Hôm nay,  

5xua475

25/04/200900:00:00(Xem: 16176)

5XUA475

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 2597-16208674- vb742509

Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi" và từ nhiều năm qua, vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị cho giải thưởng. Hiện bà cư trú tại Los Angeles. Công việc: giám khảo của Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles, California. Bài viết mới của Bảo Xuân là chuyện tháng Tư.

***

Sáng nay, lúc ngừng xe đợi đèn, tình cờ nhìn bảng số xe ngay trước mặt, cô Ba có cảm giác lạ lạ, mà hông rõ là gì, cứ nhìn. Lúc nào ngừng xe sau đuôi chíêc trứơc mặt, bao giờ cô cũng nhớ lời của ngừơi cảnh sát công lộ quen đã dặn: "nên ngừng đủ xa để có thể thấy cái bảng số xe trứơc mặt, lỡ có chuyện khẩn cấp, mình đủ chỗ để quành đầu xe lại" nhờ vậy mà cô đọc rõ cái bảng số xe trứơc mặt.
Mãi một lúc sau, đèn xanh, xe chạy một đổi rồi cô còn ngẫm nghĩ bứt rứt trong đầu... A, thì ra là vì cái bảng số xe. Tại sao số của mình chẳng có nhớ, mà số nầy thì nhớ thật rõ vì, nó lạ lạ. Số 5 rồi kế đó là 3 chữ X U A rồi 3 số 4 7 5.  Cô lẩm nhẩm, 5 xua... ạ, "năm xưa bốn bảy năm"
Có phải ý nghĩa của tấm bảng số xe ấy là: "Hồi năm xưa tư bảy năm là... Aaaaaaaa hiểu ra rồi.
Năm Xưa hồi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm là năm Sài Gòn đứt phim là năm bao nhiêu đớn đau chia cách ngậm đắng nưốt cay là năm biết bao nhiêu người  dành nhau chỗ ra đi, đứng lố nhố trên lòng tàu, tuôn ra biển cả, ngó về đất liền, xót xa gia đình chia lìa vợ con, bỏ lại cha mẹ già anh chị em, lênh đênh dạt tới một phương trời vô định.
... năm xưa
... năm xưa
Trời đất ơi bây giờ là tháng tư, là tháng gợi nhớ lại mỗi năm, ngày này năm xưa, mới đó, đã 34 năm rồi .
Theo dõi tin tức về chuyện một chiếc tàu hàng bị bọn hải tặc Somali chiếm, rồi bắt ông thuyền trưởng làm con tin, hôm nay người nhái Hải Quân Mỹ đã cưú thoát ông sau khi bắn chết 3 tên hải tặc Somali.
Chuyện tháng tư đen của năm 1975, chuyện vượt biên, chuyện hải tặc và những thảm cảnh trên biển Đông, năm nào cũng trở về làm nhói lòng, đau tim. Ngày nay, chính quyền Mỹ bảo vệ dân chúng, tìm đủ mọi cách để diệt bọn hải tặc. Ngày xưa dân tị nạn Việt Nam dập dình trên biển Đông, bao nhiêu hải tặc đã giết chết bao nhiêu ngừơi, nào ai biết" 
Hồi năm 1985, cô Ba học trường thẩm mỹ, quen cô bạn nhỏ. Chuyện đau lòng của em làm cô nhớ hoài, cô đã viết về  Em, như vầy:

...Cuộc vượt biên của Linh là chuyện chết sống.
Chẳng là, một người bà con của Phượng đi chung chuyến ghe với Linh. Xém chút thì người em bà con của Phượng đã tiêu mạng trên biển Đông rồi nếu không nhờ phúc đức ông bà cùng lòng tin Thượng Đế của tất cả những người trên tàu cầu nguyện, trong giờ phút thập tử nhứt sanh, hết hy vọng thì quới nhơn tới, một chiếc tàu đánh cá Nhựt chạy ngang, làm tụi dân chài Thái Lan chuyển thành cướp biển bỏ chạy, tất cả ngừơi trên chiếc tàu tị nạn được vớt lên, đem thả vô trại mới còn sống tới ngày nay.
Năm đó Linh mới mười bốn tuổi. Khi tụi đầu trâu mặt ngựa lôi Linh qua tàu của chúng, ai cũng tưởng sau khi thỏa mãn thú tánh, thảy Linh xuống biển phi tang rồi, ngờ đâu nó còn chút lương tri, liệng cô bé tơi tả trở về tàu.
Mấy năm sau, Linh cũng được gia đình cho đi học chữ, bỏ nửa chừng, Linh đi học nghề thẩm mỹ, nói là muốn có một nghề tự nuôi sống. Linh tự nguyện sau khi có việc làm rồi sẽ ra riêng, sống cô quạnh, bí mật như người ẩn sĩ.
Nhiều lần Phượng cố bắt chuyện, cố tìm hiểu, nếu nói theo người Mỹ thì là Phượng muốn "reach out" nhưng Linh lúc nào cũng một câu duy nhứt "em không muốn nhắc tới chuyện xưa."
Ngày đó, thấy Linh cứ nhìn ra cửa sổ, thở dài, Phượng ân cần khuyên Linh hay là đi bác sĩ về bịnh tâm thần, Linh buồn buồn lắc đầu: "hồi đó em có đi rồi. Hổng nhằm gì hết. Hồi Sài Gòn mất, trong xóm em có mấy thằng công an dễ ghét. Có một thằng, ngày nào cũng dợt ngang nhà em, miệng réo eo éo: "A Nìn ơi a Nìn..." làm Má em sợ phải tính chuyện cho em vượt biên trước chớ không thôi thì em đâu có muốn đi một mình vậy.
Trên biển em gặp nạn...
Khi gia đình em vượt biên qua được, biết em bị bịnh, mấy lần má dẫn em đi ông thầy kia để trị bịnh. Ổng bắt em ngồi xếp bằng như ngồi đồng, ổng ếm ổng đọc thần chú gì đó rồi ổng biểu em phải cắn răng ráng chịu đau rồi ổng lấy cây nhang đang cháy đỏ châm lên đầu em. Em ráng chịu đau. Mà lạ, em cũng hổng thấy đau gì lắm. Ổng châm cho em bốn dấu trên đầu. (Vừa nói Linh vừa vạch tóc ra cho Phượng coi)
Trời đất ơi, ngày xưa Phượng cũng đã từng thấy những người tu ngồi thiền để châm nhang trên đầu. Hình như là có nhiều dấu nhang châm chừng nào là lên tới chức Hoà Thượng cao hơn gì đó, Phượng không có đạo nên không rõ. Nhưng đó là những ngừơi sùng đạo tu hành kìa, còn Linh, thinh không ngồi đó để người ta châm nhang đốt cháy có thẹo mấy lỗ vậy, đau thấy ông bà ông vãi luôn. 
Vậy mà Linh nói "hổng đau gì mấy""
Linh kể tiếp  ai cũng nói chắc đầu óc em hư rồi mới hổng biết đau tại vì cách trị nầy là để kích thích dây thần kinh của em.
Về sau thấy hổng hết, em cứ lâu lâu ngồi ỳ một chỗ hổng nói chuyện với ai hổng muốn ăn uống gì hết, dì em mới bàn thôi bây giờ trị theo Ta hổng hết thì phải trị theo Tây. Dì đưa tới bà bác sĩ Mỹ nầy chuyên về thần linh học và có thể thôi miên. Bả có bằng cấp đàng hoàng treo trên tường chớ hổng phải khơi khơi  à.
Hôm đó tới nơi bả mời em vô văn phòng để bả dùng thuật thôi miên trị bịnh cho em.
Thiệt tình trong nhà ai cũng nói em có bịnh tâm thần em cũng muốn hết bịnh cho rồi sống bình thường như người ta nên em ráng nghe lời
Ngồi trên cái ghế nệm, bả hỏi nếu em muốn nằm xuống cho thoải mái thì cứ việc nằm. Em chỉ ngả đầu dựa vô ghế thôi
Ban đầu bả hỏi em tên gì bao nhiêu tuổi nhà ở đâu đại khái sơ sơ thân thế rồi bả hỏi tại sao em tới đây em nói em tới tại vì em muốn hết bịnh.
Bả kêu em hãy tưởng tượng em đang mang một cái ba lô nặng thiệt là nặng trên lưng, từ từ lột bỏ nó ra, cho rớt xuông đất. Ngồi đó thoải mái mơ màng nhắm mắt lại nghe giọng nói ngọt ngào dịu dàng của bả em từ từ thấy người nhẹ nhõm thiệt. Rồi bả hỏi em thích khung cảnh nào nhứt" lững lơ trên mây, bồng bềnh trên nước, hay là gì" em nói em không thích bay cao cũng không thích nước, em chỉ thích chạy trên đồi cỏ xanh, mọc đầy bông dại.


Bả nói em đang chạy trên đồi cỏ rồi đó, em cũng thấy em đang chạy trên cỏ, bả hỏi em thấy hoa dại chưa em nói thấy rồi, bả hỏi bông em thấy đó màu gì, em nói màu tím. Bả hỏi tím cở nào em nói tím đậm như màu tím hoa pensée và tím lợt như màu hoa cà bả hỏi em còn thấy màu gì trên đồi cỏ không em nói em thấy thêm bông cúc dại màu vàng, rồi bông nho nhỏ màu trắng... bả nói tốt lắm bả biểu em hãy hít thở mùi hoa dại vô cho đầy phổi. Em làm theo tự nhiên em thấy khỏe khoắn tâm hồn sảng khoái...
Bả hỏi em thấy ai gần đó không, em nói chớ có ai, chỉ một mình em thôi, bả nói bộ em không thấy một người bạn gái hay bạn trai của em sao" em nói bạn gái em có một đứa nhưng nó chết hồi vượt biên rồi, em không có bạn trai, bả nói hãy tửơng tượng một người bạn trai theo đúng ý em.
Tự dưng, chị ơi, em bật khóc, la toáng lên dảy dụa đá lung tung đổ bể đồ đạc trong phòng làm bả hết hồn bả vội kêu em tỉnh lại, tỉnh lại tôi đếm một hai ba hảy chạy ra khỏi cái đồi cỏ xanh đó đi...
Kể tới đó Linh khóc. Chị biết em thấy gì không" Khi bà thầy kêu em tưởng tượng ra người bạn trai, em chẳng tưởng tượng ra ai được mà em chỉ thấy lại mấy thằng khốn nạn trên chiếc tàu ngoài biển bu xung quanh em... em sợ điên lên...
Từ đó về sau không ai dám biểu em đi chữa bịnh gì nữa hết.
...
Tội nghiệp người con gái.
Còn biết bao nhiêu người như Linh"
Năm ấy, em đang tuổi thanh xuân, mớ tuổi đẹp nhứt của người con gái, sao phải sống âm thầm với những hình ảnh hổn loạn đau đớn ấy.
Đấy là chuyện của người thiếu nữ, còn một chuyện nữa về ngừơi thanh niên mà cô đã gặp vào năm 1979.
Lúc ấy, cô làm trong một hãng chuyên may những đồ dùng trong bếp như cái khăn ăn, tấm trải bàn, khăn lau dĩa v...v...
Hãng may hiệp sức với hội thiện nguyện nhà thờ, nhận một số dân tị nạn từ các trại qua Mỹ và cấp cho việc làm. Đa số phụ nữ thì ngồi may còn thanh niên thì làm những việc nặng hơn như khiêng hàng vải, vô bao vô thùng.
Có một ngừơi đàn ông mới qua, thấy anh ốm yếu xanh xao, có vẻ lớn tuổi vì tóc chỗ đen chỗ bạc, hãng giao cho anh vài việc nhẹ nhàng như đếm vải cắt rồi thành từng chục, để lên máy may sẳn sàng cho các chị. Khi đọc hồ sơ mới biết anh rất trẻ, mới hai mươi. Có lẽ bị trải qua nhiều khổ cực nên trông anh già trước tuổi như vậy. Thế rồi, ngừơi chuyên vô bao những lố khăn ra hàng, dọn nhà sang tiểu bang, hãng giao cho anh việc làm này. Ai cũng nghĩ rằng anh này may mắn, mới vô mà được chỗ ngon, nhẹ nhàng. Công việc không khó khăn, không cần biết nhiều tiếng Anh, chỉ là đút nguyên lố khăn đã xếp sẵn vô cái bao nylon rồi ập máy xuống, sức nóng ép, khép miệng bao lại, bịch khăn rớt vô thùng.
Ngày hôm ấy, cô là ngừơi có trách nhiệm chỉ dẫn anh cách làm. Mới đầu, tưởng anh chưa quen khí hậu nên bị lạnh hay sao mà anh co ro đứng xa xa, hai cánh tay quấn lại với nhau, mắt không nhìn thẳng. Cô mới thân thiện kêu anh lại gần, nói là để tôi chỉ cho anh cái nút nào nhấn máy xúông, ép miệng bao lại, cái nút nào ngưng máy trong trừơng hợp khẩn cấp, chỗ này nóng, đừng đụng vô, vậy vậy...
Dặn dò xong cô làm thử cho anh coi. Làm vài cái, nghĩ là anh có thể tiếp tục, cô mới đứng tránh qua một bên cho anh bắt đầu. Khi anh nhét lố khăn vô cái bao nylon, thấy hai tay anh run lên, khi ập cái máy xúông đặng hàn miệng bao lại thì anh xuất mồ hôi, run bắn ngừơi, mặt xanh xám, nước mắt chảy xuống, ngã bật ra sau quỵ xuống bất tỉnh nhân sự. Hết hồn, cô kêu cứu.
Khi anh tỉnh lại trong nhà thương, nghe ngừơi bảo trợ anh từ nhà thờ tới giải thích, cô mới rõ.
Anh có ngừơi em trai song sanh, gia đình ở Hà Tiên, ngay biên giới. Khi không thể sống trên quê hương được nữa, gia đình cho hai anh em vượt biên bằng đường bộ qua ngả Miên. Dọc đường hai anh em bị Miên Cộng bắt. Tưởng thoát lũ yêu, lại gặp lũ quỉ. Bị chúng khảo của, có gì mà đưa" Chúng bèn trói hai anh em lại, giật ngược ra sau, chúng giết người em trước bằng cách bao cái đầu lại bằng bao nylon, cho chết ngộp. Khi người em song sanh ngưng dảy dụa, chúng tiếp tục khảo anh nữa, anh chẳng có con... gì mà đưa, tức giận, chúng nó bọc đầu anh lại, siết dây cột chặt, bỏ đi. Trời còn thương hay sao, cái bao có một cái lỗ nhỏ đâu đó, anh chỉ bất tỉnh. Khi mở mắt ra, hớp làn không khí đầu tiên, anh đau đớn nhìn thân thể của em, thân thể rúm ró ốm o gầy mòn như anh, em đã bỏ anh lại địa ngục của địa ngục trần gian.
Từ đó anh như người chết chưa chôn. 
Cô mới hiểu, vì sao anh sợ khủng khiếp, vì sao chỉ chạm vô cái bao nylon, anh chết ngất. Cả đời anh, chắc chắn là anh không thể nào đụng vô cái bao nylon mà không nhớ tới cảnh hãi hùng của đêm hôm ấy trong rừng sâu. Anh vẫn đau cái đau của người em, tinh thần anh cũng đã chết theo cái chết của ngừơi em song sanh.
...
Sài Gòn sau bảy lăm, miền Nam đã bị xé nát, có thể nào, dân miền Nam bị đẩy ngược lại thời nguyên thủy" Tục truyền rằng, thời tạo thiên lập điạ, bà Âu Cơ sinh ra trăm cái trứng. Nở trăm người con. Năm chục con lên rừng năm chục con xuống biển xây dựng cơ đồ con rồng cháu tiên. Bọn cộng sản tàn bạo đã tống bốn chục "cái trứng" lên rừng học chữ "hoà bình" thành những thân xác khô; chúng "giải phóng" bốn chục "cái trứng", đẩy luôn xuống biển cho dập dềnh trên biển Đông như những dề lục bình trôi, trôi đi tận chân trời góc biển. Số còn lại, bị chúng lùa đi ngiêng ngả theo dòng đời.
Rồi những thảm cảnh "trăm cái trứng" phải chịu đựng dài dài.
Từ quê hương hay trên đất khách, nhiều "cái trứng" đã quay cuồng trong cơn lốc, như lời của nhà thơ Phùng Quán nói:
Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy...

Bây giờ, đã tuyên bố chữ đổi mới, sao còn những cảnh đàn áp"
sao còn những bàn tay bụm miệng người, không cho nói lên sự thật"
sao còn cướp vườn cướp đất của dân"
sao còn có người nghèo đói thế kia"
sao còn thò tay mặt đặt tay trái, đưa dân qua xứ khác làm nô lệ"
sao còn những ngừơi thiếu nữ tuổi xuân mơn mởn, trần truồng đứng trước đám đầu trâu mặt ngựa cho chúng chọn lựa khen chê và, mua"
những người thiếu nữ đứng trên mảnh đất quê hương của mình bây giờ, có gì khác với em Linh ngày xưa" ngừơi con gái tội nghiệp, mất hồn mất vía trên ngọn sóng thần của biển Đông"
Cô Ba thở dài. Aaaa..... sao còn nhiều quá!
Lòng cô như cái lu đựng nước mưa nước sông lóng phèn. Nước trên trời đổ xuống, nước dưới sông kéo lên, đổ vô lu, bỏ cục phèn vô. Cặn bã bị phèn chua lóng dưới đáy. Khi múc nước xài, phải cẩn thận, phải chừng mực, đừng khuấy nước, bởi vì, một khuấy động nhẹ nhàng cách mấy, cặn bã ấy cũng sẵn sàng trồi lên. 
...
Theo năm tháng, những vết thương của "trăm cái trứng" tuy có phôi phai nhưng sự đau đớn trải qua bao gió cát nắng mưa, càng ngày càng khoét sâu như chữ khắc trên đá.
Sau 34 năm, dễ gì quên!
Sài Gòn, 5XUA475
Hoa Kỳ,  5NAY409
Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,398
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến