Hôm nay,  

Về Quê Ăn Tết

27/01/201700:00:00(Xem: 11107)
Tác giả: Dan Heaven
Bài số 5029-18-30729-vb6012717

Ngày cuối năm Thân, mời đọc bài viết mới của Dan Heaven. Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014, kể chuyện từ Seattle bay về quận Cam mở cuộc “săn nhà” và sau hai năm săn lùng ráo riết, đã mua được căn nhà hài lòng tại Huntington Beach. Kinh nghiệm săn nhà cho thấy nhiều chi tiết đặc biệt. Bài viết mới là chuyện hậu săn nhà và hành trình về quê ăn tết.

IMG_1226
Cùng ra phố biển.

***
Làm nghề thiết kế máy bay nhưng Hoàng lại rất ngại đi máy bay, chẳng phải vì máy bay không an toàn mà vì cứ mỗi lần nghĩ đến máy bay đang bay trên cao đụng phải tầng không khí hổn loạn là anh lại thấy ngán. Để giảm bớt sự hồi hộp vớ vẫn này nên anh hay chọn các chuyến bay sáng sớm lúc không khí còn tịnh hay các chuyến bay vào những lúc trời nắng ấm để anh có thể yên tâm thưởng thức cái thánh thoát của bầu trời cao rộng.

Hôm nay thì lại khác, vì anh sẽ đi về quê ăn Tết. Hơn nữa, công việc của anh trong những tháng đầu năm dương lịch quá bận rộn nên anh đành phải lấy chuyến bay cuối trong ngày. Dù anh biết nếu không may mắn anh có thể rời vùng Tây Bắc Mỹ trong một ngày mùa đông tuyết trắng.

Buổi tối trước ngày đi về quê ăn Tết, anh xem dự đoán thời tiết mấy lần. Xem thời tiết để biết ngày mai nắng hay mưa chứ thật ra anh không tin tưởng lắm vào mấy cái dự đoán thời tiết cho đến lúc ấy trời nắng hay mưa thì mới hay. Bầu trời tối nay thấp lè tè và trắng đục như sữa. Ngọn gió mùa đông lạnh buốt thổi tung mấy cánh hoa Đỗ Quyên nỡ sớm bay rãi rác khắp vuông sân. Anh đoán chắc có lẽ tuyết sắp rơi. Anh thầm hy vọng sao tuyết sẽ không rơi cho đến lúc máy bay cất cánh vào bầu trời cao rộng tối mai.

Sáng sớm trước lúc đến sở anh kiểm soát lại nhà cửa thật kĩ càng vì anh sẽ vắng nhà hai tuần. Dù anh có thể gởi nhà cho hàng xóm trông chừng, nhưng anh nghĩ những cái vặt vãnh trong nhà hàng xóm họ đâu có để ý ngoài trừ có ai đó vào nhà phá trộm. Anh mở sưởi thấp xuống khoảng sáu chục độ để giữ cho nhà được ấm đồng thời anh không quên kiểm soát lại các cửa sổ xem chúng đã được đóng kín hay chưa. Trước khi đeo cái túi vải vào lưng, theo thói quen anh đứng trước tượng Đức Mẹ đọc kinh cầu nguyện xin cho một ngày được bình an và thành công. Anh cũng không quên cầu xin cho chuyến bay được an toàn. Anh nghĩ giờ này có lẽ vợ anh và con gái đang say nồng giấc ngủ vì cả nhà chắc đã thao thức cả đêm qua mong chờ anh về.

Bỗng dưng anh mỉm cười nhớ đến lời người bạn làm chung sở cùng hoàn cảnh như anh vẫn hay thường nói.

-Kễ cũng lạ thật. Anh và tôi, hai đứa có gia đình mà lại sống như hai thằng độc thân. Gia đình thì để một nơi và hai thằng thì lại sống lang bạt một nơi. Người ta độc thân thì bay nhảy thả cửa, hết ăn phở lại ăn cơm. Riêng anh và tôi thì không được ăn phở cũng chẳng được ăn cơm. Không đi tu mà cũng thành đi tu. Có vợ cũng như mồ côi?

Anh lẩm bẩm một minh. -Ừ không đi tu mà cùng thành đi tu.

Ngày xưa trong căn nhà này vợ chồng anh và ba người con gái sống thật hạnh phúc. Căn nhà rộng rãi luôn rộn rã tiếng cười. Mỗi mùa đông đến tuyết phủ trắng làm cảnh quan chung quanh nhà trông thơ mộng như trong chuyện thần thoại. Anh và các con hay lần theo lối mòn đi xuống sườn đồi để ngắm ngôi nhà từ dưới đồi nhìn lên. Căn nhà tuyết phủ trắng xoá vươn lên cao trông như một cái bánh kem khổng lồ mát lạnh được trang điểm bằng mấy chùm hoa màu hồng của cây Đỗ quyên và mấy chùm hoa đỏ của cây Trà hoa nữ.

Anh vẫn còn nhớ rất rõ một mùa đông vợ chồng anh đặt ba đứa con gái ngồi vào cái ghế trượt tuyết rồi kéo các con trượt xuống mặt đường dốc trơn trượt đầy tuyết. Đường phố trong xóm vắng lặng không một chiếc xe. Mặt tuyết trắng xóa và xốp. Tuyết lún sâu đến gần đầu gối. Anh và vợ ngây ngô đùa vui với các con và cả nhà cười rộn rã một khu xóm khiến chốc chốc lại có nhà hàng xóm gần đấy mở của ra nhìn và họ vẫy tay chào rất vui vẻ. Chiều đông ấy tuy mệt nhưng vui quá. Ai cũng hớn hở, nhất là lúc cùng nhau nhấp từng ngụm chocolate nóng ấm và mở miệng cười phun ra làn khói trắng xoá.

Thời gian ấy nay đã vụt bay xa và căn nhà bây giờ vắng lặng quá. Trong căn nhà này giờ chỉ còn mình anh ở. Đứa con gái lớn bây giờ đã trưởng thành, ra riêng, và chỉ thỉnh thoảng về thăm anh.

Mùa đông lại đến giá buốt. Buốt lạnh như cuộc sống của anh đang ở xa gia đình. Mỗi ngày anh đi về một mình. Có những lúc anh tự hỏi chính mình là không biết anh có quyết định sai hay không khi di chuyển cả gia đình về miền nắng ấm sinh sống để cho anh chuẩn bị về hưu non.

Vợ anh, người phụ nữ tuyệt vời luôn tin tưởng nơi anh, đã không chần chừ khi anh bàn với nàng là quyết định bán cơ sở thương mại và thay đổi chỗ học hành cho các con chỉ vì một lý do: Anh không chịu nổi khí hậu lạnh và ẩm ướt của miền tây Bắc Mỹ.

Thật thế, khí hậu nơi này ẩm ướt quá. Một năm mười hai tháng thì trời mưa ray rứt hết mười một tháng. Thỉnh thoảng có hôm cơn nắng tạt đến vội vàng cứ như người yêu ghé thăm nhà bồ cũ. Gặp nhau trò chuyện vội vã chưa đủ thời gian để cạn tách cà phê thì đã vội vàng chia tay. Có lẽ anh cứ sống mãi trong bốn bức tường mà không phải bốn bức tường trong nhà thì cũng là bốn vách tường trong sở, người anh thiếu ánh nắng mặt trời nên cứ lảo đảo như cây trụi xây xẩm trong gió bấc.

Mỗi chiều đi làm về vợ anh thấy anh ngồi im lặng trước cái hộp đèn để cho cơ thể của anh hấp thụ ánh sáng, nàng lại hỏi.

-Hôm nay anh có gì vui không?

Anh nhìn vợ mỉm cười không đáp. Thực ra lòng anh rất muốn líu lo trò chuyện với nàng vì mỗi ngày chỉ có khoảng thời gian buổi tối là vợ chồng anh mới có dịp ở cạnh bên nhau, nhưng anh cảm thấy tâm hồn mệt mỏi nên chẳng muốn đáp lời.

Bác sĩ bảo cơ thể của anh không hấp thụ đủ ánh nắng nên thiếu năng động. Anh thấy điều này đúng vì cứ mỗi lần anh có dịp nghỉ hè nơi vùng nắng ấm hay hôm nào thời tiết ấm áp là anh cảm thấy người vui lên. Anh như khỏe và trẻ ra. Anh đùa với vợ là cơ thể của anh cần năng lượng sạch. Thêm vào đó vì đang làm việc cho một hãng xưởng lớn với nhiều quyền lợi, đặc biệt theo luật của hãng anh chỉ cần làm mười năm và được năm mươi ba tuổi là anh có quyền nghỉ để chờ về hưu vào lúc tuổi năm mươi lăm. Anh nghĩ sau hơn hai mươi năm làm việc vất vã vợ chồng anh cũng đã gây dựng được một cơ ngơi nho nhỏ và có thêm chút tiền lận lưng nên anh cũng về hưu non được.

Có lúc anh ngẫm nghĩ lại phần số ngắn của người chị vừa mới qua đời mà anh không còn muốn bon chen. Cả một đời chị vất vả cần kiệm đến khi mất đi chị cũng chẳng mang theo được gì? Tiền bạc của cải chị để lại chia cho các cháu cũng chẳng thêm ích lợi vì chúng nó đã có cuộc đời riêng của chúng nó cần phải tự tạo để vươn lên.

Anh vẫn thường nghĩ có làm thì có hưởng. Nhất là nên hưởng thụ lúc tuổi đời còn khỏe khi mình có tiền của chứ đừng cặm cụi làm việc mãi cho đến tối đa hạn tuổi về hưu rồi mới nghỉ thì lúc ấy có khi lại chỉ chờ lên đồi đắp thảm cỏ.

Bâng khuâng nghĩ ngợi hết chuyện này sang chuyện khác thình lình một con sóc nhảy sổ ra từ cành Đỗ quyên bên cạnh cửa sổ khiến anh giật mình. Con sóc thấy anh nó chuyền nhanh lên nhánh thông rồi đứng lại nhún nhảy và giương đôi mắt đen lay láy nhìn anh. Bỗng nhiên anh bắt gặp vài cánh tuyết mỏng nhẹ nhàng rơi theo mấy bước nhảy của con sóc.

Hoàng e ngại nhìn lên bầu trời đang ngái ngủ. Phảng phất qua ánh đèn đường vàng vọt, những cánh tuyết bay nhẹ nhàng mà có lúc cơn gió lạnh đã thổi tung những cánh tuyết lên trông như những vạt áo đầm của đoàn vũ công ballet trên sân khấu. Anh dí mũi giầy xuống mặt đường. Cũng chỗ này đây năm trước con gái út và anh đã xây bước tượng người tuyết cao bằng chiều cao của con bé. Anh không quên quấn thêm cái khăn choàng cổ 737 MAX vào bức tượng ấy. Mới đó mà giờ này con bé đang ở cách xa anh vài giờ đường chim bay.

Tuyết đang rơi chỉ vừa trắng mặt đường nhưng cũng đã khiến chiếc SUV của anh đổ dốc loạng choạng. Chiếc xe tuột ba con dốc rồi cuối cùng cũng ra được tới ngoài đường lớn. Hai mươi phút sau thì anh đậu xe vào bãi đậu xe của sở. Anh nhẩy lên cái xe buýt của sở vắng hoe, chả bù với ngày thường thì chật cứng. Anh đoán có lẽ thời tiết xấu nên nhiều nhân viên vắng mặt. Chiếc xe buýt chạy qua nhiều trạm trong sở, cuối cùng cũng ngừng lại trạm gần văn phòng chỗ Hoàng làm việc. Anh vội vã xuống xe rồi hấp tấp bước vào sở.

Lúc đi ngang qua chỗ người bạn "mồ côi" ngồi, Hoàng không thấy anh ấy có mặt như thường lệ. Hoàng nghĩ hay là cha này đã dzọt về nhà sớm với vợ con rồi. Dám lắm chứ chẳng chơi?

Người Việt mình dù đã ở Mỹ vài chục năm, đã quen với mọi sinh hoạt thường nhật ở xứ sở này, sinh sống như người bản xứ... nhưng cứ mỗi năm đến ngày cận Tết tự nhiên lòng mọi người nghe xôn xao gì đâu? Anh bạn "mồ côi" của Hoàng và cả chính Hoàng những lúc gặp nhau cũng cứ ra rả nói về Tết. Mặc dù có khi ngày Tết chỉ gói có mỗi miếng bánh chưng mang vào sở để ăn trưa hay có khi ngồi tư lự trong văn phòng vừa làm việc vừa nhai miếng mứt.

Đã bao nhiều năm rồi mọi người đã quen cái lối sống thiếu thiếu ấy nhưng mỗi lần gặp nhau vẫn rộn rã câu chuyện ngày Tết. Phải chăng Tết là một ngày truyền thống đã ăn vào trong máu của người Việt Nam mình? Thậm chí cả những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhiều khi không nói được tiếng Việt thế mà vẫn biết đến Tết. Đôi khi cũng chỉ mong Tết đến để được người thân lì xì cho cái bao đỏ.

Tết ở hải ngoại nơi nào cũng giống nhau. Các nhà thờ và chùa chiền bao giờ cũng có lễ đón giao thừa hay lễ đầu năm, đôi khi còn có văn nghệ xuân và ăn mừng xuân nữa. Bên cạnh đó luôn luôn có hội chợ Tết. Dù đón xuân lớn hay nhỏ, dù văn nghệ xuân chỉ là sự ca hát góp mặt của các đoàn thể ở địa phương hay có sự tham gia của ca sĩ nổi tiếng, thì dù là đón xuân hay ăn Tết ở đâu Hoàng cũng trông thấy thướt tha các tà áo dài Việt nam tuyệt đẹp và cành mai vàng rực rỡ.

Đặc biệt năm nay anh về quê ăn Tết nên thấy lòng rộn ràng lắm.

Tối nào cũng thế phần lớn câu chuyện của vợ chồng con cái anh cứ xoay quanh ngày Tết. Vợ anh kể là đã đặt mấy cái bánh chưng rất ngon của người quen giới thiệu.  Bánh chưng này ngon y như là bánh chưng của Thầy lúc sinh thời vẫn gói. Bánh chưng gói bằng lá dong xanh mướt, gạo nếp ngâm cho mềm, xóc ráo nước, nhân làm bằng đậu xanh hấp chín giã tơi, trong nhân có thịt ba chỉ muối mặn ướp tiêu. Bảo đảm nhân không dùng thịt kho với hành. Bánh luộc chín, nén kỹ. Bánh rền. Bánh không rỉ nước, không cần để tủ lạnh. Vợ anh nói chuyện huyên thuyên về bánh chưng nổi tiếng ngon của bố chồng cứ như đã về làm dâu nhà anh từ thủa xa xưa; từ cái thủa anh còn độc thân chưa vượt biên. Nàng cũng khoe nàng đã dặt mua một chậu mai vàng. Hoa mai Việt nam chính hiệu mà anh sẽ rất thích.

Nàng và con gái út còn khoe với anh rằng Tết ở đây giống y ở Việt nam. Trong các chợ bày bán bánh mứt, giò chả ê hề. Thêm vào đó bánh mứt trong các tiệm bánh làm ngay tại địa phương còn có nhiều mầu sắc lộng lẫy hơn. Trái cây thì tươi và bắt mắt. Trong các khu chợ vỉa hè và trong các khu thương xa thì nhộn nhịp và tấp nập. Người đi chợ Tết như nêm và hàng hoá trái cây thì tươi tắn thơm ngon. Tiếng mời hàng, câu trả giá, cò kè bớt một thêm hai thật vô cùng ồn ào và náo nhiệt.

Nàng cứ ra rả:

- Y chang Saigon ngày xưa anh ạ. Em ước gì có anh bên cạnh, mình ra thăm chợ hoa Tết. Chợ hoa Tết trước cửa thương xá, ngay bên cạnh đường Saigon tưng bừng lắm. Mỗi khi lái xe ngang qua, thấy người ta đi chợ lũ lượt mà em nhớ anh. Ước gì có anh đưa mẹ con em đi sắm Tết. - Thế rồi vợ anh lại sụt sùi. - Bao giờ thì anh về dưới này với mẹ con em luôn?

Nghe vợ hỏi vậy anh bỗng nghe cổ họng mình nghèn nghẹn. Anh mủi lòng đáp.

- Anh tính qua Tết bán nhà em ạ. Sau khi bán nhà xong nếu vẫn chưa chuyển việc về dưới đó được thì anh cũng quyết định nghỉ luôn.  -Anh lẩm bẩm như nói với chính mình- Già thì mình chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Biết đi cày mãi cho đến bao giờ? Em và con đã dọn về dưới đó rồi, trên này chỉ còn mình anh. Gia đình mỗi người một nơi cũng buồn lắm. Chắc đây là cơ hội để mình quyết định luôn?

-Dạ. Ba tụi nó tính sao thì tính. Cứ mỗi Chúa nhật đi lễ lủi thủi có hai mẹ con. Gặp người quen cứ hỏi thăm mãi về anh làm em buồn quá.

-OK. OK. Anh pha trò. Tối nay tui dzìa tới rồi đó. Gặp tui phải thương tui nhiều đó nghe chưa?

-Anh này. Giọng nàng nũng nịu. Anh về đến nhà chắc chợ Tết đã đóng cửa. Em nghe nói quá trưa ba mươi Tết chợ hoa đã dẹp rồi. Còn các chợ vỉa hè thì không biết thế nào? Em đã chuẩn bị nhà cửa xong hết rồi. Chắc đón anh từ phi trường về đến nhà thì cũng kịp đón giao thừa? Hai đứa con gái lớn của mình ngày mồng một Tết chúng nó cũng mới về. Nghĩ đến lúc cả nhà xum họp về đây ăn Tết em thấy vui quá anh ạ.

-Me too. Anh nhỏ nhẹ đáp.

Cứ thế đầu óc anh mãi nghĩ vẫn vơ khiến ngày cuối năm âm lịch trôi qua nhanh. Cả ngày hôm nay anh chẳng làm được việc gì đắc lực ngoài tham dự hai buổi họp của nhóm. Thoát chốc anh nghe tiếng điện thoại của anh báo thức. Anh giật mình vì đã đến giờ anh rời nhiệm sở để ra phi trường về quê ăn Tết.

Lúc lên máy bay anh không khỏi ngạc nhiên vì hơn một nữa khoang máy bay của chuyến bay là người Việt. Anh thấy có gia đình đến hơn mười người. Người lớn trẻ con trò chuyện bằng tiếng Việt nho nhỏ. Đám trẻ con hớn hở lắm. Chúng khoe với nhau sẽ đi chỗ này chỗ kia và còn nhắc nhở cả đến ông bà và cô chú nữa. Còn người lớn thì xem ra ai cũng bơ phờ sau một ngày làm việc nhưng cũng ôn tồn chào hỏi nhau.

Đang lần đến chỗ ngồi anh bỗng bắt gặp vài khuôn mặt quen quen như đã gặp nhau đâu đó trong chốn sở làm. Họ và anh há hốc miệng nhìn nhau vì không ai ngờ được là lại gặp nhau trong khoang máy bay này. Một ông ngồi trong góc, cạnh bên cửa sổ, đưa tay vẫy anh, rồi nói lớn.

- Về quê ăn Tết hả?

Nghe hỏi thế bỗng nhiên anh cảm thấy xúc động. Anh nghe khoé mắt mình ươn ướt. Anh cười tươi đáp.

-Vâng. Rồi hỏi. Anh cũng vậy sao? Tôi nào có biết anh cũng giống tôi?

-Bây giờ thì biết rồi. Bỗng nhiên một giọng nói khác đáp vọng lại cách chỗ anh đứng chừng một hàng ghế.

-Nhà anh có ở có gần Little Saigon không? Một người khác cạnh đó hỏi vọng lại.

Hoàng đưa mắt về chỗ giọng nói vừa phát ra thì nhận ra ngay anh Hùng, một người đồng sở đã có lần làm chung một kế hoạch với anh. Hoàng reo lên.

-Kìa anh Hùng. Anh cũng về quê ăn Tết hả?

-Vâng. Tôi cũng về quê ăn Tết anh Hoàng ạ. Anh Hùng trả lời.

Vừa lúc ấy thì Hoàng cũng đã tìm đến ghế ngồi của mình. Anh đặt túi hành lý xuống và vẫy tay chào Hùng. Thật quá nhiều bất ngờ và thú vị. Hoàng không thể tin được là mình có thể gặp được những khuôn mặt quen quen ấy trong chuyến bay này.

Mọi người cũng giống như anh là tuy sinh sống rải rác khắp nơi trong các cộng đồng trên nước Mỹ nhưng vẫn luôn tìm về nơi chốn có nhiều hơi hướm và nhiều hình ảnh của Việt nam. Ai dù xa quê cách mấy nhưng ngày Tết vẫn luôn nhớ về cội nguồn và phong tục tập quán của mình.

Little Saigon tuy không được xây dựng trên đất nước Việt nam nhưng nơi này đã được xây dựng trong con tim của mỗi người Việt nam xa xứ. Ở Little Saigon chúng ta có thể tìm lại được hình ảnh của quê hương Việt nam qua một tập thể đông đảo người Việt với phong tục, tập quán đặc trưng của từng miền khác nhau, trò chuyện vui vẻ với nhau bằng tiếng Việt, và được ăn uống đầy đủ các món ngon của Việt Nam. Ở Little Saigon chúng ta có thể tìm được những buổi họp mặt của các hội đoàn và những sinh hoạt văn hóa của người Việt nam. Đặc biệt ở Little Saigon mọi người được hưởng những ngày Tết yên bình, an toàn, đầy đủ, hạnh phúc, và rền vang tiếng pháo.

Tết năm nay là cái Tết đầu tiên Hoàng và gia đình ăn Tết ở Little Saigon. Về Little Saigon như tìm về lối cũ. Anh nghĩ đây là cuộc hành trình cuối cùng của gia đình anh như của loài chim di cư đã tìm được chỗ trú.

Và ...hạnh phúc rộn ràng như chính tiếng lòng của mình. Hoàng đang tìm về với làn hơi ấm áp của người vợ hiền và của các con.

Phố Biển 15th, 2016

Dan Heaven

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,076,400
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.