Hôm nay,  

Tái Ông Ngày Nay

02/02/201000:00:00(Xem: 236408)

Tái Ông Ngày Nay

Tác giả: Hoàng Trần
Bài số 2853-1628923- vb3020210

Nhân vật chính trong bài viết trúng giải Viết Về Nước Mỹ 2008, mới đây đã được truyền hình và báo chí Mỹ trân trọng nhắc tới: Em Trần Lộc, 17 tuổi, bẩm sinh bị khiếm thị và tự  kỷ ám thị, hiện là học sinh lớp 12 tại Champlin Park High School (vùng Minnesota) được nhìn nhận là một thiên tài âm nhạc. Mẹ của em Lộc là tác giả Thanh Mai đã viết lại câu chuyện của em trong bài "Ép Con Học Hành Quá Sức." Lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2008, tại sân khấu Rose Center, Westminster, Lộc đã xuất hiện cạnh mẹ lãnh giải và sau đó biểu diễn một tấu khúc dương cầm. Trong bao xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010.  đầy đủ chi tiết về câu chuyện của Lộc được chính song thân của em cùng nhau kể lại. Sau đây là phấn kể của người bố.

***
Xin kể sơ sơ chuyện Tái ông bên Tàu trước khi nói chuyện Tái ông đời nay: Tái ông mua được một con ngựa tốt, giá rẻ. Hàng xóm đến chúc mừng, ông cười "Mua được ngựa tốt chưa chắc đã là chuyện mừng". Mấy ngày sau cậu con ông cỡi ngựa bị té què giò, hàng xóm lại đến chia buồn, ông chỉ thản nhiên nói "Bị què chưa chắc là chuyện buồn". Sau đó có chiến tranh, thanh niên đi lính lớp chết lớp mất tích, con ông bị què được miễn dịch, khỏi chết trận. Mọi người lại cho là ông hên!
Tôi cũng có một chuyện mà từ người thân đến người quen hết chia buồn rồi chúc mừng suốt mười bảy năm qua và tôi cũng không phải là Tái ông nên lúc buồn thúi ruột thúi gan, lúc phổng mũi vì khoan khoái.
Mười bảy năm trước mọi người chúc mừng vợ chồng tôi sinh được một bé trai kháu khỉnh.  Ly chén cụng nhau tưng bừng. Vài năm sau, ai gặp tôi cũng mang bộ mặt rầu rầu để an ủi tôi vì thằng con trai của tôi đã bị bịnh cườm mắt bẩm sinh, mổ xẻ đến 12 lần mà vẫn chẳng khá được chút nào.
Cho thằng nhóc đi học đàn để có phương tiện giải bày tâm sự vui buồn của mình lên phím đàn, bù lại cho thiệt thòi về thị lực. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thầy cô giáo dạy đàn gặp tôi đều nói một câu na ná như nhau:
- Xin chúc mừng anh có được một đứa con có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc.
Chỉ một cái bẩm sinh là bịnh cườm mắt đã làm cho cháu và hai vợ chồng tôi khốn đốn bảy, tám năm nay chưa yên, lại thêm một thứ bẩm sinh nữa. Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy cái bẩm sinh này coi có vẻ hấp dẫn, có thể nổi đình nổi đám với người ta nên cũng vui và hy vọng. Tôi đâu có ngờ là chuyện nổi đình nổi đám cũng kèm theo với nổi sóng nổi gió và cuộc đời chưa chắc được vui như khi nó phẳng lặng.
Cái tật bẩm sinh thứ nhì phát tác sau đó mấy tháng khi cháu bắt đầu nhận được những giải thưởng về trình diễn dương cầm tại địa phương. Tật này lây lan rất lẹ sang cha mẹ và cô giáo dạy nhạc. Cô tích cực luyện con gà chọi cho những độ so cựa trong tương lai. Cha mẹ tích cực ghi danh tất cả các cuộc thi biết được. Còn chính cháu thì tự đặt ra mục tiêu là thành tích cuộc thi sau phải cao hơn cuộc thi trước. Say men chiến thắng và say luôn những tán thưởng, chúng tôi quên mất là chú gà chọi của mình cũng có một yếu huyệt. Một ngày không đẹp trời với ba cuộc thi liên tiếp đã đưa cháu vào bệnh viện gần ba tháng với chứng bipolar disorder.
Lại đến điệp khúc chia buồn, dù buồn đã chia được cho nhiều người rồi và cũng lờ mờ thấy cái kiếp Tái ông của mình.
Cái lo cho tương lai con vẫn còn nặng vì chỉ chia được với bà xã. Nàng vốn xúc cảm mạnh hơn tôi nhiều nên viết thành một bài tâm sự về cái tội "ép con" của mình,  làm cho thằng bé đã khốn khổ vì yếu mắt giờ lại thêm khốn đốn vì bệnh tật mới. Dĩ nhiên đó là những xúc cảm thật sự chớ không phải là những thành khẩn kiểu làm bảng tự kiểm điểm cho cán bộ trại cải tạo nên mới được các vị giám khảo của giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trao cho giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Lại có nhiều lời chúc mừng cho bà xã và nhiều lời hỏi thăm, khen thưởng về nhân vật chính là thằng con khốn khổ của chúng tôi. Máu văn nghệ văn gừng nóng lên và bà xã tôi có thêm một niềm vui mới là viết lách.
Sóng gió lớn mấy rồi cũng lặng dần! Mấy năm nay tôi vui mừng vì ngày nào cháu cũng cắp sách tới trường đều đều. Chỉ phải ghé thăm bác sĩ mắt sáu tháng một lần và bác sĩ tâm lý ba tháng một lần, lần nào cũng tốt. Tôi không cầu mong gì hơn là giữ được sự thăng bằng hiện nay cho cháu.
Tháng mười năm ngoái, đọc email xong, bà xã thông báo:
- Cô Julie Kochevar vừa gọi lại nói có một cuộc thi âm nhạc dành cho người khuyết tật, chỉ cần thu lại và gởi ba bài nhạc do Lộc trình bày để dự thi là được, không cần phải đi thi.
Cô Kochevar làm việc cho school district, là case manager của thằng con tôi trong chương trình giáo dục đặc biệt. Vừa nghe đến thi cử là tôi dẫy nẩy ngay:
- Thôi, xin can.
Bà xã tôi có cảm giác mạnh thì tôi cũng có ấn tượng mạnh! Thi cử đồng nghĩa với áp lực, với bịnh tật, tự điển riêng của tôi đã định nghĩa như vậy từ mấy năm nay. Bà xã nài nỉ:
- Kỳ này Lộc đâu có phải đi thi. Chỉ cần thu nhạc vào CD rồi gởi đi dự thi thôi. Em điền đơn rồi anh thu dùm mấy bài nhạc của nó đã đánh chứa trong hard drive ra dĩa để gởi đi, vậy là xong.
Sau cơn bịnh, chúng tôi đồng ý với nhau là cho thằng con giã từ âm nhạc, vậy mà không biết là do duyên hay do kiếp mà cây đàn dương cầm càng ngày càng dính cứng vào số phận của cháu. Mỗi lần đi tái khám thằng nhóc lại mon men đến cây đàn của bịnh viện để chơi cho vui. Cô thơ ký đề nghị cháu đánh đàn Volunteer cho bịnh nhân, rồi không biết có ai đó nghe được, nói lại với các vị trong hội người cao niên của thành phố Brooklyn Park. Một hôm chúng tôi nhận cú điện thoại mời cháu đến trình diễn nhân một buổi họp mặt của hội cao niên ở hội trường thành phố. Đánh xong có phong bì trả công hẳn hoi! Sau đó các cơ quan khác của thành phố hàng năm cũng thường mời cháu đến chơi nhạc vào những ngày lễ hội, họp hành. Mỗi buổi biểu diễn đều được trả thù lao.
Thấy bệnh tình của con ngày càng ổn định, vẫn tiếp tục say mê đàn địch, chúng tôi cho cháu đi học đàn trở lại. Thầy giáo mới là tiến sĩ âm nhạc Richard Lange đang dạy ở trường North Western college. Cháu chỉ học mỗi tuần nửa giờ, không tham gia thi cử. Học để luyện ngón đờn và để giải trí chứ không đặt áp lực vào đó nữa.


Bây giờ nghe bà xã nhắc đến chuyện thi cử, tôi sợ sự leo thang này sẽ đánh mất cái thăng bằng đã có từ mấy năm nay nên lơ đẹp thôi chớ đâu có cười trừ! Nhà trường họ cũng đang chăm sóc con tôi kỹ lắm, chỉ cái việc đưa đón cháu đi học cũng dùng xe bus riêng, đưa đón tận nhà. Một lần tôi ngủ quên không đón cháu đúng giờ (tôi làm ca đêm) vậy mà ông tài xế vẫn dừng xe chờ. Kiên nhẫn bấm chuông cửa đến 15 phút cho đến khi tôi tỉnh dậy mới thôi. Khi tôi ra mở cửa ông bảo:
- Tôi đã gọi báo cho xếp của  tôi là hôm nay ông không đón cháu đúng giờ, chúng tôi sẽ gởi một giấy phạt $5 cho ông về chuyện này!
Họ đã cẩn thận như vậy thì làm sao mà tôi dám mạo hiểm cho được. Nhưng có lẽ bà xã tôi nói đúng, cây bắp non đang trỗ cờ, kết trái.
Tôi thật sự cười trừ khi thằng con mang về cái giấy khen chứng nhận đã đoạt giải cấp tiểu bang của cuộc thi "Young Solonist Awards", cuộc thi mà nhà tôi đã chọn đại mấy bài nhạc thu sẵn chứa trong hard drive gởi đi dự thi. 
Một ngày không mấy đẹp trời, gặp bà hàng xóm trước nhà, được bà chúc mừng:
- Xin chúc mừng Lộc được giới thiệu trong bài báo của school distric về khả năng âm nhạc.
Tôi chưa lấy thơ ở ngoài hộp thơ gia đình nên nào có biết báo chí viết gì về con tôi đâu! Thật ra nếu không được bà hàng xóm nhắc có lẽ tôi cũng quăng tờ báo vào thùng rác luôn rồi. Chữ nghĩa lơ mơ, thấy báo tiếng Anh là teo hết rồi, có mấy khi đọc hết một bài báo mà không lùng bùng vì có nhiều chữ lạ hoắc như người dưng nước lã. Nhưng lần này khác, nên tôi cố đọc kỹ. Đại loại họ khen thằng bé có thể nhận biết chính xác một nốt nhạc khi chỉ nghe qua một lần, chơi nhiều bản nhạc mà không cần nhìn vào bản in. Khả năng này mười ngàn người mới có được một.  
Chuyện nghe và nhận biết nốt nhạc chúng tôi đã biết từ khuya, từ hồi cháu bảy tuổi, bắt đầu đi học đàn. Con người ta học nhạc phải có bản nhạc kè kè một bên, khi học phải nhìn kỹ tay cô giáo đờn như thế nào rồi mới đờn lại. Cu cậu nhà tôi đã không nhìn bản nhạc, ngay cả tay cô giáo cũng không nhìn luôn mà ngửa mặt nhìn trần nhà. Nhưng có lẽ cũng chỉ thấy mờ mờ ảo ảo cái trần chớ chưa chắc thấy rõ cái bóng đèn to hơn nốt nhạc hàng ngàn lần. Lúc đầu, cô giáo tưởng thằng học trò làm biếng dở trò bất hợp tác, phát cáu:
- Em phải chú ý nhìn kỹ tay cô lát nữa mới đàn lại được.
Thằng nhỏ tỉnh bơ:
- Em không nhìn nhưng em đàn lại được mà!
Cô giáo xích chỗ, nhường ngay cây đàn cho học trò. Quả nhiên nó đàn lại chính xác khúc nhạc vừa nghe. Cô tròn mắt ngạc nhiên rồi phong thần liền tại chỗ:
- Trình độ professional!
Bước khởi đầu tôi chỉ mua cho con một cây đàn digital piano cho cháu nó tập. Cu cậu thường mở đàn nghe 50 bài nhạc mẫu được lưu trữ trong đó. Một hôm nghe cháu đàn một bài phức tạp hơn nhiều so với những bài đơn giản thường tập, ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Con đàn bài gì nghe lạ vậy"
Thằng bé trả lời:
- Con nghe ở trong cây đàn này nè, bài số 2.
Tôi cầm ngay receipt mua đàn chạy ra tiệm hỏi họ có bán cuốn sách in 50 bài nhạc mẫu lưu trong cây đàn này không. Họ lấy ngay cho tôi một cuốn, không phải bán riêng mà bán kèm với cây đàn mà mình không biết nên không hỏi. Bài nhạc mà cháu thích và đàn lại là bài "Dolly's dreaming and awakening". Hôm sau tới giờ học đàn của cháu, tôi nhờ cô giáo kiểm tra lại coi nó đàn bản nhạc đã nghe được có chính xác không. Nghe xong, cô trả lời:
- Hoàn toàn chính xác.
Vậy là từ lúc đó chúng tôi biết thằng con học bằng tai chớ không phải bằng mắt.
Cái con số mà bài báo đưa ra là mười ngàn người mới có một người có khả năng chỉ nghe mà nhận biết nốt nhạc thì tôi không biết. Bây giờ biết, tôi phải than thầm dùm cho thằng con tôi là sao cuộc đời nó toàn là gắn liền với mấy con số thống kê tí xíu vậy không biết. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một tài liệu nói rằng trong số năm ngàn phụ nữ mang thai mới có một người mang một chứng sốt quái quỉ gì có cái tên y học dài lòng thòng tôi không nhớ được. Chứng sốt này gây ra bệnh cườm bẩm sinh cho thai nhi, nhưng cũng phải đến năm ngàn trường hợp sốt mới có một cháu bé bị bệnh. Tuy không tin lắm về những con số thống kê này nhưng hồi mang bầu cháu quả là nhà tôi có sốt mấy ngày. Cho nên tôi cứ bị ám ảnh hoài cái con số nhỏ xíu này. Thằng con lại dính vào ngay chóc những khả năng hiếm hoi, không chừng nay mai sẽ trúng số độc đắc chớ chẳng chơi!
Bài báo của school district lọt vào mắt xanh của một phóng viên đài truyền hình địa phương, đài Northwest cities, họ xin phép được làm một mẫu tin ngắn cũng giới thiệu về khả năng âm nhạc của cháu. Sau khi bản tin phát đi, phóng viên đài WCCO của tiểu bang coi được. Họ lại xin làm một mẫu tin nữa. Trước khi phát tin một ngày họ có quảng cáo, vậy là bà con bạn bè địa phương gọi nhau í ới, bắn tin nhớ đón coi Lộc lên TV. Kỳ phát hình này ngoài khả năng âm nhạc họ còn giới thiệu thêm về khả năng nhớ được thời tiết trong những năm trước của cháu. Nhiều người ngạc nhiên thêm về trí nhớ này. Trước nay tôi thấy cháu say mê theo dõi thời tiết, lúc nói chuyện hay so sánh thời tiết hôm nay với ngày tháng này của những năm trước. Tôi cũng ừ hữ cho qua chớ làm sao mà biết nó nói có đúng hay không. Thấy cháu nói đúng lúc phỏng vấn tôi cũng ngạc nhiên, sau đó nhiều bạn bè tôi còn hiểu lầm là con tôi có khả năng ghê gớm lắm nên hỏi nó:
- Vào ngày ba cháu sinh ra, thời tiết thế nào"
Con tôi cười hích hích:
- Lúc đó Lộc chưa đẻ làm sao mà biết"
Nhưng khả năng tính nhẩm của thằng con thì tôi công nhận là nhanh. Cháu tính được ngày tháng năm nào của quá khứ và tương lai sẽ là ngày thứ mấy.
Vừa rồi vài tờ báo giới thiệu về thần đồng "calendar master" Đàm Đăng Khoa, mới sáu tuổi đã trả lời chính xác ngày nào là thứ mấy trong vòng hàng tỉ năm. Các chuyên gia cho biết khả năng này là một bí ẩn chớ không phải là khả năng tính nhẩm như chúng ta. Lạ một điều là những người có khả năng này lại thường mang chứng autism như con tôi. Về phần con tôi, tôi tin là cháu nhờ khả năng tính nhẩm nhanh, vì khi tôi hỏi:
- Làm sao mà con biết được"
Cháu trả lời:
- Một năm có 52 tuần và 1 ngày, năm nhuận có 52 tuần 2 ngày. Bắt đầu từ hôm nay thứ mấy mà tính ra.
Các câu trả lời thường đúng, thỉnh thoảng cũng có sai chớ không phải hoàn toàn, hơn nữa thời gian cách hiện tại cỡ vài chục năm thì cháu bắt đầu lúng túng và tính chậm lại nhiều.
Nhưng nếu như hỏi cháu:
- Con mèo có mấy cái chân.
Sẽ nhận được câu trả lời:
- Hổng biết, hổng thấy!
Hoàng Trần

Ý kiến bạn đọc
11/09/201700:39:02
Khách
Chào anh Hoàng Trần, chừng hai năm nay tôi có đọc những bài viết của vợ anh, thấy hay và thích lắm. Hôm nay được đọc bài viết của "anh chồng" tôi cứ tủm tỉm cười, phục lăn! Phải gọi là tài hoa, bay bướm với chữ nghĩa. Anh chị viết nữa đi! Viết về Lộc mấy năm vừa qua. Kính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,617,258
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến