Hôm nay,  

Ngố Ơi Là Ngố

12/11/200900:00:00(Xem: 227120)

Ngố Ơi Là Ngố

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 2782-1628853- vb5111209

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống tại Virginia và làm việc tai  AECOM,  một đại công ty được Fortune xếp loại hàng đầu thế giới, với 43,000 nhân viên, hoạt động tại hơn 100 quốc gia, đạt lợi tức 5.9 tỷ mỹ kim trong 12 tháng tính tới 31 tháng Ba 2009. Sau đây là bài viét mới nhất của cô.

***

Mỗi khi đi ngang tiệm K-Mart, tôi lại nhớ một chuyện rất ư là ngố của chính mình lúc mới qua Mỹ. 
Vài hôm trước, tôi cùng đám bạn đi chợ K-Mart.  Cuối tuần đó về thăm nhà cậu mợ, khi nghe họ chuyện trò đang tìm mua một vài món đồ, tôi đã hào hứng nói, "Cháu thấy có bán ở tiệm Big K."   Cậu mợ tôi nhìn nhau hỏi, "Tiệm Big-K" Gần đây có tiệm Big-K không" Ở đó có bán hả""   Tôi ra vẻ chắc chắn, "Có mà, bữa trước tụi cháu đi chợ ở đó thấy có bán."  Cậu mợ tôi lại nhìn nhau rồi nhìn tôi hỏi, "Tiệm Big-K" Nằm đâu sao cậu mợ không biết""  Tôi nghĩ bụng thấy cũng lạ. Cái tiệm to đùng chỉ cách nhà cậu mợ vài ba con đường, sao họ lại không biết"  Ngộ quá!  "Vậy khi nào cậu mợ đi đâu ra ngoài, cháu sẽ đi theo để chỉ tiệm Big-K nằm đâu."
Vì có khiếu nhớ đường nên dù mới qua Mỹ tôi cũng đã tạm biết đường xá vùng cậu mợ tôi ở.  Bảo cậu quẹo trái, quẹo sang phải, rồi đi vài ba ngã tư... vẫn chưa đến nơi; cậu tôi nghi ngại hỏi, "Sắp tới chưa" Có nhớ đúng đường không" Cậu mợ ở đây lâu rồi, có thấy tiệm Big-K nào đâu."
"Chỉ còn 2 đèn đỏ nữa thôi..." Tôi trấn an cậu mợ, nhủ thầm, "Cũng công nhận mình mới qua Mỹ thiệt, nhưng mình biết đọc chữ mà.  Sao mấy người này cứ có vẻ không tin..."
Khi đến ngã tư có tiệm K-Mart nằm bên phải, tôi bảo cậu "Tới rồi!" Cậu mợ tôi cười ha ha, la lên, "Tiệm K-Mart sao lại nói Big-K""
"Trời, cái này mới ngộ! Rõ ràng chữ Big-K to tổ bố, sao lại gọi K-Mart""  Nhìn kỹ lắm tôi mới thấy chữ "Mart" nhỏ xíu nằm bên trong thân của chữ K. Nhưng người dân ở đây đã có thói quen gọi nó là K-Mart.  Chẳng biết tại sao người ta không đọc chữ... BIG dù nó thật là... big.  Hừm... Cũng vì mấy cái thói quen của người bản sứ mà bọn chân ướt chân ráo mới qua Mỹ chúng tôi trở nên ngố ơi là ngố.  Sau đó tôi đã méc với tụi bạn biết để chúng không gọi cái tiệm K-Mart đó là Big-K như tôi nữa mà thiên hạ  cười cho...
Những lần sau, cứ mỗi lần đi ngang K-Mart, cậu mợ tôi lại hỏi, "Bữa nay mình có cần mua gì trong tiệm Big-K của Mimi không ha""   Tôi bị... chọc quê... Hì hì... Không sao.  Ngược lại, nhờ vậy mà tôi nhớ chuyện ngố này dai và từ đó luôn chú ý những thói quen của người bản xứ để người ta khó nhận diện mình là... dân từ hành tinh khác!  Bởi nhiều khi, những cái mình học trên sách vở khi đem ra thực hành, lý thuyết và thực tế chỏi nhau một trời một vực. Văn hóa được hình thành từ thói quen; mà cái loại văn hóa như thói quen gọi Big-K là K-Mart này lại thường ít được nói đến trong sách vở.  Phải đi sâu vào đời sống hàng ngày của người dân từng địa phương mới thấy được rõ và thấm được mau văn hóa của họ.
Sau này, tôi có để ý thấy thêm rằng người Mỹ thường có thói quen gọi những vật dụng bằng tên nhãn hiệu chứ không bằng tên đúng của chúng. Ví dụ loại giấy lau mỏng, họ ít nói "cho tôi miếng giấy lau mõng" mà thường nói "cho tôi miếng Kleenex".  Nếu một người mới qua Mỹ chưa biết thói quen này và xin miếng giấy lau, không chừng sẽ có một số người Mỹ lúng túng... 
*
Một ngày khác, tại một cửa tiệm khác, ở một thành phố khác... tôi lại có thêm  chuyện ngố ơi là ngố.
Khi đến gần cửa vào của tiệm Costco, tôi thấy một cô gái trẻ đi ra với một chú gấu lông thật to ngồi chễm chệ trên chiếc xe đẩy loại chở hàng lớn. Tôi ngừng lại, cúi xuống vuốt ve chú gấu lông và khen cô đã mua được chú gấu lông quá xinh... Thích chú gấu lông ấy quá, tôi quyết định cũng sẽ rinh về một chú.  Vào tiệm, sau khi đi mấy vòng tìm mà chẳng thấy chú gấu nàỏ, tôi bèn tìm một nhân viên của Costco để nhờ, "Anh làm ơn chỉ hộ tôi mấy con gấu lông nằm đâu."  Anh ta lập lại từ "Bear" (con gấu), có ý hỏi lại có phải tôi muốn tìm "Bear""  Tôi gật đầu.  Đi theo anh nhân viên một quãng... anh ta dừng lại trước quầy để toàn... bia.  Tôi nhìn hàng trăm thùng bia, chẳng uống chai nào mà mặt đã đỏ ngầu và méo xẹo. Tôi lắc đầu, "Noo, tôi không uống được những thứ này. Tôi tìm mấy con Bear kia."  
Anh nhân viên nhìn tôi ra vẻ thắc mắc; còn tôi thì cứ đứng thừ ra đấy, chẳng biết phải làm sao.  Nhủ thầm, "Phải chi mình cứ giả vờ đúng rồi và nói cảm ơn cho anh ta đi thì bây giờ đỡ quê biết mấy..."  Anh ta cứ đứng im chờ tôi.  Tôi bật cười và cố gắng giải thích bằng... "lời" rằng, "Tôi tìm mấy con bear... bear bear bear..."  Thấy anh nhân viên vẫn đứng yên, chưa... cục kịch, tôi nghĩ ra từ "Animal".  Tôi chuyển sang giải thích bằng..."tay".  Tôi đưa tay vẽ vẽ trong không hình ảnh con Bear, "Chúng bự cỡ này nè."  Tưởng vậy là anh nhân viên đã hiểu... nhưng, anh ta vẫn đứng yên như trời trồng.  Trời ơi, tôi bắt đầu muốn độn thổ; nhưng phía dưới chân sao cứng quá... Tôi đành đánh vần từ B...e...a...r viết ra sao.  Anh ta "Ồ" lên một tiếng thật dài rồi cười và dẫn tôi qua một chỗ khác. Đến nơi thì... sở dĩ tôi tìm không ra bọn gấu ở đâu là vì cô gái lúc nãy đã rinh đi con bear cuối cùng... Tai hại không kia chứ!
Mua không được gấu, đất cứng quá độn thổ không lọt, tôi nảy ra cách chữa quê...  Tôi viết lên lòng bàn tay mình hai từ "Beer" và "Bear" và bắt anh nhân viên người Mỹ này hãy phát âm dùm tôi nghe để tôi sẽ phải nhớ hoài.  Này nhé, nếu muốn mua bia (Beer) về uống thì dễ lắm, chỉ cần phát âm gần như tiếng Bia của Việt Nam; vì trong từ Beer có hai chữ EE tạo nên âm I (của tiếng Việt).  Còn con gấu (Bear) thì phải bè bè cái miệng ra chút xíu để tạo nên âm E (của tiếng Việt).  Từ sau hôm đi chợ Costco đó, tôi nhớ đời cách phát âm hai từ Beer và Bear.
Tôi không nhớ hồi xưa khi còn ở Việt Nam, tôi đã học cách phát âm hai âm này ra sao; nhưng bên Châu Âu, người Anh phát âm hai âm này gần... như nhau; vì vậy mà tôi mới mém chết vì quê.
Thật ra, hai từ Bear/Beer này chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều cặp từ khác có cách phát âm tưởng gần như nhau nhưng thật ra chúng được phát âm và nhấn giọng rất khác nhau mà nếu người ngoại quốc khi học tiếng Anh không cẩn thận, sẽ rất dễ gây cho người Mỹ hiểu lầm.  Ví dụ như:  Work/Walk, Hole/Hall, sea/see, be/bee, rid/read, record/record (hai chữ này viết hoàn toàn giống nhưng nhấn giọng khác để biểu hiện hoặc là danh từ, hoặc là động từ)... Cũng như những động từ ở thời quá khứ có đuôi  ED.  Khi viết thì chúng ta có thể viết đúng để chỉ thời quá khứ, nhưng khi phát âm thì mình lại ít để ý phát âm ra sao để người Mỹ có thể phân biệt được mình đang nói về thời quá khứ hay hiện tại. 
Tiếng Việt mình hẵn nhiên còn khó hơn.  Biết bao từ ngữ, chính người Việt mình còn phát âm trật giuột, như: nghĩ/nghỉ, chiều/chìu, làn/làng... Người ngoại quốc học tiếng Việt cũng trầy da tróc vẩy.
*
Cho phép tôi bay về Pháp chút xíu.  Nhớ hồi học lớp luyện giọng, tôi phát âm hoài không ra chữ E... rờ (R) - cái chữ khó phát âm nhất trong 24 chữ cái của Pháp. Cô giáo Linette Chevalier hỏi tôi, "Em bé khóc ra sao""  Tôi mỉm cười, hơi mắc cỡ... Trời ơi, chẳng lẽ mình lại phải giả tiếng em bé khóc ngay trong lớp"  Tôi đang còn... e ấp... thì cô Linette cười và lập lại câu hỏi, "Em bé khóc ra sao, em thử làm tôi nghe xem, đừng mắc cỡ."  Thế là tôi ngô ngố trả lời, "Dạ... em bé khóc oe oe oe..." 
Nghe xong, thầy trò cả lớp tôi bắt đầu cười... Cô Linette tươi cười giả tiếng khóc em bé cho tôi và cả lớp nghe.  Cô nói "em nghe kỹ sẽ thấy có âm "rờ" rất nhẹ phía sau chữ "e...e..."  Lúc đó tôi cứ nghĩ em bé Tây khóc ngộ, nhưng khi đế ý thì hình như em bé nào cũng khóc có âm "rờ... rờ" nhẹ thiệt nhẹ phía sau âm "e... e..." Kết hợp chung thì đó chính là cách phải phát âm cho chữ R trong chữ cái Pháp.  Cái "chiêu" dạy cách phát âm độc đáo này, đâu có sách vở nào dạy.  Phải chính người bản xứ mới có cách truyền đạt rất ư là dân gian như thế.
Từ sau đó, cái âm "em bé khóc" của tôi nghe điệu nghệ giống y như Tây (hì hì).  Thế là giọng Pháp của tôi thường làm nhiều người Pháp lầm tưởng tôi được sinh ra và lớn lên ở Pháp nên mới nói được tiếng Tây như... Tây.  Nhưng chỉ là nhờ tôi chịu khó... bắt chước Tây quá mà khi sang Mỹ, cái giọng Anh của tôi vẫn sặc mùi rượu vang Tây...
*
Ngoại ngữ đầu tiên ngày xưa tôi học không phải là Anh, cũng chẳng phải Pháp mà là tiếng Nga.  Tôi đã "bị" học 7 năm trời cái tiếng "quái yêu" (chứ không phải "quá yêu") đó.  Nhớ hồi mới vào lớp 6, những đứa "được" vào lớp có ngoại ngữ Nga đều là những đứa học khá trở lên của những lớp 5.  Ba tôi nổi giận khi biết tôi bị xếp vào lớp tiếng Nga.  Ông đã đến trường nói chuyện với thầy Hiệu Trưởng xin cho tôi được chuyển sang lớp Anh hay Pháp. Trường không chấp thuận vì đó là năm đầu tiên tiếng Nga được cho vào chương trình phổ thông.  "Chỉ có học sinh khá trở lên mới được chọn vào lớp Nga!" (Có nghĩa tôi đã hân hạnh lắm!)  Nếu họ cho tôi đổi lớp thì những người khác cũng sẽ đòi làm như vậy, và như thế là không theo đúng chỉ thị của... phòng giáo dục ở trên nếu không có lớp Nga nào trong trường trung học.  Người Nga cần thấy Việt Nam là nước... "anh em" của họ.


Bọn bạn tôi rất ghét cái thứ tiếng có chữ viết "không giống ai" này và đa số bị điểm thấp nên chúng gọi là tiếng "quái yêu".  Phần tôi thì... thật ra cũng chẳng "quá yêu" gì cái tiếng "quái yêu" này nhưng chỉ vì sợ bị điểm xấu mà xuống hạng nên tôi ráng học.  Gần trường trung học tôi (trường Kỳ Đồng khu Nguyễn Thông) có một khu chung cư của người Nga. Những hôm được học ra sớm tôi thường rủ đám bạn đến đó đón mấy cô Nga tóc vàng mắt xanh nói chuyện. Có biết nói chuyện khỉ khô gì đâu, chỉ là xí xô xí xào những câu thật căn bản vừa học được. Nhưng chúng tôi cũng đã có dịp "trổ tài" và những người Nga ấy đã rất vui khi nghe bọn trẻ Việt Nam "nói" được tiếng nói của họ. 
Từ chính thích thú đó, tôi đã nuôi ước muốn học thêm ngoại ngữ va học thật rành rọt những ngoại ngữ mình học."   Thế là con bé ngố 12, 13 tuổi ngày xưa đã bắt đầu chăm chỉ học tiếng Nga từ đó.  Trong suốt 7 năm  ròng rã từ lớp 6 đến lớp 12, tôi đã phải vừa học tiếng Nga, vừa xen kẻ học tiếng Anh theo yêu cầu của ba mẹ:  "Vì tiếng Nga học xong sẽ... chắc chắn không có dịp dùng.  Tiếng Anh mới thông dụng."  Thật vậy, tôi đã chẳng bao giờ có dịp dùng cái tiếng... "quái yêu" đó... sau vài lần xí xô xí xào với mấy cô người Nga gần trường.  Nhưng có lẽ vì nhờ phải học cái tiếng khó nhất trước nhất mà từ sau đó tôi đã học được phương pháp học ngoại ngữ.  Những ngoại ngữ sau, tôi đã học dễ dàng và nhanh hơn.  Và tôi đã khám phá ra một điều tuyệt diệu: Càng học ngoại ngữ, tôi đã càng giỏi tiếng mẹ đẻ.
Ban đầu, tôi chỉ say mê học ngoại ngữ chứ không để ý đến việc bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ của mình, bởi tôi tin tưởng tiếng Việt của mình đã học lên đến đại học mới rời Việt Nam thì chắc đã đủ giỏi rồi, ngoài ra có ai nào có thể quên được tiếng mẹ đẻ đâu.  Nhưng không hoàn toàn đúng như thế.  Cái gì cũng vậy, không bảo tồn, không chăm sóc và phát triển thì nó sẽ dần lu mờ, lụn bại... Tiếng Việt mình lại rất khó và phong phú... sẽ luôn có rất nhiều thứ mới và hấp dẫn cho mình học hỏi, nghiên cứu...
Một lần về thăm nhà trong thời gian còn ở Pháp, nói chuyện với ở nhà chút chút tôi lại chen tiếng Tây vào.  Thứ nhất là do thói quen; thứ nhì là do tôi đã quên mất từ đó tiếng Việt nói ra sao. Thời gian đầu mới sang Pháp, tôi không có cơ hội tiếp xúc với người Việt nhiều. Bạn bè thầy cô toàn là người Pháp.  Thế là tiếng Việt không dùng lâu ngày, bị quên hồi nào không hay.  Ông ngoại tôi trách yêu, "Tía cháu, sao cháu cứ nói xen kẻ tiếng Tây. Học tiếng người nhưng không được để mình quên tiếng mẹ đẻ mà mất gốc nghe."  Ai mắng yêu tôi còn làm lơ chứ ông ngoại tôi mà mắng yêu thì tôi phải nghe vì rất thương ông ngoại, không bao giờ muốn làm ông buồn.
Trở lại Pháp, tôi tìm cách tiếp xúc với người Việt. Tôi xin vào làm xướng ngôn viên cho "Tiếng Nói Người Việt Nam ở Lyon - 89.8 Radio Trait D'union" và làm việc được gần 7 năm.  Tôi cũng dùng từ điển nhiều hơn. Tôi cứ tra tiếng Pháp hay Anh ra tiếng Việt để biết tiếng Việt nói làm sao.  Và chính nhờ vậy mà tiếng Việt của tôi ngày càng giỏi hơn.
Khi nghiên cứu một ngoại ngữ, tôi thường thích so sánh văn phạm của nó với văn phạm của một ngoại ngữ khác và tìm ra những cái giống nhau.  Sau đó tôi lại tìm hiểu có phải vì họ lý lẽ cùng một logic nên có những cái giống nhau như thế.  Từ đó, tôi gom chung mọi thứ lại để chỉ nhớ một quy tắc.  Khi so sánh cách hành văn của từng ngôn ngữ, tôi nhận ra những điểm yếu trong thói quen và lối hành văn của người Việt, mà chính tôi cũng hay phạm phải.  Chúng ta thường có thói quen viết những câu dài thoòng loòng... mà tiếng Anh gọi là "Run On".  "Run On" rất đúng với nghĩa của nó vì câu nào câu nấy dài như đường rầy xe lửa - thiếu các nhà ga để xe lửa ngừng lại... thở.  Thế là mỗi khi đặt bút viết gì, tôi thường nhắc mình phải xem lại từng câu.  Câu nào dài quá thì tôi ngắt ra với các chấm câu hoặc từ nối.  Các từ "thì, là, mà, và, để, của, cái, cũng..." không cần thì bỏ bớt...

*
Tuy nhiên, viết giỏi thôi chưa thể gọi là thông thạo một ngôn ngữ.  Cách nói, cách phát âm cũng cần tương đương thì mới có thể gọi là đầy đủ "vũ khí" để "tự vệ".  Mình sẽ không cần phải đôn thổ và cũng sẽ không ai dám nói rồng nói rắn gì với mình được. Tôi không qua Mỹ từ nhỏ để có giọng Mỹ thật điêu luyện.Giọng mình lại bị "nhiễm" tùm lum tà la giọng của những ngôn ngữ khác... nên qua kinh nghiệm, đi đến đâu, tôi phải tìm người bản sứ ở đó để "nhái" cách phát âm cho chuẩn.
Trong công ty tôi làm việc, hơn 80 phần trăm là người Mỹ trắng.  Riêng trong đội ngũ quản lý tài chánh của chúng tôi thì ngoại quốc nhiều hơn gốc Mỹ.  Các sếp tôi là Mỹ trắng, nhưng tôi không dại gì, "thưa Boss tôi yếu cái này" đâu.  Tôi đi luyện tiếng Anh với người khác.
Bên đội ngũ chuyên viết dự án đấu thầu có một cậu trạc tuổi em trai tôi. Trước kia Ben là thầy giáo dạy tiếng Anh, từng sang một số nước Châu Á giảng dạy.  Sau này Ben xin được vô hãng tôi làm việc; nó trong đội ngủ chuyên sửa chữa, gọt dũa dự án cho hãng đi đấu thầu.  Tuy là người Mỹ, nhưng đâu phải cái gì tụi nó cũng giỏi hơn mình.  Với mấy đứa giỏi tiếng Anh hay văn chương... tụi nó thường ngán toán, hễ thấy số là... chạy.  Bọn chúng tôi thì không giỏi tiếng Anh bằng, nhưng chuyên môn về Finance và tính toán thì bọn chúng phải chịu thua. Vì vậy mà mỗi bên trọng cái giỏi của nhau.  Ben tìm tôi như tìm cô giáo toán giúp giải bài.  Tôi tìm nó như cô trò tìm thầy Anh văn hỏi phát âm từ Beer làm sao để tôi mang bia về nhà cho đúng... Bị quê nhiều cú rồi tôi gan lì hẳn ra và nhận thấy thật ra cũng không có gì đến nổi phải... quá quê.  Tôi có thể hỏi bất cứ người Mỹ nào (lạ, không cần quen) cách phát âm những từ ngữ mình còn chưa chắc. Nghe radio cũng rất có lợi. Cứ lập đi lập lại cho đến khi nào giọng mình nói nghe giống người ta thì thôi. Những cách ấy giúp mình rất mau giỏi và thêm tự tin khi đối diện nói chuyện với một người bản xứ.  Mình có vẻ... ngố khi hỏi một người lạ "chữ này đọc làm sao" không"  Không ngố đâu, mà có ngô cũng chẳng sao.  Người ta không bao giờ cười những người ham học.
Công việc của công ty tôi hiện làm là đi phát triển kinh tế cho nhiều nước trên thế giới nên nhân viên thường cần biết nhiều ngoại ngữ vì phải thường xuyên đi giao dịch và làm việc ở khắp nơi. Trong sở, dường như ngày nào tôi cũng có dịp dùng tiếng Pháp.  Vừa có vài người gốc Nga vào làm việc. Bữa nào tôi sẽ có dịp xổ một tràng tiếng Nga cho bọn chúng sợ và hỏi, "Ủa, mày nói cái giống gì vậy""  hì hì.
Hàng ngày phải đọc và trả lời gần cả trăm email.  Những bài học về "business writing" trước kia ở trường được kết hợp với việc đọc và trả lời những lá thư dài theo lối business thực tế này đã luyện cho tôi dần giỏi cách viết thư và nói chuyện theo đúng lề luật giao dịch. 
Thấy một cô mít nhỏ con làm việc trong cái hãng lo đủ thứ chuyện khắp thế giới này, có người hỏi tôi làm thế nào để “chui” được vào đây. Trả lời: Chính là nhờ...nhỏ con. Vì nhỏ con thì chỗ nào chui qua cũng dễ lọt... hihihi.  Thật ra, chỉ là chuyện bình thường tại nước Mỹ: Đọc báo Washington Post, thấy hãng cần người chuyên môn, tôi gửi Résumé (Sơ yếu lý lịch học tập và làm việc) đến cho họ. Thế là họ gọi điện thoại mời đến phỏng vấn. Buổi nói chuyện cả giờ đồng hồ, hỏi toàn những điều chuyên môn; (với kha khá mùi hy vọng)  thình lình ông quản lý trưởng (Controller) hỏi tôi, "Cô có thể cho một ví dụ nào đó cho thấy cô ngoại lệ hơn trong số những tuyển viên khác để chúng tôi quyết định nên mời cô gia nhập vào đội ngũ quản lý tài chính của chúng tôi""
Tôi bị khựng lại vì câu hỏi đột ngột đó.  Miệng thì... "Ummm" với vẻ... "gì chứ cái đó thì dễ ợt" nhưng trong đầu thì lại đang rối rít chạy tìm trong kho nhớ một ví dụ nào đó để kể... Chết tía, ví dụ gì đây"  Khi tôi mém bí... thì hình ảnh con voi hiện ra.  Chúa ơi, hên quá!  Cảm ơn con voi. Tôi trả lời ông Controller, "Các bạn đồng nghiệp của tôi thường hay nói tôi có trí nhớ của Elephant."
Mọi người ngồi trong phòng đều cười lên.  Tôi muốn chắc ăn họ hiểu đúng ý nên giải thích thêm. "Không biết bên Mỹ người ta có thói quen so sánh một người có trí nhớ tốt với trí nhớ voi không.  Bên Pháp người ta thường nói vậy.  Làm việc với con số cần có trí nhớ tốt. Nếu tôi có trí nhớ chút chút như voi thì quý vị có thể yên tâm giao phó cho tôi những việc tính toán quan trọng..."
Không biết họ được thuyết phục...cỡ nào, nhưng tôi chỉ thấy họ cười nhiều hơn.
Thật ra, tuy có thể có trí nhớ tốt nhưng tôi không nhớ hết tất cả mọi thứ xảy đến trong đời mình. Tôi chỉ chọn nhớ những chuyện vui, những chuyện có ích, những chuyện không làm mình bị da mau nhăn, tóc mau bạc... như những chuyện ngố này nè... Và...
Tôi sẽ còn ngố hoài hoài...  vì tôi còn muốn học hỏi hoài hoài... Nhưng đối với tôi, mỗi lần bị hiện rõ mình ngố ơi là ngố... tôi không độn thổ mà cũng chẳng thụt lùi.  Tôi chỉ cố gắng đứng vững hai chân không run, để tiếp tục ngố, để biến nó thành một bài học quý giá hoàn toàn... miễn phí. 
Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
10/02/201809:55:42
Khách
Cảm ơn Nguyễn Thanh My 😊
09/07/201715:53:04
Khách
Bài viết vui, hay, ngưỡng mộ bạn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến