Hôm nay,  

Job Thời Mới Tới Mỹ

29/06/200900:00:00(Xem: 363058)

Job Thời Mới Tới Mỹ

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2655-16208732- vb862809

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về nước Mỹ từ năm đầu tiên, và vẫn liên tục viết.  Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Phan Rang. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài mới của ông.

***

Tôi và con trai 11 tuổi đặt chân lên xứ Mỹ tháng 11 năm 1984, sau hơn một năm trời nằm trại Chimawan Hồng kông và Bataan ở Phi. Thời gian ở trại tôi đã lo xa liên lạc trước với Điệp, cô em họ lấy chồng Mỹ ở San Diego.  Điệp  trực tiếp gặp Hội USCC, thu xếp việc bảo trợ.  Khi cha con tôi tới Mỹ, Điệp lái xe ra  đón, đưa ngay về nhà đãi một chầu ăn mừng thịnh soạn. Phòng 2 cha con "drap", nệm, gối mền toàn đồ mới toanh. Hôm sau Điệp hăm hở lái xe chở đi lo hết tất cả mọi thủ tục giấy tờ phải làm, kể cả đi xin welfare.
Ông bà ngoại và mẹ tôi mấy chục năm qua thường xuyên giúp đỡ gia đình Điệp, mẹ tôi cũng có dạo nuôi Điệp trong nhà nửa năm trời chỉ cách buôn bán làm ăn. Hai gia đình, hai anh em vốn thân tình nên nhân cơ hội này Điệp tận tình lo lắng đầy đủ cho 2 cha con trong bước đầu lạ nước lạ cái.  Mike, chồng Điệp, nhỏ hơn tôi 4 tuổi, cao lớn, hiền lành tốt bụng, kiến thức nhiều, rất quí vợ, làm inspector máy bay cho một hãng hàng không dân sự Mỹ  ở Ả rập mới xin chuyển lại về Mỹ.
Trong tuần lễ đầu, Mike xin nghỉ phép, lái xe đưa cả nhà (vợ chồng Mike, Hương con gái riêng của Điệp 13 tuổi và 2 cha con tôi) lên đỉnh núi cao San Diego coi tuyết, nhìn viễn vọng kính "lớn nhứt thế giới", uống nước táo cider nóng hổi trong một quán ăn bao phủ sương mù, và xuống biển đi dạo ven bờ nắng ấm, cho tôi có khái niệm chung chung về nước của anh ta.
Chuyện tình của Mike và Điệp cũng ngộ nghĩnh như chuyện cổ tích cô bé Lọ lem gặp được anh chàng hoàng tử. Trước 75, Mike  làm việc ở Saigon nên quen Điệp, lúc đó mới ở dưới quê vô Saigon theo bà chị họ học nghề đỡ đẻ. Tình cờ làm sao mà Mike gặp, thích dáng dấp rụt rè e lệ của cô, mái tóc dài, đôi môi đỏ như son, làm quen đeo đuổi, muốn đi đến hôn nhân nhưng cô gái nghèo không chịu, Mike đành trở lại Mỹ. Tháng tư 75 khi tình hình Saigon rối ren, lộn xộn, sắp mất vào tay Việt cọng, Mike đã từ Mỹ liều bay qua Bangkok, rồi từ Bangkok tìm cách bay về Tân sơn Nhứt để thuyết phục người đẹp theo anh rời khỏi Vietnam qua ngõ Tòa đại sứ Mỹ kẻo không còn kịp.
Cảm động trước chân tình đó, Điệp không còn chọn lựa nào khác hơn là lật đật bồng con thơ theo anh chàng Mỹ giàu lòng nghĩa hiệp lên phi cơ về Mỹ, rồi sau đó trở thành Điệp Roosevelt phu nhân. Đứa con gái 6 tuổi cũng được làm giấy khai sinh lại là con ruột Mike, là Hương Roosevelt, được Mike cưng như con đẻ. Hai vợ chồng ở với nhau nhiều năm không có con, nhưng cuộc đời Điệp nhờ Mike mà chuyển qua một giai đoạn giàu sang phú quí bạc triệu, nhờ chồng làm cho hãng máy bay mà đi máy bay quốc tế được free, từ Ả rập qua Hongkong, Âu châu buôn bán hột xoàn nữ trang phát đạt, bao bọc nuôi dưỡng cả một đại gia đình nghèo khổ ở nhà quê bên Việt nam, làm cho trở nên mát mặt, mát mày với bà con lối xóm...
Tôi ở với Mike trong khu nhà giàu Encinitas (North San Diego county) được một tháng, được Điệp hết lòng chỉ dạy lái xe một tuần vài ba lần, thì có Steve, bạn làm chung với Mike bên VN ngày xưa, ở đâu tới xin dọn vô ở một phòng, đưa tiền rent Mike không lấy. Steve có tiền để dành, có miếng đất định sau này vẽ plan tự trông coi xây nhà lấy cho rẽ, nhưng tạm thời phải đi học thêm mấy lớp ở college để hoàn tất cái bằng gì đó tôi cũng không rõ. Thấy vợ chồng Mike không lấy tiền nhà tiền ăn, Steve trả ơn bằng cách mua quà Christmas cho 2 cha con tôi toàn áo quần thứ "xịn", tình nguyện làm tài xế chở tôi đến trường dạy nghề học machine shop xin cho tôi đăng ký học, và ngồi chờ tôi thi test Toán đại số lớp 8 một tiếng đồng hồ. Số là mấy ngày trước, tôi nói chuyện điện thoại với ông "job developer" người Việt ở San Diego về việc học nghề ngắn hạn để ra đi làm tự túc, khỏi phải dựa vào welfare, ông này khuyên đI học ra làm"Machine shop operator", tiếng Việt gọi là "thợ tiện", là job đang rất "hot" lúc bấy giờ. Ông nói:
-Mới ra họ sẽ trả anh 5$/1 giờ, cứ nhận đi, rồi sẽ lên 10$, 15$ sau một hai năm sau đó thôi. Khi anh đã rành hết mọi thứ rồi, lúc đó chính anh là người ra giá cho họ, anh đòi bao nhiêu họ trả bấy nhiêu. Anh sẽ làm manager một cái shop lớn, có toàn quyền tuyển người vô, hay đuổi thợ ra. Nhiều người đã thành công như vậy ở San Diego.
-Nhưng mà tôi là chân thày giáo, dạy tiếng Pháp tiếng Anh bên Việt nam, hồi nào không có quen cầm búa kềm, đinh ốc...biết có thành công không.
-Qua tới đây là đổi đời rồi, anh phải thực tế thức thời môt chút, bỏ hết các kiến thức cũ đi. Bây giờ nghề này đang thịnh hành, mà cũng không cần phải dùng tay chân nữa, máy móc làm hết, chỉ cần có kiến thức, thông minh một chút là làm được, anh cứ nghe tôi đi...Đây là số phone, địa chỉ của trường dạy nghề, miễn phí...
Tôi chẳng thấy mặt mũi ông này ra sao, chỉ biết tên Tài, ngày xưa là cựu trung tá VNCH, mà ông cũng chả biết tôi năng khiếu ra sao, cứ quan niệm hễ đàn ông là ai cũng có thể làm thợ tiện được, và làm giỏi. Thôi thì ổng qua Mỹ trước, làm chức "chuyên viên cố vấn hướng nghiệp" tất nhiên phải rành chuyện và có lý hơn tôi rồi. Thế là tôi đành thở dài nhờ Steve chở đi ghi danh học Technical School gì đó, ở tận San Marcos, cách nhà Điệp 20 miles.
Thằng con tôi đã vào trường tiểu học gần nhà học lớp 5, tự đạp xe tới trường một mình được nên tôi bắt đầu quay ra lo cho công danh sự nghiệp riêng mình. Bốn mươi tuổi rồi, làm gì sống trên xứ này đây, tôi thường băn khoăn tự hỏi. Nhờ có đứa con mang theo mà được chính phủ ưu đãi cho trợ cấp AFDC đến khi 18 tuổi, đó là một cái may mắn hiếm có, tôi nghĩ phải lợi dụng cơ hội để học một cái nghề vững chắc, đủ sức sau này bảo lãnh vợ và con gái còn lại bên Việt nam qua. Mike hỏi ý tôi có muốn sang lại tiệm làm chìa khóa ngoài phố thì 2 vợ chồng giúp, sẽ kiếm tiền nhanh, tuy không nhiều. Tôi không chịu, làm chìa khóa thì người dốt cũng biết làm, còn mình có vốn kiến thức đại học bên nhà mà vứt đi thì uổng quá, thôi để học đỡ machine shop coi có khá không, không khá thì phải đổi nghề khác, trợ cấp còn lâu mà. Thế là tôi mộĩ tuần chịu khó đạp xe 3 đêm học ESL ở trường trung học gần đó, mỗi sáng 5 giờ 30 dậy súc mặt rửa miệng, được Điệp chịu khó dậy sớm gói cho một lunch box, hối hả đi bộ trong bóng tối băng mấy cánh đồng hoang ra bến xe bus ngoài phố, ngồi chờ đến 6:30 xe bus tới, leo lên ngồi lim dim ngủ, lắc lư mình mẩy bầm dập hơn một tiếng đồng hồ nữa mới tới bus stop ở San Marcos, lại cắm đầu cắm cổ chạy 15 phút gần một cây số, băng qua một cánh đồng mới tới lớp vừa kịp bắt đầu.
Trường này học không phải trả đồng nào. Hiệu trưởng là ông người Do thái ký giao kèo với chính phủ và các chủ hãng thợ tiện, ăn tiền hai bên: tiền chánh phủ đài thọ để đào tạo, huấn luyện kẻ thất nghiệp hay kẻ hưởng trợ cấp xã hội biến thành thợ biết nghề, cung cấp cho các chủ hãng, và tiền chủ hãng trả huê hồng cho mỗi đầu thợ tốt nghiệp trường giới thiệu tới hãng (với điều kiện phải PASS một tháng đầu "probation"). Nếu người thợ làm dở, chưa được  một tháng đã bị chủ chê, hay đuổi, thì Trường sẽ nhận lại đem về huấn luyện tiếp cho khá hơn, rồi lại giới thiệu cho hãng khác cần thợ sau này.
Huấn luyện viên lý thuyết chỉ có một ông, nói tiếng Anh cũng dễ nghe, tôi ghi chép được hết. Học trò toàn Mễ và Mỹ, chỉ có mình tôi và một người nữa người Lào là dân Á đông nên có lần ông tò mò hỏi:
-Tiếng Anh tôi nói, anh nghe hiểu được bao nhiêu phần trăm"
Tôi cười:
-Khoảng 80%.
Ông có vẻ hài lòng, khen "good", hỏi tôi ở VN ngày xưa có học lượng giác học không. Tôi nói có, nhưng mà quên hết rồi.
Được nửa tháng học lý thuyết thì chuyển sang "hands-on training", tất cả xuống shop đứng máy, tập các động tác, thực tập cắt sắt, cưa thép, đẻo nhôm, dưới quyền chỉ dẵn một ông thày mập và một thanh niên Mễ trắng phụ tá. Anh chàng này dùng toàn từ tiếng Anh rất giản dị, lại nói thong thả rõ ràng, tôi đặt tên là anh "Let me know", vì chuyên môn nói  "If you don t know how to do, let me know" hay "ìf you have problems, let me know"...
Lý thuyết học thì gọt một cục sắt cho nhỏ lại, phải gọt thật mỏng, kiên nhẫn gọt từng lát mỏng như tờ giấy, bằng 1/100 milimet, cho tới khi nào cục đó vừa đúng kích thước blue-print đòi hỏi mới thôi, vậy mà có một lần tôi sốt ruột, muốn làm cho mau, set up cắt một lát dày tới 1mm, khiến cục sắt to bằng bàn tay văng ra khỏi 2 gọng kềm, bay vút lên trời thật xa rồi rớt cái "kèng" một cái xuông nền xi măng làm cả shop náo loạn, ai nấy lật đật tắt máy, huấn luyện viên hốt hoảng chạy lại tắt máy tôi ngay, dáo dác coi có ai bị thương không. May mà không có án mạng xảy ra, không ai bị vỡ đầu sưng trán. Ấy là do tôi không kẹp chặt 2 gọng kềm nên nó sút văng ra, chứ nếu mà kẹp chặt chắc bể luôn cái máy nặng khổng lồ cao hơn đầu người. Từ lúc đó, anh phụ tá cứ đứng canh chừng gần chỗ tôi làm, sợ lại xảy ra tai nạn.
Thực tập được 2 tháng rưỡi thì hiệu trưởng kêu lên bắt đi làm:
-Tao có job cho mày rồi, 5$50 một giờ, ở San Diego.
Tôi thất kinh:
-Tôi chưa có bằng lái xe làm sao đi làm.
Ban giám đốc ngạc nhiên, quay ra bàn tán với nhau làm sao giải quyết trường hợp tôi. Xưa nay học viên bản xứ ai cũng có bằng lái, có xe, bây giờ gặp trúng dân tỵ nạn mới qua, tuy tiếng Anh khá, nhưng chưa có xe cộ gì cả, làm sao đây. Chẳng lẽ cứ dạy hoài chờ cho nó có bằng và mua được xe mới đưa đi làm. Sau cùng họ kiếm cho tôi một chỗ gần nhà, bảo tôi đi xe buýt mà đi làm, nếu không chịu sẽ kêu cán sự Ty xã hội "cúp" welfare, vì tôi có job offer mà làm biếng không chịu đi làm. Tôi đang lo thì quả nhiên cô cán sự Mỹ tới thật. Thấy tôi lo sợ, cô xin ông hiệu trưởng cho nói chuyện riêng với tôi, đóng cửa lại cẩn thận.
-Anh có con nhỏ, mới qua Mỹ mấy tháng, chưa có bằng lái xe, anh không sẵn sàng đi làm cũng OK, không sao, chúng tôi không có quyền cắt welfare cha con anh được. Họ làm bộ hăm dọa anh cho anh sợ mà đi làm, để họ sớm lấy được tiền của các hãng machine shop và tiền chính phủ. Đây là tôi cho riêng anh biết, anh đừng nói cho họ biết, không nên.
Té ra là như vậy. Thằng bạn Lào biết chuyện, lầm bầm nói,"bà đó nói đúng, trường này giống như công ty nuôi heo, con nào thấy mập mập coi được là đem ra bán lấy tiền, chứ không phải muốn cho mình học lâu để thành thạo rành nghề đâu." Tôi về nhà ngẫm nghĩ mấy đêm, thấy Mike có vẻ muốn mình đi làm, Điệp không nói gì nhưng ở nhờ Điệp ăn uống free 6 tháng rồi cũng kỳ, mà thằng con vài ngày nữa nghỉ hè tới nơi nên nhận lời đi làm cho rồi, có cớ xin ra ở riêng. Tôi lặn lội tới khu hãng sắp làm ở San Marcos, đi kiếm apartment, may sao vớ được nột thằng Mễ cũng đang cần người share bớt cái 1-bedroom apartment 450$. Chỗ này cũng gần chỗ làm, đi bộ tới hãng có vài trăm mét, nó đòi phần mình 300$ một tháng, bắt nằm ngủ trong phòng khách, còn nó chiếm cái bedroom.. 
Hồi đó mới ở VN qua, mua gì cũng hay so sánh với giá cả bên nhà, thấy mỗi tháng bỏ ra 300$ cho tiền nhà bằng giá một lượng vàng, đau lòng xót của lắm, nhưng nghĩ mỗi tháng kiếm được 800$ trừ thuế rồi cũng còn 700$, vẫn hơn là ăn welfare có 450$. Đi làm mới có dư tiền gửi về Việt nam cho má, cho vợ con. Đi làm, tiếp xúc với Mỹ, mới khôn ra, tiếng Anh mới nói dạn dĩ. Còn làm biếng ăn welfare, ở không, hay làm lấy tiền mặt, biết chừng nào mới ngóc đầu lên nổi.
Tháng đầu đi làm ở Mỹ tâm trạng rất là buồn. Đang ở VN nhàn hạ buôn bán thong dong, bỏ đi vượt biên, đang ở nhà Điệp đầy đủ tiện nghi sung sướng, lo xin đi làm, lọt vô cái phòng trơ trọi với thằng Mễ ích kỷ, ở dơ bừa bãi, chén bát soong chảo bỏ đầy sink không rửa. Bạn bè không có ai để tâm sự, chia sẻ.
Đang mùa hè, con cái người ta được đi chơi chỗ này chỗ kia, có bạn có bè tung tăng, con mình thì nhốt khóa trong nhà không có Tivi, máy hát, đồ chơi giải trí gì hết. Chiều 4 giờ mệt mỏi đi làm về, con trong nhà mở cửa chạy xuống đồi đón, ôm chầm lấy cha, mếu máo khóc nói không có gì chơi, bị nhốt cả ngày trong nhà buồn thiu. May mà láng giềng chưa ai gọi cảnh sát méc chuyện nhốt con nít dưới 12 ở một mình trong nhà. Phải đưa con lên xe bus xuống phố chơi cho khuây khỏa, kiếm bạn Việt nam ngang tuổi cho nó chơi. Tình cờ làm quen được với thằng bé trạc tuổi con, dẫn về nhà làm quen với bố mẹ nó. Hai vợ chồng còn trẻ, Công giáo, có 5 đứa con, ở thuê cái nhà nhỏ, có cho thằng cháu share phòng ở chung tên Vĩnh. Trong câu chuyện, biết Vĩnh cũng được đào tạo từ cái trường machine shop đó ra, hiện đã đi làm, có xe hơi riêng. Vĩnh mới 25 tuổi, cùng nghề, cùng hoàn cảnh, nên cũng dễ thân, kết ngay làm bạn.
Ở hãng làm cũng có mấy người Việt nam qua trước làm chung, rành nghề, cũng giúp đỡ chỉ vẽ, nhưng chủ Mỹ có vẻ xét nét, để ý cách mình làm ăn ra sao từng chút một. Đây là family business, shop nhỏ thôi, nên họ tính toán tiết kiệm kỹ lưỡng: chồng boss kiêm supervisor, vợ làm thư ký kiêm kế toán, con cái nhỏ cũng có mặt loay hoay phụ giúp cha mẹ. Hồi đó sao tôi nhớ nhà chi lạ, nhất là nhớ đứa con gái 5 tuổi bỏ lại. Đang đứng máy, soi lỗ cho một đống 200 cái  mẫu nhôm vuông vắn bằng bàn tay ông chủ giao cho, mà tự dưng đầu óc lan man nhớ chuyện ngồi dưới thuyền vượt biên hôm nào thấy chim bay trên trời, nhớ đêm nằm cô đơn trên đảo Hongkong thở dài tiếc nuối đã không mang vợ con theo luôn, chuyện con gái bây giờ chăc đã vào lớp Một, không biết bà xã còn buôn bán không, hay đã đi làm hợp tác xã, gửi con cho ai, hàng xóm hay bà nội.


Tay làm mà đầu nghĩ chuyện đâu đâu, vô tình soi lộn lỗ nhỏ thành lỗ to hết 3 miếng nhôm, thình lình giựt mình nhớ lại, tá hỏa tam tinh. Phải chi lỗ phải xoi to mà khoan thành nhỏ, còn có thể sửa lại, xoi lại, khoét ra to, đàng này lỗ phải xoi nhỏ mà khoan bằng khoan bự, to toét loét, làm sao mà bít bớt cho nhỏ lại. Tôi toát mồ hôi hột, trời mùa hè mà như đứng giữa đêm đông, không biết làm sao mà thủ tiêu 3 miếng này. Chỉ có cách thủ tiêu thôi, chứ đem ra thú tội với chủ chăc chắn là bị đuổi ngay tức thì. Một miếng nhôm như vầy order cũng 20$ vốn là ít nhứt. Cầm khơi khơi mấy miếng sáng choang này đem ra bỏ thùng rác là chủ nó thấy tới hỏi ngay, không thấy thì lúc đổ rác nó cũng phát giác. Chỉ còn cách dấu trong bụng giả đò vô "toilet" đi cầu, dấu tạm trong bồn nước đỡ, rồi khi về vô toilet giả đò đi tiểu, móc ra nhét trong người, măc áo coat thùng thình mang theo về nhà thì không ai nghi ngờ. Không sợ thiếu hàng, vì chủ bao giờ cũng order hàng dư ra hơn nhu cầu một chút, phòng một số nhỏ hư hại hay làm sai kích tấc.
Kế hoạch của tôi thành công, mầy ngày sau không nghe chủ hỏi han gì, coi như êm xuôi. Nhưng tôi lúc nào cũng sống trong hồi hộp, lo sợ, có linh tính như sẽ bị đuổi việc, vì chủ không thấy tươi cười với mình chút nào.  Quả nhiên, sau đúng một tháng, chủ kêu lại nói:
-Lẽ ra tôi đã cho anh nghỉ sau 2 tuần tập sự, nhưng tôi ráng chờ cho đủ tháng để trả tiền cho ông hiệu trưởng anh. Anh không có khiếu trong nghề này. Hồi xưa anh là thày giáo phải không" Tôi thành thật khuyên anh nên xin trợ cấp đi học lại cho tiếng Anh khá hơn. Anh xem ra có khiếu về chữ nghĩa hơn là làm tay chân.
Bị sai thải,  cầm cái check 800$ cám ơn, về nhà lúi húi nấu cơm, chiên trứng, xào mực  cho con ăn, còn mình chả thấy đói chút nào, lên giường đáp mền nằm co ro, trong bụng rầu thúi ruột.  May mắn Vĩnh xin với cậu mợ nó cho cha con tôi tới ở tạm nhà họ một thời gian, vì tôi vừa mất job, mà thằng Mễ cũng trả apartment cho chủ dọn ra luôn. Hai cha con nằm đất trong phòng khách, nên họ chỉ lấy tượng trưng có 100$ một tháng.
Tôi lên trường báo cáo bị sa thải, họ nói cứ tới trường đi học tiếp, họ sẽ kiếm cho job khác. Thời gian đó cũng may tôi quen với anh Vui, qua Mỹ trước tôi, cũng một cha một con, cùng cảnh gà trống nuôi con như tôi. Thấy tôi lo buồn không biết kiếm đâu ra job mới, vì nghĩ welfare không cho tiền trợ cấp nữa sau khi đã đi làm, anh cười to:
-Trời, anh mất job thì apply xin lại welfare AFDC , mắc mớ gì mà lo cho mất công, anh là single parent, con anh dưới 18 mà lo cái nỗi gì" Hồi trước tôi cũng y như anh vậy đó, xin họ cho lại liền.Yên chí đi. Tôi sẽ đưa anh lên xin lại.
Tôi mừng rỡ: -"Thiệt sao" Vậy mà tui lo sốt vó lên mấy hôm nay."
Ở với cậu mợ Vĩnh chưa đầy tháng thì tôi quen với một anh Cambuchia tên Danh, dẫn tôi tới ở share phòng nhà mướn của một cặp vợ chồng cũng người Cambuchia, họ nấu ăn cho mình  luôn, trả 300$ một tháng, 2 cha con ngủ chung phòng có 2 giường với Danh. Vĩnh hỏi tôi muốn xin welfare lại hay muốn đi làm lại,vì  muốn kiếm việc ở vùng này cũng dễ, bạn của Vĩnh tên Bằng biết nhiều chỗ đang cần thợ.. Cậu mợ Vĩnh khuyên tôi nên xin lại welfare đi học lại tốt hơn, có tương lai hơn. Tôi chả biết học gì, đầu óc còn hoang mang buồn phiền nhiều thứ quá, có lẽ nên đi làm để khỏi nghĩ ngợi, để giúp gia đình ở Việt nam một thời gian cái đã. Thế là Vĩnh nhờ Bằng giới thiệu tôi đi làm machine shop cùng chỗ Bằng đang làm.
Ông chủ Mỹ này già, tóc bạc, đã về hưu, mướn một manager Mỹ tên Doug coi shop, và 4 thợ tiện, toàn thợ trẻ Việt nam. Bằng nói ông khoái thợ Việt nam vì siêng năng và thông minh. Thấy tôi có background  thày giáo, ông không cho tôi đứng máy , mà đưa lên làm "inspector tập sự" ở  phòng riêng kế bên office, trả 5$50 một giờ. Nhiệm vụ tôi là đọc "blue-print" và dùng dụng cụ máy móc check coi hàng ( parts bù long, con ốc) thợ dưới shop làm đem lên có đúng kích tấc không, rồi ký gửi cho khách hàng order. Ông nói không cần check hết từng part một, mà chỉ check 20% số lượng làm mẩu, hễ đúng hết thì ký tên gửi hàng đi cho khách hàng, không đúng thì gửi trả xuống cho họ làm lại.  Tôi đạp xe đạp đi làm, vì thi lái xe rớt tới 2 lần, mà cũng chưa mua được xe. Có ngày mắc mưa to, ướt như chuột lột, may mà còn mùa hè ấm áp, không bị cảm lạnh ho hen.
Mấy tháng đầu tôi làm tốt lắm, nhiều hàng lúc trước kẹt mà ông đưa tôi check lại, tôi cho PASS hết gửi đi, khách hàng lấy hết, không trả lại cái nào, làm ông được những số tiền lớn vô bất ngờ, khoái lắm, cười tủm tỉm khen tôi hoài, tăng lương lên 6$ một giờ, dụ tôi cố gắng trau dồi nghề này sẽ có ngày lên 9 mười đồng. Nhưng hàng dần dần nhiều quá, một món cả 200 parts, mà  mỗi ngày có hơn cả chục món thợ mang lên để trên bàn, con mắt phải làm việc tỉ  mỉ  suốt ngày, nên tôi phải đi bác sĩ khám mắt, phải đeo kính. Thợ làm sai hỏng nhiều quá, ít khi đúng kích tấc blue-print qui định. Trả đồ xuống, bắt thợ sửa lại mới chịu ký shipping thì thợ ghét, chửi thề văng tục, nói "đồ nịnh chủ", mà nhắm mắt ký đại gửi đi cho khách thì khách trả hàng lại, ông chủ cằn nhằn, tôi như ngồi trên đe dưới búa, rất khổ tâm, bực mình. Làm ăn phát đạt, ông chủ mướn thêm 2 anh Việt nam nữa, trước ở VN cũng làm giáo sư toán và lý hóa, cho đứng xử dụng máy CNC. Có bạn trí thức, giờ break giải lao nói chuyện cũng đỡ buồn.
Qua đầu năm 86, tôi không làm good nữa, nhiều hàng khách hàng trả lại đồ vì tôi check không kỹ, ông chủ đem vào vứt gói parts trên bàn như mắng vốn.  Đọc blue-print lâu lâu cũng có mấy cái không hiểu, phải nhờ ông chủ hay manager Doug chỉ dùm.
Một hôm Bằng vô phòng tôi với vẻ mặt nghiêm trọng, đưa tôi một trang báo bảo đọc, trong đó có mẩu rao vặt "Help wanted" (Cần tìm người làm), rao cần một inspector giỏi, tên hãng số phone đúng là của office ông chủ mình. Tôi biết mình săp bị laid-off, biết ông chủ tử tế còn ngại chưa muốn cho mình biết, chờ mướn được người mới đuổi sau, nên hỏi Doug thì hắn xác nhận đúng, bèn lên office thản nhiên xin nghỉ việc. Ông chủ biết tôi cũng chả thích gì nghề này, hí hoáy tử tế đánh máy, ký cho một cái thư giới thiệu rất tốt, để giữ làm reference sau này dễ kiếm việc.
Tôi không buồn, vì biết mình lâu nay làm hơn 7 tháng, xin tiền thất nghiệp được, mà xin lại welfare cũng được, với lại cũng chả thích gì cái nghề này, lụm cụm mỏi mắt mà ít tiền.
Lúc đó tôi đã bỏ bà Cambuchia nấu cơm tháng, sang ở share apartment 2 phòng ở Escondido với Liễu, một bà 38 tuổi, có chồng qua Mỹ trước, bỏ lấy vợ khác trẻ đẹp hơn ở New York. Liễu sống đi làm nuôi 3 đứa con trạc tuổi con tôi. Một anh bạn trẻ giới thiệu cho tôi lại đó ở cho rẽ, vì là nhà housing, nói nhỏ," bà này đang kiếm đàn ông cho share nhà để mong nếu hạp thì lấy làm chồng hay boyfriend gì đó". Tôi thấy bà này tính có 200$ một phòng cho 2 cha con cũng rẻ, con mình lại có bạn đồng tuổi chơi với nhau cũng tiện, nên dọn vô, không hề nghĩ đến chuyện có thể lăng nhăng tình ái nhảm nhí gì.
Liễu nhỏ con, không đẹp, nhưng có nhiều bạn bè Việt nam tới chơi, ăn uống, nên tôi cũng quen thêm một số người tốt, như anh chị Duy, Hà, bà Năm, Hậu... Tôi mua lại của Hà (đang học nghề sửa xe), cái Toyota Corona 1000$ đời 76, còn rất tốt, nhưng số tay, phải nhờ một người bạn cùng làm chung hãng dợt cho nửa ngày mới lái được. Tôi cũng ẩu, chưa có bằng lái mà cả gan lái xe mới  đi làm đại, nhưng chính nhờ vậy mà sau 4 tuần, tới DMV thi lần thứ ba đậu ngay.
Thời gian này Điệp thỉnh thoảng lái xe lên thăm hai cha con, cho quà, an ủi, khuyến khích. Tôi cũng lâu lâu lái đưa con về nhà Điệp chơi, kể chuyện này chuyện nọ, ở lại ăn cơm. Một lần, tôi quen một anh mang đứa con nhỏ từ Texas qua, tâm sự qua Cali để xin ăn trợ cấp đi học college lại lên kỹ sư, vì Texas không cho hưởng trợ cấp lâu.  Tôi cũng quen 2 thanh niên trên dưới 35 tuổi học college ở gần nhà, qua chơi cầm cuốn computer dày cộm của họ lên, đọc thử mà hoa cả mắt, bao nhiêu là từ ngữ xa lạ, mình khá tiếng Anh mà cũng mù tịt chịu thua, buồn bã nghĩ bụng cái thời chữ nghĩa của mình đã qua, chắc không bao giờ có thể đi học lại trên xứ này nữa, thôi ráng đi cày cho xong.
Một buổi chiều, để khuây khỏa nỗi buồn thất nghiệp, tôi chở con đi coi xi nê ở cái rạp quen, coi 2 phim chỉ có 99 cents. Khi tan phim ở rạp ra, 7 giờ tối, tôi sửng sốt bàng hoàng trước một cảnh tượng lạ lùng tuyệt đẹp: cả một vùng trời tím rịm không thấy đâu là núi non, đường xá, thành phố. Tôi ngẩn ngơ nắm tay đứa con thơ bơ vơ đứng trước cả một rừng xe hơi mấy trăm chiếc, chìm trong màu tím bùi ngùi thương nhớ, không nhớ đã đậu xe ở chỗ nào. Tâm trạng tôi lúc đó chơi vơi trống trải, mênh mang, buồn rười rượi. Thấy trước mắt cả một tương lai đen tối bao trùm, như không gian màu tím sẫm buồn tê tái lúc đó, không biết loay hoay làm sao mà thoát ra, tìm ra ai chỉ cho mình một con đường đi đúng đắn gầy dựng lại tương lai nuôi sống hai cha con, đủ sức bảo lãnh được 2 mẹ con đang trông chờ bên kia.
Hình ảnh buổi chiều tím hôm đó tuy chỉ hiện ra trong khoảnh khắc, không hiểu sao suốt đời in khắc mãi trong tâm khảm tôi, sau này có nhà cao cửa rộng, mỗi lần hình dung lại, đều muốn ứa nước mắt. Nó gợi lại cảnh con thuyền không bến, cái tâm trạng bơ vơ cô đơn cùng cực của người cha độc thân trắng tay bất lực trên xứ lạ, không ai giúp đỡ, trước cái bao la vô định của Trời đất mênh mông.
Sau đó mấy tháng thì bà manager housing biết được cha con tôi ở "lậu" nhà bà Liễu không khai báo. Bà ta hăm he đứa con gái Liễu, nói, "Má mày phải lên gặp tao, nhận ông đó là boyfriend thì tao mới cho ở chung."  Tôi bực mình nghe lời Hậu, anh chàng cắt cỏ quen (vừa mướn cái apartment 3 phòng gần đó), dọn ra, tới ở chung, chiếm một phòng trả 200$ một tháng.  Còn đang thất nghiệp, tôi theo Hậu đi phụ cắt cỏ, Hậu trả cho 50$ một ngày tiền mặt, girlfriend Hậu nấu cơm luôn cho ăn.
Tôi không ngại lao động tay chân, làm cỏ cũng vui, nhưng vẫn thích học một nghề gì đàng hoàng mới lạ, đòi hỏi suy nghĩ, viết lách, nghề nào liên quan đến trí óc chữ nghĩa hơn. Tôi nhớ dến anh chàng bỏ Texas dẫn con qua Cali xin welfare đi học lại college, kể chuyện cho Mike nghe xem ý thế nào. Lập tức Mike nổi nóng, mặt mày đỏ lên, chê trách anh này hiểu sai ý nghĩa của tiền trợ cấp xã hội.
"Welfare là tiền người dân đóng thuế", Mike nói, " chính phủ lấy một phần để giúp các trường hợp neo đơn, con nhỏ, cha mẹ đau yếu, không đi làm được. Trường hợp bất đăc dĩ mới nhờ vào, không phải để mình lợi dụng mà học lên cao làm cha thiên hạ, kiếm tiền cho nhiều". Tôi thấy vậy, nín thinh không dám nói nữa, sau này kể lại cho một anh bạn nghe, anh ta nghe, anh cười bảo:
-Sponsor anh là Mỹ phải không" Tất nhiên Mỹ nào mà muốn mình ăn welfare, tiền mồ hôi nước mắt của họ đóng thuế đâu" Mình ở đâu đâu tới, muốn ở không ăn tiền xã hội đi học làm lương cao trong khi họ phải đi làm chết xác thì tất nhiên họ phải ghét rồi. Nhưng họ quên rằng, khi mình làm lương cao thì phải đóng thuế cao trở lại cho chính phủ nuôi người khác, còn đi làm ba cọc ba đồng suốt đời thì đóng thuế được bao nhiêu, nuôi ai. Anh nghĩ có phải không"
Tôi ngẫm nghĩ thấy Mike có lý, nhưng nguyên tắc quá, còn anh này cũng có lý, mà lý này linh động uyển chuyển hơn. Đúng rồi, phải biết trông xa thấy rộng, suy nghĩ thiển cận quá không có lợi cho ai cả, ở đời đều là vay vay trả trả, miễn giúp ích cho nhau cùng tiến lên là tốt, bèn âm thầm nuôi ý định một ngày nào đó có dịp sẽ bắt chước ôm sách tới trường trở lại. Ai cũng nói mới qua Mỹ phải chịu khổ, khổ ghê lắm, rồi sau từ từ mới hanh thông, ăn nên làm ra, nếu mình có chí, chịu khó, biết tìm cách tiến thân.
Trong hơn một năm khi mới đặt chân đến Mỹ, cha con tôi phải dọn nhà 5 lần, con tôi lếch thếch đổi trường tới 4 lần. Chưa hết, lần này tôi ở được với Hậu cũng chỉ có một tháng thì bà cô trên Fresno kêu lên giúp cho đứng làm chủ business căt cỏ. Lại phải dọn nhà lần thứ 6, bắt con đổi trường lần thứ 5, cha con chất đồ, kéo nhau cà rịch cà tang, ngủ gà ngủ gật, chạy lên Fresno tơi bời hoa lá, vừa đến nơi thì xe xẹp bánh, bể  pot". Nhưng chính ở đất Fresno quê mùa này, đời sống thật rẻ, ở nhà housing 2 phòng có 200$ một tháng, thành phố yên tĩnh, ít chỗ ăn chơi, mà đời tôi bắt đầu chuyển qua một khúc ngoặt định mệnh, cho tôi cơ hội thực hiện giấc mơ cắp sách đến trường trở lại.
Đang cắt cỏ, tôi thi đậu vào Bưu điện 7 chỗ khác nhau với số điểm rất cao, rồi đậu làm social worker cho Fresno county mấy tháng, nhưng số tôi Trời không cho làm thợ, nhiều thứ xảy ra bắt tôi bám lấy nghề đi học. Trong suốt 3 năm, các bưu điện cứ lai rai kêu hoài, mà việc học lại rất tốt đẹp. Đang học gần đến đich, bỏ ngang đi phát thơ cũng uổng.Tôi chịu khó dùng nghề cỏ làm phương tiện nuôi mình học suốt 4 năm dài, lấy được mảnh bằng Master và trở thành nhà giáo chính ngạch trở lại ngay sau đó, đường hoàng thuê nhà ở riêng năm 90, rồi qua năm sau mua nhà đón vợ con qua, sắm 2 chiếc xe, sống độc lập, thoải mái, chấm dứt những tháng ngày long đong vất vả, lây lất... 
PHẠM HOÀNG CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc
11/05/201901:49:54
Khách
"...rồi đậu làm social worker cho Fresno county mấy tháng , nhưng số tôi Trời không cho làm thợ. ...."Không hiểu tác giả nói gì! !!!!!!!!?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Nhạc sĩ Cung Tiến