Hôm nay,  

Nhớ 30 Tháng Tư: Ra Khơi Thái Bình

17/03/201000:00:00(Xem: 184536)

Nhớ 30 Tháng Tư: Ra Khơi Thái Bình

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2889 -1628989- vb4031710

Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Bài viết mới nhất của bà là một hồi ký về 30 Tháng Tư.

***

Mới đó mà đã xong ba ngày lễ lớn, Tết Tây, Tết Ta, và Lễ Tình Yêu.  Kim cảm thấy lòng mình dịu lại được đôi chút sau những bữa tiệc liên hoan bận rộn của hai tháng đầu năm.  Sau nhiều năm sống tại Hoa Kỳ, Kim đã nghiệm ra được một triết lý sống mà đa số cư dân ở đây dù sắc tộc nào cũng từng trải và áp dụng cho đời sống họ: “Làm tận lực, Ăn cực ngon, Nợ cứ mượn, Chơi cho đã, Già khỏi tiếc.”
- Nè Kim, du thuyền đi Mễ 4 ngày 3 đêm đang bán giá hạ.  Bạn có tính đi chung với tụi này không"
- Chừng nào đi"  Kim uể oải hỏi lại người bạn đồng nghiệp tên Tài.
- Hồi nãy bạn không nghe tụi này nói gì hết sao" 
- Nếu biết thì còn hỏi làm gì"
- Thì là cuối tháng tư đó.  Nhân dịp lễ Cinco de Mayo ngày 5 tháng 5 bạn xin nghỉ thêm vài ngày đi chơi cho vui.  Ở gần Mễ mà không ghé nước Mễ thì hơi uổng đó nhe!
- À!  Dịp nào thì được chứ dịp đó thì không.
- Sao vậy"
- Tôi lỡ hứa ba má về thăm gia đình rồi.
- Uổng thiệt!  Trong nhóm bạn chỉ có Kim biết tiếng Mễ mà không đi được, tiếc ghê!
- Thôi đi anh Tài ơi!  Sao không nói thẳng ra là muốn có Kim đi theo để nó mặc cả hàng hóa giùm cho anh mua rẻ.  Tiếng cười khúc khích của cô thư ký Liên bỗng dưng im bặt khi Tài đảo cặp mắt nghiêm nghị về hướng cô.
Mặc cho các bạn đồng nghiệp say sưa bàn cãi về dự trù đi du thuyền qua Mễ của họ, Kim nhớ lại những lần đi ra ngoại quốc hết Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, rồi đến Đài Loan.  Thuở ấy Kim vẫn còn là một sinh viên độc thân vui tính thích đi đây đó vừa học văn hóa nước ngoài vừa học thêm ngoại ngữ.  Nhưng lần nào cũng như lần nấy, khi ở xứ người mỗi khi nhớ nhà, Kim không nhớ Viêt Nam mà lại cứ nhớ về Mỹ. 
Bây giờ Kim đang ở tiểu bang California, mỗi khi muốn thức ăn hoặc sinh hoạt giải trí của các sắc tộc thì chỉ cần hỏi các bạn đồng nghiệp là biết ngay nên Kim thấy không nhất thiết phải đi xa mới có cái vui.  Hơn nữa chuyến du thuyền năm xưa vẫn còn hiện rõ trong trí Kim như chuyện mới xẩy ra hôm qua…

*
“Số bạn là số du lịch, bạn sẽ được đi ngoại quốc. Không phải chỉ một nước mà nhiều nước lắm.  Nét chỉ tay càng rõ thì càng hiệu nghiệm.” Kim bỏ quyển sách coi chỉ tay xuống bàn rồi ngắm nghía bàn tay phải của mình ngay dưới ngón út.  Kim nghĩ thầm, 2-3 vạch là số du lịch sao"   Trong nhà chỉ có anh hai và Kim là có cơ hội đi xa, nhưng cả hai đã không có tên trong bảng học sinh du học thì đi đâu bây giờ"  Vả lại hôm nọ Kim đã ngó thử tay 4 đứa em Kim, trông cũng giống như vậy. Chắc cuốn sách nói sai vì đâu có ai cho học sinh tiểu học đi du học.  Và càng chắc chắn hơn là ba mẹ làm gì có tiền để gửi cả một đàn con 6 đứa ra ngoại quốc"
“Con người ai cũng có số.  Giầy dép quần áo còn có số huống chi con người!” Bác Bảo hàng xóm thường nói với vợ con bác như vậy.  Kim vốn không tin dị đoan, nhưng vẫn cứ hy vọng. Vào những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư năm ấy, Kim thấy ba mẹ cứ đi ra đi vào, nét mặt ưu tư.  Mấy đứa em Kim nhìn khuôn mặt ba mẹ rầu rĩ cũng không dám xin xỏ điều gì, nhất là chỉ trong vài tuần vừa qua khi tình hình chính trị sôi động, những thành phố miền Trung dần dần bị bỏ trống vì dân chúng ùn ùn chạy loạn về hướng Sài-gòn.  Tóc của ba, hai tuần trước còn đen nhánh, giờ đã thành tóc muối tiêu. 
Rồi chuyện gì đến nó sẽ đến. 
Tối ngày 29 tháng 4, 1975 cả gia đình Kim, ông bác và người anh họ may mắn được rời Việt Nam trên chiếc tàu hải quân đến Phi Luật Tân. Tại đây sau khi lo thủ tục giấy tờ trong vài giờ đồng hồ, mọi người lại lên chiếc tàu buôn của Mỹ để đến Guam.
Mặc dầu trời đã xế chiều nhưng đúng là tàu Mỹ có khác!  Trông nó to lớn hơn tàu Việt Nam nhiều.  Ít nhất với con tàu này Kim có thể thật sự bước lên bậc thang thật chứ không như cầu thang “ván sắt” thẳng tuột của tàu Việt Nam.  Lên trên tàu vì quá đông người nên ba và anh hai đi quanh co trên tàu kiếm chỗ “định cư”, cả nhà còn lại thì ngồi xụp ngay chỗ trống độc nhất khi mới lên tàu.  Cả tiếng đồng hồ sau hai người mới trở lại, mồ hôi nhễ nhãi, áo quần ướt nhẹp.  Ba bảo thôi để mai tính, hiện giờ chỗ nào trên tàu cũng người là người, rất khó kiếm được chỗ tốt.
Sáng sớm hôm sau thức dậy thì ba và anh Kim đã đi đâu rồi.  Vì còn mệt Kim lại ngủ tiếp, bỗng Kim nghe tiếng người lớn và con nít cứ lao nhao la hét om sòm.  Lại nghe tiếng một bà cụ phía bên trái than phiền số bà không may, trời nắng chang chang thế này mà bà ngồi đâu cũng bị ướt.  Mở mắt ra, Kim thấy hai ba dãy người đứng lố nhố gần bên như đang chờ đợi gì đó.  Còn bà cụ bên trái độ khoảng trên 60 tuổi, miệng đang nhai trầu, thỉnh thoảng bà nhổ nước đỏ vào ống nhổ và tiếp tục phàn nàn, nào là bà đi chạy nạn thì thất lạc con cái và bà đã già cả rồi mà cũng không được yên thân, cứ vài ba phút là có tiếng con nít léo nhéo bên cạnh làm bà không ngủ được. 
Chừng một tiếng đồng hồ sau, anh Kim về rủ đi nhận thức ăn.  Kim đi theo anh đến chỗ cửa “kho hàng” nơi anh lính Mỹ đang phát thức ăn bằng đồ hộp và túi dụng cụ vệ sinh cá nhân.  Chung quanh ai nấy đều chen lấn, rút cuộc Kim và anh cũng nhận được mỗi người một túi.  Về đến chỗ ngồi của gia đình thì thấy ba đang sắp xếp mấy miếng gỗ và mấy thùng giấy đập dẹp để lót cho chỗ ngồi khỏi bị ướt.  Thấy tay ba bị mấy vết cào chảy máu, mẹ hỏi thì ba nói phía dưới tàu ba thấy có mấy miếng gỗ đóng vào vách tàu nên ba và mấy người đàn ông vì không có dụng cụ phải dùng tay không gỡ miếng gỗ xài tạm. 


Nhìn kỹ chỗ ngồi của gia đình thì Kim mới biết tại sao ngay ngày đầu tiên người anh họ và ông bác không ở chung với gia đình mình, và hình như ba và anh hai cũng lăng xăng tìm việc gì làm chứ ít khi ngồi chung chỗ với gia đình.  “Túp lều” của gia đình Kim được tọa lạc chênh chếch với ba cái phòng vệ sinh dã chiến nên có thể nói đây là nơi tụ họp “bất đắc dĩ” của nhiều người nhất là con nít bất kể ngày đêm.  Ba chiếc cầu dã chiến này được đóng bằng những miếng ván gỗ sơ sài ngay ngoài thành tàu nhưng trông có vẻ chắc chắn hơn tàu Việt Nam; giữa trời mây biển nước chỉ có miếng ván mong manh làm cửa cho lịch sự, và ai muốn xử dụng thì phải bước lên bậc tam cấp rồi mới vào phòng “làm việc”.
Sáng hôm sau, Kim lại theo anh hai đi nhận thức ăn.  Hôm nay ít người xin đồ hộp hơn có lẽ vì họ không quen ăn thức ăn Mỹ lạt nhách, ông lính Mỹ cho anh em Kim mỗi người hai phần.  Về đến “túp lều” sau khi đưa mẹ thức ăn anh hai bỏ đi nơi khác, còn Kim thì chia xẻ mấy gói bánh mặn “crackers” quệt bơ đậu phộng với các em.  Dưới mái “lều” bên trái tiếng bà cụ lại vang lên:
- Trời hỡi!  Gia tài tôi chỉ có vài bộ quần áo phơi khô mà sao ai cứ tạt nước ướt thế này thì còn gì cho tôi mặc"
- Ấy, cụ đừng nói lớn quá kẻo mấy ông Mỹ dẹp nơi “trút bầu tâm sự” thì ta đi đâu khi cần bây giờ"  Tiếng anh lính trẻ kế lều bà cụ an ủi.
- Cụ cứ yên chí đi để cháu dạy cho đám con nít không biết điều này.
Anh lính chạy lại chỗ mọi người đang xếp hàng, dõng dạc tuyên bố:
- Này các anh, đàn ông con trai, khi đi vệ sinh yêu cầu các anh làm ơn ngồi xuống như phụ nữ.  Bà cụ ngồi kế đây đi chạy loạn chỉ có một thân một mình.  Suốt hai ngày rồi bà chưa có được một giấc ngủ yên làm gia đình tôi cũng không ngủ được.  Xin các anh đi vệ sinh phải giữ ý tứ vì gió cứ thổi tốc về hướng chúng tôi.  Tôi nói ít các anh tự hiểu lấy đấy nhé!
Có tiếng cười khúc khích, Kim quay lại thấy mẹ và các em đang tay ôm bụng, tay che miệng giả vờ ho.  Mẹ thì thầm:
- Hèn chi đàn ông con trai nhà này không ai thích ngồi cái chỗ xô bồ này.
Cái hàng dài bắt đầu vơi dần để rồi xế chiều nó lại đâu vào đó nối dài ngoằn ngoèo.  Gia đình Kim và những người chung quanh lại được một phen làm khán giả bất đắc dĩ.  Đặc biệt chiều nay Kim không còn thấy cảnh mấy bà mẹ dẫn con xếp hàng mà toàn là những ông bố đầu đội nón lính, mặc áo nhà binh với cái quần đùi, còn đôi chân vẫn luôn là đôi giầy bốt-đờ-sô.  Các ông tay ẵm tay bế những anh chàng và cô nàng tí hon, miệng lầm bầm:
- Đây là việc của đàn bà, nhưng bà xã bị say sóng nên tôi phải đi làm cái việc chẳng đặng đừng này.
- Thế thì anh còn đỡ, ít nhất nó là con anh.  Đứa bé này là con ông bà lều kế bên, cả hai vợ chồng đều bị say nắng hai hôm nay không nhúc nhích được nên tôi giúp được gì thì tôi giúp.
Một ông bố dẫn đứa con trai chừng 6 tuổi lên bậc tam cấp:
- Con là con trai lớn rồi thì phải tự vào một mình. Bố đứng ngay đây chờ chứ có đi đâu mà con lo.
Thằng bé chần chừ bước vào trong rồi la lớn:
- Bố ơi, cầm quần cho con.  Bố ơi, có mấy con cá lớn đang nhìn con kia kìa!
- Tiên sư cha nhà mày!  Ở đó mà còn cua với cá!  Nhanh lên, cả khối người đang chờ ở ngoài này đây nè.
Tiếng một bé gái “phòng” kế bên vọng ra:
-   Ba ơi, nó nói có con cá mà sao con không thấy có con nào vậy ba"
Ông bố đứng ngoài gãi đầu gãi tai:
-  Con đi nhanh lên ra ngoài rồi ba vẽ cho con mấy con cá tha hồ mà xem … .
Những mẫu đối thoại cứ tiếp diễn và bà cụ lều trái cứ cằn nhằn vì bị mất ngủ.  Tối đó chúng tôi được tin tàu sắp sửa cặp bến Guam.  Mọi người hân hoan ra mặt vì ít nhất chúng tôi không còn bị sống cảnh màn trời chiếu đất lênh đênh trên mặt biển.  Anh lính trẻ bảo bà cụ:
-   Thế thì cụ sướng nhé!  Cứ tha hồ mà ngủ khi lên đất liền, cụ không còn phải nghe tiếng ồn ào của con nít nữa.  Nhất là không bị “mưa” bất tử như ở đây.
Sáng hôm sau cả tàu đồn nhau là những người lính phải ném hết súng đạn xuống biển, nếu không thì tàu không được cặp bến.  Mọi người răm rắp nghe theo vì đã gần đến đất Mỹ đâu còn phải sợ chuyện gặp hải tặc mà giữ súng lại làm gì.  Những phòng vệ sinh dã chiến cũng được chăng dây cấm sử dụng.  Bà cụ mừng lắm vì không còn bị quấy nhiễu như mọi khi.  Niềm vui chưa dứt thì nửa tiếng sau khi tàu cặp bến, một ông bố dẫn thằng con 3 tuổi chạy lại định tháo sợi dây.  Ông bị bà mắng cho một trận:
- Này anh kia!  Bộ anh muốn ở trên tàu này hoài sao"  Anh không thấy bảng đề cấm dùng à"
Thấy ông bố còn đang ngơ ngác nhìn mảnh giấy, anh lính trẻ kế khều bà cụ giải thích:
- Chúng ta đã cặp bến rồi và đang chờ thủ tục xuống tàu.  Anh có thấy mấy ông quân cảnh đang đứng phía dưới không"  Anh bảo cháu nó ráng chờ một chút đi, chứ mấy ông ấy mà bị “mưa” xuống bất tử thì chúng ta làm sao xuống tàu được"
Ông bố đỏ mặt ẵm thằng bé chạy đi, miệng lầu bầu:
-  Bố đã bảo con sáng sớm phải đi liền, con không nghe lời, bây giờ phải chờ thôi.
*
Chuyến “du thuyền” 3 ngày 3 đêm không dự tính trước và tuy ngắn ngủi nhưng đầy những kỷ niệm vui buồn khó quên.  Vì thế cứ nghe đến du thuyền là Kim lại nghĩ đến chuyến đi tỵ nạn của gia đình năm xưa, một chuyến đi đầy sóng gió và hiểm nguy trên biển Thái Bình để đổi lấy hai chữ tự do.  Chắc hẳn những thuyền nhân khác cũng cùng một tâm trạng như Kim, suốt đời họ sẽ không bao giờ quên chuyến đi sinh tử ấy.
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,330,853
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.