Hôm nay,  

Trái Tim Mù Lòa

20/07/200900:00:00(Xem: 213566)

Trái Tim Mù Lòa

Tác giả: Karen N. Nguyen
Bài số 282-16208749- vb272009

Tác giả: Karen N. Nguyen
Bài số 282-16208749- vb872009

Karen N. Nguyen sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã nhận một trong bốn giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

***
- Dì Thư ơi, ba má gây lộn nữa rồi, con sợ quá hà. Dì Thư qua với tụi con đi.
Giọng con bé Tina đầy sợ hãi vang lên trong cell phone của Thư. Thư trả lời con bé:
- Dì qua ngay đây nè Tina. Con với anh Tommy vào phòng tụi con hay xuống basement đi.
Ba má gây lộn! Vợ chồng chị Khuê dạo mấy năm sau này gây lộn đều đều, và hầu như tháng nào Thư cũng nhận được ít nhất một cú phone từ hai đứa cháu của mình. Cái đám cưới tưởng là đẹp đẽ như mơ, tình tứ như thơ giữa chị Khuê và anh Tony Nghĩa sao bây giờ lại chuyển thành dĩa bay chén bay đều đều như cơm bữa. Tại sao vậy. Thư cũng chỉ biết đoán mò...
Chị Khuê ngày xưa đẹp lắm. Hai cô gái trong tranh của họa sĩ Tú Duyên với tựa đề "Đầu lòng hai ả Tố Nga" tóc đen dài mượt mà, khuôn mặt thanh tú, mắt long lanh như nước hồ thu, môi thắm như cánh hồng, hai cô gái ấy đẹp như thế nào thì chị Khuê còn đẹp hơn thế nữa, bởi chị Khuê là người thật, biết nói cười duyên dáng không thể tả.
Chị Khuê hơn Thư hai tuổi. Cấp ba, hai chị em học cùng trường, mãi đến năm Thư lên lớp 10 thì Thư mới biết là bà chị của mình nổi danh là một người đẹp của trường. Tan học, Thư cắm đầu cắm cổ lấy xe đạp ra khỏi bãi để xe rồi tức tốc đạp về nhà vì đói bụng. Còn chị Khuê thì cứ tà tà, thong thả đi bộ về nhà. Dáng chị Khuê măc áo dài trắng thướt tha, ôm cặp, đi dưới hàng me xanh lá, cứ y như là hình minh họa cho bản nhạc "Ngày Xưa Hoàng Thị" vậy. Mái tóc dài của chị Khuê có hôm được cột thành hai cái đuôi có thắt cái nơ lụa trắng, có hôm cột đuôi ngựa lắc qua lắc lại, có hôm đánh thành cái bím có cài cái hoa cúc trắng bằng vải ở tít cùng. Cái suối tóc huyền ấy làm rung rinh bao nhiêu cây si tan học ngồi đợi ở cửa trường. "Tại sao mầy với bà chị của mầy khác nhau quá xá cỡ vậy," tụi bạn Thư khi phát hiện ra chị Khuê là chị ruột của Thư đã thắc mắc như vậy, và Thư chỉ biết cười trừ.
Một cây si ngồi đợi chị Khuê ở cửa trường mỗi ngày về sau đã mời được chị Khuê lên ngồi trên con ngựa sắt của mình. Cây si ngồi chờ ở đầu ngõ nhà Thư mỗi sáng để chở chị Khuê đi học, ngồi chờ ở cổng trường để chở chị Khuê về nhà. "Cái thằng đó có đi học, đi làm gì không mà rảnh rỗi quá xá vậy kìa," má Thư bắt đầu thắc mắc khi thấy chị Khuê có được một tài xế hết lòng đưa đón, ngày nắng cũng như ngày mưa. "Ảnh đang đợi giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ," chị Khuê báo cáo với má Thư vậy.
Rồi thời gian qua, cây si có chuyến bay đi Mỹ cũng gia đình, đành bịn rịn chia tay với chị Khuê. Chị Khuê khóc sưng cả mắt luôn mấy ngày. Nghĩa, tên anh chàng, đi qua Mỹ rồi vẫn nhớ đến chị Khuê, viết thư gởi về đều đều. Rồi không biết anh chàng học được kiểu làm thơ con cóc ở đâu, cắm cúi viết mấy bài thơ gởi về cho chị Khuê, chị Khuê cho Thư coi, khuôn mặt đầy tự hào vì người hùng của mình thuộc loại văn hay chữ tốt, nhả ngọc phun châu. Thư đọc mấy bài thơ, miệng khen hay cho bà chị của mình vui, nhưng trong lòng chẳng thấy hay chút nào hết.
Nhà Thư cũng đợi giấy tờ bảo lãnh của người chú để đi Mỹ, thành ra sau khi học xong lớp 12, chị Khuê bắt đầu ghi danh đi học Anh văn. Rồi chị Khuê ghi danh đi học mấy lớp dạy nấu ăn, dạy cắm hoa, dạy làm bánh. Thư không biết là chị Khuê và anh chàng Nghĩa đã thề non hẹn biển đến mức nào, nhưng thấy rõ ràng là bà chị của mình đã trao trái tim cho anh chàng tên Nghĩa mất rồi. Bao nhiêu cây si tò tò đi theo chị Khuê sau giờ học Anh văn, không có cây si nào được đôi mắt đen với hàng mi cong vút của chị Khuê để ý tới hết.
Cuối cùng rồi gia đình Thư cũng đặt chân đến nước Mỹ sau bao năm trời chờ đợi. Thấm thoát mà đã sáu năm, thời gian giữa lúc anh chàng Nghĩa rời Việt Nam và lúc anh chàng Nghĩa đặt chân đến thăm nhà Thư ở Mỹ. Bây giờ thì phải gọi anh là anh Tony. "Cái tên Nghĩa trở thành middle name, gọi Tony người Mỹ dễ nói hơn," người hùng của chị Khuê giải thích với nhà Thư như vậy. Bây giờ, anh Tony đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ, làm computer engineer cho một công ty khá lớn ở Silicon Valley bên California. Chàng trai cao và ốm nhom ngày nào giờ là một người đàn ông nghiêm trang, đạo mạo, nói năng khôn khéo vô cùng.
Gần hai năm sau khi nhà Thư đến Mỹ, chị Khuê thỏ thẻ nói với ba má là anh Tony Nghĩa ngỏ lời cầu hôn chị. Lúc đó, chị Khuê còn đang đi học ở community college gần nhà, định sẽ lấy đủ credits rồi xin vào học ở nursing school để trở thành y tá. Lấy chồng thì phải theo chồng. Tony Nghĩa lúc đó ở tít bên California, còn nhà Thư thì định cư ở Maryland. Đám cưới xong chị Khuê dọn qua bên California. Trước khi đi, chị Khuê hứa với ba má Thư là qua đó, chị sẽ vẫn cố gắng học để vào nursing school như đã tính từ trước. Lời hứa của chị Khuê còn được đảm bảo thêm bởi những lời hứa hẹn chắc như định đóng cột của anh Tony Nghĩa, làm cho cả nhà Thư cũng cảm thấy an tâm cho cuộc sống tương lai của chị Khuê.
Qua đến California, chị Khuê có cắp sách đi học trở lại một thời gian. Rồi chị Khuê gọi điện thoại báo tin cho ba má Thư và Thư hay là chị có thai. Rồi chị Khuê cắt bớt giờ học, lớp học, chuyển qua học part time. Rồi chị sinh Tommy. "Con còn nhỏ, thôi em cứ ở nhà một thời gian để lo cho con, rồi từ từ đi học trở lại cũng được mà," anh Tony Nghĩa khuyên vợ như vậy, và chị Khuê nghe theo lời chồng. Lúc Tommy được gần 2 tuổi, chị Khuê chuẩn bị đem gởi con cho child care để đi học trở lại thì phát hiện là mình lại có thai. Vậy là chuyện đi học lại ngưng. Chị Khuê sinh Tina. "Anh đi làm, lương đủ để lo cho cả nhà, em ở nhà lo cho hai đứa con tụi mình, con mình mình chăm nom là tốt nhất, gởi tụi nhỏ cho người ta trông coi tội nghiệp tụi nó lắm", chị Khuê thuật lại lời của anh chồng mình cho ba má và Thư nghe khi giải thích lý do tại sao chị quyết định ở nhà lo cho chồng và hai đứa con.
