Phận Bạc
Tác giả: Tôn Nữ Thừa Thiên
Bài số 2844-1628914- vb612210
Tác giả là một bà mẹ 66 tuổi, định cư tại Oregan. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà được viết như “Lá thư của mẹ gửi con gái yêu quí”, ôn lại số phận đau buồn của người con.
Con gái yêu quí,
Ngày 16 tháng 4 lại đến rồi. Ba mươi sáu mùa xuân đến trong đời con. Nhớ ngày má sanh con, má âu yếm ôm con vào lòng, đứa con gái mà má mong chờ, mãn nguyện sau 3 người con trai. Con là đứa con gái duy nhất của má. Má đâu ngờ tạo hóa ban cho má ân huệ nhưng lại gây cho con một số phận đau buồn. Con mắc phải một chứng bệnh mà đến bây giờ, nơi quê hương thứ hai của chúng ta, với một nền y học hiện đại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả. Có chăng chỉ là tìm cách kéo dài qua những liều thuốc mà nếu con ngưng uống thì con lại làm lòng má đau thật nhiều.
Viết cho con từ khi bệnh viện trở về, nhìn khuôn mặt lạnh lùng, cam chịu của con, má nghẹn ngào quá con ơi. Đây là lần thứ năm, nước mắt má tuôn chảy. Bao nhiêu đêm má trằn trọc, bao nhiêu ngày má ưu sầu, buồn thương.
Con chào đời được hai năm trước ngày quốc hận, tuổi thơ con chỉ là những năm tháng thua thiệt đói nghèo. Mười sáu tuổi má đem con ra đi trên chiếc thuyền mộc mạc, vượt biển khơi vớt hoài bảo cho con chuổi ngày sáng lạn trong tương lai, cho con những ước vọng của cuộc đời tự do .
Theo như các bạn, má đã thấy, trí thông minh tuổi thơ của con quá xuất sắc. Năng khiếu suy tư đã phát triển khi con bắt đầu lên 6 tuổi, suốt cấp I tiểu học, lúc con học chung với con của bà ta và những con cán bộ khác, con đã vượt xa, nỗi tiếng ở những cuộc thi tuyển lựa. Nhìn thấy con như vậy, má đặt tất cả hy vọng vào con. Có dịp vượt thoát, má đem con đi, ước mong cuộc đời con sau này sẽ hơn hẳn má. Hy vọng con sẽ thành đạt để giúp ích cho đời. Nhưng tất cả trở thành ảo vọng, căn bệnh kia đã xuất hiện áp đặt vào đời con.
Lần thứ nhất. Cơn bệnh xảy ra vào năm con mới 17 tuổi, cái tuổi mộng mơ của thiếu nữ. Con đã nằm lì trên giường một tuần, con không ăn, không ngủ. Phòng y tế của trại tị nạn không có phương cách nào làm cho con trỗi dậy. Các nhân viên phòng counseling đã đến để khuyên nhủ con đủ mọi điều. Các souers Thiên Chúa cho rằng con bị quỷ ám, họ cầu nguyện và cho con tượng Thánh đeo vào người để đuổi ma quỷ ... Bất lực, vô hiệu. Đêm đó, con lại kêu đau đầu quá, như có một lưỡi búa đập vào đầu con. Một giờ sáng, má cõng con chạy vào nhà thương cách trại hơn một cây số. Nơi đây họ bắt đầu chụp X-ray, rọi kiếng nhưng không có kết quả. Đến sáng ra, con trỗi dậy và bắt đầu nói toàn tiếng Anh, dù rằng ở Việt nam, con không học bao nhiêu, và chỉ thêm có vài tháng học vỡ lòng khi đến trại.
Những người quen trong cùng nhà do đi chung thuyền cho rằng khi vượt biển, do con làm rơi cái quần lót trên biển và vì là còn trinh nên oan hồn của một người tài ba nào đó đã nhập vào con. Họ khuyên má ra biển để cầu thần biển.
Con từ đó bắt đầu đổi khác hoàn toàn. Con không ngủ và tình nguyện làm thông dịch cho các Bác sĩ. Con xử dụng tiếtng Anh lưu loát. Con đòi ngủ lại ở bệnh viện, nhưng mỗi khuya, một, hai giờ sáng con bỏ về trại và lại đi bộ trên con đường dài hơn một cây số nhiều lần. Má lo sợ và xin các Bác sĩ nhốt con lại trong phòng để trị bệnh cho con. Hơn hai tuần, không có kết quả, con càng ngày càng quậy phá. Con không ngủ chút nào. Cuối cùng thì họ đã chuyển con lên bệnh viện thủ đô bằng đường hàng không, vì thủ đô cách trại tị nạn hơn 600 cây số. Má đi theo con trên máy bay. Con vẫn không ngủ dù các y tá áp tải đã chích rất nhiều liều thuốc ngủ cho con.
Đây là nhà thương với nhiều bệnh tâm thần, nhưng là bệnh viện tư dành cho các người giàu nên các bệnh nhân không nguy hiểm lắm. Do cơ quan IOM gởi đến tài trợ, nên họ đồng ý chữa trị cho con.
Đêm đầu tiên tại đây, con đòi mặc cái áo đầm đẹp nhất, con năn nỉ má đem theo vì là ngày sinh nhật của má. Con sinh hoạt với bệnh nhân và biểu diễn những vũ điệu mà má nghĩ là con chưa hề học qua. Mọi bệnh nhân tham dự, vỗ tay khen ngợi và con cũng đã không ngủ suốt đêm đó.
Quy chế nhà thương không cho má ở lại với con, và hôm sau má ra về với thông dịch viên. Nhìn bệnh viện kiên cố với những kẻm gai bao quanh, không cho người ngoài tự do vào. Chiếc cổng sắt chỉ có một lỗ nhỏ để báo tin cho bệnh viện sau khi giật dây chuông. Má buồn bả từ giả con trong nước mắt tuôn rơi. Mười bảy tuổi đời đến với con trong nhà thương tâm thần sao con" Tại sao là con" Đứa con gái dễ thương ngoan ngoãn. Dưới chế độ cộng sản, 10 tuổi đầu đã phải vừa đạp xe đi học và đi chợ để về nấu cơm cho ba má và các anh trai đi làm. Má hãnh diện nhiều vì con, thế mà giờ đây, bước chân vào ngưỡng cửa của tuổi dậy thì, con đã phải mang bệnh này để vào đây sao con" Bao giờ con sẽ trở lại như ngày xưa hả con gái yêu của má"
Ngày mai sẽ ra sao" Má đã trải qua những đêm tối một mình với những dòng lệ tuôn chảy và với những bước chân âm thầm trên những con đường trại "transit". Rồi có một ngày, điện thoại từ bệnh viện kêu về báo là con đã trốn ra khỏi nhà thương vào khoảng 4-5 giờ sáng. Cả transit nhốn nháo vì con không có ở đây và họ báo cho má biết từ bệnh viện về lại transit rất xa, phải hơn cả tiếng đồng hồ nếu chạy xe ô tô. Con đi đâu rồi" Tại sao con ra được bệnh viện với hàng rào kẽm gai, với hai cửa sắt kiên cố" Đến 7 giờ, nhân viên bệnh viện nghe có tiếng chuông cửa mở ra để nhận con từ một bác lái xe taxi, họ phải trả 50 peso tiền cước se từ "bệnh viện Gan-Thận" về đây.
Sau này con cho bác sĩ biết là con đã lẻn ra ngoài qua một cái lổ rất nhỏ để dành cho chó ra ngoài. Cái lổ nằm khuất trong nhũng lùm cây sát hàng rào mà không ai có thể thấy. Và con đi ra đường gọi taxi đến bệnh viện mà cô y tá Helen đang làm second job. Con cho biết Helen là y tá đẹp nhất của bệnh viện tâm thần, buổi chiều cô làm việc ở đây và sáng sớm làm việc ở bệnh viện Gan-Thận. Con đã lấy cắp danh thiếp của cô trên bàn làm việc và dến gặp cô. Cô Helen ngỡ ngàng nhận ra con và đã nhờ bác taxi đưa con về lại bệnh viện tâm thần. Sau đó bác sĩ bệnh viện có hỏi con: "Tại sao cô dám đón taxi giữa thành phố xa lạ này, cô là con gái mà"" Con khôn ngoan trả lời bác sĩ: "tôi lựa bác tài xế lớn tuổi, hơn nữa đất nước các ông đa số theo đạo Thiên Chúa, tôi tin tưởng không ai hại tôi đâu". Bác sĩ chỉ mĩm cười và hứa hẹn: "Cô đã sắp bình phục và sẽ được về với gia đình".
Con đã ở bệnh viện khá lâu và đã trở về lại trại tị nạn sau một tháng rưỡi rời xa. Con chỉ cần uống thuốc ba tháng nữa thôi là được bình phục. Theo lời bác sĩ ở bệnh viện, má đã thi hành đúng đắn, con ngoan ngoãn nghe lời. Ngày rời trại tị nạn để đến định cư ở Mỹ, dù mang theo một tập hồ sơ dày cộm, nhưng con vẫn vui vẻ đi học và đi làm.
Hai mươi tuổi đầu, con không tiếp tục đi học mà đòi đi làm để phụ má trả tiền nhà và tiền bill. Theo lời mọi người, má sợ con luôn bị nhức đầu và không thể tiếp tục sự học nên đã chìu con và để con đi làm. Con đã tự lựa chọn và trải qua nhiều hãng xưởng để tìm được một chổ làm lương khá, công việc đỡ cực nhọc. Má đã đau xót chứng kiến con từ chối những bạn trai theo đuổi, không tham dự những cuộc vui chơi cuối tuần vì không đành tâm để má một mình ở nhà. Không biết tại vì căn bệnh hay tại vì số phận mà con bỏ qua tuổi xuân của đời thiếu nữ.