Hôm nay,  

Rau Muống Xào Dầu

27/02/200900:00:00(Xem: 196708)

RAU MUỐNG XÀO DẦU

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 2544-16208621 vb622709

Tác giả là cư dân Nam California, viết văn làm thơ theo kiểu tài tử. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một kỷ niệm vui mà... hú hồn  của mấy chàng bạn  H.O. độc thân thời mới định cư.

***
Tiếng chuông điện thoại nhà reo một, hai, rồi ba lần mà tất cả mọi người trong nhà tôi  vợ tôi, bốn đứa con tôi, và tôi - không một ai chịu bắt điện thoại. Bây giờ đã là tám giờ tối. Nhà tôi lúc nào cũng ăn cơm sớm nên giờ này mỗi người ai nấy đang chui vào thế giới của mình sau khi ăn: Vợ tôi xem Paris By Night số mới nhất #1036, hai cô con gái trên Internet, một cô trong phòng tắm ngắm gương làm điệu, cậu con trai út cũng đang trên Internet chơi "game", còn tôi thì đang đọc báo. Ở những giây phút thiêng liêng như thế này thì mọi người trở nên lãng tai và đều thi gan xem ai là người cuối cùng chịu không nổi tiếng chuông đứng tim thì phải bắt điện thoại lên nghe.  Vợ tôi thì cho dù có đạn pháo kích ngang tai cũng chỉ nghe tiếng nhạc mà không nghe tiếng chuông; ba cô con gái đứa nào cũng có điện thoại cầm tay nên biết rằng bạn bè tụi nó không bao giờ gọi tìm qua điện thoại nhà; cậu con trai út không bao giờ có bạn gọi điện thoại nên không có lý do gì bắt lên; và tôi thì hầu như không bao giờ gọi ai mà cũng chẳng ai gọi mình nên nghĩ chuông reng chỉ là quảng cáo.
 - Reng... Reng.... Đến lần chuông reng thứ năm thì  cậu con trai út của tôi nhắc điện thoại  và rồi tôi nghe nó gọi réo từ trên lầu xuống:
- Bố ơi, phone.
- Ai vậy"
- Coong khôn piết. Thằng con tôi đẻ ở Mỹ nên nói tiếng Việt không khác gì một cậu Mỹ con.
- Bác Trúc hay chú Diệp" Ai mà gọi điện thoại tôi ở nhà thì chỉ có anh hay em trai tôi.
- Khôn fải đââu.
Có hỏi nó thêm đi nữa thì cũng chẳng tìm ra được gì hơn. Không phải vì nó kín miệng như phi công Mỹ bị bắn rơi ở Bắc Việt khi bị bắt không tiết lộ điều gì khi bị tra tấn, nhưng tại vì nó không hiểu tiếng Việt nhiều. Có một lần tôi ngồi ở bàn ăn, thấy nó đứng gần tủ lạnh nên nói nó lấy hộ bát chè. Không thấy nó mở cửa tủ lạnh mà lại trở về  bàn ăn làm tôi bực mình vì thằng  con ..mất dậy không làm theo lời bố bảo. Chưa kịp chửi  thì nó xách cái ghế ở bàn ăn khiêng lại cho tôi. Chỉ cần có vài giây thắc mắc tại sao nó mang cái ghế mà không mang bát chè là tôi khám phá ngay ra lý do rồi bật cười không nhịn được. Nó không hiểu chữ "chè", và thay vì lấy chè thì nó lấy cho tôi "chair", cái ghế.
- Hello"
- Anh Ngọc đó hả"
- Tôi là Ngọc đây. Xin lỗi ai đấy"
- Em Phong nè anh.
- Phong  nào" Tôi hỏi lại cho kỹ vì vẫn không nhận ra giọng ở bên kia đầu dây.
- Phong ở nhà thờ.
- À, Phong khỏe không" Mấy lúc này đi làm ra sao. Có chuyện gì không  Phong"
- Hồi nãy em nấu cơm, xào chảo rau muống với kho mấy miếng thịt. Em, anh Hải với bạn ảnh là anh Tâm ở trên San Jose xuống chơi, ăn xong rồi không biết tại sao ba người ai nấy đều bị đau bụng hết. Em có gọi ông Mục sư nhưng không thấy ai ở nhà nên em gọi cho anh.
- Em chắc là ăn xong rồi mới bị đau bụng hay đau bụng trước khi ăn"
- Chắc mà. Ăn xong ngồi nghỉ chút xíu thì anh Tâm than đau bụng trước, rồi đến anh Hải, rồi đến em.
- Được rồi, để anh chạy qua.
Lên trên lầu thay quần áo, tôi nói với vợ tôi người gọi điện thoại là Phong ở nhà thờ cần giúp đỡ, bị đau bụng mà không hiểu tại sao nên tôi phải đi đến nhà, không biết lúc nào sẽ về. Vợ tôi thì bây giờ Thế Chiến Thứ Ba có bùng nổ cũng chẳng biết vì đang mải mê xem Paris By Night, dặn tôi lái xe cẩn thận vì trời đã tối. 
Nhà tôi cách nhà Phong ba mươi phút lái xe. Trên xa lộ tối đen, tôi nhớ lại những ngày còn độc thân và những năm đầu tiên khi mới lập gia đình. Thì giờ của tôi phần đông là sinh hoạt với Hội Thánh. Ngoài việc đi nhà thờ thường xuyên vào sáng Chủ nhật, những ngày khác tôi bận rộn hướng dẫn và chia sẻ Kinh Thánh với thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, hay phụ giúp những gia đình Việt Nam mới sang Mỹ cần giúp đỡ. Đó là lý do mà Phong sau khi gọi Mục sư không thấy ai trả lời thì gọi cho tôi. Phong là người Rạch Giá, ở Việt Nam không đi học làm nghề tay chân, sang Mỹ hai, ba năm nay theo diện đoàn tụ gia đình. Ở chung apartment hai phòng ngủ với Phong là anh Hải, sang đây cũng đã vài năm theo diện H.O. Cả hai rất vất vả trong việc hoà hợp vào đời sống Mỹ, lý do chính yếu là vì ngôn ngữ bất đồng. Phong ở Rạch Giá phát âm tiếng Việt với giọng địa phương khá nặng, "bắt cá gô bỏ gổ", không phát âm được âm "r" mà ở Việt Nam lại không đi học nên ở Mỹ nhìn tiếng Anh như rồng bay phượng múa, chỉ ngắm mà không bắt chước phát âm cho giống được. Anh Hải thì ở Việt Nam khi đi đánh chiến trường chắc nghe nhạc Chế Linh nhiều quá nên học bao nhiêu tiếng Anh cũng không thể nào hấp thụ. Mỗi lần ở nhà chuông điện thoại bắt lên mà đầu dây bên kia là người Mỹ bán quảng cáo, anh ấy sợ còn hơn là chỉ có một mình canh gác đồn đang bị bao nhiêu sư đoàn địch vây hãm.
Thấm thoát tôi đã đến apartment Phong ở. Bước vào nhà việc đầu tiên tôi để ý là căn nhà hơi tăm tối, anh Hải và bạn đang ngồi thừ người ở ghế sa-lông ngoài phòng khách.
- Hello Phong. Anh Hải khỏe không. Chào anh, tôi là Ngọc. Tay đưa bắt tay bạn anh Hải, tôi nói tiếp:
- Anh tên gì ạ"
- Tôi là Tâm, bạn Hải. Ở San Jose xuống chơi. Ngày xưa tụi tui đi lính cùng chung đơn vị.
- Hổng biết thằng Phong nó nấu món gì mà ăn xong tui thấy đau bụng anh Ngọc ơi.
- Anh đau nặng không"
- Không nặng đâu anh. Bây giờ thì thấy nó lâm râm thôi.
Quay qua Phong, tôi hỏi:
- Rau muống Phong mua lúc nào, có tươi không"
- Em mới mua hôm Chủ Nhật. Từ hôm đó đến giờ em bỏ trong tủ lạnh mà, đâu có hư đâu.
- Em xào bằng dầu gì" Cho anh xem được không"
- Dầu này em mua ở chợ 99, xài hoài mà đâu có sao. Vừa nói, Phong vừa cúi xuống tủ dưới bồn rửa bát trong nhà bếp, lấy ra cho tôi xem bình dầu plastic hình chữ nhật mầu vàng. Nhìn cái bình Phong đưa, tôi giật nẩy người vì đó là bình nước giải nhiệt chống đông lạnh antifreeze coolant cho xe hơi:
- Em dùng dầu này hả" Bình này là nước giải nhiệt cho radiator xe hơi mà.
- Chết cha rồi, thiệt không anh Ngọc. Vừa nói Phong vừa ngồi xuống, lấy cũng ở tủ dưới bồn rửa bát một bình plastic chữ nhật mầu vàng khác, không khác gì bình antifreeze coolant, nhưng lại là dầu nấu ăn với chữ Tầu và tiếng Anh.
- Ai để bình này ở đây đây" Anh Hải hả"
Anh Hải gật đầu tiu ngỉu:
- Xe tao hôm qua bị thiếu nước, hồi sáng tao đi mua nước đổ vô bình, còn dư nên tao đem để trong đó.
Hai bình giống nhau hoàn toàn, từ mầu vàng đến kích thước, chỉ khác chữ in trên bình. Phong trong lúc sơ xuất không để ý lấy bình nước giải nhiệt xào với rau muống mà  tưởng là dầu ăn. Tôi đọc vội qua hàng chữ tiếng Anh in trên bình nước giải nhiệt: Sẽ bị thương hoặc chết nếu uống hay hít hơi vào (Harmful or Fatal if swallowed or inhaled).
- Mình phải đi nhà thưong ngay bây giờ. Mấy anh ăn rau muống với nước giải nhiệt xe hơi thay vì dầu ăn. Nước này độc lắm.
- Trời ơi, sao mày ngu quá vậy Phong. Anh Tâm nói. Dầu ăn không xài lại lấy nuớc giải nhiệt xài.
- Ngu gì cha nội. Ai ngu bỏ cái bình nước này vô tủ nhà bếp chỗ nấu ăn. Anh coi nè, hai cái bình không khác nhau một tí nào, cái mầu nó cũng giống:  vàng vàng xanh xanh như dầu ăn, buổi tối đổ vô chảo tui đâu có để ý....
Tôi đọc lại phần cảnh cáo in trên bình: Nếu uống phải liên lạc với bác sĩ hay đưa đi nhà thương ngay. Tuy lo lắng, tôi không khỏi cười thầm trong bụng khi nghĩ đến vì bất đồng ngôn ngữ, chỉ vì không hiểu Anh Văn mà gây bao nhiêu tai hại cho người ngoại quốc khi mới đến sinh sống trên nước Mỹ. Phong ngại đọc tiếng Anh nên chắc có lẽ không nhìn chữ ngoài bình, cứ tưởng là dầu ăn mà đổ vào chảo rau muống xào.
Khi mới định cư ở Mỹ vào mùa Halloween lần đầu tiên trên xứ người, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về phong tục đi xin kẹo vào ngày cuối cùng của tháng 10. Anh của tôi có một con trai tên là Trí, lúc bấy giờ nó được năm tuổi. Khi chiều đến, một nhóm con nít đầu tiên đến nhà gõ cửa xin kẹo, miệng hét lớn: "Trick or Treat"" Không hiểu tục lệ Halloween, và cũng không hiểu mấy đứa bé nói gì,  anh tôi lại tưởng mấy đứa bé là bạn con mình đến hỏi thăm nó nên ở trong nhà anh tôi hét lên trả lời: "Trí is not here!" Mấy đứa bé tối hôm ấy bị một phen khủng hoảng không biết gã ngoại quốc  nói gì, năm sau tởn đến già không dám đến nhà của "Chinaman" này nữa!  


Ba người leo lên xe. Tiếng đóng cửa làm tôi chợt tỉnh ra là không biết chở họ đến nhà thương nào vì cả ba người không ai có bảo hiểm y tế: Phong làm bồi bàn cho một nhà hàng Việt Nam lãnh tiền mặt, còn anh Hải thì nghỉ mấy tháng đang xin tiền trợ cấp tàn tật disability. Dân chúng Mỹ có đời sống phong phú hàng đầu thế giới, ấy thế mà khi nói về vấn đề y tế, nước này có lẽ là quốc gia duy nhất không có bảo hiểm đồng nhất và không có bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người. Phần lớn các quốc gia trên thế giới dân chúng ai cũng có bảo hiểm y tế, bệnh thì đến nhà thương của chính phủ chữa trị. Hay như ở Canada, nhà thương là của tư nhân, dân đến nhà thương tư chữa trị, chính phủ trả tiền cho nhà thương, ai cũng có bảo hiểm. Ngược lại ở Mỹ hơn 47 triệu người không có bảo hiểm y tế vì tiền mua bảo hiểm quá đắt. Chỉ có người đi làm mới mua bảo hiểm tư vì chủ trả giúp một phần lớn, và một một số ít người nghèo, già cả...đi nhà thương công của chính phủ.
Tôi đi làm cả chục năm nay nên có bảo hiểm, vợ chồng con cái nếu bệnh thì đến nhà thương Kaiser gần nhà thành ra chỉ biết có mỗi một nhà thương đó mà không để ý đến nhà thương nào khác. Bây giờ đổ ra việc, phải đến một nhà thương khác làm tôi khựng lại không biết  đi đâu. Suy nghĩ vài phút, cứu người hơn cứu hỏa, tôi chở ba người đến nhà thương gần nhất ở khu này, chỉ cách apartment có mười  phút. Đậu xe ngay trước cửa Khẩn Cấp Emergency, tôi bảo ba người ngồi xe chờ. Gặp một người ngay cửa, tôi hỏi:
- Chào ông. Tôi có ba bệnh nhân uống phải nước độc cần chữa gấp rút.
- Họ có bảo hiểm y tế không"
- Không....
- Tụi tôi không nhận vì đây là nhà thương tư.
- Cho dù là họ sắp chết" Tôi hỏi đùa
- Ừ, vì nếu nhận họ vào không có bảo hiểm thì tụi tôi chết ...trước. Ông kia cũng đùa, và nói tiếp:
- Anh chở họ đến nhà thương công này, đây là địa chỉ....
Tôi trở ra xe. Ba gương mặt thểu não chăm chú theo dõi tôi từ trong xe, nhốn nháo hỏi:
- Sao rồi anh Ngọc"
- Mình không "dzô" được hả"
- Đây là nhà thương tư, họ không chịu chữa. Bây giờ mình phải đến nhà thương của chính phủ.
May cho chúng tôi, nhà thương công cũng gần đó. Nhìn dáng xập xệ ở bên ngoài, tôi biết ngay đây chỉ là một clinic nhỏ, không phải là nhà thương lớn nên đoán chắc họ sẽ không chữa trị mà lại gửi chúng tôi đến một nhà thương khác.
Bốn chúng tôi bước vào và gặp ngay một cô y tá. Tôi lập lại câu chuyện:
- Tôi có ba bệnh nhân uống phải nước độc antifreeze coolant  cần chữa gấp rút. Họ không có bảo hiểm y tế.
- Oh my God! Nước này độc lắm. Để tôi gọi bác sĩ trực. Anh chờ một chút.
Vài phút sau cô ta trở lại với ông bác sĩ:
- Mấy người này uống antifreeze coolant" Uống nhiều không" Bao lâu rồi"
- Dạ chỉ mới đây thôi. Tôi  không biết "nhiều" là bao nhiêu" Họ tưởng lầm là dầu ăn nên xào với rau....
- Antifreeze coolant là chất rất độc, có thể giết người. Nhà thương chúng tôi ở đây không trang bị đủ dụng cụ máy móc và nhân viên để chữa cho họ được. Phải bơm bao tử ra không thì trễ. Anh phải chở họ đến nhà thương USC, đây là địa chỉ.... Anh đi nhanh đi, tôi sẽ gọi cho USC báo cho họ biết anh đang trên đường đến để họ chuẩn bị khi anh đến là chữa ngay...
Tôi cám ơn ông bác sĩ, quay gót trở ra xe với ba cái đuôi lẻo đẻo theo sau.
- Bây giờ sao anh Ngọc"
- Đúng như tôi dự đoán, nhà thương này không đủ máy móc chữa nên họ gửi mình xuống nhà thương lớn gần downtown Los Angeles .
- Ông bác sĩ nói có sao không anh Ngọc"
- Ổng nói số mấy anh chết trước tôi. Trong giây phút thập tử nhất sinh, tôi vẫn không nén lòng nói lên một câu giễu cợt.
- Nói giỡn chứ ông bác sĩ nói rất nguy hiểm, bây giờ mình đến nhà thương này cho họ bơm ruột ra.
- Trời ơi, cái gì đến bơm ruột lận. Ghê dữ vậy.
- Một là để người ta bơm ruột, hai là để tự nhiên...chết vì nước độc, không làm gì hết, mấy ngày sau xác nó tự nhiên bơm phình lên một mình, mấy anh muốn cái nào"
 Con đường từ nhà thương này đến nhà thương USC cũng khá xa, khoảng 30 phút lái xe. Tôi lái xe bạt mạng 80 miles một giờ, hy vọng cắt được phút nào hay phút đó. Bây giờ cũng đã gần 10 giờ đêm, lái xe khẩn cấp đến nhà thương trong đêm tối làm tôi nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên chở vợ tôi đi sanh cô con gái đầu lòng. Trời cũng tối khuya như thế này. Vợ tôi nhăn nhó vì đau bụng, ba bệnh nhân của tôi bây giờ cũng đang đau bụng. Tôi trong tình trạng khẩn trương không biết làm gì cho vợ bớt đau, bây giờ cũng thế. Vợ tôi thúc tôi lái xe nhanh lên, ba bệnh nhân này cũng muốn tôi đến càng sớm càng tốt. Tôi lo lắng không biết trong lúc sanh vợ tôi có bị nguy hiểm gì không, bây giờ tôi cũng lo ngại cho ba người này khi bơm ruột thì mệnh hệ ra sao. Vợ tôi là con gái nên nước da trắng, khuôn mặt cũng dễ nhìn nên càng nhìn nàng thống khổ tôi càng thấy thương hại, ba anh này nước da.... Ấy chết, sự so sánh giống nhau đến đây là chấm dứt. Ba người đàn ông trong xe tôi nước da ngâm đen, da nhăn nheo vì nếp sống khắc khổ ở Việt Nam, mỗi người ngồi một chỗ trong xe tay ôm bụng vì cơn đau hoành hành, yên lặng không nói một lời nào.
Chẳng mấy chốc tôi đến nhà thương USC.  Vừa bước chân vào khu Khẩn cấp Emergency, còn đang ngớ ngẩn không biết đến chỗ nào thì một bà y tá đến hỏi tôi:
- Anh có phải mang ba người uống nước độc antifreeze coolant ở nhà thương trên Van Nuys gửi xuống không"
- Chính là tôi.
- Các anh theo tôi.
Theo bà ta qua vài hành lang, chỉ trong chốc lát là tôi đến một khu vực mà cảnh vật trước mắt  làm tôi ngạc nhiên vô cùng: Một đống y tá  bẩy tám người, và có lẽ có vài bác sĩ nữa, tất cả đã đứng chờ sẵn chúng tôi với ba cái giường lăn có bánh xe . Cảm giác đầu tiên của tôi khi thấy cảnh tượng này như là thành phố Hiroshima vừa bị dội bom nguyên tử, các bác sĩ và y tá tập trung vào một nơi để chờ hàng nghìn bệnh nhân cháy nám thập tử nhất sinh sẽ lũ lượt được đưa vào. Chỉ khác một tí là thay vì cả nghìn bệnh nhân, ở đây chỉ có ba người, và thay vì bị dội bom nguyên tử, họ mới ăn rau muống xào nước độc.
Một ông bác sĩ đến hỏi tôi đầu đuôi câu chuyện. Tôi lại phải lập lại từ đầu cho ông ấy nghe. Ông ấy cũng hỏi tôi ba người này uống bao nhiêu và tôi có đem theo cái bình antifreeze coolant ấy theo không để ông ấy xem. Tôi xin lỗi ông ta là không mang bình ấy đi theo vì ngày mai họ còn phải nấu ăn nữa. Lúc này thì những người y tá tẻ ba người ra, bắt họ cởi quần áo, mặc áo choàng nhà thương vào rồi cho mỗi người lên một giường. Tôi lính quính vừa phải thông dịch cho cả ba, vừa phải điền giấy tờ tên họ mỗi người mà tôi dùng thẻ lái xe trong ví họ để điền vào cho nhanh. Vì không ai có bảo hiểm y tế, nhà thương này là nhà thương công chữa cho họ miễn phí. Ba người bây giờ nằm trên ba giường song song  với nhau, chung quanh dây ống chằng chịt và họ bắt đầu kéo màn ngăn kín mỗi người để không ai nhìn vào. Mỗi một giường là mỗi một trạm mà y tá bây giờ thi đua nhau nhét ống ny-lông vào hai bên mũi của từng người rồi đẩy vào tận trong lồng ngực. Ba người ai nấy mặt mày tái mét, nỗi kinh hoàng hiện rõ trên nét mặt. Tôi tội nghiệp cho hai anh lính sang đây diện H.O. Bao nhiêu năm đánh nhau, bao nhiêu năm bị bỏ tù không bị tử thương nơi chiến trường, không bị xả thân nơi rừng thiêng nước độc, vậy mà bây giờ qua Mỹ ở cái xứ an lành này lại có thể bỏ mạng sa tràng chỉ vì món rau muống xào. Ít ra tử trận nơi chiến trường còn được anh dũng bội tinh với nhành dương liễu, còn chết vì món rau muống"
Tiếng ọ oẹ rống lên liên tiếp vì nước bơm/hút qua mấy ống nhựa làm cả ba khó chịu vì ống thông sang đường mũi. Bước ra ngoài ngồi đợi mà chính tôi cũng rùng mình khi nghĩ đến nếu tôi đang bị bơm ruột như họ. Lúc nãy tôi để ý mấy cô y tá làm mạnh tay lắm. Hay là mười mấy năm nước Mỹ đánh nhau ở Việt Nam, thua trận phải rút lui nên bây giờ thấy có mấy anh chàng Việt Nam nên mấy cô y tá nhân cơ hội trả thù" Ngày xưa máy bay thả bom napalm cháy rừng để khai quang thì bây giờ họ cho nước ...lụt  phèo phổi cho sạch" Ngày xưa mấy anh cho nước Mỹ chúng tôi thua trận thì bây giờ chúng tôi cho mấy anh chết....
Tôi ngước nhìn đồng hồ. Đã gần 12 giờ đêm. Tôi đã gọi và báo cho vợ tôi biết là sẽ ngủ lại đêm trong xe vì tôi có chiếc xe van có thể ngả băng ghế xuống sàn thành mặt phẳng để nằm. Buổi tối lái xe tôi hay buồn ngủ nên không muốn lái xe 45 phút về nhà, rồi sáng mai phải lái trở lại. Ngồi đợi thêm một tiếng nữa khi họ bơm ruột xong và đẩy cả ba vào phòng để phục hồi qua đêm, tôi ra xe đặt lưng ngủ một giấc cho đến sáng.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi trở lại vào nhà thương. Mọi sự khả quan, ruột của cả ba đã được bơm sạch, tinh sương da gương nên nhà thương cho cả ba về. Cả ba mặt mày xanh xao tái mét như vừa bị con ma tóc dài  rượt suốt đêm ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Nhà thương này gần Chinatown của Los Angeles nên tôi rủ cả ba đi ăn phở cho lại sức. Ai cũng đồng ý.
Bốn bát phở nóng tỏa mùi thơm ngây ngất sau khi anh bồi bàn đặt trên bàn.
Cả bốn người gắp bánh phở lên ăn một cách ngon lành.
NGUYỄN TÀI NGỌC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,267,381
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến