Hôm nay,  

Dâu Gia Trên Xứ Cờ Hoa

02/09/200900:00:00(Xem: 132352)

Dâu Gia Trên Xứ Cờ Hoa

Tác giả: Huỳnh Anh
Bài số 2716-16208787- vb490209

Tác giả là một cư dân cao niên tại Westminster, tự sơ lược tiểu sử: 1963-1975: Dạy học tại Việt Nam; 1975-1985: Thầy giáo tháo giày; 1985-2003: Làm đủ mọi nghề tại Mỹ, từ thượng vàng đến hạ cám, từ "nhân viên gửi hàng và nhận hàng" đến giảng viên Đại Học; 2003 đến nay: Về hưu. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một chuyện vui về quan hệ gia đình tại Mỹ. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***
Tôi vốn là dân Hán hẹp tức là chỉ biết đôi chữ Hán, "biết" đây có nghĩa là nghe và hiểu, còn "noái" đến chuyện Viết thì thật tôi chỉ viết được có mấy chữ quèn gồm có chữ Nhất, Nhị, Tam, Thập và một chữ Nhân mà tôi rất thích vì giống một anh chàng đứng chàng hảng hai chân ra, trông tượng hình đáo để. Thế nhưng tôi lại thích trích dẫn chữ Hán vì muốn người ta nghĩ tôi là thông thái.
Tôi rào trước đón sau như thế là tôi muốn trích dẫn một câu mà tôi thường nghe các bậc trưởng thượng phán lúc răn dạy người đời:
"Bất lung, bất á, bất hảo gia ông, gia bà"
Thưa thật với quý vị, tôi chỉ nhớ mang máng ý nghĩa và dịch đại ra Hán tự ăn đong, nếu có sai lầm thì xin rộng lòng tha thứ. Tôi xin quảng diễn ra như sau đây để quý vị thấy rằng thì là tôi cũng không đến nổi quá tệ: Tôi xin dịch ra từng chữ một như thế này: "Không điếc, không câm thì không phải là ông gia, bà gia tốt". Quý vị có thấy tôi là một nhà Hán học chưa nào" Lung là điếc, á là câm, bất là chẳng, như trong câu: "Thực bất tri kỳ vị" là ăn mà chẳng biết mùi vị. Hảo là tốt, ông gia, bà gia thì đảo ngược lại là gia ông, gia bà để thành chữ Hán. Như vậy là có ngay một câu Hán văn xanh rờn, phải không quý vị"
Tôi suy ngẫm mãi là tại sao các nhà hiền triết lại chỉ muốn các ông gia, bà gia và nhất là bà gia phải câm, phải điếc mà không cần phải mù. Sau cùng, qua kinh nghiệm bản thân và qua các trường hợp điển hình của thân bằng quyến thuộc, tôi ngộ ra rằng không cần phải đui mù vì dù cho có thấy những cảnh đau đớn lòng, những cái nguýt, cái háy dài hàng cây số của những nàng dâu ngoan hiền và những cảnh chướng tai gai mắt, nhưng nếu không nghe được tiếng bấc tiếng chì, tiếng chưởi rủa sau lưng, và lại bị á khẩu thì ta chẳng làm gì được sất.
Thái độ câm nín này mới thật đáng đồng tiền bát gạo, mới thật là đáng ngợi khen, mới thật xứng danh là ông gia bà gia tốt. Nếu mà nghe được, nếu mà nói được thì làm sao tránh khỏi cảnh nổi tam bành lục tặc, la hét mắng mỏ hay trách móc hờn giận. Thử tưởng tượng ta ở chung nhà với con trai, với con dâu, mà suốt ngày phải làm tôi mọi cho chúng, nấu ăn, rửa chén, rửa bát, quét dọn nhà cửa trong khi đó, nàng dâu đi làm về, bày biện đủ mọi thức ăn, thức uống mua ngoài chợ về, cùng chồng con phè phỡn, khua đũa, dao, muỗng, nĩa, chẳng thèm mời đưa đẩy bố mẹ chồng một tiếng gọi là lịch sự, xã giao kiểu Á Đông của ta. Thế thì có tức cành hông ra không cơ chứ"
Nghĩ lại thì chúng nhiễm văn minh Mỹ quốc lắm rồi! Đi cùng Bố Mẹ ruột chứ đừng nói là Bố Mẹ chồng, vào nhà hàng ăn uống thì con trả tiền phần ăn của gia đình con và Bố Mẹ trả phần của Bố Mẹ. Thế thì làm thế nào mà chúng biết phép xã giao và tình nghĩa để mà mời Bố Mẹ một miếng ăn, một hớp uống. Mà đã biết là có mời thì Bố Mẹ cũng từ chối, thế thì hơi đâu mà bày vẽ xã giao, lắm chuyện nhiêu khê. Sống thực tế là hơn hết!
Nhưng khổ nỗi, ăn uống, chi tiêu thì thực tế lắm, riêng tư lắm! Nhưng đến vấn đề chén bát dơ, ăn xong, để nằm một đống thì lại là công việc chung, Bố Mẹ, nếu thấy gai con mắt thì chịu khó dọn dẹp, lau rửa cho sạch nhà, sạch cửa vì nhà là nhà chung, chúng ta cùng ở, cùng "share". Hai vợ chồng già ở một căn nhà rộng lớn có con và dâu "chịu khó" ở chung bầu bạn với mình là hạnh phúc lắm rồi, là đã được ban nhiều ân huệ lắm rồi vì chúng chịu share nhà share phòng dù  không trả tiền thuê mướn nhưng nhờ vậy mà ta được ở gần cháu nôi, sớm tối đùa giỡn với chúng, không phải là khoái lắm ư.
Những cặp vợ chồng già không có con  và dâu ở cùng, ngày ngày hai con khỉ già ra vào gặp nhau, chẳng phải là một nỗi bất hạnh hay chăng. Cân nhắc hơn thiệt thì thấy lợi nhiều bề nên không có gì mà ầm ĩ khi hàng ngày phải bỏ công quét dọn nhà cửa, thu vén đồ đạc mà con dâu vứt bừa bãi tứ tung trong nhà, không có thì giờ sắp xếp ngăn nắp trật tự vì bận đi shopping, đi dự party, đi xem ca nhạc Thúy Nga Paris, xem cinéma vv... mà quên nghĩ rằng Bố Mẹ chồng cũng ngày làm việc 8 tiếng như mình. Có tức giận lắm, muốn nói với con trai, bảo nó phải răn dạy vợ thì hắn đã quên không dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về nên nay đành chịu. Hơn nữa, không biết hắn giống ai trong giòng họ, không biết có phải giống Bố nó hay không mà lại trót theo đạo thờ Bà nên chẳng bao giờ dám răn dạy vợ mà lại còn cưng chiều vợ hết mình và hình như nó có "tật" nên giật mình, lỡ ăn vụng đâu đó nên về nhà phải o bế vợ xem như là một phương thức chùi mép cho kỹ. Suy nghĩ cho cùng thì mình phải chìu chuộng dâu chứ không như ngày xưa dâu phải chìu bà gia, vì nếu không ăn ở cho vừa lòng dâu thì nó rủ rê con trai mình dọn nhà ra ở riêng và mình phải xa cháu nội, buồn lắm chứ không phải chơi đâu.
Tôi có cô Em họ đến vấn kế tôi trước khi làm lễ thành hôn cho con trai vì cô ta muốn con trai và dâu ở chung nhà để hôm sớm có nhau cho vui nhà vui cửa. Tôi được dịp bèn đem sách Thánh hiền ra giảng giái:
"Bất lung, bất á bất hảo gia ông, gia bà."
Cô Em tôi nghe tôi trình bày khúc chiết, có gốc có ngọn, ngẫm nghĩ thấy thật là chí lý và nghe ra rất có thể hiệu nghiệm nên phục tôi qúa chừng, không ngờ ông anh gàn bướng mà lại có được những lời khuyên bảo vàng ngọc như thế nên hí ha hí hửng ra về, phen này quyết bắt con dâu ở chung nhà với mình. Tôi đã thành thật bảo cô ta rằng lý thuyết thì như rứa nhưng trên thực tế không phải giả câm, giả điếc dễ dàng đâu.


Tôi kể chuyện tôi có anh bạn, ngày xưa, muốn trốn tránh quân dịch, đã giả điếc vì thời bấy giờ y học chưa tiến bộ để có đủ máy móc đo được mức độ điếc của đôi tai. Anh ta tưởng rằng dễ dàng qua mặt được Trường Bộ Binh Thủ Đức, ai ngờ anh ta đã phải trải qua một giai đoạn thử thách đầy cam go mà may mắn lắm anh ta mới thành công. Anh ta bảo rằng nếu không đầy đủ ý chí và nghị lực thì anh ta đã bị lộ tẩy rồi. Nhiều lúc, đang đi trong sân trường, anh bỗng nghe gọi tên anh ở đàng sau lưng, không biết có phải người ta muốn "test" anh không. Phản xạ tự nhiên, đã đôi lần, anh suýt quay mặt lại, nhưng nhờ ý chí mãnh liệt nên anh đã ghìm lại đươc. Không những thế, anh phải biết cân đo âm thanh thật kỹ để biết được tiếng gọi lớn cở nào thì anh bắt buộc phải nghe được chứ không thể tảng lờ mãi vì anh không điếc đặc. Có lúc, bạn bè hay sĩ quan cán bộ nói xấu anh, chửi bới anh thậm tệ để thử phản ứng của anh, anh cũng phải giả điếc xem như không nghe thấy gì. Sau ba tháng ở quân trường, anh đã được xác nhận là điếc thật và đã được cho giải ngũ. Cũng không ai rỗi công, theo dõi anh để xem tại sao điếc như vậy mà sau này anh lại có thể tốt nghiệp dược sĩ. Tôi nhớ tôi đã bảo anh ta là anh may mắn lắm mới được giải ngũ vì quân đội rất cần những người can đảm như anh vì "điếc không sợ súng" mà lị.
Cô em họ của tôi, chẳng biết mần ăn  ra làm răng, cư xử có đúng như lời kuyên của tôi không, mà chỉ hơn một tháng, sau ngày rước dâu, cô dâu quý của cô ta đã rủ rê chồng ra thuê nhà ở riêng dù căn nhà của Bố Mẹ chồng rộng thênh thang khó thể giáp mặt nhau vì giờ giấc làm việc khác nhau, ăn uống cũng ít khi ăn chung, họa hoằn lắm mới phải nhếch mép chào nhau khi tình cờ đối mặt trong hành lang. Tự do và xa lạ như người dưng share phòng, thế mà cũng không hòa thuận nổi. Khó lắm thay, như tôi đã cảnh cáo!
Sau đây xin kể hầu quý vị một tấm "gương" câm điếc của Bà gia:
Một hôm, chúng tôi đến thăm một người bạn, chúng tôi may mắn được gặp nàng dâu trong gia đình, một "cô bé" nhỏ nhắn, xinh xắn và lịch thiệp. Bà bạn nhỏ nhẹ bảo cô ta: Con xem, có cần Bố và Bác T. phụ giúp khuân cái TV sang phòng bên cạnh không. Nàng dâu không thèm trả lời! Vài phút sau, tôi tưởng như động đất. Nghe tiếng động ầm ầm và sàn nhà bằng ván gỗ rung bần bật. Ông bà bạn nháy mắt, nhìn chúng tôi, có ý bảo hảy bình tĩnh, không có gì đáng lo ngại. Lúc cơn động đất đã đi qua, trong lúc chờ đợi những cơn hậu chấn, ông bà bạn đưa chúng tôi sang phòng bên cạnh chỉ cho xem một cái TV to tổ bố đã được cô dâu dáng người mãnh khãnh chuyển thần lực đẩy từ phòng này sang phòng nọ, khiến căn nhà như gặp cơn động đất.
Bà bạn giải thích: Gần một tháng nay, tôi bảo vợ chồng nó dọn dẹp căn phòng trước đây tụi nó ở nhưng nay không dùng nữa vì nhà đã làm thêm một tầng lầu để tụi nó ở cho biệt lập, riêng tư. Chúng tôi muốn dùng căn phòng đó để cho nhà tôi làm việc như một cái office nho nhỏ. Tụi nó cứ hẹn lần, hẹn lữa và không chịu dọn dẹp. Nay, có lẽ vì tôi thúc hối nó, nên nó giận và đã dùng hết sức bình sinh đẩy cái TV ra khỏi phòng như biểu tỏ một sự phản kháng ngấm ngầm, cố ý làm cho đã "nư".
Tôi nghiêng mình thán phục bà bạn đã áp dụng nhuần nhuyễn câu phưong ngôn:
"Bất lung, bất á, bất hảo gia bà"
Trên đây là trường hợp gia đình hạnh phúc, cha mẹ, con trai và dâu đoàn tụ dưới một mái nhà. Tôi xin mô tả một vài cảnh đời trong đó con trai, dâu và ông bà già chồng không cùng chung sống dưới một mái gia đình. Bà bạn chúng tôi tâm sự:
Mình cũng học hành trường Tây, trường đầm ngày xưa, cũng văn minh, văn hóa Âu Tây chứ đâu có phải quê mùa, ruộng vườn gì, vậy mà mỗi lần đi thăm cháu nôi là cái con dâu trời đánh nó kiểm soát mình từng hành động nhỏ bé. Có hôm, nó bảo mình: Mẹ đi ngoài dường vào, bụi bặm, mẹ đi rửa tay đi rồi bồng cháu nội. Mà mình đâu có cuốc bộ, nhọc nhằn, mồ hôi mồ hám gì cho cam, mình cũng đi xe hơi có máy lạnh hẳn hoi, mát mẻ, áo quần sạch sẽ, chỉ đi một đoạn đường ngắn từ driveway nhà nó rồi vào nhà, thế mà nó bắt mình phải rửa tay trước khi ẵm cháu làm tự nhiên mình mất gần hết nỗi háo hức nựng nịu cháu cưng. Tôi bảo: Chị thế là còn may chứ có nàng dâu bắt mẹ chồng phải thay áo quần trước khi bế cháu đấy. Sau khi nguýt tôi một cái sắc như dao cau, bà bạn lại kể tiếp: Mình cho cháu nội ăn bất cứ thứ gì, con mẹ nó cũng nhìn chằm hăm thiếu đường muốn phân tích xem trong thức ăn có những ingredients gì có hại cho sức khỏe của con nít không. Tôi lại đưa một đường phê bình kiểu Kim Thánh Thán: Có con dâu trí thức thế chẳng khoái lắm ru! Lại một cái lườm mắt ướt rườn rượt! Bà bạn ức lòng tuôn ra tiếp nỗi ấm ức bấy lâu nay không có người tâm sự: Mình thương cháu nội nên lúc về VN, mua cho nó biết bao nhiêu là áo quần đẹp, thế mà con mẹ nó chê và chẳng bao giờ thấy nó cho cháu mình mặc áo quần mua từ Việt Nam mang sang. Thế có tức không cơ chứ" Tôi bảo: Như vậy, lần sau về Việt Nam chị khỏi tốn tiền mua quà cho cháu. Nghe tôi phá thối, bà bạn ngưng, không kể tiếp nỗi khổ của bà gia đời nay trên xứ Cờ Hoa.Tôi nghĩ thầm trong bụng cở như bà này thì còn khuya mới có được hạnh phúc dâu ở cùng nhà.
Bây giờ đến trường hợp dâu là người ngoại quốc.
Ông bạn tôi tâm sự: Mầy biết không, con trai tau lấy vợ Mỹ đẻ được thằng cháu nội đẹp như tài tử tí hon. Tau muốn đến thăm cháu mà chỉ dám đến thăm vào mùa Đông. Tôi chưa kịp hiểu thì bạn tôi giải thích: Mùa hè nóng nực, tuy trong nhà cũng có máy điều hòa không khí mà con dâu tau nó chỉ mặc phong phanh trên người hai mảnh vải tí ti, để lộ ra thịt da ngồn ngộn, đi lui đi tới trong nhà, lúc lắc, rung rinh trông xốn con mắt quá. Chẳng thà ngoài bãi biển hay bên hồ tắm, đàng này ngay trong căn phòng khách, tau muốn không nhìn mà cũng phải nhìn, sợ quá. Thôi thì chỉ  nên đến thăm cháu vào mùa Đông khi con dâu Mẽo ăn mặc kín đáo, nhiều vải vóc trên người.
Đến đây, xin chấm dứt bài viết về dâu gia trên xứ Cờ Hoa vì sợ làm nản chí quý vị già dịch đang hăm he về Việt Nam cưới vợ trẻ hơn con dâu. Dâu nhỏ đã khổ lắm rồi, bây giờ lại muốn rước thêm một bà dâu lớn, vai vế là mẹ kế cô dâu hiện tại thì e rằng thế chiến sẽ xảy ra trong gia đình.
Dĩ nhiên, trên đây chỉ là những trường hợp đặc biệt chứ không phải gia đình Việt Nam nào định cư ở Hoa Kỳ cũng gặp phải những hoàn cảnh dâu gia dở khóc, dở cười như thế.Và không phải ông gia, bà gia nào cũng phải giả câm giả điếc cho gia đình yên ấm ở xứ Cờ Hoa tự do này...
Huỳnh Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,576,396
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến