Con Đường Tình Tôi Đi
Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 2801-1628871- vb6120409
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Bài viết mới của cô là một tự truyện, vẫn với cách viết trực tiếp và mạnh mẽ.
***
Thế là tôi đi một mình đã đúng ba năm. Mới đầu khi đối diện với cái chết đột ngột của chồng, tôi đã bắt đầu nghe những lời rất lộn xộn từ mọi phía tới tôi từ người dưng, gia đình cũng như người lạ. Họ thấy tôi còn quá trẻ, phần thì yếu đuối chắc chẳng gánh vác nổi chuyện gia đình nên độ vài năm nữa là tái giá ngay ấy mà. Khi họ nghĩ vậy, tôi nghĩ họ hay hơn tôi quá nhiều. Ngay lúc đó tôi còn chưa biết tình trạng tài chánh của mình ra sao vì lúc sinh thời anh lo hết. Thời gian đó là thời gian trả tiền thuế đất cho căn nhà chúng tôi đang ở, tôi biết tìm đâu ra số tiền không nhỏ như vậy mà trả một lần đây. Vậy mà họ còn nỡ lòng nào. Tôi chán ngấy cái cách suy nghĩ vô nhân đạo của con người, thích bàn chuyện chưa có hơn là chuyện đang xảy ra trước mắt. Điều đó vô tình làm giảm đi nghị lực của một người phụ nữ mà lẽ ra họ nên động viên hơn là làm cho người ta sợ thêm.
Thời gian đó chúng tôi có mua để dành một miếng đất cùng với ông anh chồng. Trong hoàn cảnh này thì phải bán chứ bản thân tôi còn lo cho hai con chưa biết xong chưa nói chi tới lo thêm một khoảng đất khác. Vì chuyện mua bán đất có nhiều mâu thuẫn ông anh chồng không nhìn mặt tôi sau khi bán xong. Tôi cũng không thanh minh thanh nga mọi chuyện làm chi vì nghĩ có nói chắc cũng chẳng ai hiểu dùm. Tôi nghĩ tôi hèn với chồng thì có thể, anh nói gì tôi cũng có thể chấp nhận dù biết có khi không đúng nhưng với gia đình chồng thì tôi có sống với họ đâu mà nói thêm làm chi cho phiền.
Số là chồng tôi cũng thuộc loại gia trưởng dù chẳng phải con đầu lòng. Đàn ông Việt Nam đa số là như thế, có thay đổi khi sang một đất nước tự do cũng sợ không đâu là cha mẹ và anh em mình nói mình sợ vợ nên cuộc đời cá nhân cứ thế mà rối tung lên. Tôi là con người tự do, ai đúng tôi theo, ai không phải tôi nói, tính khí thế mà đôi khi muốn giữ hạnh phúc và an lành cho chính mình tôi phải tập im lặng. Thật ra khi bạn im lặng thì điều mâu thuẫn bạn nghĩ tới nó còn quanh đâu đó trong con người bạn đợi lúc nào đó nổ ra chuyện khác nếu tiện lúc hay nó sẽ biến bạn thành con người lạnh nhạt và biết chịu đựng. Điều đó đưa bạn tới đâu, hoặc là không còn tình cảm chỉ biết sống với bổn phận hai là vui được lúc nào thì vui lúc nào không vui cũng kệ vì còn thì giờ đâu mà nghĩ tới.
Vợ chồng nào chả có lúc vui, lúc buồn. Tôi tập quý cái vui, quên cái buồn đi để mà sống. Ông nhà thương thì nhờ, ông không thương và coi mình như không có trong nhà cũng tập quen cho nó khoẻ. Có lẽ tình cảm vợ chồng là điều mà tôi phủ phục và không có ý hướng quyết liệt như những chuyện tôi muốn làm trong cuộc đời nếu thấy mình đúng.
Tôi lại là người thích viết nên nhiều lúc tôi chia xẻ những vui buồn trong bài viết của mình thẩy lên mạng. Điều đó làm gia đình tôi và gia đình chồng tôi không vui vì họ nghĩ tôi không đàng hoàng và muốn đi tìm người khác.
Đời ngộ thật, đời sống không vui có đi tìm người khác thì cũng còn tỉnh mới nghĩ tới điều đó. Mà tôi chỉ viết để vơi đi bao nhiêu điều trăn trở, họ có đọc đâu mà biết tôi nói gì nên cứ nghĩ lên mạng là không đàng hoàng theo ý họ thì ai họ cũng treo cổ kiểu đó chứ đừng nói treo cổ mình tôi.
Nên cái chuyện tôi bị dèm pha không thể sống một mình xem ra cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng phải phó mặc cho thiên hạ nói mà sống cho mình và hai con mà thôi.
Vào sở, trước đây tôi cũng không nói chuyện với ai, vì nói với ai bây giờ, có ai hiểu đâu. Chính tôi còn không hiểu tôi lúc đó nghĩ gì chứ đừng nói nói với ai. Nhìn quanh tôi, tôi thấy ai cũng khổ. Một tuần tôi thấy người đồng nghiệp ngồi bên cạnh tôi khóc những ba ngày. Tôi xót xa dùm bà ấy nhưng vì vô tư và nghĩ ai cũng như mình, tôi ngồi lại tâm sự với chị. Nào ngờ chuyện ra chuyện, sau ngày chồng tôi mất bao nhiêu thứ phải đối đầu có lúc tôi muốn gục ngã nên nói với chị nhiều lần tôi đã muốn tự tử. Chị nghe sao lại là một điều đáng lưu ý. Chị chạy lên báo cáo với người quản lý văn phòng tôi đang làm việc về chuyện đó. Thế là họ gọi tôi lên, chẳng nói chẳng rằng là tại sao tôi nói vậy, chỉ nói tôi nên đi counseling. Tôi hết ý kiến, nói thẳng với bà Boss. Bà à, nghĩ mà coi, tôi còn hai đứa con còn quá nhỏ, có muốn chết cũng chưa được, nghĩ mà coi, lúc làm đám chồng tôi, hai đứa con tôi chạy lòng vòng quanh quan tài, chồng tôi biết có thể đã muốn đứng dậy lắm đưa mẹ con tôi về nhà mà làm không được. Tôi hiểu ổng nghĩ thế thì bụng dạ nào tôi lại ngu si đi làm vậy hả bà. Đúng là tôi có muốn tự tử khi đời bế tắc, tôi đố bà tìm ra ai không bao giờ nghĩ tới cái chết khi cuộc đời bế tắc, nhưng người ta có làm hay không mới đáng nói. Thưa bà, bà nên tin tôi tôi không làm đâu.
Người Á đông và người Mỹ khác nhau xa, bà bảo bà nghe thấy tôi nói bà phải xử lý, còn đúng là bà tin tôi không làm nhưng ai biết được. Chiều hôm đó tôi về nhà sợ hãi vô cùng, tôi sợ sở tôi báo với văn phòng bảo vệ trẻ em và bắt hai con tôi đi vào foster home vì tôi có ý định tự tử và đưa tôi vào nhà thương tâm thần dù tôi đang là một nhân viên xã hội rất được tín nhiệm và từ ngày chồng tôi mất tôi chưa hề có một cử chỉ giận dữ nào với khách hàng hay có thái độ khiếm nhã nào với ai cả.
Thế mới biết họa vô đơn chí, trên đời này chính mình không gây chuyện thì chuyện cũng tới. Tôi chỉ còn biết im lặng mà sống.
Có những lúc cuộc đời cũng nhiều nỗi chua cay. Tôi hay chia xẻ với người đồng nghiệp nam bên cạnh. Anh ta hơn tôi 9 tuổi và hiểu đời nhiều, người Mỹ, đã từng ra vào trại nghiện rượu và mới làm lại cuộc đời đây thôi. Anh ta chứng kiến tôi bị chủ xử kỳ thị khá nhiều và rất phục tôi biết chịu đựng. Tuy nhiên tôi nói tôi im lặng khi họ chỉnh vì tôi hiểu tại sao người ta chỉnh tôi chứ không phải vì tôi đồng ý điều người ta chỉnh. Ít nhiều gì anh ta cũng công nhận tôi là con người đàng hoàng, chân thật và không hai ba mặt là tôi vui rồi. Tôi nghĩ người Mỹ nào cũng được dạy honest nhưng có hay không lại phụ thuộc vào đời sống dạy cho người ta. Sau đó tôi xin đổi chỗ không ngồi gần anh ta nữa vì thấy anh hay nhìn lấm lét và soi mói tôi. Cái nhìn rất kỳ dù không gian dối. Tôi lại còn nghe người ta đồn tôi có tình ý với người đồng nghiệp này nên tôi tức tối vô cùng vì ít nhiều gì chồng tôi cũng mới mất, họ chắc không có trái tim hay sao mà đổ vạ cho tôi thế. Sau này từ một người đồng nghiệp khác tôi biết anh đồng nghiệp này là người đồng tính nam. Tôi cũng chẳng nói chẳng rằng, tôi biết phần tôi được rồi, luôn thành thật và quý trọng tất cả mọi người không phân biệt vì tính cách của đời sống cá nhân ai cả.
Những người quản lý văn phòng tôi làm việc sau một thời gian suy xét và cân nhắc vì sợ dư luận cho rằng họ thiên vị tôi vì tôi đòi gì được nấy nhưng sau một tuần họ chấp thuận cho tôi đổi chỗ vì thông cảm với những tâm tư tôi có và không muốn làm khó khăn thêm những suy nghĩ rối bời của tôi trong hoàn cảnh đơn độc.