Hôm nay,  

Món Quà Giáng Sinh

22/12/200900:00:00(Xem: 160529)

Món Quà Giáng Sinh

Tác giả: Yên Sơn
Bài số 2818-1628888- vb3122209

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, 53 tuổi, cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải Viết về nước  Mỹ 2004. Bài viết mới kể về niềm vui con cái bất ngờ dành cho ba mẹ.

***

Mặc dù gia đình tôi đạo Phật từ tổ tiên đến nay không biết bao nhiêu đời, nhưng mỗi năm, ở đây chúng tôi đều đón mừng Giáng sinh như những người có đạo Thiên Chúa; cũng chưng đèn kết hoa khắp trong nhà ngoài ngõ; cũng trao đổi mua sắm quà cáp trước ngày lễ; cũng ăn bữa nửa đêm; các thành viên trong gia đình cũng tặng quà cho nhau... chỉ có không đi dự lễ ở nhà thờ mà thôi.
Thường thì sau lễ Tạ Ơn ở tuần lễ cuối tháng 11, nhà nhà đều bắt đầu giăng đèn kết hoa chuẩn bị Noel. Cũng có vài gia đình đã khởi sự ngay sau lễ Halloween, cuối tháng 10. Nhất là chợ quán, các trung tâm thương mại, thương xá, những khu shopping khổng lồ đã có đèn xanh xanh đỏ đỏ chớp nháy rực trời mỗi khi hoàng hôn đổ xuống.
Ấy vậy mà năm nay tôi quyết định không giăng đèn, không chưng cây Noel, không mua quà cáp gì cả khi mấy đứa con đi học, đi làm xa cho biết là không thể về được trong mùa Giáng Sinh. Con cái bây giờ là lẽ sống, là nỗi lo và cũng là niềm vui, là hạnh phúc của cha mẹ. Năm nay nhà tôi chỉ lo mua sắm cho các đứa cháu nhỏ nên tỏ ra  phẻ re. Dù vậy, mỗi ngày đi làm về tới nhà đều thấy trống vắng, buồn tênh... Cái sinh khí gia đình bây giờ, ngoài buổi cơm tối, nằm gọn gàng trên màn hình của hai chiếc computers, mỗi người mỗi góc bàn...
Thế nhưng, buổi tối ngày 23 khi tôi ở trường về thì đèn đóm đã giăng lên như một phép lạ. Thấy xe của nhà tôi trong garage còn mở cửa như mọi ngày. Hình ảnh sáng rực rỡ của căn nhà làm lòng tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi hấp tấp vào nhà. Vừa mở cửa đã thấy cây thông xanh ngát đứng sừng sững ở chỗ quen thuộc, mùi nồng nồng, hăng hắc xông ngợp vào mũi; đèn đóm lập lòe, cả nhà bừng sáng; dưới chân cây thông lại có nhiều gói quà đủ cỡ... Tôi rất lạ lùng nhưng nghĩ tếu trong đầu "nhà mình có con Cám xuất hiện hóa phép"! Tôi biết chắc không phải là sản phẩm của nhà tôi vì tôi mới gọi điện thoại vào văn phòng của nàng buổi chiều ở trong sở.
Tôi còn đang bỡ ngỡ thì nghe tiếng chân rầm rập ở trên lầu, rồi ba giọng nói thương yêu cùng cất lên trên ban công "tara, tara, tara... chào Ba mới về", rồi chúng nó chạy xuống thang lầu cùng nhau ôm tôi cứng ngắc! Nhà tôi xuất hiện cùng lúc cười tươi trong hạnh phúc. Tôi càu nhàu trong niềm vui chứa chan:
- Vậy mà nói không ai về! Trưa nay cả ba đứa còn gọi hỏi thăm Ba nữa, đúng là xạo sự!
- Tụi con xin lỗi Ba Mẹ vì tụi con chỉ muốn dành cho  kỷ niệm ngày cưới  của Ba Mẹ một ngạc nhiên thích thú (a big wonderful surprise on your anniversary day).
- Lũ con làm sao cùng có mặt một lúc và về từ lúc nào mà mua sắm đầy đủ, lại giăng đèn rực rỡ khắp nơi vậy"
Con bé đại diện cho hai anh em trai thỏ thẻ:
- Mặc dù rất nhớ Ba Mẹ, nhưng chúng con hẹn với nhau về nhà Lisa chiều hôm qua, đi mua sắm; tối tụi con chạy qua nhà âm thầm nhìn lén Ba Mẹ một lúc rồi chạy đi mua sắm tiếp; khuya qua chúng con chờ Ba Mẹ ngủ say, rón rén vào nhà ngủ nhưng rất hồi hộp, chỉ sợ Ba Mẹ thình lình lên lầu thì hỏng hết kế hoạch của tụi con. Sáng nay, tụi con nín thở chờ Ba Mẹ đi làm xong là bắt đầu công việc. Tụi con còn cẩn thận chờ một lúc khá lâu cho chắc ăn nhỡ Ba có quay trở lại để lấy vật dụng bỏ quên...
Nghe con nói tôi cảm động muốn ứa nước mắt. Ba đứa con tôi có ba bản tánh khác biệt nhưng một điều chắc chắn rằng ba đứa nó thương yêu và chăm sóc cho nhau rất chu đáo; lúc nào cũng rất hiếu hạnh với cha mẹ. Trong một buổi cơm gia đình, chúng nó thảo luận là sau này mỗi đứa cho chúng tôi đủ tiền để đi du lịch hàng năm. Chúng tôi sẽ ở với bất cứ đứa nào, hay là ở với mỗi đứa một thời gian. Chúng tôi chỉ cười bảo rằng, "Ba Mẹ ở viện dưỡng lão sướng hơn, không phải trông nhà, giữ con cho đứa nào". Chúng nó lại bảo "Tụi con biết tẩy của Ba rồi, Ba rất thích con nít, coi chừng lại không cho chúng con đi gửi các cháu cho bà vú thì có! À còn nữa, tụi con sẽ không cho Ba chơi với các cháu nếu Ba không tử tế với Mẹ". Tôi hứ, "thèm vào, nhớ là đừng năn nỉ Ba Mẹ giữ giùm đó nha!" Mẹ nó bảo, "việc giữ con nít không có tôi à nghen". Thế là cả nhà cười vang.
Nhân tiện tôi hỏi hai đứa lớn "thế thì đứa nào lập gia đình trước "" Thằng lớn nói bao giờ ra khỏi lính mới tính. Con bé nói bao giờ học xong mới tính. Đứa này đẩy cho đứa kia và chẳng có dấu hiệu khả quan nào cả. Hiện tại hai đứa lớn cùng nhau đóng học phí cho em. Tụi nó nói tiền bạc Ba Mẹ dự định cho em nên đầu tư hoặc mở quỹ tiết kiệm cho nó. Tôi nghe có lý nên mở chương mục đầu tư vào Mutual Fund như của chúng tôi... đến lúc này đã mất gần 50% số vốn... đang buồn vời vợi. Thằng út rất thương và nể trọng anh chị; nó có thể tàng tàng để làm những việc tôi yêu cầu, nhưng khi anh chị bảo thì nó cấp tốc thi hành. Bởi vậy khi nó muốn có bất cứ thứ gì, nếu hợp lý và không chi phối việc học hành là anh chị sẵn lòng mua cho. Chúng tôi thường nhắc chừng đừng "làm hư em" đó nha. Được cái là nó lúc nào cũng ngoan ngoãn và học hành rất khả quan. Mà thằng cu tý sướng thật chứ!
Kinh nghiệm dạy dỗ hai đứa đầu đã cho chúng tôi bài học nuôi dạy cu tý hoàn hão hơn. Khi xưa tiền bạc chắt chiu để xây dựng gia đình nên hai đứa lớn cũng bị ảnh hưởng, chỉ cái gì thật cần thiết mới mua sắm chứ không như bây giờ, quan niệm sống của chúng tôi cũng đã thay đổi. Con cái ở bên này lo cho chúng học hành trọn vẹn, khi chúng nó xong học mà không bị mắc nợ là tốt rồi, chúng nó không cần và không bao giờ nghĩ tới việc thừa hưởng hoặc chia chác gia tài của ba mẹ để lại. Vậy thì đâu cần phải tích trữ như những năm xưa!


Nguyên ngày 24, chúng tôi nghỉ làm để đưa các con về thăm Mẹ tôi và các cô chú, mang sự bất ngờ đến với mọi người vì ai cũng như chúng tôi tưởng rằng chúng nó không về được.
Đại gia đình chúng tôi sống rải rác trong thành phố Houston rộng lớn, cứ như một tam giác đều cạnh, mỗi một gia đình chiếm một góc; nhà này cách nhà kia khoảng một tiếng lái xe. Ở một góc đặc biệt có được ba gia đình gồm Mẹ tôi và ba đứa em; một cô gái út suốt đời quẩn quanh bên Mẹ, một chú em trai trẻ nhất sống chung với Mẹ, và một chú em mới dọn gia đình về từ California. Houston là một thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ. Người ta thường nói "Texas cái gì cũng to" không sai chút nào. Nếu vẽ một vòng tròn cho thành phố Houston, có chỗ đường kính rộng đến hơn 50 dặm dài. Cả ngày lái xe chạy lui chạy tới, vừa chạy xe vừa gọi điện thoại chúc tụng bạn bè khắp nơi, liên tục không ngừng.
Tôi có cái tật không bỏ được là mỗi khi lái xe tôi thường tận dụng thời gian thừa thải để giải quyết một số công việc qua điện thoại hoặc điểm danh thăm viếng bạn bè. Nhà tôi thường hỏi sao ít thấy bạn bè gọi thăm anh mà anh gọi hết người này đến người khác, tôi nói ai rảnh thì gọi chứ đâu có gì quan trọng. Nói suốt quãng đường đi bất kể dài ngắn, bất kể sớm khuya. Vì nói nhiều nên trên xe tôi bao giờ cũng có hai cái điện thoại dự bị và một cái emergency charger của con gái mua cho vài dịp Noel mùa trước, vậy mà có nhiều lúc cũng bị đứt chếnh. Tiếc là trên xe tôi không có chỗ để dùng cái charger bằng điện xe. Cái tật này phát sinh cũng từ việc lái xe hay ngủ gục mà ra. Thế nhưng mỗi lần đi đâu với gia đình nhà tôi đều ngõ ý muốn cầm tay lái để tôi tự do nói chuyện điện thoại, đỡ nguy hiểm, tôi lại không thích vì tôi chỉ tin vào tài ứng biến của chính mình. Mỗi lần nhà tôi cằn nhằn là tôi lại giở sách cũ ra: "xời! năm xưa, trên phòng lái mỗi chiếc máy bay có cả hàng trăm đồng hồ phi cụ phải theo dõi liên tục, cùng một lúc vẫn còn được nhằm nhò gì lái xe và nói điện thoại!" Hoặc là "anh đã lái máy bay được thì chuyện gì cũng là chuyện nhỏ". Trăm lần y như một, nhà tôi lại hứ dài thoòng: "lại sách cũ, trên trời anh có lạc tay lái mấy phút cũng không sao, còn ở trên đường bao nhiêu là xe cộ, lạng qua một chút là có vấn đề lớn liền, ở đó mà xưa với nay". Hoặc là "hồi xưa mình còn trẻ phản ứng của mình lanh lẹ còn bây giờ thì... hết thời rồi anh ơi!" Nói thì nói vậy chứ tôi cũng biết là nguy hiểm nhưng thiệt tình cái gì đã biến thành tật cũng khó sửa đổi. Mới hôm trước đây thôi con gái tôi đã sợ xanh mặt vì cái tật bất trị của tôi. Ngày hôm sau nó mua cho tôi cái đồ gắn vào tai, tôi dùng được vài lần thì lại bỏ lạc đâu mất tiêu. Có lần nó hăm dọa nếu tôi lái xe nói chuyện điện thoại thì nó sẽ không đi chung nữa! Nói thì nói thế chứ chuyện đâu vẫn hoàn đó. Tôi hứa với gia đình là khi nào cảnh sát cấm thì tôi sẽ chừa...
Khuya 24/12, sau bữa ăn nửa đêm như mọi năm, gia đình tôi quây quần bên cây Noel trước lò sưởi. Ánh lửa bập bùng từ fireplace cùng với tiếng lách tách của củi than, vài sợi khói mỏng manh cộng với một chút hơi lạnh tạo nên một bối cảnh tuyệt diệu rất Giáng Sinh. Tôi để ý trên gương mặt của mỗi người thấy chứa chan một niềm hạnh phúc. Niềm hoan lạc rộn ràng trong từng cử chỉ, tiếng cười, giọng nói. Trong lúc vợ và các con tôi hăm hở chia và mở quà Giáng Sinh, tôi vẫn ngồi trước mấy gói quà phần tôi, lặng lẽ theo dõi hoạt cảnh vui nhộn của mọi người, lòng dạt dào niềm thương và hạnh phúc. Bất chợt cô con gái ngó tôi đăm đăm:  sao Ba không mở quà của Ba đi, con không thể đợi được để ngó Ba mở gói quà của tụi con tặng Ba, tại sao, thì Ba mở đi ... tôi cầm gói quà nhỏ gọn như chiếc hộp đựng đồng hồ, tôi đoán chắc chỉ có thể là đồng hồ nên chưa vội mở ra.
- Ba không fair, tụi con đợi Ba mở quà muh!
- Bộ mua đồng hồ Omega cho Ba sao" Tôi nói đùa.
- Không đúng đâu nhưng Ba mở ra đi!
- Để Ba suy nghĩ thử nha... đồ cạo râu bằng điện Mẹ tặng cho Ba năm rồi vẫn còn tốt, điện thoại Ba không cần, đồ nghe điện thoại không phải, cà vạt Ba không thiếu màu gì, con không thích Ba dung dầu thơm, các con nói không phải đồng hồ... hừm! Ba đâu có cần cái gì đâu nhỉ!"
- Nhưng tụi con biết là Ba cần nó ghê lắm nên mới mua tặng Ba chứ! Thằng con lớn nói.
- Con biết Ba sẽ thích ghê lắm! Thằng con út nói vô.
- Ba mở đi! Con không thể chờ để xem phản ứng của Ba (I can t wait to see your reaction). Cô con gái thêm vào.
- Vậy thì Ba không mở vội. Ba chờ mấy con ngủ xong Ba sẽ mở. Tôi chọc tụi nhỏ.
Tụi nhỏ nhao nhao phản đối. Con bé phụng phịu:
- Ba không fun gì hết! Tụi con muốn nhìn your happy face!
- Ukie ukie mở thì mở...
Cách thể hiện của mấy đứa con cũng làm tăng phần hồi hộp cho tôi. Nhà tôi cũng ngừng tay chờ đợi. Tôi cảm thấy là tám con mắt đang chăm chú nhìn tôi và gói quà nhỏ trên tay. Lớp giấy hoa hòe vừa được xé bỏ... Vâng, món quà làm tôi rất sung sướng thật sự. Nó là một món quà tôi rất cần nhưng không thể nào nghĩ ra. Món quà cũng làm cho nhà tôi rất vui. Món quà nằm gọn gàng trong một hộp thủy tinh vuông nhỏ, có đầy đủ đồ phụ tùng. Tôi săm soi đọc cách hướng dẫn, nhưng thằng con út đã cầm lên chỉ tôi cách sử dụng mà không cần phải xem sách. Đó là chiếc "răng xanh". Chiếc "răng xanh" nằm gọn gàng trên vành tai phải, để sử dụng điện thoại cầm tay mà không cần phải giảm bớt một bàn tay cầm bánh lái. Được biết món quà "bluetooth" này là tâm ý của đứa con gái rượu của tôi.
Nhìn những gương mặt thương yêu, những nụ cười rạng rở trên môi mọi người, ánh lửa bập bùng như nhòa đi và hơi ấm lan rộng quanh nhà, rạng rỡ, lòng tỡâi ngập tràn ân sủng. Niềm vui Giáng Sinh với đầy đủ những người thân yêu bên cạnh là một hạnh phúc tuyệt vời, là món quà Giáng Sinh to tát nhất mà tôi cảm nhận được từ khi đàn chim non rời tổ bay đi tứ hướng cuộc đời.

Ý kiến bạn đọc
22/02/202217:50:48
Khách
Tôi nghĩ bạn "Khách" có lẽ đoán sai tuổi của tác giả Yên Sơn , khi năm 1975 ông ta 28 tuổi mới đúng thì năm nay 2022 sẽ là 72 tuổi, có nghĩa là tác giả Yên Sơn sinh vào năm 1950 , nếu tôi tính không sai . Chứ không phải lúc đó năm 1975 Yên Sơn mới 12 tuổi tức là sinh năm 1963,. Thêm nữa sinh năm 1963 thì làm sao viết bài có tầm vóc như trình độ Tú Tài Hai hay Đại Học được .
22/12/201622:21:11
Khách
"Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, 53 tuổi, cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975.."
Nếu Tác giả 53 tuổi thì năm 1975 mới có 12 tuổi làm sao là cựu SQKQ của VNCH???
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến