Hôm nay,  

Cõi Mây Của Ngoại

29/10/200900:00:00(Xem: 118938)

Cõi Mây Của Ngoại

Tác giả: Ấu Chi
Bài số 2770-1628841- vb5102909

Tác giả từ sơ lược về mình: “Tôi là một trong những thuyền nhân may mắn, định cư ở Mỹ từ năm cuối của thập niên bảy mươi. Ra trường cử nhân điện tử - hiện đang làm việc cho một công ty ở quận Cam. Viết văn là một niềm vui mới tìm thấy.” Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Ấu Chi là “Phở”. Bài thứ hai là một chuyện nhẹ nhàng về cô gái tên Mây, được mẹ bảo lãnh, cùng bà ngoại đến Mỹ đúng mùa Halloween... Mong Ấu Chi tiếp tục “niềm vui mới tìm thấy”.

***

Mẹ là một người đàn bà đẹp, từ khuôn mặt cho đến dáng dấp, thùy mị kín đáo như một nàng Tố Nữ trong tranh xưa, chỉ phải đôi mắt buồn. U uẩn sầu thăm thẳm với một nút ruồi lệ ở mắt trái.
Tướng vận vào mệnh hay hồng nhan bạc phận, như người đời vẫn thường phán. Mẹ trở thành góa phụ sau lần sinh nhật  thứ hai mươi ba, chỉ tròn hai năm sau ngày cưới. Chàng phi công hào hùng, mối tình đầu đời của mẹ, đã vĩnh viển ra đi vài tháng trước ngày vật đổi sao dời tháng Tư năm ấy. Ngày đó Mây mới vừa chập chững những bước đầu tiên, và cùng năm tháng đã ngơ ngáo bước vào đời không một bóng tùng che chở. Hoài Mây. Cái tên mẹ đặt trong niềm hoài niệm người đã khuất   oai hùng dọc ngang, đi mây về gió - mãi mãi hiên ngang trong lòng mẹ, mãi mãi một niềm uẩn khúc trong lòng  Mây.
Mẹ từ đó phải bươn chải ngược xuôi, một quầy hàng xén nho nhỏ, sớm khuya tần tảo vén khéo nuôi con, với sự đở đần hậu thuẫn của bà ngoại. Ông thì đã qua đời từ lâu. Mây lớn lên, vô tư cùng  ngô khoai rau cháo,  trong bao la tình mẹ, và vòng tay ấm áp của bà.
Ngoại chăm  lo cho Mây từng miếng ăn giấc ngủ. Cô bé Mây thường len lén trốn giấc ngủ trưa, mãi mê với những cánh diều lã lướt giữa chiều hè oi ả. Sặc sỡ màu diều, dịu dàng màu trời. Bầu trời xanh thẳm bềnh bồng những tảng bông trắng. Cụm gần cụm xa, cụm chìm cụm nổi, những áng mây muôn hình vạn trạng ấy, tha hồ cho trí tưởng tượng của Mây làm việc:  này con voi, kia con thỏ. Mây chỉ ao ước được ôm con thỏ mây nõn nà ấy vào lòng ve vuốt. Rồi bí mật của Mây lâu ngày cũng bị bật mí, Mây rươm rướm nước mắt sợ ngoại mắng, nhưng bà lại ngồi xuống ngắm mây cùng cô bé. Và Mây đã thiếp đi qua giọng ru trầm ấm của ngoại. Những câu ca dao rất đằm thắm đã ngấm sâu trong tâm hồn cô bé từ những buổi chiều  như thế.
Chiều chiều em đứng em trông
Trông non non ngất, trông sông sông dài
Trông mây mây kéo ngang trời
Trông trăng trăng khuyết, trông người người xa
Cô bé Mây lúc đó chỉ  trông tàn buổi chợ để thấy được nụ cười của mẹ. Thế giới tuổi thơ thu gọn trong nổi háo hức mỗi buổi chiều chờ mẹ ở chợ về. Có những nụ hôn thật kêu, và các món quà ngon mẹ để dành cho con bé thích ăn vặt. Không chè khoai, thì cũng chùm nhản chín, hoặc bánh bò, bánh cam - các món tủ của Mây - mỗi hôm một món khác nhau. Rồi một hôm Mây ngồi chờ suốt buổi chiều, chờ hoài vẫn chưa thấy mẹ về.  Ngoại cứ nói dậm chừng như mọi khi:
- Chợ gần tàn rồi con, chút xíu mẹ sẽ về.
Mây chờ, chờ mãi đến lúc mảnh trăng non lấp ló sau bụi trúc bên hè, vẫn không thấy dáng mẹ đâu. Lúc con bé òa lên khóc, ngoại mới khe khẽ dỗ dành:
- Mẹ đi làm ăn xa, khi về sẽ mua thật nhiều đồ chơi và bánh kẹo, ngoan nhé con.
Mây thút thít khóc suốt đêm hôm ấy. Ngoại cũng trăn trở không yên. Năm đó Mây lên bốn,  cô bé đã ray rứt biết thế nào là sầu ly biệt.
Cái tổ ấm con con ấy đã nhỏ nay lại càng nhỏ hơn, nhưng tình thương thì lúc nào cũng chan hòa bao la như biển lớn. Ngày lại ngày, trái tim ngoại đã nuôi dưỡng Mây trắng da dài tóc, đã vun xới tâm hồn Mây với bao ý đẹp điều hay.
Niềm nhớ mẹ cũng dần dà  nguôi ngoai qua những cánh thư thăm hỏi, dường như mỗi lần là một địa danh khác nhau -Riverdale, Troy, Brunswick...  Tất cả đều lạ lẫm trong thế giới của Mây. Mây chỉ biết đơn giản là mẹ đã vượt biên qua tận xứ Hoa Kỳ.
Và một hôm, Mây tưởng chừng như thế giới nổ tung, khi ngoại nhỏ to thầm thì rằng:
- Con ơi, mình sẽ gặp lại mẹ nay mai.
Rồi hành trang rộn ràng, rồi xa gần thân quen chia tay lưu luyến, Mây chào tạm biệt tất cả. Bỏ lại sau lưng cánh diều chiều hè, bụi trúc già trước ngõ, cái giếng nước vườn sau... Năm đó Mây mười bốn tuổi, cô bé đã thấm thía biết thế nào là sầu ly hương.
Chuyến bay đưa Mây đi gặp mẹ sao mà dài thậm thượt, có lẽ nỗi nôn nao đã khiến tuyến đường thăm thẳm lại càng thêm diệu vợi.
Lần đầu tiên Mây được ngồi máy bay. Tuyệt vời làm sao khi những tảng mây mơ ước tuổi thơ nay gần kề chỉ trong tầm với. Cô bé thích thú khẻ ngâm câu ca dao học lóm của ngoại ngày nào.
Trên trời có mấy ông sao
Sông sâu mấy trượng
mây cao mấy tầng"
Vì mây nên núi liền trời
Vì cơn gió thổi
hoa cười với trăng
Cuối cùng thì Mây được thấy lại nụ cười của mẹ. Phi trường LAX mười giờ đêm tháng Mười. Vòng tay ôm chặt tưởng như không muốn rời. Có vui nào bằng nỗi vui đoàn tụ. Có giọt nước mắt nào thắm thiết nghĩa tình như lúc mẹ gặp con, con gặp mẹ. Mười năm xa cách. Cái gia đình ba người ngày nào lại hát khúc đoàn viên. Ừ quên nhỉ, nay không chỉ ba nữa, mà là sáu. Mây đếm có đúng không"   Hai thằng nhóc con đang chạy loanh quanh giữa đống hành lý ngổn ngang   được mẹ giới thiệu là em trai con đấy. Benny và Vinny. Còn  đây là bố Hoàng. Ngoại niềm nở chào đón người đã giúp đỡ mẹ trong những tháng ngày côi cút trên xứ người. Dường như nụ cười mẹ tươi hơn, mẹ vui là Mây vui rồi, và càng vui hơn khi mẹ thủ thỉ với Mây rằng con vẫn là con gái yêu duy nhất của mẹ.
Mây còn nhớ mãi ngày lễ Halloween đầu tiên một tuần sau đó. Hóa trang đơn giản với cái bao giấy khoét mấy lỗ nhỏ tượng trưng mắt mũi miệng, và câu thần chú hai cậu em dạy cho Mây  “trick or treat” đã mở cửa lòng Mây với bao hương vị ngọt ngào. Chưa bao giờ trong cuộc đời Mây thấy nhiều kẹo như vậy, đủ cỡ đủ màu, có nhiều thanh kẹo chocolate thật to, thật đẹp. Tất cả là của Mây. Không tốn một xu. Ôi ba chữ  nhiệm mầu ấy -trick or treat - nước Mỹ đã hoàn toàn chinh phục được trái tim Mây.
Mây hội nhập vào đời sống mới rất nhanh. Tiếng Mỹ rào rào trước sau chỉ một năm, hai cậu em có lẽ là động cơ thôi thúc hữu hiệu nhất, Mây nỗ lực học cho nhanh để có thể nói chuyện cùng tần số với bọn nhỏ. Nhưng cũng hiếm khi có thì giờ đấu láo, chúng  đi học cả ngày, về tới nhà lại bận bịu lia chia, nào TV, máy điện toán, đồ chơi điện tử,  thú nhồi bông bày ngổn ngang khắp cả phòng. Phải chi hồi đó... Mây lẩn thẩn nghĩ đến những ngày thơ ấu, nhớ con thỏ mây lơ lửng trên không, câu ca dao mộc mạc bên cánh tay bà êm ái, nụ cười của mẹ mỗi buổi chợ về, và chùm nhãn chín quê nhà. Không, chẳng còn ao ước gì hơn. Mây cảm thấy tuổi thơ mình thật trọn vẹn đầy đủ vô cùng.
Ngoại cũng đi học Anh Văn để có cơ hội gặp gỡ những người cao niên cùng lứa. Mẹ tuy làm việc văn phòng - nhàn nhã- nhưng vẫn phải sáng đi chiều về. Bố Hoàng thì vắng nhà luôn, theo lời ông, vì lý do nghề nghiệp. Ông có vẻ khéo léo lịch lãm lắm. Nụ cười thương mãi lúc nào cũng rất tươi với hàm răng trắng bóng, mà sao cặp mắt ông băng giá lạnh lùng. Duy chỉ Mây cảm nhận được điều đó chăng, có lẽ sự lạnh lùng đó chỉ dành cho riêng Mây.


Dường như có một khoảng cách nào đó, khiến Mây lúc nào cũng phải ngập ngừng giữ kẻ. Có lẽ vì Mây không giống mẹ chăng... Không giống tính mà cũng chẳng giống người. Mẹ đằm thắm xinh tươi, dịu dàng từng lời ăn tiếng nói. Mây thì trái ngược, đôi mày rậm, sóng mũi gồ, đôi môi dày đa cảm.  Mẹ thỉnh thoảng nhìn Mây rồi thở dài, lặng lẽ suy tư, đôi mắt xa vắng mông lung...
Bố Hoàng càng lúc càng vắng nhà lâu hơn.  Rồi chuyện không muốn đến cũng phải đến -  có lẽ vì Mây chăng, hay lại đổ thừa cho nốt ruồi lệ của mẹ... Nhân duyên của mẹ lại  thêm một lần gãy đổ. Dường như chỉ mỗi mình mẹ buồn. Benny và Vinny đã quen rồi với sự vắng mặt của bố Hoàng, và Mây thì đương nhiên nhẹ nhõm cõi lòng,   chỉ thương cho mẹ. Ngoại xót xa nhìn mẹ vàng võ xanh xao. Chỉ mong thời gian sẽ hàn gắn được vết thương lòng của mẹ.
Thời gian vô tình mà hữu hiệu, nổi đau rồi nguôi ngoai, mẹ lại môi hồng má phấn xuôi ngược với đời. Riêng với ngoại, thì ước gì thời gian có thể bước chậm lại...
Mới tròm trèm bảy mươi, ngoại đã dần dà mất đi khái niệm về thực tại, từ đường đi nước bước, đến tất cả những gì quen thuộc gần gũi thân yêu nhất của mình. Suốt một đời tận tụy  vì con vì cháu, ngờ đâu lại có lúc tên cháu tên con nghĩ mãi không ra. Nghiệt ngã thay  lúc đối gương soi bóng, chính mình vẫn không nhận được ra mình. Cái chứng quên của phần đông những người lớn tuổi. Ở quê nhà thì cho rằng già cả lú lẫn là chuyện đương nhiên. Ở đây đó là một chứng bệnh có tên hẳn hòi   Alzheimer,  tên một vị bác sĩ người Đức đã tiên phong nghiên cứu về căn bệnh ảnh hưởng não bộ này trong những năm đầu thế kỷ 20.
Trong những căn bệnh gây tử vong nhiều nhất  ở Mỹ, dẫn đầu số một vẫn là bệnh tim, bệnh Alzheimer  thì được xếp hạng thứ bảy. Theo con số thống kê hiện tại, có khoảng hơn năm triệu người ở Mỹ đang tranh đấu với chứng bệnh này, và cứ mỗi bảy mươi giây lại có thêm một người vướng bệnh. Một khi đã vướng  rồi thì coi như chỉ xếp hàng chờ đến lượt, trời kêu ai người đó dạ. Bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến mọi người mọi giới, không phân biệt sắc màu hay tầng lớp xã hội. Cựu tổng thống Ronald Reagan, vị tổng thống Mỹ thứ 40, đã may mắn sống sót sau vụ ám sát trong nhiệm kỳ đầu tiên,  nhưng lại chẳng may vướng phải chứng bệnh này, và cuối cùng đã qua đời sau mười năm dài chịu đựng. Không biết ông có còn nhớ rằng mình đã từng là một vị tổng thống nước Mỹ" Một câu hỏi đau lòng mà chắc không ai muốn trả lời.
Mặc dù đang có những nghiên cứu để thông hiểu thêm về bệnh trạng, và nhiều nổ lực tìm tòi phương cách chửa trị, hiện nay chưa có phương thuốc hay cách trị nào hiệu quả để chửa lành căn bệnh hiểm nghèo này. Người bệnh thường quên những gì xảy ra trong hiện tại, nhưng có thể nhớ những việc xảy ra trong quá khứ, thậm chí cả mấy chục năm về trước. Nhận định về phương hướng kém hẳn đi, và từ từ họ sẽ mất dần những bản năng cần thiết như đi đứng, ăn uống, nói năng. Nhiều người có thể bị ảo tưởng, sợ hải lúc chiều tà, và thường ngủ li bì trong giai đoạn cuối.
Mùa hè cuối năm trung học, Mây có dịp làm việc thiện nguyện ở Falling Leaves - cái tên thoạt nghe qua tưởng rất thơ mộng, nghĩ kỷ lại thì thật phù hợp cho một trung tâm dưỡng lảo!  Khuôn viên trung tâm có nhiều cây cao bóng mát, bải cỏ xanh rì, tường cao cửa kín. Phòng ốc sạch sẽ, mỗi phòng đều có TV riêng, trung tâm được phân chia ngăn nắp từng khu vực riêng rẻ theo bệnh cấp. Bác sĩ thường xuyên vào ra thăm bệnh khi cần, y tá thì túc trực cả ngày, có cả những nhân viên chuyên khoa về trị liệu vật lý. Công việc Mây làm tương đối nhàn nhã. Mây là thông dịch viên giúp đỡ các vị cao niên người Việt, phụ giúp trong giờ ăn, và đẩy xe lăn vòng vòng trong vườn cho các cụ hóng mát. Ở đây tuần nào cũng có lịch trình sinh hoạt chung, hay chương trình giải trí riêng tùy theo thị hiếu:     làm bánh, cắm hoa, hội họa, đan may, dưỡng sinh... Có nhiều hội đoàn thay phiên vào ra hát hò để thay đổi không khí. Nhà bếp thì phục vụ ngày ba bửa, với thực đơn thay đổi mỗi ngày, có cả món Á Châu cho các cụ nào ngại hot dog hay ngán hamburger. 
Bà giám đốc trung tâm, Mary, rất nhã nhặn khi Mây thôi làm để vào đại học - bà đích thân viết một lá thư cảm ơn sự tận tâm của Mây trong thời gian làm việc ở đó. Lúc tái bút bà còn nhắn nhủ thêm nếu Mây hay người thân có việc gì cần bà sẽ sẵn lòng giúp đỡ. Biết vậy hay vậy thế thôi, Mây đọc thư rồi xếp qua một bên, tưởng rằng từ nay thôi hết có dịp gặp Mary.
Có ngờ đâu mùa đông năm sau Mây lại tiếp tục thường xuyên vào ra Falling Leaves. Lúc đó sức khỏe ngoại đã bắt đầu suy sụp nhiều, mẹ thì bận bịu quên thôi với công việc và hai em nhỏ. Sau lần ngoại đi lạc suýt tìm không ra... Falling Leaves là chỗ duy nhất để có thể an tâm ủy thác việc chăm chút ngoại.
Thoạt đầu mẹ rất ngần ngại trước quyết định đưa ngoại vào trung tâm dưỡng lão. Tuy lòng có dằn vặt với quan niệm hiếu đễ Á Đông bảo thủ, mẹ phải khách quan nhìn nhận rằng hoàn cảnh và khả năng  không cho phép mình chăm lo cho ngoại được chu đáo an toàn. Nhờ có Mây và kinh nghiệm làm việc ở Falling Leaves, lại gặp gỡ thêm với những gia đình Việt Nam có người thân gửi gấm ở đó, mẹ mới mạnh dạn yên tâm. Tuy vậy cũng không khỏi giọt ngắn giọt dài trong ngày đầu đưa ngoại vào viện.
Rồi thì cũng quen, mẹ và Mây thay phiên nhau vào ra thăm nom thường xuyên. Ngoại thì bữa nhớ bữa quên, cho dù  bà không nhận diện ra mình, nhưng còn nắm được tay bà, còn thấy bà cười, cũng thấy lòng an ủi rất nhiều.
Xế trưa thứ bảy thu xếp bài vở xong sớm, Mây lái xe vào thăm ngoại. Bà độ rày ngủ nhiều, nhưng hôm nay lại không thấy ngoại nằm trong phòng như mọi khi. Cô y tá trực cho Mây biết bà muốn được đưa ra ngoài vườn ngồi. 
Lần theo lối sỏi quen, Mây ra tận vườn sau mới thấy ngoại. Thu người trong chiếc xe lăn, ngoại nhìn mông lung, dáng gầy gò trong chiếc áo quá khổ, mà dường như áo cỡ nào ngoại mặc vào cũng thấy rộng rinh. Gió hây hẩy tung nhẹ vạt áo trắng của ngoại, mấy sợi tóc bạc phơ lòa xòa trước trán, ngoại dõi mắt nhìn lên trời. Mây thấy nụ cười bà móm mém, giọng khe khẽ- Mây...mây...
Không gian lúc đó như lắng đọng, ngoại đang gọi tên hay cố gắng nhớ lại những câu ca dao ngày cũ. Kỷ niệm xưa bỗng tràn về như mưa lũ, sao nghe cay cay lòng mắt. Mây ôm lấy bờ vai gầy, cánh tay ngoại dang rộng, bà ôm Mây vào lòng, giọng run run:
- Chợ gần tàn rồi con, chút xíu nữa mẹ sẽ về.
Ôi, Mây nhớ làm sao hương áo ngoại thơm mùi long não ngày nào, cánh tay bà giờ khẳng khiu lắm, nhưng Mây vẫn nghe cõi lòng mình êm ái biết là bao. Ánh mắt ngoại thoáng vui rồi bỗng chốc lạnh tanh xa vắng. Ngọn nến ký ức cuối đời đang lụn tàn - vụt sáng vụt tắt. Bà sửa lại dáng ngồi nhìn ra xa. Bầu trời xanh ngắt không một bóng mây. Có con chim hummingbird chớp lia đôi cánh ngang bồn nước. Vài đôi cánh bướm vào ra lũ lượt trên bụi hoa đỏ ở góc vườn.
Thật im lìm, ngoại trở về trong cõi mây mù của riêng mình.
Ấu Chi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến