Hôm nay,  

Mưa Thu Ngày Cũ

30/03/200900:00:00(Xem: 161152)

Mưa Thu Ngày Cũ

Tác giả: Thanh Huyền
Bài số 2573-16208650- vb832909

Tác giả hiệnm là cư dân tiểu bang Georgia; công việc: kỹ sư điện tử của US Air Force, đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên cho tạp chí Rạng Đông, Atlanta. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là một chuyện tình.

***
Bây giờ đang là mùa thu và ngoài trời cũng đang mưa. Những giọt mưa tiếp tục kéo nhau rơi giữa một bầu trời ảm đạm xám ngoét, Uyên ngồi lặng người hàng giờ trước chiếc máy computer, nước mắt chảy dài trên má. Uyên không biết tính như thế nào, email nói gì với Cường bây giờ, làm sao báo cho Cường biết là ngày mai Uyên theo chồng, rời xa vùng trời đầy kỷ niệm này với Cường, rời xa mùa thu và những cơn mưa, như bài thơ hôm trước Uyên đã tặng Cường:

"Ngày mai em theo chồng về xứ khác,
Anh có buồn có lưu luyến em không"
Em tiễn em bằng những giòng nước mắt,
Trong tiếng nổ vang của xác pháo hồng.

Không biết Cường có hiểu những lời Uyên nhắn nhủ qua những câu thơ này không. Uyên đã đau khổ tận cùng với những vần thơ rút ra từ đáy lòng của nàng. Uyên không dám cho Cường biết là vì giận Cường nên Uyên đi lấy chồng. Uyên dùng thơ để nói lên những ý nghĩ của Uyên, thế mà Cường cứ tỉnh bơ, khen rối rít:
- Thơ Uyên  làm hay quá, lúc nào cũng buồn, làm anh cũng buồn theo.
Uyên đã hỏi Cường:
- Mai mốt Uyên đi lấy chồng, Cường làm sao"
- Thì Cường sẽ chúc Uyên hạnh phúc.
Trời đã về khuya nhưng mưa vẫn còn cứ rơi nặng hạt. Mưa mãi từ chiều đến giờ, những giọt mưa thu rơi rơi sao nghe buồn quá. Lòng Uyên tràn ngập kỷ niệm êm đềm của những tháng ngày ban đầu mới quen Cường, những tháng ngày có mưa thu.
Cứ vào mùa thu, ở Georgia nơi Uyên ở, những cánh rừng bạt ngàn khoe cây lá mùa thu đủ màu sắc. Cảnh mùa thu đẹp như trong phim mà ngày xưa lúc còn ở VN Uyên hay xem và hằng ao ước được qua Mỹ để ngắm cảnh thu thật sự. Mùa thu ở Georgia tuy không đẹp bằng ở North Carolina là nơi nổi tiếng có mùa thu đẹp nhất nước Mỹ, nhưng cảnh thu ở đây cũng đẹp vô cùng. Những chiếc lá đủ màu sắc nằm xen lẩn nhau, xanh, đỏ, tím, vàng, nâu ... từ màu nhạt đến màu đậm. Có lẽ cảnh mùa thu "con nai vàng ngơ ngác" của thi sĩ Lưu Trọng Lư cũng chỉ đẹp như thế này thôi.
Mỗi khi đến mùa thu, Uyên thường hay vác bị trong đó có potato chips, bánh mì, nước uống, kẹo bánh và vài cuốn sách, ít nhất là một tập thơ, rồi Uyên lội bộ vào Lakewood Park ở gần nhà. Uyên tìm một góc vườn nhìn ra bờ hồ, vừa đọc sách, vừa ngắm cảnh rừng thu cùng với đàn ngỗng bơi lội tung tăng.
Uyên hay dõi mắt nhìn theo những sinh hoạt của đàn ngỗng. Có lần một con ngỗng mẹ nằm ấp trứng, nó cứ nằm trên những cái trứng mãi, chỉ rời ra khi phải ăn hay uống thôi. Ngày nào cũng có một chàng ngỗng đực có lẽ là ngỗng cha cứ đi chung quanh canh gác và tha thức ăn về cho nàng ngỗng mẹ. Có người nào hay có con thú nào lại gần nơi cô nàng ngỗng ấp trứng là anh chàng ngỗng vừa la quang quác vừa cắn vừa rượt đuổi. Uyên tự hỏi không hiểu anh chàng ngỗng làm sao biết được rằng những cái trứng con ngỗng mẹ ấp là con của nó nhỉ" Hai anh chị ngỗng cứ đi quanh quẩn gần nơi ấp trứng cho nên phải thường xuyên nhịn đói vì không có cái gì để ăn. Thấy tội nghiệp chúng quá, Uyên lấy mấy miếng bánh mì đem theo lại gần bẻ nhỏ ra cho chúng. Vừa thấy bóng của Uyên, ngỗng mẹ đứng lên quạt cánh và hét thật to, ngỗng cha đưa cái cổ dài ra rượt Uyên chạy mệt muốn chết. Đứng đàng xa nhìn lại, Uyên thấy chúng cứ mỗi lần ngậm miếng bánh mì vào mỏ là lại lắc đầu quăng ra ngoài. Uyên nổi nóng, đã đói mà có thức ăn lại chê, thật thấy ghét. Về nhà, Uyên nghĩ lại thì ra miếng bánh mì khô quá, tụi ngỗng nuốt không nổi.
Hôm sau, Uyên cho chúng bánh mì đã nhúng nước. Uyên không lại quá gần mà cứ đứng ở xa xa thảy bánh tới chỗ nàng ngỗng mẹ đang nằm ấp trứng. Tội nghiệp anh ngỗng cha, tha được miếng bánh nào là vội chạy đưa cho chị ngỗng mẹ. Dần dần có lẽ thấy Uyên vô hại và thương yêu chúng nên Uyên cũng làm quen được với anh chị ngỗng. Anh ngỗng đực đã đứng yên cho Uyên vuốt cổ.
Anh chàng bảo vệ của cái park này thấy Uyên quen với cặp ngỗng bảo Uyên:
- My boss said the geese will be moved to somewhere else very soon..
Nghĩ tới việc cặp ngỗng sẽ bị dời đi nơi khác, có thể Uyên không gặp chúng nữa, làm Uyên lo buồn mất mấy ngày. Uyên phải lên office của park và viết thỉnh cầu khoan dời cặp ngỗng, đợi chúng ấp cho xong. Từ đó, chiều nào dù bận Uyên cũng tạt ngang qua park thăm vợ chồng ngỗng và cho chúng vài miếng bánh mì nhúng nước. Uyên rất mong cho mau đến ngày thấy hai vợ chồng ngỗng đi cùng với một đám ngỗng con. Chắc là cha mẹ ngỗng sẽ đi đàng trước, còn đàn ngỗng con sẽ líu ríu bước theo sau.
Cho đến một hôm Uyên vào park, lại chỗ cũ thăm hai con ngỗng với mấy miếng bánh mì trên tay thì không thấy chúng đâu. Uyên đi tìm chung quanh nhưng bóng gia đình ngỗng vẫn biệt tăm. Lo là chúng đã bị dời đi hay là có chuyện gì xảy đến với chúng chăng, Uyên vội chạy lại hỏi anh bảo vệ:
- Did anything happen to the geese" Did you move them somewhere"
Anh bảo vệ lắc đầu:
-Nobody moved them yet. Maybe they moved themselves into the lake. 
Uyên nhìn ra hồ, ở phía xa có một đàn ngỗng khoảng trên chục con ngỗng già cùng với vài chú ngỗng con. Con ngỗng nào trông cũng giống nhau, Uyên không phân biệt nổi con nào là con nào. Trong đám chúng, con nào là con ngỗng mẹ đã nằm ấp trứng và con nào là con ngỗng cha đã thường cho Uyên vuốt đầu đây" Sao chúng ra đi mà không chịu nói cho Uyên biết, không một lời từ giã, mà cũng không thèm dắt đám ngỗng con đến trình diện với Uyên" Vậy đó, tụi ngỗng ra đi mà Uyên buồn cả mấy tháng trời.
Chỉ xa đàn ngỗng mà Uyên đã buồn như vậy. Bây giờ sắp xa Cường, làm sao Uyên chịu nổi đây" Đã bao nhiêu đêm rồi Uyên thức trắng, cõi lòng Uyên giờ đây tan nát. Trái tim của Uyên cứ như bị ai xé nát ra từng mảnh, từng mảnh... Chia tay Cường, Uyên đi lấy chồng, biết bao giờ sẽ được gặp lại Cường" Có bao giờ Cường biết được là cho dù vật đổi sao dời, cho dù trái đất này có nổ tung, thì người mà Uyên yêu thương nhất trong đời chỉ có mình Cường của Uyên thôi không"
Uyên quen Cường qua một forum trong internet. Những tháng ngày buồn chán lúc tốt nghiệp đại học xong và chờ đợi đi làm khiến Uyên lục lọi trên net cho qua thời gian. Đọc những bài tranh cãi của Cường, Uyên thấy vui vui, rồi Uyên cũng nhảy vào cãi lộn tưng bừng. Thắng, Uyên cũng cãi mà thua Uyên cũng cãi. Thắng thì không nói làm gì, còn lỡ có thua thì Uyên cũng cãi tiếp. Càng thua thì càng cãi, Uyên cãi cho đến khi nào Cường chịu đầu hàng mới thôi. Lần nào tranh cãi, Cường rất quyết liệt lúc đầu, nhưng sau đó thì Cường chịu thua Uyên. Cái thông minh dí dỏm của Cường đã làm Uyên cảm mến và rồi Uyên yêu Cường lúc nào không hay. Cùng với những cơn mưa thu, một tình cảm ấm áp đã len vào trái tim yếu đuối của Uyên. Từ nhỏ đến nay, Uyên chỉ sống với ba mẹ, đi học, chưa một lần biết thương ai.
Sau vài lần tranh cãi trên forum, Cường và Uyên email cho nhau mỗi ngày. Ngày mai Uyên đi lấy chồng mà cũng chưa bao giờ Uyên gặp Cường ở ngoài đời. Mối tình internet ảo mà sao lại làm cho Uyên yêu điên cuồng, yêu như chưa bao giờ yêu. Uyên yêu Cường qua những bức email, thật sự Uyên không biết tay chân mặt mũi của Cường trắng đen đẹp xấu ra sao" Cường mập hay ốm, cao hay lùn Uyên cũng không biết.
Trong một bức thư, Uyên đã viết cho Cường: "Em yêu anh với một tình yêu không đắn đo, không suy tính. Anh như thế nào em cũng yêu hết. Dù rằng anh xấu trai hay tật nguyền gì em cũng yêu anh. Trừ một việc em không thể chấp nhận được là em không muốn tình cảm của anh dành cho em lại phải san sẻ cho một người con gái khác."
Ngày nào Uyên cũng có một bức email của Cường vậy mà ngày nào Uyên cũng trông ngóng tin Cường. Thư Cường chậm một chút là Uyên trông đứng trông ngồi, lo lắng không yên. Cường hay kể chuyện vui cho Uyên nghe:
- Anh nhớ hồi anh đi học ESL , có lần khi cô giáo hỏi "How are you"", rồi cô chỉ từng người trong lớp để trả lời. Có một anh trả lời:"I am fine", Đến người bên cạnh anh, anh ta trả lời:"I am sick", Rồi đến phiên anh:" I am seven". Cả lớp cười ồ lên. Làm anh mắc cỡ muốn độn thổ luôn vậy đó. Hóa ra là anh nghe nhầm: I am fine, anh tưởng là I am five, còn I am sick, anh tưởng là I am six, vậy đến phiên anh thì anh trả lời I am seven là đúng rồi.
Không hiểu sao ngay bức thư đầu tiên, Uyên đã nói thật cho Cường biết tên của nàng. Sau một ngày dài làm việc mệt nhọc, về đến nhà, niềm vui của Uyên là đọc và viết thư cho Cường, kể lể những chuyện vui buồn:
- Thằng boss của Uyên hôm nay bắt nạt Uyên, bao nhiêu người đi làm trễ nó không nói gì, Uyên đi làm trễ là nó kêu Uyên lên phòng nó, nó la cho một Uyên một chập, làm Uyên muốn khóc quá.
Ngày hôm sau  Cường hồi âm với những lời khuyên nhủ:
-Nếu boss mình cà chớn quá thì tìm nơi khác làm chẳng có gì là phải sợ hay ngán.
Chỉ với những lời an ủi đó của Cường đã làm Uyên lên tinh thần rất nhiều. Uyên biết được rằng Uyên có Cường lúc nào cũng thương yêu và lo lắng cho Uyên.
Uyên kể cho Cường nghe chuyện đi học hồi nhỏ, cô giáo bắt Uyên đặt câu với chữ: "Mỗi... một..." Uyên đã ghi ra câu: "Mỗi ngày mẹ em cho em một đồng". Sau đó, đọc lại, Uyên thấy một đồng ít quá, mẹ cho mỗi ngày chỉ có một đồng, thế nào bạn bè cũng cười Uyên. Thế là Uyên sửa lại: "Mỗi ngày mẹ em cho em năm đồng". Sau đó cô giáo gạch đỏ tập của Uyên và cho Uyên ăn 2 cái trứng vịt to tướng, làm Uyên khóc suốt ngày.
Cường kể cho Uyên nghe những tháng ngày vất vả khi Cường mới qua Mỹ:
-Anh kiếm được công việc rửa chén bát ở nhà hàng gần chỗ anh ở.  Ngày đầu tiên nhận việc vào làm là anh đã thấy ớn. Chủ nhà hàng bần quá.  Anh vô 4 giờ chiều mà chồng chén từ buổi trưa ăn đã chất cao như núi. Và với chén bát lai rai của khách đến khách đi buổi chiều, anh thanh toán xong chồng chén bát là đã 7 giờ tối.  Anh muốn làm lẹ để nghỉ ngơi đôi chút thì thằng chủ lại kêu đi lau nhà chùi sàn.  Làm xong, nó thấy anh làm lẹ nó lại kêu anh đi thái rau phụ bếp. Tình trạng làm việc ở nhà hàng lương trả rẻ mà làm hộc xì dầu luôn.
Cứ như thế, Cường và Uyên tâm sự với nhau mỗi ngày. Dần dần Uyên để ý thấy những ngày cuối tuần Cường thường biên thư rất ngắn, hoặc Cường không biên thư được. Cường cho Uyên biết là Cường có long weekend. Những ngày trong tuần thư Cường dài và đậm đà, đầy những yêu thương chất chứa trong đó. Có lần trong ngày chủ nhật, Uyên nhận một email của Cường gửi cho Uyên chỉ với mấy chữ: "Hôm nay anh...." rồi thôi, không có những lời chúc cũng như không có chữ ký của Cường dưới bức thư như thường lệ. Bức thư này làm Uyên lo lắng, không biết có việc gì xảy đến với Cường mà bức thư thật kỳ lạ. Uyên email lại nhiều lần hỏi thăm Cường mà bóng Cường vẫn bặt tăm, cả ngày chủ nhật đó Cường không trả lời cho Uyên. Đến thứ hai Cường mới email cho Uyên biết là hôm chủ nhật computer của Cường hư.
Từ ngày quen nhau, Cường chỉ gọi điện thoại cho Uyên có một lần thôi. Sau đó Cường lại không cho Uyên gọi đến Cường mà Cường cũng chẳng buồn gọi cho Uyên lần nào nữa. Những gì Uyên biết và hiểu về Cường thật quá ít ỏi. Uyên chỉ biết một điều là hôm nào vắng thư Cường là Uyên buồn vô cùng.
Cho đến một ngày một ý nghĩ chợt đến với Uyên: "Hay là Cường có vợ"" Uyên dằn vặt với ý nghĩ này đến độ gầy rạc cả người. Có lúc Uyên muốn hỏi thẳng Cường, có lúc thì Uyên lại cứ muốn mặc kệ, không cần tìm hiểu làm gì. Uyên sợ sự thật là Cường đang sống với vợ thì chắc Uyên thất tình quá.
Ý nghĩ này đã làm Uyên trằn trọc đau khổ, cuối cùng Uyên cũng hỏi Cường cho biết rõ ràng. Sau khi Cường thú thật với Uyên là Cường đang sống với vợ và hai con, Uyên không thấy đời có gì đáng sống nữa.


Mặc dù Cường ở một nơi rất xa nơi Uyên ở và chưa chắc có ngày hai đứa sẽ gặp nhau, nhưng sao Uyên vẫn nghe thất vọng não nề. Trái tim Uyên buốt nhức vỡ vụn ra rồi. Uyên đã nghỉ làm cả tuần lễ, chỉ nằm vùi và khóc một mình.  Tâm hồn Uyên trôi theo những vần thơ:
"Em yêu anh tình yêu thời mới lớn,
Nên vội vàng hoang phí cả con tim.
Không so đo nên tình không toan tính,
Nên nát lòng: anh không của riêng em.
Ai nói rằng không gian ảo của internet không làm cho người ta buồn" Con người ảo của thế giới internet cũng ngập tràn tình cảm như người thật ngoài đời vậy thôi. Uyên lặng câm chịu đau khổ một mình. Trách Cường ư" Làm sao Uyên trách Cường cho được" Từ khi yêu Cường, Uyên chưa hề đòi hỏi ở Cường điều gì hết. Và từ đây về sau, Uyên cũng sẽ không bao giờ làm cho Cường phải bận lòng vì nàng. Uyên lúc nào cũng mong Cường luôn vui vẻ và hạnh phúc. Cường ơi, thà rằng Uyên đau khổ rời xa Cường để cho Cường có một mái nhà êm ấm.

*
Sau mấy tháng trời trái tim Uyên rạn nứt, Uyên đã nhận lời kết hôn với Jason. Hắn là bạn của anh Quân, anh của Uyên. Mấy năm nay, Jason săn đón Uyên nhưng Uyên không mảy may để ý đến. Lúc đó Uyên không yêu Jason và cũng không yêu ai hết. Giờ thì  tận đáy lòng, Uyên chỉ yêu có mỗi mình Cường. Nỗi tuyệt vọng làm Uyên cảm thấy muốn buông trôi tất cả tuy mỗi ngày Uyên vẫn cố gắng bình tĩnh email với Cường, coi như không có chuyện gì xảy ra cả. Uyên muốn trốn chạy, trốn chạy nỗi đau khổ mà Uyên đã nặng mang.
Anh Quân bảo Uyên:
-Jason nói với anh là nó sẽ đưa ba mẹ nó đến nói chuyện với ba mẹ mình nếu em đồng ý và sẽ tiến hành đám cưới ngay. Gia đình Jason là gia đình rất đàng hoàng. Anh biết gia đình nó lâu rồi. Hơn nữa Jason là luật sư, ba nó lại có firm ở San Jose , đám cưới xong, em qua San Jose  sống với nó thay đổi không khí cũng tốt cho em. Em quên cái anh chàng Cường gì đó đi.
Uyên không biết trả lời anh Quân ra sao, chỉ ôm mặt khóc. Quyên thầm nghĩ, quên sao được mà quên. Nếu dễ quên như vậy thì đâu phải là yêu, thì trên đời này đâu có còn ai thất tình nữa. Ước gì Uyên quên được Cường nhỉ, để lòng không thấy đau và trái tim không còn thấy nhức buốt nữa. Anh Quân nhìn Uyên lắc đầu thương cảm:
-Thật tội nghiệp em tôi!
Mẹ cũng thủ thỉ:
-Con à, mẹ không có ép con, mẹ thấy Jason tuy không phải là người Việt mình nhưng dù sao nó cũng thương con và cũng cưới hỏi tử tế. Mẹ cũng mong con có nơi nương tựa tốt đẹp sau này.
Uyên nhớ lại ngày đám cưới Uyên, giữa đông người ở nhà thờ cũng như trong buổi tiệc, bạn bè Jason, bạn bè anh Quân nhảy đầm, sao tim Uyên như lạnh giá. Uyên chỉ đứng lặng lẽ ở góc phòng, nhìn mọi người bằng cặp mắt vô hồn, trái tim Uyên chỉ réo gọi tên Cường ơi Cường hỡi. Ba Uyên không vui, ba nói với Uyên:
-Bộ người Việt của mình chết hết hay sao mà con lại ưng cái thằng Mỹ này vậy hả" Ba biết con lớn lên ở môi trường của Mỹ, con cũng ảnh hưởng nền giáo dục và văn hóa của người Mỹ, nhưng dù sao thì người Việt mình không hợp với Mỹ đâu con. Ba chỉ sợ con sẽ đau khổ sau này.
Lúc đó Uyên đã trả lời ba:
-Con đã suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đám cưới này của con. Mai sau này sướng con nhờ khổ con chịu, ba đừng lo cho con.
Trước ngày đám cưới, Uyên đau khổ không muốn ăn uống gì. Nhỏ Quỳnh, bạn thân của Quyên cứ theo bên cạnh Uyên an ủi:
-Uyên nè, tao thấy Jason đẹp trai, luật sư mà lại thương mầy nữa, mầy còn đòi hỏi cái gì nữa bây giờ" Còn anh Cường của mầy, chỉ nói chuyện điện thoại với mầy có một lần thôi. Mầy còn chưa biết mặt mũi thằng chả ra sao. Hai đứa mầy không có kết quả đâu. Mầy có nhớ mầy làm câu thơ này hông:
"Ngàn năm đến ngàn ngàn năm nữa,
Em vẫn mộng hoài một giấc mơ"
Tình yêu của mầy và anh Cường chỉ là mộng, mầy còn hy vọng gì nữa chứ""
-Tao biết hết đó Quỳnh, nhưng tao không có hy vọng là sẽ cùng chung sống với anh Cường đâu. Tao chỉ nhận mỗi ngày một bức email của anh Cường gửi cho tao là quá đủ rồi. Biết tin anh Cường bình an ,hạnh phúc và anh Cường có nghĩ đến tao. Tao cũng không hiểu sao tao lại nhận lời đám cưới với Jason. Chắc tao sẽ không bao giờ hạnh phúc đâu. Tao biết tao sẽ nhớ anh Cường suốt cuộc đời.
Buổi chiều hôm đó, trời cũng mưa như ngày hôm nay. Cơn mưa thu đã xua đi cái nóng của mùa hè, nhưng bầu trời thì lại vô cùng ảm đạm. Uyên ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ, Những cơn gió mạnh đã đưa những dòng nước mưa đập vào cửa sổ lộp độp. Cành cây ngoài vườn ngả nghiêng theo cơn gió. Thông thường ở những buổi chiều không mưa, từng đàn chim bay về tổ theo hình chữ V, tiếng chim gọi bầy kêu ầm cả không trung. Mỗi chiều mưa thế này Uyên cứ lo lo, không biết mấy con chim làm sao về tổ được. Rồi thì bầy chim sẽ trú ngụ nơi đâu trong buổi chiều mưa gió này" Uyên bỗng thấy chạnh lòng rồi khóc nức nở. "Đời mình mai biết về đâu"" . Cường ơi, Cường có biết là Uyên đau khổ lắm không" Đâm ra Uyên bỗng giận cái internet. Nếu không có internet thì Uyên đâu có quen Cường. Ngày đầu tiên Uyên quen Cường, cũng một buổi chiều thu mưa. Bây giờ Uyên xa Cường cũng lại một buổi chiều mưa. Uyên vẫn không biết email nói thế nào với Cường, thôi thì hãy lẳng lặng ra đi, nói gì thì cũng là giã từ thôi.
Ngày mai em đi, trái tim rướm máu,
Tình muộn màng nên tình phủ khói sương.
Ngày mai chắc không ai buồn ai nhớ,
Có người vừa đánh mất một tình thương."

*
Uyên leo lên máy bay đi San Jose một mình. Jason vì phải chuẩn bị cho việc làm của anh ta ở firm cho nên đã qua trước mấy ngày. Có cô dâu nào đi về nhà chồng như Uyên không, một mình lặng lẽ, không kiệu hoa, không người đưa đón" Máy bay vừa đáp xuống phi trường Mineta San Jose Airport (SJC), Uyên đã gọi điện thoại cho Jason đến đón. Điện thoại cầm tay của Jason reo mãi chỉ vẫn là voice mail. Uyên gọi lại văn phòng của Jason thì cô thư ký trả lời là Jason đang họp. Uyên bỗng nghe lòng muốn khóc. Đã biết trước là Uyên sẽ đến vào ngày hôm nay mà nỡ lòng nào bỏ Uyên một mình. Phi trường San Jose cũng giống như phi trường Atlanta nơi Uyên ở. Cũng những cái băng chạy vòng quanh chở trên đó là những hành lý của hành khách. Sau mấy chục năm sống ở nước Mỹ, Uyên thấy thành phố nào của Mỹ cũng giống giống nhau. Trừ những nơi đặc biệt nổi tiếng, nơi nào cũng có McDonald, KFC, Burger King... Uyên lấy hành lý của nàng xong, ra ghế ngồi chờ mà cũng không thấy Jason đâu. Uyên lại không dám gọi điện thoại vì không muốn làm phiền Jason đang họp. Nghe tiếng chuông điện thoại reo, Uyên mừng quá, nhưng Jason bảo Uyên hãy đi taxi về nhà, Jason không thể ra đón Uyên được. Uyên bật khóc nức nở. Lần đầu tiên Uyên đến San Jose, tại sao Jason lại không đón Uyên chứ. May mà khi vừa bước ra khỏi phi cơ, Uyên đã điện thoại cho mẹ báo tin nàng đã đến nơi. Nếu để bây giờ mới gọi, nghe tiếng Uyên khóc, chắc mẹ buồn lắm.
Ngôi nhà Jason và Uyên đang ở hiện nay do anh cả của Uyên cho tiền để Uyên trả tiền down. Bước chân vào căn nhà rộng rãi nhưng Uyên thấy trống vắng vô cùng. Trên bàn phòng khách Uyên thấy một bó hoa hồng với một tấm thiệp của Jason: "Chào đón Uyên của anh với tất cả tình yêu". Nhưng sao mà Uyên lại nghe nhớ Cường, nhớ Cường, nhớ Cường quay quắt.
 Sau một vài tuần lễ sống với Jason, Uyên thấy một nỗi cô đơn nghiến nát trái tim nàng. Jason tỏ ra khó chịu khi thấy Uyên nói chuyện với mẹ nàng qua điện thoại bằng tiếng Việt. Jason nói thẳng với nàng:
-Làm ơn nói bằng tiếng Anh được không" Tôi cứ tưởng là cô đang nói xấu tôi với mẹ cô.
Uyên đọc sách tiếng Việt hay nghe nhạc Việt, Jason cũng không đồng ý:
-No Vietnamese in my house!
Uyên cũng không được nấu thức ăn Việt Nam ở nhà. Jason cũng ít khi ăn cơm chung với Uyên. Uyên làm giờ hành chánh, về nhà sớm, Jason thì họp hành liên miên, lại hay làm trễ, nên tuy ở chung nhà mà Uyên và Jason ít khi có dịp trò chuyện với nhau. Nhiều bữa Uyên chỉ ăn cơm chan canh bằng nước mắt. Uyên nhớ những bữa cơm gia đình cùng ba mẹ và anh chị. Nhớ tiếng cười đùa, tiếng la mắng của mẹ, hay là những lúc anh chị giành thức ăn với Uyên. Bây giờ họa hoằn lắm Jason mới ngồi ăn chung với Uyên. Nhưng vừa ăn, Jason vừa đọc báo hay là coi TV, chả buồn nói chuyện với Uyên. Thức ăn Mỹ, Uyên nuốt mãi không vô. Uyên nhớ cứ chủ nhật là mẹ Uyên không bày món này cũng nấu món kia. Anh chị Uyên đem theo các cháu về, mấy ông H.O bạn của ba cũng đến chơi cờ tướng, uống bia. Lúc mẹ Uyên đổ bánh cuốn, Uyên hay tranh với mấy đứa cháu lấy bánh cuốn trước. Mẹ cứ ngồi lấy bánh cuốn cho tụi Uyên mà cũng chẳng ai để ý là mẹ chưa ăn được cái nào. Những chuyện này đối với Uyên tưởng chừng như xa xôi lắm rồi.
Mỗi lần muốn nói chuyện với mẹ, Uyên phải lựa lúc Jason không có nhà, hay Uyên phải ra ngoài vườn cho Jason đừng nghe thấy. Uyên buồn lắm, Uyên muốn sà lòng mẹ như ngày xưa để nói với mẹ là con khổ lắm mẹ ơi, con đã có quyết định sai lầm khi nhận lời kết hôn với Jason. Nhưng Uyên cố nuốt nỗi đau vào bụng, cố tỏ ra cho mẹ hiểu là Uyên đang hạnh phúc.
Chiều nay, Jason gọi điện về nhà bảo Uyên nấu món bò Beefsteak để Jason mời khách về nhà. Thỉnh thoảng Jason vẫn hay đưa một vài người bạn về nhà và bảo Uyên nấu đãi. Jason không cần biết là Uyên đi làm về rất mệt, cũng không cần biết là Uyên có đồng ý đón khách của Jason hay không. Đó được hiểu ngầm như là lệnh mà Uyên phải nghe theo.
Uyên phải chạy ra chợ mua thịt và nhất là chai rượu vang mà Jason rất thích. Lần nào cũng vậy, Uyên chỉ có quyền nấu mà không có quyền tiếp khách của Jason. Hôm nay, Jason lại đưa một cô bạn luật sư làm chung với Jason về:
-Uyên, đây là luật sư Lisa, làm chung chỗ với anh.
Nhìn Lisa cười liếc mắt với Jason, mà Uyên nghe lạnh ngắt cả tay chân. Cái nhạy cảm của một người phụ nữ cho Uyên biết quan hệ giữa hai người không bình thường chút nào. Bắt tay Lisa, Uyên thấy nàng như hụt hẫng. Uyên hỏi Jason:
-Em đem thức ăn ra được chứ"
Jason gắt gỏng:
-Còn phải hỏi" Em cho cái gì uống trước đi rồi dọn thức ăn sau. Cái gì cũng hỏi là sao"Cô muốn tôi đưa bạn về nhà ăn hay cô muốn chúng tôi đi ăn ở ngoài" Thật là bực mình.
Quay qua Lisa, Jason nói rất ngọt ngào:
- Lisa mệt không" Lisa đưa áo khoác đây cho anh. Lisa uống nước cam nhé"
Ở dưới bếp, Uyên vẫn nghe được tiếng trò chuyện vui vẻ của Jason và Lisa. Jason chưa bao giờ có những phút giây thoải mái với nàng như vậy. Khi dọn thức ăn xong, Uyên kéo ghế định ngồi cạnh Jason thì Jason đã bảo nàng:
-Em đi nghỉ đi, để anh với Lisa có chuyện làm ăn cần phải bàn.
Uyên vào phòng ngồi lặng người trước máy computer, và khóc một mình. Hồi trước , khi đi lấy chồng, Uyên không dám email cho Cường biết. Hôm nay đau khổ, làm sao Uyên dám email cho Cường hay" Bên ngoài vẫn vang lên tiếng cười nói của Jason và Lisa, đâu có câu nào là bàn chuyện làm ăn. Trời San Jose nắng nhiều hơn mưa. Những cơn mưa thật hiếm hoi. Không như Georgia, trời mưa quanh năm. Nhất là những cơn mưa mùa thu, trời không lạnh lắm, những cơn mưa ào ào, tiếng mưa rơi lộp độp vào cửa sổ, vào mái nhà, nghe như một bản nhạc đang hoà tấu đủ điệu. Xa Cường, xa Georgia, xa luôn nhưng cơn mưa thu và có lẽ đã xa luôn con người thật sự của Uyên ngày xưa. Không lẽ cuộc đời của Uyên là như thế này mãi sao" Sáu tháng rồi, sáu tháng trời, Uyên không liên lạc với Cường. Không biết Cường có nhớ Uyên không" Yêu Cường thì Cường không còn độc thân. Đám cưới với Jason thì cuộc sống không thích hợp. Ôi, còn đâu những lời ngọt ngào của Cường đã làm cho trái tim Uyên rung động. Còn đâu những phút giây hồi hộp khi nhận thư Cường. Bây giờ Uyên làm sao, làm sao" Cường ơi, Cường ơi....
Thanh Huyền
Gone With Whe Wind
THANH HUYỀN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến