Hôm nay,  

Cô Nữ Sinh Giao Lưu Văn Hoá

05/09/200900:00:00(Xem: 252320)

Cô Nữ Sinh Giao Lưu Văn Hoá 

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2719-16208790- vb790509

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60’ , cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết và mới nhất, năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ." Trong loạt bài mới ông góp cho giải thưởng, đây là bài thứ hai về đề tài du học từ Việt Nam vào Mỹ

***

Chương trình du học F-1 (tạm gọi là du học tự túc không giới hạn thời gian) là một chương trình không mấy thành công; trái lại chương trình du học J-1 Exchange Student (Du học  Giao lưu Văn hoá) có thể nói khá thành công.  Chỉ sau 10 tháng ở Mỹ các em nói tiếng Anh không kém hơn người Mỹ bao nhiêu.  Đó là thành công thấy rõ nhất .  Mục đích chính của chương trình này
 là để học sinh Việt Nam qua Mỹ, ở tại một gia đình người Mỹ, học tại một trường trung học công lập, nhằm học tập văn hoá Mỹ và nâng cao trình độ tiếng Anh.  Đối tượng của chương trình là những học sinh đã học hết lớp 9, 10 hay 11 tại Việt Nam, lớp tuổi từ 15 đến 17, có trình độ học vấn và trình độ tiếng Anh khá, sẵn sàng chấp nhận sống bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ. Học sinh sang Mỹ được sống trong một gia đình người Mỹ gọi là host family mà các em quen gọi một cách thân thương là bố mẹ nuôi.  Đây là những gia đình tình nguyện nuôi học sinh, miễn phí ăn ở và sinh hoạt. Bên cạnh việc sống với bố mẹ nuôi, học sinh còn được giám sát và hỗ trợ bởi một Giám sát vùng để giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc học hành và sinh hoạt của học sinh. Trên Giám sát vùng có Điều phối viên Khu vực, và cao nhất là Giám đốc Chương trình. Tuy học sinh được ăn học và ở miễn phí, nhưng cũng phải đóng chi phí để sắp xếp việc du học.  Chi phí này vào khoảng  6000 đô-la Mỹ mỗi em , bao gồm chi phí tham gia chương trình và bảo hiểm y tế. Chi phí này không bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi, tiền tiêu vặt và tiền ăn trưa tại trường. Khi được Lãnh sự quán Mỹ chấp nhận, học sinh được cấp mẫu DS 2019(tạm gọi là giấy nhận học) và chiếu khán (visa) có thời hạn 10 tháng.
Tôi không tham gia chương trình này trước khi học sinh qua Mỹ. Tôi chỉ tham gia chương trình sau khi học sinh qua Mỹ, nghĩa là xin cho các em ở lại Mỹ tiếp tục học sau khi các em đã học 10 tháng, không phải học chương trình J-1 mà là chương trình F-1.
Tháng 4 năm 2005, khi đang ngồi ...ngáp trước computer thì cái "nick chat" của ông anh họ tôi nổi lên với hàng chữ "Chú đó hả" Có việc này hay lắm. Chú biết Chương trình Du học Giao lưu Văn hoá không"" Tôi trả lời: "Có nghe nói. Một số học sinh Mỹ đến Việt Nam học và một số học sinh Việt Nam tương đương qua Mỹ, phải không" " Anh họ tôi "cười" trên mạng mà hầu như tôi cũng nghe được âm thanh: "He, he. Không phải đâu". Thế rồi anh ta ghi một lèo, nói về du học sinh J-1 như tôi đã trình bày.  Anh yêu cầu tôi tiếp tục công việc của anh, đổi tình trạng du học của học sinh để các em tiếp tục học tại Mỹ.  "Tôi muốn chú kiếm ít tiền, mà cũng vì tôi đã lỡ hứa với phụ huynh sau khi các em học mười tháng sẽ có luật sư xin cho các em ở lại...".  "Nhưng tôi đâu phải luật sư".  "Chú cứ nói đại chú là luật sư. Ai biết đâu. Mà có ai hỏi đâu".  Suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó tôi nghĩ nát óc về việc này.  Có lẽ nên yêu cầu một dịch vụ du học nào đó làm việc này rồi ăn chia với họ.  Không nên, họ sẽ "ăn" hết,  mình chỉ hưởng được cái  xái, không chừng họ còn liên lạc trực tiếp với thân chủ bên Việt Nam  để giật luôn mối của mình.  Một lát sau tôi "à" lên một tiếng.  "Sao mình  chậm  nghĩ  quá. Thời buổi  internet mà lại không tận dụng nó". Tôi search ba chữ "International Student Exchange" trong Google, lựa chọn kết quả và tìm ra được mẫu đơn xin đổi tình trạng du học J-1 thành du học F-1  với những chỉ dẫn rõ ràng. Vậy là tôi cứ theo đó mà làm. Để chắc ăn, tôi nhờ một luật sư làm "Lực lượng Tổng trừ bị". Tôi nói với ông ta nếu đơn không được chấp thuận tôi sẽ nhờ ông ta can thiệp. Dĩ nhiên chúng tôi có giao ước với nhau về tiền thù lao. 
Khách hàng đầu tiên của tôi là một nữ sinh 17 tuổi, xinh xắn và dễ bảo, có cái tên rất giống tên một cô Nhật mà tôi không tiện ghi rõ ra đây. Cứ tạm gọi là Anh Tử cho tiện. Nhà "bố mẹ nuôi" Anh Tử ở phía bắc Los Angeles County, không xa nhà tôi lắm, nên chừng một vài tuần nó lại gặp tôi một lần, thường thường nó đi xe buýt đến nhà tôi. Theo lời anh họ  tôi, Anh Tử là con gái ông Đại Bửu, cháu nội ông Cù, cùng quê với tôi. Ông Đại Bửu bây giờ làm lớn và giàu có, tôi không phải lo lắng gì về tiền thù lao.
Tôi không biết nhiều về ông Đại Bữu vì ông tập kết ra bắc khi tôi còn nhỏ, nhưng biết khá nhiều về cha của ông ta tức ông Cù, qua lời kể của ba tôi. Ông Cù gốc gác ở đâu không rõ, phiêu bạt đến làng tôi năm 17 tuổi và được các hương chức cho làm  mõ làng, một vai vế thấp nhất trong làng, với công việc chính là rao truyền tin tức của làng, vừa rao vừa đánh mõ để gây chú ý. Ngoài công việc này,  mõ làng còn là người sai vặt của các ông chánh, ông lý, ông hương... Ông Cù còn là người sai vặt của ông bà nội và được ông bà  nội  tôi xem như con cháu. 
Năm 1945 xảy ra nạn đói ở miền bắc, một số người bắc di chuyển vào nam bằng những chuyến xe lửa chạy ngang làng tôi. Sáng nào cũng vậy, dân làng thấy nhiều xác chết dọc theo đường xe lửa.  Họ gọi những xác chết ấy bằng hai tiếng rất dễ sợ: "Ma bay." Ông Cù được chỉ định đem những "con ma bay" ấy đi, không phải đem đi chôn, mà đem vất qua bên kia đường xe lửa, thuộc khu vực làng khác, để tránh trách nhiệm. Những lúc như vậy dân làng bên kia lại di chuyển xác trở về làng tôi hoặc đánh mõ và phèn la inh ỏi. Ông Cù không hề e ngại việc di chuyển những thây ma này, trái lại còn thích thú với công việc của mình, nhất là khi được trả công bằng những xị rượu trắng làm từ củ sắn.
Một ngày nọ ông Cù được chỉ định di chuyển một thây ma phụ nữ bị rơi hay bị vất từ trên xe lửa xuống.  Ông Cù đi suốt nửa ngày nhưng không trở về.  Một toán trai làng đi tìm ông,  thấy ông đang "làm chuyện ấy" với thây ma trong một bụi rậm.  Họ tri hô lên, bắt ông Cù trói lại. Thây ma bò tới níu lấy ông Cù và xin tha cho ông. Thì ra "con ma bay" chưa chết. Theo lời mấy trai làng kể lại, "con ma bay"  rất đẹp khi trần truồng, nước da trắng tinh. Có anh còn nuốt nước miếng khi kể chuyện này.  Ông bà nội tôi cho ông Cù và "con ma bay" về ở trong nhà, xem họ vừa là con cháu vừa là người làm. "Con ma bay" đó chính là mẹ ông Đại Bửu, bà nội của Anh Tử.
Mới gặp tôi lần đầu Anh Tử đã cho tôi xem tập ảnh gia đình nó, trong đó có hình ông nội nó tức ông Cù mặc chiếc áo có thẻ bài ngà của ...ông nội tôi.  Tôi nhận rõ điều này vì ông nội tôi cũng đang mặc chiếc áo này ngồi trên ...bàn thờ. Tôi chắc chắn đây là tấm hình do gia đình nó ghép để khoe.  Bây giờ người ta thường có "mode" khoe như vậy. 
-Bác xem này! Ông nội con thời phong kiến làm quan to lắm nhưng giác ngộ cách mạng...
-Bác có nghe nói về ông con rồi. Nhưng ở Mỹ con đừng dùng những từ như vậy người ta không ưa đâu.
-Dạ
Nhớ lại cái tên xấu xí của ông nội nó, tôi cười hỏi Anh Tử:
-Ai đặt tên cho con giống như tên Nhật vậy"
-Ba con. Cả nhà con ai cũng có tên hay và lạ.
-Ông nội con tên gì"
-Ông Cử.
Tôi bật cười, hỏi qua chuyện khác:
-Con có đem theo đầy đủ giấy tờ bác dặn không"
-Dạ có.  Bản sao hộ chiếu, visa, I-94, DS-2019.
-Phải sao 2 mặt I-94. À, đúng rồi.
-Có đem đi công chứng không bác"
-Khỏi cần.
-Con có đến Sở Di trú để họ phỏng vấn lần nữa không bác"
-Không. Việc của con bây giờ là viết một thư giải thích lý do xin ở lại Mỹ tiếp tục học. Viết được không"
-Dạ được. Nhưng bác sửa giùm con.
-Được! Con muốn học trường nào"
-Trường nào cũng được, miễn gần nhà bác.
-OK, bác sẽ xin cho con học Glendale Community College.
-Con chưa có high school làm sao học college.
-Học college đâu cần high school. Hơn nữa con học tiếng Anh mà.
-Con ở nhà bác được không"
-Từ ngày bán nhà bác chưa mua lại nhà được, phải ở nhà thuê, mà nhà thuê này theo khế ước chỉ ở có 5 người.  Tốt nhất con nên share phòng để ở.
 -Rồi con đi học bằng cách nào"
-Từ khu vực gần nhà bác, con chỉ cần đi một chuyến xe buýt đến trường, đó là chuyến xe số 84.
-Bạn con share nhà ở một nơi gần trường hơn. Nó rủ con đến ở với nó.
-Con Trang phải không" Chỗ nó ở tuy gần trường hơn nhưng phải đáp hai chuyến xe buýt, hoặc đi chuyến xe buýt số 90 rồi đi bộ một đoạn  đường khá xa. Nếu con muón tập thể dục thì nên đi như vậy. Chỗ con Trang tới nhà bác cũng gần.
-Để con hỏi ba con. Glendale College cũng cấp mẫu DS-2019 hả bác"
-Không! Con xin ở lại học thì phải học theo chưong trình F-1. Trường sẽ cấp mẫu I-20 (Certificate of Elibigity for nonimmigration F-1 Student), chớ không phải mẫu DS 2019.
-Học chương trình F-1 được bao lâu hả bác"
-Không giới hạn thời gian, miễn đừng để bị out of status, nghĩa là phải học đúng thời gian quy định tại một trường được Sở Di trú cấp phép cho dạy thêm du học sinh.
-Hồ sơ như vậy là xong phải không bác"
-Còn bảo trợ tài chánh nữa. Bảo trợ từ Việt Nam cũng được. Ba con đang gởi phát nhanh hồ sơ bảo trợ qua. Nhận được hồ sơ này xong, bác sẽ xin I-20 rồi điền đơn và kèm tất cả các hồ sơ gởi đi ngay.  Bác có thể điền đơn online, còn hồ sơ bổ sung gởi sau.
Khi xin I-20 cho Anh Tử tôi phải nộp các hồ sơ tương tự như hồ sơ sẽ nộp cho Sở Di trú, mà hồ sơ này thì đã có sẵn.  Ông Gám đốc Chương trình Sinh viên Du học vui vẻ hẹn  sẽ gởi I-20 cho tôi sớm.
Sau khi gởi đơn kèm theo tất cả hồ sơ yêu cầu cho Sở Di trú, tôi nhận được một biên nhận rất đẹp có số biên nhận để có thể kiểm tra tình trạng triển khai đơn trên mạng. Cứ một vài ngày tôi lại check online nhưng vẫn thấy những giòng chữ quen thuộc, nghĩa là chưa được chấp thuận.  Thế rồi một tháng sau tôi nhận được thư...từ chối. Đó là một mẫu giấy vàng khè nói đại khái như sau: Chiếu khán của Anh Tử hết hạn ngày 21-6-2005 nhưng căn cứ theo I-20 đã trình nộp, cho đến 2 tháng  sau Anh Tử  mới  mới trình diện học. Như vậy trong thời gian 2 tháng Anh Tử cư trú tại Mỹ bất hợp pháp.  Hôm ấy vào khoảng  cuối tháng 5 -2005. Không suy nghĩ nhiều, tôi vội vàng gọi điện thoại cho Glendale Community College xin đổi I-20 nhập học mùa thu thành I-20 nhập học mùa hè có ngày khai giảng trước 21-6-2005. Nhưng Glendale Community College nói không đổi được vì thời hạn nộp đơn xin học mùa hè đã hết. Tôi định cầu cứu "Lực lượng Tổng Trừ bị" của tôi là ông luật sư nhưng rồi bỏ ý định vì nhớ đến  cú gọi điện thoại của ông ta hôm kia: "Con nhỏ gì nhỉ, à Tử Anh, sắp được OK rồi đó".  Thằng cha này chỉ nói  "đón" cầu may.  Ngay cái tên con nhỏ hắn cũng không nhớ, hắn có quan tâm gì đến chuyện này đâu. 


Không nghĩ lôi thôi nữa, tôi vội đem hồ sơ Anh Tử đến một trường dạy tiếng Anh mà tôi nghe nói rất "chịu chơi". Đó là một trường dạy tiếng Anh ở phía Đông thành phố Los Angeles.  Ông Giám đốc gốc người Pakistan còn trẻ, đẹp trai và rất "miệng mồm".  Ông ta bằng lòng cấp I-20 mùa hè cho Anh Tử với điều kiện Anh Tử phải học tại trường ông ta ít nhất 3 tháng. Tôi đã nghe nói khá nhiều về ông ta nên không ngại ngùng trả giá: Ngoài lệ phí 100 đô cho I-20, nếu Anh Tử được Sở Di trú chấp thuận tôi sẽ trả ông 200 đô để ông chuyển Anh Tử ngay lên Glendale Comminity College.  Ông ta đòi 700, tôi trả 250 . Ông ta hạ xuống 650, tôi trả 300. "Cò kè bớt một thêm hai, tiền đô trả giá đúng là 400".  Ông ta cấp I-20 cho Anh Tử ngay cái rẹt. Tôi vào restroom chỉ có vài ba phút, khi trở ra đã thấy cái I-20 nằm trên bàn. Tôi ký tên vào I-20 thế cho Anh Tử và gởi phát nhanh ngay sau đó.
Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại cho ông Đại Bửu kể việc này.  Ông ta trả  lời với cái giọng Quảng Nam pha Bắc Kỳ:
-Thế  thì...cũng ...cũng phải chịu thôi.  Nhưng mà...mà tại sao phải tốn thêm 500.  Sao không xin cái giấy I Ngắn Hai O, à I-20 sớm hơn"
-Anh yêu cầu tôi làm việc này quá trễ, làm sao tôi xin kịp.  Phải  xin ngay từ đầu năm.
-Bảo họ sửa ngày tựu trường thụt lui không được sao"
-Không bao giờ trường làm vậy.
-Nói vậy chứ tôi tin anh mà. Tụi mình ...bà con với nhau, là người trí thức (") mà.  Cụ thân sinh ra tôi là bạn thân với ông nội anh dù nhỏ tuổi hơn  nhiều.  Có điều hồi đó cụ thân sinh tôi giác ngộ cách mạng...
-Phải, phải, phải. Tôi biết. Anh nhớ chuẩn bị tiền nong cho con nhỏ học. Chào anh nghe! Gởi lời thăm chị.
Ngày 15-8-2005 tôi nhận được một phong thư của Sở Di trú, trong đó chỉ vỏn vẹn có một tờ giấy tương tự như tờ biên nhận trước đây, nhưng góc bên phải, phía dưới có in cái I-94 mới của Anh Tử, trên đó có ghi chữ F-1. Tôi gọi điện thoại thông báo tin  này cho Anh Tử và ông Đại Bửu. Ai cũng vui mừng.
Nỗi vui của tôi chỉ được hơn một đêm.  Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại cho ông Đại Bữu nói ông hãy chuẩn bị tiền nong cho Anh Tử học.  Tôi không quên đề cập một cách tế nhị đến nửa số tiền thù lao còn lại. Ông Đại Bửu nói:
-Chỗ anh em với nhau tôi xin nói thẳng.  Chúng tôi yêu cầu anh gia hạn visa cho Anh Tử ở lại tiếp tục học, thế mà theo lời người bạn tôi nói sau khi kiểm tra...
-Anh nói cai gì vậy"-Tôi hỏi hơi lớn tiếng
-Anh bình tĩnh. Visa vẫn không được gia hạn, còn cái I-94 gì dó thì Anh Tử đã có rồi, đâu cần phải làm.
-Tôi xin đầu hàng anh vô điều kiện như... đã đầu hàng.
-Nhưng rất may mắn, gia đình người bạn tôi vừa mới dọn đến chỗ gần trường Anh Tử học. Bạn tôi đã xin cho con nhỏ được tiếp tục học tại trường cũ.  Bà hiệu trưởng rất vui vẻ cho Anh Tử tiếp tục học lớp 12...
-Tôi đã nói với anh nhưng anh không lưu ý hay không thèm lưu ý. Không bao giờ Sở Di trú gia hạn visa cho du học sinh J-1 hay F-1 vì đây không phải là việc của họ. Visa còn hiệu lực mà học sinh không chịu học theo đúng quy định cũng trở thành bất hợp pháp. Có lẽ Sở Di trú sợ các em  ỷ lại cái visa còn hiệu lực, không chịu học.  Mấy đứa cháu tôi du học Mỹ cách đây 5 năm, visa hết hạn cách đây 4 năm, chúng đang học California State University một cách hợp pháp.  Xin cho Anh Tử ở lại học thì phải xin đổi tình trạng du học, gọi là change of status, để nó học theo chương trình du học F-1, nghĩa là phải đổi I-94...
-Nhưng đâu cần thiết nữa...
-Tôi nói chưa hết.  Du học sinh qua Mỹ học, phải học tại trường được phép của Sở Di trú cho dạy thêm du học sinh. Trường hợp Anh Tử, vì nó chỉ mới 17 tuổi nên trường cũ  cho nó tiếp tục học lớp 12.  Theo luật lệ Mỹ, con nít dưới 18 tuổi phải học hết lớp 12, không cần biết tình trạng di trú của chúng như thế nào. Nhưng khi tốt nghiệp trung học rồi, chúng không thể tiếp tục học cao hơn nếu chúng bị out of status (tình trạng bất hợp pháp của du học sinh vì đã không học theo đúng quy định).
-Anh nói lạ. Học một cách hợp pháp, được cấp bằng, đậu cao, được khen thưởng mà lại không ...
-Tôi hỏi anh: Khi trường cao đẳng hay đại học nhận cho Anh Tử học thì trường nào sẽ chuyển nó lên "  Cái trường trung học như anh nói không chuyển được vì họ không nhận Anh Tử một cách chính thức. Anh hỏi lại xem, trường này đâu có đòi hỏi I-20 khi nhận Anh Tử học. Trường cấp I-20 cho Anh Tử cũng không chuyển được vì Anh Tử đâu có học, mà khi con nhỏ không học thì họ đã báo cáo lên Sở Di trú là con nhỏ out of status. Thôi, tuỳ anh. Dù sao tôi cũng sẽ nhắc anh lại một lần nữa rồi thôi. Nhắc nhiều lần anh lại tưởng nhầm...
-Anh khỏi cần nhắc. Bạn tôi ở Mỹ khi anh còn ở trong trại cải tạo...
-O K, chúc may mắn.
Tôi bực quá, quên cả việc đòi tiền. 
Ngày hôm sau, dù không phải cuối tuần, Anh Tử cũng nhờ một người bạn chở nó đến gặp tôi. Nó chạy đến bá cổ tôi:
-Con mừng quá bác ơi. Nhưng con cũng buồn vì không ở gần bác, chú Tám, bạn ba con, đã xin cho con tiếp tục học lớp 12.
-Bác biết rồi. Không được...
-Sao vậy bác"
Tôi kể lại cho Anh Tử nghe những gì đã kể cho ba nó.  Ngược lại với ba nó, Anh Tử nói:
-Chết con rồi. Để con nói với ba con.
Nói xong nó vội vã ra về, mặt buồn hiu.
Buổi tối Anh Tử gọi điện thoại cho tôi:
-Con nói cái này bác đừng nói lại với ai nghe.
-OK, bác hứa.
-Chú Tám nói bây giờ "người ta" làm ăn lưu manh lắm. Con được một trường trung học công lập lớn cho học như vậy mà lại nói bất hợp pháp. Chắc muốn ...kiếm chác. Nhưng con tin bác.
Dù Anh Tử có tin tôi hay không, nó vẫn còn lệ thuộc gia đình và vẫn tiếp tục học lên lớp 12. Cuối năm học đó Anh Tử tốt nghiệp trung học hạng ưu. Nó được trường đề cử đứng trên bục đọc diễn văn. Lễ tốt nghiệp được quay phim sang vào DVD và DVD được gởi về Việt Nam. Gia đình sang DVD ra rất nhiều bản. Bà con bạn bè Anh Tử xúm nhau xem DVD, trằm trồ, khen ngợi... ồn ào còn hơn cả xem Paris by Night.
Nhưng nỗi vui này không kéo dài được bao lâu.  Không một trường cao đẳng hay đại học nào nhận Anh Tử. Nó đã bị out of status  8 tháng trước đây.
-Bậy quá, tôi không nghe lời anh. Có cách gì không anh"
Ông Đại Bửu đã hỏi tôi như vậy qua điện thoại. Ông ta tiếp:
-Tôi nghe người ta bày Anh Tử nên trở về Việt Nam, rồi xin phỏng vấn lại.
-Rất khó .  Cháu đã bị ghi "sổ đen" vì không rời khỏi Mỹ trước khi visa hết hạn.
-Hay cứ để nó ở lại Mỹ, tìm cách kết hôn"
-Anh Tử chỉ muốn đi học. Ở lại Mỹ mà không học...
-Thôi, để tôi cho cháu về rồi tính sau.
*

Tháng 3 năm 2008 tôi về Việt Nam thăm mẹ tôi trở bịnh nặng.  Một hôm tôi quá giang xe hơi của một người bạn đi thăm mồ mả tổ tiên được an táng nơi quê nhà cách Thành phố Đà Nẵng trên 10 cây số.  Sau đó tôi đi bộ dọc theo đường xe lửa, lo lắng không biết phải về Đà Nẵng bằng cách nào, thì thấy một phụ nữ đi xe gắng máy đến gần tôi. Mặt người này che kín bởi một cái khăn, chỉ chừa đôi mắt sau cặp kính trắng.
-Chú!
-Xin lỗi, ai đây"
-Anh Tử.
- Ôi chao! Con đi đâu đây"
Chúng tôi cùng nhau đi vào một quán nước bên đường. Anh Tử lấy khăn che mặt ra:
-Bụi bặm quá, hơn nữa sợ da ăn nắng, con phải che kín mặt. Phụ nữ ở đây ai cũng làm vậy.
Tôi nhìn Anh Tử. Nó chẳng khác trước bao nhiêu, chỉ hơi đen. Tôi nói:
-Đáng lẽ bác nhận ra con ngay nhờ đôi mắt con sau cặp kính, nhưng vì con gọi "chú" nên bác hơi nghi. Sao lại "chú"" Trước đây con gọi "bác"...
-Tại chú trông trẻ hơn trước, còn con thì già hơn.
-Chắc  mắt  con bị  hoa rồi.  Mà  con đi đâu đây"
-Thăm mộ ông bà nội.
Anh Tử buồn bã trả lời. Nó trông còn buồn hơn khi nói tiếp:
-Vậy là giấc mơ Mỹ quốc của con đã tan thành mây khói. Tan vĩnh viễn. For ever and ever.  Con đi phỏng vấn 6 lần đều bị từ chối.
-Bây giờ con làm gì"
-Con dạy tiếng Anh
Tuy mùa xuân đã hết nhưng hôm đó trời mát dịu. Những cây hoa nhỏ không tên mọc đầy hai bên đường. Trời trong xanh, không một gợn mây. Anh Tử và tôi thả bộ dọc theo con đường xe lửa.
-Tàn một giấc mơ-Anh Tử nói.
Tôi biết tâm trí nó luôn luôn ám ảnh bởi việc du học. Thật tội nghiệp!  Sự ngu dốt, ngoan cố của Đại Bửu đã hủy hoại tương lai huy hoàng của AnhTử.  Tôi an ủi:
-Ai cũng có ít nhất một giấc mơ. Nhưng không phải giấc mơ nào cũng thành hiện thực.
-Giấc mơ của con không thành hiện thực là tại ba con.
-Thôi đừng suy nghĩ nhiều.  Còn do may rủi hay định mệnh an bài.  Nếu không có ông Tám; nếu hồi đó con cương quyết hơn; nếu hồi đó bác thúc hối con thêm  lần nữa thì mọi sự có thể đổi khác.
-Ba con cũng nói tương tự như chú vậy. Ba con vẫn còn...ngoan cố. Ba con là người có trách nhiệm lớn trong việc này, không thể đổ lỗi cho người khác được.
Chúng tôi đi ngang qua khu vực làng.  Nhớ lại câu chuyện kể về người đàn bà bị rớt từ trên xe lửa xuống, tôi lẩm bẩm:
-Nếu bà ta không từ trên xe lửa rớt xuống thì chẳng  có chuyện gì về con nhỏ này để nói.  Nếu Đại Bửu không mơ thành ông nội mình, có lẽ ông ta đã không đi tập kết.
Anh Tử mãi nhìn vào sân của một ngôi nhà ven đường, không để ý đến vẻ trầm ngâm của tôi. Thông thường mỗi lần thấy tôi trầm ngâm như vậy, nó hay hỏi: "Bác nghĩ gì vậy bác"".
-Mùa này mà vẫn còn hoa mai- Anh Tử nói.
Nó đi vào sân ngôi nhà, ngắt một cành mai nhỏ đem ra. Một con chó nhỏ như con mèo từ đâu đó chạy ra rượt theo Anh Tử, sủa "gâu, gâu". Anh Tử giả bộ tiến về phía con chó thì con chó lại thụt lui. Tôi cười nói:
- Đây là  "Cẩu binh pháp". Địch lui, ta tiến; địch tiến ta lui. Chắc không có ai ở nhà. Nếu có, họ bắt con...
-Hú vía!
-Nếu cây mai này trổ hoa đúng mùa thì không ai để ý đến nó cả vì nó cũng chẳng đẹp gì cho lắm, mà con cũng chẳng thèm ngắt cành hoa này làm gì.  Trường hợp con cũng vậy, ít có du học sinh nào tốt nghiệp high school Mỹ rồi về đây dạy học.
Thật vậy.  Trong mấy năm làm dịch vụ này tôi thấy cũng có em tiếp tục học lớp 12 như Anh Tử, nhưng vẫn ghi tên học thêm một môn gì đó, thường là tiếng Anh, theo chương trình F-1, nên sau đó vẫn được chuyển lên college hay university.  Chỉ có Anh Tử là độc đáo như cái tên của nó.
Nghe tôi nói, Anh Tử cười:
-Phải, chú! Người ta quý con lắm.
Tôi cầm cành mai nhỏ Anh Tử vừa trao và đọc hai câu kệ thi của Mãn Giác Thiền Sư:
 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai)
Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến