Giấc Ngủ Không Yên
Tác giả: Hồ Ngọc
Bài số 2613-16208690- vb551409
Tác giả tự sơ luợc tiểu sử: Sinh ngày 1/1/1937 tại Huế. Tuổi thiếu niên: đi học; tuổi thanh niên: đi lính; tuổi trung niên: đi tù hay đi cải tạo cũng thế; tuổi ngũ niên: đi hát ô; tuổi lục niên: đi cày và tuổi thất thập thì đi... bộ và đi... bác sĩ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông: “Còn Trời Còn Đất”. Sau đây là bài thứ hai.
***
Tôi không còn nhớ rõ hồi thời VNCH có bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu thành phố. Khi qua đến Mỹ, tôi để ý thấy gần như mỗi tỉnh, mỗi thành phố, mỗi quân trường hay học viện v.v... đều có một hội đồng hương, ví dụ hội ngộ Ban mê thuột, đồng hương Bạc liêu, ái hửu Pétrus Ký, ah không quân, tù ca Xuân phước v..v... nhiều quá đến nổi mỗi cá nhân có thể là thành viên của nhiều... hội.
Địa điểm họp hội thường chọn chỗ nào tiện lợi cho đa số hội viên tham dự, ví dụ như ở California chọn Little Saigon hay San Jose, ở Texas thì Houston chẳng hạn. Chương trình họp hội quanh đi quẩn lại cũng chào cờ, hội trưởng báo cáo tình hình năm qua và những kế hoạch cho năm tới, đôi khi bầu bán ban tổ chức, chúc thọ quý vị cao niên, sinh hoạt văn nghệ, nghèo thì cây nhà lá vườn, tài chánh kha khá mướn thêm ca sĩ chuyên nghiệp, xổ số giúp vui, kế đến là phần ẩm thực v.v.. Chung chung là như thế.
Trong mấy lần họp hội đồng hương hay ái hữu, tôi thích nhất là lâu ngày gặp lại bạn bè để... tâm sự, hay đúng ra là để... trò chuyện. Xin khoan hãy ghép tôi là người... lắm chuyện hoặc là ưa ngồi lê đôi mách. Này nhé, diện tích của nước Mỹ này đo được 9.83 triệu cây số vuông và dân số đã lên đến 306 triệu người, đất rộng người đông như thế mà có ai ngờ rằng mặt giáp mặt, tôi đã gặp được một thằng bạn ... cố tri thời còn học chung cours enfantin, cours préparatoire, cách nay trên 65 năm không nhỉ" Khó lắm, phải không" Vậy mà nhờ cái hội họp đồng hương như thế này, tôi đã gặp nó, và nó đã gặp lại tôi. Nó cùng tuổi tôi, con nhà giàu, ba mẹ tôi cũng thuộc loại khá giả; đi học nó thuộc loại thông minh, còn tôi cũng khá xuất sắc, hai đứa luôn tranh thứ hạng số 3 và 4 học sinh giỏi của lớp - không bao giờ "địch" nỗi với "thằng" số 1 và số 2, tụi nó một phần lớn tuổi hơn, một phần nó thuộc loại ... thần đồng rồi, đầu hàng, chịu thua, không cách nào mà compete với tụi nó được. Cho tôi xin khất lại đoạn này để dành cho một bài viết khác, có đủ hỷ nộ ái ố v..v..
Như tôi đã thưa chuyện là họp hội đồng hương như thế này, tôi cũng vui, cũng thích, vì nhiều khi, với cái thâm niên như hiện giờ, bảy mươi ba tuổi đời, lại ở xa Little Saigon, cũng không biết phải làm gì với cái tuổi xế chiều, cái tuổi hoàng hôn bên bờ lưu lạc, ở nhà chỉ biết đi ra đi vô, lặt tỉa vài chiếc lá vàng trong giàn hoa kiểng, thôi thì chịu khó lái xe đến nơi tha hồ gặp bạn bè chuyện trò, lai rai một vài chai bia, tỉ tê, tâm sự...
Có rất nhiều chuyện để nói với nhau trong những dịp như thế này, vui có, buồn có, nổ ít nổ nhiều, ở gần kho đạn Thành tuy hạ, Long bình thì tạch tạch, đùng, ở gần lò nguyên tử trên freeway 5 thì tiếng nổ nghe... chát chúa hơn, nhưng nghe riết thành quen, như những tiếng pháo giao thừa, tiếng trống múa lân, tiếng a ka năm Mậu thân chẳng hạn. Tết, hoặc múa lân mà không nghe pháo nổ thấy buồn buồn và thiêu thiếu một cái gì ấy. Hay đi hành quân, giết giặc, không nổ súng thì xem như không thâu được chiến lợi phẩm vậy mà. Tôi xin kể một câu chuyện rất...tầm thường sau đây, lẽ dỉ nhiên là có kèm theo vài tiếng nổ nhẹ như tiếng súng ...hơi bắn chim, bắn sẻ, trong một buổi hội đồng hương của tỉnh Kontum mà tôi tham dự, gọi là chút đóng góp nho nhỏ... viết về nước Mỹ.
- Anh Giáo đâu, chú Thu đâu" Có vụ này khó giải quyết đây.
- Xin mời, tập họp, mời tất cả thành viên ban tổ chức, anh chị em lại đây, bàn tính chuyện này đi.
- Gì đó nữa. Làm gì mà có vẻ quan trọng lắm vậy"
- Đâu cần Kontum có, đâu khó có bà con Dak Bla mà, đừng lo, đừng ơi ới.
- Chuyện nhỏ mà lớn. Kẹt, kẹt.
- Gì đó nữa, nói đi. Đông đủ rồi nè.
- Có chuyện này không biết tính sao. Ăn uống thì xem như xong xuôi rồi. Bàn ghế cũng đã sắp xếp tất cả vào kho club house rồi, đồ đạc, salon, mỗi người mỗi tay đã sắp lại y như cũ. Họ để đâu, mình để vậy. Clean up cũng hoàn tất.
- Vậy là quá tốt. Tụi mình đã đồng ý với nhau rồi, ai phần hành nấy, mỗi người phụ một tay là xong ngay.
- Còn câu chuyện này. Đồ ăn đồ uống còn dư đều thồn hết cả vào bao nylon đen rồi. Vỏ bia chai, cô ca, la ve nước ngọt cũng đã nhét đầy ứ vô bao cả rồi. Hơn cả chục bao để trong phòng kia kià. Bây giờ làm sao mà đem đi... liệng vào thùng rác đây"
- Đồ ăn, thức uống xài không hết, sao không chịu hỏi ai muốn "to go" thì ... tu, chứ đem quăng nó làm chi cho nặng vậy" Heo quay này, bánh hỏi, mì xào, chả giò còn ngon quá mà sao không tu, không gô. Uổng phí của trời.
- Tu một mớ rồi, gô cũng một mớ rồi đấy chứ.
- Ở club house hay trong khu mobile home này không có container chứa rác à"
- Làm gì có. Toàn là ông già, bà già ăn uống đâu có bao nhiêu. Rác của họ mỗi tuần không quá một bao. Xe rác thứ tư mới đến lấy đi.
- Thì giử nó lại đây. Sáng sớm thứ tư đem ra trước nhà cho xe nó lại lấy.
- Nhưng mà giử và để lại ở đâu"
- Thế thì ngày thường rác trong nhà của anh để đâu"
- Trời đất ơi, tui đã nói rồi, rác ở đây, mỗi nhà chỉ chừng không đầy một bao thôi. Hôm trước, khi mới dọn về đây, bà xã tui mua một hộp tôm tươi, lấy lưng kho tiêu, còn bỏ đầu bỏ đuôi trong bao nylon liệng trong thùng rác sau hè. Gặp nắng Santana này chỉ hơn một ngày thôi là làm cho đầu tôm ươn sình lên, "ni bo" nó lên văn phòng báo cáo và gọi vệ sinh cứu hỏa đến điều tra xem có ...xác chết ở đâu đây mà hôi thúi quá. Rốt cuộc nó tìm ra cái thùng rác của nhà tôi. Mắc cỡ muốn chết. Tôi bảo bà vợ tui kể từ nay, hể mà có đầu tôm ruột cá, hay bạng nhạng bầy nhầy là chịu khó bỏ vào trong tủ lạnh, rồi đợi đến ngày đổ rác hẳn đem ra. Còn bây giờ, kia kià, một đống khổng lồ chình ình ra đó kià. Cái đống ... xà bần ấy mà để ở đây là nó kiện tui thúi đầu.
- Chứ làm răng bây chừ" Ai có ý kiến chi không"
- Bỏ nó lên xe, rồi tìm ở gần đâu đây cái container bự chứa rác, đợi tới tối rồi quăng nó lên chứ khó gì.
- Ý kiến hay đấy.
- Nhưng xe nào, xe đâu, xe của ai đây"
Mọi người đều cùng có chung một câu hỏi. Tất cả đều nhìn nhau, dọ ý. Không một ai phát biểu ý kiến. Xe ai và ai tình nguyện chở cái ... gia tài để lại ấy bây giờ" Đó là câu hỏi làm ray rứt các hội viên trong ban tổ chức.
Bà con gốc Kontum qua đây không nhiều lắm, vì là một tỉnh nhỏ trên miền cao nguyên heo hút, nhưng nhờ sinh trưởng hay tạm trú trên một vùng "đia linh nhân kiệt" sống và hít thở cái không khí trong lành hội tụ của con sông Dak bla chảy ngược về hướng tây, thêm ngọn núi cao Ngok Linh vời vợi, nên đa phần khi ra nước ngoài đều được ơn Trên phù hộ cho ăn nên làm ra. Ngoài nhà cao, cửa rộng, công ăn việc làm job tốt, con cái cũng đều đổ đạt thành danh, xe hơi xữ dụng cũng toàn loại de luxe không à, không xe nào giá dưới 40 k. Có những đồng hương đang hưởng tiền già, tiền bịnh mà con cái cũng mua tặng cho các bậc sinh thành - để tưởng thưởng công lao ... cõng tụi nó qua đây - nào là Cadillac super, BMV, Infiniti v..v.. Xe nào xe nấy nước sơn mới tinh, bóng lộn còn phảng phất hương nhụy gợi cảm của xe vừa xuất xưỡng. Riêng cá nhân tôi, chiếc Van Previa mua cuối năm 1993, lúc mới qua Mỹ, với màu beige tình tứ khêu gợi nay đã ngả sang qua màu bạc phong trần như mái tóc bồng bềnh không bao giờ biết xử dụng cây lược của chủ nhân nó. Có lẻ bản tính quen thói "sao-cũng-được" hay... "lùi xùi" cố hửu của cá nhân tôi nên tất cả mọi con mắt của các đồng hương rất thân thương đều ...dồn vào tôi một cách chăm chú. Tôi cảm thấy lúng túng và linh tính báo hiệu cho biết "có-cái-gì" không được ổn sắp đến đây rồi.