Dạo nhà chị Khuê còn ở California, năm nào ba má Thư và Thư cũng đáp máy bay qua thăm gia đình chị. Nhà chị Khuê khá lớn, sân trước ngoài chỗ đậu xe rộng rãi còn có bãi cỏ xanh mượt và mấy bồn hoa rất đẹp. Sân sau có ghế xích đu dưới tàng lá xanh của mấy cây cam trĩu trái. Chị Khuê ngày ngày đưa đón 2 đứa con đến trường, rồi cho Tommy đi học võ, đi đá banh, đi học bơi, đi học violin, cho Tina đi học ballet, đi học đàn piano, đi học bơi. Thời khóa biểu mỗi ngày của chị Khuê và hai đứa con treo trên tường trong bếp, Thư nhìn thấy mà chóng cả mặt. Rồi chị Khuê còn đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... "Vậy là hết ngày hết giờ rồi đó," chị Khuê cười tươi trong lúc nói chuyện với Thư về cuộc sống của mình.
Thư nhìn chị Khuê, chị vẫn đẹp, rất đẹp, hai bàn tay mỏng cắt dũa và sơn phết công phu, mái tóc đen dài như dòng suối ôm lấy bờ vai thon thả. Ngoài tiền mặt, anh Nghĩa còn đưa chị cái credit card, mua sắm gì thì cứ cà cái thẻ. "Ảnh nói chị đừng lo lắng gì về chuyện tiền nong ở nhà hết," chị Khuê khoe với Thư. "Vậy ai trả mấy cái bill tiền nhà, tiền điện, nước, điện thoại, v.v... mỗi tháng" Chị hay anh Nghĩa"" Thư hỏi dò. "Anh Nghĩa làm hết," chị Khuê nói. "Ảnh nói mấy chuyện đó là chuyện nhỏ nhặt, chỉ cần chị lo cho anh và hai đứa con được ăn ngon, nhà cửa chu đáo, hai đứa nhỏ học tốt là được rồi," chị Khuê giải thích với Thư. Thư nhìn chị Khuê, nghe chị nói chuyện, lòng cứ thầm nghĩ sao mà bà chị của mình tốt số quá, rồi lắm lúc lại nghĩ tới phần mình, từ lúc đi học đến lúc đi làm vẫn trơ trọi một mình không một mảnh tình rách vắt vai, buồn cả mấy phút!
Đến năm Tommy lên học lớp sáu thì gia đình chị Khuê dọn qua bên miền Đông nước mỹ và mua nhà bên Virginia. "Công ty anh Tony làm mở thêm chi nhánh ở bên này, trả lương rất khá, thành ra nhà chị dọn qua đây," chị Khuê nói với Thư như vậy. Lý do gì cũng được, Thư nghĩ vậy, miễn sao là bây giờ Thư được gặp hai đứa cháu của mình thường xuyên hơn là Thư vui rồi. Dì Thư những ngày rảnh hay tạt qua thăm Tommy và Tina. Mùa hè thì dắt hai cháu đi Sở Thú coi gấu Panda hay lên Baltimore, ghé Aquarium xem đủ thứ cá. Mùa đông thì đi ice skating hay ở nhà chơi game. Ông anh rể Tony Nghĩa ít khi có mặt ở nhà, Thư đôi khi thắc mắc thì nghe chị Khuê giải thích là anh Nghĩa đi họp ở tiểu bang khác thường xuyên lắm, công việc bận rộn lắm. Nếu Thư có gặp Tony Nghĩa, ông anh rể thường chỉ nói dăm câu qua loa hỏi thăm xã giao rồi xin kiếu vì bận công việc. Bao năm qua rồi, Tony Nghĩa không có thay đổi, vẫn cái dáng người cao lớn, đạo mạo, nói chuyện chỉ vài câu mà nghe ngọt lỗ tai vô cùng, Thư nhận xét. Còn chị Khuê" Cái vẻ tươi thắm, trẻ trung ngày nào đã phai nhạt, thời gian đã bắt đầu in dấu lên mái tóc, lên khóe môi, lên viền mắt của chị. Ngay cả hai bàn tay với những ngón búp măng thon thả, mịn màng ngày nào bây giờ cũng đã chớm hiện những gân xanh.
Cái dấu hiệu đầu tiên kinh tế nhà chị Khuê không còn dồi dào như ngày nào, Thư phát hiện ra một ngày nọ khi đi ăn buffet với gia đình chị. Buffet có món cua. Con bé Tina đi lấy một dĩa đầy ắp cua rang muối với mấy cái càng to đùng đến cho Thư. "Con mời dì Thư ăn cua," Tina nói. Thư ăn cua ngon lành, mấy cái càng cua thịt săn chắc, ngọt và ngon không thể tả. Tina ngồi kế Thư, Thư nói với Tina là cua ngon lắm, con ăn với dì Thư nha, và con bé lắc đầu quầy quậy: "Cám ơn dì Thư, con không ăn cua được." Thư ngẩn người, nhớ đến những dịp qua thăm nhà chị Khuê bên Cali, đi San Francisco ăn cua ở Pier 39, Tina và Tommy ăn cua quá chừng, sao vậy kìa... Mấy miếng cua sau đó Thư ăn nghe đắng nghét trong miệng. Thư muốn chạy ra chỗ cashier, nói là để tui trả thêm tiền cho mấy người trong nhóm tui ăn cua, mà rồi dằn lại, không muốn làm mích lòng vợ chồng chị Khuê. Thư nhìn qua Tommy, thằng bé ngồi ăn cơm với thịt bò xào và broccoli ngon lành. Thư lén quan sát vợ chồng chị Khuê, cả chị và anh Nghĩa cũng đang ăn ngon lành. Hay vợ chồng chị Khuê và tụi nhỏ diet không ăn cua để giảm cholesterol chăng, Thư thầm nghĩ.
Đến nhà chị Khuê, Thư bắt đầu để ý thấy chị Khuê cắt coupon trên báo món đồ này sale bao nhiêu, món kia giảm giá bao nhiêu, coupon đầy ắp trong một cái hộp ở trong  bếp và trên cửa tủ lạnh. Chị Khuê không còn ra tiệm để làm móng tay, móng chân nữa, mà tự cắt dũa và sơn lấy. Mái tóc của chị bắt đầu hiện lên những sợi bạc bởi lâu lâu chị mới đi ra tiệm để nhuộm và highlight lại. "Chị định kiếm việc làm," chị Khuê tâm sự với Thư. "Hai đứa nhỏ giờ cũng đã lớn, còn phải để dành tiền học cho tụi nó về lâu về dài, để anh Nghĩa gánh vác hết chuyện tiền nong trong nhà chị áy náy quá," chị Khuê nói.
Có phải chuyện tiền nong là đầu mối những cuộc cãi vã giữa vợ chồng chị Khuê những tháng gần đây hay không, Thư thắc mắc nhưng không dám hỏi nhiều vì chị Khuê kín miệng lắm, không bao giờ nói điều gì xấu về chồng mình cho Thư nghe hết. "Lần nào ba má con gây lộn, bá má đều vào trong phòng ngủ, đóng cửa lại, rồi mới bắt đầu nói chuyện. Con với anh Tommy lén rình nghe ở ngoài của mà nghe không có được rõ, chỉ nghe tiếng xì xào, nhưng có lần tụi con thấy má đi ra khỏi phòng, má khóc." Tina mét với Thư như vậy. Lần nào Thư gặp Tony Nghĩa, ông anh rể này bao giờ cũng lịch sự, điềm đạm, nói chuyện ngọt như mía lùi. Very charming, Thư nghĩ thầm trong đầu. Có lẽ bà chị của mình ở nhà nhiều năm rồi bây giờ cảm thấy tù túng, muốn tìm việc để có lý do giao tiếp ngoài xã hội thay đổi không khí chăng, Thư lý luận.
Chị Khuê kiếm việc cũng không dễ. Mười mấy năm trời ở nhà làm nội trợ, lo cho chồng cho con, chị không có kinh nghiệm gì cả. Khả năng sử dụng computer của chị thua cả Tommy và Tina, chị chỉ đánh máy được theo kiểu cò mổ, còn sức lực để khiêng vác nặng nhọc thì chị không có. Được một cái là chị nghe và nói được tiếng Anh khá trôi chảy vì hàng ngày chị có đọc báo, coi TV, và Tommy và Tina đi học về thuật chuyện cho chị nghe bằng tiếng Anh và nói tiếng Anh với chị. Thư giúp chị Khuê tìm việc. Chị dặn Thư giúp chị tìm việc gì mà chị vẫn có thời gian để lo cho chồng, cho con, chăm sóc nhà cửa. Thư đọc báo muốn đổ đom đóm mắt cả mấy tuần vẫn chưa tìm ra.


Cuối cùng Thư tìm được job cho chị Khuê: Home Health Care Aide cho mấy người sống ở một group home. Health care agency cần người làm việc buổi tối, ngủ đêm ở một group home, tới khuya những người ở group home này có bệnh gì thì người của agency sẽ gọi điện thoại cho bác sĩ hay nurse on call của agency. Sáng sớm thì người của agency sẽ giúp những người ở group home ăn sáng, rồi giúp họ chuẩn bị sẵn sàng để xe đến đưa họ đi học nghề hay đi học chữ. Làm việc từ 9 giờ tối tới 8 giờ sáng, đa số thời gian là ngủ, mà được trả tiền. Chị Khuê và Thư đồng ý với nhau là cái job này quá là thích hợp với chị. "Buổi tối chị lo cơm nước cho anh và hai đứa nhỏ, rồi lo kiểm tra bài vở tụi nó, xong là chị đi làm được," chị Khuê nói với Thư như vậy.Chị Khuê đi làm. Home health care aide, lương không được nhiều, nhưng chị vui thấy rõ. Chị mở account ở nhà băng, paycheck mỗi tuần hai lần lại deposit trực tiếp vào đó. Thư đến thăm chị Khuê bây giờ lại được nghe chị kể về công việc của chị, về những người ở group home mà chị giúp chăm sóc, có người mang bệnh Dowd Syndrome ngày ngày có xe đưa đón đi làm ở một supermarket, có người ngồi xe lăn, hai chân rất yếu, ngày ngày đi đến lớp học dạy làm electronic assembly. "Giúp những người này, chị nhớ đến ước mơ ngày nào làm y tá quá chừng ,Thư ơi," chị Khuê nói. "Chị bây giờ lớn tuổi rồi, không biết đi học để vào nursing school có được không Thư hả," chị Khuê tâm sự.
Thư đến nhà chị Khuê, nhìn quanh, không thấy xe của anh Tony Nghĩa đâu hết. Thư vào nhà, bếp núc lạnh tanh. Tina và Tommy ngồi ở phòng khách, mặt hai đứa buồn hiu. "Má tụi con đâu rồi," Thư hỏi tụi nhỏ. "Má ở dưới basement, trong phòng làm việc của ba," tụi nhỏ nói. Thư lấy cell phone, order pizza cho hai đứa nhỏ.
Thư xuống basement, đến căn phòng Tony Nghĩa dùng làm office. Cửa phòng mở hé, Thư gõ nhẹ vào cửa, kêu tên chị mình. "Thư đó hả," giọng chị Khuê nghe mệt mỏi vô cùng, "vào đây đi."
Thư bước vào office của ông anh rể, thấy chị Khuê ngồi đó, dáng người và khuôn mặt già hẳn đi. "Nhà có chuyện gì vậy chị," Thư hỏi chị mình. Chị Khuê đưa tay chỉ cái tủ khá lớn cao gần đầu người ở góc tường kêu Thư mở cửa tủ đi. Tủ này thường dùng để đựng hồ sơ, giấy tờ, có gì đặc biệt vậy kìa, Thư thầm nghĩ trong đầu khi đi đến gần cái tủ. Thư mở cửa tủ. Không có giấy tờ, sách vở, hồ sơ gì cả. Tủ có 3 ngăn, ngăn dưới cùng là một cái tủ lạnh nhỏ, mở ra thấy bia chai và bia lon xếp đầy trong đó, có chai còn nguyên trong hộp hay còn nguyên dấu xi.
Tony Nghĩa là người nghiện rượu!!!
Chị Khuê giấu kỹ quá, bao năm trời, Thư không biết gì hết.
"Ngày xưa khi quen anh Nghĩa, chị đâu có biết là ảnh uống rượu. Lúc ở Việt Nam, bao tháng trời ảnh đưa đón chị đến trường và về nhà, chẳng bao giờ nghe mùi rượu, mùi bia gì hết," chị Khuê tâm sự với Thư, "rồi anh Nghĩa đi Mỹ. Rồi sáu năm sau chị gặp lại anh Nghĩa, lúc ảnh muốn tiến tới hôn nhân với chị, chị có hỏi dò xem ảnh có ý kiến gì về chuyện cờ bạc, rượu chè, hút xách... ảnh cười mà nói với chị là đừng có lo quá xa như vậy, ảnh thề thốt với chị là không có dính đến mấy thứ đó đâu, chị không phải lo. 'Chỉ có lâu lâu họp mặt bạn bè hay họp mặt gia đình thì ảnh uống 1, 2 chai bia cho vui vậy thôi.' Anh Nghĩa nói với chị như vậy."
"Đám cưới xong, dọn qua Cali, anh Nghĩa và chị có nhà riêng. Những lần họp mặt gia đình, anh Nghĩa và chị đến đủ. Chị để ý thấy gia đình anh Nghĩa uống bia nhiều quá. Ba và hai anh trai của anh Nghĩa uống bia nhiều đã đành, mà má của ảnh và hai cô em gái cũng vậy. Uống bia, uống rượu, vô số lần họp mặt gia đình ai cũng uống đến say xỉn, nói năng hết mạch lạc, đi đứng xiêu vẹo. Chị không uống bia uống rượu gì hết. Tàn cuộc thì chị là người lái xe cho anh Nghĩa về nhà. 'Lâu lâu họp mặt gia đình nhà anh mới uống như vậy chứ đâu có uống mỗi ngày đâu em,' anh Nghĩa phân trần với chị những ngày sau đó. 'Uống cho vui thôi mà em,' anh Nghĩa nói với chị."
"Không có uống mỗi ngày, anh Nghĩa cam đoan với chị như vậy, và chị tin ảnh, trong cả một thời gian dài. Rồi chị phát hiện ra là bao giờ uống bia, ông chồng chị cũng dùng một cái vỏ plastic có hình như cái áo cầu thủ football để bọc chai bia, 'giữ chai bia lạnh', ảnh giải thích với chị như vậy. Ảnh cầm chai bia bọc trong cái vỏ nhựa đó đi vòng vòng, nói chuyện với người này người kia, lâu lâu uống một ngụm trong đó. Chai bia bọc trong lớp vỏ nhựa đó, chị dần dà phát hiện ra, có một phép lạ thần kỳ: đang nhẹ hẩng vì uống gần hết thì sau khi chồng chị đi tắt vào bếp và quay trở ra lại trở nên nặng hơn lên, đầy gần tới miệng. Cứ nhìn cái cách ông chồng chị uống bia, cái cách ảnh nâng chai bia đưa vào miệng, riết rồi chị nhận ra được là chia bia đầy tới đâu, vơi tới đâu, và cứ theo cách chị quan sát và suy tính, ông chồng yêu dấu của chị không chỉ uống có 1, 2 chai bia đâu, mà uống hơn nhiều, nhiều lắm."
"Anh Nghĩa có dùng một căn phòng trong nhà làm office, để ảnh làm việc. Project ở trong sở, ảnh đem về nhà làm cho kịp deadline. Mỗi lần ảnh cần yên tịnh để tập trung làm việc, ảnh dặn chị là đừng quấy rầy, rồi đóng cửa office lại, chong đèn thức khuya lơ khuya lắc, gõ lạch tạch trên computer, chị đi ngang nghe thấy mà thương. Chị không biết, trong cả một thời gian dài, trong office của chồng chị có một cái tủ, trong cái tủ đó có một cái tủ lạnh, trong cái tủ lạnh đó chồng chị chất đầy bia lon, bia hộp trong đó. Cái tủ đó có khóa, 'hồ sơ giấy tờ quan trọng anh cất trong đó,' chồng chị giải thích."
Người khác làm việc cần uống cà phê để tỉnh táo, còn chồng chị Khuê viện cớ làm việc thêm để có cơ hội uống bia. Cái hay của Tony Nghĩa là không bao giờ để những vỏ chai bia, lon bia uống rồi vung vãi cho vợ thấy, mà thu dọn chúng biến mất tăm mất tích hết trơn! "Làm việc thêm ở nhà, trong office chồng chị có để cái sofa ... 'để khuya anh mệt quá thì ngủ ở đó, không quấy rầy em,' chồng chị giải thích. Về sau chị phát hiện ra là cái sofa đó là nơi chồng chị ngủ sau khi làm bạn với Lưu Linh, say quá không lê chân đi đâu nổi hết. Không biết bao lần chị rón rén vào phòng làm việc của ảnh và thấy chồng mình ngủ vùi trên sofa, hơi thở sặc mùi bia. Vậy chứ sáng sớm hôm sau, ông chồng chị có cái hay là thức sớm, tắm rửa sạch sẽ, cạo râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao rồi đi làm như thường. Không có mùi bia, mùi rượu gì vương vấn trên đôi môi chồng chị khi ảnh hôn chị trước khi ra khỏi nhà, chỉ có thoang thoảng mùi after shave trên khuôn mặt ảnh mà thôi."
"Chị ngoan ngoãn làm nhiệm vụ của người vợ, người mẹ, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, lo cho hai con, lo cho chồng. Muốn tiêu xài gì thì dùng cái credit card chồng đưa, không phải lo lắng, suy tính gì hết. Chồng chị có uống bia, uống nhiều, chị biết vậy, nhưng ảnh vẫn đi làm đều đặn, lên lương, lên chức, không hề nặng lời với vợ con, không hề thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ con, thậm chí không bao giờ xuất hiện say xỉn trước mặt hai đứa con của mình, chị than phiền điều gì mới được chứ""
"Chị bận bịu với hai đứa con của mình, tụi nhỏ ngày một lớn, chị càng lo không muốn tụi nhỏ biết là bên nội của tụi nó có những người nghiện rượu. Gia đình nhà chồng chị dọn qua Virginia ở, nỗi lo của chị tăng gấp bội. Má chồng của chị vào ở trong nursing home, men rượu tàn phá trí não của bà, chỉ trên sáu mươi mà bà không còn minh mẫn nữa. Nhiều lần họp mặt gia đình, ba chồng chị vào nursing home rước vợ ra, đưa vợ về gặp con cái, chị để ý thấy ông vẫn cho bà uống bia như thường trong bữa ăn, rót đầy hết ly bia này đến ly bia khác cho vợ và cho mình. Hai ông anh của anh Nghĩa hay rủ anh Nghĩa đi coi football. Mỗi lần đi coi football là một dịp để họ uống bia thả dàn, hết ly này đến ly khác. Đã có hai lần chị nghe nói là sau trận football, họ lái xe về nhà thì bị cảnh sát chận lại vì thấy xe chạy không ngay hàng thẳng lối và bị phạt ticket vì DUI. 'Police kêu tui bước ra khỏi xe và đi 12 bước, tui đi luôn 15 bước cho nó thấy là tui không có say, vậy mà nó cho tui cái ticket không thương tiếc,' một ông anh chồng của chị thuật lại cho mấy người khác trong gia đình nghe trong một buổi họp mặt, chệnh choạng hơi bia. Ai nấy cười ồ, chỉ có chị là không cười."
"Anh Nghĩa bị bao nhiêu ticket DUI rồi, chị không biết, nhưng chị biết có một lần ảnh lái xe trong lúc say rượu và tông chiếc xe của mình vào cột nước cứu hỏa ở bên vệ đường lúc về đến gần nhà, bể cột nước cứu hỏa, nước chảy lênh láng và móp cả đầu xe," chị Khuê thuật với Thư, "hôm nay thì anh Nghĩa thú thật với chị là sẽ phải đi ở tù một tuần vì tội uống rượu lái xe!"
Thư bàng hoàng cả người. Bao năm trời chị Khuê giấu ba má, giấu Thư chuyện ông chồng của mình là người nghiện rượu. "Hai đứa nhỏ, Tommy và Tina, tụi nó có biết hay không"" Thư hỏi chị Khuê. "Không biết," chị Khuê nói. "Cái tủ chứa rượu của anh Nghĩa bao giờ cũng khóa hết, tụi nhỏ vào office của ảnh không thấy được ba nó cất rượu đâu," chị nói. "Ảnh hứa hẹn với chị là sẽ cai uống rượu sau khi ra tù. Ảnh không muốn làm cho chị buồn, ảnh đưa chìa khóa tủ rượu cho chị," chị Khuê nói với Thư.
"Ba tụi con phải đi họp ở tiểu bang khác một tuần," chị Khuê giải thích với Tommy và Tina như vậy về lý do Tony Nghĩa vắng nhà. Chị chở chồng đến nhà giam và một tuần sau đó thì đến nhà giam đón chồng về. Sau đó một tuần Tony Nghĩa đi học lớp AA (Alcoholics Anomymous). Chị Khuê nói với Thư: "Anh Nghĩa cương quyết bỏ rượu. Ảnh hứa với chị như vậy."
Thời gian qua. Tony Nghĩa cương quyết bỏ rượu nhưng nghị lực của ông anh rể của Thư xem ra không có là bao. Vài tuần không uống rượu nối tiếp bằng vài tuần uống rượu trở lại. Hòa bình ở nhà bà chị của Thư vài tuần rồi chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh lại xảy ra.
Chị Khuê không giấu mãi được, cuối cùng rồi hai đứa con cũng biết lý do những cuộc cãi vã của ba má tụi nó. Thư đến thăm Tommy và Tina, thấy tụi nhỏ không còn vui vẻ như ngày trước. "Tina dạo sau này cứ lên xe bus đến trường là khóc nước mắt giọt ngắn giọt dài," Tommy mét với dì Thư. "Con không muốn ba má ly dị," Tina mếu máo "ba má gây lộn hoài, rồi ba bỏ nhà đi, đóng cửa cái rầm, rồi má khóc."
"Con nói với Tin rồi, có buồn thì vào trường đi gặp counselor, chứ khóc trên xe bus thì làm gì được," Tommy nói với Thư. "Hả, con nói sao"" Thư hỏi lại thằng cháu. "Còn giờ nghỉ ở trường con đi gặp counselor," Tommy nói với Thư, "kể với bà counselor chuyện ba con uống rượu mà không bỏ được, rồi nghe bà khuyên là con phải giúp má, giúp Tina, phải học hành chăm chỉ. Chuyện ba con uống rượu không phải là lý do để con học hành bết bát," Tommy thuật lại với Thư, "Con ở trong đội soccer, cuối tuần mấy lần đi đá banh chỉ có má đi coi ủng hộ, ba không có đi lần nào hết."
Cái tủ chứa rượu ở nhà, chìa khóa chị Khuê giữ, thành ra Tony Nghĩa không mở được nữa. Không uống được rượu ở nhà, mỗi lần cơn nghiền rượu nổi lên, ông anh rể của Thư lại đi qua nhà ông anh ruột uống, uống đến say li bì cả weekend và không còn nhớ đến chuyện con trai mình mời mình đi xem nó đá banh, chuyện con gái mình tập múa ballet quá xá cỡ và muốn có cả ba má đến dự trong buổi trình diễn của mình. Quên hết trơn...
Rồi dần dà Tony Nghĩa phát hiện ra là đi uống bia ở ngoài quán thì vui hơn là uống ở nhà nhiều, vì xung quanh mình cũng có bao bạn nhậu khác. Hai ông anh của Tony Nghĩa không phải là tấm gương sáng cho em noi theo, họ kéo Tony Nghĩa ra quán uống đến khuya lơ khuya lắc, để chị Khuê ở nhà buổi tối không ngủ được, khắc khoải ngồi đợi chồng về, sáng hôm sau đi làm hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Chị không còn đi làm cái job nửa đêm về sáng nữa, mà được lên chức supervisor của mấy group home, làm ban ngày, nhưng chị không thể chia sẻ những buồn vui của cái job mới của mình với chồng. Thời gian anh ở chỗ làm và thời gian anh ở bên nhà mấy ông anh uống rượu giải sầu và thời gian anh ở ngoài quán rượu, thời gian đó kéo dài ra rất nhiều, để anh quên đi rằng mình có vợ và hai đứa con.
"Anh kềm chế được bản thân của mình mà em," Tony Nghĩa nói với chị Khuê và chị thuật lại cho Thư nghe. "Anh Nghĩa nói là sức ảnh uống được đến sáu chai bia hay hơn nữa, nhưng ảnh uống hai chai rồi ngưng. Đi đám cưới người quen, ảnh chỉ uống có hai ly rượu mà thôi thay vì uống nhiều hơn," chị  Khuê kể. Thư nhìn chị mình, từ lúc biết Tony Nghĩa uống rượu đến bây giờ, bao năm rồi, chị còn nuôi ảo tưởng là chồng chị sẽ bỏ được bạn Lưu Linh một cách dễ dàng, cương quyết hay sao kia chứ"
Anh Tony Nghĩa vẫn đi làm đều đặn, paycheck đều đặn gởi vào nhà băng, vẫn trả tiền mortgage nhà, tiền điện, tiền nước, tiền cable TV mỗi tháng thanh toán sòng phẳng, lâu lâu lại đi dự mấy buổi họp mặt AA (Alcoholic Anonymous) và vẫn tiếp tục uống rượu. Chị Khuê vẫn ngày ngày ngoài cái job của mình vẫn tiếp tục dọn dẹp nhà cửa sạch boong, lo cho chồng và con từ miếng ăn đến giấc ngủ. Mấy lần chị Khuê giận chồng uống rượu say, muốn ly dị, đem ý định đó nói với Thư, rồi lại suy nghĩ lại, rồi thôi. "Thư đừng có kể cho ba má nghe chuyện anh Nghĩa và chị gây lộn vì ảnh uống rượu nghe chưa," chị Khuê dặn Thư như vậy, "kể rồi ba má lại buồn nữa, hứa với chị nghe." Thư gật gật đầu, nhưng trong lòng thì thấy lo cho chị mình, lo cho mấy đứa cháu của mình quá xá.
Ông anh rể của Thư uống rượu rồi lái xe, bao nhiều lần may mắn không gặp cảnh sát, bao nhiêu lần không cọ quẹt xe khác, bao nhiêu lần không đâm vào cột đèn, vào hàng rào. May mắn đến bao giờ đây!"
KAREN N. NGUYEN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến