Hôm nay,  

Du Sinh Vn Và Học Kỳ Mùa Xuân

01/02/201000:00:00(Xem: 287966)

Du Sinh VN Và Học Kỳ Mùa Xuân

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2852-1628922- vb220110

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60 , cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết. Năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ."  Sau đây là bài viết của Bồ Tùng Ma trích từ báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010 đang phát hành khắp nơi. 

***

Phần lớn các trường cao đẳng Mỹ có ba học kỳ chính dành cho du học sinh: Học kỳ mùa xuân, học kỳ nùa hè và học kỳ mùa thu. Có một số du học sinh thích đăng ký phỏng vấn để học vào mùa xuân. Việc phỏng vấn cho học kỳ mùa xuân được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12.  Thời khoảng này các viên chức phỏng vấn cảm thấy vui vẻ trong lòng vì sắp đến mùa nghỉ (Holiday Season), nên có thể dễ dãi trong việc phỏng vấn. Các du học sinh và gia đình nghĩ vậy. Học kỳ mùa xuân  thường khai giảng sau Tết Âm Lịch.  Nếu ngày khai giảng không gần ngày Tết Âm Lịch quá, du học sinh hay nán lại Việt Nam ăn Tết rồi mới lên đường. Tuy vậy có em muốn chắc ăn, lên đường ngay sau khi nhận visa, vì sợ những bất trắc có thể xảy ra, về phía Mỹ cũng như về phía Việt Nam. 
Về phía Mỹ, đôi khi du học sinh nhận được visa rồi, nhưng bị phát hiện có cái không thật trong hồ sơ nên visa bị hủy bỏ.  Về phía Việt Nam, đôi khi du học sinh lên tới sân bay trình giấy tờ xuất cảnh thì công an cửa khẩu lắc đầu. Năm 1995 một sinh viên học rất giỏi, được ông cậu ở Mỹ cho tiền làm dịch vụ du học và được cấp visa.  Cả nhà mừng quá tổ chức tiệc tùng linh đình.  Trong bữa tiệc ông chú ruột đứng lên trịnh trọng chúc "Cháu cố gắng học thành tài về xây dựng đất nước tươi đẹp hơn".  Nghe ngứa tai, gai mắt quá! Con nhà cách mạng mới có quyền xây dựng đất nước, còn "tụi nó" mà xây dựng cái gì, làm CIA thì có! Vậy rồi người ta chụp mũ sao đó, báo cáo lên trên, kết quả em du học sinh đó ở lại Việt Nam phụ giúp cha mẹ bán nước mắm, tiêu, hành, ớt, tỏi...  Hồi đó việc du học Mỹ còn lạ lùng lắm, nhất là ở những nơi hẻo lánh. Bây giờ khác rồi, con quan lớn còn đi du học Mỹ, con của dân mà kể vào!
Chẳng biết có phải vì ngẫu nhiên hay không mà trong số những du học sinh tôi xin trường để học vào mùa xuân có nhiều em học rất xuất sắc, thí dụ như Trần Nguyên Phương, nay là giáo sư tại một trường cao đẳng danh tiếng ở Texas; Nguyễn Thị Thanh Tịnh đã đậu master.  Cũng có những em "không giống ai" mà tiếng bình dân gọi là "mát giây".   Nguyễn Tấn Sanh là một trong số những du học sinh vừa nói.  Sanh "không giống ai" do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
 Sanh lên đường ngay sau khi nhận được visa, dù chỉ còn có 6 ngày nữa đến Tết và 23 ngày sau Tết trường mới khai giảng. Sanh lên đường ngay như vậy, không phải vì sợ những bất trắc như đã nói trên, mà vì  Bà Hương, người bảo trợ, muốn vậy.
-Anh Hai ơi! Giúp cháu qua càng sớm càng tốt. Qua đây ăn Tết cũng được-Bà Hương nói với tôi qua điện thoại từ một tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Tôi cười nói:
-Gì mà "Giúp cháu qua..". Tôi đâu có quyền  chi .Muốn qua sớm, cứ qua, miễn đừng qua trước ngày khai giảng hơn một tháng. Lãnh sự quán Mỹ quy định như vậy.
Tôi lên phi trường quốc tế Los Angeles đón Sanh đúng theo yêu cầu của bà Hương. "Anh Hai nhớ lên sớm nghe. Cháu Sanh thiệt thà ngờ nghệch lắm, sợ cháu đi lạc. Tánh cháu lại nghệ sĩ, đụng đâu quên đó. Em đã dặn kỹ, đến nơi cứ ngồi chờ anh, nhưng sợ cháu quên.".
Tôi nghe nói các nhà bác học mới hay quên ("). "Lảng trí bác học" mà!  Tôi không biết nghệ sĩ có lảng trí không, nhưng vẫn đi đón Sanh rất sớm. Tôi ngồi đợi hơn hai tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy Sanh đâu cả.  Trong thời gian đó bà Hương gọi điện thoại cho tôi đến ba lần. Tôi định đến quầy tin tức hỏi thì thoáng thấy một người mà tôi đoán là Sanh, đang lang thang ở cuối phòng, sau mấy dãy ghế, chỗ đổi tiền. Tôi vội đi nhanh về phía đó.
-Sanh phải không"
-Dạ.
-Chú Hai đây. Sao không ngồi đợi chú"
-Con đi tìm coi thử có ai giống chú không"
-Ủa, bộ chú không giống...chú sao"
-Chú chi đó ở phòng dịch vụ nói là chú hơi bự con, mà ở đây nhiều người bự con quá.
-Con không nhìn thấy chú ngồi đợi sao"  Nhìn có thể đoán ra...
-Con có nhìn thấy chú chớ! Con tưởng chú là Trung Quốc.
-Chú mà giống Trung Quốc! Hơi buồn đó nghe! Chú thì thấy con giống "Dế mèn phiêu lưu ký". Con đọc truyện này chưa"  Truyện của Tô Hoài.
-Dạ chưa.  Mà sao chú tài vậy, biết con là...Mèn.  Bạn con gọi con là Sanh Mèn.
-À, biệt danh của con là Sanh Mèn.  Hồi ở trong lính chú cũng có biệt danh. Ai không có biệt danh là thuộc loại "chìm trong đám đông".
-Ủa, chú có đi bộ đội hả"
-Có. Bộ đội cụ... Diệm.
-Cụ Diệm" Ủa, cụ Diệm mô hỉ"
Tôi nói lơ qua chuyện khác:
-Học kỳ mùa xuân này có nhiều sinh viên đi phỏng vấn không" Chuyến bay này có nhiều sinh viên không"
-Dạ, nhiều lắm, sắp hàng đợi phỏng vấn lâu dễ sợ. Chuyến bay này có 5 đứa khác qua nữa.  Tụi nó đến các bang khác nên chuyển tiếp qua các chuyến bay khác. Tụi nó đi ra cửa B.
Tôi yên lặng đẩy giùm cái xe hành lý khá nặng của Sanh ra cửa. Tôi có cảm tưởng như Sanh đẩy không nỗi. Nó nhỏ quá, giống như chưa tới 16 tuổi.
-Dì Hương có gởi cho Sanh cái điện thoại di động
-Dạ.
-Chú đợi con hơn 2 tiếng. Sao con ra trễ vậy"
-Con ghi lộn ngày trong mẫu gì đó..., nên phải xin mẫu khác.  Cái mẫu giấy trắng nhỏ bằng bàn tay. Con ghi tháng, rồi tới ngày, rồi tới năm...
-À, cái I-94. Giấy tờ liên quan đến việc xuất nhập cảnh đều ghi ngày tháng năm giống như Việt Nam. Mẫu I-94 rất quan trọng, bị mất khó xin lắm, còn khó xin hơn cả hộ chiếu.  Có bị hải quan check, à kiểm tra va-li không"
-Dạ có. Hải quan vất gói khô bò của con, lại còn cho tên con vào trong vi tính. Có sao không chú"
-Không sao đâu. Họ chỉ thống kê vi phạm thôi. Mực khô, cá khô thì được đem qua, nhưng bò khô thì không được.  Trái cây cũng không được. Cái gì trong va li mà nhiều vậy"
-Áo quần, giày dép, đồ ăn, thuốc men, cái đờn...
-Ồ, hèn chi dì Hương nói Sanh là nghệ sĩ.  Đem áo quần, giày dép qua đây làm gì. Gánh củi về rừng.
-Ở đây đắt, chú!
Trên đường về nhà, bà Hương lại gọi điện thoại hỏi Sanh đến chưa.
-Đến rồi. Tôi quên cho chị biết.
-Anh cho em nói chuyện với cháu một chút.
Đến nhà việc đầu tiên của tôi là chỉ cách sử dụng điện thoại di động cho Sanh. Nó rất thích thú với loại "đồ chơi" này.
-Sanh ngủ tạm phòng khách nghe.
-Dạ.
Sanh ngủ cho đến gần 10 giờ tối mới thức dậy.  Nó lấy từ trong chiếc va li lớn ra một cây đàn guitar, gảy tưng tưng. Tôi chú ý nghe, vẫn không hiểu đó là bản nhạc gì.
-Chú biết nhạc Trịnh không chú"
-Nhạc Trịnh là nhạc gì"
-Trịnh...Quân.
-Trịnh Quân nào"  Chắc Sanh muốn nói Trịnh Công Sơn.
-Dạ phải. Chú... mà cũng biết nhạc Trịnh. Con cũng biết nhưng không thuộc bài nào cả.
Tôi đi lên phòng ngủ. Tiếng đàn, tiếng hát của Sanh từ phòng khách vẳng lên nghe rõ mồn một.
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa nở cùng một cội
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Đã xung trận là năm người như một... à há
Vợ tôi nói:
-Quá 10 giờ rồi.  Nói nó hát nho nhỏ.
-Đợi lát nữa, nếu nó còn hát hãy nói. Nó đang hứng mà.
Tôi nói vậy nhưng cũng cảm thấy khó chịu. Tôi cảm thấy thằng Sanh này...ra sao ấy.  Nó có một cái gì đó hơi giống Thu Cúc, một du học sinh đã qua Mỹ năm ngoái. 
Năm ngoái, cũng vào thời gian này, tôi lên phi trường đón Thu Cúc và một số du học sinh khác. Thấy Thu Cúc xuất hiện trong phòng đợi tôi có cảm tưởng như đang xem hài kịch.  Trên người cô ta là cả một cửa hàng quần áo và nữ trang: Mủ bê-rê, áo trong, áo ngoài, áo ấm, khăn choàng cỗ dài đến đùi, dây nịt to bản nửa trắng nửa bạc, giày cao cỗ gần đến đầu gối, hoa tai, nhẩn...  Cúc có vẻ già hơn tuổi ghi trong giấy tờ, nhưng cô ta khá đẹp, nhất là thân hình.  Cúc có tật thích gì là làm ngay lập tức, không cần suy nghỉ hay hỏi ý kiến người khác, nên các du học sinh khác gọi cô ta là Thu Cúc "Cần Làm Ngay".  Có lần cô ta  ra chợ Phi  mua cua, tôm, cá...về làm món ăn, xong mời vợ chồng chúng tôi ăn cho bằng được.
-Thức dậy ăn, chú thiếm ơi! Ngon lắm! Cua tươi, còn dảy đành đạch trong nồi nước sôi.
-Khuya rồi mà! Để dành sáng mai chú thiếm ăn.
-Sáng mai nguội, hâm lại, ăn dở lắm. Dậy đi, chú thiếm!
 Cúc nhờ tôi mua thẻ điện thoại gọi về Việt Nam.  Tôi chưa kịp mua, Cúc đã ra phố tìm mua, bất kể giờ giấc.
-Cúc này! Ở đây không phải Việt Nam. Giờ này không ai buôn bán đâu-Vợ tôi nói
Cúc cười:
-Ở đây bất tiện hơnViệt Nam, thiếm hả"
Ngày hôm sau, Cúc rời nhà, đi một mạch từ sáng đến tối mới gọi về:
-A-lô. Cúc đây chú
-Đang ở đâu vậy"
-Cúc đang quá giang xe một ông Mỹ.  Cái di động này là của ông Mỹ.
Tôi bảo Cúc đưa điện thoại cho ông Mỹ. Tôi hỏi hai người đang ở đâu, ông ta nói ở Long Beach, góc đường Alamo và Broadway, xa nhà tôi quá, không đưa giùm về được.  Tôi vội nhìn caller ID và ghi số điện thoại ông ta. Tôi bảo ông ta tắt điện thoại để tôi gọi lại và sẽ đi đón. Mục đích chính tôi gọi lại là để "hù" ông Mỹ rằng tôi đã biết số điện thoại của ông ta. Tôi phòng hờ ông ta có ý đồ xấu với Cúc.
Trên xe đưa Cúc về nhà, tôi bảo Cúc lần sau không nên quá giang xe người lạ như vậy, nguy hiểm.
-Dạ.  Cúc lên xe buýt đi vòng vòng khắp nơi, xong đi shop, đi phố, xong lên xe buýt đi nữa, nó chở tuốt Cúc xuống ...Long...gì à, Beach. Cúc đợi xe buýt lâu quá, nên xin quá giang.
Đêm sau Cúc cũng đi từ sáng tới khuya và quá giang xe...cảnh sát về. Viên cảnh sát cho biết Cúc bị lạc đường, đón xe cảnh sát đi tuần, nhờ chở về nhà. 

Cúc "cần làm ngay" những việc mà lẽ ra chỉ cần chờ một lát. Thí dụ như khi thay áo quần mà bị kẹt phòng tắm, Cúc vào nhà bếp cởi phăng ra hết, kể cả đồ lót, chẳng cần biết có ai nhìn thấy hay không.  Có lần tôi vào bếp thấy "tình cảnh" như vậy và đi ra ngay, làm như không thấy, dù tôi còn đủ cả hai mắt, mà con mắt nào cũng tốt.  Một lát sau Cúc gặp tôi với vẻ mặt rất thành khẩn:
-Cúc xin lỗi chú. Tại kẹt phòng tắm...
-Cúc xin lỗi chi vậy" Có gì đâu.
-Chú nói tha lỗi cho Cúc đi, để Cúc an tâm.
-Có gì đâu mà tha. Không sao đâu. Chú đâu có thấy...
-A, chú nói vậy là chú có thấy.
-Không, mắt chú hơi kém vì trước đây bị thương.
Tôi vội quay mặt đi để Cúc khỏi thấy tôi đang sắp sửa cười lớn.
Tôi tưởng vậy là xong, không ngờ Cúc thành khẩn xin lỗi cả vợ tôi nữa.
-Anh làm gì mà con Cúc lên xin lỗi em vậy"-Vợ tôi vừa hỏi vừa soi mói nhìn tôi.
-Nó nói gì với em"
-Nó nói nó bị kẹt phòng tắm, phải thay đồ trong nhà bếp, không ngờ anh xuống thấy...Nó nói nó bất lịch sự với anh  quá. Nó nói hình như anh giận ... Có thiệt như nó nói không" Hay có gì, sợ lộ tẩy, rồi làm bộ...
-Đúng là đồ điên!
Cúc chỉ ở nhà tôi bốn ngày rồi đi Florida. Nếu Cúc còn ở thêm vài ba ngày nữa, thế nào cô ta cũng có nhiều dịp để thành khẩn khai báo với vợ tôi, biết đâu sẽ còn khai ra nhiều thứ ly kỳ thuộc loại "những việc cần làm ngay". 
Cúc "Cần Làm Ngay" và Sanh Mèn thật là "Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười".
Tôi mãi nghĩ về hai du học sinh "không giống ai" này rồi thiếp đi lúc nào không biết. Lúc thức dậy chợt nhớ mình đã không chỉ  tủ chứa  mền gối cho Sanh, tôi vội đi xuống phòng khách. Sanh đang nói chuyện điện thoại, có lẽ với bà Hương.
Tôi chỉ tủ đựng mền gối cho Sanh rồi trở lên phòng ngủ.  Tôi thao thức, không chợp mắt được.  Tôi xin cho Sanh học Glendale College.  Ông giám đốc sinh viên quốc tế của trường này là người rất tử tế và quen với tôi.  Có lần ông ấy nói:
-Tôi rất ngạc nhiên về một vài du học sinh của anh. Điểm TOEFL của các em rất khá nhưng sao tiếng Anh kém quá. Điểm TOEFL như thế đáng lẽ phải học các lớp chuyên ngành, vậy mà tôi phải cho các em học tiếng Anh căn bản, trình độ thấp nhất.
Điểm TOEFL (Test of English as a foreign language) . Đây là điểm thi để đánh giá trình độ tiếng Anh của sinh viên ngoại quốc do người Mỹ tổ chức, nhằm nhận sinh viên vào học cao đẳng hay đại học.


Tôi rất áy náy, khó chịu khi nghe ông giám đốc nói về trình độ tiếng Anh kém cỏi của vài du học sinh.  Tôi đã lưu ý ông anh họ tôi, người có văn phòng dịch vụ du học bên Việt Nam:
-Anh phải chắc chắn các chứng chỉ TOEFL thật 100%.... 
-Sao lại không thật. Nhưng mà... khi trường đã nhận thì tường có trách nhiệm...
-Anh nói sao"
-Thông thường các trường học đều yêu cầu gởi điểm TOEFL thi trong vòng 2 năm trực tiếp từ Văn phòng TOEFL.   
-Tôi biết rồi. Kết quả thi TOEFL quá hai năm không còn được lưu trong hồ sơ của Văn phòng TOEFL, nên trường không check, à không kiểm tra được.
- Glendale College không làm theo cách trên thì ráng mà chịu.
-Nói vậy không lẽ anh gởi chứng chỉ TOEFL giả cho tôi.  Lần sau tôi sẽ xem thật kỹ hồ sơ trước khi nộp cho trường.
Tôi nói vậy nhưng vẫn không kiểm soát vì...lười.  Vì lười nên đêm nay tôi đã thao thức, áy náy. Tôi nghi Sanh Mèn quá. Hay là mình hỏi nó vài câu tiếng Anh xem sao.  Tôi xuống phòng khách, thấy Sanh vẫn còn nói chuyện điện thoại, nên lại trở lên phòng ngủ. Không biết nó nói gì mà lâu vậy, ít nhất cũng một tiếng đồng hồ rồi.
Sáng hôm sau tôi thức dậy, thấy Sanh đang ngủ say sưa.  Tới chiều tối nó mới thức dậy. 
-Con muốn chuyển trường về chỗ dì con được không chú" -Sanh nói.
-Sao được! Glendale College cấp giấy tờ cho con đi phỏng vấn là để con học tại trường của họ.  Muốn chuyển qua trường khác, con phải học ở đó ít nhất một học kỳ.
-Mình trả tiền học một học kỳ cho họ được không chú"
-Như vậy mất tiêu 3000  đô.
-Được chú. Dì con nói sẵn sàng trả.
-Nhưng Glendale College là trường có uy tín, không bao giờ làm vậy đâu.
Nói đến đây thì điện thoại di động của Sanh reo.
-Dì con muốn nói chuyện với chú-Sanh nói và trao điện thoại cho tôi.
Không những bà Hương yêu cầu tôi chuyển trường như Sanh nói, mà còn tiến xa thêm một bước nữa:
-Anh này,  em nghe nói có một trường ở Nam Cali chứng nhận... đại là sinh viên đang học, để hợp thức hóa với Sở Di trú, rồi tụi nó muốn đi đâu, làm gì cũng được.  Anh chuyển Sanh qua trường đó...
-Thôi, thôi, đừng nói với tôi chuyện này. Hiện tại không có trường nào như vậy đâu.  Có thể đã có những trường như vậy, nhưng sau ngày khủng bố 11-9-2001 Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ kiểm soát du học sinh gắt gao lắm. 
-Anh cố gắng...
-Ngay cả việc chuyển Sanh từ Glendale College qua bên đó còn chưa xong...
-Thôi được, anh cố gắng chuyển Sanh qua đây đi. Phí tổn em lo hết. Có một trường bên này chịu nhận Sanh rồi.
Một hôm tôi gọi điện thoại cho ông anh họ tôi:
-Sắp Tết, bên Việt Nam chắc rộn rịp lắm.
-Rộn rịp  lắm. Năm nay có thêm những giàn hoa giả trên các con đường chính.
-Tôi đã về lại Glendale.  Ở đây xem như không có Tết. Phần lớn cư dân Glendale là người gốc Armenien. À, thằng Sanh là con nhà ai vậy"
-Nó người Cu-Ba.
-"
-Nó người bên Quận Ba, bên biển.  Dân ở đây thường nói đùa Quận Ba là Cu-Ba. Chú không biết dân Quận Ba vượt biên nhiều nhất thành phố sao" Thường họ là dân chài lưới, vượt biên qua Mỹ làm ăn có tiền. Thằng Sanh  nhà nghèo, được người thân bên Mỹ giúp đi du học.  Nó đi nghĩa vụ được mấy tháng thì về.  Chắc bị bộ đội chê.
-Nó học đến lớp mấy rồi"
-Ủa, chú không xem hồ sơ của Sanh sao" Trong đó có bằng Phổ thông Trung học của nó mà.
-Tôi có cảm tưởng như nó chẳng có bằng cấp gì cả.
-Một số các ông Tú ở Việt Nam ngày nay là như vậy.  Nhưng gia đình nó nộp hồ sơ cho mình như thế nào thì mình cứ nộp cho trường y như vậy.  Hơi đâu thắc mắc.
Buổi tối Sanh hỏi tôi:
-Con không ngờ chú già vậy mà cũng biết nhạc Trịnh. Chú giỏi thiệt. Năm nay chú mấy tuổi, chú"
-Tao trẻ hơn Trịnh Công Sơn.
Sanh cười nói:
-Trông chú già hơn thiếm.
-Ừ.
Thấy tôi không nói gì thêm, Sanh ôm đàn ra ngoài hiên gảy tưng tưng. Tôi tò mò nhìn nó hơi kỹ. Nó đang so mấy giây đàn. Mái tóc bờm xờm phía trước của Sanh có đuôi nhọn phủ xuống trán, làm khuôn mặt của nó càng nhỏ thêm. Lâu lâu Sanh lại hất đầu lên một cái để đuôi tóc khỏi choáng mắt. Nó châm một điếu thuốc, vừa phì phà, vừa nhắm mắt lim dim, vừa gảy đàn. Thỉnh thoảng lại hát. Có lẽ tất cả những cái này là vẻ nghệ sĩ mà bà Hương nói.
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa nở cùng một cội
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Đã xung trận là năm người như một... à há
Vợ tôi nói nhỏ:
-Nè, anh hỏi nó có biết bài hát nào khác không" Em nghe nó hát, thấy...mệt quá!
Tôi xuống phòng khách nói với Sanh:
-Bài hát này cũng ...hay nhưng... con biết bài nào khác không"
-Chắc con hát khúc đầu nhiều lần nên chú nghe nhàm. Con đang tập đàn khúc đầu.  Thôi, để con hát khúc sau cho chú nghe. Hay lắm!
Vào lính xe tăng ai trước ai sau
Cái nết ở ăn mỗi người một tính
Nhưng khi hát là hòa cùng một nhịp
Một người đau là tất cả quên ăn... à há
Tôi trở lên phòng ngủ nói với vợ tôi:
-Thây kệ. Nó sắp đi bây giờ. Anh định cho nó ở chung với thằng Nam, thằng Huy. Tụi nó cho đi chung xe đến trường.
Sanh ở nhà tôi đã được 3 ngày. Tôi thấy ngoài việc đi vơ vẩn quanh phố và đàn hát, nó chẳng làm gì khác hơn là nói những cái ngớ ngẩn và gọi điện thoại.
Vợ tôi nói:
-Em chẳng thấy ai thương cháu như bà Hương. À, vừa rồi bà Hương có gởi quà cho Sanh. Em thấy gởi bằng bưu kiện ưu tiên, tưởng gì, hóa ra cá chuồn kho mặn. Anh này, em thấy hình như...
-Gì"
-Hình như Sanh là con rơi của bà Hương.
-Thây kệ. Cháu cũng như con. Dì thương em gái, thương cháu, có chi lạ. 
-Nhưng mà lạ quá! Anh có chắc Sanh gọi điện thoại cho bà Hương không" Em nghi nó gọi cho bồ.
-Tướng nó mà bồ bịch với ai ở đây.
-Biết đâu có con nhỏ cù lần nào từ Việt Nam mới qua. Gọi cho dì, ngay cả gọi cho mẹ ruột, có ai lại gọi cả giờ, thầm thầm, thì thì như vậy.  Mà một ngày gọi đến ba bốn lần. Hay nó gọi cho bồ ở Việt Nam.
-Gọi về Việt Nam thì phải gọi thẻ. Anh để ý thấy nó chỉ bấm một cái rồi gọi.  Bà Hương đã gài sẵn, chỉ cần bấm số 2 là liên lạc với bà ấy được. Vậy thì đâu phải gọi bằng thẻ.
-Hay bồ nó từ Việt Nam gọi qua"
-Chắc không phải đâu. Thôi, thây kệ nó. Gọi hoài nó cũng chán.
Thật vậy, sau đó không thấy Sanh gọi điện thoại nữa, có khi chuông reo nó cũng không bắt máy.  Được 3 ngày như vậy thì bà Hương đến nhà tôi.
Ở Mỹ ít có ai đến nhà không báo trước, chỉ có bà Hương. Tôi ngỡ ngàng không biết người đàn bà xuất hiện trước cửa là ai cho đến khi bà ta lên tiếng:
-Hương đây anh Hai. Xin lỗi, em quên số điện thoại của anh. Em gọi cho Sanh không được.
-Chào chị.  Không sao, Sanh ơi! Có dì Hương đến.
Tôi nhìn vào trong nhà, thấy Sanh đang lững thững đi ra ngoài hiên sau như tránh bà Hương.
Tôi tò mò nhìn bà Hương.  Đó là một người đàn bà khoảng trên 40, không đẹp, không xấu. Nhìn từ phía sau bà, người ta có thể tưởng đó là một phụ nữ Mễ với cái mông lớn, với mái tóc đen và với cái cỗ màu nâu sáng.  Nhìn từ phía trước, người ta không chú ý đến mặt, mà chú ý đến bộ ngực đồ sộ trong chiếc áo quá ngắn gần giống như cái nịt vú,  không hợp với tuổi tác của người mặc và không hợp với thời tiếc đang rất lạnh.
-Sanh! Dì Hương tới đây này. Nghe không"
Sanh vẫn ở trong bếp cho đến khi vợ tôi ra chào bà Hương và gọi Sanh thêm một lần nữa.  Nó trở ra phòng khách, lừng khà lừng khừng, chẳng chào hỏi ai cả.  Không những vậy mà mặt mày nó một đống như giận hờn ai. Tôi nghĩ chắc nó giận dì nó cái gì đó nên bắt ghế ra ngoài hành lang ngồi đọc báo, để hai dì cháu tự do nói chuyện. Lát sau vợ tôi đi ra, nói nhỏ vào tai tôi:
-Em nói, anh đừng vội nhìn vào, lát nữa hãy nhìn.  Hai người im lặng, ngồi xây lưng vào nhau như hai đứa trẻ giận nhau.
-Thây kệ! Sao em hay để ý chuyện đâu đâu...
Vợ tôi ngắt lời, nói nhỏ:
-Bây giờ hết giận rồi. Không biết hai người nói gì mà thầm thầm thì thì, rồi cười sằng sặc vậy.
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Đã xung trận là năm người như một... à há
Trong phòng khách vẳng ra tiếng đàn, tiếng hát của Sanh. Tôi trở vào nhà nói:
-Hai dì cháu đồng ca đi.
-Em không biết hát anh Hai ơi. À, anh cho cháu đi chơi với em.
-Hai dì cháu đi chơi đi. Tôi cũng chưa có dịp đưa Sanh đi đâu nhiều.  Chị tới đây bằng gì"
-Em thuê xe hơi.
Hai người đi chơi cho tới hơn 11 giờ đêm vẫn chưa về. Vợ tôi nói:
-Hơn 11 giờ rồi mà vẫn chưa về.
-Em lạ thật!  Mặc kệ người ta. Em đúng là "Mẹ Việt Nam" điển hình. Hèn chi anh thấy em cứ nhìn đồng hồ.
-Sợ nửa đêm họ về, gọi cửa lúc cả nhà đang ngủ...
Vợ tôi nói đến đây thì điện thoại nhà reo. Tôi nhấc ống nghe lên.  Vợ tôi cũng bậc nút speaker để nghe theo.
-Em và cháu đang ở nhà người quen, mai mới về.  Nói để anh chị khỏi trông.
-Phải chi hai dì cháu đi luôn cho khỏe. Sao em thấy mất cảm tình với mụ nầy quá-Vợ tôi nói.
Trưa hôm sau hai người về. Bà Hương nói:
-Em không bỏ tiệm đi lâu được.  Tối nay em phải về. Nhờ anh chuyển trường cho Sanh càng sớm càng tốt.
Bà Hương nói xong, thu dọn áo quần của Sanh, kể cả đồ lót, để đi giặc.  Còn Sanh thì vừa ngáp vừa ngả lưng xuống sô-pha, có vẻ mệt mỏi.
Buổi chiều tôi đi làm về, mới bước vào nhà, đã bị vợ tôi lôi vào phòng ngủ:
-Anh không tưởng tượng được đâu!
-Gì mà ghê vậy"
-Em đi chợ về, nhìn qua cửa sổ, thấy...thấy thằng Sanh nằm ngửa, còn  mụ Hương ngồi trên bụng thằng Sanh thọt lét nó.  Hai người giỡn cười sằng sặc. Cái mông đít đồ sộ của mụ Hương đè lên ngay chỗ ...đó của thằng Sanh.
-Em có nhìn lầm không"
-Em đâu có đui.
Sau khi bà Hương đi rồi, suốt đêm tôi ngủ không được. Tôi đã gọi điện thoại cho ông anh họ nhiều lần, nhưng lúc nào điện thoại cũng bận.  Bên Việt Nam ngay cả điện thoại cũng... ăn Tết. Tôi rất mong điều đó không quá kinh khủng. Cầu mong cho nó nhẹ nhàng hơn một chút.  Sáng sớm hôm sau tôi mới gọi được cho anh tôi, kể hết mọi chuyện về bà Hương và Sanh.  Anh tôi cười nói:
-Không dì cháu gì cả.  Con mụ đó có bệnh, thích mấy thằng con trai nho nhỏ.  Năm nào về Việt Nam, mụ cũng tìm một thằng vậy để...ăn Tết. Lần này thằng Sanh hên, được đi Mỹ.
Tôi kể lại việc trên cho vợ tôi nghe. Cả hai đều thở ra nhẹ nhỏm. Một kẻ bị kêu án tử hình, được giảm còn chung thân, có lẽ cũng cảm thấy nhẹ nhỏm như chúng tôi.
Tôi đã không yêu cầu ông giám đốc sinh viên quốc tế chuyển trường cho Sanh.  Nhưng thật bất ngờ, ông giám đốc gọi điện thoại cho tôi:
-Sanh không biết một chữ hay tiếng Anh nào cả. Tôi không biết phải làm sao với nó bây giờ. Nhận học không được, còn chuyển nó qua trường khác thì...Anh có biết trường nào muốn nhận nó không" Không lẽ tôi để nó sống ở Mỹ  hợp pháp bằng cách không nhận nó học.  Anh cũng biết du học sinh ở Mỹ chỉ hợp pháp khi học hành đàng hoàng.
Tôi nói:
-Tôi đã tìm được trường chịu nhận Sanh.
Vậy là Sanh được chuyển qua một trường ở gần nhà bà Hương.  Nhưng tôi đã quên mất  việc "moi" tiền bà Hương.  Ít nhất cũng được 3000 đô, chứ đâu phải ít!
Một hôm nghe nói có một trường dạy tiếng Anh cho du học sinh bị đóng cửa vì trường này có "Chương trình học mà không học", tôi bèn gọi cho bà Hương ít nhất ba lần, muốn nhắc nhở bà ấy không nên xin cho Sanh "học" như thế, nhưng không tiếp chuyện được.  Một năm sau ông anh họ tôi cho biết Sanh bị Cảnh sát Sở Di trú bắt vì bà Hương chuyển trường thêm một lần nữa cho Sanh, đến cái  trường có "Chương trình học mà không học".
-Tôi đã gọi cho bà Hương nhiều lần để nhắc nhở việc này nhưng không tiếp chuyện được.
-Thằng Sanh oán mụ Hương việc này lắm.  Nó nói mụ Hương sợ chú đòi 3000 đô nên không tiếp điện thoại.
-Thật tình lúc đó tôi không nghĩ đến 3000 đô.  Nhưng sao Sanh lại bị bắt" Thông thường khi vi phạm như vậy, du học sinh sẽ nhận được thông báo yêu cầu chuyển qua trường khác hay yêu cầu rời Hoa Kỳ trước một thời điểm nào đó, chứ đâu có bị "bố ráp" hay xét "hộ khẩu".  Họ làm việc theo pháp luật nhưng cũng có tình lắm.
-Không những Sanh vi phạm như vậy mà còn móc nối các du học sinh khác vi phạm theo, qua dẫn dắt của mụ Hương. Khi bị bắt, Sanh khai ra một số người khác, có dính dáng đến tiền nong, trong đó có mụ Hương. Cũng may không có chú.
-Phải, vì tôi đã quên 3000 đô đó, trong khi bà Hương lại nghĩ đến tiền bạc quá nhiều.
BỒ TÙNG MA
(Trích báo xuân Việt Báo
 Tết Canh Dần 2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến