Hôm nay,  

Mẹ Tôi Bị Bệnh Parkinson’s

30/12/200900:00:00(Xem: 207301)

Mẹ Tôi Bị Bệnh Parkinson’s

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Phương
Bài số 2826-1628896- vb4123009

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện gia đình bảo lãnh, hiện là cư dân New York và làm nghề nails. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô kể về người mẹ yêu quí bị bệnh parkingson’s.

***

Lời đầu tiên khi đặt bút viết bài này, tôi xin chúc phúc cho tất cả những ai còn có mẹ. Mong tất cả những người con đang có cái diễm phúc đó, hãy cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao mà mình đang có trong tầm tay, bằng cách mỗi ngày, hãy ngồi xuống trong một khoảnh khắc lắng đọng nhất để nhớ đến mẹ, nghĩ về mẹ, và nếu có thể, hãy nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ có biết rằng con thương mẹ không.
Còn tôi, khi viết về mẹ, tôi xin được gởi đến mọi người một chút nỗi lòng của tôi, một người đã không còn được diễm phúc gọi lên tiếng Mẹ.
*
Ngày xưa ấy, mẹ là con gái thứ ba trong gia đình có bốn chị em gái. Khi bà ngoại tôi mất, ông ngoại lấy vợ và sanh thêm bốn người con trai. Mẹ tôi lớn lên trong sự khắt khe của dì ghẻ. Rồi ông ngoại tôi chết sớm, mấy người con trai theo mẹ, còn mấy chị em của mẹ được gia đình người bác ruột đem về nuôi. Mẹ lớn lên nổi tiếng là hoa khôi Hà Nội. Bố gặp mẹ tại tiệm bánh của người bác. Sau thời gian tìm hiểu, bố thương mẹ ở tính chân thật, chịu khó và cảnh ngộ mồ côi. Hai người cưới nhau năm mẹ 19 tuổi.
Mẹ lấy chồng năm sau thì sanh một gái, năm sau sanh trai. Khi chị lớn của tôi được 3 tuổi thì mẹ tôi theo bố xuống tàu di cư vào Nam năm 1954. Chuyến tàu đưa bố mẹ dừng ở cảng Đà Nẵng và bố mẹ đã ở đó sinh cơ lập nghiệp và thêm bảy chị em tôi đã sinh tại Đà Nẵng. Bố là một công chức với mức lương bình thường. Mẹ ở nhà nội trợ, nuôi con. Chị em tôi san sát nhau nên cứ đứa lớn bồng đứa bé đến trẹo cả hông. Cuộc sống eo hẹp mãi đến năm 1968, mẹ rời nhà ra đi làm, sự tần tảo của mẹ đã đưa cuộc sống gia đình khá hơn rất nhiều. Ước mơ của mẹ ngày đó là mua được căn nhà ngoài mặt phố để mẹ mở tiệm bán gạo.
Tội nghiệp mẹ. Ước mơ vừa chuẩn bị thực hiện thì chiến tranh ào ạt đổ đến như một cơn bão. Vào trưa ngày 28 tháng 3 năm 1975, khi mà không khí mùa xuân với hơi lạnh còn làm se lòng người thì gia đình tôi phải ngậm ngùi chia tay với chú tôi để xuống tàu rời Đà Nẵng, bỏ lại nhà cửa tài sản của 21 năm gầy dựng. Tôi nhớ mãi buổi trưa hôm ấy, cái buổi trưa mà gia đình tôi, mỗi người một túi xách trên vai, gạt nước mắt rời bỏ ngôi nhà thân yêu, xóm giềng quen thuộc và thành phố đã nuôi chúng tôi từng ngày.
Trải qua 20 ngày đêm vất vả, đói khát và nguy hiểm trên suốt quảng đường đi. Tàu mới cập bến Vũng Tàu, chưa kịp mừng vì đã đến được bến bờ tự do, thì nửa tháng sau Sài Gòn mất.
Sau một năm lộn xộn của buổi giao thời, mẹ gom góp tiền bạc mang được theo mua một căn nhà. Căn nhà ngoài mặt tiền rất xinh mà mẹ hằng ao ước. Rồi mẹ bắt đầu làm ăn lại từ đầu vì tiền bạc đã hết sạch, thêm một đàn con tuổi còn ăn học.
Tôi phải công nhận rằng mẹ giỏi xoay xở. Mẹ đã lèo lái gia đình trong cơn khó khăn của xã hội lúc bấy giờ. Rồi vài năm sau bùng lên vụ vượt biên, mẹ lại vất vả ngược xuôi kiếm chỗ kiếm nơi cho chị em tôi đi vượt biển. Trải qua suốt năm năm lao đao vất vả lo cho con vượt biên, rồi ba đứa em của tôi cũng đi được, mẹ mừng đến rơi nước mắt. Bố tôi nửa an ủi nửa phàn nàn: "Mẹ nó một hai lo cho chúng đi, giờ phải mừng chứ sao còn khóc"" Mẹ nghẹn ngào: "Ở đây con chẳng có tương lai nên đành đứt ruột lo cho con đi, nhưng làm sao không buồn không nhớ khi chẳng biết chúng vui buồn thế nào nơi đất khách quê người, và chẳng biết bao giờ mới gặp lại các con."
Năm 1992 mơ ước đoàn tụ với các con được thực hiện, bố mẹ được đi bảo lãnh sang Mỹ.  Riêng tôi trong số mấy đứa con lớn đã có gia đình thì không thể đi cùng. Mấy năm sau trở về quê hương, trông mẹ trẻ đẹp, tươi tắn hơn xưa. Tôi hỏi mẹ về cuộc sống ở Mỹ, mẹ cười tươi như hoa, mẹ nói bố mẹ đã xin được trợ cấp tiền già, xin được thẻ khám bệnh, còn ba đứa em tôi thì bây giờ đã công toại danh thành.
Cậu em trai tôi, một thanh niên hiếu học, khi qua tới Mỹ ngày ngày đẩy xe hàng ngang qua trường học high school, nhìn những đứa trẻ học sinh Mỹ hớn hở, vui đùa cắp sách mà thèm thuồng ao ước. Rồi ngày kia cô giáo viên người Mỹ nhìn thấy được sự ao ước của cậu thanh niên người Việt và đã tận tình hướng dẫn cho em tôi cách thức làm đơn và xin trợ cấp để học. Trải qua bao gian khổ, khó khăn để vươn lên bằng con đường học vấn, em tôi đã tốt nghiệp đại học với mảnh bằng kỹ sư điện toán rồi có việc làm tốt.
Cô em gái tôi, thông minh, giỏi giang, cũng theo gương người anh tiến thân bằng con đường đại học, và hiện giờ đang là một supervisor của ngành bưu điện. Rồi cô em út cũng vậy, khi bước chân đến Mỹ, một chữ tiếng Anh không biết, bước vào lớp 10 với bao ngỡ ngàng, vậy mà khi tốt nghiệp high school là một trong năm học sinh giải nhất tiểu bang và hiện là một kỹ sư hóa học. Cạâu em tôi thường khuyên những đứa em đến sau: "Nước Mỹ là nơi tạo mọi điều kiện cho người siêng năng và muốn tiến thân."
Nghe mẹ nói mà tôi mừng cho các em, và mừng hơn khi nghĩ rằng từ nay bố mẹ đã được an nhàn, sung sướng, không phải xuôi ngược bôn ba lo cho cuộc sống như những người ở quê nhà. Nhưng niềm vui của tôi và sự an nhàn của mẹ đã không được lâu. Phải chăng đó là số phận, và số phận đã quá khắc nghiệt với mẹ.
Hai năm sau, mẹ lại về chơi, nhưng sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh của mẹ không còn nữa. Tóc mẹ bạc trắng. Đi đứng nói năng chậm chạp. Chị em tôi buồn biết bao nhiêu khi nghe bố nói là bác sĩ bảo mẹ bị bịnh Parkinson's, một căn bịnh mà khoa học chưa tìm ra thuốc chữa.
Tháng ngày trôi qua, bịnh mẹ càng lúc càng tăng. Ở Việt Nam, chị em tôi lòng dạ xốn xang mỗi lần nghe điện thoại của bố từ Mỹ gọi về, kể tình trạng của mẹ. Mẹ bây giờ không đi đứng một mình được. Bố thì đã già không đủ sức để chăm sóc cho mẹ nên mặc dù có nhân viên của nhà nước đến coi mẹ mỗi ngày mấy tiếng, các chị em vẫn phải thay phiên nhau mỗi người về trông mẹ vào chiều tối sau khi đi làm về. Mọi người, nhất là bố đều rất trông mong tôi qua với mẹ.
May sao năm đó tôi được gọi đi phỏng vấn và chỉ với ba tuần lễ thu xếp vội vã, tôi giã biệt Sài Gòn để lên đường sang Mỹ. Trước mắt tôi, mẹ gầy gò hốc hác, ngồi lên xe lăn với cặp mắt thất thần. Tôi xót xa với cảm giác trái tim mình như bị ai bóp chặt, và nghẹn ngào ôm chầm lấy mẹ.


Từ đó, mỗi ngày tôi thay bố cơm nước dọn dẹp nhà cửa và chăm lo miếng ăn, giấc ngủ của mẹ. Ngày dỗ mẹ như một đứa bé biếng ăn. Đêm chịu với căn bịnh quái ác của mẹ khiến mẹ như điên như cuồng khiến thỉnh thoảng tôi phải kêu thét lên vì quá đau khi mái tóc dài của tôi bị mẹ cuốn chặt mà giật gỡ không ra, hoặc mẹ túm lấy áo và cấu đến chảy máu.
Một năm sau mẹ mập mạp, dễ chịu hơn trước. Nhưng bác sĩ bảo bịnh mẹ không thuyên giảm, rồi mẹ không nói được nữa, cũng không lắc đầu hay gật đầu được nữa. Nhưng tôi biết mẹ vẫn hiểu, vẫn biết hết những gì xảy ra chung quanh, và chính điều đó đã làm cho mẹ càng thêm đau đớn, dằn vặt... Tôi thương mẹ đến xót xa trong lòng mà đành bất lực chứng kiến mẹ bị căn bịnh tàn phá dần. Ôi, người mẹ dịu hiền, bao la và giỏi giang của tôi sao giờ đây phải gánh chịu căn bịnh quái ác như thế này!
Mùa hè năm sau, mẹ vào bịnh viện vì không còn ăn uống gì được nữa. Bác sĩ nói phải mổ để đưa ống vào bao tử, làm như vậy mới có thể kéo dài cuộc sống của mẹ từ ba đến sau tháng nữa. Và việc chăm sóc mẹ sẽ phải khó khăn hơn trước nhiều lắm...
Thế là từ đó, mỗi ngày cứ ba lần cho thuốc, ba lần cho nước và ba lần truyền sữa vào ống cho mẹ. Trước đây thỉnh thoảng mẹ khó thở phải bơm oxy, bây giờ cách mỗi ngày, còn phải dùng máy hút đàm trong cổ họng. Và mẹ như cảm thấy khó chịu vì cái ống cắm ở bụng nên lúc nào cũng đưa tay rờ rẫm để giật ra. Đã vài lần phải vào bịnh viện để gắn lại, mỗi lần như thế thật khổ cho mẹ và vất vả cho mọi người. Từ ngày qua Mỹ và chỉ ở nhà chăm sóc cho mẹ, tôi chưa đi làm ngày nào nên cũng chưa nếm mùi vất vả vì đi kiếm đồng tiền, nhưng tôi cũng đã nhìn thấy cuộc sống tất bật, vất vả của mọi người ơ nơi đây. Điển hình là qua bảy chị em tôi... Mấy đứa em làm cho chính phủ, thì sáng dậy tranh thủ nằm ráng thêm năm, mười phút ngủ, rồi sau đó lật đật dậy, vội bới cơm vào lon đem đi làm rồi chở con đến trường, chồng thì tạt vội vào Starbuck mua ly cà phê vừa lái xe vừa uống. Hoặc lên ngồi trên subway vừa uống vừa đọc báo. Tối về đến nhà, hai vợ chồng ai về trước thì lao vào bếp đặt cơm, ăn xong cũng đến tám, chín giờ tối, người thì chuẩn bị thức ăn cho ngày mai, người ngồi vào bàn dạy con làm homework rồi lên giường ngủ. Ngày ngày như thế, đều đều như vậy, cuối tuần thứ Bảy thì đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, Chủ Nhật tranh thủ về nhà thăm cha mẹ.
Đó là những người làm công sở, buổi chiều còn được về sớm và nghỉ hai ngày cuối tuần. Còn hai đứa em làm nails của tôi còn bận rộn hơn nữa, vì chỉ nghỉ một ngày, một ngày biết bao nhiêu là việc, như đi bác sĩ, đi ngân hàng, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp... Ôi thôi đủ thứ là bận, còn sáu ngày đi làm từ sáng tám giờ tới chín giờ đêm mới về. Vào ngày lễ hoặc cuối tuần thì còn trễ hơn nữa. Đời sống hàng ngày của mọi người thì vất vả như thế, tất bật như thế, nhưng riêng về hoàn cảnh của mẹ, khi qua đây chăm sóc mẹ thì tôi lại thấy ở Mỹ quá sướng.
Bố mẹ tôi khi qua đây, chưa đóng góp gì cho xứ sở này, giờ đây đã già, đã bịnh. Chính phủ lại phải lo hoàn toàn. Bịnh mẹ cứ vào bịnh viện luôn và khi vào bịnh viện hoài với mẹ, tôi mới thấy y tế ở đây thật tuyệt vời. Các bác sĩ làm việc giỏi, tận tâm. Y tá vui vẻ. Bịnh viện thì sạch sẽ, mọi thứ tiện nghi cho người bịnh. Thật đầy đủ. Việc lo cho người già về ăn uống, tiền già đầy đủ thì đã đành, khi đau ốm lại còn chu đáo hơn. Mẹ tôi hàng tuần có bác sĩ đến khám bịnh, y tá đến chăm sóc, có người đến tập các động tác thể dục cho mẹ. Bất cứ một cái gì cần đến cho người bịnh đều được bác sĩ gia đình và bịnh viện đem đến đầy đủ, không thiếu một thứ gì. Tôi thầm ngưỡng mộ và cám ơn đất nước này. Thử nghĩ lại, nếu mẹ đau đớn như vậy mà ở Việt Nam thì sẽ ra sao" Chắc chắn là không bao giờ được như vậy, cho dù có tiền chăng nữa. Bịnh viện ở Mỹ không cần thân nhân ở lại đêm vì đã có y tá thường trực. Bịnh nhân muốn gọi chỉ cần ấn nút đầu giường là đã có y tá đến, nhưng do bịnh mẹ không thể nói được và chúng tôi thương mẹ nằm lẻ loi một mình nên vẫn ở lại đêm để trông nom. Trong bịnh viện còn có phòng xem tivi, có phòng đọc sách ... Nói chung người bịnh lẫn người trông nom đều thoải mái, chứ không quá khổ như cảnh vào bịnh viện ở quê nhà. Tôi tự nghĩ làm sao, làm sao và biết đến bao giờ đất nước mình mới được như vậy. Tự hỏi nhưng rồi tôi cũng biết câu trả lời là không thể.
Sáu tháng trôi qua, mọi việc vẫn đều đặn tiếp diễn. Mẹ nằm đó, không cười, không nói, không ăn, không uống và không đi đứng được, chắc hẳn mẹ cũng thấy khó chịu vì cái ống cắm ở bụng nên mặt mũi nhăn nhó, cứ ú ớ không kêu thành tiếng, thật đau xót và thật đáng thương cho mẹ tôi biết chừng nào. Chị em tôi thương mẹ đến xót xa trong lòng nhưng tất cả đều bất lực. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, trước khi mất đi liệu mẹ có được bình yên ra đi hay cơn bịnh còn hành hạ mẹ đau đớn thân xác đến thế nào nữa.
Rồi chuyện gì đến sẽ phải đến. Một buổi sáng như thường lệ, từ 11 giờ tối thay tã và cho thuốc rồi chuẩn bị cho mẹ đi ngủ, đến 2 giờ sáng dậy thay lần nữa, rồi 6 giờ sáng tôi thức dậy thay cho mẹ trước khi rời khỏi phòng ra tập thể dục rồi lo bữa ăn sáng cho bố tôi và con trai đi học. Đến 8 giờ thì bà Liana đến đánh thức mẹ dậy rồi hai người tôi sẽ đưa mẹ vào làm vệ sinh. Nhưng sáng nay, khi Liana đến, vừa vào phòng thì nghe tiếng bà hét lên hốt hoảng, tôi chạy vội vào phòng, bà nhìn tôi miệng ú ớ nói không ra lời. Tôi lại gần cầm lấy tay mẹ, bàn tay lạnh toát, vạch mắt mẹ lên, mắt đã đứng tròng, tôi rụng rời cả người chỉ biết kêu lên não nề. "Mẹ ơi ... mẹ ơi."
Thế là tôi đã mất mẹ. Thực sự mất mẹ rồi. Tôi ý thức được cái sự thật đau lòng đó khi cả gia đình tôi đứng xếp hàng để người ở nhà quàn đội vành khăn tang trắng lên đầu mỗi người. Tôi thấy lòng quặn đau. Đau hơn bao giờ hết! Và tôi nhận ra một điều rằng cái hạnh phúc lớn lao nhất mà trời ban cho mỗi người đó là, có mẹ. Vâng, thật hạnh phúc biết bao cho những ai còn có mẹ, còn được sự chở che của mẹ. Để kết thúc bài này, tôi xin được gởi lời cám ơn chân thành đến những vị bác sĩ, những y tá, bà Liana ... đã tận tình chăm sóc mẹ tôi trong suốt bốn năm trời nằm bịnh. Và tôi cũng xin được gởi đến những bông hoa hồng đỏ thắm cho những ai còn có mẹ. Vì mẹ là bầu trời, là dòng nước ngọt nuôi con khôn lớn. Những câu nói đó không phải là những mệnh đề trừu tượng, chúng chính là những gì mà người ta đã cảm nghiệm được một cách chân thực, thiết tha trong đời sống của mình. Và tôi cũng xin được kính tặng những bà mẹ, mỗi người một đóa hồng, và xin tất cả chúng ta, những người con đều biết cách lưu giữ những đóa hồng thắm đẹp tươi ấy trong trái tim mình mỗi ngày "để cuộc đời được vui sướng hơn..."
Nguyễn Thị Lan Phương

Ý kiến bạn đọc
13/03/201803:57:59
Khách
thuong vo do vo duyen!
28/02/201806:11:29
Khách
Có phải cô Lan Phương được Chính phủ trả lương số giờ săn sóc Mẹ ruột của mình không? Tôi nghe nói như vậy, có đúng không? Mẹ cô được CP cho người tới nhà săn sóc bao nhiêu giờ mỗi tuần , nếu kể luôn cả cô và bà Liana ?
06/07/201605:02:07
Khách
Bai viet cua LP cham tim minh vi minh dang o trong cuoc.
13/02/201114:34:16
Khách
Chú đã đọc xong bài viết của LP, hay lắm. Chú xin hỏi Cháu và Bố cháu ở đâu, Chú ở 6642=26 th Way St. Pete N. Nếu có thể xin cho Chú biết để quen với Bố của cháu.

VB Admin gởi Ông batan
Ông có thể vào địa chỉ sau đây trên youtube để xem lại cách viết tiếng Viêt: http://www.youtube.com/watch?v=sAqflvB9XXc
08/02/201120:41:59
Khách
Bai ME toi bi binh Parkinson's rat hay ,toi dong y voi loi tac gia noi- neu ban con co Me thi hay tran trong yeu thuong va gan gui Me nhieu hon , ban se bot hoi tiec ve sau.Me toi cung dang bi binh va toi dang duoc take care Me moi ngay, toi nghi do la diem phuc cua toi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,396,218
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến