Hôm nay,  

Mùa Xuân Của Cọp

18/02/201000:00:00(Xem: 133724)

Mùa Xuân Của Cọp

Tác giả: Dương Thượng Trúc
Bài số 2867 -1628967- vb5021810
                                
Tác giả tên thật là Bùi đăng Thủy, cự sĩ quan  Biệt Động Quân, cựu tù nhân chính trị, đến Hoa kỳ theo diện H.O 26  định cư tại Wichita, Kansas - và làm nghề "Nhấn nút ăn tiền" trong hãng máy bay Cessna. Ông đã tham dự viết về nước Mỹ từ 2007. Sau đây là bài viết đầu xuân Canh Dần, với lời ghi: Tặng những người phụ nữ tuổi Dần Và các chiến hữu Biệt Động Quân.

   ***                                                                                    
                                                  
Tuần hương trên bàn thờ đã cháy hơn một nửa. Hắn ngồi trầm ngâm suy tư, trên ghế sô-pha kê giữa phòng khách.
Lam, vợ hắn vẫn thành kính xì xụp quỳ lậy và lâm râm khấn vái trước di ảnh người cha chồng đã mãn phần, được đặt một cách trang trọng trên nóc tủ chè, nơi góc phòng.
Người phụ nữ ấy không liễu yếu đào tơ, mà cũng chẳng cao lớn dềnh dàng gì cho cam, thế mà lại rất cứng cỏi và tháo vát.
Ba năm trước đây, khi ông bố chồng mất, cô nàng đã kiên quyết đơn thân độc mã, trở lại quê hương làm bổn phận của một người dâu trưởng, nàng lý luận:
-Anh thường xuyên sinh hoạt với cộng đồng, đội bê rê nâu, mặc đồ bông, đeo con cọp to bên vai trái,  anh muốn về đó nạp mạng cho bọn chúng hay sao"
-Nhưng, nếu anh không đi, thì biết giao cho ai.
-Mọi việc đã có em… Anh ở tù, ai lo cho bố mợ"
-Ờ…ờ …thì em …
-Lúc bố còn sống, em chăm sóc, nay bố mất, em lo hậu sự là chuyện thiên kinh địa nghĩa rồi, có gì mà phải bàn cãi…
Định cuộc đã được an bài.
-Còn đứng ngớ ra đấy làm gì nữa, không gọi phôn mua vé máy bay cho em đi! Người ta phải làm giấy tờ nhập cảnh lôi thôi lắm đấy …
Hắn bốc điện thoại gọi đặt một vé máy bay duy nhất cho nàng.
Và sáng sớm hôm sau, tiễn em ra phi trường.
Mọi chuyện được chu toàn một cách xuông sẻ. Nàng đã trở về trước ngày ấn định, với hai cái DVD quay cảnh tang lễ, để minh chứng nàng làm việc rất đắc lực.
Quả thật nàng vô cùng tháo vát và nhậm lẹ.
Chẳng thế thì không cách nào có thể khống chế nổi đám em chồng, phá như quỷ nhà chay. Và chăm sóc cha mẹ chồng già yếu, suốt những năm tháng hắn vương mang tù đầy.
Mà hắn có tội tình chi cho cam! Chỉ có cái lỗi là đã theo cha mẹ vào Nam tìm tự do, bỏ lại sau lưng môt vùng quê chiêm trũng đói khát quanh năm và muôn ngàn nỗi đọa đầy khổ ải.
Thế rồi hắn được ăn no, mặc ấm. Được tung tăng cắp sách đến trường. Được học điều nhân nghĩa, biết phân biệt phải trái. Và được thụ hưởng đời sống an bình suốt những tháng năm của thời hoa mộng.
Khi hắn vào lứa tuổi biết nhận định trách nhiệm của một người trai, thì cũng là lúc cuộc chiến dai dẳng trên mảnh đất ấy đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Hắn cũng chẳng dám màng đến danh lợi cao xa, mà chỉ nghĩ đơn giản một điều: Muốn được tiếp tục cuộc sống bình yên, thì phải tự bảo vệ nó.
Cư An Tư Nguy mà!
Thế là hắn lên đường, cầm súng xông pha chiến trường, sau một mùa Xuân ngút trời khói lửa.
Mùa Xuân mà chiến tranh đã lan vào đến tận thành phố.
Những người dân tay bồng, tay bế, quang gánh nặng vai, chạy quanh quẩn từ khu phố này đến xóm làng khác là những hậu quả vô cùng đau xót và tàn nhẫn của chiến tranh.
Càng khiến cho hắn thấy rằng nhận định của hắn là đúng, con đường hắn chọn là không sai.
Hắn đánh giặc chẳng cho một chủ nghĩa, một thiên đường nào cả. Chỉ đơn thuần là chống lại kẻ cướp phương Bắc đang muốn chiếm đoạt những gì mà hắn, gia đình hắn, những người lối xóm và cả một nửa mảnh đất phía Nam đã đổ bao mồ hôi, nước mắt để gầy dựng nên.
Oái oăm thay, bàng quang thiên hạ vì những mưu đồ riêng tư, vì những lợi ích vật chất, đã ngoảnh mặt làm ngơ trước hành động côn đồ của lũ cướp ngày. Để chúng mặc nhiên tung hoành, chiếm đoạt nhà cửa của hắn, của xóm làng hắn, và cả một khoảng trời tự do bỗng chốc trở thành địa ngục trần gian.
Thế rồi hắn thành tù nhân. Một thứ tù nhân không bản án. Kẻ cướp nay ngồi trên công đường, phán xét bọn hắn theo một công thức đã được học tập rất nhuần nhuyễn:
Nhà Ngụy ông ở - Xe Ngụy ông xài - Con Ngụy ông sai - Vợ Ngụy ông đớp…
Những năm tháng ấy, hắn với bàn tay rướm máu, giữa trưa hè
…Tây Ninh nắng nung người…
gỡ từng tấm ri sắt của phi trường để moi ra một cái lỗ to bằng bàn tay, trồng rau muống  “cải thiện .”
Hoặc những lúc hắn lặn hụp trong cái ao tù ở vùng Xuyên Mộc, Bà Rịa dưới làn nước đục nhờ nhờ màu váng của mài ghẻ, do những người tù hình sự để lại - mà hắn đã đã đặt cho cái tên là suối bà Lú - Vì chắc chắn tắm cái suối ấy một thời gian nếu không mất trí nhớ, thì cũng trở nên lú lẫn chứ không chơi -
Thì cũng là lúc người phụ nữ ấy lăn lộn, bương chải với đời, để thay hắn gánh vác cả một gia đình.
Nàng vững như bàn thạch, trước những cám dỗ của kẻ cướp đầy quyền lực và thô bỉ để giữ trọn lòng chung thủy với hắn. Dù hai người thực sự được chung sống với nhau chỉ hơn một tháng, trước khi hắn vác bị gậy vào tù.
Với bản tính ấy, nàng cũng cứng cỏi duy trì những phong tục cổ truyền của cha ông một cách rất mẫu mực. Ngay cả khi gia đình hắn gồm bốn người, theo diện H O.đã đến định cư tại thành phố Wichita, Tiểu Bang Kansas Hoa Kỳ này.
Mười mấy năm nay, những nghi lễ trong ngày thiêng liêng của dân tộc luôn được nàng thực hiện một cách nghiêm túc.
Trưa hai mươi ba tháng chạp, đưa ông Táo.
Chiều ba mươi, đón Ông Bà.
Sáng mùng một, sau khi xông đất xong, các con khoanh tay chúc tết bố mẹ, nhận bao lì xì, mà có khi mở ra, chúng quay mặt đi chỗ khác nhăn nhó, vì bên ngoài cái bao thì đẹp, còn cái lượng bên trong thì héo quá.
***
Chiều ba mươi tết, cái ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu, chú Trâu nhà ta chuẩn bị nhường ngôi cho nàng Cọp của năm Canh Dần. Phòng khách nhà hắn khói hương nghi ngút, trên bàn thờ và chung quanh căn phòng, đầy đủ các lễ vật:
Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh.
Nhắc đến vụ pháo, hắn chợt nhớ lại cái năm đầu tiên đón Tết nơi xứ người. Lần ấy, hắn suýt nữa gặp rắc rối với pháp luật cũng vì chiều ý nàng đốt pháo đón Xuân.
Chẳng biết cô nàng có âm mưu tự lúc nào, và nghe lời ai xúi biểu, nên đã dự trữ pháo từ ngày July Four.
Đến buổi trưa đưa ông Táo, lôi ra, bắt hắn đốt:
-Mình đốt như thế này có hợp pháp không hở em"
-Sao lại không hợp pháp" Ngày lễ Độc Lập cả nước đốt rùm beng đấy, ai bảo là bất hợp pháp"
-Nhưng hôm ấy là ngày lễ chính thức của Hoa Kỳ, còn hôm nay chả là ngày quái gì hết…
-Sao lại chả là ngày quái, hôm nay đưa ông Táo về trời để báo cáo những sự kiện dưới trần gian, là một trong những ngày lễ quan trọng theo phong tục của dân tộc chúng ta. Lễ của họ, họ đốt, còn lễ của chúng ta, họ lại cấm à" Em không tin điều ấy.
Anh cứ đốt đi, tội vạ bao nhiêu, em chịu hết.
Thế là hắn riu ríu làm theo.
Tiếng pháo nổ ròn rã vào một ngày bình thường, không phải cuối tuần, cũng chẳng lễ lộc gì cả, giữa khoảng trời tuyết giá mênh mông và một không gian thật tĩnh mịch, tiếng pháo dường như nổ to hơn lúc mọi nhà cùng đốt, khiến tim hắn đập nhanh trong lồng ngực.
Có lẽ còn đập to hơn cả tràng pháo ngoài sân.
Nhưng rồi, mùi lưu huỳnh quen thuộc xông lên, quen thuộc như thuở ấu thơ, vui đùa với những viên pháo lép nhặt nhạnh được trước sân nhà, và những lúc xông pha nơi chiến trường khói lửa, tay siết mạnh cò súng ngăn chặn bước giặc thù đang như một lũ thiêu thân lao vào ngọn lửa, đã khiến hắn quên phắt đi bao âu lo.
Hắn tận hưởng niềm vui được nghe tiếng pháo nổ ròn rã, tiễn đưa ông Táo về trời.
Hắn đê mê thả hồn về dĩ vãng.
Dĩ vãng của những ngày còn hiên ngang chiến đấu dưới bóng quân kỳ.
Tiếng pháo làm hắn liên tưởng lại những trận đánh khốc liệt trên cao nguyên Pleiku nắng bụi mưa buồn, và nhiều nữa, nhiều lắm. Làm sao có thể nhớ hết đã bao nhiêu lần, hắn nghe tiếng súng nổ dồn dập như tiếng nổ của tràng pháo ngoài kia…
Ôi ! Thời oanh liệt, nay còn đâu !
Tiếng còi hụ của xe chữa lửa, xe cứu thương, xe Cảnh Sát dừng ngay trước cửa nhà, lôi hắn trở về với thực tại.
Tiếng chuông cửa réo inh ỏi, dồn dập!
Một đám lau nhau kéo xộc vào nhà, ngay khi cánh cửa vừa hé mở: Hai vị Cảnh Sát đi đầu, ba anh lính cứu Hỏa, và cuối cùng là hai nhân viên y tế.
-What up" What up"
-What happen here, man"
Hắn ngớ cả người ra! Nàng vợ lúc nãy hùng hổ tuyên bố:
…Bao nhiêu tội vạ em chịu hết…


Bây giờ mặt xanh như tàu lá. Phải đến mấy phút sau, hắn mới lấy lại được bình tĩnh …và với mớ tiếng Anh lõm bõm từ thời trung học, hắn đã phải vận dụng cả đôi bàn tay để giải thích cho mấy người bạn dân biết về cái phong tục vô cùng cổ xưa của dân tộc Việt Nam.
Hắn đưa một ông Cảnh Sát đến bên bếp lò, chỉ vào đó và hỏi:
-You know what is this"
-Yes, This is a stove…
-Yes, the stove rides a fish go up to haven…and report to Mr. Ông Trời…
-What you say" This one can rides a fish" And who is Mr. Ông Trời"
Hắn lại lôi ông bạn dân ra ngoài cửa, cả đám cùng kéo theo, chỉ tay lên bầu trời âm u, xám xịt với những bông tuyết trắng xóa đang rơi lả chả, hắn nói:
-Mr. ÔngTrời up there…
-You say “ Stove rides a fish go up there"” 
-Yes, sir…Yes sir…
Viên Cảnh Sát buông thõng hai tay, ra dấu chịu thua.
Những người khác lắc đầu nguầy nguậy, vì không hiểu cái phong tục ấy, hay vì chẳng biết hắn đang nói gì…
Hai ba người bị hắt hơi, vì dị ứng với mùi hương trầm nồng nặc trong căn phòng khách chật hẹp mà chứa quá nhiều người.
Họ xí xô xí xào với nhau một lát, rồi gọi máy đi đâu đó, xong quay lại nói với hắn ;
-Waiting ! Waiting ! OK"
-OK ! OK ! Yes Sir…Yes sir…
Khoảng ba mươi phút sau, một người phụ nữ Á Đông, dáng dấp thanh nhã bước vào nhà.
Sau khi trao đổi với nhân viên Cảnh Sát, cô quay sang vợ chồng hắn đang đứng lớ ngớ như mán về thành, lịch sự nói:
-Thưa ông bà! Luật Tiểu Bang không cấm xử dụng pháo trong những ngày thường, nhưng trước khi đốt, ông bà phải thông báo cho chính quyền địa phương biết, và nhất là những người láng giềng của ông bà, để họ không bị giật mình. Vì đây là lần đầu tiên vi phạm, và ông bà cũng chỉ mới đến định cư tại nước Mỹ mấy tháng, nên mọi chuyện sẽ được bỏ qua. Nhưng xin ông bà ghi nhớ những gì chúng tôi vừa nhắc nhở…
-Cám ơn cô, cô thông dịch rõ ràng ghê vậy đó. Gớm! Có mấy tiếng nổ như thế mà cũng kéo đến đây cả hàng chục chiếc xe, hình như họ không có việc gì làm hay sao ấy, cô nhỉ! Cứ đến Việt Nam vào thời chiến tranh đi thì biết. Nghe nổ suốt ngày đêm, khi nào im tiếng lại còn thấy nhơ nhớ ấy chứ.
Cô thông dịch viên - có lẽ cũng trạc tuổi vợ hắn, nhưng tươi tắn hơn nhiều, chắc là nhờ đã được sống lâu ở đất nước này  rồi- mỉm cười chia sẻ những suy nghĩ của nàng.
Một nụ cười mới dễ mến làm sao.
Đến nay hắn còn nhớ như in nụ cười ấy, nụ cười đã mang lại sự an bình trong tâm hồn hắn với lời chúc tốt đẹp, trước khi dời gót:
-Xin chúc ông bà và gia quyến mùa Xuân đầu tiên thật đầm ấm trên đất nước tự do này.
Và từ đó, cô trở thành người bạn thân của gia đình hắn, bởi nàng đã mau mắn hỏi xin số phôn để nhờ giúp đỡ khi có chuyện cần…
***
-Daddy cái bụng của con nó kêu dữ lắm rồi, chừng nào mới được ăn vậy"
Câu hỏi ngô nghê của cậu con cả, nói tiếng mẹ đẻ một cách ngọng nghịu, khiến hắn chợt bừng tỉnh.
-Ờ …ờ …chờ cho nhang tàn đã chứ con…
-Tại sao lại phải chờ nhang tàn hả ba"
-Tại …tại lúc đó Tổ tiên và ông Nội mới ăn xong …
-Ứ  ừ ! Thôi, con không ăn đồ ăn dư của ông Nội đâu, con Oder Pizza ăn.
-Đâu có phải là đồ ăn dư…
-Daddy mới nói đó…
-Thì đó …chỉ là hình thức thôi…chứ ông Nội mất ba năm rồi, còn ăn uống gì được nữa…
-Vậy còn bầy ra làm chi cho busy.
-Con nói như vậy sao được, đây là phong tục của dân tộc mình, custom, custom…con biết không" Con là con trai cả, con phải hiểu điều đó, mai mốt ba mẹ mất đi, con có nhiệm vụ duy trì…
-What" Con đâu biết làm gì…
-Không biết thì phải học…Chẳng lẽ khi ba mẹ chết rồi là các con quên hết hay sao"  Đừng nói với ba là tới ngày đám giỗ ba mẹ, các con chạy ra mua cái Hamburger về cúng nhe.
-Nhưng mà làm ra rồi ba mẹ đâu… có ăn…
-Dù không ăn cũng phải làm.Đó là bổn phận, bổn phận là duty con hiểu chưa"
-Dạ dạ con hiểu, con hiểu …
Có lẽ anh chàng không muốn bị nghe một bài giảng thuyết dài dòng của hắn, và chắc chắn sau đó, sẽ có sự tham chiến tích cực của bà mẹ, nên đã tìm cách tránh né ngay từ đầu…
Năm nay, đón ông bà đúng vào ngày cuối tuần, nên cu cậu phải ở nhà, cùng với cô em út phụ cha mẹ trang hoàng nhà cửa, nấu nướng thức ăn, lau chùi bàn ghế, và nhất là được giảng giải về những nghi thức thờ cúng Tổ Tiên suốt từ sáng đến giờ.
-Daddy! Năm nay là năm con gì vậy"
Hắn liếc mắt về hướng cuốn lịch treo tường cho chắc ăn, rồi mới trả lời cô con gái út:
-Năm canh Dần …
-Năm Canh Dần là con gì"
-Con cọp…
-Á ! Vậy là năm của Daddy rồi !
-Ba tuổi con gà mà…
-Chứ hổng phải mỗi lần đi dự ngày Quân Lực Ba thường mặc bộ đồ bông, có gắn hình con Cọp, ghi là Cọp Ba Đầu Rằn đó sao"
-Ờ ! Ờ !... Đó là Binh Chủng ngày xưa ba phục vụ, nhưng ba không phải tuổi cọp…
-Ba đã từng đeo con cọp trên vai rồi, đâu còn sợ ai nữa ba há! - Cậu cả góp tiếng - Cọp là Chúa Sơn Lâm mà !
-Anh hai nói hổng đúng, con cọp còn sợ một thứ.
-Sợ cái gì"
-Con cọp sợ bác nông phu. Anh Hai quên câu chuyện cổ tích đó rồi há"
-Đâu ba kể lại con nghe đi ba !
-Thế em Hương còn nhớ không, kể lại cho anh Hai con nghe đi.
-Dạ còn nhớ, nhưng mà “not sure”, chỗ nào con forgot ba remind con nhé !
-Ừ ! Ba sẽ nhắc con!
 -Ngày xưa, xưa lắm rồi, hồi đó các loài thú vật và con người dùng chung một ngôn ngữ. Một hôm, cọp xuống đồng  bằng kiếm mồi. Nhìn thấy trâu đang cầy kéo cày nặng nhọc, mà thỉnh thoảng còn bị bác nông phu quất roi vào mông nữa.
Cọp suprise lắm, đợi khi bác nông phu về nhà ăn cơm, cọp mon men đến toan vồ trâu ăn thịt, nhưng còn thắc mắc, nên hỏi trâu:
-Mày to lớn như vậy, sao để con người nhỏ bé kia ăn hiếp"
-Tại họ có …Có gì ba"
-Trí khôn…là Wisdom đó con…
-Ờ tại họ có wisdom …có trí khôn…
-Trí khôn là cái quái gì mà mày phải sợ, có mạnh bằng bàn tay tao  đây không"
Vừa nói, cọp vừa giơ móng vuốt ra, khiến trâu sợ muốn chết, lắp bắp trả lời:
-Sao cọp không đợi coi xong trí khôn của con người, rồi hãy ăn thịt tôi cũng đâu có muộn.
Cọp đồng ý, đứng đợi đến khi bác nông phu ăn cơm xong trở ra, cọp tới gần hoạnh họe:
-Ê ông già kia, trí khôn của ông là cái gì mà ông ăn hiếp được con trâu đực to lớn thế kia hả" Mau đưa cho ta coi thử.
Bác nông phu hơi giật mình, nhưng nghe hỏi thế thì mỉm cười nói:
-Trí khôn tôi cất ở nhà, nếu cọp muốn coi, tôi sẽ về lấy …
-Ừ lấy ra đây cho ta coi thử xem nó là cái quỷ quái gì mà dữ dằn vậy!
-Nhưng nếu tôi bỏ đi, cọp ăn thịt con trâu của tôi thì sao.
-Vậy ông muốn thế nào"
-Để tôi trói cọp vào góc cây này cho chắc ăn, rồi về lấy trí khôn cho cọp coi.
Cọp bằng lòng theo điều kiện của bác nông phu..
Sau khi trói xong, bác nông phu dùng đòn gán phang túi bụi vào đầu, vào mình cọp, vừa đánh vừa nói:
-Trí khôn của loài người là đây nè…biết chưa…Rồi gì nữa hả ba"
-Rồi sau đó chất rơm dưới gốc cây đốt cọp…
- Dạ ! Con nhớ rồi ! Sau đó bác nông phu còn chất rơm dưới gốc cây để đốt cọp, cọp vùng vẫy, la hét qua trời luôn, lửa cháy một lúc làm đứt dây cột nên, cọp chạy thoát được. Nhưng từ đó trên mình cọp còn để lại những dấu vằn vện vì bị lửa đốt.
-Cho nên người ta mới nói sức mạnh của con người là ở trí khôn chứ không phải ở vai u thịt bắp.
-Hổng giống như anh Hai, ỷ tập thể thao lúc nào cũng khoe muscle.
Cậu cả vẫn chưa bằng lòng ;
-Thì cọp chỉ thua con người thôi, nhưng vẫn là chúa tể rừng xanh, mà ba là cọp ba đầu rằn, còn sợ ai nữa ba há…
Liếc nhanh qua cô vợ, thấy nàng đang chăm chú dọn thức ăn xuống bàn, hắn hạ giọng thật thấp:
-Ba ..ba chỉ là cọp giả thôi, cọp… cái…cọp …cái …thứ thiệt… ở …đằng kia kìa !
-Hả ! Ba nói cái gì"
-Mấy cha con đang to nhỏ gì thế, không lại phụ mẹ một tay, than đói bụng mà còn đứng đó tán gẫu…
-Mẹ ơi mẹ! Ba nói mẹ… mẹ… là cọp …cái…
“…Ối giời đất ơi! Nó ăn cơm tui mà hại tui rồi…”
-Cái gì" Cái gì …Con nói lại mẹ nghe xem…
Cậu nhỏ tự nhiên thụt vòi, vì dường như đã nhận thấy những dấu hiệu chẳng lành của một cơn cuồng phong sắp đổ ập xuống
-Dạ…Ba nói.. ba nói nói mẹ…
Nàng bèn nhe nanh vuốt, sừng sộ:
-Nói cái gì …Hôm nay là cuối năm, nói cho mẹ nghe, để mẹ giải quyết, không để đến sang năm mới rồi dông cả năm đấy…
Hắn vội nhau nhẩu cướp lời:
-Mấy đứa con thấy anh thường mặc đồ lính, đeo cái huy hiệu cọp ba đầu rằn, nên nói năm nay là năm tuổi của anh, anh giải thích cho chúng hiểu, anh không phải tuổi cọp mà chỉ có mẹ thôi…
-Phải ! Chỉ có mẹ là tuổi cọp trong nhà này thôi. Ba con là Cọp giả ! Ngày mai là bắt đầu năm của mẹ. Năm Cọp. Các con hiểu chưa !
-Dạ hiểu, dạ hiểu mom - Mấy đứa con dạ rân trời.
“…Cũng may, nàng tuổi con Cọp thật, nên mình tránh được một bàn thua trông thấy…”. Hắn lẩm bẩm:
-Năm nào, tháng nào, ngày nào và giờ nào chẳng là của riêng mẹ…
-Anh còn lải nhải cái gì nữa đấy, không lại phụ đưa thức ăn xuống, bàn thờ cao quá, em với không tới đây nè !
-Ờ… ờ… Anh chỉ nói may quá, ngày mai là sang năm con cọp rồi… Mùa Xuân của Cọp thì chắc mọi sự sẽ yên ổn hơn bao giờ hết…Không một ai dám hó hé điều gì…Trong rừng có cọp, trong nhà này…có em …nên thiên hạ thái bình…
-Này, này đừng có mà nói bóng nói gió lung tung đấy nhé! Năm hết tết đến, hãy để cho nhà cửa yên vui! Mau đến đỡ hộ em một tay đi, cứ đứng ngớ người ra đấy à...
Một tràng cười rộ lên, ròn rã như những phong pháo tết vừa đốt lúc nãy ngoài sân, khiến căn phòng chan hòa một niềm vui đầm ấm của những con người tha hương, nhưng lúc nào cũng đem theo quê hương trong lòng. Dù đã đã bao nhiêu năm ly xứ !
Dương Thượng Trúc
(Thuỷ Gia Trang. Đầu xuân Canh Dần.  Wichita, 15 năm ly xứ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến