Hôm nay,  

Một Chân Trong Lòng Đất

02/10/200900:00:00(Xem: 280257)

Một Chân Trong Lòng Đất

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2743-1628814- vb6100209

Tác giả đã hai lần nhận giải thưởng viết về nước Mỹ. Với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần thứng Tư tại Mỹ. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose. Bài mới của cô là chuyện đời một người Mỹ ở thế hệ "baby boomer," thế hệ từng một thời gắn liền với chiến tranh Việt Nam. 

***

Lần họp mặt năm nay ở Student Union cho các Alumni (cựu Sinh viên tốt nghiệp từ trường), ngoài những chuyện về tình hình công việc, về kinh nghiệm chuyên môn như lịch trình sinh hoạt của những lần họp mặt bình thường, chúng tôi được nghe kể về một câu chuyện rất cảm dộng của một "đàn anh", ông Robert Smith, ra trường từ năm 1959, trước cả lúc chúng tôi ra đời.  Diễn giả, -một người cùng lớp với ông Robert, thường được gọi một cách thân mật là Bob- còn cho chúng tôi coi một slide show lưu trữ từ hội cựu sinh viên của trường.  Một chuỗi hình ảnh về cuộc đời ông Bob từ đen trắng của cuối thập niên 50s đến màu sắc nhợt nhạt của đầu thập niên 60s, và cuối cùng là những cái hình màu sắc rất sắc sảo của thời đại "Digital Camera" đầu thế kỷ 21.

Quảng đời của một người Mỹ ở thế hệ "baby boomer" ở một xứ sở giàu có bình an lại một thời gắn liền với chiến tranh Việt Nam. 
Thời đó có lẽ khoa học chưa phát triển như bây giờ nên cuộc đời của ông Bob chỉ được bắt đấu ghi lại bằng hình ảnh khi ông xong Trung học, vào trường San Jose State University ở California, lúc đó tên là San Jose State College.
Đó là những năm yên bình của thanh niên đương thời, họ không phải đi lính, vì lúc đó quân đội Mỹ chưa trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.  Đó là những năm hiền hòa, bình yên ở các trường Đại học, không có bạo loạn, không có biểu tình phản chiến (đặc biệt là ở Đại học Berkeley, một nơi được mệnh danh là "hang ổ phản chiến" trong những năm Mỹ tham chiến ở Việt Nam). Khi nhiều người lính Mỹ đi tham chiến ở ngoại quốc không bao giờ về, rồi cô đào Jane Fonda (chỉ hiểu biết mù mờ về chiến tranh Việt Nam qua cách đưa tin lệch lạc kiểu "một nửa cái bánh mì thì cũng vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì đã là một sự giả dối", và đầy thiên kiến của hệ thống truyền thông ở Mỹ lúc đó), sau khi thành "Jane Hanoi", trở về Mỹ, chế thêm dầu vào ngọn lửa phản chiến, sinh viên trường Berkeley đi biểu tình thường xuyên hơn là đi học, kéo theo phong trào phản chiến rầm rộ ở  rất nhiều trường Đại học khắp nơi trên đất Mỹ, nhất là ở Calỉfornia.
May mắn là class 59 của ông Bob ra trường trước khi biểu tình phản chiến trở thành một phong trào, lấn trội cả phong trào hippies, -đặc biệt là ở các trường Đại học ở miền Tây nước Mỹ vốn nổi tiếng là phóng khoáng, không bảo thủ như cảc trường ở miền Đông-, nên ông học hành tới nơi tới chốn, không bị gián đoạn.
Slide show thời sinh viên của ông Bob đưa chúng tôi trở về với một thời yên tĩnh, bình yên ở trường Đại học.  Thời đó dân số không cao như bây giờ, không có nhiều người tiếp tục đèn sách sau Trung học, nên tất cả sinh viên đều sống nội trú, và mọi người thân thiện với nhau hơn hiện tại rất nhiều. Dĩ nhiên họ không có computer, không có twitter, không có myspace, không có facebook, không có Cell Phone, không có text message, nên họ có nhiều thời gian sinh hoạt với nhau, từ những cuối tuần ngồi hát country music (tương tự nhạc dân ca của Việt Nam) đến những lần sửa xe tập thể, cả nhóm cùng sửa vài chiếc xe cùng lúc.  Ông Bob nổi bật lên giữa các bạn cùng trang lứa, vì ông đàn guitar điêu luyện lại hát cũng rất hay.  Nhưng điều thu hút rất nhiều nữ sinh viên đến phòng nội trú của ông Bob vì ông có một cái xe Ford Sport hai cửa đời 1929, thuộc loại xe classic thời đó, mà ông, với sự giúp sức của một vài ngưòi bạn cùng ngành Mechanical Engineering, đã tự thay máy mới, tự sơn sửa lại chiếc xe đã gần 30 tuổi.
Trong số những cô sinh viên, đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người, đã "tình trong như đã mặt ngoài còn e" với chàng tuổi trẻ Bob Smith, cô Katrina được vào chung kết, thường  được ông Bob chở đi chơi cuối tuần trên cái xe thể thao mui trần classic đã được sơn sửa lại rất đẹp.
Hồi đó, hình như khoa học chưa phát triển nhiều, không có các trò chơi điện tử, người ta có nhiều thì giờ đọc sách hơn, nên cũng chín chắn và khôn ngoan hơn những người cùng tuổi ở đầu thế kỷ 21.  Ở tuổi hai mươi, ông Bob đã tự định hướng rõ ràng cho cuộc đời của mình. Tốt nghiệp Đại học, chàng thanh niên Bob Smith tự nguyện tham gia binh chủng Hải quân, đi cho biết đó biết đây, rồi trở về lại quê nhà ở San Jose, California nắng ấm, tìm đến nhà cô Katrina ngỏ lời cầu hôn.  Dĩ nhiên cô Katrina nhận lời vì chàng Bob ngày xưa sau hai năm lênh đênh trên đại dương trong màu áo Hải quân, trở về "home sweet home", phong trần hơn, bản lĩnh hơn, và hình như yêu cô nhiều hơn trước.
Họ lấy nhau chỉ vài tháng sau đó và sống khá hạnh phúc. Cô Katrina bây giờ đã thành bà Smith, lại ngồi bên cạnh ông Bob Smith trên cái xe Ford dong ruỗi trên nhiều đường phố ở San Jose. Điều khác biệt nhất là cái xe Ford họ cùng đi cuối thập niên 60s là cái xe Ford Sedan bốn cửa (thay cho cái xe thể thao hai cửa ngày họ còn là sinh viên), phía sau lần lượt có một, hai, rồi ba đứa con. Tiếng cười giòn giã của cha mẹ, trộn lẫn tiếng cười trong vắt của ba đứa con nhỏ làm hàng xóm và người ngoại cuộc đều cho là đó là một gia đình hạnh phúc vẹn toàn; ông bà Smith sẽ có nhau đến cuối đời như lời hứa ở nhà thờ ngày đám cưới "we ll be together until death".
Ấy vậy mà họ ly dị sau hai mươi hai năm chung sống, khi đứa con út vừa bước vào Trung học. Bạn bè chung của họ, những Alumni của San Jose State College năm xưa, có tò mò hỏi lý do, cả hai người đều trả lời giống nhau, rất lịch sự, rất kín đáo kiểu Mỹ:
-  Có nhiều người lớn tuổi hơn, tự nhiên  đi theo hai hướng khác nhau, chứ không còn đi cùng một đường như thời còn trẻ. Chúng tôi cũng vậy, nên chia tay vì ý nguyện và lợi ích của cả hai bên.
 Họ chia tay nhau, từ một mái nhà chung ở  San Jose, California, ông Bob dọn về  Phoenix, Arizona, bà Katrina qua sống tận ở Boston, Massachusetts, chỉ liên lạc với nhau khi có chuyện liên quan đến ba đứa con chung của họ.
Lúc đứa con út  trên mười tám tuổi, đủ trưởng thành để tự quyết định được tất cả mọi chuyện, sợi dây liên lạc giữa ông Bob và bà Katrina vốn đã mong manh, đứt hẳn từ ngày người con út xong Trung học.
Ông Bob đã trải qua rất nhiều công việc sau khi rời quân đội. Nhưng công việc Ông yêu thích nhất là công việc quản trị một nhóm salesman bán xe hơi trải dài ở tất cả các tiểu bang  miền Tây của nước Mỹ. Kiến thức của một người tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí và kinh nghiệm của một cựu sĩ quan truyền thông hải quân giúp ông Bob thành công vượt bực trong sự nghiệp, liên tục được thăng tiến trong công việc.  Và cũng như ngày xưa, ông Bob ở tuổi năm mươi cũng có sức hấp dẫn người khác phái không kém chàng Bob tuổi hai mươi, sinh viên Đại học năm xưa.
Ông lập gia đình lần thứ hai, rồi lại chia tay. Lần này, ôn nhân chấp nối chỉ kéo dài được gần ba năm và không sản xuất thêm một "Smith Junior" nào. Người bạn thân nhất dò hỏi lý do, câu trả lời lại vẫn như xưa:
-  Chúng tôi thỏa thuận chia tay nhau vì ý nguyện và lợi ích của cả hai bên.
Bà Smith thứ hai, không có con với ông nên liên lạc cũng đứt khi hai chữ ký trên  tờ giấy ly dị vừa được thị thực xong trước tòa án.
 "Life goes on", ông Bob lại dọn nhà, lại sống bình thản như không có gì xảy ra, không nhắc đến cả hai bà "cựu Smith". Thân nhân và bạn bè của ông đều có chung cảm tưởng  là mỗi một chặng đời của ông Bob đóng lại, ông khóa kín, và liệng luôn chìa khóa, không sống với dĩ vãng, dù đó là một quá khứ hòa đồng, hạnh phúc, hay một quá khứ bất hòa, xung đột.
Vậy mà, một ngày đẹp trời đầu mùa Xuân năm nay, bạn bè của ông, class 59, sinh sống và làm ăn khắp nơi trên nước Mỹ, lần lượt nhận được điện thoại của ông Bob với một thông tin rất bình tĩnh và rất ngắn gọn từ bên kia đầu dây:
- Bob đây, tôi bị bệnh ung thư não, chỉ còn sống nhiều lắm là chín mươi (90) ngày nữa.
Mọi người qua phút bàng hoàng, khi bình tĩnh lại, họ đều hỏi một câu tương tự nhau:
-  Rất tiếc khi nghe tin này, tôi có thể làm gì được cho bạn"
Tất cả mọi người đều nhận được một yêu cầu duy nhất:
-   Gọi điện thoại báo tin cho tất cả những người biết tôi mà bạn còn giữ được liên lạc.
 Có ai lại nỡ từ chối lời yêu cầu của một người sắp ra đi vĩnh viễn, đang mang bệnh ung thư đến thời kỳ cuối, coi như đã đặt một chân trong lòng đất" Thế là những cú điện thoại đột xuất, những cái E mail nối lại liên lạc tưởng như đã mất hẳn từ rất lâu giữa những người bạn cùng khóa năm xưa.
Có những người bạn bặt tin ông Bob từ khi họ ở tuổi hai mươi, cùng tung lên chân không chiếc mũ ra trường hình vuông màu đen, có đính dãi tassel màu xanh với hai con số 59 mạ vàng, bên cạnh ngọn tháp cổ phủ một loại dây leo thực vật màu xanh, tươi mát quanh năm, biểu tượng truyền thống của trường San Jose State University.


Có những người không gặp lại ông Bob từ tiệc cưới của chàng Bob và nàng Katrina theo kiểu garden wedding năm xưa.
Nhưng tất cả họ đều nhận ra giọng nói trầm ấm, bình tĩnh kèm theo tiếng cười qua điện thoại như người ở đầu dây bên kia đang nói về cái chết sắp xảy ra của một con ong, cái kiến, hoặc của một ông X, bà Y nào đó không liên quan gì đến mình. Đó là giọng nói của ông Bob Smith,  một người nhiều tài, và phải chăng cũng vì thế nên bị "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen"".
Thời gian tính chỉ còn chưa đến ba tháng, chưa đến chín mươi ngày. Những người bạn thân nhất của ông Bob tự động sắp xếp một cuộc họp mặt ở  San Jose, thành phố mà họ rất thân quen thời còn ở tuổi hai mươi, cũng là  nơi babyboomer  Robert Smith  chào đời.
Chuông điện thoại reo lên liên tục trải dài từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc của nước Mỹ, trên telephone của những người bạn cùng thời với ông Bob.
E mail là một lối liên lạc thuận tiện nhất ở đầu thế kỷ 21, nhưng đến lúc có chuyện khẩn cấp thì đướng dây điện thoại vẫn được ưa chuộng hơn, và truyền đạt được cảm xúc của người gọi nhiều hơn là E mail.  Chưa kể có những người thỉnh thoảng mới "mở hộp thư online" để đọc thư điện tử, để thấy là mình đã bị "bỏ lại bên lề cuộc sống" từ lúc nào!
Bạn bè của ông Bob,từ bạn thời thơ dại, đến bạn Trung học, rồi Đại học, bạn cùng ở Hải quân, bạn đi làm......, kẻ trước người sau nhận được tin không vui về người bạn cũ học giỏi, cao lớn, đẹp trai, hoạt bát,  năng nổ của mình.
Dĩ nhiên cả hai bà "cựu Smith" (bà Katrina, người sinh thành ba đứa con của ông Bob, và bà Dorothy mà duyên nợ với ông Bob chỉ kéo dài ba năm) đều nhận được hung tin đời sống của ông Bob chỉ còn được tính từng ngày qua tiếng nói trầm ấm mà hai bà đã từng một thời rất đổi thương yêu.
Sau khi biết được chính xác ngày giờ và địa điểm cho một cuộc đoàn tụ để chia tay vĩnh viễn với ông Bob, như những đám bèo nổi trôi trên mặt nước, hợp rồi tan, tan rồi hợp, mọi người thu xếp công việc, mua vé máy bay về thăm ông. Họ còn cẩn thận gởi đến tặng cho "nhân vật chính của cuộc họp mặt" một cái vé máy bay khứ hồi từ Austin, Texas đến San Jose, California.  Vì sau khi qua nhiều thử nghiệm y khoa, lấy cả đến ý kiến thứ ba của các Bác sĩ chuyên môn, biết chắc mình bị ung thư não (brain tumors cancer), ông Bob thu xếp mọi việc, bán nhà ở Arizona, rồi về Texas sống với người con út trong những ngày còn lại của đời.
Nơi họp mặt là một cái nhà ở lưng chừng đồi, cao đủ để họ có thể thấy cả "thung lũng hoa vàng" về đêm,  không quá cao để tai bị ù khi leo dốc. Họ vừa quý người bạn xưa, "cây đinh của khu nội trú nam sinh" năm nào, vừa thương bạn sắp vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời.  Từ khắp nơi trên nước Mỹ, những người bạn của ông Bob tụ họp về San Jose, trước là thăm ông Bob lần cuối, sau là dịp để gặp lại bạn bè từ thời bước vào tuổi hai mươi, để xem "dung nhan ngày ấy bây giờ ra sao""
Ai nấy đều phát tướng ra, chiều cao có bị mai một chút ít theo năm tháng, nhưng chiều ngang thì bành trướng thấy rõ, trọng lượng tăng lên tỷ lệ thuận với tuổi đời như quy luật tự nhiên "what s going up, will be down" của tạo hóa, của một đất nước calories nạp vào từ thức ăn thường vượt trội calories tiêu thụ từ hoạt động hàng ngày.
Duy có mỗi ông Bob, ông ốm hẳn đi, hốc hác mệt mỏi, da đỏ ửng, nhăn nhúm như cổ một con gà tây, từ hậu quả của rất nhiều lần đi chemotherapy (hóa học trị liệu), hy vọng y học đương thời,  - bằng cách "dĩ độc trị độc" đưa chất độc vào người bệnh ung thư, ngăn chận sự phát triển bừa bãi, nhanh chóng của một số tế bào trong cơ thể- có thể ngăn chận được sự phát triển thiếu trật tự của những tế bào não, hệ thống chỉ huy của mỗi con người.  Buồn thay, hệ quả của chemotherapy thấy rất rõ, ông lost appetite, không ăn uống được, mệt mỏi, dã dượi cả ngày, mái tóc màu brunette dày rụng dần rồi biến mất, nhưng kết quả lại không có như hy vọng mong manh của những "thiên thần áo trắng"chuyên về ung thư, của hầu hết bệnh nhân bị brain tumor.
Là một người lạc quan, dù biết một chân của mình đã đặt vào lòng đất, ông gọi điện thoại cho một số bạn bè, và đã dẫn đến cuộc họp mặt của những người đã bước vào tuổi về hưu, mà vẫn hồn nhiên, vui vẻ như vẫn còn đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người. Không một ai đề cập đến bệnh tật, đến  "cuộc hẹn với tử thần" đã đến rất gần của ông Bob.
 Đó là một cuộc họp mặt ngoài trời, cuối xuân, đầu hè, bầu trời trong xanh đầy nắng ấm, những bông hoa dại màu vàng nở rực rỡ trên triền đồi, đẹp như trong tranh. Cả hai bà Smith được xếp ngồi hai bên ông, đều thương yêu và chìu chuộng ông như ngày xưa họ đã từng có một khoảng thời gian hạnh phúc với tình nghĩa vợ chồng, như họ không hề có bất đồng để đến nỗi phải đưa nhau ra tòa ly dị. Một người bạn đã nửa đùa nửa thật:
-  Ông bà Smith trên màn ảnh movie đâu có hạnh phúc như ông và các bà Smith ở đây.
Cả nhóm bạn cùng cười, nụ cười hồn nhiên như tuổi già vẫn còn ở cách họ rất xa, như ông Bob không hề bị căn bịnh ung thư não bộ đuổi gần đến exit của sự sống. Họ say sưa nhắc lại kỷ niệm cũ, những ngày thanh xuân ở trường Đại học San Jose State, rồi kể cho nhau nghe về những ngày mới bước vào đời, đã vấp ngã, rồi tự đứng lên, tự nghiền ngẫm nỗi đau của mình để tránh những lần té ngã khác, những cạm bẫy khác của cuộc đời. Ngay cả lúc nhắc về những người bạn đã bị tổng động viên trong chiến tranh Việt Nam, rồi mãi mãi không về, chỉ còn mỗi một cái tên nằm nhỏ nhoi, khiêm tốn trong một danh sách dài đến hơn năm mươi tám ngàn cái tên trên bức tường đá đen ở Washington DC.,  mặt họ cũng không ánh lên nét buồn mà rạng rỡ niềm tự hào cho những người bạn đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất đáng sống, đã làm thay cho họ điều họ không làm được.
Lúc đầu, họ đã dặn dò nhau trước, chỉ nói về chuyện vui để  nâng cao tinh thần của ông Bob, để những ngày cuối đời của ông vui hơn, kéo dài hơn dự đoán của các Bác sĩ chuyên ngành.  Nhưng không ngờ, những chuyện vui không chỉ làm rạng rỡ khuôn mặt của ông Bob, mà còn làm chính họ vui lên, như trên đời này không có gì phải lo nghĩ, như hạnh phúc và niềm vui luôn luôn lấn trội, đè bẹp khổ đau, phiền muộn.
Hai bà "cựu Smith", đã từng một thời là "một nửa" của ông Bob, biết ý ông, đặt lên dĩa thức ăn của ông những món ông thích nhất, chẳng hạn thịt bò steak phải nướng đúng kiểu  Omaha, Nebraska nổi tiếng, đủ để chín tới, không để chín nhừ "well done"; chẳng hạn mash potatoes phải trộn nhiều baby onions, điểm vài hạt tiêu trắng để hương vị đậm đà hơn, chẳng hạn orange juice phải có pulp lợn cợn mới thấy mùi vị của cam nhiều hơn.....Vì vui, vì được săn sóc đúng ý, hôm đó ông Bob ăn uống ngon miệng, như chưa từng bị mất appetite vì hậu quả của những lần đi chemotherapy ở bệnh viện. 
Họ còn chơi basketball, thay phiên nhau liệng banh vào cái rỗ lưới được gắn chặt ở một góc sân . Hình ảnh một nhóm những người đã ở tuổi về hưu, được hưởng toàn bộ tiền hưu trí, trong quần short, áo polo sport của mùa hè vui đùa bên nhau, cười vui rạng rỡ, hàng xóm không hề biết là họ đang có một cái "going away party" tiễn ông Bob sắp đi vào cõi vĩnh hằng.
Chỉ gần hai tháng sau đó, ông Bob ra đi thanh thản, bình yên, không phải chỉ đặt một chân trong lòng đất mà gởi cả thân xác về với cát bụi, sau khi đã vận dụng hết tàn lực của mình để chống lại với những tế bào não phát triễn vô trật tự, nhưng rất nhanh chóng, hơn dự tưởng của các Bác sĩ chuyên ngành.
Slide show chấm dứt bằng hình ảnh một chùm bong bóng đủ màu có một cái bong bóng màu xanh đậm bay tách ra, nhỏ dần rồi khuất hẳn vào bầu trời với hàng chữ màu đen "In memory of Robert W. Smith ", bên dưới là câu nói đáng được ghi lại của ông từ cuộc họp mặt cuối cùng với bạn bè: 
"Chúng ta không thể kiểm soát được điều gì xảy đến cho chúng ta, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của chúng ta với những gì xảy ra".

Không hẹn mà chúng tôi, tất cả những người tham dự cuộc họp Alumni của SJSU hôm đó, đều đứng dậy, vỗ tay. Dù không nói ra, nhưng chúng tôi cùng đứng dậy để chào ông Bob lần cuối và vỗ tay vì tinh thần và ý chí của ông, cũng như tình bạn thắm thiết của các "đàn anh đàn chị class 1959", đúng nửa thế kỷ trước.
Riêng tôi, tôi cứ tự hỏi không biết người Mỹ có một bài hát nào có ý nghĩa tương tự như câu hát "Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ..." của người Việt Nam" Chắc là có mà tôi chưa có dịp được nghe.
Cũng từ cuộc họp đó, từ cuộc đời ông Bob, tôi học được rất nhiều điều. Mỗi lần bực tức và buồn phiền vì ai đó, tôi vẫn nghĩ đến câu nói cuối cùng của ông Bob với bạn bè đã được ghi lại bằng slide show để tự kiểm soát  mình, tránh được những đụng chạm không cần thiết. "Life is too short" để cải vả, hơn thua, để tranh giành những cái mà không một ai có thể mang theo với mình về nơi miên viễn.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara - Aug /09      
(Để gọi là một nén hương lòng cho H3, Kent  & những bệnh nhân brain tumor đã quá cố)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,322,366
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.