Còn Trời, Còn Đất
Tác giả: Hồ Ngọc
Bài số 2589-16208666- vb641709
Tác giả tự sơ luợc tiểu sử: Sinh ngày 1/1/1937 tại Huế. Tuổi thiếu niên: đi học; tuổi thanh niên: đi lính; tuổi trung niên: đi tù hay đi cải tạo cũng thế; tuổi ngũ niên: đi hát ô; tuổi lục niên: đi cày và tuổi thất thập thì đi... bộ và đi... bác sĩ. Không biết lúc nào sẽ đi ra... nghĩa địa hay đi... chùa đây.
Đã đi, đã đến cuối trời,
đã về như vẫn muôn đời ra đi thơ Bùi Giáng
***
- Gia đình anh gồm bao nhiêu người cả thảy" Người social worker hình như gốc Lào hỏi Cảnh.
- Tôi và vợ cộng 4 đứa con, Cảnh trả lời nhát gừng.
- Như thế là 6. Sáu người mà dám mướn nhà với 4 phòng ngủ sao" Rồi còn dẫn xác đến đây để xin hưởng trợ cấp. So weird, I don't believe so. Tôi đây, hai vợ chồng và 2 con mà chỉ cố gắng thuê một phòng ngủ mà thôi.
Nóng nảy vì phải chờ mãi gần hai tiếng đồng hồ mới được vào phỏng vấn. Vào rồi lại gập một anh công dân Mỹ mà cao không quá 5 feet, gốc Á châu, cân nặng không hơn 100 lbs, mặt thì tái mét thêm cái môi ghiền thuôc lá thâm sì. Tướng tá này trước tháng Tư 75 mà đến xin việc làm cở công chức công nhật hạng B.3 chắc Cảnh cũng không buồn mướn, và chẳng thèm tiếp, vậy mà hôm nay, con người nhỏ thó ấy đang ngối chểm chệ giữa một bàn giấy vĩ đại hạch hỏi và phỏng vấn như có vẽ điều tra Cảnh.
Biết mình đang ở trong cái thế đi xin xỏ, nhưng tiền gì của cha con nó đâu mà nó nỡ làm tổn thương mình. Với cái vốn liếng "Anglais sans peine", Anglais vivant, nhuần nhuyễn, thêm hơn hai năm trời đóng đô ở Hội Việt Mỹ, mỗi ngày đủ tám tiếng không một giờ cúp cua, cộng thêm hai năm làm Sĩ quan liên lạc ở nước ngoài, Cảnh thấy thừa sức đối đáp, tranh luận với nhau mà khỏi phải phụ đề à, ừm, you know...
- Tôi nói cho anh biết. Anh hỏi tôi như thế là anh đã insult tôi nhiều. Vừa nói, Cảnh vừa chỉ ngón tay trỏ vào mặt người đối diện. Mướn một phòng là quyền của anh, mướn bao nhiêu phòng là... tự do của tôi, là... damn my rights, anh biết chưa. Tôi sẽ nói chuyện thẳng với Manager của anh.
Nói xong, Cảnh vội gom góp giấy tờ, bước ra khỏi phòng phỏng vấn, và đóng ập cửa. Vợ và con đang đứng chờ ở ngoài, thấy mặt Ba nó hầm hầm, Mẹ sấp nhỏ chỉ biết đứng kế bên, nhỏ nhẹ :
- Chắc là nó làm khó dể anh nữa chứ gì"
- Thôi về. Ở Việt nam, nghèo khổ đến thế mấy mà mình có bao giờ biết đi năn nĩ, xin xỏ một thứ gì đâu. Cảnh hằn học, qua đây rồi, trời cao đất rộng, tại sao lại chun vào một căn phòng để xin trợ cấp từng cent, từng dime, như thế rồi về nhà đi xoa mạt chược, đi đánh tennis, đi ăn nhà hàng, đi làm lãnh cash"
Tính ghé vào phòng tiếp tân để xin gặp manager phân trần, nhưng đoán chắc thế nào phủ cũng binh phủ, huyện về phe với huyện, lại phải chờ đợi hằng giờ nên vội thúc các mẹ con - Về, về, Mẹ và mấy con, kể cả Ba nữa, lái xe về nhà, vừa làm vừa đi học. Ăn oe phe riết rồi nó ngóc đầu lên không nổi đâu, Nó còn hạch lên hỏi xuống nhục nhã lắm.
- Em đã nói với anh nhiều lần rồi. Cứ tự ái và nóng giận nào có ích gì. Hồi đó, em đã bảo anh và gia đình cứ chun qua rào Tổng Tham Mưu để qua phi trường như một số Tá, Tướng đã làm, đã chun, vậy mà anh nhất định không chịu khom mình xuống đễ rồi phải đi cải tạo, ra tù rồi sống với chuột bọ mà cũng không bỏ được cái bịnh tự ái, nóng giận.
Về nhà xong là ngày hôm sau, mấy cha con cùng nhau đi xin việc. Agency thấy nguyên cả một gia đình, liền hỏi còn ai nửa không" Còn, còn một cậu út, 4 tuổi, ngày đầu qua đây, khi đi xuống hội USCC, người ta bảo là trúng số.
Nó là như thế này, Cảnh sinh năm 1937, qua Mỹ tháng 8/91, trong tuổi 54, 55. Cậu Út được 4 tuổi, được ưu tiên hưởng trợ cấp cho đến 18, tức là hưởng được 14 năm. Cảnh, vì là cha nên được ăn theo của con 14 năm, sau đó dư điều kiện để tiếp tục hưởng tiền già, như trúng số, êm ru bà rù, khoẻ re hơn con bò kéo xe. Đúng không" Nhưng mà, nói vậy chứ không phải vậy, đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Cái mề đay nào cũng có hai mặt, một mặt nhục và một mặt vinh, như viên thuốc trị cao máu hay tiểu đường, 60 phần trăm chữa bịnh, và 40 phần trăm bị side effect, hoặc như đồng xu, tail và head, sấp và ngửa, và oái oăm thay, một mặt lại cứ ưa xuất hiện hoài.
Đi xin việc, ừ, thì đi xin việc. Nói thì dễ lắm, nhưng thử đi xin mà xem, nó khó khăn và gúc mắc trăm đường. Cảnh nghĩ, cỡ như mình, đa số trong giới sĩ quan, chỉ biết cầm quân đánh giặc, trình độ học vấn trung bình là tú tài, có ai cao lắm có thêm một hai chứng chi đại học, hoặc cử nhân. Còn phe công chức thì cũng même chose, trừ mốt số chuyên viên có chỉ số chuyên môn riêng biệt chứ giới đốc sự, giáo sư triết, tổng giám đốc công vụ, chánh sở thượng vụ v.v.. thử hỏi xin được việc gì ở Mỹ đây để phù hợp với sỡ trường chuyên môn của mình lúc ở bên nhà" Một kỹ sư thủy lâm, qua đây phải chịu khó đi học lại, programmer chẳng hạn rồi bò lần kiếm cái bằng tiến sĩ luật nếu muốn tiến thân lên đài danh vọng. Tóm lại, phải đi học lại nếu có chí cầu tiến, kể cả giới nha y bác sĩ, còn không, thì may ra "chồng technician, vợ assembly" theo lối nói của ex-colonel Giao Chỉ. Giả dụ, nếu không đủ điều kiện để học thêm, chỉ có nghề ...chữa lửa, chỗ nào mà có help, wanted thì nhào vô, chờ cơ ứng biến, thợ may, tiệm giặt, chặt thịt, đẩy xe, casino, dịch vụ, đâu cần ta có, đâu khó ta cứ thử apply, đâu có chết thằng tây, thằng chệt nào đâu.
Vậy là toàn gia của Cảnh bắt đầu đi xin việc, đi chung một xe cho nó đở tốn xăng - ở Việt nam mới qua, đâu có chiếc xe thứ hai nào mà đi - đi một xe còn cái lợi khác là khi điền mấy cái application form, cha có thể chỉ thêm cho con, chỗ nào con không hiểu, còn chữ nào con không biết mà cha cũng trươt hươt luôn thì con hỏi lại bạn bè cách điền như thế nào rồi chỉ trở lại, học hỏi lẫn nhau, hai bên đều có lợi, ngư ông và cò, hai bên nếu có job thì đều có ... cá, có sushi ăn.
Muốn xin job permanent cũng khá chật vật, chi bằng chọn những agency, họ giúp giới thiệu temporary job, sau vài tháng siêng năng cần cù và chịu khó, hảng sở tuyển thêm công nhân chính thức, họ sẽ để ý đến nhóm tạm thời này. Có một lời khuyên mà Cảnh để ý nhiều nhất là, trong dịp cô em gái chiêu đãi bạn bè tuần đầu tiên khi Cảnh bước chân đến Mỹ - có một anh bạn thân đề nghị - "cố gắng đi học để có một tương lai tốt hơn, chứ khoan hãy đi làm, vì khi đã đi làm được rồi thì lại biếng đi học, còn muốn đi làm, nên chọn một hãng lớn, nhiều công nhân, nhiều cơ hội thăng tiến, nhiều quyền lợi," v..v..
Thế là, một hai ba chúng ta đi lính Cộng hoà, một hai ba cả gia đình vào làm hãng golf, so với assembler, sản xuất, được cao hơn một bậc, chức thư ký gói hàng - shipping clerk, mà cây golf cũng chả nặng bao nhiêu nên công việc cũng khá nhàn rỗi.
Từ thư ký gởi hàng quốc nội, chuyển lần lên quốc ngoại, lên expediter, lên sale rep. Cảnh làm shift một, con gái anh shift hai, con trai ca đêm. Mỗi hai tuần lãnh lương, tất cả check của các cha con gom lại để trên đầu tủ lạnh, vợ Cảnh ở nhà lo cơm nước và lo đưa Út đi học, cuối 2 tuần có bổn phận tổng cọng tất cả số tiền trong mấy cái check lại, và ... trừ ra các chi phí, còn dư không bỏ vào savings mà bắt chước lối để dành của tổ tiên cha ông ngày trước - mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời.
Gặp lúc kinh tế bùng lên, bonus mỗi năm đều đặn, cổ phần trong 401K chia gấp hai, rồi lại chia hai lần nửa. Trong khoản không đầy ba năm dành dụm, gia đình Cảnh không những mua được thêm hai xe mới mà còn dư để down payment mua một căn nhà cũ, khỏi phải trả tiền rent mỗi tháng. Mua được căn nhà cũng có lý do riêng của nó. Số là, ông chủ nhà cho mướn cũng như Cảnh, thuộc loại khó tính, nhà ở buộc phải thắp sáng một bóng đèn trước cửa nhà vào lúc ban đêm, không được đậu xe trên bãi cỏ, và cỏ phải luôn tưới nước để giữ cho xanh v..v..
Hôm đó, có một gia đình bạn thân ở tiểu bang xa xuống thăm, nhằm ngày quét rác, xe cộ không được đậu trên lề đường nếu không muốn bị phạt. Xe ở nhà phải đậu trên bờ cỏ, nhường chỗ trên thềm xi măng cho xe người bạn. Chủ nhà hình như đã chờ sẵn, hay là nhà bên cạnh gọi điện thoại báo, chủ nhà không phone báo trước, liền lái xe đến hậm hẹ: "Tôi muốn you move chiếc xe ra khỏi bãi cỏ của tôi ngay, nếu không, cỏ của tôi sẽ chết hết, và you sẽ phải trách nhiệm bồi thường". Đi theo ông chủ là bà chủ, cái bụng to hơn cái ngực, gương mặt tỏ ra rất hách xì xằng tuy rằng miệng ngậm thinh không nói, ra cái điều ta đây cũng thuộc loại chủ nhân, land lord.
Giận vì bị xỉ vả trứơc người bạn từ bang xa đến thăm làm mất thể diện, Cảnh xổ luôn một tràng ăng lê rất đúng văn phạm: Tao xin lỗi mày. Mày cũng nên lịch sự khi to tiếng với tao trước mặt một người đàn bà và một người bạn. Tao nghĩ, tao sẽ không move chiếc xe mà gia đình tao sẽ move ra khỏi nhà mày để vợ chồng mày khỏi phải đến nhà complain mà không biết gọi phone cho hay trước.
Thế là chấp nhận mất tiền deposit, gia đình Cảnh với sáu mống già trẻ move đến một căn nhà mới, mới mình mà cũ ta. Nhà tuy nhỏ, 3 bed, 2 bath cũng vừa đủ cho một gia đình mới ở Việt nam qua chưa tròn ba năm có chỗ chun vô chun ra, có chỗ ngủ nghỉ tạm dung ở miền đất hứa. Nhà ở ngay cul de sac có cái view 180 độ. Những buổi chiều tà, có thể trông thấy ánh tà dương khuất dần sau rặng núi xa xa, từ ba giờ chiều cho đến khi trời tối hẳn. Hoặc những bửa weekend trăng tròn, thu mình sau back yard thấy rõù trăng treo trên đầu núi, vợ chồng và mấy đứa con quây quần quanh cái bbq lửa hồng nghe mùi mỡ reo, thơm mùi thịt nướng, nhìn rõ ly remy martin sủi bọt vì pha trộn với nước suối perrier, cố gắng tìm xem đâu đó một cây đa cao, một thằng cuội già... mà sao không thấy.
Nhà neighbor bên cạnh chắc cũng thèm được nhìn ngắm ánh mặt trời chiều nên đã nhiều lần đề nghị với Cảnh cho đốn hẳn gốc cây cao phiá nhà Cảnh, lúc đầu họ tính sẽ share số tiền công đốn chặt, Cảnh không chịu, sau đó họ chịu trả công một mình, Cảnh vẫn không bằng lòng, không phải Cảnh ích kỷ gì một mảnh riêng tư trời đất, nhưng ngặt nỗi, tàn của cây cao ấy là cả bóng mát của back yard nhà Cảnh, không một cái dù hay cái tent khổng lồ nào đủ tạo ra được cái bóng mát như thế ấy. Một hôm, vào ngày thứ tư, lựa lúc Cảnh đi làm, chỉ có một cậu con trai ở nhà, anh chàng hàng xóm mới qua nhà liên lạc với cậu con trai xin chặt cây và cho biết đã liên lạc trước với Cảnh rồi. Chiều về, Cảnh mới hay sự việc. Đợi đến thứ bảy, Cảnh sai người con qua mời qua nhà để nói chuyện. Hai ngừơi đứng trước sân, phía nhà Cảnh. Với giọng ban đầu từ tốn, Cảnh chậm rãi:
- Cây bên nhà tao, nếu có nhánh nào đó qua hàng rào phiá nhà you, thì you cứ chặt, nếu muốn.
- Đúng, tao đã chặt xong phiá của tao rồi.
- Còn you mà qua phía tao để chặt cây, nếu có tai nạn, tao là người gánh chịu, chứ không phải you. Phải thế không"
- Đúng, đúng. Nhưng tao cũng cẩn thận lắm, you khỏi lo, ngừơi hàng xóm nhỏ nhẹ trả lời.
- Tao muốn hỏi you, khi you qua nhà tao để xin chặt cây, you đã có ý kiến của tao chưa" Cảnh gằn giọng.
- Tao nghĩ, người hàng xóm trả lời, miệng vừa cười vừa xả giao, tao nghĩ, you cũng không nỡ hẹp hòi khi một người hàng xóm bên cạnh thích được san sẻ một chút cái view phiá nhà người bên cạnh.
- Tao không care, và không muốn giử riêng tư cái view ấy. Cái mà tao care là mày lợi dụng dịp tao không có ở nhà, mày tự động qua chặt cây, và nói dối với con tao là tao đã thuận cho mày chặt. Mày có biết như thế là vô liêm sĩ đấy không" Vừa nói, Cảnh vừa sấn đến trước mặt người láng giềng.
Biết mình không ở thế thượng phong, vừa giải bày lời xin lỗi, nguời láng giềng tốt bụng vừa rút nhanh chân về phiá hàng rào của mình.
Cảnh không để yên, đưa chân ngáng lại, trong đầu đã có ý định, nếu muốn chơi thì nên ăn thua đủ bên biên giới của nhà mình, chớ để nó rút về nhà nó là ...huề cả làng. Trong đầu Cảnh lại luôn luôn bị ám ảnh bởi câu nói là "Quân đội VNCH yếu, không dám đánh," nên Cảnh tiếp tục cự người láng giềng:
- Tao nói cho mày biết, tao không cần biết ai là vua, ai là hoàng hậu -vợ nó tên là Reina bên nhà mày- nhưng bên này, tao là vua của cái giang sơn này, nếu mày qua một lần nửa là tao đánh, tao đánh mày để mày biết rằng tao không ...yếu và tao dám ...đánh.
- Hey, Cảnh, tao đã xin lỗi you rồi mà Cảnh. Chàng ni bo đứng trong rào nói vọng trở ra.
Có xin lỗi thì cái cây to cũng đã bị trim hết nhánh rồi, nhà Cảnh thiếu bóng mát trong vòng hai tháng để cây bắt đầu đâm ra nhánh non. Nhà bên cạnh, thấy cây ra nhánh mới, lại che mất cái view rồi, ở đó nữa mà làm chi, bán nhà đi tìm cái view mới và người láng giềng khác đỡ phức tạp và bớt khiêu khích, hiếu chiến hơn.
Gia đình Cảnh, từ khi mua được nhà - tạm an cư lạc nghiệp, công việc làm ăn cũng tạm xem như ổn định nên muốn nhảy ra làm business, để giúp con cái có dư thời giờ học thêm, bèn nghĩ cách mua một cái tiệm dry cleaner do cô em gái có kinh nghiệm lâu năm trong nghề phụ giúp huấn luyện và hướng dẫn. Được vài năm sau nữa, con Út đã tự động đi học một mình khỏi phải đưa đón, nên vợ Cảnh cũng rảnh tay, muốn mở thêm một shop may cho có đồng ra đồng vào, xin làm contractor cho một hãng may mặc lớn chuyên bán và sản xuất áo quần thể thao.
Làm business nào cùng dể thở hơn là làm ở hãng xuỡng. Làm ở hảng xưỡng, có siêng năng cố gáng chăm chỉ cho lắm thì cũng chỉ được tăng lương vào mỗi kỳ review mà thôi, còn mình làm cho mình nếu chịu khó thì được hưởng trực tiếp những công khó ấy. Tuy nhiên làm business cũng lắm nhiêu khê, lấy tiền của người giàu khó ăn hơn móc túi của người nghèo như làm coin laundry chẳng hạn. Giặt áo quần mà dơ một tí bị complain đã đành, đằng này muốn giặt và lấy gấp trong ngày chỉ xin thêm có 50 cents mà nhà giàu cũng ưa méo mặt. Ấy là chưa nói đến những chất hoá học, chất perc độc hại bao vây đầy dẫy quanh mình. Các viên thanh tra, và toán bảo vệ sức khỏe thường xuyên thăm viếng bất thần hàng tháng, mà mỗi vi phạm không bao giờ dưới giá 1 ngàn đô.
Nói về nghề may cũng vậy, cũng khá bọt bèo. Nói chung business nào cũng có cái nhức đầu sổ mũi của riêng nó. Như công nhân nghề may, đa số là phái nữ, vì kẹt một chút "lắt léo" nên thường yêu cầu chủ nhân chi trả tiền mặt, trả lương giờ thì họ không làm đủ năng xuất, còn trả lương theo kiểu ăn cái thì bị trách là chủ bóc lột, mà trả theo chính phủ yêu cầu thì chủ còn đâu mà đóng thuế, trả rent v.v.. Tìm công nhân trong giới Mễ lậu có chịu khó siêng năng thật đấy nhưng cũng hơi phiêu lưu. Lần đầu bị phạt một, lần sau gấp đôi, và lần ba là cúp giấy phép, thử hỏi chủ nhân nào đủ can đảm theo nghề.