Hôm nay,  

Xin Gửi Một Tấm Lòng Trân Quí

19/10/200900:00:00(Xem: 124110)

Xin Gửi Một Tấm Lòng Trân Quí

Tác giả: Võ Như Ý
Bài số 2760-1628831- vb2101909

Tên thật là Võ thị Tuý Phượng và sau khi vào quốc tịch Mỹ đã đổi tên là Võ, Crystal H., sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi đã vượt biên cùng một người anh và bà con, sang Mỹ năm 1986. Hiện là cư dân San Gabriel CA,; Công việc: cán sự viên cho Ty Xã Hội Hạt.  Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô.

***

Vào một buổi sáng sớm, trong sở An Sinh Xã Hội tại Quận Hạt, một cô bạn đồng nghiệp người Mễ nhờ tôi thông dịch giùm cô, vì khách của cô là người Việt không rành tiếng Anh. Cầm điện thoại lên, tôi nghe đường dây bên kia cất lên một giọng nói thật ngọt ngào:  
--Chị ơi, chồng em đến văn phòng bảc sĩ sáng nay nhưng họ nói thẻ khám bệnh không xài được.  
Tôi thông dịch lại cho cô đồng nghiệp và cô ta giải thích lý do thẻ khám bệnh bị trở ngại. Sau đó tôi nói với chị Việt Nam chúng tôi sẽ điều chỉnh lại hồ sơ cho chị ấy. Chị thốt lên một lời làm tôi rất xúc động:  
--Chị ơi, em nói điều này xin chị đừng giận.  
Tôi nghĩ có chuyện gì để mình giận đâu. Đây là công việc của mình cơ mà.  
--Bệnh tình chồng em rất trầm trọng, cần phải có thuốc mỗi ngày. Anh ấy là người quan trọng nhất trong gia đình. Xin chị giúp em.   
Nghe tới đó bỗng dưng tôi thấy lòng mình chùng xuống. Chị ấy lại tiếp:  
--Chồng em ở phòng bác sĩ chờ giấy tờ chỉnh lại nghe chị! Chúng em không có xe để về nhà.   
Nghe xong tôi thấy rất cảm thương hoàn cảnh của chị ấy. Tôi yêu cầu cô đồng nghiệp điều chỉnh  giấy tờ gấp rồi chuyển hồ sơ sang cho tôi.
Chuyện này xảy ra tại chỗ làm của tôi đúng lúc tôi đang dự định viết một bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên. Câu nói "Anh ấy là người quan trọng nhất trong gia đình. Xin chị giúp em" có liên quan ít nhiều đến đứa em trai của tôi. Nó là đứa em tôi yêu quý nhất. Tôi từng khẩn cầu Trời cao giúp nó, nhưng ông Trời đã không nghe không thấy gì. Em tôi đã ra đi vĩnh viễn, để lại trong tôi một vết thương sâu sắc. Cho đến nay mỗi lần thấy những cảnh thương tâm, tôi rất xúc động, đau lòng như thuở nào còn ở quê nhà, lúc em tôi vừa ra đi vĩnh viễn.

*EM TÔI  
 Ba Mẹ đặt tên cho nó là Võ Hoàng Vũ. Cái tên xinh đẹp như vậy nhưng cả nhà ai cũng gọi nó là thằng Tí. Thằng Tí xinh đẹp và ngộ nghĩnh lắm. Nhiều lúc tôi thích bế nó sang nhà hàng xóm để được nghe những lời khen:  
--Trông thằng Tí trắng và xinh quá. Nó giống như Tây lai.   
Ba mẹ tôi có tất cả bảy người con.  Tôi là con thứ năm, út là thằng Tí. Gia đình tôi sống về nghề nông nên cuộc sống vật chất đôi lúc gặp khá nhiều khó khăn. Chị Hai tôi học xong lớp năm phải nghỉ học ở nhà trông nom đàn em và phụ giúp gia đình trong việc đồng áng. Còn tôi sau giờ đi học về phải lo cho thằng Tí cái ăn cái ngủ. Có nhiều buổi trưa hè, tụi bạn hàng xóm nhảy dây, chơi banh vui vẻ hết sức, trong khi tôi phải ru cho thằng Tí ngủ trên võng rồi mới được đi chơi.  Vì ham chơi nên tôi muốn cho Tí ngủ lẹ.  Có lần tôi nhỏ nhẹ nói với Tí:  
--Tí, em nhắm mắt lại rồi ngủ đi nghe!   
Thằng Tí ngoan ngoãn nghe lời tôi nhắm mắt.  Tôi tiếp tục đưa võng vài ba phút nữa rồi nhẹ nhàng bước ra khỏi nhà. Tôi mới bước được hai ba bước thì Tí la lên:  
--Em chưa có ngủ đâu, Chị Phượng!  
Thế là tôi quay lại cằn nhằn sao Tí không chịu ngủ cho lẹ.  
Năm Tí lên bốn tuổi, ba mẹ cho nó vào học lớp mầm non. Đi học vài ngày về tới nhà nó lấy phấn vẻ khắp tường. Bé hoạt bát, ngoan ngoãn hết sức nhưng không may lại mắc bệnh hở van tim từ lúc mới sanh. Gia đình thiếu trước hụt sau, mà tối ngày còn phải lo chạy chữa cái bệnh hiểm nghèo của Tí.   
Lúc đó tôi nghe Ba nói nếu Tí ra nước ngoài thì mới có cơ hội chửa bệnh. Than ôi! Gia đình tôi làm sao có đủ điều kiện cho nó ra nước ngoài để chữa trị.  
Sau đó Tí phải lên bệnh viện nằm nên trong nhà vắng tiếng cười giòn của nó. Một thời gian sau khi xuất  viện, nước da Tí trắng hơn trước nhiều, nhưng chẳng phải trắng hồng như trước mà trắng mét xanh xao . Tí mập lên, nhưng cái mập đây không phải được lên cân mà mập vì bệnh thủng. Nhìn bé bệnh tật khốn khổ như vậy tôi càng thương bé nhiều hơn trước.  
Trong nhà tôi có thờ Phật và ông bà tổ tiên. Trưa nào trước khi dùng cơm, gia đình tôi cũng dâng mâm cơm lên cúng ông Bành Tổ, chú Sáu, cô Ba tôi và các vị thần linh. Thằng Tí thấy vậy nên có lần đứng kế bên má tôi nói:  
--Má!  Má cầu xin cho con hết bệnh nghe má.  
--Thằng Tí ngoan. Má lúc nào cũng cầu xin cho con hết bệnh, sống khỏe mạnh, vui vẻ như đám con nít hàng xóm.  
Trong lời nói dịu hiền của má, tôi như thấy rõ từng giọt nước mắt chảy ngược vào tim bà.   
Thế rồi một hôm tôi đang đến nhà hàng xóm chơi thì thấy ba má đưa thằng Tí từ bệnh viện về.  Tôi vội về nhà, thấy mọi người đang khóc lóc kể lể.  Tôi biết thằng Tí đã ra đi vĩnh viễn, không một lời từ giã. Lúc đó tôi chết lặng, không nói năng gì cả. Chị hai vừa khóc vừa la:  
--Thằng Tí của mình chết rồi. Sao không thấy mày khóc vậy Phượng"!  
Mấy ngày sau gia đình đem Tí chôn cất trước nhà, chỉ cách có năm bảy bước. Mỗi ngày tôi đều đứng bên nấm mồ của Tí mà tôi không tin là nó nằm trong đó. Tôi không tin đứa em trai mình trông nom từ lúc mới lọt lòng đang nằm trong nắm đất lạnh lẽo này. Tôi không tin! Tôi không tin em đã nở bỏ chị ra đi.   
Từ lúc đó tôi trở thành một người trầm lặng. Tôi chẳng còn thích thú gì để chạy nhảy với đám bạn trong những buổi trưa hè. Tôi chẳng muốn làm gì hết ngoài việc nghĩ đến thằng em xấu số của mình.   Tôi nghĩ đến nó quá nhiều đến nỗi đêm đêm nằm mộng thấy nó. Có lần tôi kể cho ba má nghe tôi mộng thấy Tí nói nó không nhận được áo quần ba má cúng cho nó. Thế là ba má vội vã mua áo quần giấy cho Tí ngay.   
Tí ra đi mà tôi chẳng có được một tấm hình của nó để nhìn cho đỡ nhớ. Nhà tôi nghèo đến nỗi cơm chưa no bụng lấy tiền đâu mua máy chụp hình. Thế là mỗi lúc nhớ nó quá tôi chỉ còn biết nhìn lên bức tường, nơi có hình vẽ bằng phấn của Tí. Tôi thường nằm mộng thấy Tí suốt hơn 10 năm sau khi nó qua đời. có lúc tôi  mơ tthấy mình  dắt em đi dạo phố như ngày nào.
Nhiều năm qua, đã tưởng vết thương trong tâm hồn tôi cũng nguôi ngoai phần nào,  nhưng vừa rồi tôi lại nhớ đến đứa em trai nhiều hơn lúc nào hết.

*VƯỢT BIỂN   
Vượt biên là một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong đời tôi. Đây là một biến cố thay đổi hẳn cuộc đời tôi khi tôi mới vừa tròn 15 tuổi. Giờ đây mỗi lần nghĩ lại cảnh sống bập bềnh và hãi hùng trên biển đông, không đủ thức ăn, nước uống và không khí hít thở, tôi không khỏi rùng mình ghê sợ.   
Mùa hè năm 1985, tôi lên thành phố sống với gia đình ông bà nôi. Mỗi ngày tôi phụ giúp cô Út công việc nhà cửa, chợ búa. Cuộc sống của tôi lúc bấy giờ rất hồn nhiên và vô tư.  Một hôm anh Ba tôi từ dưới quê lên cho biết ba má muốn tôi cùng đi vượt biên với anh Ba . Lúc đó tôi không biết gì nhiều về vượt biên.    
Thời gian từ lúc anh ba cho biết tin đến lúc ra đi không  xa bao nhiêu. Tôi vội vã thu dọn, trở về quê thăm gia đình và bạn bè một lần cuối . Về tới nhà bỗng dưng tôi cảm thấy thương yêu tha thiết gia đình hơn trước nhiều. Đêm nào gia đình tôi cũng thức thật khuya để trò chuyện với tôi. Mọi người dặn dò tôi đủ thứ. Ai cũng nói tôi là con gái mới lớn lên mà không có gia đình bên cạnh, mọi chuyện cần phải thận trọng. Còn tôi thì hứa với họ rằng khi vượt biên bình an rồi, sẽ cố gắng làm việc để dành tiền mua quà gởi về cho mọi người.  
Tôi trở lại nhà nội để chuẩn bị cho chuyến đi, một chuyến đi mà tôi không biết kết quả sẽ ra sao. Hôm đó ba má đều có mặt ở nhà nội. Không hiểu sao lúc đó tôi chẳng được phép mang  hành lý. Có lẽ ba má sợ tôi  bị bắt khi có mang theo hành lý, một vật chứng cho cuộc vượt biên. Chiều hôm ra đi, má tôi cứ căn dặn đủ điều.
Trời  sẩm tối, ba chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, cọc cạch đến điểm hẹn. Ngồi trên yên xe sau, tôi chẳng biết nói gì. Đến trạm xe, tôi chào ba và lặng lẽ tiến về phía đám đông, nơi có chiếc xe tải đậu sẵn. Tôi thấy trên xe có anh ba tôi, gia đình cô dượng và hai người anh bà con. Ngồi trên xe tôi cảm thấy rất khó thở vì xe bị phủ kín.
Sau khi xe chạy được một vài tiếng đồng hồ, chúng tôi đến Vũng Tàu. Từ nơi xuống xe cho đến tàu, đường đi chỉ toàn là bùn sình lún sâu đến đầu gối. Tôi đi được vài bước thì chiếc dép lún sâu xuống sình. Chẳng những vậy mà đằng sau còn có nhiều người xô đẩỵ Thế là đôi dép duy nhất của tôi đã bị bỏ lạị dưới sình.  
Trên tàu có mấy chú thòng dây xuống, nói cho con nít và đàn bà lên trước. Tôi vội vã đu dây leo lên tàu. Chuyến đi có khoảng hai trăm người, có một vài bà có bầu sắp sanh nữa. Leo lên tàu rồi, chúng tôi bị lùa xuống hầm. Hàng trăm người ngồi sát sạt bên nhau, rất khó chịu và ngột ngạt.  Tàu chạy được vài tiếng đồng hồ, một số người mặt tái mét, xanh xao, rồi ói mửa ngay tại chỗ. Mùi hôi tanh lan ra khắp nơi, không thể nào chịu nổi. Tôi nói với anh ba:


-Anh ba ơi, em bị ngộp quá. Em khó chịu quá anh ơi!    
Anh ba ngồi kế bên an ủi:   
--Mày chịu khó một chút đi, không lâu nữa đâu, mình sẽ được lên tàu lớn.
-Anh ơi, em không biết có thể  sống nổi nữa không, em khó thở quá.
-Mày đừng có nói gở!  Ráng lên đi!
Vì chật và ngộp nên con nít khóc la om sòm. Đến lúc khát nước quá, tôi phải xin một anh, hình như là tài công, cho chút nước. Anh ta đi lấy cho tôi một chút xíu nước, uống chẳng thấm đâu vào đâu cả. Tôi năn nỉ xin thêm, anh ta nói:   
--Nước này phải dự trữ vì không biết còn bao nhiêu ngày nữa mình mới đến đất liền.  
Nghe nói vậy tôi đành im lặng. Lúc đói khát mà không được ăn uống thì chỉ còn cách thiếp ngủ để quên đi. Tôi mơ thấy mình về với gia đình. Rõ ràng tôi thấy mình ngồi ăn uống với ba má và các chị em. Tiếng nói tiếng cười rộn rã tuy chỉ ngồi ăn bữa cơm đạm bạc. Đang lúc hồn phách được vui sướng như vậy, bỗng dưng kế bên có đứa con nít khóc lớn tiếng làm tôi tỉnh dậy, trở về với thực tại thê thảm.  
Khi tàu ra đến hải phận quốc tế, mọi người được lên trên boong.  Ở trên boong tôi cảm thấy như mới thoát khỏi địa ngục. Không khí mát mẻ với bầu trời trong xanh.   
Trên boong tàu mọi người tụ năm, tụ bảy nói chuyện. Tánh tôi ít nói nên lủi thủi kiếm cho mình một chổ cạnh bên mấy chú thủy thủ. Lúc mệt mỏi tôi thiếp đi trong giấc ngủ. Có đêm tỉnh giấc, tôi thấy mấy chú cá nhảy lên, nhảy xuống bên hông tàu. Những chú cá có vảy sáng như những vì sao lấp lánh trong đêm tối trông thật đẹp mắt. Cảnh tượng ban đêm im lặng quá. Ngoài tiếng sóng vỗ và tiếng tàu chạy, chẳng còn một tiếng động nào khác. Trong lúc nằm đưa mắt nhìn lên bầu trời cao, tôi tự hỏi mình, hỏi trời và hỏi biển:   
--Số phận mình rồi đây sẽ đi về đâu"   
Biển trời mênh mông bát ngát mà chiếc tàu của chúng tôi thì bé nhỏ. Chỉ cần sóng giận, gió hờn,  con tàu sẽ chìm sâu trong biển.   
Chúng tôi đã an toàn rời khỏi Việt Nam rồi, nhưng còn bao lâu nữa mới đến đất liền"
Hai đêm, ba đêm, rồi bốn đêm trôi qua. Hôm thứ năm khi tàu đang chạy, mọi người trông thấy một đàn chim bay lượn trên bầu trời. Ai nấy đều mừng rở reo vang như ngày hội. Họ nói, hể thấy có chim bay là mình đang ở gần đất liền. Bao nhiêu lo lắng sợ hải trôi qua khi con tàu từ từ cặp vào một bờ biển của Indonesia (Nam Dương). Từng người một bước xuống tàu như những thây ma biết đi.  Bước đi, trong lòng tôi vui mừng muốn khóc. Tôi biết mình sẽ có cơ hội làm đúng lời hứa với gia đình trước khi từ giã. Xin đa tạ Ân Trên đã cho tôi và mọi người trên tàu đến được bến bờ tự do bình an.
Anh em tôi ở đảo tị nạn Galang được một năm. Sau đó chúng tôi được định cư tại Hoa Kỳ vì ba tôi là quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa.
*ĐỜI SỐNG TẠI MỸ
Đặt chân đến Hoa Kỳ với lứa tuổi 16, trường cho tôi học lớp mười. Tôi không giỏi tiếng Anh nên việc học càng khó khăn hơn. Học xong lớp 10, chưa đủ điểm lên lớp trường bắt tôi phải học lại. Sau khi học hai năm lớp 10 tôi chán nản học không vô nên xin nghỉ. Lần đầu tiên tôi theo anh ba đi ủi áo quần, đóng nút áo quần và may vá. Làm được vài tuần tôi lãnh được một trăm đô la, mừng muốn khóc.  Tôi lấy năm chục đô gởi cho người anh bà con còn kẹt lại ở đảo Galang. Anh viết thư cảm ơn và khuyên tôi cố gắng học khi tuổi còn nhỏ, nhưng lúc đó tôi không để ý tới lời khuyên của anh. Ở nhà bà con được hai năm, tôi xin vào LA Job Corps, nơi đào tạo thanh thiếu niên từ mười sáu đến hai mươi bốn. Họ cho học sinh ăn ở và học nghề miễn phí.  Tôi ăn học ở đó hai năm và tốt nghiệp GED, tương đương với High School Diploma. Ngoài ra tôi còn học nghề y tá nhưng vì không thích hợp khi đi thực tập tại bệnh viện nên tôi đổi qua học nghề thư ký.
Học xong, thời gian nội trú cũng sắp hết nên ngày nào tôi cũng cố gắng đi xin việc làm. Đa số những người phỏng vấn tôi đều từ chối vì lý do tôi không có kinh nghiệm. Có hôm sau khi đi phỏng vấn về bằng xe bus, trên đường đi vào nơi ở, buổi trưa nóng bức tôi thấy nhà cửa quay vòng vòng. Tôi vội vàng ngồi xuống vì biết tôi đang kiệt sức.
Rời khỏi Job Corps tôi vẫn chưa xin được việc làm nên đành phải làm cho một chợ Việt Nam.
Có một đêm trước khi ra về, bà chủ chợ bắt tất cả các cô cashier vào văn phòng, hỏi ai đã ăn cắp một số tiền lớn. Bà ta làm dữ, hù mọi người nếu ai không trả tiền lại, sẽ chịu hậu quả nặng nề. Vừa mệt vừa buồn ngủ mà còn nghe bà chủ la lối om sòm thật là khổ!   Sau khi tìm được số tiền mất, bà chủ mới cho mọi người ra về. Nghĩ lại thật tủi thân.
Tôi làm ở chợ gần  được một năm. Một hôm cô bạn học chung high school với tôi và cũng đang làm chung với tôi trong chợ, hỏi tôi một câu  "Ngoài làm ở chợ ra, bạn đang học ở đại học nào""  Chính câu hỏi này đã thay đổi cuộc sống của tôi. Hôm đó về đến nhà tôi suy nghĩ rất nhiều về tương lai của tôi.  Tôi nhớ lại trước khi rời khỏi gia đình đi vượt biên, tôi đã hứa với mọi người  sau này khi đến bến bờ tự do bình an, tôi sẽ cố gắng làm việc để giúp đỡ gia đình.  Tôi tự hỏi nếu mình cứ tiếp tục làm việc như thế này thì làm sao dư dả để lo cho gia đình bên Việt Nam. Nghĩ đến đó tôi quyết định học đại học.
Một hai năm đầu tôi phải học tiếng Anh căn bản (ESL) và toán học căn bản (Basic Math), sau đó tôi mới có thể lấy được những lớp khác. Từ ngày bắt đầu học đại học, chưa có lần nào tôi nghỉ học, ngay cả ngày Tết Nguyên Đán. 
Tôi cần cù siêng năng, học ngày học đêm đến năm, sáu năm liền mới ra trường. 
Mấy năm cuối ở trường đại học là mấy năm gian nan nhất. Lúc đó tôi đã có một cháu gái còn rất nhỏ. Một hôm tôi có lớp đêm đến mười giờ tối mới ra khỏi lớp. Đêm đó trời vừa mưa, vừa lạnh tôi lái xe gấp đến nhà một cô bạn mà tôi đã nhờ trông giùm đứa bé. Đến nơi, vợ chồng con cái của cô ấy đang ở trong phòng ngủ, còn đứa con tôi đang nằm ngủ ở ngoài phòng khách một mình. Thấy bé nằm lẻ loi trên chiếc ghế sofa, một tay một chân thòng xuống đất, lòng tôi thấy quặn đau. Tôi chào người bạn, một tay cầm cây dù, một tay bế con,  ra xe.
Cực nhọc đến đâu tôi cũng không màng, nhưng khổ tâm nhất của tôi là chồng tôi lúc nào cũng cằn nhằn, không muốn cho tôi học tiếp. Những lúc bực mình tôi nói với anh ấy: "Tôi có thể bỏ anh chứ không thể bỏ học!"  Nhiều lần ngay lúc tôi đang chuẩn bị bài thi, anh ấy lại kiếm chuyện. Có lần tôi đã mướn khách sạn ngủ với bé để học bài. Nội tâm tôi đã đau khổ thật nhiều chỉ vì tôi muốn được học, được có ngày hãnh diện với gia đình, mong kiếm được việc làm khá hơn để giúp đỡ gia đình và bà con nghèo bên Việt Nam.
Có nhiều buổi chiều trước giờ học, tôi vào lớp hơi sớm.  Đứng trong lớp từ lầu cao tôi nhìn xuống giòng xe cộ đang chạy.  Tôi mãi mê nhìn, càng nhìn lâu càng cảm thấy thích. Có hôm người bạn học hỏi vì sao tôi hay đứng nhìn xuống xe, tôi trả lời: "Khi nhìn xuống dưới, thấy hàng trăm hàng ngàn chiếc xe đua nhau chạy. Mỗi chiếc xe  mang theo một, hai, hoặc ba người và họ cũng như mình phải đương đầu với cuộc sống, vui có buồn có. Nỗi buồn của mình, sự khó khăn trong cuộc sống của mình chỉ là một con số quá nhỏ so với hàng ngàn người khác." 
Ngày ra trường của tôi chỉ  có con gái của tôi và mấy đứa bé hàng xóm tham dự. Tôi tốt nghiệp Cử nhân Chính trị học. Tôi đã chọn môn này vì tôi rất thích môn lịch sử. Có lần  xem một đoạn phim chiến tranh Việt Nam trong lớp, nhìn thấy cảnh đồng bào chết choc, tang thương tôi sụt sịt khóc. Thương cho dân mình đã phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ và tủi nhục. Từ đó tôi thường có nguyện vọng một ngày trong tương lai sẽ về lại quê hương, góp một bàn tay, xây dựng lại đất nước tươi đẹp hơn.  Tôi yêu quê hương, yêu cánh đồng xanh bát ngát và yêu người dân thật thà chất phác.
Đã hơn mười năm từ ngày ra trường, tôi làm cho Ty Xã hội và luôn trau dồi thêm tiếng Việt. Trong thời gian làm việc ở đây tôi đã nhiều lần đứng ra tổ chức Tết Nguyên Đán trong sở theo truyền thống và cũng để người Mỹ cảm thấy quen với văn hoá Việt Nam.  Vào những dịp này tôi rất hãnh diện, tôi mặc chiếc áo dài Việt Nam khoe với mọi người về nét đẹp của dân tộc mình.  Tôi cũng rất thích được tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở miền nam Cali trong những ngày lễ lớn như 30 tháng Tư, Giổ Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng và hội chợ Tết Nguyên Đán tại Rosemead. Mỗi lần được sinh hoạt với đồng bào Việt Nam, tôi cảm thấy hạnh phúc như được đang sống bên cạnh gia đình.
Gần mười năm nay tôi thường  viết bài trên một sốtrang mạng Việt ngữ. Mới đầu viết là để khuây khoả và tỏ bày nỗi nhớ nhà nhưng càng viết tôi càng thích.
 Thiết nghĩ viết cũng là một việc đáng học hỏi nên tôi đã trở lại trường học thêm những lớp học về văn chương. Hiện nay cuối tuần nào tôi cũng dành nhiều thời gian viết tiếng Anh và Việt. Tôi muốn viết và mong sẽ viết giùm cho  đồng bào tôi, những người không có may mắn được cầm cây viết để viết lên những ý nghĩ riêng tư của họ. Tôi muốn viết và viết thật nhiều cho thế giới biết về nước Việt Nam mến yêu của tôi. Mẹ Việt Nam ơi, tuy con đã xa mẹ một phần tư thế kỷ nhưng trong tâm khảm con lúc nào cũng có Mẹ. Con xin gởi  Một Tấm Lòng Trân Quý Đến Mẹ Việt Nam.
Võ  Như Ý
Mùa Thu 2009

Ý kiến bạn đọc
04/08/201913:38:36
Khách
Viết từ trong trái tim sẽ dễ làm độc giả đồng hành vào xúc động, cảm thương. Xin được cám ơn người và cám ơn đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,213,090
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến