Hôm nay,  

Liễu Buồn Nha Trang

01/09/200900:00:00(Xem: 108839)

Liễu Buồn Nha Trang

Tác giả: Long Châu
Bài số 2715-16208786- vb390109

Tác giả tên thật Phan Kỳ Long, vượt biển sang Mỹ năm 1990, hiện sống và làm công việc của một  kỹ sư điện toán tại tiểu bang Oregon. Với bút hiệu mới là Long Châu, ông từng nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2006.  Bài viết gần đây nhất của ông là "Tượng Phật Gẫy" và “Tình Cũ”. Bài mới la hồi ký về cô cháu dâu vắn số, từng một thời cùng chồng là đôi song ca quen thuộc tại các tụ điểm ở thành phố du lịch Nha Trang.

***

Nha Trang ngày về
....tháng 5 năm 2009
Hôm trên ngọn đồi lộng gió, thắp nén nhang thăm Liễu, tôi nhận ra, có những đau khổ mất mát của đời người, thời gian chẳng thể làm liều thuốc nguôi quên, hương linh người đã mất, làm sao siêu thoát với đau khổ tiếc nuối của người còn sống"
 
Nha Trang ngày đó...
Tôi gặp Liễu lần đầu, cũng là lần cuối mùa hè năm 1987 tại Nha Trang. Sau ngày mẹ tôi mất, ba tôi trở về nhận mặt con, sau đó ông dẫn ra Nha Trang thăm cùng giới thiệu tôi với gia đình người chị cùng cha khác mẹ. Gia đình bà chị ở khu máy nước, phường Phước Tân, mười đứa con nheo nhóc, ông anh rể lúc đó đang còn trong trại cải tạo ngoài Bắc. Chị tất bật với một gánh hàng cơm nhỏ, bán ngoài ga xe lửa Nha Trang, các con thì thay phiên nhau, đứa nhỏ phụ mẹ bưng cơm cho khách, rửa chén, đứa lớn bán trà đá, mía ghim cho hành khách nhà ga. Minh là người con trai trưởng của chị, vai vế là cháu, nhưng Minh lớn hơn tôi chỉ một tuổi, và Liễu là người vợ rất trẻ của Minh.
Trong ký ức tôi, Liễu lúc đó khoảng 20 tuổi, dáng người cao cao, mái tóc dài, làn da bánh mật, rám nắng khoẻ mạnh của cô gái miền biển, khuôn mặt thật duyên dáng dễ thương. Ông cậu trẻ lúc đó cứ lẩm bẩm trong bụng "thằng cháu mày may phước có con vợ đẹp thế!"
Thật tương phản, gia đình mẹ và các em lam lũ làm ăn đầu tắt mặt tối, trong lúc Minh-Liễu sinh sống bằng nghề...ca sĩ! Dạo đó, ảnh hưởng từ phong trào văn nghệ Saigon, là thành phố du lịch, Nha Trang cũng bắt đầu có nhiều tụ điểm cafe ca nhạc sống trong thị xã, Minh-Liễu dược mời hát mỗi đêm tại nhiều tụ điểm văn nghệ đó. Buổi tối, khi mẹ và các em quần áo rách rưới, dơ bẩn từ nhà ga dọn hàng về, cũng là lúc Minh Liễu trang phục lộng lẫy, rời khỏi nhà đến các tụ điểm ca nhạc, bắt đầu một đêm biểu diễn. Minh Liễu có mời chúng tôi đến ăn tối, nghe một đêm hát của nàng và Minh, tôi còn nhớ giọng Minh thì hát chỉ nghe mạnh hơi, nhưng đôi song ca Minh-Liễu được ưa chuộng, chính là nhờ giọng ca mượt mà ngọt ngào của Liễu, hao hao giống kiểu của ca sĩ Cẩm Ly bây giờ. Trong ký ức của thằng thanh niên mới lớn lúc đó, hình ảnh Liễu và Minh rực rỡ trên sân khấu thật đẹp. Một đôi song ca kiểu này, với phong trào văn nghệ rầm rộ như bây giờ, có thêm bầu xô quảng cáo khéo cùng chút may mắn, có khi cũng khá có tên tuổi.
Tuy vai cậu cháu nhưng cùng trang lứa, chúng tôi rất dễ thân nhau. Suốt hai tuần ở Nha Trang, Minh Liễu đi đâu cũng rủ tôi đi theo. Nhớ buổi đầu dắt chiếc xe máy ra cửa, Minh băn khoăn không biết đi sao, chỉ một chiếc xe nhưng có đến ba người, Liễu nói ngay "anh chở luôn be đứa có seo đâu" (tiếng người bản xứ Nha Trang, nói chữ a thành âm e). Thiệt tình thú tội, cái cảm giác của thằng thanh niên cậu mới lớn, ngồi phía sau xe, Liễu ngồi giữa, Minh chạy xe nhanh, hai tay tôi phải vịn chặt vào hông Liễu để khỏi té, thằng cậu tôi phải niệm Phật dữ lắm để tâm tránh không nghĩ đến những điều chộn rộn!
Nhiều buổi tối, sau buổi hát, ba đứa chúng tôi còn đi uống cafe, rồi lang thang trên con đường Trần Phú, chạy dài dọc theo bờ biển Nha Trang, gió biển thổi vào mát rượi, tâm sự nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Liễu còn đòi giới thiệu một người bạn gái thân cho ông cậu trẻ, rồi lại lém lỉnh cười khúc khích:
- Mà thôi, lỡ xui nó chịu lấy cậu, cháu phải gọi nó bằng mợ, không được đâu.
Có lần Minh Liễu dắt tôi đến ăn một quán bình dân nhỏ, bán món mì Quảng nổi tiếng của Nha Trang, thấy tôi ăn chắc ngon lành quá, sau đó, cứ vài ngày là Liễu lại đề nghị Minh chở tôi đến thưởng thức lại món ăn độc đáo đó của thành phố biển.
Hôm chúng tôi chia tay trở lại Saigon, Minh Liễu đưa tận ra bến xe, Liễu bước đến gần, xiết chặt tay, nói nhỏ:
- Hẹn gặp lại, tụi cháu sẽ vào Saigon thăm cậu.
Nhưng rồi sau đó, tôi đã không còn có dịp nào gặp lại Minh và Liễu, cho đến ngày tôi rời Việt Nam tháng 4 năm 1988.
*
Dòng đời trôi nhanh, bao nhiêu điều xảy đến trong cuộc sống -số phận, sống tha phương, có nhiều lúc tôi nhớ về quê hương, nhớ đến hai người bạn-cháu Minh và Liễu. Hỏi thăm gia đình ba tôi trong những lần gọi phone về VN, cũng mừng, được biết hai người bây giờ đã có hai mặt con, đứa gái, đứa trai, gia đình hạnh phúc. Hai người bây giờ không còn đi hát, chuyển sang làm kinh doanh xe đò chuyên chở hành khách tuyến đường Nha Trang-Đà Nẵng-Huế.
Tháng trước, bỗng nhận được tin gia đình bà chị đã sang Mỹ theo diện nhân đạo, hiện định cư ở thành phố Rockford Chicago; ông anh rể đi cải tạo hơn 12 năm, đáng lý gia đình đã rời VN theo diện HO từ lâu, bị sự chậm trễ vì giấy tờ bị trục trặc, cùng những quyết định đổi ý nhiều lần ở hay đi. Cả nhà cuối cùng sang Mỹ, chỉ năm đứa con còn độc thân cùng đi, năm đứa lớn đã có gia đình, ở lại VN.
Gọi phone thăm gia đình, câu đầu tiên là tôi hỏi thăm về Minh Liễu, bà chị im lặng một lúc, rồi buồn buồn trả lời:
- Cháu Minh không được đi vì đã có gia đình, nhưng Liễu thì...
Liễu, như phần đông người dân ở Nha Trang bị viêm tai nặng, do thói quen tắm biển hầu như mỗi ngày để tai luôn bị ẩm ướt vì nước. Trường hợp của Liễu, hình như căn bệnh đã nặng, lan thành viêm màng não hay sao, Liễu bị chứng bệnh nhức đầu kinh niên ghê gớm, bà chị kể lại, mỗi lần cơn nhức đầu lên, sự đau đớn đến nổi, Liễu cứ đập đầu ầm ầm vào tường, mong bể đầu để được chết, gia đình can ngăn mãi không được, sợ quá, phải chêm gối đệm theo mỗi lần Liễu lao đầu vào tường.
Liễu theo đạo công giáo, hàng đêm mọi người nghe nàng lần chuổi hạt mân côi, xin Đức Mẹ được...chết! không hiểu sao, Liễu không cầu xin được khỏi bệnh, mà lại xin được chết đi"


Một buổi chiều, có lẽ lời nàng cầu xin được linh ứng, Minh chở Liễu bằng xe honda đi dạo trên con đường dọc biển, một chiếc xe chạy lên từ cầu đá, tài xế uống rượu say, phóng nhanh, tông mạnh từ phía sau xe. Liễu bật té xuống đường, đầu đập vào thành đá, chết ngay lập tức, Minh cũng văng té nhưng chỉ bị thương nhẹ. Bà chị kể lại, lúc Liễu chết, người dân hiếu kỳ kéo đến xem, ai cũng tưởng nàng có thai, đầu bị đập nát vào đá, bụng bị dồn hơi, phình lên thật to như bụng người có mang.
Đứa trai út tên Lương, 12 tuổi, thương mẹ nhất nhà, vẫn không chịu tin là Liễu đã mất. Nó không chịu đi học, không chịu ăn uồng gì, suốt ngày buồn chỉ ủ rủ thơ thẩn loanh quanh trong nhà, gia đình hỏi đến an ủi, khi nói Liễu đã chết rồi, nó nổi giận gào lên:
- Đừng có nói mẹ chết mà, mẹ đi chơi rồi mẹ về.
Một buổi trưa, bà chị kể lại, hai đứa con qua nhà nội chơi, Minh ở nhà một mình đang soạn lại giấy tờ, chợt nghe tiếng chân đi mạnh trên căn lầu gỗ, mỗi bước chân hơi có tì mạnh xuống sàn theo từng nhịp đi, Minh biết đó chính là kiểu bước chân của Liễu, mới đầu Minh còn có chỉ hơi băn khoăn sờ sợ, nhưng khi nghe bước chân đến gần nấc thang cuối cùng để xuống nhà, Minh không còn giữ được bình tỉnh được nữa, theo phản xạ vọt chạy nhanh ra ngoài. Vừa lúc đứa em đưa hai đứa con trở về, Minh và mọi người chạy nhanh lại vào nhà (chỉ một cửa ra vào) thì không thấy ai.
Từ đó, căn gác nơi Liễu ngủ ngày xưa, không ai còn dám lên. Sau đó một tuần, vào ngày cúng 49 ngày cho Liễu, mọi người ngồi nói chuyện, Liễu chết trẻ linh thiêng quá, thương con thương chồng, chắc còn quanh quẩn trong nhà, nhất là trên lầu, thường nghe tiếng chân đi, kể cả vào lúc ban ngày. Buổi tối hôm đó, sau khi nghe mọi người kể vậy, thằng bé Lương tự dưng xách mền gối lên lầu ngủ một mình, nói con muốn gặp lại mẹ.
Minh thương con quá, chạy lên theo, dỗ con xuống nhà ngủ với ba, hay để ba ngủ đây với con, thằng nhỏ nhất định khóc đuổi Minh xuống nhà, thằng nhỏ mới 12 tuổi đầu, nức nở nói với ba, nghe mà đứt ruột:
- Ba xuống nhà đi đi, ba ở đây làm sao con gặp mẹ"
Cuối cùng, đêm đã khuya, Minh cũng đành xuống căn nhà dưới, để bé Lương ngủ một mình trên căn lầu rộng mênh mông lạnh vắng.
Minh dù xuống nhà nhưng lòng không an, chìm vào một giấc ngủ mệt mỏi không trọn, trời mờ sáng vội thức dậy chạy lên gác thăm con. Vừa tới chân lầu đã thấy thằng Lương ngồi một đống lù lù, mặt thằng nhỏ mặt xanh xao, đôi mắt sưng húp, quầng thâm đen hai vành mí, như người mất ngủ và khóc nhiều đêm, khuôn mặt vẫn còn nhạt nhòa nước măt, nước mũi. Minh hoảng quá, la to đến nổi đánh thức dậy mọi người trong nhà. Thằng Lương giọng vẫn còn trong tiếng khóc nấc nghen, kể lại...
Thằng Lương lên gác là ngủ ngay, đến nửa đêm chợt giật mình dậy, cảm thấy mắc tiểu, thắng nhỏ leo xuống nhà, lúc đó cả nhà đã ngủ say, từ nhà vệ sinh ra, thằng Lương bổng có ý ở lại dưới lầu ngủ với ba, nhưng nghĩ đến mẹ, nó lại leo trở lên lầu...lên tới nơi, vừa đặt lưng nằm xuống, thằng Lương thấy Liễu đã ngồi ngay trên đầu giường. Thằng Lương mếu máo kể trong sự căng thẳng thúc giục hỏi của cả gia đình, Liễu mặc bộ đồ áo thun trắng, quần jean (chính là bộ đồ Liễu mặc hôm bị đụng xe, thằng Lương tả lại chính xác, dù lúc Liễu chết và liệm xác, nó không có mặt), trên mặt, trán Liễu vẫn còn nhiều vết máu khô, thằng Lương còn rờ rờ trán mẹ, hỏi mẹ còn đau không, Liễu xoa đầu con âu yếm, trả lời mẹ đâu có đau, phận số đến lúc mẹ phải mất, con ở lại, phải ngoan nghe lời ba, cố gắng học hành, mẹ bây giờ đi ra Bắc thăm cô Thảo, mẹ sẽ trở lại thăm con với ba một lần nữa, rồi mẹ đi, nhớ nói với ba đừng nhận tiền bồi thường của người đụng xe, để mẹ được siêu thoát...nói với con đến đây thì hình bóng Liễu tan biến đi, thằng Lương khóc gào lên mẹ ơi mẹ đâu rồi, thằng nhỏ tiếp tục nằm khóc ri rỉ một mình suốt đêm trên căn lầu, cho đến lúc gần sáng, nó bò xuống nhà, thấy cả nhà còn ngủ, nó lại ngồi ở chân cầu thang, khóc tiếp.
Thảo là người bạn thân của Liễu, quen qua làm ăn, hợp tính trở thành bạn thân giao, sống ở Hà nội. Ngày Liễu mất, gia đình trong lúc tang gia bộn bề trăm mối, Minh cũng không có thì giờ nghĩ ra chuyện báo tin buồn cho Thảo. Sau đêm Liễu hiện về gặp con, Thảo chợt gọi điện từ Hà nội vào nhà hỏi thăm, nói lâu lắm không biết tin hai bạn, đêm chợt nằm mơ thấy Liễu vào nhà, cũng mặc bộ đồ áo thun trắng quần jean, mặt vẫn còn vết máu, buồn buồn nói lời vĩnh biệt. Sau khi biết tin Liễu thật sự đã mất, Thảo và gia đình vội vã từ Hà nội vào cúng thăm mộ Liễu, ở lại an ủi gia đình Minh đến hơn tuần mới về.
Liễu- câu chuyện huyền bí về em, có khi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của những người quá thương yêu em, những người tội nghiệp, em bỏ lại trên cái thế gian buồn nhiều hơn vui này. Chỉ biết chắc một điều, rằng em đã thực sự vĩnh viễn đi xa-trước. Chỉ gặp em có một lần rất ngắn ngủi trong đời, vậy mà ngày hôm nay, nghe lại câu chuyện kể về em, vẫn khiến tôi cứ có một nỗi buồn man mác trong lòng hoài. Thôi, xin gởi đến em một nén hương tưởng niệm dù đã trễ, thương mến, thân tạ tình bạn của em ngày đó, cầu mong em luôn đặng sự bình yên -an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Lần về Việt Nam vừa qua, ngay tuần lễ đầu tiên, tôi đáp máy bay thăm lại Nha Trang. Máy bay không đáp trực tiếp xuống Nha Trang, hạ cánh ở phi trường Cam Ranh, từ đó đi xe taxi về đến NT khoảng 30 phút. Lúc vừa xuống phi trường Cam Ranh, tôi đã gọi phone cho Minh. Về tới khách sạn Green ở Nha Trang, Minh đã có mặt, cậu cháu ra ngồi quán cafe nhìn ra biển khơi, tâm sự miên man...
Thấm thoát vậy mà gần hơn 20 năm, chúng tôi mới gặp lại nhau, từ ngày Liễu mất đi, cũng đã hơn nhiều năm, Minh vẫn ở vậy chưa lập gia đình.
-Còn trẻ, sao không lập lại gia đình cho đỡ buồn Minh"
-Thôi ở vậy lo cho con cậu ơi. Con vẫn nằm mơ thấy Liễu về hoài, ăn cơm, vui đùa với cha con, như ngày còn sống.
Cô cháu gái, con Minh-Liễu ngày xưa, lúc tôi gặp, mới sanh còn đỏ hỏn, nay đã lập gia đình. Cháu lấy chồng Công Giáo, hôm lên nhà thờ làm lễ, lên bục đọc lời hôn lễ kinh thánh, chợt bật khóc nức nở, ai nấy tưởng cô dâu trẻ xúc động ngày lên xe hoa về nhà chồng, an ủi, hỏi han, cháu chỉ nghẹn ngào: "con nhớ má". Con bé thường ngày ít nói, tưởng đã quên người mẹ vắn số từ lâu, khách dự ngày vui đám cưới, ai cũng nước mắt lưng tròng, khóc theo cháu.
Long Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến