Hôm nay,  

Tà Áo Dài Trong Ngôi Trường Mỹ

09/02/200900:00:00(Xem: 179359)

Tà Áo Dài Trong Ngôi Trường Mỹ

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 2528-16208605 vb220909

Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Hưng Cao đã góp thêm nhiều bài viết đặc biệt. Bài viết mới của ông được viết vào ngày Mùng 2 Tết Kỷ Sửu 2009.
 
***
                                                                 
Những làn gió xuân đang thổi về mang theo chút lành lạnh dù bầu trời vẫn trong xanh không một gợn mây. Ánh nắng nhè nhẹ đang tỏa khắp miền Nam Cali như đón chào người người từ khắp nơi đổ về Little Saigon để vui chơi trong những ngày Tết.  Ngoài tiếng trống múa lân, tiếng pháo nổ đì đùng, cùng với bao nhiêu gian hàng bánh mức, trái cây, chợ hoa Xuân và hội chợ Tết, năm nay có lẽ mọi người cảm thấy bộ mặt của thủ đô      tị nạn này có một cái gì đó mới mẻ và cảnh sắc dường như tươi tắn, rộn ràng hơn.  Đó chính là nhờ bóng dáng của những lá cờ vàng ba sọc đỏ lần đầu tiên được phất phới tung bay bên cạnh lá quốc kỳ của Hoa Kỳ trên những cây cột đèn trong dịp Tết Kỷ Sửu năm nay. 
Vào ngày đầu năm, tôi lái xe dọc theo những đại lộ quen thuộc mà tôi đã đi qua gần như mỗi ngày, nhưng hôm nay lòng tôi chợt dâng lên một cảm xúc bồi hồi vui buồn lẫn lộn.  Buồn vì lại thêm một cái Tết nữa cũng như hai mươi cái Tết đã trôi qua, khi tôi không còn được đón xuân ở quê mẹ Việt Nam với bao nhiêu nỗi háo hức, đợi chờ và được tắm mình trong không gian tràn ngập những hương sắc đặc biệt của những ngày đầu xuân.  Vui vì niềm tự hào với sự lớn mạnh và những thành quả của cộng đồng Việt Nam đã đạt được trong hơn ba mươi năm qua ở xứ người trong mọi lĩnh vực từ văn hóa, kinh tế đến chính trị, v.v.... Chính vì sự lớn mạnh của cộng đồng Việt nam mà  chính quyền địa phương dễ dàng chấp thuận cho việc treo lá cờ vàng trong những ngày đầu năm Kỷ Sửu.  Xin cho tôi, một người Việt tị nạn bình thường, được gởi những lời tri ân đến những người đã có công âm thầm vận động cho việc treo cờ. Hình ảnh những lá cờ vàng thân yêu phất phới bay trong gió càng tô đẹp thêm cho những ngày Tết, dù chúng ta đang đón một mùa xuân cách xa quê hương hàng ngàn dặm.
Ở một nơi không xa trung tâm Little Saigon, nằm về hướng nam, có một ngôi trường tiểu học mang tên Ethan Allen, mà tôi muốn dành phần lớn bài viết để ghi lại một "sự kiện" đặc biệt mà tôi vừa có dịp tham dự. Trường Ethan Allen cũng như bao ngôi trường tiểu học khác trên nước Mỹ, ngoại trừ một điểm đặc biệt là vì nằm trong khu đông dân cư người Á Châu sinh sống, nên phần lớn học sinh trong trường là người Việt Nam.  Người đầu tiên tôi muốn viết đến là bà Hardin, hiệu trưởng của trường.  Có lẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn nguồn gốc văn hóa, đặc biệt ở một trường có đông học sinh Việt Nam như ở đây, nên bà đã sốt sắng giúp tổ chức ngày đón Tết Kỷ Sửu ở trường vào đúng ngày mùng hai Tết.
Buổi sáng khi đưa hai đứa con đến trường, nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ Mỹ trong chiếc áo dài đứng ở lối dành cho "drop off" học sinh và đưa tay vẫy chào từng phụ huynh với lời chúc mừng "Happy New Year" thì quả là một hình ảnh thật đẹp.  Không chỉ riêng ngày hôm nay, tôi đã từng thấy bà hiệu trưởng thường ra đứng nơi đây để giúp các em học sinh bước ra khỏi xe hay đích thân đóng cửa xe lại giúp các em.  Tất cả những việc làm dù nhỏ đó nhưng đã tạo ra một hình ảnh thật gần gủi, bình dị của một người hiệu trưởng nơi đây, so với những ông hiệu trưởng khắc khổ, nghiêm nghị mà tôi vẫn còn nhớ ngày xưa lúc còn đi học ở Việt nam.
Hai người kế đến tôi muốn viết với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ về sự đóng góp nhiệt tình, hỗ trợ về vật chất và đặc biệt về tinh thần là vợ chồng anh chị Việt Thảo và Ashley.  Tôi chưa bao giờ gặp anh Việt Thảo ở ngoài đời, chỉ biết đến anh qua những lần xem anh làm MC trong những chương trình văn nghệ của trung tâm băng nhạc Vân Sơn.  Phải nói nếu không có sự kêu gọi, đứng ra tổ chức của anh chị Việt Thảo và Ashley, thì buổi lễ đón Tết khó mà thành công tốt đẹp như ngày hôm nay. 
Mấy ngày hôm trước, nhân lúc đưa vợ tôi đến trường để cùng với các phụ huynh khác chuẩn bị phần thức ăn cho các em, tôi tình cờ gặp chị Ashley đang chở một xe van từ nước uống, đến bánh mức tới trường.  Nghe nói từ nhiều hôm trước, chị đã phải bỏ nhiều thời gian để đi lựa đồ ăn và đặt mua ở các nơi với hy vọng các em và phụ huynh đến dự buổi lễ đón Tết đều có thể thưởng thức những thức ăn đặc biệt của ngày Tết như bánh tét, chả giò, tôm hoả tiển, dưa hấu,...  Thật cảm động khi nghe nói anh chị phải bỏ thêm tiền riêng vào đóng góp để cho mỗi em học sinh, thầy cô giáo cũng như một số phụ huynh có mặt ai cũng nhận được một bao lì xì.  Những món tiền lì xì tuy nhỏ, nhưng với hơn 600 em học sinh, các thầy cô giáo và quan khách tham dự lên đến hơn 1000 người, mỗi người đều hân hoan cầm một bao lì xì đỏ trong tay, tượng trưng cho sự may mắn đến cho cả năm.  Đứng lẫn trong đám đông phụ huynh và các em học sinh, tôi thật cảm động khi nghe một cháu gái quay sang nói với cô bạn ngồi cạnh bằng tiếng Anh:
"Đây là lần đầu tiên tao nhận được bao lì xì đỏ đó.  Lần trước bố tao chỉ rút bóp lấy tờ 20 đô cho tao thôi."
Không biết cháu bé nhận được bao nhiêu tiền trong số những chiếc bao lì xì đựng những tờ giấy từ 1 đô cho đến 100 đô, nhưng một điều tôi biết chắc rằng cháu rất vui khi nghe anh Việt Thảo giải thích về ý nghĩa của bao lì xì màu đỏ này.  Dù cho cháu chỉ có nhận được một đồng đi nữa, nhưng kèm theo là niềm ao ước của cháu cho sự may mắn đến với mình trong suốt cả năm có lẽ quan trọng hơn là số tiền lớn hơn nhận được từ bố cháu năm rồi. 


Nhìn thấy anh Việt Thảo súng sính trong chiếc áo dài khăn đóng chạy tới chạy lui để lo điều khiển chương trình, tôi mới thấy hết sự chu đáo và khả năng tổ chức của anh.  Dù trời hơi lạnh với những làn gió mùa Xuân vẫn thổi mạnh làm bay phất phơi những lá cờ, những bông mai, cành đào được trang điểm xung quanh một sân khấu được dựng tạm trên sân trường, trán anh lấm tấm những giọt mồ hôi. Anh đang hết mình giúp vui cho các em học sinh, thầy cô và khách tham dự với những câu nói bông đùa thật vui đem lại nhiều tràng cười cho các em và khách tham dự.  Những tràng "pháo" giả nổ rộ từ những đôi môi bé nhỏ xinh xinh của các em cất lên theo nhịp tay anh Việt Thảo vẫy chiếc nón lên xuống nghe thật dễ thương.  Có lẽ đây là những "tràng pháo" hay nhất mà tôi được nghe qua trong đời, khi nhìn thấy các em học sinh đang cùng hoà mình trong những âm hưởng bất tận của mùa Xuân...
Tôi nhìn quanh mà chợt có cảm tưởng như mình đang đứng ở một nơi nào đó trên mảnh đất Việt Nam như vào những lần đi trẫy hội hay đi lễ chùa nhân dịp đầu năm.  Phải rồi, chính nhờ những tà áo dài, áo tứ thân đủ màu sắc đang bay phất phới trong nắng đã gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm xưa.  Từ những vị quan khách trong Hội đồng giáo dục của học khu, đến các thầy cô giáo người bản xứ, các phụ huynh và phần lớn các em học sinh đều được cha mẹ cho mặc những chiếc áo dài, khăn đóng của Việt Nam.  Ngay cả  hai đứa con tôi, khi chúng tôi bảo hai đứa mặc áo dài khăn đóng trong ngày mùng một Tết để đi chúc Tết ông bà, cả hai đứa giẫy nẫy lên không chịu mặc.
"Sao năm nào bố mẹ cũng bắt tụi con mặc áo dài hết vậy"  Mấy đứa cousins của con nó đâu có mặc."   Thằng con trai lớn bắt đầu "lý sự" với tôi.
"Ừ, thì tại tụi nó lớn rồi.  Chắc mấy cô, mấy bác quên mua đồ mới cho mấy anh chị họ của con mặc."  Tôi cố tìm lý do để giải thích cho bọn nhỏ, rồi dụ tiếp,  "Nhưng khi các con mặc áo dài, đội khăn đóng thì ông bà vui hơn vì đỡ nhớ Việt Nam, sẽ cho các con nhiều tiền lì xì."
Con bé nhìn tôi với vẻ hoài nghi, rồi quay sang thì thầm gì với thằng anh nó mà tôi nghe tiếng được tiếng mất.  Tôi đoán chắc nó đang bet (đánh cá) với thằng anh nó là có mặc áo dài hay không cũng được tiền lì xì bằng nhau thôi.
 Vậy mà mới sáng mùng hai hôm nay, hai đứa đã dậy thật sớm để "đóng bộ" áo dài, khăn đóng thật trịnh trọng.  Khi bước từ trên lầu xuống, tôi phải trố mắt nhìn hai đứa đã được mẹ thay đồ xong để chuẩn bị đến trường, để biết chắc mình không nhìn "lộn" con ai. Con bé gái chạy tới bá cổ khoe:
"Bố coi con mặc áo tứ thân đẹp không"  Con Tina bạn con nói hôm nay nó sẽ mặc áo dài màu vàng."
Thì ra bọn trẻ cùng lớp đã xầm xì với nhau từ mấy hôm trước, rủ nhau cùng mặc áo dài hết một lượt thì tụi chúng mới đỡ "mắc cỡ" khi không phải lẻ loi mặc một mình.  Được biết các thầy cô giáo cũng khuyến khích các em học sinh của mình nên mặc áo dài trong ngày hôm nay. Khi chúng còn bé thì đúng là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", nhưng khi lên đến lứa tuổi 9,10 như vầy thật khó mà bắt chúng làm theo ý của mình.  Chỉ riêng một điều này thôi, những tà áo dài xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên nhà trường, cũng đủ làm cho tôi muốn đặt bút viết lên những lời ngưỡng mộ và cảm ơn đến những người như vợ chồng anh chị Việt Thảo và Ashley, mà  tôi muốn được gọi với cái tên thân thương là "những người đi gieo mầm văn hóa Việt". 
 Thật là một giây phút cảm động khi bà hiệu trưởng lên trao tặng anh Việt Thảo món quà kỷ niệm để tỏ lòng biết ơn của bà đến những gì vợ chồng anh đã đóng góp để có được buổi lễ đón Tết thật long trọng và ấm cúng như hôm nay. Anh phát biểu thật chân tình:
  "Tôi muốn được chia sẻ gói quà này đến với tất cả các thầy cô giáo và các em học sinh.  Nếu không có các em, những mầm non của thế hệ mai sau, những lớp người đi trước như chúng tôi sẽ không có động lực và cơ hội để làm những công việc như vầy..."
 Tôi thầm nghĩ đối với những người như anh chị Việt Thảo và  Ashley, sẽ không có món quà nào làm cho họ vui sướng hơn khi nhìn thấy thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên nơi xứ người nhưng vẫn nhớ về  nguồn cội.  Xin được gởi đến anh chị một nhánh hoa đẹp nhất của mùa Xuân năm nay.
  Tôi không thể không  nhắc đến những phụ huynh, những người tôi biết và những người chưa được hân hạnh quen biết, những người đã làm việc âm thầm phía sau "hậu trường" từ nhiều ngày trước đây.  Ngoài việc đóng góp về tài chánh, các phụ huynh này còn phụ lo chuẩn bị đồ ăn cho các em, từ cắt bánh, lột vỏ lá chuối của những đòn bánh tét, cắt dưa hấu... đến dựng cây hoa mai, trang hoàng sân khấu, âm thanh, v.v.v....  Tất cả đều làm việc thật nhiệt tình với những nụ cười luôn nở trên môi và những câu chuyện tâm tình rất "phụ huynh" những lúc cùng đứng cạnh bên nhau.
Tôi cũng được thấy có sự góp mặt của ca sĩ Giáng Ngọc. Chị cũng là một trong những phụ huynh của trường và rất nhiệt tình trong ban tổ chức.  Hôm nay chị thật rực rỡ trong tà áo dài khi trình bày bản nhạc "Trống Cơm" với nhịp điệu thật vui tươi cho mùa xuân.  Những quan khách Việt Nam tới tham dự như luật sư Nguyễn Quốc Lân,Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Garden Grove, và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Uỷ viên Hội đồng Giáo dục, đã nhân buổi lễ đón xuân đặc biệt này để giảng dạy thêm cho các em học sinh về nguồn gốc Lạc Hồng, văn hóa Việt Nam qua những làn điệu múa, cũng như những câu chuyện liên quan đến con trâu trong năm Kỷ Sửu.  Các em học sinh và khách bản xứ cũng nhờ vậy được hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa Việt Nam, tạo thêm mối cảm thông giữa các sắc dân nơi đây.  Buổi lễ đón Tết năm nay quả là một cơ hội quý báu để giới thiệu về ngày Tết và văn hóa Việt Nam, qua những màn trình diễn ca múa, múa lân và biểu diễn võ thuật đến với các em học sinh và những người khách bản xứ.
  Chương trình đón Tết chấm dứt sau gần hai tiếng đồng hồ. Những tà áo dài vẫn phất phới bay theo những làn gió nhẹ, khi các em học sinh toả ra khắp nơi trên sân cỏ của trường, cùng thầy cô và bố mẹ thưởng thức những món ăn Tết của Việt Nam.  Tôi ước mong những tà áo dài hôm nay sẽ tiếp tục bay bay trong gió ở khắp mọi nơi có người Việt Nam.  Biết đâu chừng những cô bé, cậu bé học sinh hôm nay khi lớn lên dù sống ở xứ người nhưng vẫn tìm về nguồn cội và đóng góp cho tương lai mai sau của đất nước Việt Nam, khi lá cờ vàng sẽ được ngạo nghễ tung bay trên mọi miền của đất nước trong nắng ấm mùa Xuân. 
Tất cả bắt đầu từ những tà áo dài của ngày hôm nay trong một ngôi trường Mỹ...
Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,862,280