Cho Buổi Thu Về Muộn
Tác giả: Trần Lệ Khanh
Bài số 2551-16208628- vb730709
Tác giả là cư dân Toronto nhưng bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô kể chuyện những năm đầu định cư tại Mỹ, của một gia đình đoàn tụ theo diện bảo lãnh. Bài viết thứ hai của Trần Lệ Khanh là một truyện tình Mỹ Việt muộn màng. Mong cô tiếp tục viết.
***
Chị Quỳnh làm chung hãng với cô em tôi, thỉnh thoảng chị đến nhà chúng tôi mỗi khi có tổ chức tiệc tùng và vui hát karaoke với nhau. Nhờ đó, tôi mới biết về hoàn cảnh của chị.
Nếu kể về tuổi tác, chị Quỳnh hơn tôi khá nhiều, nhưng hình như khi con người đã qua tuổi 40, thứ bậc về tuổi tác không còn kể đến nữa thì phải. Dù đã ngoài năm mươi, trông chị Quỳnh vẫn trẻ hơn số tuổi, có lẽ do vóc dáng thon gọn và sự nhanh nhẩu hoạt bát của chị đã khiến nhiều người khó đoán đúng tuổi của chị. Lần đầu gặp chị Quỳnh, tôi còn tưởng chị ấy bằng hoặc kém tuổi tôi, may là cô em tôi tự nói việc bói toán, xem tuổi thì mới tôi mới biết tuổi thật của chị ấy. (Thiếu chút nữa tôi bị quê vì hấp tấp trong lối xưng hô.)
Điều kỳ lạ là chị Quỳnh đâu phải xấu, chị khá xinh đẹp nhưng sao chẳng thấy chị nói tới bồ bịch, người yêu người ghét chi cả. Chị vẫn chưa lập gia đình, vẫn mang cuộc sống độc thân nơi vùng Bắc Mỹ, nơi mùa lạnh dài gần 6 tháng và người Việt sống rãi rác.
Tìm hiểu nguyên nhân: Thì ra, lúc còn ở Việt Nam chị lo đi vượt biên, không dám nghĩ tới chuyện yêu đương, rồi sang đến đảo, chị nghĩ tới chuyện định cư, tới Mỹ thì chị lo đi làm overtime để phòng khi thất nghiệp còn có tiền xài. Bao nhiêu vấn đề của đời sống vật chất đã được chị ưu tiên giải quyết, chỉ riêng phần tình cảm là điều chị nghĩ đến sau cùng khi tuổi đã muộn màng.
Chị băn khoăn hỏi tôi "Có phải đàn ông ưa thích gái trẻ và mình thì đã già, phải không em""
Để gác ngang ý tưởng tiêu cực ấy của chị, tôi trả lời :"Không đâu. Già có theo già, trẻ có theo trẻ, chị đừng lo không có tình yêu. Ăn thua là mình có yêu hay không. Mình có niềm tin vào sự chân thành của đàn ông hay không thôi. "Nói xong, tôi lãng sang chuyện khác vì không muốn mình thành thứ thầy đời, ưa lên mặt chỉ dẫn kẻ khác trong khi mình chẳng ra chi.
Vậy mà chị vẫn còn cố níu kéo "Có lẽ tuổi chị là tuổi con cọp, ông bà mình nói người tuổi Cọp cao số lắm. Có lẽ vậy chị gặp ai, đều thấy nói chuyện không hợp. Chỉ một vài lần là chị thấy trớt quớt, chia tay cái rụp...."
Tôi ngắt ngang câu nói của chị bằng cách dúi vào tay chị cái micro và chỉ vào màn hình Tivi, ra lệnh "Hát đi. Chữ hiện màu rồi kia kìa. Bà này hay hỏi han lộn xộn quá."
Như một ca sĩ chuyên nghiệp, chị Quỳnh đứng dậy với dáng lưng rất thẳng, tay chị cầm cái micro và miệng hát theo với dòng chữ xuất hiện trước màn hình TV. Đầu chị nghiêng nghiêng về một bên, mái tóc phía trước lòa xoà che một góc trán, mắt chị mơ màng khi lột tả những cảm xúc của bài ca. Dường như trong thế giới âm thanh ấy, chị không còn nghĩ gì tới chung quanh nữa. Ai nói ai cười, mặc kệ. Chỉ còn những tiếng vọng trong tâm hồn chị. Chị đang xuất thần và cuốn tôi theo với tiếng hát của chị.
Chừng lát sau, tôi mới biết thêm, chị Quỳnh đã từng học thanh nhạc, từng trong lò đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức một thời gian. Nếu không có cuộc đổi đời tháng Tư đen 1975, chắc chị sẽ là một ca sĩ với cái tên Phương bắt đầu như Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Diễm Hạnh....chứ chẳng chơi.
Đám tụi tôi xúm nhau trêu ghẹo chị "Chà, kỳ này có Phương Thị Quỳnh. Í lộn, phải đảo chữ Thị Quỳnh thành Quỳnh Thi thì mới đúng điệu văn vẻ...Nè, nè, xin giới thiệu qúy vị bữa nay chúng ta có ca sĩ Phương Quỳnh Thi đây nghen."
Chị biết chúng tôi nói giỡn, chị không chấp nhất với đám đàn em. Được thế, chúng tôi hay xầm xì với nhau, con người tài sắc như thế mà vẫn lận đận trong tình duyên, tìm hoài không có mảnh tình rách nào vác vai. Uổng thiệt.
Tiếc nuối cho tài năng âm nhạc của chị, tôi đánh bạo hỏi cớ sao chị không theo nghề ca hát. Chị lắc đầu quầy quậy. "Ơi, hát hò cho vui vậy thôi em ơi. Làm ca sĩ ở hải ngoại không bền đâu em, cuộc sống trôi nỗi chỉ đẹp ở sân khấu, chứ có ông chồng nào chịu đựng được cảnh đứng sau cánh gà dỗ con cho vợ hát, đêm đêm chờ vợ hát xong chở vợ về nhà hở em. Chưa kể còn có những buông thả trong cuộc sống nữa. Bởi vậy chị không làm ca sĩ đâu."
Câu nói của chị nhắc cho tôi về những câu chuyện tình tan vỡ của nghệ sĩ, lòng đam mê nghệ thuật của họ luôn gặp thử thách. Không lẽ ông Trời tạo ra những thiên tài nghệ thuật thì cũng tạo ra những bất hạnh cho người nghệ sĩ nữa ư"
Tôi cười trêu "Chị Quỳnh sợ 'cao xanh quen thói má hồng đánh ghen', hỏng dám làm ca sỹ thì chị cũng phải lo bồ bịch yêu đương đi chứ."
Một thời gian sau, tôi nghe một đứa trong nhóm hát karaoke hớn hở loan tin "Bà Qùynh có chồng rồi tụi bây ơi. Bả lấy Mỹ."
"Bà này gan thiệt. Tiếng Mỹ của bả không đầy một bàn tay. Bả xài toàn là động từ 'tu-quơ' mà dám lấy chồng ngoại quốc." một đứa lên tiếng.
Đứa khác nói thêm "Bà Quỳnh không hẳn lấy chồng, mà là boyfriend girlfriend ở với nhau thôi.
Khi nghe điều ấy, tôi nửa mừng nửa lo cho chị. Tôi mừng cho chị Quỳnh đã tìm được một chỗ dựa tinh thần khi mùa thu của cuộc đời đang ngấp nghé. Nhưng nghe tới việc ông bồ Mỹ không muốn làm giấy hôn thú, tôi cũng lo lo giùm chị.
Tôi cảnh giác "Ông Charles là dân da trắng, tình yêu tình dục không biết đâu lường được với lối sống hiện sinh của Tây phương. Biết đâu ông ta lợi dụng lòng mềm yếu của chị, rôì lúc nào đó ổng chán chê, ổng bỏ chị thì sao. "
Nghe vậy, chị cũng có một thoáng tư lự. Nhưng rồi chị nói "Ông Charles goá vợ đã lâu, hiện ổng có hai đứa con gái đang học đại học và ở nội trú. Ông có một căn nhà vừa ở vừa cho mướn. Lương bổng của ổng cũng khá cao, chỉ vài năm nữa là ổng về hưu. Ổng còn nói với chị, trước kia ổng cũng đã có girlfriend ở chung với ổng."
Tôi túm lấy câu nói của chị Quỳnh, nói liền "Nghĩa là trước khi đến với chị, ông Charles đã sống tạm bợ với nhiều người khác, vậy chị đừng tin vào sự chung thủy của người ta nha. Chị vào nhà ổng ở, giống như thay thế cho cô bồ cũ của ổng. Có ngày ổng đuổi chị ra khỏi nhà đó."
Có lẽ vì sự nhắc nhở của đám chúng tôi, chị Quỳnh nằng nặc đòi ông Charles đi mướn apartment để sống chung. Ông Charles đành chìu chị, cho mướn nốt phần nhà của ổng, rồi thu xếp đi theo chị Quỳnh đến ở trong một căn chung cư chập hẹp. Diện tích chỗ ở bị thu nhỏ lại nhưng ông Charles không phàn nàn điều gì cả. Với họ, chỗ ở càng chật, càng ấm nồng hạnh phúc, tôi chắc vậy.
Mặc dù họ không ra toà thị chánh làm hôn thú, chị Quỳnh và ông Charles dẫn nhau về VN làm đủ lệ bộ cưới xin với họ hàng của chị.
Chị Quỳnh mang tập album ra khoe với chúng tôi về những tấm hình của họ ở Việt Nam. Chị chỉ vào tấm hình ônng Charles trong bộ áo dài khăn đóng của chú rể, mồ hôi rịn trên mặt, cao lêu nghêu giữa đám họ hàng nhà vợ. Đứng bên cạnh ông Charles, hẳn nhiên cô dâu Phương Quỳnh Thi tươi tắn và xinh đẹp rồi.
Tôi vừa lật cuốn album của chị vừa hỏi về cuộc tình của hai người
"Ủa, mà sao chị quen được với ông Charles" Chị đừng có nói là ổng biết hát Karaoke VN rồi hai người quen nhau ở quán karaoke nha. "
"Chèn ơi ! Làm sao quen ở quán karaoke hả em. Em biết chị đi làm suốt ngày, overtime mút chỉ thì làm sao có thời gian ra quán. Chẳng qua đến nhà bạn bè party, chị hát chơi vui vui thôi, chứ hảng chị mà mở cửa 7 ngày chắc chị dám mang cái sleeping bag đến đó ngủ đặng làm 7/7 luôn đó em.
"Vậy chứ làm sao chị quen với ông Charles" Hai người không làm chung với nhau, ở hai khu vực khác nhau thì làm sao biết nhau mà yêu "" Tôi tò mò hỏi.
"Duyên trời định em à."
Tôi thích thú dõng tai lên nghe Love Story Tình Muộn.
Số là chị bị đau cảm, chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Đứng ở quầy bán hàng, chị than thở với bà dược sĩ về cuộc sống độc thân của chị, khi đau ốm không có người chăm sóc hỏi han, muốn cạo gió giác hơi mà chẳng ai đến giúp vì chị ở xa đám bạn bè quá. Ai dè, ngày hôm sau ông Charles đến mua thuốc ở đó. Bà dược sĩ nói với ông Charles "Ông là đàn ông, ông còn có thể chịu đựng được những cơn đau, chứ tôi có cô khách độc thân bị bệnh, nằm chèo queo một mình, cần người thăm hỏi mà không có ai phôn đến kia kìa."
Không biết nghĩ sao, ông Charles hỏi xin số điện thoại của chị.
"Kể như bà dược sĩ ấy làm mai tốt tay thiệt." tôi nói.
Sau hai tháng liên lạc với nhau trên phôn, kế tiếp là giai đoạn hẹn hò gặp mặt. Ôi trời, nghe kể về buổi hẹn đầu tiên của chị Quỳnh và ông Charles, mọi người cười ngất. Thông thường ở buổi đầu tiên hò hẹn, những đôi tình nhân luôn chọn những chỗ tình tứ thơ mộng như quán cà-phê hay công viên hoặc bên dòng sông, mé nước, lùm hoa (để chàng còn rút trong túi ra bài thơ Mộng Dưới Hoa nữa chứ!) Đằng này hai người hẹn nhau ở trạm xăng, là điểm giữa quãng đường của nhà họ. Đã vậy thì thôi đi, chị còn khai thêm; khi bước xuống xe, trên tay mỗi người cầm theo một cuốn tự điển!
"Tình yêu hải ngoại có khác." Bọn chúng tôi cười bò ra, "Vậy chứ, thời gian quen biết nhau mấy tháng qua, hai ông bà nói chuyện trên phôn thì sao" ai thông dịch""
"Đâu có ai thông dịch, chị biểu ổng đánh vần chữ nào ổng muốn nói với chị, chị viết xuống, tra tự điển xong, chị mới trả lời."