Hôm nay,  

Gia Đình Lủng Củng Tại....con Chim

18/01/201000:00:00(Xem: 154236)

Gia Đình Lủng Củng Tại....Con Chim

Tác giả: Phila To
Bài số 2840-1628910- vb8211810 

Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941,  định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng và sự lạc quan, yêu đời. Bài viết mới của ông lần này liên đến... phòng the.   

***

Như thường lệ, mỗi buổi sáng đúng 6 giờ là tôi sang rủ Phi đi bộ, nhưng hôm nay thấy anh đang đi tới đi lui bên hông nhà mà lại còn phì phà điếu thuốc trên môi, tôi chưa kịp "Goodmorning Sir" thì anh đã nhỏ nhe:
-Ông đi một mình đi, hôm nay tôi thấy trong người hơi mệt. Tôi đưa tay chào anh theo lối nhà binh rồi đi một mình nhưng không quên quay lại nhắc chừng anh để ý đến áp huyết. Thiếu Phi tôi cảm thấy "như cô đơn" và việc Phi dở chứng tái hút thuốc khiến tôi không còn hứng thú đi tiếp nên quay về.
Trong khu tôi ở có khoảng hơn chục gia đình người Việt, các bà thì quen thân với nhau lắm, họ rủ nhau đi bộ mỗi buổi sáng, đi chợ cuối tuần, trong vườn có trái cây thì đem tặng nhau kèm theo nụ cười và trao đổi những chuyện hằng ngày, đúng là "bán chị em xa mua láng giềng gần". Nhưng láng giềng đối với cánh đàn ông thì vẫn xa-xa, vì công việc làm ăn và thì giờ quá eo hẹp nên họ thường vẫy tay chào nhau rồi ai về nhà nấy.
Riêng Phi và tôi quen biết nhau từ trại "cải tạo" số 8 Hoàng Liên Sơn (BV) nay ở cạnh nhau nên dễ kết thân như anh em. Lúc còn ở trong tù, vì anh là dân tác chiến nên khi đi lao động trên núi trên rừng là anh nhanh như sóc, chỉ tiêu trại giao khá nặng đối với người yếu nhưng không thành vần đề đối với anh nên khi xong việc là anh quay sang giúp bạn đuối sức trong tổ như Thắng-Què, Sơn-Chột, Lãm-Suyễn v.v..sau đó thì Phi thoắt biến vào rừng với "con rựa" trên tay. Khi trở lại thì thế nào cũng có nấm mèo, cổ hũ dừa, đôi khi một túi cua đá mà anh mò được trong các khe suối. Cái hay là Phi không ăn mà cho anh em trong tổ, tôi hỏi lý do thì anh nói đi cho biết núi biết rừng chứ bao tử của lính tác chiến đã quen với kham khổ rồi nên dễ thích ứng với khẩu phần lương thực nhà tù. Sau này tôi mới hiểu anh xông pha vào rừng rậm là có lý do, nhưng mục đích không thành, "mưu sự tại Phi mà thành sự do thằng có súng AK"!.
Vài ngày sau vẫn không thấy Phi đi bộ, tôi chưa kịp gặp để hỏi thăm anh có phải vì bệnh cao máu không thì vào buổi chiều cuối tuần, khi các bà rủ nhau đi xem "Lá Thư Chiến Trường" của trung tâm Asia thì Phi sang nhà tôi chơi, vẫn ra góc vườn nơi chúng tôi thường ngồi với ấm trà Thái Nguyên và chuyện chiến trường xưa, nhưng hôm nay vừa ngồi xuống là Phi rút từ trong túi áo jacket ra chai rượu đã vơi đi một phần ba, tu một hớp rồi đưa qua tôi:-Làm một ngụm cho ấm bụng.-Làm thì làm chứ sợ thằng T.. đen nào. Đón chai rượu từ tay Phi, tôi ngửa cổ làm một ngụm nhỏ, rượu Martell cay sè đắng nghét, ôi vị ngọt ngày xưa nay còn đâu! Chai rượu uống dở dang thế này chắc là mấy bữa nay Phi "tu" một mình.  Trong giới lưu linh đã truyền cho nhau bí kíp là . .  thứ nhất chớ tu tại bar*, thì nhì không tu tại gia*, thứ ba hãy "tu chùa*", nay Phi vi phạm giới cấm thứ hai thì là nguyên nhân chuyện quái đản gì đây" (* uống ở bar nó cắt cổ, uống ở nhà khổ vợ, uống chùa, tu chùa là khỏe nhất, không mất tiền). Tôi nhớ mãi cái ngày . . vì sức khỏe của các Bà (viết hoa đấy nhá) mà chúng tôi đành phải ngoéo tay nhau hứa không "tu" nữa.  Cụ Tú Xương khi xưa cũng vì các bà mà bỏ rượu đấy:Một trà một rượu một đàn bàBa cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy. Có chăng là chừa rượu với chừa trà.  (TX). Cụ Tú là nhà nho nên chỉ có "ba lăng nhăng", tụi tôi là nhà . . binh nên có thêm hai cái nữa là café thuốc lá.  Ở Mỹ rượu ngon không thiếu, thuốc thơm đủ hiệu mà đành lòng phải chia tay người tình "khói sương" (T. Vấn) để chỉ còn chung tình với các bà mà thôi.  Không biết cụ Tú lăng nhăng với bao nhiêu bà nhưng còn Phi, từ ngày về ở rể thì chỉ có một bà.  Đôi lúc tôi chê anh "cù lần" thì anh nhếch mép cười:-Cậu tìm hộ tớ xem có cô nào đẹp, dễ thương và hiền (!) như bà Thủy của tớ không đã" Thực tình từ đáy lòng thì anh đần ông nào cũng thầm khen vợ mình đẹp, ngoan, hiền (") và dễ thương nhưng ít khi nào dám nói thật với vợ vì sợ các bà làm tới nên chỉ đem khoe nhau trong đám bạn đần ông. Phi ca tụng "nhà tôi" của anh, tuy chưa bao giờ sửa sang mà vẫn còn như mới cũng là lẽ thường tình.  Nhưng thái độ bất thường, phá giới, hút thuốc uống rượu của anh anh hôm nay chắc là có gì không ổn đây! Tôi đưa chai rượu lại cho Phi rồi nói:-Rượu ngon mà sao hồi này uống thấy đắng nghét, để tôi đi pha ấm trà. Phi níu tay tôi lại: -Thôi khỏi, trà làm gì cho đời thêm chát, mày nói đúng "lòng buồn rượu có ngon đâu bao giờ", tao đang buồn. Tuy đồng tuổi và thân với nhau từ lâu nhưng trong cách xưng hô, chúng tôi vẫn dùng hai tiếng "ông-tôi", nay bất ngờ nghe "mày-tao" nên tôi ngồi lại và nhìn thẳng vào mắt Phi như chờ đợi lắng nghe để chia xẻ nỗi buồn với bạn, Phi ngần ngừ rồi gắn điếu thuốc lên môi:-Tôi đang có chuyện bất đồng với bà Thủy. -Bất hòa hay bất đồng"-Rõ khỉ, bất nào cũng là bất, vợ chồng tôi gằn hắt nhau, bà ấy sửa lưng tôi rồi tôi sửa lại thế là sinh to tiếng vì chuyện không đâu, chuyện vớ vẩn, vì chuyện con. . . Tôi chặn ngang lời Phi:-Tưởng gì quan trọng khiến ông mất ngủ chứ còn chuyện bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng là bình thường không thể tránh được, không bất đồng mới là chuyện lạ. Càng già càng nẩy sinh nhiều dị biệt mà bắt nguồn cũng từ cánh đàn ông chúng mình mà ra cả.
Này nhá, khi còn lẽo đẽo theo sau cô nữ sinh thì không tiếc lời khen em xinh em đẹp, đến khi được sánh vai, đi chung một đường thì đâm ra hà tiện lời nói, tới tuổi da nổi đồi mồi thì chỉ biết nói nhiều về dĩ vãng của cá nhân mình, truyện trai gái, truyện nhậu nhẹt, truyện đánh đấm từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc mà chẳng lưu tâm gì đến "hiện tại" đang ngồi ngay trước mặt. Nếu cùng phải đi ra ngoài đường với nhau thì ông nhanh chân đi trước, bà chậm bước theo sau, lâu lâu ông quay lại gắt "sao đi chậm thế!".
Vì vậy các bà không "chỉnh" các ông mới là chuyện lạ, vả lại khi trời phú cho các bà nét đẹp, là người đẹp thì cũng kèm theo cái nết "cằn nhằn" cho thêm phần duyên dáng (!). Nghe riết rồi quen, ngày nào thấy vắng tiếng thì nhớ, "nhớ em như nhớ bánh thuốc lào", một khi các bà không nói . . nhiều mới là điều đáng lo ngại, khi các bà biếng ăn ít nói là lúc sức khỏe không được ổn định, đây mới là lúc các ông phải đặc biệt lưu tâm, lo thực sự đấy.
Trong sinh hoạt giữa hai vợ chồng, các ông thường mắc khuyết điểm là "thương em anh đề trong lòng" còn bề ngoài thì tỏ vẻ khô khan lạnh lùng! Đã hà tiện lời khen lại còn hay lý sự cùn, rồi một khi "kẻ ở người đi" thì mới tiếc thương hối hận không biết nâng niu trân quý những điều có sẵn trong tay. Điển hình như trường hợp của bố mẹ tôi.
Lúc sinh thời, mỗi khi bàn về vấn đề gì thì bố tôi hay gắt còn mẹ tôi thì lại hay cằn nhằn, nhưng sau đó thì ông vui vẻ và con tim bà cũng "vui trở lại" nên lại mang bầu, nhờ vậy chúng tôi có tất cả mười bốn anh chị em. Khi tuổi đã cao, cụ bà mắc bệnh cao máu tiểu đường thì cụ ông đích thân săn sóc thuốc men, nhưng cái tật gắt gỏng vẫn còn. Tôi nhớ mãi hình ảnh mỗi khi mang thuốc và ly nước đến cho hiền thê, thay vì nhỏ nhẹ êm dịu thì bố tôi lại cao giọng:
-Thuốc đây bà uống đi.
Cụ bà không hài lòng, có vẻ buồn buồn không chịu uống khiến cụ ông phải gắt lần thứ hai, nhưng khi có con nào thay nhiệm vụ cho bố, mang thuốc cho mẹ thì cụ bà lại lo lắng hỏi:
-"Thế bố các con đi đâu rồi"".
Khi cụ bà ra "ở riêng", cụ ông biếng nói nhưng siêng ra vườn "Vĩnh Cửu" thăm viếng và mang hoa tặng cụ bà, việc mà bố tôi chưa bao giờ làm khi mẹ tôi còn sống. Khi trước, bố tôi lúc nào cũng bận rộn với sách báo, cái radio bên cạnh làm việc 24/24, hết LRS thì tới VNCR rồi BBC, RFI v. v. . trong khi đó thì mẹ tôi lủi thủi một mình ngoài vườn! Nay thì ông không còn đọc báo, không nghe radio nữa mà thường xuyên ngồi bên cửa sổ, mắt nhìn ra góc vườn, nơi mà khi còn sống mẹ tôi thường ngồi săn sóc mấy cây húng quế, mấy cây ớt hiểm và cả bụi lá mơ, những thứ mà mẹ tôi thường tự tay hái khi bố có món giò heo nấu giả cầy.


Chắc những giây phút đó cụ ông nhớ đến cụ bà nhiều lắm, nhất là những buổi chiều vào giờ mẹ tôi tưới rau, tôi nghe cụ "đọc" nho nhỏ bài ca của NS Lam Phương:
-"Sớm hôm khuya tối . . nhìn quanh một mình, đời mình không có bình minh . . "
Không có bình minh mà chỉ còn hoàng hôn lẻ loi nên cụ lại ngâm nga như muốn khóc điệu nhạc Quan Họ Bắc Ninh, quê hương của hai cụ:
-Bèo à. . dạt, hoa. . à trôi, hoa trôi . . em ơi! Em ơi, em ơi anh vẫn đợi . . ợi em về!"
  Hình như chưa nói hết nỗi niềm thương nhớ nên mỗi khi thắp nhang bàn thờ, đứng trước di ảnh hiền thê, bố tôi lẩm bẩm một mình:
-Sao bà chỉ nhìn mà không nói gì với tôi vậy" Con cháu đông đủ quanh đây nhưng sao tôi vẫn thấy vắng vẻ quá! Tôi nhơ . . nhớ nhớ ba bàààà. !
Thấy Phi chăm chú lắng nghe chuyện tình cảm của bố mẹ tôi, tôi hỏi ngang một câu chẳng liên quan gì tới chuyện xích mích giũa hai anh chị:
-Hồi này ông còn gặp những cơn ác mộng về thời gian lúc ở tù không"
Nghe  nhắc đến những ngày đen tối trong lao tù CS, Phi mỉn cười:
-Vẫn gặp ác mộng hoài, khiếp quá! Đã hơn 30 năm rồi mà sao nó cứ luẩn quẩn trong đầu mãi. Mới đêm qua tôi còn mơ thấy bị viết lý lịch, viết đi viết lại không xong khiến tên quản giáo cùm tay tôi vào conex tê cứng, không cử động được, giật mình tỉnh dậy mới biết đang nằm. .
-Đang nằm bên cạnh bà "quản giáo" phải không"
Phi cười ngượng ngập khi bị tôi bắt trúng tim đen. Chúng tôi thường đùa với nhau gọi lén bà xã là bà "quản giáo", không phải để ám chỉ những sự nhắc nhở kiểm soát hằng ngày của các bả, thí dụ như: "đi đâu mà lâu thế, đã đi clean răng chưa, thay cái áo sơ-mi ra cho tôi giặt, làm ơn lau dùm cái sàn trong RR mà ông vừa đi . . làm văng nước tùm lum ra ngoài v. v. . Nhưng mà để tự nhắc nhớ đến quá khứ đen tối, cùng cực đói khổ so với hiện tại tự do no ấm mà nhớ công ơn thăm nuôi của các bà. Những tên quản giáo muốn tù chết, còn các bà "quản giáo" nhắc nhở là mong các ông sống khỏe mạnh và sạch sẽ hơn một chút. Nghĩ vậy nên đùa tiếp vói Phi:
-Giật mình tỉnh dậy thấy tay tê không phải vì bị cùm mà vì cái gáy của bả đè lên phải không" Đang từ dưới 9 tầng địa ngục khi tỉnh cơn ác mộng thấy mình đang bay trên thiên đàng hạ giới thì làm gì còn bất đồng bất hòa nữa. Hồi nãy ông nói ông bà giận nhau vì chuyện vớ vẩn, vậy ông có thể kể cho tôi nghe chuyện gì được không"
-Chẳng có gì quan trọng cả, tụi tôi lủng củng cũng tại con . . chim . . nó.
-Tôi hiểu rồi, không cần giải thích thêm nữa, chuyện này quan trọng đấy, tối quan trọng nữa là đằng khác. Đầu mối của mọi rắc rối trăm tội cũng khởi đầu từ đây mà ra. Người nam không làm tròn bổn phận gia đình, bảo vệ nòi giống mà bỏ đi hoang là có tội với các bà. Nhưng tại sao ông sinh tật hư hỏng và từ hồi nào. . .
-Stop, ông hiểu lầm rồi, tôi nói con chim là con chim có cánh bay trên trời kìa, những con chim của mùa Xuân ở đâu kéo về làm tổ, mớm mồi hót lúi lo bên khung cửa sổ như nhạo báng những người tuổi cuối Thu sang Đông đang nằm trong phòng! Chưa hết, chúng còn ị bậy lên cái xe mới mua của Thủy khiến bả bực mình.
-Bả bực mình với chim thì có liên quan gì tới ông"
-Đầu đuôi là thế này, hổm rầy sáng nào tôi cũng thấy bả vừa xịt nước vừa càu nhau lau phân chim trên mui xe cả giờ đồng hồ trước khi đi làm. Tôi hứa sẽ tìm cách đuổi chim đi nhưng tôi không làm được và chim vẫn ị, bả bảo tôi lười như hủi, thế là lủng củng. .
-Đúng thôi, đầu mối là do ông, chuyện dễ dàng mà thất hứa, phụ nữ họ rất ghét, đôi khi hận suốt đời những tên hứa cuội, "hứa cho nhiều rồi lại thôi". Ông là chú Cuội thì về xin lỗi chị Hằng (Thủy) đi, phái đẹp vốn dễ mềm lòng và sẵn sàng tha thứ.
-Không phải tôi cuội, mà thực ra tôi có đuổi chim, nhưng chỉ làm nửa chừng rồi thôi, nói đúng ra là không đành lòng phá rối tổ ấm của đôi chim cu. Tối hôm đó khoảng 9 giờ, trong phòng ấm cúng chúng tôi đang coi TV thì nghe ngoài cửa sổ có tiếng "gù-gù" "cạch-cạch", đúng là có một đôi chim cu đang gật gù mớm mồi cho nhau, tôi xuống dưới sân dùng vòi nước xịt lên để đuổi chúng đi. Nhưng lạ thay, chúng không bay đi mà còn xê dịch đứng sát vào nhau. Dưới ánh đèn vàng tôi thấy hai con chim nghểnh cổ ngơ ngác nhìn quanh như tự hỏi kẻ ác tâm nào nỡ phá tổ ấm của chúng" Đêm khuya thế này thì biết bay về đâu! Cả hai cùng xù lông vẫy cánh cho văng những giọt nước rồi lại đứng sát vào nhau.
Nhìn đôi chim tôi nhớ đến kỷ niệm 40 năm về trước khi người lính trận về phép, đang nắm tay cô nữ sinh dạo phố thì bất chợt trời đổ mưa, họ đứng sát bên nhau trú dưới mái hiên, mưa càng nặng hạt họ càng nép sát bên nhau, mong sao trời mưa không dứt. Chạnh lòng tôi không nỡ xịt nước đuổi chúng đi, thế là chim vẫn ị và Thủy vẫn phải tiếp tục rửa xe, rửa sân.
Tôi không dám nói thực với bả lý do chính tôi không đuổi đôi chim mà cứ để chúng tiếp tục hạnh phúc bên nhau, viện cớ "đất lành chim đậu", đó là điềm tốt. Lại nữa, California đang mùa hạn hán, mọi người phải tiết kiệm nước, không nên hoang phí. Nghe hai tiếng "hoang phí" là Thủy tưởng tôi trách bà ấy không biết tiết kiệm, bả chạm tự ái, bả giận tôi, tôi giận bà ấy . .
Nghe Phi kể đầu đuôi câu chuyện, tôi đồng ý ngay với nghĩa cử của anh đối xử với đôi chim, cánh đàn ông vốn khô khan mà còn mủi lòng huống chi các bà lúc nào cũng dạt dào tình cảm, nếu Phi nói thật lý do, chắc chắn Thủy sẽ vui lắm, vì chính chị là cô nữ sinh ngày xưa cùng Phi núp mưa bên nhau dưới mái hiên. Chuyện bất hòa là do Phi nói dối chứ đừng đổ tội tại con chim. Tôi nói với Phi:
-Ông đã bao giờ nghe "câu chuyện gia đinh" trong giờ phát thanh Tin Lành của Mục Sư Th. . chưa" Cô Minh Nguyên nói rằng chuyện bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng là khó tránh, nhưng sẽ không đi đến to chuyện nếu cả hai cùng tôn trong nguyên tắc "Mau Nghe, Chậm Nói, Chậm Giận". Nghĩa là sẵn sàng lắng nghe ý kiến của nhau, đừng vội vàng trả lời khi chưa hiểu rõ vấn đề khiến gây nên cảnh "ông nói gà bà nói vịt", hiểu lầm rồi giận nhau như ông với bà Thủy.
Một khi đã lỡ giận nhau rồi thì có sáu bước để làm lành, đây là đề tài rất hữu ích, ông nên tìm hiểu để đời bớt buồn mà thêm vui. Ngoài ra tôi mách ông một mẹo vặt, có thể gọi là tiểu xảo với mục đích để giảng hòa cũng hữu hiệu lắm. Nói nhỏ cho một mình ông nghe thôi, chớ có tiết lộ mà hư bột hư đường hết đấy nhá.
Vợ chồng lỡ giận nhau thì cả hai cùng buồn như mất mát điều gì quý giá nên ai cũng muốn "hòa giải rồi hòa hợp" nhưng vì tự ái, ai cũng ngại lên tiếng trước. Ví thế ông lợi dụng lúc chung giường nhưng không chung chăn, giữa đêm khuya làm bộ ngủ mơ rên la "ú ớ". Đần ông thì sợ ma-đàm, nhưng ma-đàm thì sợ ma thật nên khi nghe ông ú-ớ thế nào bà ấy cũng run mà nắm vai lay cho ông tỉnh dậy. Thây kệ, cứ giả bộ mơ tiếp khi nào cảm thấy đủ "đô" thì làm bộ tỉnh giấc trong trạng thái hoảng hốt sợ sệt rồi xích vào, nằm sát vào . . Chắc chắn bả sẽ lo lắng hỏi:
-Anh mơ thấy cái gì mà ú-ớ ghê quá khiến em sợ . .
-Khiếp quá em ơi, anh mơ thấy đang đi hành quân trong rừng thì bị cọp đuổi, anh chạy trốn thì lại bị sư tử (HĐ) chận đường . . Cũng có thể anh phịa rằng anh đang trốn trại thì bị bắt lại và VC đem anh đi bắn v. v. . Đơn giản thế thôi mà được các bà thương trở lại dù mình chưa dám mở miệng xin lỗi. Nghe chồng đi hành quân hoặc bị tù, bị bắn thì các bà sẽ quên hết giận hờn mà chỉ còn tình thương. Đêm nay ông về thử xem sao, nếu thành công thì nhớ giữ kín, kẻo một mai gặp ác mộng, ú-ớ thiệt thì lại bị đạp xuống gầm giường!
Tâm lý chung là chúng ta chỉ biết quý những gì không có hoặc có nhưng đã bị mất mà không biết rằng những gì sẵn có trong tay là những điều quý giá nhất. Hãy cùng nhau cất tiếng ca bài hát của Trần Duy Đức: "Nếu có yêu tôi thì yêu bây giờ, đừng để ngày mai khi tôi lìa . . . !"

PHILA TO

Ý kiến bạn đọc
26/03/201521:37:50
Khách
Bai viet rat la co duyen!
Xin cam on tac gia.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Nhạc sĩ Cung Tiến