Hôm nay,  

Mưa Phi Châu, ‘Học Xá’ Chí Hòa và VVNM

26/08/201800:00:00(Xem: 9382)
Tác giả: Nguyễn Văn Tới

Bài số 5477-20-31284-vb8082618

 
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài  viết  của một dân sự gốc Việt từ căn cứ  Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.

viet ve nuoc My
Ăn ngủ và làm việc như lính tiền tuyến. “Văn phòng” là mái lều.

 
***

Hồi nhỏ theo người lớn đi dở chà, thấy con cá tổ chảng đang loi ngoi dưới sình, nhảy tới chụp, nó chúi xuống bùn mất tiêu. Tiếc ngẩn ngơ!

Khi lớn, sau những năm tù cộng sản, qua tới Mỹ, tập tành viết lách, được gọi qua California dự tiệc mừng, nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2017, vì làm việc ở Trung Đông không về kịp, mất cơ hội. Tiếc nẫu người!

Năm nay 2018, thêm một lần, thần may mắn gọi tên qua thủ đô tỵ nạn lãnh giải Danh Dự VVNM, lại đang tha phương cầu thực tại Phi Châu, xứ Cameroon. Hụt lần nữa. Tiếc hùi hụi!

Làm người, hễ có cơ hội thì nên chụp lấy kẻo lại “tiếc” như tôi, các bạn ơi. Tôi xin kể các bạn nghe lý do gây ra căn “bệnh tiếc” năm nay của tôi:

 
Viết từ Phi châu:
Mùa mưa Cameroon.

Số là đúng mùa họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, tôi lại phải lên đường làm việc theo hợp đồng với quân đội Mỹ, lần này tận Cameroon, một nước trung Phi với 23.5 triệu dân và GDP là $3,349 trên mỗi đầu người. Đa số theo đạo Thiên Chúa vì ảnh hưởng nặng nề văn hóa của Pháp và chút ít của Anh. Hầu hết họ nói và giao dịch bằng tiếng Pháp. Các bảng hiệu và chỉ đường đều bằng Pháp Ngữ.

Theo chuyến bay từ Bỉ đến Yaoundé, thủ đô Cameroon, ngó quanh thấy hầu hết là người da đen, lác đác vài người da trắng, còn lại duy nhất mình là da vàng, mũi tẹt. Vốn liếng tiếng Tây học từ 42 năm trước ngày mất nước, giờ đem ra xài lại bị “rỉ sét” nhiều, mãi mới ra được một câu cú đàng hoàng. Vậy mà ráng nói thì từ từ cũng nhớ lại ít nhiều. Khoái quá tôi bật ra một câu Phú Lãng Sa “Mon Dieu, mon francais me revient!” (Lạy Chúa, tiếng Pháp của con trở lại rồi). Cũng nhờ mớ tiếng Tây ăn đong này nên người dân Cameroon làm việc chỗ đóng quân đối đãi với tôi có vẻ tử tế hơn là đối với lính Mỹ trong trại.

Internet ở đây chán lắm, chúng tôi phải mua thẻ cạo wifi-data như vé số cạo ở Mỹ. Nhiều bạn Mỹ khi ghi danh trên mạng thấy toàn tiếng Tây, bèn quay qua hỏi “thông dịch diên” bất đắc dĩ này giúp, lại thêm cái job mới không công nhưng vui. Đúng là trong xứ mù, thằng chột làm vua.

Nơi tôi làm việc là một phi trường nhỏ đìu hiu với một đường phi đạo duy nhất lỗ chỗ những miếng vá víu bằng xi măng  chằng chịt, tọa lạc trên đỉnh một dãy núi cao, nhìn xuống tứ bề là rừng xanh bạt ngàn. Ban ngày chỉ thấy bầu trời xám lợn cợn những đám mây dày đặc; đêm xuống quanh cảnh càng thêm buồn và ảm đạm, dơi bay từng đàn, bắt đầu một ngày mới săn mồi, những con dơi, con nào con nấy to bằng nửa con gà. Muỗi bay như trấu. Trại chúng tôi ở là một góc nhỏ tọa lạc ngay cạnh phi trường và được bao quanh bằng hàng rào bao cát dày khoảng 1 thước, cao hơn 3 thước, có lính Mỹ gác xung quanh nghiêm ngặt.

Hangar chứa máy bay là một tòa nhà cao được xây bởi không quân Pháp, cũ kỹ và xuống cấp nhiều, nay được Mỹ sửa lại tạm thời để xài. Nhìn những bảng hướng dẫn cho đến các công tắc điện đều bằng tiếng Pháp. Nơi lính ăn, ở, sinh hoạt toàn là lều bạt, nên tôi cũng ngủ lều như họ. Coi như đi “camping” cắm trại ở Cameroon vài tháng rồi về.

 Tỉnh lỵ gần nhất lái xe cũng mất hơn vài giờ nên mọi thứ như thực phẩm, nước uống, thư từ, bưu phẩm đều được không vận đến bằng máy bay vận tải, mỗi tháng một lần. Thường ngày chúng tôi vẫn phải ăn đồ ăn khô MRE (Meals Ready to Eat) xen lẫn với thực phẩm được nấu chín nóng hổi kèm theo rau trái tươi đầy đủ. Bước ra khỏi phòng, phải xịt thuốc chống muỗi lên da mà vẫn bị cắn như thường, đủ biết “thịt Mỹ” thơm hơn thịt dân địa phương.

Tiếng mưa rơi lộp bộp trên nóc lều của tôi cũng là của cái văn phòng tạm bợ nối liền với nhà chứa máy bay (hangar), tiếng gió thét gào bên ngoài, cộng với sấm chớp nổ vang rền kéo thành những tia sáng dài trên bầu trời đen kịt đầy mây đen vần vũ; Tôi ngồi trên cái ghế bành “thương binh hạng nặng” nhấm nháp ly trà xanh Nhật Bản vừa đọc mấy bài viết về lễ trao giải lần thứ ngày 12 tháng 8, 2018 của Việt Báo mà vui buồn lẫn lộn.

Vui vì biết VVNM vẫn mạnh mẽ tiến bước, ngày càng đông người tham gia và đông độc giả. Trong niềm vui, xin chúc mừng nhà báo Phan, nhà quán quân VVNM 2018,  cùng chúc mừng các tác giả khác như chị Đông Trinh, chị Năng Khiếu, chị Phương Hoa, và tất cả các tác giả được giải khác.

Nhưng ngược lại cũng xin tự chia buồn đến bản thân “thằng tôi” vì không thể có mặt ở nơi cần phải có mà vui với những người vui.

Đây là năm thứ hai tôi có tên trong danh sách các tác giả  được trúng giải mà cả hai năm đều không tham dự được vì đang lê gót lãng du nơi cuối trời xa, lần thứ nhất Afghanistan, Trung Đông, lần này tại Cameroon, lục địa đen Châu Phi.

Công việc tôi đang làm là loại việc đã được lên kế hoạch cả năm trước. Biết vậy,  tôi đã thầm cầu nguyện sao cho chuyến công tác kế đừng rơi vào tháng 8. Vậy mà cũng không được như ý. Thôi thì  đành tự an ủi, nay dù đập muỗi Cameroon vẫn sướng gấp vạn lần ngày xưa nằm gãi ghẻ cộng sản trong khám Chí Hòa.

Tự an ủi vậy, nhưng tiếc thì vẫn tiếc đứt ruột, vì  ngoài chuyện được trực tiếp nhận giải và gặp gỡ các anh chị Viết Về Nước Mỹ, đây còn là cơ hội cho tôi thực hiện điều ước ao từ lâu, là được gặp gỡ nắm bàn tay nhà văn Nhã Ca và nói lời cảm phục.

Tôi giữ niềm ước ao này đã hơn 30 năm, từ cái nơi được nhà văn Hoàng Hải Thủy, trong một email gửi từ Virginia qua Cameroon, đặt tên là...

 
“Học xá” Chí Hòa,

những năm 1987-1988

 
Trích email mới nhất của  “bố Thủy” gởi cho tôi từ Virginia:

 
Thuy Hoang

 

Jul 29 (2 days ago)

to me

 


Virginia  5 giờ chiều. Cameroon ở Phi châu? Mỗi năm con về Mỹ gặp vợ con mấy lần? Năm nay Bố 85 tuổi. Bố yếu đi, hay quên, tật già chứ không đau bệïnh gì cả. Má con 82, còn sáng trí, nhớ nhiều hơn Bố. Chiều nay nắng vàng. Bố nhớ những ngày đêm chúng ta sống trong Phòng 10, Khu ED, Nhà Tù Chí Hòa. Nhớ ngày nào vợ chồng con đến đây đưa Bố Má đi chầu Đức Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp ở Nhà Thờ Maryland. Chúng ta sống bên nhau trong Học Xá Chí Hòa những năm 1987, 1988. Thời gian qua mau. Bố xin Đức Bà Maria ban ân phúc cho vợ chồng con, cho các con của con. Với số tuổi gần Chín Bó, Bố Má được như thế này - tỉnh trí, không bị lẫn, đi lại vững, sống ríu rít bên nhau, yêu thương nhau, con cháu bình yên - là nhờ  Ơn của Đức Mẹ Maria. Bố nhớ con. Bố

ngưng trích

 
Khi nhận email, tôi đã ngồi lặng lẽ với tiếng mưa Cameroon lộp bộp trên mái lều, đọc lại nhiều lần câu “Chúng ta sống bên nhau trong Học Xá Chí Hòa những năm 1987, 1988.” Vâng, Thưa Bố Thủy, nhà tù Chí Hòa, với con, đúng là một “học xá.”

Trong những ngày và đêm ở cái học xá ấy,  tôi có duyên may được nhận vào ăn chung mâm với nhà văn Hoàng Hải Thủy, được gọi ông là “Bố”, và tình bố con luôn được gìn giữ từ đó cho tới nay.

 Thời ấy, “bố Thủy” bị công an cộng sản bắt lần thứ hai, trong vụ án “Biệt kích cầm bút.” Cùng bị bắt vào Chí Hòa với ông, còn có các nhà văn, nghệ sỹ khác như Doãn Quốc Sỹ phòng 9 ED, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt phòng 11 ED (chết trong tù, RIP), Dương Hùng Cường phòng 12 ED, (chết trong tù, RIP), Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, Lý Thụy Ý, và cô Nhạn, nhân viên bưu điện Sài Gòn.

Cũng trong phòng 10 ED của “học xá” Chí Hòa, tôi từng ngủ cùng chiếu với thày Trí Siêu, tức học giả Lê Mạnh Thát, người cùng với thày Tuệ Sĩ bị kết án tử hình trong vụ cộng sản tấn công Chùa Già Lam,  vụ án đã đưa tới cái chết tức tưởi của Hòa Thượng Trí Thủ. Sư cô Thích Trí Hải cũng bị bắt trong vụ này.

Hầu hết những người tù kể trên, đều biết nhà văn Nhã Ca, nhưng chuyện tôi được nghe kể nhiều nhất về chị là do chính “Bố Thủy”.  Trong sự thân cận hàng ngày, tôi được “bố” thì thầm kể cho nghe nhiều chuyện về các bạn văn thời đó. Và bài học mà tôi nhớ nhất, người tôi cảm phục nhất là chuyện nghe kể về nhà văn Nhã Ca. 

Tôi còn là cậu bé học trò trung học khi chị Nhã Ca đã thành danh trong làng văn chương Việt Nam Cộng Hòa với hơn 20 tác phẩm,  trong đó “Giải khăn sô cho Huế” 1969 là một tác phẩm chấn động xã hội bấy giờ, vạch mặt sự tàn bạo vô nhân của cộng sản.

Theo Bố Thủy kể, ngay từ đợt đầu của chiến dịch đốt sách, bỏ tù toàn bộ văn nghệ sĩ miền Nam, gia đình  Trần Dạ Từ - Nhã Ca là trường hợp duy nhất cả chồng lẫn vợ cùng bị bắt, nhà cửa bị tịch thu, các cháu nhỏ xíu bị xua đuổi, hạnh hạ thừa sống thiếu chết. Vậy mà khi ra khỏi trại tù,  trong khi ông chồng còn tiếp tục tù đày,  trên căn gác bí mật trong nhà chị, chị Nhã Ca vẫn giấu được nhà văn Mai Thảo, người đang bị công an cộng sản lùng bắt cả năm.

Thử tưởng tượng thời điểm sắt máu đó vài năm sau ngày 30/4/1975, nếu lộ ra thì mọi người có thể biết hậu quả sẽ thảm khốc đến dường nào! Người phụ nữ mảnh mai đó, có trái tim dịu dàng, nhưng một ý chí kiên cường hơn cả thép, mới có thể nuôi đàn con, vừa thăm nuôi chồng, vừa dấu một “tội phạm chính trị nguy hiểm” như nhà văn Mai Thảo, bất kể tới hiểm nguy của chính mình và gia đình.

Thân phận cá chậu chim lồng như chúng tôi lúc đó cũng phải ngã mũ kính phục chị, không dám mong có một ngày được gặp chị Nhã Ca. Nhưng rồi đúng là ngày đó đã đến. Đó là ngày trao giải thưởng VVNM mà tôi may mắn là một trong những người được giải: Chị Nhã Ca là chủ nhiệm sáng lập Việt Báo. Tôi được chọn vào chung kết giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2018. Đúng là cơ hội ngàn năm cho tôi gặp người tôi mến mộ.  Vậy mà giờ này tôi vẫn đang ở đây, nơi khỉ ho cò gáy, làm bạn với muỗi và dơi, thế mới oái oăm làm sao!

Ở một đất nước quá rộng lớn như đất Mỹ, dù cùng một tiểu bang, chưa chắc đã có dịp găp nhau. Từ chỗ tôi ở, phía Nam Arizona, tôi phải lái 7 giờ đồng hồ không nghỉ mới đến được Little Saigon, nơi tòa soạn Việt Báo có văn phòng. Năm ngoái, tháng 10, 2017, hai tháng sau lễ trao giải lần thứ 18, tôi có lái xe qua tòa soạn và được gặp chị Hằng và một số anh chị em nhân viên Việt Báo mà tôi không biết tên, nhưng vẫn không gặp được chị Nhã Ca.

Năm nay, hụt lần nữa, chắc tết “Ma Rốc” tôi mới có cơ hội lần thứ 3.

Trước năm 1975, thi sỹ Trần Dạ Từ đối với nhiều người yêu thơ văn là một tên tuổi lớn, nhưng với tôi, một đứa con nít, dốt thơ văn, ham chơi lại bị cấm yêu đương lăng nhăng trong trường nội trú, nên không biết ông. Sau 1975, khi được nhà nước cộng sản bắt lính gác cho tôi ngủ ở Chí Hòa, nghe bố Thủy kể về ông, tôi mới biết Trần Dạ Từ là ai và qua Mỹ tôi mới có cơ hội tìm đọc “Thủa làm thơ yêu em” của ông.

Bố Thủy từng bảo tôi hai vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã Ca là những người can đảm chứ không nhát hít như bố. Riêng tôi cho rằng những người dám viết lên suy nghĩ thật của mình đều là những người can đảm. Cách nhà văn Hoàng Hải Thủy nói năng dõng dạc trước tòa án cộng sản đã cho thấy bản lãnh  của kẻ “SỸ” đúng nghĩa; không như những bồi bút cộng sản mà chúng ta thường thấy, khi nhà nước gõ kẻng, thì họ há mồm ra rồi viết đúng kiểu đặt hàng theo hội chứng Pavlov.

Chương trình VVNM từ 20 năm nay, không cần phải nói nhiều, đã là một thành tựïu tuyệt vời, không chỉ để nuôi dưỡng “tiếng nước tôi”, mà còn hình thành bộ sách lịch sử ngàn người viết về người Việt tự do trên đất Mỹ và thế giới, như một thanh kiếm gia truyền mà thế hệ lớn tuổi đang trao lại cho con cháu để chúng còn biết cội nguồn và có thể sẽ đi xây lại cơ đồ văn hóa cho nước Việt Nam.

Dù đi làm xa nhà hay đang còn ở trong nước Mỹ, chúng ta nên cùng nhau viết về nước Mỹ, viết nhiều thì nó sẽ hay, sẽ trở thành những di sản văn hóa mà chúng ta khi trở về đất, không có gì để lại, chỉ còn những gia tài tinh thần cho lớp trẻ hải ngoại mà thôi.

Cameroon, tháng 8, 2018.

Nguyễn văn Tới

Ý kiến bạn đọc
31/08/201815:55:20
Khách
Hello anh Từ Huy. Tui khoái cái kiểu của anh khi viết" Cha này văn chương luyện hồi nào mà phóng ra như... kiếm khí vậy!!... " Thú thật với anh tui không ghiền truyện Kim Dung hay mê phim chưởng, nhưng khi viết không biết tại sao nó cứ ra ào ào như chưởng lực, chắc kiếp trước là 1 cao thủ võ lâm Trung Nguyên chăng? Cũng cám ơn anh nhiều về sự đồng cảm trong văn chương, dầu sao anh cũng là 1 trong những tác giả làm quen chữ nghĩa từ thuở còn tắm cởi truồng phải không? Mong đọc thêm những bài của anh hay anh có link nào, gởi tui đọc thì khoái lắm lắm. Số tui có sao Thiên Di cầm tinh con ngựa hay sao đó mà suốt đời lênh đênh anh Từ Huy ơi. Thân mến
31/08/201806:48:14
Khách
Anh Tới! Tui có đọc hai bài trước của anh. Lúc đọc thấy hay, lạ mà hổng nghĩ ra “còm” làm sao.
Giờ thì nghĩ ra rồi. Nó cũng từa tựa như hồi xửa hồi xưa (có con mẹ bán dưa mẻ cưa cái cẳng) đọc truyện Một Nghìn Lẻ Một Đêm.
Cảm giác lạ lùng, phấn khích vì nó thuộc về một thế giới hoàn toàn khác với nơi chốn mà tui đang sống.
Rồi đến bài này. Cũng... y chang vậy!
“Tiếc ngẩn ngơ! Tiếc nẫu người! Tiếc hùi hụi!... “
Làm tui cũng “Sầu lên quan ải, oán ra cửa phòng” (CONK) giùm anh!
Mới rồi tui tò mò tìm ngược lại đọc bài đầu tiên của anh. Trời! Cha này văn chương luyện hồi nào mà phóng ra như... kiếm khí vậy!!...
Cứ vậy mà... Tới nghen🤓‼️
31/08/201801:30:50
Khách
CVK có phải là "Chủng Viện KonTum?". Tôi có người em trai thứ tư học trong đó từ nhỏ hết trung học thì chuyển lên Chủng Viện Dalat, để học ơn trường Lasan
d'Adran, sau 30/4/75 ra học ơ Đại Học Tổng Hợp Saigon, rồi vượt biên nam 1980. Nếu đúng vậy thì cuối năm về Nam Cali họp mặt sẽ gặp,
Chúc Tới mạnh khỏe và may mắn.
30/08/201814:49:23
Khách
Hơn 10 ngày bận việc túi bụi và mưa như thác đổ, em mới có dịp online. Cám ơn Chú Chín Cali đã khuyến khích. Senegal nóng và lạnh đều khắc nghiệt hơn Cameroon nhiều và người dân đều nói tiếng Pháp, em chắc 1 điều là anh cũng có nhiều trải nghiệm về đất nước này và còn nhớ vài câu "xanh xít đít đui" như em.
Chị Năng Khiếu ơi, em xúc động lắm khi biết chị "khổ công" tìm kiếm thằng em trong buổi lễ trao giải mà bị quê 1 cục, kiếm hoài không thấy. Em cũng ước ao gặp mặt chị mà không được. Đành hẹn năm sau nếu em còn may mắn. Ở nơi "muỗi ho, dơi gáy" như ở đây,khi rảnh rỗi, em đọc hết những bài viết của tất cả tác giả và bài của chị thì em đọc kỹ hơn hết. Thêm nữa, làm việc nơi này là 1 dịp rút lui vào nơi yên lặng rất phong phú cho thực phẩm của tâm hồn. Hy vọng được gặp chị sớm. Cuối năm nay em sẽ qua Nam Cali gặp một số bạn bè CVK, biết đâu sẽ có dịp tình cờ.
28/08/201804:03:01
Khách
Anh viết về Cameroon làm tôi nhớ xứ Sénnegal nơi tôi có dịp làm việc nhiều năm. Cameroon có mưa rơi rỉ rả còn Sénegal có nắng nóng cháy da. Mưa hay nắng đều là những kỷ niệm của cuộc sống tha hương. Chúc anh may mắn và vượt qua mọi khó khăn nơi xứ lạ để đươc thoả chí tang bồng. Tôi rất thích các bài viết của anh. Thân mến.
27/08/201822:03:18
Khách
Bài viết vừa dí dỏm vừa cảm động, hay quá.
Hèn chị buổi tối trao giải, tôi đẻ ý thấy có NV Tới len lãnh thưởng, tính đến chúc mừng, vì năm ngoái trong ô ý kiến tôi có chúc Tới được lãnh giải để lái xe về Cali tham dự. Nhưng đi lòng vòng hỏi vài người hơi giống, họ lắc đầu, quê quá đến hỏi cô Hằng nói NV Tới không về được, khi đọc bài này thì hiểu ra, tội nghiệp,
Tới có lối viết lôi cuốn người đọc, nhiều y tưởng hay, lại đi đó đi đây có nhiều chuyện kể, thế nào cũng có ngày được toại nguyên. Chúc Tới nhiều qmay mắn.
Cám ơn lời chúc mừng của Tới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.