Hôm nay,  

Đoạn Cuối Một Chuyện Tình Vượt Biển

13/10/200900:00:00(Xem: 158030)

Đoạn Cuối Một Chuyện Tình Vượt Biển

Tác giả: Nguyên Phương
Bài số 2754-1628825- vb3101309

Tác giả cho biết cô vượt biên và định cư tại Mỹ từ 1982, hiện là cư dân Virginia, làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết về bà mẹ Việt Nam 90 tuổi sang đoàn tụ với con cháu, học thi và thi đậu quốc tịch Mỹ,  Nguyên Phương đã nhận Giải Thưởng Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2007.

***

Uyên ngập ngừng trên con đường có những hàng cây thật cao, có những bông hoa phượng tím nhạt thật dễ thương, tên đường và số nhà đã nằm lòng trong trí Uyên nhưng Uyên vẫn lôi ra mảnh giấy đã cũ mầu thời gian để đọc lại.
Phân vân không biết có nên gõ cửa không, không biết sự xuất hiện đột ngột của Uyên có làm phiền lòng người Uyên muốn tìm kiếm không, và một điều quan trọng hơn nữa là không biết chàng còn ở nơi này không, Uyên mất liên lạc từ lâu. Thôi kệ cứ bấm chuông, nếu không phải thì cũng chẳng ai phiền hà gì. Run run bấm chuông, tiếng chuông vang lên rồi tắt ngấm, chờ một chút Uyên nhấn thêm một hồi chuông nữa, một người đàn bà Mỹ mở cửa, ngạc nhiên thấy sự xuất hiện của một người con gái Việt Nam. Uyên ấp úng:
- Xin lỗi tôi nhầm nhà
Bà Mỹ già lắc đầu và đóng cửa lại. Cánh cửa đóng lại như lòng Uyên đóng lại, thế là hết hy vọng. Từ khi biết được là sẽ được đi định cư ở Mỹ, Uyên đã nghĩ ngay đến cái địa chỉ mà Uyên sẽ phải tìm tới.
*
Cả một dĩ vãng chợt kéo về.
Ngày đó trong một chuyến vượt biên, Uyên biết chàng, một thanh niên thật nhanh nhẹn vui tính, mặc dù trên con thuyền với những cơn sóng lớn như muốn lật úp chiếc thuyền xuống, chàng vẫn vui vẻ giúp đỡ những người cần đến chàng, máy hỏng... mọi người đành bó tay chờ con thuyền bập bềnh muốn trôi về nơi nào thì trôi. Cả thuyền đều im lặng cầu nguyện, Bầu trời tối xầm như báo trước những điều tăm tối sẽ xẩy ra, con thuyền lững lờ theo giòng nước trôi trở lại nơi mà họ đã muốn từ bỏ.
Lên đến bờ, công an đã đứng sẵn để đưa họ vào ... tù. Đàn ông, thanh niên phải ở lại, phụ nữ như Uyên được thả về sau vài giờ tra khảo. nhóm của Uyên không còn tiền nong gì để trở lại Sài Gòn. Họ cũng còn một chút nhân đạo cho cả nhóm ngủ la liệt trong một trường học để có đủ thì giờ liện lạc với gia đình.
Về đến nhà Uyên vội vã đến nhà chàng thông báo cho người nhà của chàng biết, mẹ chàng òa khóc:
- Thôi rồi làm sao con tôi có ngày ra, tội ngụy quân chưa được xóa bỏ, nay thêm tội vượt biên.
Uyên nắm tay bà an ủi:
- Xin bác đừng buồn, để nghe ngóng tình hình xem sao.
- Mẹ ơi để ngày mai con lên quận thăm hỏi. Cô em gái chàng xen vào
Uyên ra về với cả một sự bâng khuâng, những ngày "thậm thọt" với ban tổ chức vượt biên Uyên đã quen Thiện,
Những giây phút hiểm nguy  bên nhau, những chia sẻ nỗi nhớ nhà, tuy cả hai chưa bao giờ nói lời yêu đương, nhưng trong tim Uyên đã thầm cảm phục và thương mến chàng trai ấy.
Vài tuần sau Uyên lại ghé lại nhà chàng hỏi thăm tin tức. Chàng đã bị tạm giam ở Chí Hòa, sự thăm nuôi rất là hạn chế. Cô em lo nhiệm vụ liên lạc và thăm hỏi......
