Hôm nay,  

Đường Mía Lau

10/05/200900:00:00(Xem: 260559)

Đường Mía Lau<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 2610-16208687- vb850909

 

Hôm nay, Mother’s Day 2009 đặc biệt đúng vào ngày 10 tháng 5. Ngày này năm 1908, buổi lễ Mẹ đầu tiên đã được tổ chức tại <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />West Virginia, do sự vận động của cô Anna Jarvis.  Nhân dịp 101 năm Mother’s Day, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Nguyễn Trần Diệu Hương, tác giả đã hai lần nhận giải  Viết Về Nước Mỹ: Giải danh dự 2001 và giải vinh danh tác giả 2005.

 

***

Thời thơ dại , mỗi lần nghe câu ca dao dân gian:

"Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một, như đường mía lau"

tôi  vẫn nghĩ đến  ...  thức ăn (chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau) nhiều hơn là nghĩ đến Mẹ (vì lúc đó Mẹ  chưa đến tuổi bốn mươi, chưa già như trong câu ca dao dân gian  nổi tiếng) Nghĩ như vậy, nhưng tôi không biết chuối ba hương là loại chuối nào, xôi nếp một có gì khác với xôi vò, xôi đậu xanh, đậu đen, xôi lá dứa...; và đường mía lau khác với đường cát trắng  thường dùng để làm nước chanh, hay đường cát vàng để nấu chè đậu ván như thế nào"  Thắc mắc đó cứ quanh quẩn trong đầu, nhưng tôi không dám hỏi ai, sợ người ta cho là mình tham ăn.

Chưa  kịp lớn lên để tự tìm hiểu ba món ăn chắc hẳn là ngon và qúy lắm nên  mới được người ta so sánh với những bà Mẹ , người có trái tim và tấm lòng được ví von với kỳ quan đẹp nhất thế giới. Biến cố tháng 4/1975 như một cơn lốc cuốn đi nhiều thứ qúy giá của người dân miền Nam, nhưng không làm mất  được câu ca dao ngọt ngào có Mẹ , có  những món ăn  mà mãi sau này, ở tưổi nửa đời người,  tôi  vẫn thắc mắc đó là những món nào"

Mặc dù  không biết được cả chuối ba hương, lẫn xôi nếp một, và đường mía lau như thế nào nhưng tôi chắc chắn cả  ba món đó đều ngọt ngào cho vị giác, và không có tác dụng tai hại cho sức khỏe,  như tấm lòng của  tất cả mọi ba  mẹ trên đời đối với con cái của mình

Tôi có diễm phúc được lặn ngụp trong  ngọt ngào của lòng Mẹ, trong sự bao che của Mẹ với chúng tôi như gà mẹ đối với bầy gà con hàng ngày trong suốt tuổi thơ. Nhiều khi quên mất mình đang được hưởng thứ hạnh phúc mật ngọt  lớn nhất đời người.

Mẹ là chị cả của các dì, cậu. Từ nhỏ Mẹ đã giúp Bà Ngoại lo cho các em, nên lúc  nuôi chúng tôi sau này, Mẹ đã  "dày dặn kinh nghiệm chiến trường” trong việc nuôi con nít, vì vậy chúng tôi lớn lên khỏe mạnh, dễ nuôi, không bị đau ốm vặt vãnh. 

Hồi đó, khoa học dinh dưỡng chưa phát triển như bây giờ, ở Mỹ, -thức ăn nào cũng có nutrition facts trên bao bì theo luật bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.  Nhưng bằng kinh nghiệm dân gian truyền từ đời này sang đời khác, Mẹ cho chúng tôi ăn  thực phẩm có đủ màu: màu đỏ của củ dền, màu vàng của bí rợ, màu trắng của củ cải, màu xanh đậm  của rau  cải, dưa leo. màu xanh nhạt của bí bầu và mướp hương, mướp đắng.....   Nhờ vậy, lớn lên chúng tôi có được thói quen tốt ăn trái cây và rau cải nhiều hơn thịt, cá hay đồ biển. Và do đó, tránh được nỗi ám ảnh của  cholesterol, bệnh tiểu đường,  bệnh cao máu, cùng tất cả thứ bệnh tật đến do thức ăn.

Thời con gái, Mẹ là nữ sinh Đồng Khánh, tuy không phải là hoa khôi, nhưng cũng được tiếng dễ nhìn.  Xã hội thời đó,  thập niên 50s của thế kỷ hai mươi, đàn bà con gái, nhất là  ở Huế,  việc nấu ăn, may vá,  thêu thùa, nội trợ được đặt trên học vấn rất nhiều, nên Mẹ nấu ăn rất giỏi.  Sau này  ở California, thỉnh thoảng cuối tuần đi ăn thử bún bò Huế ở nhiều nơi,  chúng tôi  vẫn thấy nhớ tô bún bò kiểu Huế chỉ lớn hơn cái chén một chút,  có đủ màu sắc đỏ, xanh, vàng, thoáng thoáng mùi sả tươi mà Mẹ vẫn nấu cho chúng tôi ăn thủa nào. Những năm gần đây, chúng tôi, được  Mẹ tận tình  "truyền nghề bếp núc". Một trong những cô con dâu của Mẹ nói tiếng Việt nhiều khi không chính xác, nhưng mỗi lần về Việt Nam thăm nhà, mỗi ngày được Mẹ dạy nấu một món ăn.  Khi qua lại Mỹ, mỗi lần có tiệc tùng, những món ăn học được từ Mẹ vẫn được mọi người hỏi là đặt ở nhà hàng nào"

Rời trường Đồng Khánh, Mẹ đi làm ở Bưu diện.  Công việc của Mẹ là trực điện thoại ở Tổng đài, vào cái thời đại mà điện thoại có dây, mỗi lần muốn gọi cho ai, phải quay từng số một trên cái đĩa tròn lớn có những vòng tròn nhỏ hơn , mỗi vòng tròn nhỏ là một con số từ 0 đến 9.  Lập gia đình được vài năm, khi anh cả của chúng tôi ra đời, theo ý của Ba, Mẹ thôi việc, ở nhà làm nội tướng.  Công việc ở nhà không tên, không tuổi, và không có giờ giấc cố định như  đi làm Công chức, Mẹ vất vả hơn, nhưng bù lại có tiếng cười của anh chị em chúng tôi làm Mẹ vui hơn. 

Ba là lính nên những năm đầu tiên mới lấy Ba, Mẹ phải dọn nhà liên tục. Tưởng tượng cảnh Mẹ dọn nhà  không có ai giúp, vì Ba vẫn đang miệt mài chinh chiến, con cái thì  còn nằm nôi hay mới chập chững biết đi,  tôi vẫn thán phục  việc quán xuyến nhà cửa của Mẹ. 

Ông Bà Ngoại người Trung, thời con gái, Mẹ chỉ được rèn luyện nấu ăn kiểu Huế, món nào cũng cầu kỳ, hơi ngọt, và nhỏ xíu.  Vậy mà khi lấy Ba, làm dâu Bà Nội là người Bắc, món ăn mặn hơn, kích thước cũng lớn hơn nhiều vậy mà chỉ sau chưa đầy một năm làm dâu,  Bà Nội đã  "cho điểm   nấu ăn của Mẹ rất cao.   Lúc dọn nhà vào miền Nam, Mẹ học được thêm món canh chua nổi tiếng của người Sàigòn từ hàng xóm, nên chúng tôi lớn lên, tuy  giống Ba, không đứa nào kén ăn, nhưng biết thưởng thức đủ cả ba món Bắc Trung Nam:  từ vị mặn dịu dàng của món ăn đạm bạc canh mồng tơi ăn kèm cà pháo của miền Bắc, đến vị cay nồng của bún bò Huế miền Trung,  và cả vị ngọt thanh của canh chua cá lóc miền Nam    Lớn lên, do thời thế, phải nhận quê người làm quê hương, nhiếu khi ăn đồ ăn Mỹ   thừa mứa chất dinh dưỡng nhưng thiếu hản vị đậm đà của  món ăn Việt Nam , và không còn bàn tay nội trợ của Mẹ, lâu lâu chúng tôi vẫn "ăn hàm thụ" trong trí tưởng tượng những món ăn được Mẹ nấu ngày xưa. Và thấy Mẹ vẫn ở quanh mình chứ không phải xa cách cả một đại dương.

Thời thơ dại, Ba Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu ngạn ngữ , ca dao trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư nên  anh chị em chúng tôi dù không biết quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư dày hay mỏng và màu gì nhưng đều thuộc tất cả ca dao, tục ngữ, kể cả những câu Hán Việt, vì nghe mãi, tự nhiên vô đầu, nằm luôn ở một góc của tâm hồn, và giúp chúng tôi giữ được  cội nguồn Việt Nam dù đã rời xa quê nhà từ  lúc bước vào tuổi hai mươi. không có Ba Mẹ bên cạnh.

Không những chỉ lo cho chúng tôi, Mẹ còn quan tâm lo cho những người bạn học, bạn hàng xóm của chúng tôi đến nhà chơi thời đó.  Còn hơn thế nữa,  một vài người bạn của Ba Mẹ  phải thuyên chuyển  đơn vị hay sở làm giữa niên khóa, không muốn làm gián đoạn  việc học hành của con cái, đôi lúc gởi con của họ đến nhà chúng tôi nhờ Mẹ trông coi những tháng còn lại của niên học.  Có lúc bầy con nít trong nhà, kể cả chúng tôi, lên đến cả chục đứa. Vậy mà tất cả chúng tôi đều tươm tất đàng hoàng.   Mãi về sau này, mấy chục năm sau, khi Ba Mẹ qua Mỹ thăm chúng tôi,  những cậu bé thơ ngây ở tạm nhà chúng tôi thời nhỏ dại, đã trở thành những người đàn ông trung niên thành công, từng trải,  vẫn thu xếp thời giờ rất qúy báu của họ, đến thăm Ba Mẹ, và vẫn nhớ ơn Mẹ đã trực tiếp lo cho họ rất chu đáo, bằng cả một trái tim của người Mẹ như lo cho chúng tôi, bầy con Mẹ đã mang nặng dẻ đau.

Là con gái duy nhất trong nhà, giữa một bầy anh em trai, Mẹ thương tôi không có ai chơi những trò chơi của con gái, nên  mỗi khi chọn người giúp việc nhà, Mẹ thường chọn người không lớn hơn tôi nhiều, mặc dù như vậy không có hiệu qủa nhiều như khi thuê một người  trung niên.  Mẹ là vậy, vẫn nghĩ đến người khác nhiều hơn là nghĩ đến bản thân mình. Những ngày tháng vất vả đi thăm nuôi Ba trên những chuyến tầu thống nhất xuyên Nam Bắc, người và hàng hóa chen chúc đến nỗi không có lối đi, không thấy sàn tàu.

Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ, không giúp gì được nhiều cho Mẹ, thông thường chỉ có một đứa được theo Mẹ ra Bắc thăm Ba, và thêm vào gánh nặng cho Mẹ nhiều hơn là đỡ đần cho Mẹ.  Vậy mà có một lần thăm nuôi Ba ở trại Đầm Đùn (một trại tù chính trị có tiếng khắc nghiệt nhất Việt Nam), được người ta gọi bằng một cái tên văn hoa hơn là trại Nam Hà, ngoài đồ đạc thăm nuôi,  và một đứa con còn nhỏ, Mẹ còn giúp thêm một bà cụ thân sinh ra một người bạn đồng ngũ của Ba  từ trước năm 75,  rồi thành "bạn tù" của Ba cả một thập niên dài. 

Sau này, ở Mỹ, mỗi lần mua gạo từ 25lbs (10kg) trở lên, tôi đã phải nhờ người khác vác giùm từ xe  vào bếp. Tưởng tượng hình ảnh Mẹ lúc đó, cả áo quần và giày dép, chỉ cân nặng khoảng hơn bốn mươi kg; mà ngoài hai mươi kg quà bánh, thuốc men nuôi Ba, còn hai mươi kg đồ thăm nuôi đỡ đần giùm bà cụ đi cùng, đôi lúc lại còn phải nâng đỡ cả người già lẫn con nít, tôi thấy được tấm lòng của Mẹ bao la vô cùng, và tự thấy mình thua Mẹ rất nhiều về sức chịu đựng.

Thời mới đến Mỹ,  còn đi học, nghèo xác xơ, lái một cái xe rất cũ có số tuổi còn cao hơn tuổi của người lái, máy lạnh bị hư, máy sưởi lúc làm việc lúc không, radio tắt tiếng  không bao giờ nghe được news hay nhạc khi đang lái xe,  mỗi tối đi học về, tôi thường đi đường trong dài hơn thay vì  đi đường xa lộ, vì nếu xe có bị hư dọc đường, đường nhỏ  đỡ bị nguy hiểm hơn xa lộ.  Vậy mà chúng tôi vẫn thấy mình hạnh phúc khi nghĩ đến chặng đường Mẹ đi thăm nuôi Ba,  có đoạn phải di xe trâu (tôi không biết đó là xe gì, nhưng nghe tên gọi đã  đủ thấy... .. hãi hùng!), có đoạn phải đi bộ trên  đường rừng  gập gềnh, chênh vênh. Vả chăng, lúc đó, chúng tôi  dù mới đến Mỹ còn cơ cực, vẫn vui vì có cả một tương lai rộng mở ở quê người, trong khi Ba Mẹ ở quê nhà chịu nhiều gian lao mà không có ngày mai.

Ngay từ lúc đó, Mẹ đã tập cho chúng tôi nghĩ đến người kém may mắn hơn, mỗi năm mỗi đứa "cho Mẹ xin" hai mươi dollars để Mẹ mua sách vở cho những em bé nghèo hiếu học ở Việt Nam, hay mua gạo cho những người già neo đơn và người tàn tật. Lúc đầu, chúng tôi gởi hai mươi dollars mỗi năm làm việc thiện, chỉ để cho Mẹ vui, mãi về sau, thành thói quen, và càng trưởng thành, chúng tôi càng hiểu mình phải có bổn phận giúp đỡ người  không may , đúng như câu "lá lành đùm lá rách" đã được học từ thủa nào.  Hai mươi dollars gởi về quê nhà  hàng năm tăng theo cấp số cộng , và trở thành một hoạt động không thể thiếu mỗi năm của chúng tôi, như gương sáng mà chúng tôi đã thấy từ Ba Mẹ.

Có một kỷ niệm về một lần chuẩn bị thức ăn đi thăm nuôi Ba ở trại cải tạo ngoài Bắc suốt đời chúng tôi không thể nào quên được. Hồi đó,  cuối thập niên 70, đời sống khó khăn đến mức độ những thứ bình thường cho nhu cầu sống hàng ngày của con người cũng không có.  mỗi lần gởi đường cho Ba, tôi phải dùng dao nhỏ cạo từng thỏi đường đến nát vụn ra, rồi vắt chanh tươi vào, đem phơi nắng, làm thành một thứ "kẹo chanh" rất thô sơ, mong  Ba vừa có đủ chất ngọt, vừa có Vitamin C để sống còn trong  các "trại học tập cải tạo" chỉ tồn tại trong xã hội chủ nghiã. Lúc đó, chúng tôi đang tuổi lớn, trong bối cảnh toàn xã hội đói nghèo, cơ cực, cũng thèm chất ngọt vô cùng, nhưng biết dùng ý chí thắng bản năng của mình, vì hiểu Ba cần đường vắt chanh hơn là mình.  Duy có mỗi một cậu em út, còn ở những năm đầu Tiểu học lúc đó, vẫn len lén nhón vài nhúm đường chanh ăn thay cho bánh kẹo.  Sau mỗi một ngày phơi đường vắt chanh dưới nắng gắt, đường khô dần,  tôi phải cân lại để biết  sẽ còn bao nhiêu trọng lượng còn lại cho những món khác mỗi lần  gởi quà thăm nuôi cho Ba, vì nếu quá trọng lượng quy định, quà sẽ không đến tay Ba.  Một lần cân lại đường vắt chanh, thấy trọng lượng bị giảm gần một nửa.  Đoán là cậu em út là "thủ phạm.”  Khi bị tra hỏi, em trả lời rất hồn nhiên, và ngây thơ:

- Chắc mình phơi trên mái nhà, bị con mèo nhảy lên đó ăn bớt!

Những đứa lớn chúng tôi và Mẹ đều cười thầm, vì loài mèo không bao giờ ăn thức ăn ngọt, nhưng Mẹ vẫn dịu dàng, từ tốn dặn dò:

- Thôi lần sau, làm nhiều đường chanh hơn một chút, để  trừ hao "mèo" ăn mỗi lần phơi đường trên mái nhà.

Có những điều "không nói ra nhưng ai cũng hiểu chỉ có một người không hiểu",  nên cậu em út còn non dại,vẫn tiếp tục ăn đường vắt chanh phơi trên mái nhà, thay cho bánh kẹo mà em không có; và con mèo vẫn mang tiếng oan . Điều đó vẫn  nằm trong một góc ký ức của Mẹ và chúng tôi về những ngày không hề có cả một tia sáng lẻ loi ở cuối đường hầm dài hun hút tối tăm mù mịt như tưong lai của con cái những nguời tù chính trị vào  đầu thập niên 80s. 

  do vậy, Mẹ đành dứt ruột gởi chúng tôi, từng đứa một, ra biển để may ra nếu  đến được bờ bến tự do, còn có tương lai, còn được học hành thành người. Sau này, nhìn lại, tôi vẫn phục và thương Mẹ đã  hy sinh rất nhiều để  chúng tôi có được ngày hôm nay.

Đến phiên tôi  mang chính  sinh mạng mình ra đánh cuộc với định mệnh, với sóng gió  trên biển Đông bao la, Mẹ đưa tôi ra bến xe liên tỉnh, hôm đó trời xanh  tháng sáu mùa hè, nhưng  "bão tố phong ba"  nổi lên  trong lòng cả  hai mẹ con.  

Tôi bắt đầu hành trình xuyên qua đại dương từ bến xe liên tỉnh về Vũng Tàu,-mang theo hình ảnh Mẹ, mảnh mai, yếu đuối như một cây lau, nhưng có sức chịu đựng như một cây cổ thụ, đứng một góc bến xe,với cái xách tay rất cũ, gần sờn rách Mẹ đã dùng từ tháng 4 năm 1975. nhìn theo cái xe cũ kỹ mang tôi về hướng biển Vũng Tàu- không phải để đi nghỉ hè, đi tắm biển,  mà để đi tìm tương lai, để được tự do học hành, và  không bị xếp loại thứ mười bốn  trong mười lăm thứ bậc của xã hội chủ nghiã.

Hình ảnh Mẹ ốm yếu với cái xách tay duy nhất Mẹ đã dùng từ tháng 4/75, đứng bất động ở một góc bến xe, nhìn theo cái xe đò cũ kỹ mang tôi về hướng Vũng Tầu cứ quẩn quanh trong trí tưởng của tôi. Nên khi đã học hành xong, ổn định đời sống ở Mỹ, tôi không ngừng gởi về cho  Ba Mẹ đủ loại  Vitamin, và những cái xách tay đủ cỡ, đủ kiểu  đủ hiệu từ rẻ tiền đến brand name mặc dù như từ bao giờ, Mẹ không đòi hỏi gì từ chúng tôi.

Mẹ cũng chưa bao giờ dạy chúng tôi phải trả ơn cho Ba Mẹ nhưng cứ nhìn cách Ba Mẹ đối xử với Ông Bà Ngoại, và Bà Nội, chúng tôi hiểu mình phải làm gì để Ba Mẹ vui.

Thế hệ của Mẹ, thế hệ của những người trạc tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đàn bà con gái thời đó, nhất là đàn bà con gái ở Huế, rất thích bài "Diễm Xưa". Hồi nhỏ tôi vẫn được nghe bài này, nghe đi nghe lại rất nhiều lần mà... không biết mình có hiểu đúng ý của tác giả hay không, nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu "..... làm sao em biết bia đá không đau...."    nghĩ là thế hệ lớn hơn mình, những ông cha bà mẹ, phải hy sinh rất nhiều,  nhất là  sau năm 1975.   Đôi lúc tôi vẫn tưởng tượng dù bia đá cũng đau như ông nhạc sĩ có tài đã viết thành ca khúc, nhưng không bằng một phần nhỏ nỗi dau của những ông Cha, nỗi chịu đựng của những bà Mẹ Việt Nam, trong đó có Mẹ yêu qúy của chúng tôi trong những ngày khốn khó cuối thập niên 70s, đầu thập niên 80s

Khác với thời thơ dại, bây giờ,  mỗi khi nghe câu ca dao "mẹ già như chuối ba  hương, như xôi nếp một như đường miá lau",  tôi chỉ nghĩ về Mẹ, nghĩ về tấm lòng bao la hơn cả đại dương của Mẹ.  Và không cần phải biết xôi nếp một, chuối ba hương, và đường miá lau ra sao, tôi vẫn tin là ba món ăn đó ngọt ngào và qúy hiếm , qúy như Mẹ của chúng tôi, như mỗi một bà Mẹ Việt Nam  mà tấm lòng bao la hơn cả đại dương to rộng.

Đâu có cần phải biết đường miá lau là gì, chỉ cần có Mẹ  ở trên đời là mỗi một chúng ta đã có được vị  ngọt dịu dàng nhất trên đời, Dù có lớn, có già đến đâu đi nữa,  hạnh phúc lớn nhất trên đời vẫn là được nếm đường miá lau, được  ăn chuối ba hương, được nhai xôi nếp một, và được cài bông hồng đỏ mỗi dịp  lễ Vu lan-.Mother s Day của người Việt Nam. Cầu mong bông hồng đỏ nằm trên ngực áo của mỗi người sẽ tồn tại lâu dài, dài như sự hy sinh triền miên, không ngừng nghỉ  của mỗi người Mẹ Việt Nam trong gian khổ cũng như trong an nhàn...

Nguyễn Trần Diệu Hương

(Santa Clara, Mothers s Day 2009- Với tất cả lòng biết ơn Mẹ của 5H)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,261,700
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến