn học, vô căn cứ; chắc hẳn các điểm đó đến từ những sinh viên làm biếng, không chịu khó học tập, và bị tôi cho điểm D hoặc F.
Nhìn lại quãng đường dài đã mười năm từ khi bước vào nghề giáo, có rất nhiều kinh nghiệm buồn, vui lẫn lộn. Nếu kể hết cho bạn nghe chắc phải mất cả chục lá thư. Tôi bắt đầu cái nghề "gõ đầu trẻ" này bằng một cơ hội rất tình cờ. Năm 2000, trung tâm NASA nơi tôi làm việc từ năm 1989 có chương trình trao đổi với các trường đại học, qua đó các giáo sư ở đại học vào NASA làm việc và các nhân viên NASA vào các đại học để nghiên cứu hoặc giảng dạy. Tôi được chọn vào chương trình này, khóa 2000-2002. Tôi chọn đại học Alabama A&M ở gần nhà. Trường đại học này thuộc đại học thiểu số, đa số người Mỹ gốc Phi Châu theo học. Vậy mà hôm đầu tiên đứng lớp tôi vẫn run. Khóa đó tôi dạy lớp Fluid Mechanics (Cơ Lưu Chất) chung với một giáo sư khác. Đến niên khóa sau tôi dạy một lớp thuộc chương trình cao học, do chính tôi đề xướng và đưa vào giáo trình của nhà trường. Đó là lớp "Grid Generation". Vì môn học này mới quá cho nên nhà trường đề nghị xếp vào lớp học thử nghiệm (pilot course) và niên khóa đó lớp của tôi chỉ có vỏn vẹn 6 người theo học. Đó là những giáo sư trong ban kỹ thuật cơ khí của đại học Alabama A&M. Cũng nhờ dạy lớp học đó mà tôi lại học hỏi được rất nhiều. Các học trò của tôi, những giáo sư nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, đã chỉ bảo tôi làm sao để đứng lớp tốt hơn.


Rồi đến năm 2002, tôi dọn về Florida, làm việc cho trung tâm NASA Kennedy. Năm 2004 trong một buổi thuyết trình ở đại học Florida Tech, biết tôi có kinh nghiệm giảng dạy, vị trưởng khoa đã mời tôi dạy các lớp đêm. Tôi bắt đầu trở thành "adjunct professor" của Florida Tech từ đó. Thông thường thì tôi dạy một năm 2 lớp, Cơ Lưu Chất vào mùa thu và Nhiệt Động Lực vào mùa xuân, chỉ có niên khóa 2008-2009 tôi bị gián đoạn vì phải qua Monterey, CA giảng dạy ở học viện Hải quân. Tôi đã làm việc này liên tục từ năm 2004 cho đến nay. Từ tháng 8 cho đến tháng 12 là khóa mùa thu, và tháng 1 đến tháng 5 là khóa mùa xuân là tôi lại bận rộn đi dạy. Chỉ có 3 tháng mùa hè là tôi rảnh, không có đi dạy, bị bạn bè Việt Nam chơi chữ, nói rằng cứ đến hè là tôi lại bị... mất dạy!.
Con số học trò của tôi có thể lên đến năm, bảy trăm. Có nhiều em giờ đã ra trường và nắm giữ các công việc quan trọng ở khắp nơi trên nước Mỹ. Có nhiều em được NASA mướn, bây giờ trở thành đồng nghiệp của tôi. Có nhiều em bây giờ đi họp tôi vẫn hay gặp, các em quen miệng cứ gọi tôi bằng giáo sư, hoặc "Dr. Vu".
Tôi rất hãnh diện về thành công của học trò của mình. Qua các sự thành công và trưởng thành của họ, tôi thấy điều mình làm rất có ý nghĩa, và đó cũng là chất xúc tác mạnh, khiến tôi khó có thể bỏ cái nghề giáo bạc bẽo này. Có nhiều người tưởng là lương giáo sư đại học cao lắm. Có thể là vậy, nhưng mức lương đó dành cho các giáo sư chính, còn giáo sư phụ, dạy bán thời gian như chúng tôi, đa số là yêu nghề mà dạy chứ không ai ham gì tiền lương. Nếu không có thu nhập từ việc làm chính thì chắc chắn tôi không thể làm adjunct professor mà đủ sống.
Thật ra làm nghề giáo cũng khá vất vả, phải lo soạn bài, chấm bài, phải nghiêm nghị khi đối phó với các sinh viên cứng đầu, không chịu khó học bài rồi đến khi thi bị điểm thấp lại lên kiện tụng. Làm nghề giáo cần phải có đức tính kiên nhẫn, phải biết rõ trình độ của lớp học mà giảng dạy cho thích hợp. Một khó khăn lớn nhất lúc nào tôi cũng gặp phải là cái khoảng cách trình độ trong lớp lúc nào cũng quá lớn, có nghĩa là sinh viên giỏi và sinh viên kém lúc nào cũng có mặt trong lớp của tôi. Nếu tôi cho bài thi khó thì sinh viên kém chắc chắn sẽ bị rớt, còn dễ quá thì các sinh viên giỏi đâm ra nhàm chán. Rồi tốc độ giảng bài nữa, nếu muốn cho kịp với giáo trình thì phải dạy lướt qua các bài tập, chỉ chú trọng phần lý thuyết, nhưng làm như vậy thì các em học chậm sẽ bị bỏ rơi. Còn nếu mà ôn hết các bài tập trong sách giáo khoa thì sẽ không tài nào hoàn tất được đề cương khóa học.
Tuy nhiên, bù lại tôi cảm thấy may mắn hơn các đồng nghiệp của mình ở NASA nhiều. Một điều rõ ràng là các kỹ sư đi làm họ chỉ tập trung vào công việc mình làm, ít có dịp dùng những lý thuyết cơ bản học ở trong trường.  Riêng tôi, vì nhờ tiếp tục công việc giảng dạy, cần phải nắm vững lý thuyết kỹ thuật để truyền đạt cho học trò của mình, cho nên đầu óc lúc nào cũng nhạy bén, không có chuyện quên các vấn đề cơ bản.
Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ nghĩ là lớn lên mình sẽ làm cái nghề "gõ đầu trẻ". Hồi bé thấy các thầy cô mình cực nhọc, kiên nhẫn chịu đựng với những đứa học trò ngổ ngáo như tôi, tôi thấy tôi nghiệp cho thầy cô của mình quá. Tôi nghĩ chắc lớn lên không dám đi theo cái nghề này. Thế mà cuối cùng tôi đã bám theo nó mười năm trời, và có lẽ sẽ theo đuổi cái nghề này còn lâu nữa.  Mỗi khi đọc báo thấy học trò của mình nay đã thành công, nổi tiếng, trong tôi lại có một cảm giác vui sướng khó tả.  Hoặc như khi nghe chính miệng một học trò cũ của mình nói là nhờ tôi mà em đã thành đạt thì thử hỏi làm sao tôi có thể bỏ cái nghề bạc bẽo nhưng cao quý này cho được.

Bùi Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,672,327
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến