Hôm nay,  

Bài Toán Đố Cuộc Đời

03/03/201000:00:00(Xem: 165843)

Bài Toán Đố Cuộc Đời

Tác giả: Ấu Chi
Bài số 2878 -1628978- vb4030310

Tác giả từ sơ lược về mình: "Tôi là một trong những thuyền nhân may mắn, định cư ở Mỹ từ năm cuối của thập niên bảy mươi. Ra trường cử nhân điện tử - hiện đang làm việc cho một công ty ở quận Cam. Viết văn là một niềm vui mới tìm thấy." Ba bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Ấu Chi là "Phở", "Cõi Mây Của Ngoại", và “Xuân Muộn” Bài mới vẫn là một chuyện tình, lạc nhau “từ cái ngày đổi đời năm ấy.” Chuyện được kể từ cả hai phía chàng và nàng. Riêng tác giả mong bạn đọc sẽ dự phần giải cho bài toán cuộc đời và... cuộc tình.

***
1.
Mối giao tình giữa tôi và anh chàng Perez bắt đầu bằng một sự tình cờ, tám năm về trước, lúc tôi mới chân ướt chân ráo chuyển về quận Cam từ Atlanta. Cả hai cùng nộp đơn xin việc ở nhà hàng Bắc Kinh, và được tuyển vào làm một lượt. Anh bồi bàn, tôi rửa chén. Tình thân hửu gắn bó cũng mấy năm trời trong xó bếp nhà hàng. Tôi lúc ấy đã chán ngán cảnh dĩa khua chén kêu, định kiếm việc khác, thì anh lại là cứu tinh đưa tôi vào công việc mới. Người em họ của anh về Mễ, có nhã ý nhượng việc cho anh, nhưng anh từ chối. Một vợ năm con nhỏ, ca đêm không tiện cho hoàn cảnh gia đình anh. Dân độc thân, đói cơm rách áo như tôi, thì chẳng nề hà gì chuyện giờ giấc trái nghịch lấy đêm làm ngày ấy. Nhờ sự giới thiệu của anh em Perez, tôi đã hoan hỉ đầu quân cho một hảng thầu dịch vụ vệ sinh, chuyên môn dọn dẹp các hảng xưởng quanh vùng.
Ngày của tôi bắt đầu vào 9 giờ đêm, và chấm dứt lúc 5 giờ sáng. Thời gian đầu cũng phải ních thật nhiều cà phê hay Monster vào để tỉnh táo qua ca. Hút bụi, lau bàn, chùi cầu, chà sàn. Với quan niệm chỉ có người tồi chứ không có việc tồi, tôi yêu thích công việc mới. Một mình một cỏi,  xong việc thì về không ai dòm ngó phiền hà. Tôi được chia một cao ốc mười hai tầng ở thành phố Laguna Hills, chung công với một ông bạn già người Ba Tây. Vốn liếng tiếng Anh ông già cũng bậm trợn ngang cở tôi, vậy mà ai hỏi làm nghề gì, thì ông mạnh miệng trả lời rằng:
- Floor manager.
Rồi cười hề hề. Ngày lại ngày, ông sáu tầng trên, tôi sáu tầng dưới. Vậy mà trụ trì ở đây cũng được hơn bốn năm rồi. So với thời gian trước đây, những ngày đầu mới dấn thân vào nước Mỹ với bao việc nhập nhằng, nay chạy bàn, mai rửa chén, mốt bỏ báo... Ôi thôi trăm việc hổ lốn, việc nào tôi cũng thử qua, miễn có đồng vô đồng ra là vui rồi. Tuổi hoa niên sung sức đã qua, nay rề rà bước vào tuổi hoa râm, tôi chẳng thiết tha gì chuyện bon chen với đời nữa. Có một chổ đi về mỗi ngày, với lương hướng đều đặn, tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có lắm rồi. Thôi cũng tạm gọi là an cư lạc nghiệp theo sách vở của tôi.
Sáu tầng dưới bao gồm ba cơ sở chuyên môn. Một hảng Nhật, một hảng Tàu, một hảng Mỹ. Hiệp Chủng Quốc có khác. Suốt trong mấy năm quét dọn cao ốc này, tôi đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay cho những thành viên trong hảng. Gia đạo cũng như nghề nghiệp. Người thật thì chưa bao giờ được gặp, tôi chỉ biết họ qua bảng tên gắn trước cửa phòng. Thậm chí có thể đọc được cá tính từng người, hoàn toàn dựa trên nhận xét cá nhân, qua hình ảnh vật dụng chưng bày, và những chi tiết họ để lại ở cuối ngày làm việc. Cô Anna lấy chồng năm ngoái, đám cưới tổ chức ở bải biển, mới sinh được một bé gái, má lúm đồng tiền duyên dáng y chang như mẹ. Ông Donald, chắc mới được thăng chức, từ văn phòng nhỏ dọn qua văn phòng lớn trong góc tháng rồi. Anh Wang, độc thân vui tính, bao nhiêu năm trời có mỗi con chó vàng làm bạn đồng hành. Năm rồi lại tự trói mình vào vòng hôn nhân. Đám cưới tưng bừng, khoe hình nhan nhản chung quanh tường. Sau ba tháng, anh dẹp hết chỉ còn một khung ảnh củ với mặt kính hai phía. Một bên là chú chó yêu, bên kia là cô vợ quý, thường ngày vẫn đối diện với anh, tình tứ âu yếm. Yêu nhau lắm thì cũng có lúc cắn nhau đau. Có hôm lại thấy anh xoay hình vợ ra ngoài, mặt đối mặt với chú khuyển vàng. Có lẽ đó là những hôm cơm không lành canh không ngọt.
Bà Lilian chắc cũng sấp sỉ cỡ tôi, tôi đoán qua cặp kính lão đôi khi để quên trên bàn, gọng kính rất thời trang màu tím than đính mấy hột chai lóng lánh. Ngoài ra bàn làm việc bà không chưng  hình ảnh hoa lá cành chi cả.  Chỉ có lọ hand cream to tướng, quanh năm chểm chệ  trên bàn. Hết lọ này thay lọ khác, vẫn một mùi hoa dạ lý. Có lẽ bà có bàn tay đẹp, nên chăm chút o bế kỷ lưởng. Văn phòng bà sạch sẻ ngăn nắp, tôi không phải ra công tốn sức gì nhiều. Tuần rồi bàn làm việc bà vừa có được một khung hình mới. Một cô bé thật dễ thương. Khuôn rằm tươi thắm, môi cười xinh xắn với nốt ruồi duyên, cô xúng xính trong chiếc áo thụng xanh buổi lễ ra trường. Không biết mối liên hệ giữa hai người như thế nào. Có lẻ là con gái của bà. Tôi hơi hoài nghi. Vì định kiến con gái giống mẹ. Vì cái tên của bà. Sau khi lập gia đình, đàn bà Mỹ theo truyền thống thường đổi sang họ chồng, nhiều bà theo trào lưu phụ nử mới vẫn giử họ cũ, và cũng có bà ghép đôi hai họ theo chủ nghĩa dung hòa. Bà Lilian, dựa theo tên họ, tôi phỏng định là một bà Mỹ có chồng gốc Á Châu. Lời giải thích khả dĩ cho cái nét nhu mì phương Đông của cô bé trong hình. Dáng vẻ ưa nhìn của cô khiến tôi nhớ đến một hình bóng thân thương ngày cũ. Đó là lý do tôi hay nấn ná ở đó hằng đêm, lâu hơn thường lệ, từ một tuần nay.
Tôi nhớ ngôi trường nhỏ ven sông. Có tà áo trắng dịu dàng. Có mối tình đầu say đắm. Rồi lan man hồi tưởng hình ảnh quê nhà. Một thị xã miền Trung dọc bờ duyên hải. Giữa vùng muối khô cá mặn, tôi may mắn có một khung trời thơ ấu ngọt ngào.
Là con trai út trong gia đình có bốn bà chị gái, èo uột từ lúc mới chào đời, ba mẹ tôi đã lê la từ đền Ông đến miểu Bà, thỉnh cho tôi không biết bao nhiêu cái bùa hộ mệnh. Đứa con trai cầu tự. Năm bốn mươi lăm tuổi, mẹ tôi tròn ước nguyện, nên âu yếm gọi tôi bằng cái biệt danh thằng cu Ước. Khổ nổi, với cái tật đái dầm không dấu diếm được của thằng tôi, cái tên yêu mẹ đặt đã được diển nôm sái nghĩa, là đề tài cho nhiều trận cười nghiêng ngã trong xóm. Tội nghiệp thằng bé vốn tính mẩn cảm, chỉ biết sụt sùi thút thít một mình. Này này đừng có bắt chước sướt mướt như cái thằng cu ướt, lụt giường lụt chiếu nhà tôi đấy nhé. Ậy, răn con cái nhà mình, mà các bà cứ to mồm toang toáng lên không sợ mích lòng ai cả! 
Qua khỏi một cơn bệnh thập tử nhất sinh năm lên mười, sau mấy trăm thang thuốc Bắc và hàng chục lọ thuốc Tây, cơ thể dần dà thấm cơm ngấm cá, tôi bắt đầu hồng hào da dẻ, và nhổ giò lớn như thổi. Trái tim đa cảm biết tập tành nhung nhớ, tôi đã vẩn vơ se những vần thơ tình từ năm mười ba tuổi. Các nàng thơ nhí đến và đi trong lứa tuổi thiếu niên cũng khoảng dăm ba nàng, nhưng cú sốc tình yêu đầu tiên đến với tôi vào năm mười bảy tuổi. Nàng học dưới tôi một lớp. Ngôi trường trung học duy nhất ở thị xã, chỉ vọn vẻn có mươi lớp, mà bao nhiêu năm cùng trường không có duyên gặp nhau. Đêm văn nghệ mùa Xuân, nàng góp mặt với bài Buồn Tàn Thu, giọng thanh trong cao vút. Đèn sân khấu rạng sáng khuôn mặt trăng rằm, mái tóc ngắn ôm gò má bầu bỉnh, sóng mắt long lanh. Tiếng hát nàng thấm sâu vào trái tim chàng thanh niên mới lớn. Tôi yêu tiếng yêu người từ câu...em thương nhớ chàng. Tôi ngỡ rằng nàng hát cho riêng mình. Hồng Liên lớp 11A2. Tôi trấn thủ trước cửa lớp nàng sau đêm Buồn Tàn Thu hôm ấy. Thơ tình tôi gom góp một tập, đặt tên Sen Hồng, dành riêng cho nàng.
Thật nảo lòng cho những đấng mày râu yêu không dám tỏ. Thưở ấy tôi chỉ dám nhả tơ lòng  qua những vần thơ. Non xanh nước biếc. Trăng khuyết lại tròn. Một mảnh tình con. Theo em suốt kiếp. Dường như nàng thấu hiểu. Tôi thấy nàng hây hây má đỏ những buổi tan trường lúc tôi bén gót theo sau. Tình tang câu hát. Theo gót sen về. Bẽn lẽn trăng thề. Vờ quên ngõ hẹn. Thơ thẩn tôi thả đầy đường. Ngô nghê ngờ nghệch. Vậy mà cũng được một lần tay nắm vội tay. Bàn tay nhỏ xinh mềm mại. Một cái bớt nhỏ màu chàm  giữa mu bàn tay trái. Dường như nàng cũng yêu. Nàng lặng thinh để yên tay cho tôi nắm. Thưở mới lớn nhút nhát tôi đã không dám đi xa hơn. Có lẽ vì vậy nên lòng vẫn ray rứt không nguôi chăng. Năm ấy nàng mười sáu trăng tròn, tôi mười bảy bẻ gảy sừng trâu, yêu nhiều hơn học, và kết cuộc là ... rớt tú tài anh đi trung sĩ. 
Với cái lý lịch như thế, học tập cải tạo là chuyện đương nhiên, sau tháng Tư đen năm đó. Đúng là cái số lao đao, ai bảo đen bạc đỏ tình, khi từ Cà Mau về rách bươm tơi tả sau mấy năm tù, các nàng thơ của tôi đã lũ lượt kéo nhau gọi đò sang sông cả. Phận mình lo chưa xong, tôi  chẳng dám ôm đồm níu kéo gì ai. Vốn học không hay cày không biết, tôi siêng làm thơ biếng làm ruộng. Nên chi cay đắng mùi đời thì nhiều, ngọt bùi chẳng được bao nhiêu ở cái xả hội răng đen mã tấu thời đó. Sau chuyến vượt biên thất bại, tôi đã phải từ giã quê nhà trốn biệt vào thành phố trong một thời gian dài, và rồi cuối cùng cũng đến được miền đất hứa theo diện H.O.
Đôi khi ngoảnh nhìn lại những chặng đường tình đã đi qua, khá nhiều những tuyến đường một chiều, các mối tình si một thưở rồi cũng dần dà nhạt mờ theo ngày tháng. Duy mỗi hình bóng nàng. Khuôn rằm tươi sáng, nốt ruồi đen cạnh khóe môi, bờ môi chắc hẳn ngọt mềm. Thú thật tôi chưa từng có diểm phúc một lần ghé môi để uống ly chanh đường. Có lẽ vì vậy nên lòng vẫn triền miên tiếc nhớ chăng. Mất liên lạc với nàng từ cái ngày đổi đời năm ấy, tôi chỉ còn mớ kỷ niệm thời niên thiếu làm hành trang cho những năm tháng xuôi ngược sau này.
2.
Tôi thường đến sở làm sớm hơn mọi người khoảng nửa tiếng. Ba mươi phút đồng hồ đủ để tôi chuẩn bị một tách cà phê nóng, hoạch định những việc cần làm trước sau trong ngày, và dăm ba phút riêng cho mình. Sự tỉnh lặng hiếm hoi rất cần thiết trước một ngày huyên náo trăm công nghìn chuyện. Khung cửa sổ cạnh bàn làm việc thường được che màn kín mít. Tôi tuy rất yêu những ngày nắng, nhưng lại chung nổi lo với nhiều đấng phụ nữ, dù làn da đã được bảo vệ với kem chống nắng SPF 50, vẫn e rằng những sợi tơ  trời óng ả ấy sẽ làm đâm chồi nảy nở thêm nếp nhăn ở vết chân chim sẵn có.


Mặt trời hôm nay đi vắng, dự báo thời tiết tiên đoán rằng 40% bão sẽ tới sáng nay. Một cơn bão lớn đủ để cung cấp số lượng nước cần dùng hàng năm. Tôi kéo tung chiếc màn cửa qua một bên. Bầu trời ủ ê một màu tro xám. Gió rít từng hồi. Cây lá dập dìu trong điệu luân vũ của đất trời. Những giọt mưa lăn tăn rượt đuổi nhau ngoài khung cửa kính. Đích thực 100% bảo rồi còn gì. Ước gì công việc tôi làm được khoan hồng với số sai xuất như những bản tin thời tiết. Cuộc sống có lẽ tươi hồng lên thêm được một chút. Tóc tôi chắc ít đi những sợi bạc. Và giấc ngủ hằng đêm có thể vắng đi những thao thức triền miên.
Tôi duyệt qua lịch trình công việc trong ngày, hai cuộc họp lấp kín buổi sáng hôm nay, một cuộc hẹn với khách hàng vào buổi chiều. Ừ, cần phải đặt mua một vài món văn phòng phẩm, in thêm danh thiếp, và đổi bảng tên trước phòng làm việc. Tôi lại trở về với cái tên thời con gái. Giấy tờ ly dị sắp sửa xong xuôi. Cõi lòng tôi đã đóng cửa, từ lần đối chất không tránh được, khi tôi thấy  gian dối trong ánh mắt Chinh, dù môi miệng anh vẫn ngọt ngào, dù vòng tay còn nồng ấm. Bao nhiêu cái đầu tiên tôi đã dấu ái dành riêng. Hụt hẫng. Mất mát. Chinh đã trách rằng, trong bao nhiêu năm chồng vợ, câu nói yêu tôi thốt chỉ hai lần. Tôi lặng thinh. Nếu hạnh phúc được đo lường chỉ bằng những lời đầu môi chót lưỡi thì tôi có lỗi mất rồi. Có lẻ đó là lý do Chinh phải đi tìm câu yêu thương từ những quán cà phê, từ những đường dây nóng. Bao nhiêu người tình năm trăm anh đã tìm thấy" Tôi cũng lặng thinh không nhắc đến những cái bill đã trả, đây đó vài trăm đô cho 1-800-Flowers, dù bao nhiêu năm nay tôi chả nhận được hoa hòe hoa sói từ ai cả.
Lòng dửng dưng nguội lạnh, tôi biết con tim mình đã khép kín, không mong gì cơ hội hàn gắn. Rồi tôi đã lặng thinh lo lắng mọi giấy tờ cần thiết cho một cuộc chia lìa không tránh được. Thật buồn cười câu nói ngày xưa khi yêu hột muối cắn đôi, nay khi hết yêu rồi lại càng phải xẻ đôi mọi thứ, cả cái tên ghép cũng gãy đôi khi nợ duyên đã cạn. Chỉ được một điều, Mona không phải trực tiếp đối diện với sự lựa chọn đau lòng giữa ba và mẹ. Con gái tôi đã đến tuổi trưởng thành, đang tập tễnh bắt đầu cuộc sống riêng cho chính mình. 
Năm 1975, tôi cũng đang ở thời điểm đó. Cuộc sống tự lập bắt đầu bằng chuyến bay cuối cùng rời phi trường Tân Sơn Nhất trong những ngày căng thẳng nhất của cuộc nội chiến. Quê cha đất tổ vội vã bỏ đi không kịp lời từ biệt. Cô thân độc mả, tôi đi theo lời rủ rê của gia đình một người bạn thân. Suốt chuyến bay dài lòng tôi hoang mang rối rắm. Tháng ngày trước mặt là môt dấu chấm hỏi to tướng.
Thật may mắn tôi được ông bà Moore bảo lãnh, một tín đồ Tin Lành nhân ái, ông bà đã nhận tôi làm con nuôi. Từ một phật tử thuần thành, tôi trở thành con chiên ngoan đạo. Tôn giáo nào cũng tốt thôi, cũng chủ trương làm lành lánh dử, từ cái nhìn bao quát nhất. Cái tên cúng cơm của tôi cũng được làm mới lại. Tiếng Mỹ ngược ngạo đã làm tôi xính vính trong những năm tháng đầu. Cô bạn thân Tố Loan của tôi, cùng gia đình trôi dạt về miền Tây Hoa Kỳ, chắc cũng phải cúng mười hai mụ bà làm lễ khai tên mới. Tên đẹp con gái ngày xưa mẹ đặt. Liên.Loan. Có ngờ đâu là nợ nần ai cũng phải tránh xa theo ngôn ngử đất nước này. Liên của làng chài Phú Hải đã trở thành Lilian của thành phố Oriental, North Carolina.
Oriental. Lúc mới biết tên thành phố của gia đình người bảo trợ, tôi mừng hết lớn, chắc ngẫm rằng sẽ gặp được nhiều đồng hương Á Châu. Cũng đỡ phần nào nổi bở ngỡ lúc dấn thân vào đời sống mới.
Thật bé cái lầm, chả có một nét Đông Phương đặc thù nào ở thành phố Oriental này cả, ngoại trừ cái tên thành phố. Đặt dựa theo tên một chiếc tàu đắm, đã trôi dạt vào vùng biển địa phương từ thế kỷ thứ 19 xa lắc xa lơ đó, theo lời bà Moore. Đường phố nhỏ hẹp vắng hoe, có tìm suốt cũng chả thấy một ngọn đèn giao thông xanh đỏ nào. Một thành phố bỏ túi của miền sông nước Đông Nam Hoa Kỳ. Con sông Neuse nổi tiếng với lòng sông rộng, đầy dẫy tàu bè, số ghe thuyền tính ra gấp đôi số người ở. Dân số lúc đó, chỉ lèo tèo trên dưới vài trăm, với hơn 90% là người bản xứ. Đa số là ngư dân, kể cả gia đình ông bà Moore.
 Những năm tháng đầu ở Oriental, tôi chỉ lo học ăn học nói, phụ giúp ông bà lúc ghe thuyền về, bắt tôm lưới cua tìm vui, lúc nào nhớ nhà thì chạy ra bến tàu ngắm hoàng hôn. Và khóc một mình.                Cũng sóng nước bồng bềnh đó, mà sao sông lạch quê người khác xa sông lạch quê nhà. Không làm tôi vơi nổi nhớ, chỉ thấy lòng thêm ray rứt bồi hồi. Tôi thèm nói tiếng Việt Nam. Ao ước gặp được người đồng hương để cùng nhau ôn quá khứ. Chinh đã xuất hiện thật đúng lúc, như câu trả lời cho niềm mơ ước giản đơn của tôi. Cùng cảnh ngộ dễ tương liên. Thật cũng nhờ ...Ông Tơ bà Nguyệt dắt đưa nên gần. Chinh và tôi nên duyên chồng vợ dễ dàng như thế. Tôi ghép đôi hai họ, Moore-Lam, làm tên giấy tờ sau ngày lấy nhau, để kỷ niệm mối duyên tình khắn khít.
Đúng một năm sau ngày cưới, bé Mona chào đời. Chúng tôi rời Oriental không lâu sau đó, tìm về miền Tây Hoa Kỳ nơi có đông đảo người Việt. Đã bị hố to với cái tên Oriental, tôi không mong mỏi gì nhiều ở thành phố mới, với cái tên thật nên thơ, Lake Forest.
Một sự bất ngờ thích thú. Phong cảnh ở đây hữu tình y như tên đặt, giữa thành phố là hai mặt hồ xanh biếc cách nhau không xa lắm, ven thành phố là những cánh rừng thưa thơm lừng mùi khuynh diệp. Lake Forest là tổ ấm của Mona cho đến ngày trưởng thành. Con gái tôi đã có một tuổi thơ trọn vẹn dù giờ đây ba mẹ đã dứt nợ cạn duyên. Đôi khi tôi cảm thấy áy náy về lời kết tội của Chinh. Có hợp lý chăng, hay chỉ là một cố gắng biện minh cho những hành vi sai lén. Thôi thì chuyện cũng đã được giải quyết rồi. Đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ. Cuối cùng cho một tình yêu, không sầu không oán, tôi thấy lòng thật nhẹ nhàng thanh thản.
3.
Lão chủ gọi phone lúc ba giờ sáng nhờ thế chân ông già Mễ chẳng may bị cúm H1N1. Ông Mễ làm ca ngày, chuyên cắt tỉa cây cảnh ở cao ốc Laguna Hills. Thật chẳng đặng đừng, biết nói sao hơn, chỉ biết yes với xếp. Làm xong ca, phải ra xe ngủ gà ngủ gật, đợi đến hơn tám giờ sáng, thằng con trai ông mới ghé lại giao mớ đồ nghề cần thiết. Lại vào gặp nhân viên bảo an ký giấy đeo bảng. Thật bất đắc dĩ, nhưng thôi đây cũng một dịp để tri nhân tri diện những người bấy lâu chỉ biết qua bảng tên. Đang lúi cúi cắt tỉa chậu cây cảnh ngoài phòng tiếp tân, chàng chợt nghe tiếng giày cao gót gõ nhịp nhàng trên sàn gạch. Một giọng đàn ông sang sảng vọng tới:
- Are you going to that budget meeting"
Tiếng người đàn bà nghe sao quen quá.
- Yes. Aren’t you, Danny" You are invited, too.
-  Sorry, Lilian, I am stuck with another meeting...
Gã hơi khựng lại, có lẽ nhìn thấy chàng, rồi đổi sang tiếng Việt:
-  Chị có thể đề nghị họ dùng cây cảnh giả, tiết kiệm nước và chi phí bảo quản.
Chàng nhớ ra rồi. Danny Võ. Văn phòng gã đối diện với bà Lilian. Tên này hảo ngọt. Vỏ kẹo vất vô trật tự, toàn loại sugar-free. Ý kiến tiết kiệm của hắn đáng được thưởng một phong kẹo chocolate chính hiệu Hershey, đường nguyên chất.
Giọng cười giòn giả nghe quen làm sao.
- Ý kiến của anh. You should be there to tell them. Bye!
Sắp đến giờ họp, phòng họp ở tầng trên cùng, nàng vội vàng rảo bước, cái thang máy cổ lổ sỉ này vốn có tiếng chậm hơn rùa. Thấp thoáng có bóng dáng người đàn ông bên chậu cây cảnh. Chiếc mũ lưởi trai che khuất một nửa khuôn mặt. Mễ hoặc Á Châu cũng không chừng. Mái tóc ngắn gọn với cái đuôi tóc con giữa gáy. Khiến nàng liên tưởng đến người xưa. Thời trung học đã qua lâu lắm rồi, nhưng mối tình đầu một thời làm nhức nhối con tim mới lớn, vẫn đôi khi khiến tim nàng đập sai nhịp khi bắt gặp một vài nét quen thuộc. Có tin đồn rằng chàng đã mất tích sau chuyến vượt biên năm ấy. Nàng chợt nhớ ra rằng chưa lần nào chàng ngỏ tiếng yêu thương. Chỉ có mắt nhìn say đắm. Chỉ có tay nắm không rời. Và những câu thơ tình vụng dại. Mãi đến bây giờ vẫn còn trong tâm tưởng.
Hơi sương tôi thở vào vạt áo
Vội chi em bảo gió hong tà
Bàn chân gót nhỏ đường in dấu
Ngõ cát em về nắng trổ hoa
Tiếng kéo rớt đánh choang trên sàn gạch, người đàn ông ngượng nghịu cúi xuống nhặt, có vẻ như lẩn tránh nàng, tấm áo xanh bạc màu phía sau lưng. Nàng hối hận đã cười hùa với anh bạn đồng nghiệp về ý kiến tiết kiệm nước lúc nãy. Thời buổi này việc làm khó khăn... Nàng thấy mình thật thiếu tế nhị.
Tiếng chuông thang máy báo động, cánh cửa sắt từ từ mở ra, giọng nàng lịch sự nhẹ nhàng:
-  Are you coming"
Sắc giọng thanh trong cao vút. Như tiếng hát ở sân khấu đêm Xuân năm ấy. Mùi hoa dạ lý thoang thoảng. Nhiệm màu đến thật bất ngờ. Có lẽ nào. Phút hạnh ngộ dường như trong gang tấc, sao thật gần mà cũng thật xa. Bao nhiêu năm xa cách, có biết bao điều để chia xẻ với nhau. Nhưng sao như có một ranh giới vô hình chia cắt đôi bên. Nàng là ngày còn chàng là đêm. Mâu thuẫn trong tư tưởng. Chàng bối rối tính suy tiến thoái lưỡng nan.
Lúc còn đi học chàng ghét cay ghét đắng môn Hình Học. Học xong rồi trả hết bài vở cho thầy, duy có mỗi định luật chàng vẫn còn nhớ, rằng hai đường thẳng song song sẽ không bao giờ gặp nhau. Định luật Hình Học căn bản đã áp dụng thực tiển trong cả hoàn cảnh đời sống xả hội. Chàng và nàng là hai đường thẳng song song. Dốt Toán như chàng làm sao ứng giải cách nào khác được. Có những điều chỉ muôn đời đẹp trong tâm tưởng. Như khối tình si của năm mười bảy. Như những bài thơ tình ấp ủ bao năm. Lâu lắm rồi chàng đã gác bút làm thơ. Có lẽ đêm nay chàng sẽ tìm lại nguồn thi hứng, để nắn nót thêm một bài thơ tình, cho tuyển tập Sen Hồng, rất riêng của mình.
Chàng nghĩ đến cô bé trong bức hình. Chàng liên tưởng đến một gia đình hạnh phúc. Lúc nào chàng cũng mong muốn mọi điều lành cho nàng.
Lòng xâu xé, chàng tha thiết muốn ngắm nhìn mùa thu tóc ngắn của bao năm tơ tưởng. Một lần cuối. Chàng nhủ lòng chỉ một lần cuối. Vừa khi chàng ngoảnh đầu nhìn lại, nàng xoay lưng bước vào lòng thang máy. Vẫn mái tóc ngắn ngày nào, dù hôm nay đã lốm đốm điểm sương. Bàn tay trái còn chận hờ trên cửa. Một vết chàm nhỏ giữa mu bàn tay. Ngón áp út thuôn trơn.
*
Này bạn, xin mời bạn hãy giải hộ bài toán đố cuộc đời. Lời giải đáp có lẽ tùy vào nhân sinh quan mỗi người. Ly nước nửa đầy hay nửa vơi. Tương phùng hay ly biệt. Xin vui lòng viết nốt đoạn kết theo mắt nhìn của bạn.
Ấu Chi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến