Hôm nay,  

Rực Rỡ Những Nụ Cười

08/06/200900:00:00(Xem: 112738)

Rực Rỡ Những Nụ Cười

Tác giả: Lạc Hà
Bài số 2636-16208713- v260809

Tác giả cho biết bà tên  thật là Hà Lạc, 60 tuổi, định cư ở Mỹ từ 75, hiện cư ngụ tại Euless, TX. Nghề nghiệp: nhà giáo sắp về hưu. Bai viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là nhật ký của bà ngoại viết cho cháu. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, kể lại một buổi đi làm thông dịch thiện nguyện cho một đồng hương, với những chi tiết xúc động.

***

Buổi sáng mới vào sở làm, đã có người gọi:
- Bà Hà, chúng tôi cần bà giúp chút việc
- Ok, xin cho biết chuyện gì.
- Một người Việt Nam cần thử xe lăn, gia đình không nói được tiếng Anh, bà có giúp được không"
- Được, cố gắng lấy hẹn sớm để tôi khỏi thâm vào giờ của trường nhé. Càng sớm càng tốt.
- 8 giờ sáng ngày 20 tháng 2. Họ mở cửa 8 giờ. Không thể lấy sớm hơn được.
- Thôi cũng được. Ok, 8 giờ.
Texas Rehabilatation Commission trả tiền cho hãng tư nhân HEB Home Care để cung cấp xe lăn cho anh CDV, một thanh niên VN 33 tuổi bị Polio lúc sơ sanh. Tôi đến sớm, trước khi gia đình anh CDV đến, đi quanh quẩn trong gian hàng trưng bày những dụng cụ trợ y. Không hiểu sao, tôi đưa mắt tìm kiếm những "Toilet Chairs" trước nhất rồi vội vã đi lần về phía góc phòng, nơi trưng bày những chiếc ghế toilet đó. Tôi sờ mó những chiếc ghế mới toanh, "còn sạch sẽ" và chợt thấy mắt cay cay. Hình ảnh ba tôi, hai tay vin chặt vào hai cánh tay của anh em chúng tôi đang đỡ nhẹ vào 2 bên nách của người, từ từ, sẽ sàng đặt người xuống trên cái padded toilet seat (ghế ngồi toilet có nệm). Khi vừa chạm vào chỗ ngồi, ba tôi cười rất tươi: "Chà, êm quá!"
Tôi đã mua cái toilet chair gởi về Việt Nam năm 1990 khi fax từ nhà gởi sang: "Mạ bị rối loạn bao tử." Cùng với cái ghế toilet, tôi mua toilet papers, bed liners đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra cho mẹ. Tôi đã quá lo xa, vì chỉ vài ngày sau fax bên nhà gởi sang báo tin mẹ tôi đã khỏe lại trước khi nhận cái toilet chair.
Bẵng đi một thời gian thật dài, may mắn thay sức khỏe ba mẹ tôi rất tốt, nên cái toilet chair được bỏ vào thùng cất kỹ. Tháng 4, 1999 ba tôi trở bệnh. Khi nhận được điện thoại bên nhà báo tin, tôi nghĩ ngay đến cái toilet chair. Trí tưởng tượng của tôi lại bắt đầu làm việc. Với thân thể gầy ốm, chắc bàn tọa của ba đau lắm khi phải ngồi hàng giờ trên cái toilet chair mới có thể "faire le besoin" được vì ba tôi bị táo bón kinh niên, một phần có lẽ vì sợ phải ngồi lâu trên ghế gỗ cứng.
Ngày 18 tháng 5 năm 1999 tôi bay về Việt Nam. Vật dụng đầu tiên tôi mang về cho ba là cái toilet seat có nệm mouse êm ái, và lỉnh kỉnh nào sữa bột Ensure cùng nhiều vật dụng trợ y khác cũng với hy vọng mang về nhưng ba đã không dùng tới. Vừa chạy lên phòng ba, tôi ngồi thử lên cái toilet chair đặt cạnh giường của ba và eo ơi, tôi rên khẽ "đau quá". Tôi vội vã phụ với anh cả tôi lấy dây vải buộc ngay cái seat nệm mousse vào trên cái seat cũ rồi hai anh em vội vàng đỡ ba tôi ngồi thử vào cái ghế. Ba tôi nhắm mắt, nhẹ nhàng đặt người ngồi xuống ghế, miệng cười thoát ra mấy tiếng thật thoải mái: "Chà, êm quá..."
Có tiếng người gọi tên tôi lẫn tiếng nói vui vẻ: "Miss Hà, here they are." Gia đình anh CDV đã đến. Đó là một thanh niên nhỏ thó. Người anh chùng xuống vì căn bệnh ngặt nghèo. Người nhà lật lưng áo anh lên nhờ tôi giải thích với chuyên viên phụ trách rằng lưng anh không bằng phẳng, một bên nhô cao, một bên lõm xuống và đó là kết quả của những lần phải vặn vẹo, xoay trở toàn thân để di chuyển hay nói đúng hơn, để bò. Họ nhờ tôi hỏi xem có thể đặt xe với loại lưng dựa đặc biệt cho anh không" Người ta cho biết tất cả các loại xe lăn đều có lưng dựa bằng phẳng mà thôi. Tôi đề nghị chuyên viên phụ trách cắt cho anh 1 miếng mousse vừa lưng xe và tôi giải thích như vậy bằng tiếng Việt cho anh và gia đình. Nghe vậy, anh vội xua tay: "Thôi khỏi cần, con lấy cái gối chêm vào sau lưng được rồi." Tôi cúi xuống nói với anh: "Không cần phải như vậy, cứ để họ giúp anh, order nệm mút cho anh."


Sau thủ tục đo người bệnh để đặt xe cho đúng kích tấc, chuyên viên cho anh C. ngồi thử một chiếc xe có sẵn trong tiệm và hỏi anh có thích không. Trên khuôn mặt cằn cỗi, quá già so với số tuổi của anh, nở một nụ cười rạng rỡ, đôi mắt long lanh. Hai tay anh không ngớt xoa xoa vào hai thành ghế. Anh nhìn khắp mọi người, đầu gật lia lịa ra chiều "thích lắm" để trả lời cho câu hỏi của chuyên viên phụ trách. Khi được hỏi phần dưới của anh, từ thắt lưng trở xuống, có cử động được không, người chị trả lời thay em: "Được chứ" rồi qua sang người em, chị nói lớn: "Mày tụt xuống bò cho họ coi đi." Anh chuyển người định lăn xuốn sàn bò. Tôi vội vàng ngăn lại: "Thôi, thôi, không cần phải làm như vậy. Đừng bắt anh ấy bò, trả lời là được rồi." Hình như vừa nhớ ra điều gì, anh chuyên viên trẻ chạy vào trong, vừa chạy vừa đưa ngón tay trỏ lên có ý nói: xin chờ một chút, một lát mang ra một món phụ tùng và hớn hở gắn vào xe, xong anh vừa ngồi vào xe vừa giải thích: "Cái này gắn vào xe như thế này này sẽ nâng chân của anh lên cho đỡ mỏi. Bà hỏi anh ấy có thích không." Tôi vừa quay lại chưa kịp hỏi đã thấy đôi mắt sáng rực của C. nhìn tôi, đầu gật rối rít. "Dạ có. Dạ thích. Bà nói với ông Mỹ giúp con, con thích lắm, thích lắm." Rồi anh lại cười rất tươi, nhìn tôi, dáng e dè, hỏi tiếp: "Bà ơi, hỏi ông Mỹ cho con cái xe lăn hồi nãy con ngồi thử cũng được, cần chi phải đặt xe mới cho tốn tiền." Tôi bật cười, cúi xuống vỗ vai anh: "Không việc gì phải làm thế, cứ để họ đặt một cái thật vừa vặn cho em. Nếu cần xe trong lúc chờ đợi, để tôi hỏi thử xem họ có cho em mượn tạm cái kia không nghe."
Trong ý nghĩ tôi chỉ muốn anh có một cái xe lăn mới và cũng được một cái để tạm dùng trong thời gian chờ đợi. Tôi quay qua anh chuyên viên trẻ lúc nãy đang trố mắt nhìn chúng tôi, ra chiều chờ đợi một câu giải thích. Tôi vào đề: "Anh C. rất vui khi được ngồi thử, vì lâu nay anh cứ phải bò lết trên sàn nhà, anh ước mong sao..." Tôi chưa nói hết lời nhưng nhìn thấy nét mặt hớn hở, với nụ cười trên môi của C. đang chăm chú hướng về chúng tôi, tôi trỏ tay bảo anh chuyên viên: "Anh nhìn kìa, từ lúc mới đến, giờ mới thấy anh C. cười, liệu anh có thể từ chối khi tôi đề nghị anh cho anh ấy mượn tạm chiếc xe cũ mà anh vừa được ngồi thử hồi nãy để dùng đỡ trong thời gian chờ chiếc mới hoàn thành không""
Lúc mới vào, C được ông anh cõng sau lưng. Mặt anh hốc hác, cằn cỗi, buồn thiu khiến tôi suýt gọi anh bằng "bác". Sau này xem giấy tờ mới biết anh cùng tuổi với con trai lớn của tôi. Tôi dấu tiếng thở dài, thương cho thân phận hẩm hiu của anh. Khi mới vào trông anh rầu rĩ như người mất hồn. Thế mà chỉ sau mấy phút được ngồi thử trên chiếc xe lăn, khi biết được trong vài tuần lễ nữa anh sẽ có một chiếc như thế, anh linh hoạt hẳn ra, và cười luôn miệng, mắt lóng lánh niềm vui. Anh chuyên viên không trả lời mà đi thẳng đến chỗ để chiếc xe lăn đẩy tới trước mặt anh C, xong anh khom người bồng xốc anh C. đặt vào chiếc xe lăn, bắt tay anh C. rồi quay sang phía tôi: "Plese tell him we're more than happy to keep that smile on his face. We'll pick up this one when we deliver the new one." (Nhờ bà nói với anh C. chúng tôi muốn anh giữ mãi nụ cười trên môi. Chúng tôi sẽ mang chiếc xe mới đến và lấy chiếc này về.)
Ôi, một cái padded toilet seat có là bao mà sao anh em chúng tôi không ai nghĩ tới sớm hơn cho cha tôi đỡ phải "sợ" khi "faire le besoin" (dịch thoát: làm vệ sinh). Một chiếc xe lăn cho người khuyết tật như anh C. cũng không có gì khó trên đất nước đầy tình người này mà không hiểu anh C. phải đợi trong bao lâu mới có.
Tôi tiếp tục đến sở làm, lòng thật thoải mái. Nhớ bài học luân lý ngày xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: Khi làm việc tốt hãy bỏ một hạt đậu trắng trong hủ, và bỏ một hạt đậu đen khi làm việc ngược lại. Tối nay về nhà, hủ đậu trắng của tôi sẽ đầy thêm một hạt.

Lạc Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,337,465
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến