Hôm nay,  

Những Mùa Xuân Mới

23/01/200900:00:00(Xem: 183083)

Những Mùa Xuân Mới

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 2513-16208590 vb612309

Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Hưng Cao đã góp thêm nhiều bài viết đặc biệt. Bài gần nhất của ông là "Cô Bé và Bọn Buôn Người",  một truyện đã gây nhiều xúc động. Bài sau đây là chuyện tác giả đi tìm cô bé trong câu truyện đã viết.

***
Những dòng chữ trong email tôi nhận được mấy hôm trước từ chị V. Nguyễn chuyển qua một người bạn vẫn còn làm cho tôi xúc động. Sau khi đọc xong "Cô Bé và Bọn Buôn Người" đăng trên Việt báo online, chị V. Nguyễn kể trong email là chị đã "bàng hoàng, không ngờ thế giới này còn có những con người bất hạnh như bé Hậu." Và chị thiết tha mong được đóng góp để phụ một tay với chương trình của hội Hagar này.  Tôi cho chị địa chỉ của hội Hagar để chị có thể liên lạc trực tiếp với họ. 
Sau khi bài viết được phổ biến, chị Lệ ở tòa soạn Việt Báo cho biết có nhiều độc giả thăm hỏi, để lại số điện thoại liên lạc và nói là sẵn sàng chia sẻ với những cô bé bất hạnh như Hậu. Tôi rất cảm động trước những tấm lòng nhân từ của những người Việt nơi đây, đồng thời cũng cảm thấy như mắc một "món nợ" trước những lời thăm hỏi về cuộc sống hiện tại của cô bé Hậu trong câu truyện. Vì thực ra chính bản thân tôi cũng không biết gì nhiều hơn ngoài câu chuyện kể của anh bạn.  Tôi cũng không biết gì hơn về  Cam Bốt, ngoài những câu truyện, những cuốn phim kinh hoàng kể lại thời diệt chủng của Pol Pot.  Chính vì vậy, tôi thấy tự mình phải có lần tới thăm  tận nơi đã xẩy ra câu chuyện...
Máy bay đáp xuống phi trường Phnom Penh trong cái nắng chói chang của miền khí hậu nhiệt đới.  Không được tiếp giáp nhiều với đại dương như Việt Nam, nên khí hậu ở Campuchia có phần khắc nghiệt hơn.  Tháng 11 đang là mùa khô ở đây nên hiếm có những trận mưa rào đễ làm dịu bớt đi cái nắng như thiêu đốt. 
 Cầm trên tay mảnh giấy ghi địa chỉ của một số nơi cần đến liên quan đến hội Hagar, tôi quyết định sẽ đến gặp để tìm hiểu thực tế về hoàn cảnh học hành, cuộc sống cũng như sinh hoạt của các em đang được bảo trợ bởi hội Hagar.  Tôi muốn dành một sự bất ngờ nên không thông báo trước về chuyến viếng thăm của mình.
Địa chỉ đầu tiên mà tôi tìm đến là trung tâm After Care của hội Hagar.  Đây thật ra chỉ là một ngôi trường thu nhỏ với vài phòng ốc mà hội thuê mướn với sự tham gia giảng dạy thiện nguyện của một số thầy cô người Campuchia.  Ngôn ngữ các em học ở trường là tiếng Khme, với một vài giờ học tiếng Anh.
* Chương trình After Care: 
 Khi tôi bước vào văn phòng tiếp khách của trung tâm, cô thư ký mà tôi đoán cũng là nhân viên thiện nguyện đứng dậy chắp tay niềm nở đón chào.  Tôi cho cô biết lý do tôi đến đây.  Thoáng chút phân vân, cô bảo tôi ngồi chờ để cô đi lục hồ sơ với cái tên của cô bé Hậu mà tôi vừa trao cho cô trên mảnh giấy.
- À, đây rồi!  Cô reo vui khi tìm được hồ sơ của bé Hậu.  Chắc là cô sợ tôi đã phải nhọc công lặn lội đến đây mà phải về không.  Quay sang tôi, cô cất giọng buồn buồn bằng tiếng Anh mang nặng âm sắc của người Khme.
-Rất tiếc là cô bé này không còn ở đây nữa.  Em lớn tuổi hơn qui định của trung tâm, vả lại trung tâm không còn đủ chỗ nữa.  Chúng tôi chỉ có thể giữ em ở đây một thời gian ngắn đến khi tìm được gia đình nhận nuôi em.  Chúng tôi đã làm hồ sơ chuyển em đến đó rồi.  Tuy nhiên, nếu ông muốn đi tham quan một vòng ở trung tâm After Care này, tôi sẽ hướng dẫn cho ông đi.
Theo cô cho biết, chương trình After Care này do hội Hagar thành lập từ năm 2005 để giúp đỡ cho những bé gái từ 4 đến 13 tuổi.  Các em là những nạn nhân trực tiếp của bọn buôn người hoặc bị lừa bán vào những động mãi dâm.  Ngoài việc giúp các em học hành, chương trình còn giúp chỗ ăn ở lâu dài cho những em không thể trở lại sống với gia đình.  Hội Hagar có nhân viên giúp tư vấn (counseling), chăm sóc y tế và đặc biệt là giáo dục, như là một phương tiện để giúp các em làm lại cuộc đời. 
Thật cảm động khi chứng kiến có những em chỉ chừng 4-5 tuổi sống ở đây, được hội nuôi dưỡng và tạo ra một môi trường vui khỏe và lành mạnh, để giúp các em quên đi những ấn tượng hãi hùng về cuộc sống trong quá khứ.  Môi trường mới sẽ giúp các em thực hiện những ước mơ và hoài bão của mình như những thiếu nữ khác ở ngoài đời. 
Vì hoàn cảnh tài chính khó khăn trong hiện tại, các em người Campuchia và Việt Nam phải sống và học tập chung với nhau.  Tuy nhiên hội Hagar cũng dự định sẽ thành lập một nhà riêng dành cho những trẻ em bị bán từ Việt Nam sang đây, vào cuối năm nay, nhằm giúp các em được giáo dục đễ không quên nguồn cội của mình.  Thật là một cử chỉ cao đẹp của hội và người thành lập ra nó, vì thông thường dưới ánh mắt của người Tây phương, "trẻ em châu Á nào cũng giống như nhau".
Tôi theo cô đến lớp học mà trước đây cô bé Hậu đã có thời gian học ở đây.  Thầy giáo phụ trách lớp còn rất trẻ.  Khoảng gần 30 em lễ phép đứng dậy cúi đầu chào khi tôi bước vào lớp.  Chả bù cho những lúc ở bên Cali, thỉnh thoảng khi tôi có dịp tạt ngang vào lớp học, bọn trẻ chỉ "trơ mắt ếch" ngồi nhìn.  Không biết đến bao giờ mới có cảnh "tiên học lễ, hậu học văn" như vầy.
Trở lại phòng tiếp khách của trung tâm After Care, tôi cám ơn cô gái đã hướng dẫn cho tôi biết thêm về chương trình After Care và cho tôi địa chỉ mới của cô bé Hậu cũng như về chương trình Foster Home Program.
* Foster Home Program:
Chương trình Foster Home được thành lập nhằm khuyến khích những gia đình có khả năng có thể bảo lãnh để nuôi các em.  Các em được sống trong những gia đình theo nhóm nhỏ hơn, thay vì phải sống chung với rất nhiều em khác ở trung tâm.  Bằng cách này, các em nhận được tình thương và sự chăm sóc của những người "cha, mẹ" mới mà các em tưởng như đã không bao giờ có thể tìm lại được.  Phần lớn khoảng 3 đến 4 em ở chung trong một gia đình và các em thường là anh chị em ruột đã từng bị gia đình ruồng bỏ. 
Tôi nghe kể về cô Soth Sam Arth, thường được gọi với cái tên trìu mến là "má nuôi".  Cô đã nhận lãnh nuôi các em từ hội Hagar trong hơn 5 năm qua và đã nuôi dưỡng hơn 50 em trong khoảng thời gian ấy. Thông thường cô nuôi dưỡng cho đến khi các em trưởng thành và có thể sống tự lập được.  Lúc tôi đến, cô đang nuôi 10 em từ 4 đến 16 tuổi.  Trong số đó có 3 đứa trẻ bị câm và điếc nên cô Sam Arth phải học cách nói chuyện bằng tay để có thể giao tiếp với 3 cháu này.  Hằng ngày cô nấu ăn cho cả gia đình, giúp các cháu làm bài tập và luyện tập thánh ca.  Niềm vui lớn nhất của cô là chăm sóc cho các cháu, như cô thổ lộ:
-Tôi thích đọc truyện cho các cháu vì tất cả các cháu rất thích được nghe những câu truyện, và đây cũng là một cách tốt để giúp các cháu tâm sự và qua đó tình cảm giữa tôi và các cháu càng bền chặt hơn.
 Lần đầu tiên khi nghe về hội Hagar và biết hội rất cần người để phụ một tay nuôi giúp các em, mà phần lớn phải trải qua những đắng cay tủi nhục từ những động mãi dâm, cô Sam Arth rất xúc động và cảm thông với những gì các em tuy tuổi còn rất trẻ đã phải trải qua.  Cô cho biết thêm:
-Không phải lúc nào nuôi nấng các em cũng dễ đâu, vì mỗi em có một hoàn cảnh riêng.  Nhiều lúc chỉ biết cầu xin ơn trên phù hộ cho mình có thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua.
Nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của người phụ nữ có trái tim nhân hậu như cô Soth Sam Arth, tôi càng thêm ngưỡng mộ và khâm phục cô.
*Ngôi nhà bên hồ Tonle Sap
Xốc lại chiếc "balô" trên vai, sau khi đã nhiều lần hỏi thăm và lang thang qua nhiều con đường xa lạ, tôi đứng trước một con đường đất nhỏ chạy thoai thoải dẫn ra một bờ hồ mà sau này tôi biết có tên là hồ Tonle Sap.  Cuộc hành trình đi tìm nhân vật chính của câu truyện dường như sắp sửa đến hồi kết thúc, nhưng tôi lại chợt phân vân chùn bước, vì  tôi chợt nghĩ không biết sẽ giới thiệu tôi là ai, đến đây với mục đích gì, khi tôi gặp lại cô bé Hậu.  Tôi sẽ nói gì với cháu vì lẽ dĩ nhiên cháu chưa bao giờ đọc câu truyện của tôi, cũng như chưa biết gì đến một người đàn ông xa lạ từ đâu đó đến tìm hiểu về cuộc sống của mình. Nếu cháu hỏi về đứa em gái đã lâu không gặp của cháu ở Việt nam thì tôi không biết phải trả lời ra sao.  Nhưng thôi đã lỡ đến đây thì tùy cơ ứng biến.  Tôi nhủ thầm trong lòng rồi mạnh dạn bước đến gõ cửa ngôi nhà cất đơn sơ bên cạnh bờ hồ. Gió lay nhẹ những chùm trái trông giống như trái dâu treo lủng lẳng trên những nhánh cây phía trước nhà.  Tiếng chó sủa làm tôi giật mình.  Có tiếng người đàn ông xua đuổi con chó, rồi tiếng dép bước về phía cửa. 
Trước mặt tôi là một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, ông có nước da nhăn nheo trên khuôn mặt rám nắng của người dân chài sống lâu trên vùng sông nước.  Hàm răng đã rụng quá nửa khiến cho ông trông có vẻ già hơn.  Theo như giấy tờ tôi có thì ông L. có cái họ của người Campuchia, nên khi ông nheo nheo mắt nhìn tôi rồi cất giọng hỏi bằng tiếng Việt làm tôi sững sốt vui mừng.
 -Dạ thưa ông kiếm ai"
Tôi xưng tên sau khi cúi đầu đáp lại cái chắp tay chào của ông và cất tiếng hỏi:
 -Dạ thưa ông có phải là ông L. không"
 -Dạ tui đây. Ông trả lời, rồi nhìn tôi với ánh mắt tò mò.
 -Dạ cháu được hội Hagar cho địa chỉ của ông và cho biết gia đình ông đang nuôi cháu Hậu.  Cháu có người bạn bên Mỹ có quen biết với cháu Hậu trước đây.  Hôm nay cháu đến để tìm hiểu thêm về hội Hagar và hoàn cảnh sống của các cháu..., nếu không có gì làm phiền ông"
 -Ồ thì ra anh là nhà báo.  Mời anh vô nhà chơi.  Các cháu đi học cũng sắp về rồi.


Tôi theo chân ông vào nhà, vừa đi vừa mỉm cười với cái nghề mới "nhà báo" mà tôi vừa được nhận.  Tôi thì có nước "báo nhà" thì đúng hơn.  Ông rót mời tôi chén nước trà trong cái ấm cũ mà đã lâu tôi không có dịp nhìn thấy loại này.  Căn nhà mộc mạc, đơn sơ với vài bộ ván cũ kỹ, chiếc tủ thờ được bày trí như bên Việt Nam.  Trừ cái tủ sách còn khá mới đặt ở góc nhà, bên cạnh chiếc võng treo lủng lẳng giữa hai cột nhà, tất cả căn nhà toát lên vẻ mộc mạc, đơn sơ.
 Không để tôi kịp hỏi, ông vui vẻ kể bằng một giọng chất phát của người miền Nam, tuy hơi mang âm hưởng một chút của tiếng Khme vì có lẽ ông sống ở đây đã khá lâu.
 -Gia đình tui đến đây lập nghiệp từ năm 1975 đến giờ, sau khi "tụi nó" vô.  Dân Việt Nam mình bỏ nước đến đây lập nghiệp cũng nhiều, họp với nhau lại để bảo vệ lẫn nhau vì người bản xứ ở đây lúc đầu cũng không ưa gì người mình.  Dân mình ở đây phần lớn sống bằng nghề đánh cá.  Con cái của vợ chồng tui cũng lớn hết rồi nên tụi nó ra riêng mần ăn.  Vợ chồng già ở nhà hiu quạnh nên tình cờ có nghe đồn hội Hagar có tìm người giúp đỡ cho bọn trẻ, nên tui bàn với bã lãnh vài đứa về nuôi.  Dù sao mình cũng là người Việt với nhau.  Thấy tụi nhỏ bị bán qua đây tội nghiệp quá.  Như cháu Hậu nè, đã mấy năm rồi không được ăn cái Tết nào. Tôi nói với bã Tết năm nay nhớ gói thêm bánh tét, bánh chưng, trước  cúng ông bà, sau đễ tụi nhỏ có dịp nếm lại hương vị Tết ngày xưa...
 Giọng ông đều đều như một người cha đang ngồi kể một câu chuyện cổ tích.  Tự nhiên tôi có cảm giác thật gần gũi với ông như tôi đã gặp và quen biết ông từ lâu lắm.
  -Anh cứ ngồi chơi, bà nhà tui đi đón tụi nhỏ chắc cũng sắp về rồi.
 -Dạ, xin phép được hỏi chứ cô chú nhận nuôi mấy cháu"  Cô chú có được  nhận trợ giúp gì thêm từ chính phủ hay của hội Hagar không" Tôi tò mò hỏi.
-Tụi tui cũng nhận lệ phí tượng trưng từ hội thôi.  Mình nuôi tụi nhỏ không phải vì tiền, mà chủ yếu cho tụi nó có chỗ nương tựa để được học hành mà nên người.  Nhà cũng nhỏ thôi nên vợ chồng chỉ đủ sức nhận bốn cháu.
 -Cháu Hậu có hay tâm sự gì nhiều với cô chú không" Tôi đỡ tách nước vừa được châm thêm từ trên tay ông và gợi chuyện.
-Hậu lúc đầu nó nhát lắm.  Cứ ngồi co ro một chỗ.  Bà nhà tui phải dỗ ngọt nó hoài nó mới đỡ sợ và nói chuyện nhiều hơn.  Cũng may có con Quyên cùng trang lứa với nó, nên hai đứa hay thì thầm to nhỏ chuyện trò với nhau.  Hai đứa kia nhỏ hơn nên tụi nó ít nói chuyện với nhau.  Hình như bã và tụi nhỏ về kìa.
 Theo tay ổng chỉ, tôi nhìn ra phía con đường dẫn vào cổng ngôi nhà, xa xa có dáng một người đàn bà và bốn cô gái.  Tôi cùng ông bước ra phía trước sân nhà để đón mọi người.  Các cháu thấy khách lạ đến nên chắp tay chào hỏi.  Tôi nghe ông nói nhỏ với bà:
 -Có anh nhà báo từ bên Mỹ đến thăm.  Bà dọn cơm cho sấp nhỏ và mời anh ở lại ăn cơm luôn nhe.
Nếu không biết đây là một gia đình "bảo trợ" thì tôi cứ ngỡ đây là một mái ấm gia đình với cha mẹ và bốn cô con gái như bất cứ một gia đình bình thường nào khác.  Các cháu cười nói rất hồn nhiên.  Không biết có phải tại có khách lạ hay không, mà bà có vẻ ít nói.  Bà ngồi bên cạnh nồi cơm, luôn tay đơm những bát cơm đầy cho bọn trẻ, rồi thỉnh thoảng gắp đồ ăn bỏ vào chén của tụi nhỏ.  Ông thì nhân có "khách nhà báo" đến thăm, nên khui chai rượu ngâm thuốc rắn gì đó mời tôi cụng ly.  Nhìn cảnh gia đình đầm ấm bên bữa ăn, lòng tôi lâng lâng những niềm cảm xúc lẫn lộn. Vui cho các cháu ở đây nhưng thương thay cho bao nhiêu em bé gái khác không có được cái diễm phúc này.  Cơm nước xong, các cháu phụ bà dọn dẹp bát đĩa.  Có lẽ ông biết ý nên ông gọi Hậu đến căn dặn:
-Chú ở bên Mỹ qua thăm.  Con dẫn chú ra bờ hồ chơi đi, để chú cháu có dịp nói chuyện.  Con để mấy cái chén dĩa đó cho mấy em con làm được rồi.
Hậu "dạ" nhỏ, rồi quay sang hỏi tôi bằng một giọng thật tự nhiên.
-Chú mới đến đây lần đầu hả chú"  Để cháu dẫn chú ra bờ hồ chơi nhe.  Ngoài đó cảnh đẹp lắm.
Hậu với tay lấy chiếc nón rơm đội vào đầu rồi dẫn tay tôi đi.  Trái với những điều tôi lo nghĩ, cô bé có vẻ tự tin và hoạt bát, tuy trong ánh mắt phảng phất một nỗi ưu buồn.  Vừa đi cô bé vừa liếng thoáng trò chuyện.
 -Uổng quá, nếu chú tới đây sớm hơn một vài tuần chú sẽ coi được "Hội Nước" ở đây.  Chú biết "Hội Nước" là gì không"
Tôi lắc đầu tỏ ý không biết.  Hậu kể tiếp.
 -Cháu nghe ông kể, cứ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi con sông Tonle Sap chảy ngược về hướng nam từ hồ Tonle Sap này về lại sông Mê Kông  thì người ta mở "Hội Nước" ăn mừng.  Có cả đua thuyền vui lắm chú...
 -Cháu biết sông Mê Kông chảy tiếp về đâu không"
Tự nhiên tôi buột miệng hỏi, để rồi sau đó cảm thấy ân hận với câu hỏi không đúng lúc của mình, khi nghe câu trả lời của Hậu.
 -Dạ cháu biết.  Sông chảy đến Việt Nam, rồi tách thành hai nhánh thành sông Tiền và sông Hậu.
Giọng của Hậu chợt trầm xuống.  Tôi cũng cảm thấy thật buồn khi hai tiếng "sông Hậu" thốt ra từ miệng cô bé, với đôi mắt chợt long lanh.  Tôi tự trách mình chưa làm "nhà báo" mà đã lắm chuyện như vậy, chỉ sợ gợi nhớ lại một mãnh đời u buồn của con bé.  Nhưng Hậu chợt nói tiếp:
-Chú biết ngày xưa nhà cháu ở bên sông Hậu không"
Tôi miễn cưỡng gật đầu.
 -Ừ, chú có nghe kể sơ về hoàn cảnh của cháu.  Thôi chuyện qua rồi, cháu đừng buồn nhe.  Chú xin lỗi đã làm cho cháu nhớ nhà...
Tôi vụng về an ủi con bé.
-Dạ, không sao đâu chú.  Cháu quen rồi.  Chỉ thỉnh thoảng lúc ra ngồi chơi ở bờ sông, cháu buồn khi nghĩ đến mẹ.  Chỉ tội nghiệp cho mẹ mất khi cháu còn nhỏ quá.
 Giọng Hậu lại trầm xuống.  Tôi chỉ sợ con bé khóc nấc lên thì tôi không biết phải làm sao.  Nhưng Hậu vẫn nhìn tôi với đôi mắt ráo hoảnh, rồi nói tiếp bằng một giọng thật cương quyết:
-Nhưng cháu không muốn trở về bên đó đâu chú.  Cháu chỉ muốn ở lại đây với ông bà và mấy em thôi.  Cháu muốn được đi học vì ngày xưa cháu đâu có được đi học như bây giờ.  Chú nói với hội đừng bắt cháu đi chỗ khác nghe chú.  Ủa, mà sao mặt chú buồn hiu vậy"
 -Vậy hả"  Chú không có sao đâu cháu.
Tôi lúng túng đáp. Hậu hồn nhiên nói tiếp:
 -Hồi nãy chắc chú đã gặp con Quyên phải không"  Mấy bữa trước nó kể chuyện của nó cho cháu nghe.  Chắc chú là nhà báo nên chú thích viết lắm phải không"  Để cháu kể cho chú nghe nhé...
* Chuyện của Bé Quyên
 Lúc mới lên 13 tuổi, mẹ của Quyên đã bán cô bé cho những kẻ dắt mối buôn người với giá $300 đô la.  Có những đêm nằm cạnh Hậu,  Quyên đã rưng rưng nước mắt tâm sự.  "Chị biết không, em luôn có cảm giác mình như một bông hoa bị dẫm nát, như một con bươm bướm đã chết rồi," khi mà hàng ngày Quyên bị ép phải tiếp đến 9-10 gã khách làng chơi. 
May mắn cho Quyên là sau đó cô bé được hội Công Lý Quốc Tế (International Justice Mission) cứu thoát.  Quyên được đưa tới một nơi an toàn để được giúp đỡ và sau đó được đưa đến hội Hagar theo chương trình After Care. 
Phải mất đến hơn 2 năm sau Quyên mới lấy lại được sự tự tin và bắt đầu làm bạn với những người bạn mới và những nhân viên tận tâm của hội Hagar.  Trước khi được đưa ra ngoài sống với gia đình của cô chú L., chương trình After Care của hội Hagar đã giúp nâng đỡ về tinh thần cho cô bé và Quyên được đến trường học mỗi ngày.  Quyên học hành rất chăm chỉ. Có nhiều đêm cô bé phải học dưới ánh đèn dầu lù mù vì ở Phnom Penh thường hay bị cúp điện.  Thầy cô giáo ở trường rất ngạc nhiên về kết quả học tập tiến bộ của Quyên.  Như có một thầy đã nhận xét:
 -Quyên là đứa học trò giỏi nhất lớp dù trước đây Quyên chưa bao giờ được đến trường, cho đến khi cô bé được đưa đến chương trình After Care này.
Lúc thường Quyên hay nhút nhát, sợ hãi nhưng cô bé lại là một con người rất giàu tình cảm.  Khi đứng trước tòa án, chỉ cách hai kẻ trước đây đã từng bán cô chừng vài thước, cô lại thương xót cho thằng bé mới lên 5 tuổi, con của một trong hai tên buôn người.  Sau đó cô tâm sự với một nhân viên cán sự: "Cháu tội nghiệp cho thằng bé đó quá.  Ba nó vô tù thì không biết ai sẽ chăm sóc cho nó."
Dù bị mẹ bán đi, nhưng Quyên lúc nào cũng mong được giúp đỡ mẹ vì mẹ của Quyên bị nhiễm HIV.  Từ lúc được cứu ra đến nay, Quyên chỉ gặp lại mẹ có một lần...
. . .

Thêm một câu chuyện thương tâm mà tôi vừa được nghe.  Còn biết bao nhiêu câu chuyện mà tôi chưa được nghe hay nhân vật chính trong những câu chuyện đó sẽ không có bao giờ có cơ hội để kể.  Dù sao cũng xin được cám ơn Hậu về câu chuyện của một người bạn mới của cô bé.
Tôi biết tôi sẽ không có đủ ngôn từ để thay mặt những cô bé đáng thương như Hậu, như Quyên,v.v. viết lên hết những lời tri ân đến với hội Hagar, từ ông Pierre Tami, người thành lập hội, đến những nhân viên thiện nguyện, những ân nhân đã và đang ngày đêm lo từng miếng cơm, giấc ngủ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tinh thần, chăm lo việc học hành và đào tạo tay nghề, hỗ trợ phần pháp lý (legal support) cho các trẻ em để truy tố bọn buôn người và bọn lợi dụng trẻ em ra trước công lý.  Quan trọng hơn nữa là việc tìm kiếm một mái ấm gia đình đễ các em có được chỗ dựa tinh thần qua chương trình Foster Home Program & Community Based Foster Care. Còn biết bao nhiêu công việc ý nghĩa khác mà hội Hagar đã và đang cố gắng thực hiện bằng những cố gắng từ những kinh phí do hội tạo ra hay do sự đóng góp của những ân nhân từ khắp nơi trên thế giới.  Tôi không thể không tri ân những người đã mở rộng vòng tay cho các em một mái ấm gia đình mới như chị Soth Sam Arth, cô chú Lim Sok, cô chú L.,v.v...
Không bao lâu nữa mùa xuân sẽ trở về với cái Tết cổ truyền ở quê nhà.  Tết ở đất nước Campuchia này bắt đầu trễ hơn ở Việt nam, từ ngày 13 đến 15 tháng 4, khi mùa gặt đã xong.  Cũng như bao trẻ em khác ở xứ chùa Tháp này, năm nay Hậu và Quyên sẽ đón năm mới muộn màng hơn người Việt chúng ta.  Dù sao muộn cũng còn hơn không.  Xin cám ơn hội Hagar đã đem lại cho các em những mùa xuân mới.
Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến