Hôm nay,  

Giấy Bạc Con Công

10/03/201000:00:00(Xem: 384444)

Giấy Bạc Con Công

Tác giả: NGUYỄN TRUNG TÂY
Bài số 2882 -1628982- vb4031010

Tác  giả tự sơ lược về mình "Sinh tại Saigon, trưởng thành tại Sài Gòn và San Jose, CA. Hiện đang làm việc tại Melbourne, Úc Châu."  Muốn biết thêm về tác giả, mời vào địa chỉ trên mạng Webpage: www.nguyentrungtay.com. Thông tấn xã công giáo  VietCatholic cho biết "Linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây  thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago." Hiện làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu." Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của nhà văn linh mục  là "Mẹ, Mẹ Tôi" đã phổ biến từ tháng 5. Bài viết thứ hai là "Gốc Phi Châu", kể chuyện "ông thầy" và ghetto da đen tại Chicago. Sau đây là bài viết mới nhất, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010.

Hình: Một mặt của tờ giấy bạc con công. Sau khi Pháp  đánh chiếm Hà Nội, triều đình Huế phải chấp nhận Hòa ước Quý Mùi 25 - 8 - 1883, đồng bạc Đông Dương được quyền lưu hành tự do ở cả hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ. Tiền tệ do chính quyền phát ra trong giai đoạn này còn lấy bạc làm bản vị. Đồng bạc này lưu hành tại Việt Nam cho tới giữa thập niên 1940’.
*
Khoa học xác quyết ếch nhái chỉ sống ở môi trường có điều kiện sinh thái trong lành.

Hoài cuối xuống nhìn xấp thư. Mắt Hoài dừng lại ở hàng chữ Sài Thị, Hưng Yên. Hoài xé thư, lấy ra tờ giấy nhựa mỏng dính bọc kín hình tờ giấy bạc thời Đông Dương.
Cách đây hơn một tuần, Hoài lên mạng ghé vào e-bay trang tiền giấy. Đoài ơ hờ nhìn liếc thoáng qua những tờ giấy bạc Đông Dương. Nhưng tới tờ giấy bạc con công, Hoài dừng lại nhìn chăm chú. Tờ giấy bạc đã cũ, có một vài đường rách nho nhỏ theo đường gấp. Hoài quyết định đấu giá, mua cho bằng được tờ giấy bạc con công.
Hoài ngưng chải tóc, cầm lên tờ giấy bạc con công. Hoài ngạc nhiên, sao cổ con công lại có vết đỏ, màu đỏ tươi như mới. Hoài nhăn nhăn trán, lạ quá tờ giấy bạc con công này, nhìn sao quen quen...

*
Mùa mưa năm ấy kéo về làng Sài Thị sớm. Nước lũ từ trên thượng nguồn đỏ đặc mầu máu thông thốc đổ xuống cuồn cuộn nổi hằn đường vẩy lưng như đôi rồng vờn châu trên nóc đình làng thờ Đức Thánh Trần. Cuộn xoáy theo dòng nước lũ nhấp nhô xếp lớp, người làng đếm được cả nghìn cây khô, nhìn như con gái dang rộng chân, xòe những nhánh cây vướng toàn sợi tóc rối đen.
Lý trưởng Hai Thoan nhúng đầu ngón tay vào làn nước đỏ đục. Thoang thoảng trong làn gió oi nồng đầu mùa mưa, Hai Thoan ngửi thấy mùi tanh tanh. Mùi máu tanh nồng nặc khiến Hai Thoan lờm lợm cổ họng, người bỗng dưng như muốn ói...
Hai Thoan quay người, bước thoăn thoắt đi thẳng tới nhà cụ Nghè Nguyễn Hoạch, tiên chỉ và cũng là khoa mục khét tiếng nguyên cả phủ Khoái Châu, bởi cụ Nghè đã từng đỗ thủ khoa trường Thanh năm hăm hai, tiến sĩ năm hăm sáu, được thăng Tri Phủ Khoái Châu năm hăm chín tuổi. Nghe Lý trưởng hỏi ý, cụ Nghè đăm chiêu nhìn ra sông Cái nói tóc vướng rối nhánh cây là dây huyết nhĩ, chỉ thấy mọc trên đầu thượng nguồn, thường khi còn sống, mầu đỏ, chết đi, dây hóa đen. Nhưng, lạ quá, cụ lẩm bẩm, cây mộc có dáng con gái nằm ngửa đưa ngực lên trời như thế thì chưa từng nghe ai nói qua.
Điềm trời tiếp tục xầm xập đổ xuống làng Sài, tuần sau nối tiếp cây con gái là cây thuồng luồng. Cây thuồng luồng to bành, vồng cuồn cuộn nổi u bắp thịt như những người tá điền làm việc cho cơ ngơi nhà cụ Bá Tiên. Thân cây nổi vẩy mốc meo nhìn như thuồng luồng đã từng nổi trên sông Cái, bị người làng lưới bắt, giết đi lấy máu tế Đức Thánh. Không thâm trầm như cây con gái, cây thuồng luồng vừa trôi theo dòng nước đục mầu máu vừa hục hặc vừa ngóc ngóc đầu, thoạt nhìn tưởng như thuồng luồng hồng hộc đớp mồi.
Làng Sài Thị năm ngoái có người khách trú tóc bím đuôi sam đi ngang nhìn con đê vững vàng bàn thạch phán oang oang giữa đình,
- Tháng Năm năm tới, đê làng vỡ.
Lý trưởng Hai Thoan sấn sổ bước tới mắng ngay mấy mắng vào mặt người khách,
- Có câm miệng lại hay không, hay là đợi tao vả cho mấy cái rồi mới chịu câm miệng. Ăn nói vớ vẩn! Chẳng đâu vào với đâu.
Vụ lúa tháng Mười Hai năm ngoái, cả làng trúng mùa, thóc chất đầy kho. Rơm mang về, người làng chất đống, nhà nghèo lấy rơm đun bếp, nhà giàu tưới nước cấy nấm, ăn không hết phơi khô. Nhưng đặc biệt làng Sài Thị từ bao lâu rồi vẫn khét tiếng bởi những con ếch thịt trắng tinh, mỡ bám theo lườn vàng ươm mỡ gà. Dân gian từ bao lâu nay vẫn nức tiếng đồn, "Ếch làng Sài, gái làng Cao". Gái Cao Xá nổi tiếng, bởi Cao Xá đã từng tiến kinh hơn mười cô thiếu nữ. Riêng ếch Sài Thị, tháng Giêng, Sài Thị chuẩn bị ăn Tết, ếch mẹ ếch con từ ao hồ nhảy lên bờ nấp dưới ụ rơm. Người làng lật lên, chộp được cả nghìn con ếch vàng tươi to bằng hai bàn tay tá điền bụm lại. Ếch Sài Thị lột da, rửa nước giếng cuối làng, ướp sả Sài Thị, nướng trên rơm cũng của làng Sài mùi thơm thông thốc bao tử. Tiếng đồn ếch Sài Thị bay xa xuống tới tận kinh đô. Người Huế có dịp ra Bắc hà, bận chi thì bận cũng phải tạt ngang mua cho bằng được mấy gói ếch nướng sả Sài Thị mang về làm quà cho người nhà.
Nhưng, năm ngoái, thật là bất ngờ, ếch không về nữa. Người làng quen lệ cúi xuống tay lật rơm, tay kia vồ ếch, nhưng lần này chỉ ôm gọn vào lòng bàn tay những con rắn to nhỉnh bằng đôi đũa, mà lại là rắn lục xanh, độc nhất trong các loại rắn. Đã có người bị rắn mổ, lết chưa được dăm bước đã sùi bọt mép vật lăn ra ngay cửa bếp, thi thể người chết xanh len lét mầu da. Riêng tượng Đức Thánh cưỡi ngựa cao lớn tay cầm gươm dài chỉ thẳng về phương Bắc từ bao lâu vẫn đứng uy nghi trên bệ thờ, sáng hôm đó thằng Mão, mõ làng như thường lệ vô đình quét dọn, bỗng rú lên như người phải bỏng, mặt xanh ngoen ngoét như người gặp ma. Mõ làng ba chân bốn cẳng phóng chạy tới nhà Lý trưởng Hai Thoan báo tin dữ, tiếng chân hốt hoảng khua động đá sỏi dội vang cả làng. Nhiều người nhốn nháo nhìn theo. Nhiều bước chân trên đê dừng lại. Lý trưởng và dân làng hiếu kỳ chạy tới, đẩy cửa bước vào. Người người nhận ra cơ man là những rắn lục xanh đầu tam giác thè lưỡi đỏ lủng lẳng treo mình trên cây gươm của Đức Thánh. Rắn chui vào bộ áo giáp đúc bằng đồng. Rắn cuốn quanh đôi hia, rắn bò vào miệng, rắn chui vào mũi. Toàn thân Đức Thánh tinh là những rắn. Nguyên cả bệ thờ nhớt nháp nước rãi. Mùi tanh tưởi nồng nặc tô nhờn nhợn bầu không khí nhỏ bé của ngôi chánh điện. Đàn ông đàn bà uạ mửa ói ra từng vũng nhơn nhớt xanh. Có người hốt hoảng chỉ về hướng đông, mặt trời đỏ ối đang vặn mình đổi sắc biến sang mầu hồng, rồi trắng xanh, sau cùng đậm đặc một mầu xanh lè; vừng đông tái xám xanh ngoen ngoét như người hết máu chuyển động xoay tròn, rồi bỗng dưng xoay tít chong chóng bổ thẳng xuống đất. Người người trong làng hét to bỏ chạy tán loạn!

*
Sông Cái từ trên thượng nguồn đổ xuống tới phủ Khoái Châu cong cong uốn khúc tạo nên miếng đất rồng vàng. Làng Cao Xá nằm ngay cổ rồng, cho nên gái Cao Xá cổ cao trắng ngần. Làng Sài Thị nối tiếp theo sau, nằm ngay bụng rồng. Cho nên ngoài ếch nướng sả, làng Sài Thị còn đứng nhất phủ Khoái Châu với mười cây nhãn tiến vua tuổi thọ đã hơn cả trăm. Dọc theo bờ đê, mười cây nhãn đứng đều tăm tắp, vươn cao, thẳng hàng, xếp lớp, thoạt mới nhìn trông giống như tượng mười người lính thú đứng chầu trước cửa đình Đức Thánh, cũng xòe rộng nón thú, cũng hai chân đứng chụm, cũng áo lính thú mầu xanh. Nhưng trong khi lính thú quanh năm suốt tháng vận áo xanh, hằng năm tới mùa, nhãn tiến vua thay áo lính thú, khoác vào mầu vàng vương giả, bởi chi chít như tổ ong trên cành cây là những trái nhãn vàng ươm to bằng đầu ngón chân cái, thịt dầy ngọt lịm ôm chặt hạt nhãn nhỏ hơn cả đầu đũa.
Chiều tà ngày hôm đó, trong khi mặt trời xanh lục mầu rắn độc hấp hối chết lịm nơi đường chân trời, ngay dưới gốc cây nhãn tiến vua thứ ba, người làng nhìn thấy hai bóng người đong đưa theo ánh nắng chiều quái lạ. Bóng lớn ngần ngừ cất tiếng,
- Hội làng tối qua vui nhá...
Ứ ừ, ở đâu ra mà hội với họp.
Bị cô gái tóc bỏ đuôi gà hấm hứ, người tá điền mặt bỗng chảy thuỗng dài cứ như đỉa dính phải vôi. Cô gái cười hi hí, ngưng nhai cọng cỏ gà, nhìn ra ngoài cánh đồng miệng nói trống không,
   - Mà, mà... sao biết"
   - Thì con Tỉu nó nói chứ còn ai"
Lại cái con Tỉu, cái miệng thèo lẻo. Lần tới nó qua bên nhà, có van lạy cũng không cho nước cám lợn nữa...
Thìn dẫy lên như người phải bỏng,
 - Thôi, thôi, đằng ấy cho anh xin. Nó mà không có nước cám lợn mang về nhà, bu mắng chết.
Tối qua giỗ Đức Thánh. Cả làng kéo đi xem hội. Đoài đã hẹn với Tỉu ở gốc cây nhãn tiến vua. Đoài khoác vào người váy lụa Hà Nam thâm nâu, ra gốc nhãn đứng đợi, sớm lắm. Đợi thiu cả nồi bánh đúc lạc Đoài mới thấy Tỉu thủng thẳng bước tới. Thấy Tỉu đi một mình, mặt Đoài ủ dột như nhà có tang. Tỉu bật cười khanh khách, đúng là cái mặt mê giai nhé. Đoài lườm, đồ nỡm! Tỉu nắm tay Đoài kéo tới, thôi, nào, mình đi, anh Thìn phải ở nhà nấu cám lợn, cãi lời u, u đánh cho tuốt xác.
Đoài cắn đôi môi cắn chỉ, ngước nhìn Thìn,
- Đằng ấy có chuyện gì không mà gọi tớ ra đây. Nói nhanh nhanh đi, kẻo người làng nom thấy bây giờ.
- Sợ gì, cho họ thấy luôn.
 - Thôi đi ông tướng, đừng có nói nhảm.
Thìn bắt chéo mười ngón tay thô tháp vào nhau, vặn vẹo lung tung như người dở hơi, rồi bỗng dưng đổi ý bẻ bão từng ngón kêu rôm rốp. Cuối cùng Thìn cũng bật miệng nói được mấy câu trơn tru như rắn bò vào lỗ,
 - Có chuyện gì đâu, thì mấy ngày rồi không nhìn thấy...
Đoài đỏ mặt, đôi mắt tô than đen đậm cúi xuống, ngón chân di di nát bét chùm cỏ lông gà. Thấp thoáng xa xa trên bờ đê, Đoài thấy bóng Tỉu đang bước tới. Đoài đẩy Thìn ra,
 - Thôi, phải đi về đây...
Thìn giơ tay ra nắm lấy bàn tay Đoài. Tay con gái thơm hương ngọt ngào mùi lúa non, mềm mại như lụa Hà Nam. Đoài đỏ mặt giật tay lại. Thìn cũng ngượng ngùng, kéo tay về, nói chữa thẹn,
 - Ơ kià, đang nói chuyện vui... Sao lại đòi về"
 - Cái Tỉu nó ra kiếm ông tướng kia kià...
Thìn gắt gỏng,
 - Kệ nó...
Đoài cười tí toáy, da con gái hồng căng căng, răng ngọc trắng tinh đều tăm tắp,
 - Kệ nó... Nhưng có dám kệ u hay không"
Thìn mặt chĩu nặng. Đoài ngưng cười, giọng tự nhiên ngắt quãng như người lên cơn hen,
 - Thôi về đi, bu mới nói tối hôm qua, bảo nó, bảo cái thằng Thìn đó, nhờ người sang đánh tiếng...
Thìn trợn mắt,
 - Có thật không"...
Đoài quả quyết,
 - Không, em không giỡn...
Tiếng em bật ra bất ngờ không dự đoán, Đoài ngượng chín cả người, ngậm nhai nát cả cọng cỏ gà. Thìn đứng đó ngớ ngẩn như người dở hơi. Tiếng em ngọt ngào lần đầu tiên bật ra từ cửa miệng Đoài thơm tho, ngọt lịm như nhãn tiến vua. Thìn làm bạo, đưa tay nắm lấy bàn tay con gái. Thìn nghe tiếng tim đập thình thịch như trống làng ngày giỗ Đức Thánh. Đoài người nóng ran như ngồi lửa than. Đoài ngượng ngùng quay người bước đi, Thìn gọi giật lại,
 - Gượm hẵng...
Thìn thò tay vào túi quần, lục lọi tìm kiếm, lôi ra trong người vật gì nhìn như tờ giấy,
- Này, cầm lấy cái này, cất đi đi...
Đoài cúi xuống nhìn miệng rú lên,
 - Tiền con công! Chết, ở đâu ra một đống của như thế này!
 - Thì cất đi hẵng, rồi bảo cho mà biết.
Đoài dẫy lên như người đạp phải rắn,
 - Thôi, không dám đâu. Một đống tiền như vầy, ai dám cầm.
Thìn nhìn quanh, thì thào,
 - Một đống tiền như vầy thì phải cất đi ngay, cất đi vào trong ruột tượng, kẻo không trộm đạo nom thấy, chết bây giờ.
Đoài vẫn khăng khăng,
 - Không được, không nói tiền ở đâu ra, em không cầm đâu.
Thìn đành xuống nước, nói nho nhỏ,
 - Thì ở đâu ra, cả năm giời nay chiều chiều cứ chạy qua nhà cụ Bá Tiên nấu cám lợn. Chiều hôm qua, cụ gọi vào giả cho một tờ giấy bạc con công...
Thìn nhìn quanh,
 - Cất đi, cất kỹ đi, rồi mua sắm gì thì sắm...
Thìn nhìn Đoài, tự nhiên khóc, nước mắt đo đỏ lưng tròng con mắt tá điền...
Đoài ơi, có nằm ngủ mơ anh cũng chả dám với tới cung trăng, chứ có sá gì tờ giấy bạc con công này. Mai mốt mình về nhà, anh sẽ nấu cám lợn cho cả làng cả tổng, để anh tậu thêm mấy tờ giấy con công nữa cho mình cất vào ruột tượng.

. . .

Đoài ơi, Đoài đẹp như tiên. Đoài đẹp nhất làng, nước da trắng mướt như con gái kinh đô, như người Hà thành ăn trắng mặt trơn. Đoài thon thả, ngực căng căng, thắt đáy lưng ong, mặt đúc trái soan, tóc đen bóng sợi, môi cắn chỉ hồng hồng tô đậm đôi má lúc nào cũng ửng đỏ, đôi mắt mở lớn đen lay láy như tô than. Tất cả cái đẹp thiếu nữ của mấy tổng, ông trời chọn ra, lấy hết gắn vào cho riêng mình Đoài. Đoài đẹp rực rỡ tới nỗi đi tới chợ tổng, hàng thịt hàng cá ngưng tay thớt ngớ ngẩn ngó nhìn. Con dao thái thịt rớt xuống cắt đứt hằn sâu thịt da máu tuôn xối xả. Con trai phá phách gặp con gái trên đê buông lời ong bướm trêu hoa cợt nhã, gặp Đoài đi ngang, đầu sừng hóa đá, há miệng nhìn theo, nước bọt chảy vã ra cả miệng. Có lời đồn Đoài đẹp như vậy bởi bà Cả Lễ bị tây hiếp...
Đoài càng lớn càng trổ mã, đẹp như tượng Đức Bà đứng trước cửa nhà thờ làng Sài. Trai trong mấy tổng ồn ào hăm he dọa nhau đứa nào lấy con Đoài, tao chém đứt đầu. Cứ thế, Đoài sinh Quý Mão, nhấp nhổm mười chín tuổi rồi, nhưng vẫn chưa có đám dạm hỏi. Tiếng đồn là năm tới để đánh át cái tiếng "gái đẹp Cao Xá", Lý Thoan sẽ mang kiệu son rước Đoài về tận kinh đô tiến đức hoàng thượng. Nhưng cũng có tiếng đồn ông Lý Thoan muốn cưới Đoài làm vợ bé, đã mấy lần nhờ người mối mai đánh tiếng, mà ông Cả Lễ không nhận nhời. Có lần trong làng có đám cháy nhà. Quan huyện đầu tỉnh phái người xuống điều tra mới biết có người châm lửa đốt, cũng bởi ông bố nhà đó đang toan tính nhờ mối lái mang trầu cau sang dạm hỏi Đoài. Rồi lại thêm mấy lần hỗn loạn đâm chém trong tổng, chết mất mấy mạng thanh niên, cũng chỉ bởi Đoài. Đoài đẹp trở thành cái đinh cho nguyên cả một tổng. Đoài chưa lấy chồng, người trong tổng ngủ không yên... Giai trong làng khó lấy vợ.
Chiều hôm đó, từ mạn ngược kéo xuống lùng bắt Việt Minh, tây kéo tới mấy tiểu đội càn ngang qua phủ Khoái Châu. Tây vừa đặt chân tới làng Cao Xá cạnh bên, cố Hân đã mở rộng cửa nhà thờ. Cố Hân còn sai ông Trùm Tài giật chuông nhà thờ, tiếng chuông hốt hoảng giật loạn ngân xa bay thông thốc trên cánh đồng lúa xanh xanh mạ. Hồi chuông nhà thờ tự dưng trở thành hồi chuông cứu tử. Người của tổng bỏ tất cả chạy tới nhà thờ. Khi tây gạch mặt, tây nhọ nhồi, tây ma rốc và tây trắng mốc đặt chân tới cổng đình Đức Thánh, cả làng Sài Thị trên dưới ngàn người bỗng dưng bốc hơi cạn sạch. Nhà Lý Thoan nằm ngay đầu đình, tây hùng hổ sấn sổ kéo vào. Tới nhà cụ Nghè, vẫn vắng tanh. Tới nhà Cả Lễ, thằng tây trắng mốc nhìn lên tháp chuông nhà thờ xóm giáo Sài Thị, tay làm dấu thánh giá, Nomine Patris, Filii, et Spiritus Sancti... nhấc gót giầy đinh bỏ đi. Nhưng đống rơm ngoài sân vườn bỗng dưng cục cựa. Thằng tây ma rốc xăm xăm bước tới, kéo ra Đoài váy thốc lên cao lòi ra cặp chân thon dài trắng nõn trắng nà. Thằng tây trắng mốc ngớ ngẩn nhìn chân Đoài, nhìn ngực Đoài, rồi quay ngang nhìn tháp chuông xóm giáo. Nó nuốt nước miếng ừng ực, bước sốc tới ôm hẳn Đoài lên tay. Ông bà Cả Lễ lóp ngóp chui ra, quỳ xuống lạy van rối rít như ếch bị đập dập đầu. Nhưng thằng tây trắng mốc vẫn xăm xăm bỏ đi thẳng vô nhà. Ông Cả hốt hoảng đứng dậy chạy theo,
- Con lạy quan, con lạy quan, quan tha cho cháu...
Thằng tây trắng mốc quay lại, rút súng lục bắn thẳng sáu viên vào đầu ông Cả. Cả Lễ khựng lại, đổ gục xuống như cây chuối gãy. Từ trong nhà tiếng Đoài hét lên lanh lảnh. Tiếng hét xé ruột cào gan bà Cả, giờ này vẫn còn quỳ bất động bên xác chồng, miệng bà nhễu nhãi phát ra chỉ đúng một câu y như máy loa tây chạy hư đường dĩa,
 - Con cắn cỏ con lạy quan, quan tha cho mẹ con con... Ối giời ơi, con cắn cỏ con lạy quan, quan tha cho mẹ con con...
Từ cổ ông Cả Lễ, máu đỏ vẫn phun ra như sáu ngọn suối, máu đỏ có ngòi... Máu tươi nóng hổi văng vào tờ giấy bạc con công. Đoài chỉ vào tờ giấy bạc, rú lên khe khẽ,
 - Ấy chết! Đằng ấy xem nè, tờ giấy bạc có máu...
 - Đâu, đâu" Ở đâu ra mà lại có máu"
 - Thì đây nè, nhìn vào cổ con công đi, vết máu đỏ rõ ràng ràng đây nè...
 - Ừ, đằng ấy nói phải đấy. Cổ con công có vết máu thật nhỉ. Khổ, tối hôm qua ông Bá quẳng cho tờ giấy tiền. Lúc đó tối nhòe tối nhoẹt nào có nom thấy chi. Biết thế xin cụ Bá đổi cho tờ giấy bạc khác.
Đoài bĩu môi,
 - Đằng ấy dám mở miệng xin cụ Bá cho tờ giấy bạc khác" Thôi, đừng có nói thánh nói tướng... Có được tờ giấy bạc con công là vui rồi. Mà đằng ấy gửi tớ tờ giấy bạc để làm gì nào"
Đoài liếc mắt, đuôi con mắt kéo dài xiêu xiêu. Thìn ngớ ngẩn nhìn Đoài, cứ như người dở hơi trúng phải gió độc. Đoài hấm hứ,
 - Cái mặt nhìn hiền thế kia mà cũng mê gái tít thò lò.
 
*
Ơi Đoài, tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, tin Đoài bị cả tiểu đội tây ma rốc hiếp chỉ trong một ngày lan ra tới mấy tổng.
Đoài treo cổ lên nhánh cây nhãn sau sân nhà mấy lần. Nhưng lần nào bà Cả Lễ cũng cứu kịp. Cuối cùng bà Cả phải biện một khơi nhãn tự tay bưng lên nhà thờ trình với cố Hân, nhờ cố xuống bảo ban mấy câu cho cháu nó bớt đi cái máu uất...
Máu uất chưa biết có tan trong người hay chưa, nhưng rõ ràng là từ sau ngày tây càn, trai làng bỗng dưng tấp nập đám cưới. Trai nhà đạo làm lễ nhà thờ, cố Hân từ tảng sáng tới chiều làm lễ cưới đọc tiếng La Tinh giọng khản đặc lại. Trai bên lương lễ cưới tại đình, pháo hồng nổ điếc cả tai, Lý Thoan sai lính tuần liên tay quét dọn, xác pháo chất cao như ụ rơm ngày mùa. Con trai trong tổng kháo với nhau, con Đoài giờ là đồ thừa, ai vớ vào làm chi, giờ có cho không cũng chả thèm.

Hình như bắt đầu từ ngày làng bị tây càn, ếch Sài Thị biến mất. Rắn lục xanh xuất hiện khắp nơi. Người làng đi đâu cũng phải canh chừng, tay cầm gậy rình rình đập rắn. Có bữa cả nhà thằng mõ đang ngồi ăn cơm, rắn lục xanh từ trên đà ngang rớt thẳng xuống mâm cơm trơ vơ lỏng chỏng một chén muối sả. Phúc mấy đời cho nhà thằng mõ, ngửi thấy mùi sả, rắn lục xanh hốt hoảng trườn thoăn thoắt bò thẳng ra khỏi mâm cơm. Rắn vừa biến mất dạng sau liếp phên, thằng mõ nhớn nhác nhìn ra. Bên ngoài khung cửa, mặt trời xanh mầu rắn lục vẫn đang nằm hấp hối chết sõng soài nơi đường chân trời.

*
Đăm chiêu dõi nhìn xa xa nơi mười cây nhãn tiến vua đang trổ mầu áo mới hoàng gia, cụ Nghè nói với Lý trưởng Hai Thoan,
Cái làng mình năm nay xảy ra nhiều chuyện lạ. Tôi đang dự tính tuần tới nhân hội làng, ta cúng Đức Thánh, rồi đốt đèn trời.
Hội làng và cúng Đức Thánh vẫn là ngày đinh của làng cả trăm năm nay. Nhưng đốt đèn trời thì từ thời cụ Nghè còn để ba vá trái đào cũng chỉ nghe thầy đồ dậy là lâu lắm rồi, từ cái thời loạn lạc hai phủ, phủ Chúa Đàng Trong phủ Chúa Đàng Ngoài, trong làng có lần dịch đậu mùa nổi lên, cũng bởi lần đó ông Lý quyết định vớt xác chết trôi ở dưới sông Cái mang lên chôn làm phước. Phước đâu chưa thấy, họa đã ầm ầm gõ cửa nhà. Sáng hôm sau, mấy người tá điền cõng xác mang đi chôn đang ngồi và miếng cơm trắng, tự nhiên lăn ra nền đất, chân tay co quắp, giẫy đành đạch, rồi lăn ra chết tươi. Chồng xác còn ấm nằm trên giường đã tới phiên vợ, rồi con, con trai con gái, chết tất tần tật. Chỉ qua một đêm, dịch đậu mùa lan ra khắp nơi. Cả làng vấn khăn tang trắng. Thật đúng là mười người chết bẩy còn ba. Mười cây nhãn tiến vua mọc dọc theo bờ đê năm đó cũng không bói ra được tới một trái. Làng họp lại quyết định đốt đèn trời *). Từng ngọn đèn trời bay lên, từng con bệnh trong làng giảm hẳn cơn sốt... Từ đó đến nay, gần hai trăm năm, Sài Thị lại đốt đèn trời.*
(Đèn trời hay Thiên đăng là một phong tục của người Việt Nam. Đèn làm bằng tre và giấy. Bấc đèn có thể được cuốn bằng sợi vải tẩm mỡ heo. Lửa đốt lên làm loãng bầu không khí trong lòng đèn, gặp gió, đèn trời bay lên. Người Việt Nam đốt đèn trời như một lời kinh ước mong Trời Phật phù hộ, hoặc thả đèn trời mong ước ánh lửa xua tan đêm đen bóng tối quỷ ma.)
Tối hôm đó, sau khi cúng Đức Thánh, cụ Nghè đích thân đốt ngọn đèn đầu tiên thả ngay bờ sông Cái. Ngọn đèn thứ hai do Lý trưởng Hai Thoan đốt, đèn chớp chớp tắt, nhưng rồi cũng tung cao bay bổng. Tiếp theo, từng ngọn đèn trời của từng ngôi nhà trong làng nhịp nhàng lướt theo đà gió sông Cái bay cao tít. Đèn cuối cùng thả lên trời là của nhà thằng mõ. Ngọn đèn bé tí teo như phận mõ làng chập chờn lướt trên mặt nước; nhưng gió bất ngờ đổi chiều, phần phật đưa thẳng đèn mõ bay vút bốc lên cao. Thoạt tiên đèn mõ vượt qua mặt đèn nhà Đội Minh, rồi lừng lửng bỏ luôn đèn nhà cụ Bá Tiên, đèn Lý trưởng Hai Thoan. Khi đụng phải đèn cụ Nghè, đèn thằng mõ hất nghiêng đổ ngã đèn cụ tiên chỉ. Người làng ngớ ngẩn nhìn ngọn đèn trời của người khoa mục danh tiếng nhất mấy tổng bốc cháy vỡ tan ra từng mảnh. Trong bầu trời đêm đen, ngôi đèn thằng mõ thêng thang vút bay thẳng lên cao một mình.
Nhưng đốt đèn trời cả tháng rồi, thế mà ếch vẫn không kéo về, rắn lục xanh vẫn treo tòng toeng từng bầy trên cây nhãn. Mười cây nhãn tiến vua giờ nầy chi chít rắn lục xanh. Cây con gái và cây thuồng luồng từ mạn trên vẫn rầm rập đổ xuống. Nước lũ vẫn dâng lên, cao mấp mé bờ đê. Hằng đêm người làng vẫn phải tuần phiên canh thức trông chừng đê vỡ. Nhà nào cũng phải góp một công. Không có người thì phải đóng tiền, đúng một tờ giấy bạc con công. Không có giấy bạc con công, lý trưởng Hai Thoan đích thân mang lính tuần tới, trai cũng như gái đều bị còng đầu lôi về sân đình xử tội.
Tháng sau, đình làng thờ Đức Thánh lại có buổi họp. Lần này cụ Nghè họp với toàn thể chức sắc trong làng, ngoài Lý trưởng Hai Thoan, ngồi trên chiếc chiếu cạp điều người ta còn nhìn thấy cụ Bá Tiên, Đội Minh đội trưởng tuần canh, và Trùm Tài của xóm giáo. Cụ Nghè đánh tiếng trước,
   Làng ta năm nay nhiều điều lạ quá. Tháng trước, sau buổi cúng đình, ta cũng đã đốt đèn trời cầu phước thái dân an. Nhưng non cả tháng rồi...
Cuối cùng hội đồng nhất chí quay sang xóm giáo, bởi lần tây càn vừa qua, nhờ có cố Hân mà lính lê dương súng ống đầy mình vẫn phải dừng lại ngay trước cửa nhà thờ.
Được lời ngỏ của cụ Nghè làng Sài, cố Hân đứng dậy, đầu đội mũ chỏm ba khía Y Pha Nho, vận vào người áo chùng đen Rô Ma, khoác dây tô-la cuốn quanh cổ. Với hai chú bé giúp lễ, một chú tay cầm sách kinh, chú kia tay cầm bình nước thánh, cố Hân rẩy nước phép trừ quỷ khắp cả làng. Cố Hân cũng dừng chân trước miếu thờ Cả Lễ nhiều tiếng đồn có ma. Đêm đêm ma ông Cả Lễ hiện ra, chạy tới hướng nhà bếp, rồi lại ngã vật xuống dưới làn đạn biến mất. Rồi lại hiện ra, chạy tới, rồi lại ngã gục. Đứng trước miếu ông Cả, cố Hân vẩy nước phép đọc lời kinh trừ tà tiếng La Tinh nghe lạ tai. Ngay lập tức bát nhang và nải chuối của ngôi miếu bật rung rung như tưởng như dưới lòng bàn chân đất đang chạy. Hạt gạo bát nhang nhảy nhảy như bị ma vọc. Bà Cả Lễ và Đoài quỳ ngay bên cạnh, cúi xuống gục đầu khóc sụt sùi.
Đi ngang cửa đình, cố Hân cúi đầu nhè nhẹ chào Đức Thánh, rồi đi thẳng ra bờ sông, rẩy nước phép xuống dòng sông thông thốc cây con gái và hồng hộc cây thuồng luồng. Giọt nước thánh đầu tiên vừa chạm mặt nước, từ dưới đáy sông tiếng hét lanh lảnh giọng kim và tiếng đớp ồm ộp âm thổ bỗng dưng nổi dậy chọc xoáy đâm thông thốc rách toang màng nhĩ. Có người máu chảy loang lỗ lỗ tai. Người làng bịt tai lại, nhưng mắt mở to nhận ra cây con gái và cây thuồng luồng xoay vòng chong chóng. Có cây thuồng luồng lực lưỡng to bành chòi chòi vươn dậy, đưa thẳng nhánh cây đập vào đầu cố Hân. Có cây con gái khép lại đôi chân tìm thế nhấp nhổm vươn người đưa nhánh tay ra giật đứt cỗ tràng hạt Rosa trên tay cố.
Trùm Tài hốt hoảng sai người gõ trống mùa thương khó, ba hồi liền, một tiếng đơn. Tùng! Tùng! Tùng!...Tùng! Người xóm giáo lôi ra từ cổ tràng chuỗi Rosa đọc kinh liên miệng, "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Giời. Cầu cho chúng con..." Riêng cố Hân mặt vẫn không đổi sắc. Cố vẫn đứng trên bờ đê bình thản yên lặng, mắt nhắm chặt mặc cho gió dữ từ dưới lòng sông cuồn cuộn nổi lên thổi tung mũ chòm ba khía Y Pha Nho. Áo chùng đen Rô Ma và dây tô-la tím của cố bay phần phật trong gió, tưởng như có người muốn giật muốn xé rách toang ra thành từng mảng. Tiếng trống xóm đạo từng hồi dồn dập thúc hối tựa như tiếng trống trận trên chiến trường. Vầng ô chiều tà nơi đường chân trời thôi xanh xanh mầu rắn lục nhưng nhạt dần nhạt dần, chuyển sang mầu trắng xanh, lờ lợ mầu hồng, đỏ đặc mầu máu, sau cùng căng cứng như bong bóng lợn phát nổ tung tóe bắn tung lên bầu trời chiều ngàn vạn hào quang...

*
Tối hôm đó, trong căn nhà chập chờn ánh lửa cô đơn, Thìn đã nai nịt khăn gói gọn gàng, đứng ngay bên khung cửa đợi chờ ba tiếng cú kêu ám hiệu. Đoài đứng ôm Thìn. Cả hai đăm chiêu nhìn ra khung cửa đợi chờ bóng đen. Một hồi lâu, Đoài cất tiếng,
- Anh phải đi ư"
- Thìn gật đầu,
- Em à, chi bộ đã quyết định điều anh lên chiến trường Việt Bắc.
Đoài tần ngần nhìn Thìn,
- Mà anh tham gia Việt Minh khi nào vậy"
Thìn ôm Đoài vô lòng, tay vuốt ve bờ lưng dài đáy thắt lưng ong. Ơi mình! Anh đau quặn thắt ruột gan! Ơi mình! Cho anh hôn mái tóc, cho anh ôm chặt đôi vai...
- Anh tham gia Việt Minh khi nào đó hả. Thì non một tháng, trước cái ngày tây càn, Việt Minh kéo về làng. Họ ở nhà thằng mõ, lập tổ tam tam hẳn hoi... Làng mình bây giờ có khối với Việt Minh đấy...
Đoài long lanh, nước mắt tràn đầy rớt xuống đôi gò má vẫn còn đỏ hừng hực... Đoài muốn nói nhiều lời, nhưng Đoài ngần ngại... Hồi đó yêu Đoài, Thìn kể có lần Thìn đã toan tính bắt cóc mang Đoài lên xe lửa xuôi hẳn vào Nam... Giờ Thìn đòi thoát ly... Đoài ứa nước mắt. Bà Cả Lễ cũng đã nằm xuống. Đoài chỉ còn Thìn. Đoài ôm cứng Thìn vào lòng hít hà mùi hơi nồng nồng đàn ông quen thuộc cả năm nay. Không biết bao giờ Đoài mới ôm gọn được vào ngực thân hình lực lưỡng của Thìn một lần nữa. Nơi chiến trường lửa đạn hòn tên mũi đạn có nề hà chi ai. Đoài chép miệng, Đoài tần ngần cúi xuống, cẩn thận tháo gỡ ruột tượng. Đoài đặt bàn tay mình vào lòng bàn tay Thìn.
- Cái gì vậy"
Tới phiên Thìn rú lên khe khẽ,
- Ở đâu mà em có tờ giấy bạc con công vậy"
Thìn cầm tờ giấy, ngón tay tần ngần. Thìn lạ lùng nhìn vết máu đỏ ở cổ con công.
Đoài ngước lên, nước mắt đỏ nóng vùng ngực tá điền, sao anh không mang em đi theo... Đoài gạt nước mắt, nếu vậy, anh cầm lấy tờ bạc con công này đi. Việt Bắc rừng thiêng nước độc, ơi khổ, có hàng quán nào cho anh mua sắm.
Thìn cúi xuống, tiền này tiền nghĩa tiền tình. Bao lâu nay giấy bạc con công đã ướp đẫm mùi người. Thôi, anh sẽ mang theo tờ giấy bạc lên Việt Bắc. Khi hành quân trên chiến khu, lúc xông pha nơi lửa đạn, tờ bạc con công cũng sẽ vẫn đi theo anh, hấm hứ, liếc mắt đen đậm đuôi dài...
Nước mắt của Thìn và Đoài nhạt nhoè trộn lẫn lên khuôn mặt hồng đào. Thìn hôn lên mái tóc Đoài. Đoài ơi, sao khổ! Bao giờ mới tan cuộc binh lửa" Đoài vẫn úp mặt trên bờ ngực rắn chắc tá điền, mắt liếc nhìn qua khung cửa, cây nhãn trước nhà toòng teng treo rắn lục xanh. Nhớt rắn bôi trơn nhánh cây nhãn năm nay bỗng nhiên sai oằn trĩu những quả nhãn to bằng ngón chân cái, nhìn tưởng như nhãn tiến vua.

*
Người ta nói được mùa nhãn, mất mùa lúa. Mà đúng như thế. Trời rạng sáng, khi tháp chuông nhà thờ đổ vang tiếng chuông đầu tiên, đê làng Sài vỡ bục!
Gần một tuần rồi, trời mưa liên tục tưởng như có người cầm từng gầu nước đổ thốc đổ tháo đổ kìn kịt xuống sông Cái. Từ giấc chiều đến khi trời chạng vạng nhọ nhem mặt người, mực nước dâng cao vùn vụt. Thoạt đầu nước sông luồn lách như lỗ kim ở chân đê. Lỗ chân kim xuất hiện ở đâu, Hai Thoan sai thanh niên trong làng vít lại lập tức. Nhưng nước sông Cái vẫn hồng hộc đốc thúc rủ nhau nhắm vào bờ đê đâm thẳng. Rạng sáng, khúc đê ngay nhà cụ Nghè vỡ bục ra một mảng. Hai Thoan và Đội Minh đứng trên bờ đê điều khiển trai làng ôm từng bao đất đổ dộng xuống, bao này nối tiếp bao kia. Gặp bao đất, nước sông Cái hùm hở lấn tới xoáy tròn cuốn trôi lông lốc bao đất. Nhưng người không chịu thua, tiếng hét Hai Thoan vẫn lồng lộng,
- Xà bần! Xà bần! Đổ xà bần xuống ngay...
Lần này, hằng trăm bao xà bần gồm toàn gạch đá trộn với cát được trai làng đổ dộng thẳng xuống, đổ liên tay đổ liên tục, bao xà bần sau nối tiếp đổ chụp thẳng, đè ấn đầu sâu bao xà bần trước. Cứ thế, nước sông Cái hung hăng chưa kịp đẩy trôi, bao xà bần to bằng hai bàn tay ôm, nặng chình chịch đã vùn vụt dộng xuống, vun vút xây cao, hàn lại vững vàng. Non một canh giờ sau, sông Cái đầu hàng, chịu thua sức người.
Khi mặt trời bình minh chiếu sáng rực rỡ trên mặt nước sông Cái giờ đã chịu phép, ngoan ngoãn trôi xuôi, Hai Thoan mới chịu bỏ về đình làng, ngồi xuống trên ghế cẩm, tay chỉ vào mặt Đoài,
- Mày không ra phụ làng vỡ đê, thì đóng tiền. Lệnh quan con dấu đỏ như son rõ ràng như thế mà mày còn bướng phỏng.
Đoài vẫn quỳ trên nền gạch bóng loáng sân đình, khóc thút thít. Hai Thoan đập bàn côm cốp,
- Con kia, mày giả điếc đấy hả, mày có nghe tao nói hay không" Giờ này chỉ có tờ giấy bạc con công thì cứu được mày. Còn không thì cứ ngồi tù mãn kiếp con ạ.
Đoài ngẩng lên, nước mắt nước mũi dàn dụa trên khuôn mặt phấn hồng,
- Con lạy thầy Lý, con van thầy Lý, con cô độc một mình, ăn còn không đủ ở đâu ra mà có tờ giấy bạc con công... Con lạy thầy lý.
Hai Thoan đảo mắt, nhìn quanh,
- Vậy chớ thằng Thìn đâu" Chồng mày nó bỏ đi đâu rồi, mà mấy tháng trời không thấy mặt nó.
Đoài nuốt nước miếng,
- Ơ, thầy lý nói, chồng con đi buôn quế ở trên mạn ngược, cuối năm nay mới về. Con đã trình báo với thầy Lý hẳn hoi rồi cơ mà.
- Trình với chả trình. Đĩ mà còn già mồm! Mày đừng có tưởng chúng mày lòe được mắt ông. Tại sao thằng Thìn không lên gặp tao, mà phải để cho mày lên gặp. Mày tưởng tao lại không biết đấy phỏng, trong làng ai chả biết nó theo Việt Minh. Cả thằng mõ nữa. Việt Minh mấy lần họp tổ tam tam ở nhà thằng mõ đấy, mày tưởng tao không biết đấy hả.
Đoài hốt hoảng,
- Không, con lạy quan, nhà con đi buôn quế trên mạn ngược, chớ nào có biết chi Việt Minh đâu ạ.
Hai Thoan nhìn xuống, Đoài thịt da vẫn nây nẩy, má hồng đào vẫn cứ hồng hào, đôi mắt mở to đen đậm như bôi than. Đoài cúi xuống, để lộ ra một khoảng ngực trắng hồng. Hai Thoan nuốt nước miếng, miệng lưỡi tự nhiên ngọt nhạt,
- Tao là tao rõ tỏng nó bỏ đi với Việt Minh rồi. Nhưng thôi, mày một mình một bóng, nghe lời thầy dạy thì đời mày ăn trắng mặc trơn...
Đoài ngước lên, ánh mắt tô than nghi ngờ,
- Thầy dạy sao cơ ạ"
Hai Thoan móc ra phong bì, lôi ra tờ giấy bạc con công quẳng thẳng xuống nền gạch,
- Thì đây này, tờ bạc con công này là của thằng Thìn. Nó chết rồi. Tờ giấy bạc này nó nhờ người mang về cho mày đấy.
Đoài hốt hoảng,
- Thầy Lý nói sao cơ ạ"...
Đoài muốn nấc lên. Nhưng Đoài nghi ngờ Hai Thoan. Đoài cúi xuống nhặt tờ giấy bạc con công lên chăm chú nhìn. Mặt Đoài tái xanh, người lạnh toát... Thôi chết rồi, đúng là tờ giấy bạc con công cổ dính vết máu. Đoài cắn sướt đôi môi cắn chỉ nghẹn ngào. Ơi trời! Đoài muốn té vật ra trên sàn nhà. Bố chết ngày tây càn, mẹ chết bỏ Đoài bơ vơ... Đoài muốn hét to. Đoài muốn đứng dậy, bỏ chạy ra ngoài cánh đồng, gục đầu khóc trên ngôi mộ ông bà Cả Lễ. Thầy u ơi, nhà con chết rồi. Thầy u ơi, nhà con chết rồi!
Nhưng Đoài vẫn nhịn được, vẫn cắn răng cúi đầu. Giờ này sân đình mầu đỏ rầm rập lính tuần đứng gác bên tượng lính thú mầu xanh mà sao bỗng dưng trắng xóa mầu tang, hoang phế rêu xanh không một bóng người...
Hai Thoan ngọt ngào,
- Thôi, nghe lời thầy khuyên. Về nhà đi, cầm cả tờ bạc con công về theo. Để thầy trả cho tiền phụ vỡ đê. Lính đâu, tháo xiềng cho cô ấy, dẫn cô ấy về nhà hẳn hoi.
Hai Thoan giọng nhỏ rưng rức, nói vừa đủ Đoài nghe,
- Tối nay thầy ghé vào thăm nhé.
Trời vừa chạng vạng tối nhọ nhem mặt người, thầy Lý yên lặng đẩy cánh cửa phên tre nhà Đoài bước hẳn vào. Hai Thoan thấy Đoài xác treo lơ lửng sà ngang. Dưới chân Đoài tờ giấy bạc con công vẫn nằm im lìm. Con công cổ có vết máu nằm đó im lìm nhìn xác Đoài giờ này lạnh tanh.
Hai Thoan cúi xuống, nhặt tờ giấy bạc con công bỏ vào túi, miệng lẩm bẩm,
- Thiệt đúng là đàn bà, đái không qua ngọn cỏ.
Nhìn qua khung cửa, Hai Thoan lại thấy toòng teng trên nhánh cây nhãn toàn là rắn lục xanh. Hai Thoan gãi gãi tai bỏ đi,
- Quái, ở đâu ra mà cả làng giờ này tinh là những rắn.
Hai Thoan nhớ lại lần đó làng đốt đèn trời chỉ rửa sạch được mầu máu đỏ tanh tưởi nước sông Cái, riêng xóm giáo cố Hân đuổi đi mất bóng tất tật cây con gái và cây thuồng luồng. Nhưng rắn lục xanh thì trước sau vẫn còn y nguyên. Hai Thoan nhớ cụ Nghè nói hình như từ cái ngày làng bị tây càn, ếch Sài Thị bỏ đi, rắn lục ở trên mạn ngược từng bầy rủ nhau kéo về. Nhưng lý trưởng làng Sài nhớ lại hình như không phải, trước ngày tây càn, Việt Minh không biết từ đâu đã kéo về lập tổ tam tam ở trong làng non cả tháng trời rồi.

*
Quận Cam của Little Saigon vào tháng Năm, trời đã chuyển hẳn sang mùa xuân, cây khô lún phún nở chi chít trên cành tưởng như đã chết những lộc xanh non. Cỏ sân nhà Hoài sau một trận mưa xuân nở rộ tung mầu xanh biêng biếc. Từ sau sân vườn tiếng ếch kêu ồm ộp nghe rộn ràng vui tai. Bà Thương nói với cô con gái,
- Lâu lắm rồi từ cái thời ngoài Bắc lận đã không nghe thấy tiếng ếch kêu. Vô tới trong Nam thì họa hoằn lắm mới có dịp. Trong Nam mình thì tinh là những khỉ...
Hoài chăm chú soi gương kẻ chì đường chân mày vốn dĩ đen đậm như tô than. Bà Thương bước tới vỗ vai cô con gái,
- Thôi, con gái mẹ đẹp sẵn rồi, làm chi phải mất công chưng diện.
Bà Thương đưa Hoài mấy lá thư,
- Thư nè. Hôm nay cuối tuần, lại đi chơi với cậu Thinh hả.
Hoài thoa thêm phấn hồng trên đôi má đã sẵn mầu hồng đào lúc nào cũng ưng ửng đỏ,
- Ứ, ừ, anh ấy, con chả thèm.
- Đúng, chả thèm, mà chiều thứ Sáu nào tôi cũng thấy có người tếch lên chưng diện. Mà cái cậu Thinh nom cũng lạ nhỉ. Cả đời chỉ biết học hành chữ nghĩa, thế mà cái tướng nom cứ như tá điền bên làng ta.
Mẹ cứ nói, anh ấy tập thể dục hằng ngày mới được như vậy đó mẹ...
Hoài cuối xuống nhìn xấp thư. Mắt Hoài dừng lại ở hàng chữ Sài Thị, Hưng Yên. Hoài xé thư, lấy ra tờ giấy nhựa mỏng dính bọc kín hình tờ giấy bạc thời Đông Dương.
Cách đây hơn một tuần, Hoài lên mạng ghé vào e-bay trang tiền giấy. Đoài ơ hờ nhìn liếc thoáng qua những tờ giấy bạc Đông Dương. Nhưng tới tờ giấy bạc con công, Hoài dừng lại nhìn chăm chú. Tờ giấy bạc đã cũ, có một vài đường rách nho nhỏ theo đường gấp. Hoài quyết định đấu giá, mua cho bằng được tờ giấy bạc con công.
Hoài ngưng chải tóc, cầm lên tờ giấy bạc con công. Hoài ngạc nhiên, sao cổ con công lại có vết đỏ, màu đỏ tươi như mới. Hoài nhăn nhăn trán, lạ quá tờ giấy bạc con công này, nhìn sao quen quen...
Chuông điện thoại cầm tay reo vang, đầu giây bên kia tiếng bác sĩ Thinh vang vang,
- Đường Bolsa kẹt xe cứng ngắc, chắc anh trễ khoảng năm phút... À, em ơi, chút nữa mình ăn ở đâu đây"
- Thì tiệm nào cũng được. Anh tới đi rồi mình tính...
- Nếu vậy thì mình ghé vào tiệm Sài Thị được không"
Hoài chưng hửng,
- Tiệm Sài Thị, tiệm Sài Thị nào"
- Thì cái tiệm Sài Thị mới mở ở khu Phước Lộc Thọ đó. Nghe nói tiệm có món thịt ếch sào sả gia truyền ngon khét tiếng. Họ quảng cáo thịt ếch là của làng Sài Thị, chính hiệu con nai vàng...
- Thôi đi ông tướng ơi, người ta quảng cáo mà anh cũng tin. Ở đâu chui ra mà có ếch Sài Thị cho ông ăn, ếch Quận Cam thì họa may.
Hoài bỏ tờ giấy bạc con công xuống. Nàng nhìn ra bên ngoài, sân vườn Cali tiếng ếch vẫn kêu ôm oang vang dội một góc trời mùa xuân.
NGUYỄN TRUNG TÂY

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến