Người Truyền Bá Nhạc Việt
Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2783-1628854- vb6111309
Chủ nhật 15-11 tới đây, San Jose sẽ có buổi “Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Mộng Bảo”. Tại Saigon trước 1975, có hàng chục ngàn nhạc bản được phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm. Đó là công trình của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa. Bài viết sau đây của Nguyễn Thi kể về những năm cuối đời của người nhạc sĩ này, trong tình thương quí của cộng đồng Việt Mỹ miền Bắc Cali dành cho ông.
***
San Jose tuy không đông cư dân như thành phố Los Angeles của miền Nam California hay New York City của miền Đông nước Mỹ, nhưng nó đủ lớn để được mệnh danh là thành phố có đông người Mỹ gốc Việt nhất tại Hoa Kỳ vì dân số người Việt là 10% tức khoảng trên 100.000 người.
Nhờ đó, cộng đồng người Việt tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp những sinh hoạt cuối tuần. Nếu không ra mắt sách hay CD nhạc thì cũng có những sinh hoạt văn nghệ, họp mặt, hoặc những đại nhạc hội quy tụ nhiều danh ca và danh hài người Việt tại hải ngoại.Tại những buổi sinh hoạt cộng đồng này kể từ năm 1993 trở đi, người ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của một cụ cao niên trên 70 tuổi. Dáng người cụ tương đối cao với mái tóc bạc trắng và cặp kính cận khá dầy trên khuôn mặt lúc nào cũng mở một nụ cười tươi vui cho người quen cũng như lạ, dù đó là người Việt hay người bản xứ.
Lần đầu tiên tôi gặp cụ trong một dịp tình cờ ghé qua nhà thăm chị bạn, nhờ đó tôi mới biết tên cụ là Lê Mộng Bảo. Vì rời Việt Nam khi còn là học sinh nên tôi hoàn toàn không biết cụ là ai. Tôi gọi cụ bằng bác, nhưng đôi lúc cụ lại cứ xưng anh với tôi. Bác nói trong giới nghệ sĩ và trong Hướng Đạo thường xưng anh em nên lâu ngày bác đã quen cách xưng hô ấy. Trong lúc ngồi chờ chị bạn tại phòng khách, tôi được bác cho xem quyển album hình ảnh, cả hình trắng đen lẫn hình mầu. Những hình ảnh này được ghi chú tương đối rõ ràng như ngày chụp, và tên người trong tấm hình. Nhờ đó tôi mới biết mình có diễm phúc được nhìn thấy hình ảnh của các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng thời họ còn trẻ của những thập niên 50, 60, 70.
Sau mấy lần tiếp chuyện cũng như được bác tặng cho một tập giấy copy những bài báo nói về bác và đã được bác đóng lại cẩn thận bằng tay, tôi mới hiểu rõ thêm về tiểu sử của bác.
Bác Lê Mộng Bảo sinh tại Huế năm 1923. Ông nội họ Hồ thuộc dòng tộc Minh Hương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ 19 ông di cư sang Việt Nam lập nghiệp và lập gia đình với một cô gái Việt tại Huế, sinh ra một người con trai đặt tên là Hồ Quý. Khi Hồ Quý 3 tuổi thì thân phụ qua đời, người mẹ tái giá với một người Minh Hương khác họ Lê và đổi tên con thành Lê Quý. Cụ Lê Quý theo gót cha kết hôn với một cô gái Việt tại Huế và sinh ra Lê Mộng Bảo, Lê Thị Hồ, và Lê Văn Danh.
Lê Mộng Bảo lúc còn nhỏ học chữ Hán nhưng đổi qua học trường Lasan Pellerin Huế từ lớp 1 đến lớp 9. Sau đó xin làm nghề báo tại tòa sạn tuần báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà cách mạng nổi tiếng. Mỗi buổi chiều rảnh giờ, Lê Mộng Bảo đi theo các con em của gia đình báo Tiếng Dân học lớp Hán tự do cụ Phan Bội Châu dạy ở Bến Ngự. Độ một năm sau ông được thân phụ gửi đi học nghề chụp hình tại tiệm hình Khải Xương của người Minh Hương. Sau một năm rưỡi thì xin thôi việc vì ông nghĩ chỉ có làm chủ tiệm thì mới giầu có. Lúc này thân phụ và thân mẫu của ông không sống chung với nhau được nên hai người chia tay nhau.
Sau khi nghỉ tiệm Khải Xương ông xin phép thân mẫu ra Hà Nội. Ông dự định học trường Mỹ Thuật Hà Nội nhưng thi không đậu. Tại Hà Nội, Lê Mộng Bảo ở chung nhà trọ với Vũ Đức Toa và Đặng Thế Phong, cũng là sinh viên trường Mỹ Thuật. Được sự cố vấn và giúp đỡ của hai anh, và được thân mẫu trợ cấp mỗi tháng 4 đồng 50 xu, Lê Mộng Bảo xin học dự thính tại trường Mỹ Thuật hai năm, tại đây ông đã học hỏi được rất nhiều về ngành họa. Những lúc rảnh rỗi cả ba anh em thường đi dạo phố bằng xe điện hoặc đi bộ dọc theo hàng Mây, hàng Quạt, chợ Đồng Xuân... . Thú tiêu khiển của các anh là "đi dán mũi cửa kính" (đi xem các cửa hàng và phê bình tốt xấu chứ không mua hàng). Cũng trong thời gian này Lê Mộng Bảo học đàn vĩ cầm với Đặng Thế Phong. Khoảng một năm sau khi rời Hà Nội, Lê Mộng Bảo được tin Đặng Thế Phong đã qua đời vì bệnh lao năm mới 22 tuổi, để lại một số nhạc phẩm nổi tiếng trong đó có Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu... .
Rời Hà Nội, Lê Mộng Bảo vào Sài Gòn và ở nhà trọ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (là người láng giềng ở Huế trước đây) khoảng hai năm, vừa học nhạc lý với Nguyễn Văn Thương vừa đi chơi những miền lục tỉnh. Với một cây bút than, giấy vẽ, và một máy chụp ảnh, Lê Mộng Bảo đi bằng thuyền qua các tỉnh như Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Đồng Tháp, Vĩnh Long... . Tại những vùng này ông có dịp tiếp xúc với những người dân quê mộc mạc, có vùng ông dừng lại cả tuần hay cả tháng. Ông giúp vẽ hình chân dung để bàn thờ hoặc chụp ảnh làm kỷ niệm cho chủ nhà và được mời ở lại ăn uống và nghỉ ngơi qua đêm. Có lẽ vì bản chất vui tính nên đi đến đâu ông cũng dễ hòa đồng với hoàn cảnh. Đã có lần ông theo các em nhỏ đi chăn vịt cả ngàn con mà thấy rất thích thú vì đã học hỏi được một điều mới.
Sau chuyến du lịch Sài Gòn, Lê Mộng Bảo về lại đất Thần Kinh và học một năm Kế Toán Thương Mại để học cách đánh máy chữ và giữ gìn sổ sách văn phòng tại trường Quảng Trị École Commerce. Cụ Nguyễn Văn Quỳ, thân phụ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, sau khi về hưu Sở Bưu Điện thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cụ giữ chức vụ thư ký của Hội Phật Giáo An Nam tại Huế, đã giới thiệu Lê Mộng Bảo đi theo ông làm thư ký đánh máy.
Trong thời gian này Lê Mộng Bảo quen được hai người cháu ruột của cụ Quỳ là Nong và Bính. Chính hai anh em là người đã dạy Lê Mộng Bảo tiếng Nhật. Nhờ thế ông đã được nhận làm thông dịch viên văn phòng của một công ty đồn điền người Nhật được hai năm ở Tour Chàm, cách Phan Rang 10 cây số. Ông được giao trông coi đồn điền trồng vải và đậu phộng. Ông sống một mình trong trại và có nhiệm vụ giữ nhà kho và lo sổ lương cho khoảng 50 nhân công với một người phụ tá quản lý nhân công. Mỗi cuối tuần một quản lý người Nhật từ Phan Rang về đồn điền trả lương cho nhân công. Lê Mộng Bảo được trả lương 20 đồng mỗi tháng.
Năm 1944, Lê Mộng Bảo trở lại Huế học thêm một khóa cao cấp tiếng Nhật sáu tháng tại trường Quốc Học Huế ban đêm. Sau khi lấy chứng chỉ tiếng Nhật, ông đến tòa đại sứ Nhật xin việc và được cử đi làm thông dịch viên tại Phòng Báo Động (Alert) nằm trong khuôn viên Sở Bưu Điện Huế. Mỗi ngày đi làm, ông và một cộng sự viên người Nhật tới Phòng Báo Động dưới hầm, cũng là hầm trú bom, để làm việc. Nhiệm vụ của ông là nghe điện thoại từ các tháp canh xung quanh thành phố Huế để biết tình hình máy bay Mỹ đang bay tới từ hướng Đông, Tây, Nam, hay Bắc và lúc đó người Nhật sẽ bấm còi báo động để đồng bào xuống hầm tránh bom.
Khi quân Nhật thua trận, Lê Mộng Bảo được thuyên chuyển lên Phòng Điện Thoại của Sở Bưu Điện và làm ở tổng đài được hơn một năm. Cũng lúc này Việt Minh mở ra một phòng đọc sách trên lầu của Sở Bưu Điện, nhưng người cung cấp sách lại là Lê Mộng Bảo vì chỉ có ông là người thích đọc sách và sưu tầm sách. Ông tặng một số sách truyện khoảng chừng 50 cuốn.
Cuối năm 1944, một biến cố đau buồn lại đến với Lê Mộng Bảo, người em trai tên Danh đã qua đời vì bạo bệnh khi mới 14 tuổi, (chị Danh cũng chết vì bệnh khi mới lên 4 tuổi). Điều này làm Lê Mộng Bảo nghĩ đến việc cần lập gia đình. Mặc dầu giao thiệp rộng và cũng được thân mẫu giới thiệu nhiều cô, nhưng cuối cùng Lê Mộng Bảo lập gia đình với cô Trần Thị Nết, con bà chị của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Cuối năm 1945, Lê Mộng Bảo có người con gái đầu lòng đặt tên là Lê Thị Mộng Quỳnh. Ông và vợ có được bảy người con, bốn trai (Sơn, Hùng, Cường, Lâm), và ba gái (Quỳnh, Tuyết, Thu).
Trong thời gian làm việc tại Sở Bưu Điện, Lê Mộng Bảo và gia đình ở chung trong nhà Lê Mộng Đào (anh của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và đạo diễn điện ảnh Lê Mộng Hoàng), với họa sĩ Phạm Viết Song và kịch sĩ Phan Khắc Khoan. Tất cả bốn người đều sinh hoạt chung với nhóm kịch của Phan Khắc Khoan và tuần báo Quê Hương.
Đầu năm 1946, Lê Mộng Bảo mở một tiệm sách nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo (Huế) trong tiệm vàng Kim Thịnh. Ông giao tiệm sách cho vợ trông nom còn ông thì đi Hà Nội hàng tuần buôn sỉ dụng cụ văn phòng. Ngoài ra ông cũng làm tổng phát hành các nhật báo Hà Nội tại Huế. Trong dịp này Lê Mộng Bảo quen biết được nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Đình Phúc, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Phát, Bùi Công Kỳ, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu...
Chú thích:
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã sáng tác trên 50 nhạc phẩm. Ngoài ra ông còn viết lời cho các nhạc phẩm của bạn bè như: Bến Nước Tình Quê của Mạnh Phát, Tàn Một Đêm Vui của Văn Phụng ... .
Những nhạc phẩm trên ký tên thật Lê Mộng Bảo, còn những nhạc phẩm như: Thương Về Quán Trọ, Tiếc Thương, Về Kỷ Niệm K.C.M.X.N., Đổi Thay ... ông ký tên Hoa Linh Bảo.
Ngoài những sáng tác về tân nhạc, ông còn soạn những bài tân cổ giao duyên và vọng cổ, ông cũng viết nhạc dưới bút hiệu khác như: Anh Bảo, Tuyết Sơn với nhiều loại nhạc khác nhau.
Nguyễn Thi