Bẵng đi một năm sau Uyên tình cò ghé thăm thì được tin chàng vừa được thả, Uyên mừng cho chàng, và một ngày chàng bỗng xuất hiện ở cửa nhà Uyên. Trông Thiện đen hơn, gầy hơn thuở đó, nụ cười vẫn luôn nở trên môi.
Để nuôi gia đình Uyên phải may  và thêu thuê.
Thiện đến để rủ Uyên đi một chuyến khác, Uyên ngập ngừng:
- Uyên không thể ra đi lúc này đươc, Mẹ Uyên đang bệnh nằm nhà thương.
- Rất tiếc chuyến đi này do chính tôi tổ chức, sẽ khởi hành một ngày gần đây, nếu Uyên không đi được thì tôi xin tạm biệt.
Uyên thẫn thờ nhìn theo dáng anh khuất sau cánh cửa. Uyên cũng không biết mình có yêu anh không, nhưng hình như một phần trái tim của Uyên bỗng nhức nhối khi nghĩ đến sẽ không bao giờ gặp lại.
Một buổi chiều sau khi đi giao hàng ở gần nhà chàng, lòng Uyên bỗng thôi thúc muốn ghé xem tin tức của chàng.
Sau tiếng chuông Uyên hồi hộp chờ đợi hy vọng người mở cửa sẽ là chàng, lý trí Uyên mong chàng đi thoát nhưng con tim lại cầu nguyện chàng sẽ là người đứng sau cánh cửa.
- A chị Uyên, lâu quá không thấy chị ghé chơi, anh Thiện mới viết thư về cho hay anh đã bình an trên đất My.
- Vậy hả" Uyên không buồn cũng không vui, cô em lại nhanh nhẩu nói tiếp:
- Tháng tới là mẹ tổ chức đám hỏi cho anh ở nhà
- Sao"""
Uyên thẫn thờ không hiểu gì cả. Chắc nhìn nét mặt Uyên thắc mắc sao đó cô em nhanh nhẩu giải thích:
- Anh Thiện sắp làm đám cưới,  Ở đây mẹ em sẽ  tổ chức một đám hỏi khá lớn trước khi anh chị làm đám cưới ở bên đó.
- Chung vui cùng gia đình em  khi hai tin vui cùng đến  một lúc.
- Khi nào chị rảnh ghé lại xem hình nhé.
- Được chị sẽ lại.
Uyên trở về nhà, khách đặt hàng kín mít thời khóa biều của Uyên, Bận tíu tít cho ngày tết sắp tới, Uyên quên hẳn ngày đám hỏi của Thiện, bẵng đi một thời gian, Uyên trở lại tim cô em của Thiện và được xem hình đám cưới, nhìn Thiện âu yếm bên cạnh cô vợ mới cưới lòng Uyên bỗng trùng xuống, phải chi ngày đó mình cùng đi, biết đâu cô dâu chẳng là mình.
Phong trào vượt biên càng ngày càng rầm rộ, chị và em của Uyên đã đi thoái, mẹ Uyên dục con tìm đường đi. Thôi thì bạn bè, chị em đều đã theo nhau đến bến bờ, Uyên cũng theo dòng người mà đi.
Trước khi đi Uyên có ghé lại nhà Thiện, xin cho được địa chỉ của Thiện để ghé thăm gia đình chàng.
Con tầu lênh đênh trên hải phận, cuối cùng Uyên cũng đến được bến bờ tự do. Những ngày tháng nhọc nhằn, Uyên đi làm đầu tắt mặt tối kiếm tiền gửi về cho em đi vượt biên, Uyên lo làm giấy bảo lãnh cho mẹ.
Uyên làm cashier cho một cái chợ, có những ngày phải đứng mười hai tiếng, chân mỏi rã rời, về nhà Uyên chỉ còn vật mình lên giường và ngủ. Có buổi tối trong giờ nghỉ, Uyên mua ly cà phê, mang ra xe, quay kính lên nhâm nhi uống, mệt quá Uyên ngủ thiếp đi cho đến lúc người bán hàng cuối cùng ra xe đi về thấy Uyên còn ngồi trong xe ... ngủ, ông ta phải gõ vào kính xe để đánh thức Uyên dậy và chờ cho Uyên trở vào lấy ví ra về. Uyên biết đó chỉ là giai đoạn nhất thời Uyên  phải trở về việc học. Uyên liên lạc với bạn bè, để  mua những sách vở cùng băng giảng về để học thi tương đương, đường tuy còn dài, tuy khá xa nhưng Uyên vẫn cương quyết phải tới cho cùng.
Qua những ngày tháng miệt mài, ngày đi làm tối về chong đèn học cũng đến ngày lên máy bay đi thi, ngày nay đi thi không dùng lều chõng nhưng dùng máy bay.


Đến Chicago, vào tháng 12, tiểu bang của gió lạnh, Uyên lôi ra cái áo lạnh mua ở thrift store, vì nơi Uyên ở làm gì có mùa đông, khoác áo vào người thầm cảm ơn đã không có tuyết cho mấy ngày này
Ngày thi, đông nghẹt người, trước cửa phòng nhìn  những cái nắm tay dịu dàng của những người  đưa chồng, vợ vào phòng thi làm Uyên muốn rơi nước mắt cho sự cô dơn, lẻ loi của mình, những câu nhắn nhủ:
- Mong em nhiều may mắn
- Chúc anh thành công.
- Bình tĩnh em nhé....
Nhìn lại mình chỉ có một mình, lủi thủi vào phòng thi rộng mênh mông, một cái ball room của khách sạn thật lớn, Uyên bỗng cảm thấy lạnh, thấy run.
Tới buổi thi thứ ba vì là buổi thi chót nên đa số đã check out khách sạn, và những valise được chỉ định tại một nơi trong góc phòng.
Bao nhiêu chữ nghĩa của một năm dài học tập phải tập trung để tuôn ra trong ba buổi thi này, ba buổi thi sẽ định đoạt số phận mình, phải học lại hay được sang phần kế tiếp.  
Sau buổi thi thứ ba, cuối cùng, Uyên tưởng mình sẽ thờ phào nhẹ nhõm nhưng Uyên đã  gần ói mửa sau khi thi xong, vì tập trung quá độ.
Lảo đảo Uyên xách valise ra khỏi phòng thi, chờ shuttle để ra phi trường mặc dầu còn cả bốn tiếng nữa mới tới giờ máy bay khởi hành.
Chưa biết kết quả ra sao nhưng thôi thì cũng được nghỉ ngơi cho đến ngày được tin.
Sự chờ đợi mỏi mòn làm Uyên cũng quên đi cho đến một ngày nhận được thư, được tin mình đã đủ điểm để tiếp tục phần kế tiếp.
Lại  thêm những ngày tháng miệt mài kinh sử, những buổi thực tập ....
Những điều kiện để được license hành nghề tăng thêm theo thời gian, khi số cung nhiều hơn số cầu. Những người bạn cùng thi với Uyên đã hoàn tất để lấy lại được mảnh bằng, riêng Uyên vì chậm chạp, không chạy theo được với những điều kiện mới, Uyên đành bỏ cuộc.
Một nghề mới, tuy không định nhưng chắc đó là cái nghiệp của Uyên, Uyên vào làm cho county. Công việc không nặng nhọc như cashier nhưng nhức đầu, trong thời gian đầu, Uyên lôi theo cả những nhức nhối trong sở làm về nhà, điều này làm Uyên mệt mỏi,  mệt mỏi với những trường hợp rắc rối ở sở, với suốt ngày không được dùng tiếng mẹ đẻ của mình,
Nơi Uyên ở cũng lác đác có vài gia đình Việt Nam còn trẻ nên Uyên cũng không tha thiết làm quen Những ngày nghỉ Uyên thường phải lái xe cả tiếng đồng hồ để đến thăm và giúp đỡ những người già Việt Nam để được tham gia vào những sinh hoạt Việt Nam,
Muốn tìm những người bạn đồng trang lứa, những người ban có thể nói tiếng Việt, có thể cùng nhau ngồi nghe Thái Thanh hát "tôi yêu tiếng nước tôi". Uyên tìm vào một trang tìm bạn, để tránh rắc rối Uyên đăng lên một lời rao chỉ tìm bạn gái, rồi Uyên quên đi. Chẳng có ai viết cho Uyên cả, có lẽ họ nghĩ Uyên bị đồng tình luyến ái.....
Thời gian khá lâu sau đó, bỗng một cánh thư đến với Uyên, Uyên mừng rỡ hồi âm với cả một sự hối hả. Một người đàn bà cũng cô đơn như Uyên, một góa phụ sống với ba người con, một người cũng muốn được quen với người Việt Nam vì con cái bà ta cũng chỉ nói  tiếng Mỹ. Uyên thông cảm cho nỗi cô đơn, nỗi cô đơn của người xa xứ, tuy nhận nơi này làm quê hương tuy hòa nhập trong sinh hoạt của nước Mỹ nhưng trong sâu thẳm vẫn mong tìm được một chút gì gợi nhớ về quê hương.
Emails qua lại trong nhiều tháng, bỗng một ngày người đàn bà hẹn đến thăm Uyên trong một chuyến Thi đi du lịch cùng các con.
Đến ngày hẹn Uyên hồi hộp như hẹn với bạn trai, người  đã cùng Uyên thủ thỉ trong những đêm mưa, trong những ngày mùa đông lạnh buốt, hai đứa quận mình trong chăn hàn huyên tâm sự.
Đến ngày hẹn Uyên dậy thật sớm, tìm đường đến khách sạn Thi ở, Uyên tìm một tiệm phở để đưa ba mẹ con Thi đi ăn sáng, tưởng tượng đến nhìn Thi qua làn khói của tô phở cũng đủ làm Uyên ấm lòng.
Đến nơi ba mẹ con Thi đã tề chỉnh ngồi chờ ở phòng chờ của khách sạn. Không một chút ngỡ ngàng, hai bên nhận ra nhau ngay và hình như ...."quen nhau từ kiếp trước".
Trước tô phở bốc khói, hai người đàn bà truyện trò như pháo rang, hai con của Thi ngơ ngác nhìn, các cháu chỉ hiểu được tiếng Việt khi mẹ cháu nói nhưng khi hai người Việt Nam nói chuyện cháu không hiểu gì hết.
Bỗng Uyên ngưng nói, một chút suy nghĩ và bảo Thi:
- Sao tôi nhìn thằng bé này quen qua.
- Chắc người giống người bà ơi, cháu ở tiểu bang khác có khi nào qua đây mà bà quen được"
- Ừ nhỉ mình thật lẩm cẩm.
Câu chuyện lại tiếp tục trong vui vẻ. Sau lần gặp gỡ đó, họ càng thân nhau hơn.
Rồi buồn chán ở nơi khỉ ho cò gáy này Uyên xin job ở Orange county cho gần người Việt Nam gần với cộng đồng hơn, tuy nhiên Uyên vẫn tiếp tục thân thiết với người bạn đã quen qua mục tìm bạn.
Một vài lần sau đó, Uyên và Thi cùng gặp gỡ mỗi khi có dịp.
Một đêm Thi gọi nói chuyện vì bên Thi ở đang có bão tuyết. Hai đứa tâm sự lan man, lần đầu tiên Uyên hỏi về gia cảnh Thi, về nghề nghiệp của Thi và nghề nghiệp của... chồng Thi. Khi nghe Thi nói  chồng Thi ngày xưa đi dậy học, Uyên bỗng chợt nhớ đến người bạn trai năm nào, sau khi mất liên lạc Uyên cũng không còn nhớ tới, Uyên bỗng thốt ra trong mơ màng
- Ngày xưa tôi cũng quen một thầy giáo dậy ở trường đó tên là Thiện
Bên đầu giây bên kia chợt im lặng, Uyên miên man nói tiếp
- Nhà anh ta ở Quận 1  đường .... số .....
Rồi câu chuyện lại tiếp tục cho đến khi Thi than buồn ngủ và cúp máy.
Một lát sau chuông điện thoại reo vang.
- Hello Uyên hả"
- Có chuyện gì vậy Thi"
- Tôi không ngủ được và sau khi đã suy nghĩ  tôi muốn cho Uyên biết tôi chính là vợ của anh Thiện.
Một sự sửng sốt và bàng hoàng, Uyên không tin và không tưởng tượng được. Phải chăng Thiện không còn nữa"
- Thật không"
- Tôi đâu đùa rỡn làm gì.
Uyên muốn bật khóc, trong một lúc bất ngờ Uyển nhận được tin tức của Thiện, một tin Uyên không hề mong muốn được nghe.
Bằng một giọng buồn buồn Thi tiếp tục:
- Ngày xưa chúng tôi cũng ở Orange county rồi khi anh Thiện mất, tôi buồn và xin job ở nơi xa xôi này.
- Thật không ngờ, không tin được bạn ạ.
- Đúng vậy quả đất thật tròn.
- Hèn nào khi gặp con trai Thi tôi nhìn thấy những nét quen quen, khi tôi được sang Mỹ tôi vẫn thầm cầu mong tìm được liên lạc với anh Thiện và gia đình anh, điều cầu mong đó đã thành sự thật nhưng ... chỉ thiếu có anh.
Uyên và Thi cùng bật khóc. Từ đây họ trở thành thân thiết hơn.
- Mộ anh Thiện vẫn còn ở Cali, một ngày nào đó tôi qua thăm mộ sẽ đưa Uyên đi cùng.
- Tôi mong được thắp cho anh Thiện một nén nhang.
Một buổi chiều cuối thu, nơi nghĩa trang có hai người đàn bà lặng yên bên nấm mồ đã cũ theo năm tháng.
Nguyên Phương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,383
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến